Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 5 Phục Sinh, Năm C
Chúng con thân mến,
Hôm nay cha muốn dùng một ít phút này để nói với chúng con về hai chữ yêu thương
Chúng con đã biết yêu chưa?
Tình yêu màu gì chúng con?
Cha đố chúng con tình to như thế nào đấy?
Tình yêu có thơm không chúng con?
Đúng là tình yêu không có màu sắc, không có mùi vị, không có to hay nhỏ…nhưng có ai dám bảo là không có tình yêu không? Ai dám nói là không có tình yêu giơ tay lên cho cha xem nào.
Đúng là không ai dám bảo không có tình yêu.
Tình yêu là một cái gì đó rất thật, nhưng người ta không dùng giác quan để thấy được tình yêu. Người ta chỉ có thể thấy được tình yêu qua “Dấu chỉ” của nó.
Chúng con hãy tập làm quen với từ này. Từ dấu chỉ rất quan trọng. Cha cho chúng con một thí dụ: khi chúng con nhìn thấy trên trời có thật nhiều mây, chúng con bảo trời sắp có mưa. Vậy “Mây là dấu chỉ trời sắp có mưa”. Chúng con thấy một người mẹ nghèo thật nghèo đang ẵm một đứa con trên tay và đang chăm chút đú từng muỗm bột cho con, chúng con thấy đó là “Dấu chỉ” của tình….tình gì chúng con .. tình mẹ hay gọi cho nó văn chương hơn…gọi là tình mẫu tử.
Trong Tin Mừng Chúa có kể một dụ ngôn: dụ ngôn người Samaritanô nhân lành mà ai cũng biết. Dụ ngôn kể rằng: có một người kia đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Dọc đường ông bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh ông nhừ tử, rồi bỏ mặc người ấy dở sống dở chết mà đi
Tình cờ có một thầy cả đi qua, trông thấy người ấy nhưng ông tránh qua một bên mà đi.
Sau đó đến một ông thầy Levi.
Sau có một người Samaria cũng đi qua lối đó. Ông thấy, ông động lòng thương. Ông lấy dầu, lấy rượu xoa bóp vết thương cho người bị nạn rồi ông đặt người đó lên lưng lừa của mình chở vào quán trọ.
Hôm sau ông trao cho người chủ quán 2 quan tiền và nói: “Xin săn sóc người này, có tốn kém hơn bao nhiêu thì lúc về tôi sẽ trả thêm”
Trong 3 người đó, ai là người biết yêu thương kẻ bị cướp chúng con?
– Người Samaritanô.
– Rất trúng. Cha khen chúng con đã có con mắt yêu thương.
Phần cha, mỗi lần đọc lại câu chuyện này, cha cảm thấy mình phải xét mình lại.
Thầy cả là người chuyên giúp người ta giữ luật của Chúa, nhưng luật căn bản là bác ái yêu thương thì ông lại không giữ.
Thầy Lêvi thuộc hạng người có thế giá, chăm lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là luật yêu thương thì ông lại không thực hành.
Còn người Samarianô này là người dân ngoại thường bị những người Do thái khinh bỉ và cấm không nên tiếp xúc với họ, thì lại biết yêu người.
Ông không yêu bằng môi miệng nhưng ông yêu bằng hy sinh, bằng việc làm.
Ông đã mất nhiều thời giờ và tiền bạc cho người bị nạn chẳng có họ hàng quen biết gì vối ông. Đó là tình yêu thực sự.
2. Bây giờ chúng con hãy nghe Chúa dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Yêu như Chúa yêu là làm sao?
Cha thấy trước khi nói điều này Chúa đã làm ba việc;
Thứ nhất Chúa cởi áo quì xuống rửa chân cho các môn đệ.
Thứ đến Chúa lập Bí tích Thánh thể.
Cuối cùng Chúa chịu chết trên cây Thánh giá.
Với ba việc đó, Chúa muốn bảo yêu như Chúa là phải phục vụ, phục vụ quên mình.
Yêu như Chúa là phải biết cho đi, cho đi như Chúa ban chính mình qua bí tích Thánh thể.
Yêu như Chúa là phải sẵn sàng hy sinh, hy sinh như Chúa hy sinh trên thập giá.
Chúa bảo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Một hôm có người đến kể cho cho công chúa Eugenie về những việc đang làm cho người đó rất buồn. Công chúa sẵn sàng lắng tai nghe. Sau đó người ấy nói cho công chúa biết về những người dân nghèo khổ trong thành không được ai săn sóc gì cả. Khi họ đau, họ bị bỏ mặc cho đến chết và cái họ cần bây giớ là một nhà thương.
Công chúa Eugenie nghe thấy thế thì bỡ ngỡ lắm. Công chúa đi thẳng xuống thành phố và thấy đúng như vậy.
Lập tức về nhà, bà bán tất cả các nữ trang bà có để lấy tiền và xây ngay một nhà thương. Không bao lâu nhà thương đã được hoàn thành.
Một hôm bà vào thăm nhà thương. Bà vào thăm và thấy mọi người bị bệnh được chăm sóc rất tử tế. Khi tới một giường của một bệnh nhân đàn ông nghèo khó. Vừa nhìn thấy bà, người này bật khóc thành tiếng và nói:
– Công chúa bán tư trang để xây nhà thương này… tôi xin hết lòng biết ơn công chúa.
Nói xong ông khóc to hơn. Công chúa mỉm cười, quay lại nói với đoàn tùy tùng:
– Ta đã cho đi các đồ nữ trang và bây giờ ta lại tìm thấy. Nước mắt của người này đáng giá hơn tất cả những vàng ngọc châu báu của ta.
Yêu thương là như thế chúng con.
Cha kể cho chúng con câu chuyện thứ hai:
Vào thời các nhà tu hành còn sống trong rừng, trong sa mạc Ai Cập … có một nhóm các thầy ẩn tu sống với nhau… mỗi người một chỗ, ăn chay cầu nguyện.
Một hôm có một người đưa đến biếu thày Giuse một chùm nho rất ngon. Thầy Giuse đọc bài Tin Mừng thấy Chúa bảo phải thương yêu nhau… nên thầy đem chùm nho này biếu một thày ẩn tu khác ở không xa chỗ thầy bao nhiêu.
Sau thầy này thấy có một thày ẩn tu già hơn mình nên thầy đem biếu thầy ẩn tu già này chùm nho vùa nhận được.
Sau đó cứ như thế, chùm nho được chuyển từ thầy này đến thầy khác cho đến hết mọi thầy trong rừng… và cuối cùng chùm nho lại trở về với thày Giuse.
Đó cha kể cho chúng con 2 câu truyện để chúng con biết yêu trong việc làm là yêu như thế nào.
Cha nhắc lại cho chúng con một câu cha đọc trong một cuốn sách của một đức cha:
“Yêu là biết cho đi
Cho đi nhiều là dấu chỉ yêu nhiều
Cho đi ít là dấu chỉ yêu ít
Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu không bờ không bến”
Chúc chúng con biết sống yêu thương như Chúa.