24/07 – Thứ Năm tuần 16 thường niên.

“Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết”.

Lời Chúa: Mt 13, 10-17

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.

Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”.

“Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.

Suy niệm: Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su, như một người thầy tinh tế, thường dùng các dụ ngôn qua những câu chuyện thực tế với những hình ảnh quen thuộc hằng ngày để người nghe có thể dễ dàng tiếp cận sứ điệp Tin Mừng. Thái độ đáp lại của họ thật khác biệt nhau: có người thì trầm trồ khen ngợi tài giảng thuyết của Ngài, có người lại trở nên chai đá cứng lòng. Thế nhưng các mầu nhiệm Nước Trời vẫn còn bị che khuất đối với họ. Điều đó khiến các tông đồ thắc mắc: tại sao Thầy không nói trắng ra mà lại dùng dụ ngôn? Thì đây, bí quyết được chính vị Thầy tinh tế đó tiết lộ: Hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời là một hồng ân Chúa ban; và để tiếp nhận được hồng ân đó cần có một cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa Ki-tô. Quả thật trong những giây phút thân mật thầy và trò, Ngài mới giải thích ý nghĩa thâm sâu đích thực của các dụ ngôn đó.

Bạn thân mến, Chúa Ki-tô vẫn đang nói với chúng ta qua những “dụ ngôn” đời thường, những sự kiện văn hoá, xã hội, chính trị…, những biến cố xảy ra nơi giáo xứ, cộng đoàn, gia đình… Chúng ta chỉ có thể nhận ra sứ điệp của Chúa trong những giây phút cầu nguyện thân mật trầm lắng với Ngài.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời giờ để tâm sự với Chúa, tại gia và hơn nữa, trước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin ban thêm Đức tin cho con, để con luôn bình an – vui tươi và nhận diện ra sự đồng hành của Ngài trong từng giây phút sống. Amen.

23/07 – Thứ Tư tuần 16 thường niên.

“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.

Lời Chúa: Mt 13, 1-9

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.

Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

Suy niệm: Theo kinh nghiệm nhà nông, để cây sinh trưởng mạnh, đem lại năng suất cao, cần phải có bốn yếu tố sau: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Còn trong đời sống thiêng liêng, để Lời Chúa phát sinh hoa trái dồi dào, trước tiên, tâm hồn ta phải là mảnh đất tốt. Để mảnh đất tâm hồn ta sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào và sinh hoa kết quả, ta cần: (1) can đảm ‘dọn dẹp’ những ‘sỏi đá’, ‘bụi gai’ những thứ cản trở, bóp nghẹt khiến Lời không thể lớn lên; (2) có nhiệt tâm, quảng đại, ngoan ngoãn cộng tác với Chúa Thánh Thần để ý Chúa được hiện thực trong đời mình. Lời Chúa là hạt giống tốt, lại được gieo vào mảnh đất tâm hồn tốt, giờ đây còn cần được chăm sóc là “nước, phân bón và sự chuyên cần” đó chính là siêng năng cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và thực hành bác ái. Như thế, chắc chắn hạt giống Lời Chúa sẽ sinh trái gấp trăm.

Mời Bạn kiểm tra lại xem tâm hồn bạn đang là loại đất nào. Mời bạn cải tạo mảnh đất ấy cho trở nên màu mỡ bằng cách loại bỏ những cứng cỏi, oán hờn, ghen ghét, ích kỷ, kiêu căng, thành kiến, kém đức tin, thiếu hy vọng ra khỏi mảnh đất lòng bạn. Lúc ấy, Lời Chúa mới có cơ hội nảy mầm, bén rễ sâu, sinh hoa trái trong tâm hồn, cuộc sống bạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm đời sống, loại trừ nết xấu, rèn luyện nhân đức để sẵn sàng đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại khi gieo vãi tình thương, ơn cứu độ của Chúa cho từng người. Xin cho chúng con trở nên những mảnh đất màu mỡ trổ sinh hoa trái, và lan tỏa tình thương cho tha nhân. Amen.

22/07 – Thứ Ba tuần 16 thường niên – THÁNH NỮ MARIA MADALENA. Lễ Kính.

“Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?”

Lời Chúa: Ga 20, 1. 11-18

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.

(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”.)

Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Suy niệm: Thánh Tô-ma A-qui-nô đã gọi thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là “Tông đồ của các Tông đồ” vì bà là người đầu tiên được gặp Đức Ki-tô phục sinh, được Chúa trao cho vinh dự loan báo Tin mừng sống lại: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em.” Tông đồ (apostolos) nguyên nghĩa là người được sai đi. Sai đi để làm gì nếu không phải để nói và làm chứng. Nói thôi chưa đủ, mà còn phải làm chứng. Ma-ri-a đã đóng trọn vai trò nói và làm chứng ấy khi đi gặp các Tông đồ, kể lại những điều Ngài đã nói với bà. Lời chứng của bà nói với Tông đồ ngày ấy cũng phải là lời chứng của mỗi Ki-tô hữu hôm nay: “Tôi đã thấy Chúa.” Thật vậy, lời chứng mạnh nhất của ta phải là trải nghiệm thấy Chúa trong cuộc đời mình qua Lời Chúa, các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể, cũng như qua các sự kiện vui buồn lớn nhỏ trong lịch sử đời mình.

Mời Bạn: Nỗi sầu mất Chúa bị đánh tan nhờ niềm vui gặp gỡ Ngài. Cuộc đời tông đồ cũng thế, những biến cố buồn sầu là điều không thể tránh khỏi, nhưng đàng sau đó là niềm vui lớn của người môn đệ được gặp gỡ Đức Ki-tô. Niềm vui ấy giúp người môn đệ không ngại ngần khi phải dấn thân vì Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn.” Muốn được niềm vui của Chúa, mời bạn đến gặp Chúa mỗi ngày qua Thánh Thể, Lời Ngài, cũng như qua anh chị em mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa ở với con mọi ngày đem lại niềm vui cho con. Xin cho con đi tìm Chúa như việc hệ trọng nhất trong đời. Nhờ đó, con có sức mạnh hoạt động cho Nước Chúa.

21/07 – Thứ Hai tuần 16 thường niên.

“Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này”.

Lời Chúa: Mt 12, 38-42

Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”.

Người trả lời: “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.

Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona.

Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon”.

Suy nệm: Con người hay đòi thấy dấu lạ rồi mới chịu tin; còn Thiên Chúa lại coi việc tin nhận Ngài lại là điều kiện để được dấu lạ. Thật vậy, Ngài đã thực hiện vô vàn dấu lạ trong Cựu ước, thế nhưng, dân Chúa vẫn cứng lòng, không chịu tin Ngài. Cũng vậy, Pha-ra-ô, Vua Ai Cập, chứng kiến hàng chục dấu lạ, nhưng đâu dễ thả cho dân ra khỏi đất Ai Cập! Trái lại, người trộm bên phải, cùng chịu đóng đinh với Chúa, tin Ngài vô tội khi chịu treo trên thập giá, dù chưa thấy dấu lạ nào, anh đã tin, đã cầu khẩn xin Ngài nhớ đến anh khi về Nước của Ngài. Đáp lại, Chúa đã hứa phúc thiên đàng ngay cho anh, một diễm phúc quá lớn lao, vượt mức mong đợi của anh. Dám tin vào lời Chúa hứa là một bước nhảy liều chí mạng, chỉ những ai dám nhảy bước nhảy quyết định đó mới thấy dấu lạ mà thôi.

Mời Bạn: Chúa vẫn tiếp tục gởi đến bạn các dấu lạ mỗi ngày: sự sống, sự hiện hữu, cuộc đời bạn, là điều kỳ diệu nếu bạn chịu khó suy nghĩ, chiêm ngắm; rồi dấu lạ qua các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể khi bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa, sự sống của chính Thiên Chúa… Lời Chúa hôm nay là cơ hội giúp bạn coi lại thái độ sống đức tin của mình trước những dấu chỉ thời đại Chúa gửi đến.

Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố bạn đã trải qua trong quá khứ, để nhận ra bàn tay của Chúa trong cuộc đời bạn và Ngài đã thực hiện dấu lạ nơi bạn như thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin thêm lòng tin cho chúng con,” để chúng con tin Chúa hơn, làm được những điều vốn dĩ nếu thiếu lòng tin, chúng con sẽ không thể nào làm nổi tự sức mình. Amen.

17/07 – Thứ Năm tuần 15 thường niên.

“Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Lời Chúa: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Suy niệm: Trong cuộc sống, ai cũng phải mang những “gánh nặng của trách nhiệm,” và ai cũng có lúc gặp những khó khăn, thất bại. Đó chính là những ‘cái ách’ và những ‘gánh nặng’ của cuộc đời. Lắm khi chúng ta cảm thấy chúng quá nặng nề không thể kham nổi khiến chúng ta muốn buông xuôi, bỏ cuộc, thậm chí muốn tự kết liễu cuộc đời. Nhớ tới bài hát của linh mục nhạc sĩ Ân Đức: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn, Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời” nhắc chúng ta một điều rất quan trọng. Đó chính là lời Chúa mời gọi: “Hãy đến cùng tôi, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Bạn thân mến, có những lúc bạn tưởng đời mình đi vào ngõ cụt, nhưng thực sự bạn vẫn còn giải pháp, đó là chính Chúa. Chúng ta không lẻ loi cô độc vì Ngài vẫn có đó, không phải để cất đi gánh nặng ta đang chịu, mà để đem đến cho chúng tình yêu và hy vọng, nhờ đó thêm sức mạnh cho chúng ta. Để được như vậy, Chúa mời gọi: “Hãy mang lấy ách của Chúa” và học nơi Chúa về nhân đức “hiền hậu và khiêm nhường”. Khi chúng ta mang lấy “ách tình yêu” của Chúa thì gánh nặng chúng ta đang vác sẽ trở nên “êm ái nhẹ nhàng.”

Sống Lời Chúa: Phó thác cho Chúa mỗi khi bạn mệt mỏi lo âu. Dâng lên Chúa điều làm bạn chán nản buồn phiền.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi con mệt mỏi, xin cho con biết chạy đến bên Chúa. Khi lòng con lo âu, xin cho con biết phó thác nơi Ngài. Xin dạy con tin rằng Chúa luôn ở bên con, sẵn sàng nâng đỡ, an ủi, chữa lành con. Amen.

16/07 – Thứ Tư tuần 15 thường niên.

“Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.

Lời Chúa: Mt 11, 25-27

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”.

Suy niệm: Đối với nhiều người, việc cầu nguyện không phải là điều gì xa lạ. Có những người cầu nguyện theo kiểu hữu sự vái tứ phương; có người cầu nguyện theo kiểu hiếu kỳ: thấy ở đâu có tin đồn phép lạ là ùn ùn kéo đến khấn hứa. Trong những thập niên gần đây lại xuất hiện phong trào ‘du lịch hành hương’: các tín hữu Ki-tô kết hợp việc đi tham quan các nơi danh thắng với việc kính viếng các đền thánh hoặc trung tâm Thánh Mẫu. Những kiểu cầu nguyện đó tuy không xấu nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa phải cầu nguyện đúng nghĩa. Muốn thế, cần phải chiêm ngắm Đức Giê-su cầu nguyện. Trước hết Ngài thưa với Thiên Chúa là Cha của Ngài: “Abba, lạy Cha!” Tiếp đến Đức Giê-su ngợi khen Cha vì công việc kỳ diệu Chúa Cha đã thực hiện: “Con ngợi khen Cha.” Và Ngài có cầu xin Cha điều gì thì cũng là “vì đó là điều đẹp ý Cha.” Ngài luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha, nhờ đó trung thành với sứ mạng Cha giao phó. Và nhất là Đức Giê-su coi việc cầu nguyện là điều không thể thiếu trong cuộc sống nhất là trước những quyết định quan trọng cho công trình của Chúa Cha.

Mời Bạn: Chúa Giê-su cho biết không ai biết Chúa Cha ngoài Ngài và những người Ngài muốn mạc khải cho. Vì thế, cách tốt nhất và duy nhất để biết Chúa Cha là đến với Chúa Giê-su. Cách cầu nguyện đúng nhất là cầu nguyện như Chúa Giê-su và cùng với Chúa Giê-su. Và bạn muốn xin Chúa điều gì thì cứ xin miễn là bạn xin xin cho “ý Cha thể hiện” chứ không theo ý riêng mình.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày, nhất là giờ cầu nguyện chung trong gia đình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

14/07 – Thứ Hai tuần 15 thường niên.

“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

Lời Chúa: Mt 10,34 – 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.

Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

Suy niệm: Thập giá là cách xử tử dã man nhất do con người nghĩ ra và họ đã dùng cách đó để giết Con Thiên Chúa. Nhưng ‘dĩ độc trị độc’. Chính cách giết người man rợ đó lại được Thiên Chúa dùng để cứu chuộc nhân loại. Nhiều lần Chúa Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn. Cuộc đời của Ngài hướng về thập giá như đỉnh cao nơi đó bày tỏ lòng thương xót, quyền năng, sự khôn ngoan và vinh quang của Thiên Chúa. Trước lúc thở hơi cuối cùng trên thập giá, Chúa thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 20,30). Nếu sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su gắn liền với thập giá thì người môn đệ Chúa Giê-su không thể xa lạ với thứ khổ hình này. Đối với người theo Chúa, ‘vác thập giá mình’ không phải là một tùy chọn, nhưng là điều kiện bắt buộc: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy.”

Mời Bạn: Cha thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê nói: “Ngay từ giây phút được làm con cái Chúa, các con phải vác thập giá của mình và sẽ không bao giờ bỏ nó xuống cho đến khi nhắm mắt lìa đời.” Ki-tô hữu nhìn những đau khổ không theo lối thế gian nhưng theo cái nhìn của Chúa. Họ được mời gọi để học biết ý nghĩa sâu xa và sẵn sàng vác lấy thập giá đời mình đi theo Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi xin đón nhận những đau khổ trong tâm hồn và trong thân xác với ý hướng ‘cùng Chúa cứu độ thế gian’.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại, Chúa đã chấp nhận cái chết trên thập giá. Xin cho con thắng vượt nỗi sợ để vác lấy thập giá con phải vác trong đời sống và trong sứ vụ của mình. Amen.

11/07 – Thứ Sáu tuần 14 thường niên. – Thánh Bênêđictô, viện phụ. Lễ nhớ.

“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.

Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

“Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến”.

Suy niệm: Bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ. Trong thế gian luôn xảy ra cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến ấy ở ngay trong lòng ta, trong gia đình ta, trong môi trường ta đang sống và trên toàn thế giới. Sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng. Là Ki-tô hữu nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô, nghĩa là khác với thế gian dù đang ở giữa thế gian. Vì thế khi lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng, người môn đệ chấp nhận bị bách hại: bị bắt bớ, đánh đòn, tù đày, chống đối, thù ghét… vì người Ki-tô hữu được kêu mời sống “khác”, như “con chiên giữa bầy sói”.

Mời Bạn: Là con người, chúng ta cũng sợ phải tù đày, roi vọt, chống đối và thù ghét. Không ai điên để đưa cổ ra chịu chém vì một lý do lãng xẹt. Nhưng nếu vì Danh Chúa Ki-tô mà phải chịu bách hại thì dù có phải trả giá lớn mấy đi nữa, hạnh phúc đạt được còn lớn hơn bội phần. Bạn hãy luôn xác tín rằng: những gian nan và ngược đãi đó, là cơ hội để ta hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, nhờ đó đau khổ của người tông đồ sẽ trở nên hy lễ đem lại nhiều hoa trái.

Sống Lời Chúa: Để sẵn sàng sống “khác” theo Tin Mừng, luôn tâm niệm loại bỏ tính hưởng thụ ích kỷ, thay vào đó bằng tinh thần quan tâm, chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con. Xin cho chúng con một tinh thần đơn sơ và khôn ngoan, một niềm tin sắt đá, một đức cậy vững vàng và một lòng mến sắt son, để chúng con được can đảm sống Tin Mừng và trung thành làm chứng cho Chúa. Amen.

10/07 – Thứ Năm tuần 14 thường niên.

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Lời Chúa: Mt 10, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:

“Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Suy niệm: Thấy đám đông dân chúng “lầm than vất vưởng như chiên không có người chăn” lại đang khao khát đến với Chúa để nghe Lời Ngài, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương. Đó chính là lý do và động lực thúc đẩy Chúa chọn gọi mười hai môn đệ và sai họ lên đường và dặn dò. Sứ mệnh tuy bao la nhưng không được ôm đồm. Các ông chưa thể “đi về phía các dân ngoại”, vì việc cần làm ngay lúc này là đến với những người đồng bào, “những chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Sứ mệnh thật khẩn cấp. Vì thế, phải loại bỏ những hành trang cồng kềnh gây trở ngại. Phải tận dụng mọi thời gian ít ỏi, bởi vậy khi còn đang đi dọc đường đã phải bắt đầu rao giảng rồi. Các môn đệ lúc được Chúa sai đi hẳn không được trang bị kỹ năng chuyên môn nào ngoài quyền năng “chữa lành bệnh tật và khu trừ ma quỷ”. Những chỉ thị đó là để các ông tập trung vào trọng tâm của sứ điệp: “vào nhà nào hãy chúc bình an” với nội dung chính của lời rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”.

Bạn thân mến, đừng đợi khi có điều kiện này, phương tiện kia thì bạn mới rao giảng. Bạn cũng đừng nghĩ phải thuyết giảng trong một sự kiện có tầm cỡ hoành tráng mới là loan báo Tin Mừng. Trái lại, trước khi rao giảng bằng lời nói, bạn hãy ‘nói’ bằng cuộc sống của bạn, tức là bằng những việc nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống đời thường khi bạn làm những việc đó với tâm tình và ý hướng của người tông đồ.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ cho một người bé mọn với lời cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều thợ gặt, và sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.