Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cốt trụ của Đạo. Tuy nhiên đây lại là mầu nhiệm khó hiếu nhất.

1. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Để có một chút ý niệm về mầu nhiệm này, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua những chỉ dẫn của Sách Giáo lý chung của Giáo Hội.

Đây là lời dạy về Chúa Ba Ngôi của Sách Giáo Lý Chung:

“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (234). Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (47).

Trong Tin Mừng, chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đã mạc khải cho chúng ta về Mầu Nhiệm này. Không có sự mạc khải của Chúa Giêsu thì không ai trong chúng ta có thể nói cho chúng ta biết.

Về Thiên Chúa Cha, thì Chúa Giêsu đã nói thật rõ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 1,27)

“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17)

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

Chúa cũng nói về Chúa Thánh Thần mà Người gọi bằng nhiều tên khác nhau: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Và đây là những lời rõ rệt nhất mà Chúa Giêsu nói nói về Ba Ngôi: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,19-20).

2. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm để hiểu nhưng là mầu nhiệm để sống.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm này vì lý trí của con người quá hạn hẹp.

Truyền thuyết kể lại rằng:

Thánh Augustinô – là một vị thánh Tiến sĩ của Giáo Hội – một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa. Tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Cậu bé đang dùng một mảnh sò để đào một cái lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy mà múc nước biển đổ vào.

Nhưng thật là dã tràng xe cát biển đông, em bé đổ nước mãi vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của em bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi xem em đang làm gì, thì đứa bé trả lời không chút do dự:

– Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương để đổ vào cái lỗ này.

Thánh nhân lắc đầu bảo nó :

– Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :

– Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Nói xong câu đó, em bé biến mất. Thánh Augustinô chợt hiểu được điều Chúa muốn dùng em bé để dạy mình cho nên Ngài đã từ bỏ hắn việc suy nghĩ thêm về mầu nhiệm này. “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được” (D.Wahrheit)

Đây là mầu nhiệm lý Chúa và Giáo Hội dạy chúng ta phải tin. Hằng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hoặc các trường hợp khác tương tự khi tham dự các Nghi Lễ Phụng Vụ.

Vậy nghĩa vụ khẩn thiết chúng ta phải có đối với Chúa Ba Ngôi là:

1. Tôn thờ

Chúng ta cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng như một nghĩa vụ khẩn thiết của một thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Hóa, bằng cách luôn hiệp với Hiến Lễ Thánh Thể hằng tiến dâng nơi các bàn thờ trên khắp thế giới, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành hay tham dự Thánh Lễ Misa; đồng thời biến cả cuộc đời chúng ta cùng với Công Nghiệp và Giá Máu Chúa Cứu Thế, thành một Thánh Lễ liên tiếp để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì chỉ có Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô mới có giá trị vô song, tái diễn Lễ Hiến Tế Núi Sọ mới đáng được Thiên Chúa hài lòng chấp nhận. Không bao giờ cố tình tục hóa Đền Thờ bản thân chúng ta đã được hiến dâng cho Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Chúa hủy diệt” (1Cr 3,16).

2. Yêu mến

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, bằng cách không từ chối Chúa điều gì. Luôn làm hài lòng Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, dâng trót tình yêu cho Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: “Con hãy dâng trái tim con cho Cha!” (Prov 23,26) hợp với thánh lệnh Chúa truyền: “Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết tâm hồn con” (Mt 22,37).

3. Biết ơn

Để tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phúc Chúa đã ban, ơn được làm con Chúa, ơn được làm Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, ơn được trở nên Thừa Tác Viên phân phát các mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy cẩn thận bảo toàn ơn thánh đã lãnh nhận, luôn giữ tâm hồn trong sạch sống trong ơn nghĩa Chúa, luôn làm hòa lòng Chúa, không bao giờ xúc phạm đến Chúa, không cố tình phạm bất cứ một tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì phạm tội trọng là trục xuất Chúa Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn, đón rước ma quỉ vào thống trị tâm hồn mình. Hơn nữa, cần phải cố gắng giãi sáng ơn thánh Chúa bằng sống đời gương mẫu thánh thiện, nên chứng nhân chinh phục cho Chúa các linh hồn, để tất cả những ai chúng ta giao tiếp, những ai chúng ta có sứ mạng phục vụ, đều cảm nhận thấy nơi bản thân chúng ta là “Người mang Thiên Chúa trong lòng”.

Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo :

– Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt:

– Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Các bản văn Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hoá loài người của Thiên Chúa. Hoạt động của Chúa Thánh Thần rất phong phú và đa dạng. Nhân lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chúng ta sẽ nói về một số những hoạt động của Người.

A..Trước hết là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử ơn Cứu độ. 

Câu đầu tiên của sách Thánh ghi như thế này: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.  Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.

Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên khi trời đất muôn vật vừa được tạo thành thì Thần Khí TC đã  có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên muôn loài muôn vật và cả con ngưởi.

Rồi trong Tân ước, cũng chính Thần Khí đó luôn có mặt từ lúc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cho đến ngày Giáo Hội được sinh ra.

Thánh Luca ghi lại những giây phút đầu tiên thật cảm động :”Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

CTT hoạt động trong Giáo hội sơ khởi và thực hiện bao nhiêu việc lạ lùng qua các tông đồ như lời của Chúa Giêsu :”Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

Và CTT luôn hiện diện, hoạt động trong Hội thánh và trong mỗi người chúng ta cho đến ngày tận cùng thế giới. (Theo “Con đường hạnh phúc”).

B. Bây giờ chúng ta hãy dừng lại trước biến cố mà sách TĐCV đã tường thuật lại một cách đặc biệt hôm nay. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đố của Chúa.

1. Đầu tiên là đổi mới trí khôn.

Chúng ta biết các Tông đồ xưa là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều nhưng các ngài không hiểu. Vậy mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

2. Thứ đến là đổi mới ý chí.

Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người. Bị đe dọa, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

3. Sau cùng là đổi mới trái tim.

Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao, mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa, tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài không còn tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả hay bên hữu. Nhưng các ngài biết sống nhường nhịn yêu thương. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành những trái tim yêu thương.

Chính vì thế mà khi bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội, Thượng phụ Athénagoras không ngần ngại mà quả quyết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa, Đức Kitô bị khép lại ở trong quá khứ, Tin Mừng sẽ chỉ là những dòng chữ chết. Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường, quyền bính sẽ trở thành một thứ áp bức, và công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc uyên truyền không hơn không kém. Rồi việc tế tự, một trong những sinh hoạt quan trọng nhất trong đạo của chúng ta sẽ chỉ còn là một thứ tưởng niệm và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ.”

Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta.

Đổi mới Trí khôn u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa thành trí khôn biết bén nhạy với Lời Chúa, nhất là với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần

Đổi mới Ý chí bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa thành ý chí biết phục thiện và can đảm làm chứng cho chân lý.

Đổi mới Trái tim nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục thành trái tim quảng đại, biết tha thứ và yêu thương.

Xin được kết thúc bắng một chứng từ rất cảm động đã xảy ra tại một giáo xứ nọ.

Trong giáo xứ tôi có cụ già tên là Thomas ngoài trăm tuổi. Cụ thường sống cô đơn vì các bạn cùng tuổi với cụ đã ra đi. Một hôm cụ lâm bệnh và qua đời. Tôi tự nhủ:

– Chắc không có ai đến dự đám tang của cụ. Vì thế tôi nhất định đến tiễn cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hôm ấy lại là ngày xấu trời, mưa tầm tả. Theo sau xe tang không có một bóng người, đường xá vắng tanh. Khi xe chạy tới cổng nghĩa trang, tôi thấy có một người đàn ông trong y phục quân đội đứng đợi. Ông đi theo xe tang đến huyệt và có mặt trong suốt thời gian an táng. Trước khi hạ huyệt ông đưa tay ngang trán, nghiêm chỉnh chào cụ Thomas như một vị vua.

Chôn cất xong, tôi đi theo ông ra cổng nghĩa trang. Một cơn gió mạnh bay tốc áo mưa, để hộ ra mấy cái huy chương trên áo ông. Thì ra ông không chỉ là một binh lính thường mà còn là một sĩ quan cao cấp. Như đọc được sự tò mò của tôi, ông nói:

– Có lẽ ông ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi hôm nay trước linh cửu của cụ Thomas. Trước đây cụ là thầy dạy của tôi. Lúc đó tôi là một đứa trẻ tinh nghịch làm khổ cụ rất nhiều. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của cụ. Vì thế hôm nay tôi đến tạ ơn và chào vĩnh biệt cụ, với tất cả tấm lòng trìu mến tri ân của tôi đối với cụ

* *

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy đâu là sức mạnh của hạt giống được gieo vào mảnh đất là tâm hồn người đàn ông nầy.

Ai đã làm cho lời giáo hóa và gương sáng của cụ Thomas sinh hoa trái? Đâu là sức mạnh đổi mới tâm hồn đứa trẻ tinh nghịch nên một con người có thế giá?

Đó chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã âm thầm tác động làm cho những lời dạy và tấm lòng tốt của cụ Thomas đem đến những kết quả lạ lùng như thế.

Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận.

Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.

Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn (Ga 10, 16a). Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái (Ga 15, 16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.

Chúng ta không được phép chỉ nhìn trời, nhưng phải nhìn đến những người đang sống quanh ta, đó là người chồng, người vợ, là cha mẹ, con cái, là anh chị em và cả những người hàng xóm, láng giềng, những người hợp ý với chúng ta lẫn những người làm chúng ta khó chịu. Nếu trong một gia đình Công Giáo luôn trên thuận dưới hoà, anh chị em luôn biết tha thứ, đùm bọc yêu thương nhau. Nhất là nếu chúng ta luôn biết quan tâm chia sẻ, nâng đỡ những người hàng xóm, không phân biệt lương giáo những lúc “tối lửa, tắt đèn”, thì tôi thiết nghĩ, đó là cách tốt nhất để chúng ta thông truyền cho mọi người về một Tình yêu phổ quát của Đấng Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả chúng ta.

Vợ chồng họ bán phở trên hè phố đã được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khách. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.

Nhìn thấy bà cụ đến, hai vợ chồng họ vừa bận rộn làm nốt công việc dở, vừa mỉm cười nói với bà cụ:

– Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.

Lát sau, vợ hoặc chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi bóng, buộc lại rồi đưa cho bà cụ. Họ còn không quên nhắc bà cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, sau đó lặng lẽ quay người đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như bà cụ chưa lần nào trả tiền.

Một hôm, tôi không kìm nén nổi sự tò mò, đã hỏi vợ chồng họ. Người vợ thở dài nói:

– Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lăm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến lúc già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả cho lắm, giúp đỡ bà cụ nhiều hơn thì chúng tôi không có khả năng, nhưng chỉ cần bà cụ đến chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.

Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ được bà cụ một bát phở.

Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.

Sau này, trên phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Không vì cái gì cả, tôi chỉ muốn ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ – những người thuộc tầng lớp nghèo túng của xã hội – chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.

Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được. Nhưng bố thí cho người khác với một thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được.

Tóm lại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng thông truyền Tin Mừng bằng chính đời sống công chính, yêu thương, nhường nhịn, tha thứ cho dù chỉ là một câu nói và một tấm lòng mở rộng sẵn sàng cảm thông của chúng ta. Chính đời sống đó sẽ là một dấu lạ cho mọi người nhận ra rằng có một Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể nâng đỡ, từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ trở thành một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Đấng Phục Sinh. Amen.

Một lần nữa chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói về luật yêu thương của Ngài.

1. Tuần trước Chúa Giê-su nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Khi nói như hế Chúa đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Và người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng là bằng tình yêu.

Hôm nay, Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Khi nói như thế Chúa Giê-su đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giê-su không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, mà là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Như vậy chúng ta thấy trong xã hội của Chúa sẽ không còn phân biệt hữu thần với vô thần mà chỉ còn hữu tâm hay vô tâm nghĩa là có trái tim hay không có trái tim

Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ.

Ngược lại người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân.

Một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Một ông lão với bộ râu lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông đang đợi có ai đó giúp đưa ông qua sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Cơ thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơn gió bấc giá lạnh.

Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sương gió. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh. Ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết, ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:

–  Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.

Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:

–  Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.

Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già sang sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.

Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:

–  Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưõi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?

Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:

–  Bác đã ngồi ở đấy một lúc rồi. Bác nghĩ mình biết cách nhìn người. Khi bác nhìn vào mắt những chàng trai kia bác nhận ra ngay là họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.

Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.

–  Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói. – Anh nói với ông lão – Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.

Vâng chúng ta hãy cố đừng để mình trở thành một người xa lạ, vô tâm, vô cảm với những người chung quanh mình. Nhưng hãy trở thành những người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Tôi nhớ có lần Albert Einstein đã nói: “Một cuộc sống vì một cuộc sống khác mới là một cuộc sống xứng đáng.”

2. Còn mẹ Têrêsa: “Hãy trao tặng tình yêu thương ở mỗi nơi bạn đặt chân đến: trước hết là ở ngay chính căn nhà của bạn.

Hãy yêu thương con cái, người bạn đời của bạn, và cả những người hàng xóm…

Hãy đừng để người nào đến với bạn rồi ra đi mà không cảm thấy vui tươi và hạnh phúc hơn.

Hãy là hiện thân cho lòng nhân ái của Thượng Đế bằng cách thể hiện trên nét mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng nhiệt của mình.”

Một câu chuyện nhỏ từ Internet:

Vào một buổi sáng mùa đông, tuyết rơi nặng hạt. Tôi đứng ở một góc phố tối và lạnh lẽo chờ chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày. Cách chỗ tôi đứng không xa, có hai vợ chồng già  cũng đứng chờ xe buýt. Chiếc áo khoác ngoài của họ bị tuyết phủ trắng xóa. Xem ra, họ đứng đợi xe đã khá lâu. Cuối cùng chiếc xe buýt cũng đến. Người lái xe bấm còi, đi lướt qua chỗ hai vợ chồng cụ già rồi dừng lại chỗ tôi đang đứng. Khi tôi vừa bước lên xe, người tài xế cho xe chạy ngay, bỏ lại hai vợ chồng già đứng trong tuyết. Tôi tức giận hỏi:

– Chẳng lẽ cậu không nhìn thấy hai vợ chồng già đó sao?

Người lái xe trẻ tuổi ấy nói:

– Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi làm. Hai cụ già đó là bố và mẹ tôi. Họ đến đây để xem tôi làm việc như thế nào.

Tôi bỗng rưng rưng xúc động.

Xét như thế, thì Nước Chúa thực là rộng lớn. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Jêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Jêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có đền thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quí toả ánh sáng tới khắp muôn dân.

Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim chúng ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Jêrusalem mới cho tình yêu Thiên chúa ngự trị. Amen.

Bài Tin Mừng hôm nay quá quen thuộc, tuy nhiên vẫn có nhiều điều chúng ta có thể nói với nhau.

1. Chúa ban điều răn mới: Phải chăng luật yêu thương bây giờ mới có?

– Không! Luật yêu thương đã có từ lâu, có ngay từ trong Cựu Ước.

Nhưng tại sao hôm nay Chúa lại nói về một giới răn mà Chúa bảo là mới?

– Giới luật yêu thương trong Cựu Ước theo ý của Chúa là giới răn yêu thương “cũ”. Giới răn này cũ không phải bởi hình thức nhưng là cũ trong nội dung. Sở dĩ tôi dám nói như thế là vì giới răn yêu thương trong Cựu Ước mới chỉ có tính cách tiêu cực và rất giới hạn, không những giới hạn trong cách thực hiện mà còn giới hạn trong đối tượng phải thực hiện tình yêu thương: Chẳng hạn như chỉ yêu thương những người yêu thương mình hoặc chỉ yêu thương những người cùng đạo với mình, cùng một tôn giáo với mình v.v..

Trái lại giới răn yêu thương mà Chúa gọi là mới thì có một nội dung sâu xa hơn. Đối tượng của luật đó cũng được mở rộng ra đối với tất cả mọi người kể cả những kẻ thù địch với mình. Đàng khác cách thức thực luật yêu thương thương cũng tích cực và quyết liệt hơn. Phải yêu thương như Chúa yêu. “Yêu như Thày yêu chúng con”. Mức độ Chúa đòi hỏi rất cao, nó không còn nằm ở trong phạm vi lòai người nữa mà phải vươn lên đến Thiên Chúa. “Yêu như Thầy”

2. Thế nào là yêu như Chúa?

a. Chúa không định nghĩa về Tình yêu như Ngài chỉ cho chúng ta cách thức để thực hiện, cách thức để sống luật yêu thương.

Chúng ta hãy chú ý một chút đến hoàn cảnh khi Chúa dậy về luật yêu thương. Lúc đó Chúa đang ở với các môn đệ trong nhà Tiệc ly. Tôi thấy Chúa đã làm ba việc rất đặc biệt có thể nói là khác thường, để tạo nên một ấn tượng làm cho các môn đệ của Chúa sau này hễ nhớ đến Chúa là phải nhớ đến những việc này:

* Việc khác thường thứ nhất: Chúa quì xuống rửa chân cho các môn đệ.

Chẳng cần phải nói anh chị em cũng thấy được đây là một việc làm thật khó hiểu.

Ông Phêrô một trong những môn đệ thân tín của Chúa hầu như đã không còn làm chủ được sự xúc động của mình, nên ông đã phải lên tiếng công khai xin Chúa đừng làm như thế đối với ông. Thế nhưng không những Chúa không thuận theo đề nghị của ông mà ngược lại Chúa còn làm cho ông hoảng sợ khi Chúa đe doạ cắt đứt mối dây thân tình đối với ông nếu ông không để cho Ngài làm những việc Ngài muốn.

Thế là tất cả các môn đệ đã được chính Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho. Đây là việc khác thường thứ nhất.

* Việc khác thường thứ hai là Chúa chọn đúng lúc các môn đệ đang ngỡ ngàng về việc Chúa vừa làm cho mình để tuyên bố cho họ biết về một sự việc làm cho các ông cảm thấy choáng váng. Chúa nói: “Một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Tin Mừng cho chúng ta biết ngay sau khi Chúa nói những lời đó thì tất cả môn đệ đều hoang mang không biết Chúa nói về ai.

* Việc khác thường thứ ba: “Chúa mời cho các môn đệ ăn chính mình và uống Máu của Ngài”.

Chúa cầm lấy bánh đã biến thành Mình Chúa và Rượu đã trở thành Máu của Chúa rồi Chúa bảo các môn đệ của Ngài: “Hãy cầm lấy mà ăn – Hãy lãnh nhận mà uống”. Xưa nay chẳng có ai có thể lấy thịt mình mà cho người khác ăn, lấy máu mình mà cho người khác uống. Vậy mà hôm nay chính Chúa đã làm như thế.

b. Chúng ta tự hỏi: Chúa làm như thế để làm gì?

Thưa để  cắt nghĩa một phần nào về giới răn yêu thương mới của Ngài .

* Yêu thương trước hết là phục vụ. Khi đã yêu thương thì người ta sẽ chẳng quản ngại bất cứ một công việc nào dù công việc đó là công việc có tính thấp hèn đến như thế nào đi nữa.

* Yêu thương là hy sinh biết quên mình vì người khác. Khi chịu chết trên Thập giá Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình để đền tội cho cả lòai người chúng ta. Thánh Phao-lô còn quả quyết thêm: “Ngài – Chúa Giêsu – phận là phận Thiên Chúa nhưng Ngài đã quên mình, tự hủy ra như không vì phần rỗi thế gian”

* Và cuối cùng “Yêu thương còn là ban tặng, là dâng hiến” Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta không phải chỉ là một phẩm vật mà là chính mình. “Đây là mình Thầy chúng con cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy chúng con hãy cầm lấy mà uống.” Yêu là cho đi. Cho đi ít là dấu chỉ yêu thương ít. Cho đi nhiều là dấu chỉ yêu thương nhiều. Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu thương không bờ không bến”

Đó là bài học Chúa muốn dạy cho chúng ta. Yêu thương là phục vụ trong hy sinh với tinh thần tự hiến. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người đã hiến thân vì người mình yêu.

3. Chúng ta có thể yêu như Chúa không?

Có. Xin minh họa bằng một thí dụ.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông nói với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên phát hiện nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những cái cây mà anh chị em cậu trồng, nó dường như tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cái cây cậu trồng. Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy mặc dù không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.

Tình yêu chính là chất dinh dưỡng tốt nhất của cuộc đời. Chỉ cần một gáo nhỏ, nhưng nó cũng có thể làm cho cái cây của cuộc đời trở nên tươi tốt, cành lá xum xuê. Có thể cái cây đó rất bình thường, có thể cái cây đó rất nhỏ bé, thậm chí còn héo úa, nhưng chỉ cần được chăm bón bởi chất dinh dưỡng này, thì nó vẫn có thể trở thành những thân cây tươi tốt, thậm chí còn cao lớn chọc trời.

Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn, chỉ gồm có 3 câu, thế nhưng chỉ với ba câu đó chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đủ để phác họa nên một bức chân dung thật sống động về mối tương quan giữa Chúa và những kẻ tin vào Người. Chúa Giêsu tự coi mình như một mục tử và những kẻ tin vào Người như những con chiên cùng sống trong một ràn chiên của Chúa.

1. Người mục tử Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là người như thế nào?

Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ: biết và cho và cũng chỉ với hai từ đó Chúa đã cho chúng ta thấy chân dung một người mục tử tốt là người như thế nào.

* Tôi biết chiên của tôi.

Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.

Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư ? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.

Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư ? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.

Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư ? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.

Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư ? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.

Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư ? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

* Tôi cho chúng được sống đời đời.

Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Đó là chân dung người mục tử theo ý của Chúa.

2. Còn đâu là hình ảnh con chiên trong ràn của Chúa là hình ảnh như thế nào?.

Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ để diễn tả: “nghe” và “theo”

* Trước hết “Chiên cuả tôi nghe tiếng Tôi.”

Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.

Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như một hơi thở. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của sự từ bỏ chính mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến chỗ dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật thính, thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

* Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Chiên thì phải theo Chủ.

Có một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy của mình đi ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:

– Men ah! Men ah ! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta !”)

Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.

Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.

Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:

– Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như mấy người kia kêu, xem các con chiên của anh có theo tôi hay không.

Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu :”Men ah ! Men ah !”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi :

– Thế chiên của anh không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?

Người chăn Syrie trả lời :

– Ồ! có chứ! Nhưng đó là vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.

Mức độ thứ nhất : Thích nhìn, nghe người mình yêu.

Mức độ thứ hai : Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.

Mức độ cuối cùng : Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống của mình vì người mình yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở mức độ cao. Con chiên đi theo Chúa phải hoàn toàn chủ động và nhất là phải thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ của mình.

Vâng! Kính thưa anh chị em

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Nhiều con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống đang xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ mọi người trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giê su Kitô, Chúa chúng ta. Amen

Những bài đọc hôm nay có thể hướng những suy tư chúng ta về vận mạng tương lai của Giáo Hội. Vận mạng tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên nền tảng vững chắc, là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, Đấng cứu rỗi duy nhất của tất cả mọi người và trên sự dấn thân của mỗi người cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để làm chứng và thông truyền cho anh chị em những sự thật có sức mạnh cứu rỗi.

Bài đọc thứ nhất được trích từ sách Tông đồ Công vụ, cho chúng ta nhìn thấy các tông đồ đã sống thái độ trên như thế nào. Các ngài dù bị những vị lãnh đạo tôn giáo đầy uy quyền ngăn cấm, không cho phép được lên tiếng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, không được rao giảng sự thật về Chúa, nhưng tông đồ Phêrô đã mạnh dạn trả lời: “Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người”. Thiên Chúa Cha chúng ta đã cho Chúa Giêsu sống lại, đấng mà các ông đã giết chết bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài bên hữu Người và làm cho Ngài trở thành thủ lãnh và là đấng Cứu Thế để ban cho dân Israel ơn ăn năn trở lại và sự tha thứ các tội lỗi. Về tất cả những điều này, chúng tôi và Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã ban cho tất cả những ai tùng phục Chúa. Chúng tôi và Chúa Thanh Thần cùng làm chứng”(CVTD 5,29-35).  Thật là can đảm! Khó tìm thấy những lời tuyên xưng rõ rệt, dứt khoát như thế!.

Vâng! Vận mạng tương lai của Giáo Hội được xây dựng trên những thái độ can đảm như vậy. “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người”. Đây là một câu trả lời rõ ràng dứt khoát cho những hành động lạm dụng quyền hành của mình để xen vào việc của Chúa. Hoàn toàn không phải là một lời kêu gọi dân chúng nổi loạn, chống lại quyền bính chính trị lúc đó.

Và đây cũng là câu trả lời của một con người mà trước đó không lâu đã phạm những lỗi lầm thật nghiêm trọng. Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh lúc đó một chút.

Chỉ cách biến cố này không bao xa, vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh,  Phêrô đã yếu đuối, hèn nhát như thế nào. Ba lần ông đã chối Thầy chí thánh của mình!

Giả như Chúa có loại trừ ông, thì hầu chắc mọi người sẽ nói rằng Người đã không còn sự lựa chọn nào khác. Phêrô là thủ lãnh của các tông đồ, vậy mà ông đã làm gương xấu cho người khác. Nếu Chúa có cất chức ông thì việc đó cũng chẳng có gì là lạ!

Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người không loại trừ ông. Thậm chí Người không giáng chức ông. Và cũng chẳng có sự buộc tội nào. Sự phản bội của Giuđa là một việc có hoạch định trước, và được thực hiện với thái độ lạnh lùng, có đắn đo suy nghĩ. Còn hành động chối Thầy của Phêrô không hoạch định trước. Đây chỉ là hậu quả của sự yếu đuối hơn là ác tâm. Chúa Giêsu, Người thấu suốt mọi tâm hồn, đã biết điều này.

Và sáng hôm nay, sau buổi điểm tâm, Chúa Giêsu đã quay nhìn Phêrô và nói : “Này Simon con Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”

Thật là một câu hỏi kỳ lạ, khi hỏi: “Anh có mến Thầy không ?” Phải chăng Phêrô không còn yêu mến Thầy nữa. Và chúng ta nghe ông thưa lại:

– Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy.

Ông đã thành thật nói lên những lời này. Đó là sự thật. Thật sự lúc nào ông cũng yêu mến Chúa. Chúa Giêsu còn biết Phêrô nhiều hơn chính ông biết về mình. Người biết ông lúc nào ông cũng đặt Người là số 1. Sự mạnh mẽ và yếu đuối có thể cùng hiện hữu nơi một con người. Và bây giờ Chúa mời gọi Phêrô tiến bước. Người yêu cầu ông phải công khai tuyên bố tình yêu của mình với Thầy, vì lẽ ông đã công khai chối Thầy.

Chúa Giêsu đã không ghi tội của Phêrô. Nhưng Người mời gọi ông chăn dắt đoàn chiên của Người, tức là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Đây là dịp để ông ăn năn hối lỗi. Đó là cách tốt nhất để chuộc tội. Sau này chính Phêrô đã viết: lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (I Pr 4,8).

Chắc Phêrô không bao giờ quên được biến cố ông đã chối Thầy Giêsu. Không biết biến cố ấy có ám ảnh ông theo cách mà mọi người thường bị ám ảnh bởi tội lỗi của họ hay không, nhưng chắc chắn là ông đã rút ra được một bài học lớn từ sự vấp ngã này. Ông biết ông đã không can đảm như ông nghĩ. Và ông cũng biết mặc dù ông đã chối Thầy, nhưng Thầy Giêsu vẫn yêu ông. Đó là tình yêu đưa Phêrô trở lại với cuộc sống. Đó là kinh nghiệm đáng kinh ngạc vì được yêu cả khi mình yếu đuối và tội lỗi. Yêu một người vì sự tốt đẹp của họ là lẽ thường tình. Nhưng yêu một người với cả những cái xấu của họ – đó mới thật phi thường. Điều đó cho biết ân sủng là như thế nào.

Phêrô đã can đảm đứng dậy sau lần vấp ngã. Kinh nghiệm đã giải thoát ông khỏi sự kiêu ngạo và sự tin tưởng mù quáng vào tài xoay sở của mình. Kinh nghiệm đó cũng có thể giúp ông hiểu được sự yếu đuối nơi người khác.

Phêrô đã trở nên tốt. Qua bài đọc của sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ông đã đứng dậy trước công nghị và đã làm chứng cho Chúa Giêsu như thế nào. Ông là nguồn an ủi rất lớn và cũng là một tấm gương thật sáng ngời cho chúng ta.

Tháng 3 năm 1983, nhà thơ Nga – Irina Ratushinskaya, bị kết án 7 năm lao động khổ sai và 5 năm lưu đày. Tội của bà là – sáng tác những bài thơ mà chính quyền không chấp nhận. Trong tù, bà chịu đựng sự đánh đập, bị biệt giam trong điều kiện khí hậu lạnh cứng, rất khắc nghiệt.

Thân xác còn tệ hơn. Tim, gan, cật, đều có vấn đề. Hơn nữa bà còn bị viêm phế quản kinh niên. Dù phải sống trong điều kiện như vậy, bà vẫn tiếp tục viết, rồi chuyển những bài thơ được viết trên những mảnh giấy vụn ra bên ngoài qua những người gác ngục, những người lính và những khách đến thăm. Vào tháng 10 năm 1986 Bà được phóng thích.

Làm sao bà có thể sống được như thế? Thưa đó là niềm tin Kitô Giáo.

Niềm tin Kitô giáo đã quyết định sự sống còn của bà. Bà nói:

– Khi bạn đang phiền muộn, hay trong cơn quẫn bách, dường như Chúa luôn luôn gần bên bạn hơn. Chúa bên tôi trong những ngày tôi ở trong tù, như cánh tay liền sát vai.

Một điều quan trọng khác nữa giúp cho sự tồn tại của Irina trong những ngày lao tù là mối tương quan tốt đẹp bền vững thật khó tin mà bà đã có với những nữ tù nhân. Gian nguy đã nối kết mọi người lại với nhau và làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm với nhau.

Irina và những bạn bè của bà thường biểu tình tuyệt thực nếu một trong số họ bị ngược đãi. Bà nói:

– Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tất cả chúng tôi vẫn còn sống. Trong thời gian tôi ở tù, một phần ba nam tù nhân trong trại đã chết. Tất cả phụ nữ đã từng ở trong trại giờ đây đều là các Kitô hữu. Trong số đó có người nay là nữ tu công giáo. Niềm tin cũng giúp cho đời sống tâm lý của tôi tránh khỏi bị huỷ hoại bởi lòng căm thù và cay đắng. Kinh nghiệm đã dạy cho tôi rất nhiều về khả năng vô song của tinh thần con người để có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Người trông mong chúng ta làm chứng cho Người trong thế giới hôm nay. Một số người trong chúng ta đã được kêu gọi đón nhận những đau khổ như những đau khổ mà các tông đồ hay những người như Irina và bạn bè của bà đã trải qua. Chúng ta có thể không phải đối diện với những việc tồi tệ và thái độ hết sức dửng dưng của người đương thời như thế, nhưng con đường làm chứng của chúng ta là con đường lúc nào cũng rộng mở thênh thang. Hãy sống như Chúa đã sống! Hãng làm như Chúa đã làm! Hãy đối xử với những người khác như là chính Chúa đối xử với họ! Bằng cách ấy chúng ta đang làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa loài người. Amen.

Kính anh chị em.

Năm nào cũng vậy cứ đến Chúa nhật thứ hai Mùa Phục Sinh là Giáo Hội lại cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng có liên quan đến Tôma. Trong ít phút suy niệm này tôi xin được nói một đôi nét về vị tông đồ “nổi tiếng về sự nghi ngờ” này để qua đó chúng ta có thể thấy được sự tài tình của Chúa khi Chúa biến một con người như thế làm tông đồ cho Ngài và cũng để nhờ đó mà chúng ta tin Ngài mạnh hơn.

I. Sự kiện.

Chẳng nói anh chị em cũng thừa biết Tôma là một trong nhóm 12 được Chúa gọi rồi chọn làm tông đồ. Con đường Tông Đồ của ông lúc đầu chưa có gì rõ nét cho lắm. Nhưng sau khi gặp được Chúa từ cõi chết sống lại… thì phải nói là rất đẹp.

Chúng ta gặp ông lần đầu tiên trong Tin Mừng lúc người ta báo tin cho Chúa là Lazarô bạn của Chúa mới qua đời. Lúc đó Chúa đang ở ngoài lãnh địa Giudêa. Sở dĩ Ngài muốn lánh mặt như thế là vì Ngài mới tranh luận với những người Do Thái và nói những lời mà họ cho là phạm thượng tại Giêrusalem thủ đô của miền Giudêa. Hai lần họ muốn ném đá và bắt Ngài. Nhưng Ngài đã lẩn đi và bỏ qua miền bên kia sông Giordan. (Ga 10,29-40).

Nhưng vừa khi nghe tin Lazarô chết thì Chúa lại muốn trở lại Giudêa. Tôma thấy việc đó là nguy hiểm nhưng ông không tìm cách ngăn cản. Ông thừa biết Chúa can đảm và dám đối diện với tất cả. Theo ông nghĩ thì rất có thể là Ngài sẽ chấp nhận cái chết như đã có lần Ngài công khai tuyên bố (Mc 10,33). Chính vì vậy mà ông nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa. Hãy qua đó để cùng chết với Ngài”.

Không biết có nên coi đây là một câu nói tận hiến hay chỉ là một lời phát ngôn đượm chất u sầu, buồn thảm của một con người lúc nào cũng nhìn đời bằng một cặp kính màu xám xịt. Cách ông nói làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng ông không còn một chút hy vọng nào nữa, thế là hết tất cả. Kể như tất cả những hy vọng ông đặt ở nơi Chúa sẽ phải tiêu tan. Đó là lấn thứ nhất

Lần thứ hai chúng ta gặp thấy ông ở bên bàn tiệc ly. Khi Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ: “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở nếu không Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi để dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy – để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi” (Ga 14,1-4). Khi Chúa nói như thế thì Các tông đồ khác yên lặng ngồi nghe. Còn Tôma thì xem chừng như không chịu nổi. Vấn đề có vẻ lạ quá. Thầy đã nói đến sự chết và ông đã sẵn sàng đi để cùng chết với Thầy. Bây giờ Thầy lại nói đến chỗ ở, đến nhà cửa, đến sự sống. Hơn nữa Chúa lại nói đến cả con đường. Tôma không thể hiểu nổi. Ông không thể im lặng được nữa. Ông đứng dậy hỏi Ngài:

– Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được con đường

Và Chúa Giêsu trả lời:

– Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

Tôma được trả lời nhiều hơn ông hỏi nhưng con người luôn bi quan như thế thì làm sao mà hiểu được những gì Chúa muốn  nói và ông vẫn tiếp tục sống trong thất vọng. Đó là lần thứ hai.

Và lần thứ ba ngày hôm nay. Sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, Chúa đã hiện ra với Maria Madanena, với 10 tông đồ khác. Những người này đã báo tin vui cho ông nhưng ông nhất định không tin. Họ muốn chia sẻ với ông niềm vui đó nhưng ông nhất định khăng khăng phản đối: “Nếu mắt tôi không thấy những dấu đinh nơi tay của Thầy. Nếu tay tôi không được thọc vào lỗ đinh nơi tay và cạnh sườn của Thầy thì tôi không tin” (Ga 20,25).

Ông đóng cửa, bịt tai, cứng lòng. Câu nói của ông quả thực là một thách thức và có thể coi là những lời xúc phạm đối với Chúa. Tuy nhiên ở đây chúng ta thấy ông còn dành cho Chúa một điều kiện. Chữ “nếu” của ông thật dứt khoát và rõ ràng, không có cách nào giải thích khác được.

Và như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa đã lại hiện ra và Ngài cho Tôma được trực diện với Ngài: “Tôma, hãy đặt ngón tay con vào đây. Hãy nhìn xem tay Thầy đây. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Phải nói đây thật là một điều quá sức tưởng tượng đối với Tôma. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì Chúa đã thương ông. Và chỉ trong một khoảnh khắc ông đã trở thành một con người hoàn toàn mới.

Hơn nữa chúng ta thấy, ông còn qua mặt tất cả các tông đồ khác khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Đây mới là lời tuyên xưng đầy đủ nhất và đúng nhất về Đức Kitô.

Ông không dám thi hành điều ông đòi hỏi.

Ông không cần phải thọc ngón tay vào lỗ đinh, không cần thọc cả bàn tay vào cạnh sườn.

Sự có mặt của Chúa cũng như ánh mắt của người đã quá đủ đối với ông.

Từ vùng tăm tối của hoài nghi, ông đã được đưa ra vùng ánh sáng. Ánh sáng của đức tin.

Truyền thống cho thấy sau khi Chúa về trời ông đã cất bước lên đường đi về một miền thật xa…ông sang đến tận Ấn độ để loan báo cho người ta biết về việc Chúa đã từ cõi chết sống lại. Và cũng như các tông đồ khác ông đã bỏ mạng sống tại chính nơi ông rao giảng để làm chứng cho Thầy chí thánh là Đức Chúa và cũng và Thiên Chúa của ông.

II. Bây giờ đến chúng ta.

Có lẽ khi đọc lại bài Tin Mừng này không ai trong chúng ta mà không nhớ đến câu nói cuối cùng Chúa nói với Tôma: “Bởi con thấy Thầy nên con mới tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29) Thế nhưng kính thưa anh chị em. Nói gì thì nói việc tin vào sự Phục sinh của Chúa lúc nào cũng là một việc rất khó khăn.    Tuy khó nhưng không có nghĩa là không thể. Không chỉ có các tông đồ mà trong suốt lịch sử của Hội Thánh vẫn có không biết bao nhiêu con người đã mạnh mẽ tuyên xưng cũng như dám hiến dâng cả mạng sống làm chứng cho niềm tin ấy.

Chúng ta hãy đọc lại những lời  quả quyết sau đây của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hưũ Do Thái: “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là cách nhận thức những thực tại mà người ta không thấy. Không tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Người có và Người sẽ thưởng công cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,1-6)

Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra cho các Tông Đồ, Ngài đã hiện ra cho Tôma, Ngài cũng đã hiện ra cho một số những người khác. Đó là sự kiện các tông đồ đã làm chứng. Và đức tin công giáo của chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên những sự thật này.

Như vậy dù chúng ta tin hay không tin thì Ngài cũng vẫn là như thế: Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài luôn ở giữa chúng ta. Thánh Gioan đã có lần nói:”Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).

Vâng kính thưa anh chị em. Chúng ta hãy tin vào Ngài.

Sau thế chiến thứ hai ít lâu, trong khi dọn dẹp những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá người ta còn thấy được những lời rất cảm động này được ghi trên một bức tường của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Những lời đó như sau:

Tôi tin vào mặt trời ngay cả khi nó không còn chiếu sáng.

Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy sự hiện diện của nó.

Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả lúc Người hoàn toàn thinh lặng.

Hãy tin vào Ngài và để cho Ngài dìu dắt chúng ta đi trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Hãy tin vào Chúa. Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta.

Hãy để Ngài cùng đồng hành với chúng ta để Ngài dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với danh nghĩa là con của Thiên Chúa

Hãy tin vào tình thương của Ngài. Hãy phó thác đời ta cho Ngài. Làm được như thế chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ thành công,

“Phúc cho những ai không thấy mà tin” Amen.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện xảy ra  vào ngày thứ hai sau biến cố Chúa Phục sinh.

1. Sự kiện ngôi mộ trống:

Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa. Ngài đã để lại ngôi mộ trống.

Chúng ta thử hỏi có phải Ngài đã sống lại thật rồi không? Ngôi mộ trống phải chăng là một bằng chứng?

Không ai dám quả quyết một cách chính xác một trăm phần trăm rằng đây đúng là một bằng chứng chứng minh Chúa đã sống lại thật.

Thế nhưng sự thật về ngôi mộ trống là một sự thật không thể chối cãi.

Ngày 27.2.1973 một tin phát ra làm xôn xao cả nước Pháp: đó là tin thi hài Thống Chế Pétain bị đánh cắp nhưng chỉ sau đó mấy ngày người ta lại tìm lại được và cho dù trong cuộc trưng cầu dân ý, 72% nhân dân Pháp muốn phục hồi danh dự cho cố Thống Chế, nhưng ông Pompidou Tổng Thống Pháp vẫn ra lệnh đem chôn lại trong ngôi mộ cũ và cho lính canh gác ngày đêm.

Như vậy ngôi mộ chỉ trống rỗng có mấy ngày, xác mất đi đã tìm lại được.

Bên Ai Cập hiện nay nhiều ngôi mộ cũng trống rỗng, như các ngôi mộ của các Pharaông trong các Kim tự tháp. Tại sao lại có sự trống rỗng như thế? Thưa vì xác của các vị đó đã được đem về bảo tàng viện Le Caire, để những ai đến đây còn có dịp nhìn thấy rõ ràng thi hài các vị Pharaông đã trị vì Ai Cập xưa.

Rồi cách đây không lâu, người ta loan báo là đã tìm ra được những mảnh xương (cũng gọi là xá lợi) của Đức Phật Thích Ca. Những mảnh xương ấy đã được đưa về một trong các thành phố gọi là thánh địa của Ấn. Người ta tổ chức những cuộc lễ vô cùng long trọng để cung nghinh và chiêm bái. Trước quang cảnh ấy một giáo sĩ công giáo đã phát biểu với một người bạn cùng đi tham quan: “Nếu người ta tìm được một mảnh xương của Chúa Giêsu thì Kitô giáo sẽ phải sụp đổ mất.”

Như vậy trong thế giới cho tới ngày nay chỉ duy có một ngôi mộ trống mà người ta đã tìm kiếm suốt 2.000 năm di hài chôn trong đó nhưng không thấy và sẽ không bao giờ thấy vì một lẽ rất dễ hiểu là người đó đã sống lại thực sự.

Đầu tháng 3/2007, kênh truyền hình Discovery đã cho trình chiếu một phim tài liệu mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Chúa Giêsu”. Nội dung xoay quanh việc khám phá khảo cổ năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông Giêrusalem. Mười hộp đựng cốt đã đưọc khai quật, trong đó có một hộp khắc tên Giêsu con ông Giuse. Phải chăng đoàn làm phim đã kiếm được bằng chứng khảo cổ về con người Giêsu thành Nagiaréth? Phải chăng đây là chứng cớ làm lung lay niềm tin vào Đấng Phục Sinh?

Các chuyên gia khảo cổ Do thái đã không cho là như thế. Vì chín phần trăm đàn ông Do thái ở thế kỷ thứ nhất mang tên Giêsu; mười bốn phần trăm mang tên Giuse. Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng những hộp đựng cốt như thế này xuất hiện. Ít ra là đã có hai hộp mang tên Giêsu con ông Giuse được khai quật từ năm 1930. Câu chuyện tìm được hài cốt của Chúa Giêsu chỉ là giả tưởng.

Như vậy chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng tuy chúng ta không thể căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống để quả quyết một cách chính xác rằng Chúa đã sống lại thật, nhưng chúng ta phải nhận rằng sự kiện ngôi mộ trống là một sự kiện có thực. Sự thật này có thể được coi là một đóng góp quan trọng vào những sự kiện khác để chứng minh cho việc phục sinh của Chúa.

Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta tuyên xưng rằng: đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng thành bừng sáng tin yêu, biến những con người yếu đuối nhát sợ nên mạnh mẽ tuyên xưng đức tin dù phải lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống.

Vâng, câu chuyện “Ngôi Mộ trống”, ”Đức Kitô phục sinh” mãi mãi, muôn đời, khắp nơi, là câu chuyện của niềm tin căn bản của Kitô giáo. Bởi vì câu chuyện này, biến cố này lại không là một sự kiện đột xuất, tình cờ của lịch sử, nhưng là một công trình vĩ đại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và sự cứu độ là gì nếu không phải là đem lại cho chúng ta niềm hy vọng nơi một Thiên Chúa luôn trung tín với tình yêu của Người?

2. Việc Chúa Phục sinh với những nhân chứng đầu tiên.

Sau ngày Chúa Phục sinh, người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ trống là Maria Mađalêna. Cảm giác đầu tiên của bà khi không thấy xác Chúa trong ngôi mộ đã an táng Ngài nữa là “người ta đã lấy mất xác Thầy rồi” và việc phải làm ngay là đi báo cho môn đệ của Chúa. Vừa được báo, Phêrô và Gioan đã chạy ngay ra mộ, và khi thấy ngôi mộ đã mở toang, Phêrô và Gioan lúc dầu hơi thấy choáng váng. Rồi bình tĩnh lại nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan đã thấy và tin.

Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin?

Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.

* Maria Mađalêna.

Khi ra viếng mộ, Maria Mađalêna chỉ muốn cho vơi đi nỗi nhớ, chứ đâu có ngờ được rằng một người đã chết có thể sống lại. Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc.

* Tâm trạng của Phêrô và Gioan.

Còn đối với Phêrô, chúng ta có thể thấy ông là con người đang sợ hãi. Ông sợ bị liên lụy. Ông sợ bị bắt bớ. Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó. Với tâm trạng đó như thế, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được.

Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai đều vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan “ông đã thấy và tin”.

Phêrô đã thấy nhưng chẳng hiểu gì, còn Gioan thì” đã thấy và tin”.

Ngôi mộ trống đối với Phêrô chẳng khác gì các ngôi mộ khác. Nhưng đối với Gioan thì ngôi mộ trống là một dấu chỉ thật lớn. Ngôi mộ trống làm cho Gioan nhớ lại bao lần Thấy đã nói về sự sống lại của Ngài. Bởi thế ông thấy và ông tin.

Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt.

Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng “Mẹ”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau… Người mẹ già xót xa: “Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?”. Người lính mù ấy đáp: “Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con”.

Gioan trong câu chuyện hôm nay cũng như thế. Đôi mắt của Gioan và Phêrô chẳng có gì khác nhau nhưng trái tim của Phêrô và của Gioan thì khác. Chính trái tim của Gioan đã mách bảo cho Gioan những gì ngôi mộ trống đã muốn nói với ông.