Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm C

Kính thưa anh chị em

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng Giáo hội muốn chúng ta hướng về đời sau, cụ thể là sự chết và bên kia sự chết là cuộc sống đời sau. Có cuộc sống đời sau hay không? Đó không phải là một câu hỏi dễ trả lời.

I. Đặt Vấn Đề.

Trong Kinh Tin Kính của CĐ Nicêa mà chúng ta vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy.Amen.” Chúng ta vẫn đọc và có thể nói chúng ta vẫn tin như thế nhưng thử hỏi có phải tất cả mọi người đều tin như vậy hay không thì đó lại là một chuyện khác.

Trên thế giới ngày xưa cũng như hôm nay, có rất nhiều người không tin có thế giới mai sau và vì thế họ cũng không tin có sự sống lại. Chẳng hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy những người phái Sađốc là những người như thế. Họ không tin có thế giới mai sau, không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử, không tin có thưởng phạt, do đó họ không tin có sự sống lại.

Chính vì thế họ đã đến gặp Chúa Giêsu với ý định muốn hạ gục Chúa để làm mất mặt Chúa trước mặt mọi người. Đó là ngày xưa.

Còn ngày hôm nay thì sao? Ngày nay cũng chẳng thiếu gì những người như thế. Đức Thánh Cha Phaolô VI có lần đã nói đến một hiện tượng đang có ở trong Giáo Hội. Đó là hiện tượng “Những người công giáo vô thần” Những người công giáo vô thần. Đó là những người đã được Rửa tội, thậm chí đã lãnh nhận Bí tích thêm sức nhưng cuộc sống của họ chẳng gì một cuộc sống không có Chúa. Họ sống như chẳng có đời sau.

II. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta nghĩ như thế nào về cuộc sống ở thế giới mai sau và sự sống lại?

Chắc chắn chúng ta không phải là những người vô thần.

1. Căn cứ vào câu trả lời của Chúa dành cho những người thuộc phái Sa-đốc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã thấy thật rõ ý của Chúa. Chúa khẳng định một cách rõ rệt về cuộc sống mai sau và về việc kẻ chết sống lại. Đối với Chúa thì cuộc sống mai hậu hay đời sau có một số đặc điểm khác với cuộc sống ở đời này. Trong cuộc sống đời sau: Người ta sẽ không lấy vợ gả chồng… bởi vì họ giống như các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa, là con cái của sự sống lại. Chính Thánh Kinh cũng quả quyết điều đó: Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống; vì mọi người đều sống cho Thiên Chúa.

2. Đàng khác trong Tin Mừng với ba phép lạ Chúa làm cho người chết sống lại:

Em bé 12 tuổi con ông Giairô, chàng thanh niên con của bà góa thành Naim và cuối cùng là Lagiarô đã chết 4 ngày được sống lại, Chúa Giêsu đã không coi sự chết như một sự chấm dứt tất cả mà Ngài chỉ coi sự chết như một giấc ngủ.

3. Cuối cùng chúng ta không thể nào không nói đến chính sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chính sự phục sinh từ cõi chết của Chúa là bằng chứng và cũng là nền tảng vững mạnh nhất cho niềm tin chúng ta về cuộc sống mai sau và cuộc sống đời đời.

Trong chương trình “Những điều người có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta.

III. Kết luận: Hãy sống như những người có niềm hy vọng.

Heidegger: “Nếu chết là hết thì đời ta sẽ phải luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết và chết là sẽ trở về với hư vô…và như vậy là đã mang sẵn hư vô trong mình rồi. Vậy thì sống mà làm gì để ngày mai phải vào cõi hư vô.”

Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi. Hai người cùng trò chuyện: Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không? Người chèo thuyền trả lời: “Không”.

Nhà bác học nói: “Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá! Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ”.

Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá. Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe. Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng. Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp. Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến. Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học:

– Thưa ông, ông có biết bơi không?

– Tôi không biết bơi, nhà bác học trả lời.

– Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!

Người ngư phủ lại hỏi thêm:

– Thưa ông, ông có tin đời sau không?

Nhà bác học vừa lặn hụp xuống chống chọi dưới làn sóng vừa trả lời:

– Đời sau là cái gì. Im đi! Để ta chết!

Nhưng người ngư phủ lại nói thêm:

– Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa. Thật vô phúc cho ông!

Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả.

cách đây không lâu, trường đại học California đã thực hiện một cuộc thí nghiệm về sức chịu đựng của loài chuột đồng Na Uy. Những con chuột này được thả vào trong chậu nước và bị buộc phải bơi cho đến khi chúng kiệt sức và chết chìm. Trong lần thí nghiệm thứ nhất, các nhà nghiên cứu khám phá rằng những con chuột Na Uy có khả năng bơi khoảng 7 tiếng đồng hồ trước khi buông xuôi.

lần thí nghiệm thứ hai được thực hiện cũng như lần trước, chỉ khác một điều. đó là khi các con chuột gần như kiệt sức, không thể bơi được nữa, các nhà nghiên cứu sẽ vớt nó ra ngoài, cho nó nằm nghỉ một lát rồi lại thả vào trong chậu nước. Những con chuột này lại có thể bơi gần 20 tiếng đồng hồ trước khi chìm xuống dưới!

Các nhà nghiên cứu kết luận, sở dĩ những con chuột trong nhóm thứ hai có thể bơi lâu hơn nhóm thứ nhất là bởi vì nó có hy vọng. Nó đã có kinh nghiệm được giải cứu một lần và những gì giúp nó tiếp tục bơi lội thêm gần 20 tiếng sau đó là niềm hy vọng sẽ được giải cứu lần nữa.

con người chúng ta cũng không khác gì mấy, nếu không có hy vọng thì cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người dù gặp phải những hoàn cảnh hết sức bi đát nhưng vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên. Họ có hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là động lực khiến họ không bỏ cuộc và không ít người trong số đó đã trở thành những vĩ nhân của nhân loại. Trong số những vĩ nhân đó phải kể đến những vị thánh mà chúng ta mới mừng kính mấy ngày hôm nay.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Người cho chúng ta can đảm.Amen.