Tờ tin Giáo Xứ Tân Định – Số 166/Năm A – Chúa Nhật 31/05/2020

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

193. Trong truyền thống Giáo Hội La Tinh, các thừa tác viên bí tích hôn phối là người đàn ông và người đàn bà kết hôn (70); qua việc tỏ ưng thuận và phát biểu nó một cách thể lý, họ đã tiếp nhận một ân ban lớn lao. Sự ưng thuận của họ và sự kết hợp thể xác của họ là các phương thế do Chúa ấn định để nhờ đó, họ trở nên “một thân xác”. Nhờ sự thánh hiến của phép rửa, họ có khả năng tham dự vào hôn phối như các thừa tác viên của Chúa và nhờ thế đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Bởi thế, khi hai vợ chồng không phải là Kitô hữu lãnh nhận phép rửa, họ không cần phải lặp lại các đoan hứa lúc kết hôn nữa; họ chỉ cần không bác bỏ chúng, vì khi lãnh nhận phép rửa, sự kết hợp của họ tự động trở thành có tính bí tích. Bộ Giáo Luật cũng thừa nhận tính thành sự của một số cuộc kết hợp được cử hành không có sự hiện diện của một thừa tác viên thụ phong (71). Trật tự tự nhiên vốn thấm nhiễm ơn thánh cứu chuộc của Chúa Giêsu đến nỗi “một khế ước hôn phối thành sự không thể hiện hữu giữa các người đã chịu phép rửa mà không vì sự kiện này mà không là một bí tích” (72). Giáo Hội có thể đòi việc này: đám cưới phải cử hành cách công khai, với sự hiện diện của các nhân chứng và các điều kiện khác có thể thay đổi theo thời gian, nhưng điều này vẫn không giảm giá việc chính những cặp kết hôn mới là các thừa tác viên của bí tích. Nó cũng không ảnh hưởng gì tới tính trung tâm của việc ưng thuận do người đàn ông và người đàn bà nói lên, một việc tự nó thiết lập ra dây hôn phối. Nói thế rồi, ta vẫn cần suy nghĩ thêm về hành động của Thiên Chúa trong nghi thức hôn phối; điều này đã được biểu lộ rõ ràng nơi các Giáo Hội Đông Phương qua sự coi trọng việc chúc lành mà cặp vợ chồng lãnh nhận như dấu chỉ ơn.

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Suy niệm: “Sứ vụ chính của Chúa Thánh Thần không phải là đem lại sự xúc động, nhưng tạo nên nơi ta tính cách giống như Đức Ki-tô” (Thần học gia J. Packer). Ki-tô giáo trình bày cho nhân loại một hướng đi, một mục đích rõ ràng cho cuộc đời con người: tôn vinh Chúa và cứu độ mình cùng với người khác. Đồng thời Ki-tô giáo cũng giới thiệu cho ta một hình tượng lý tưởng rất gần gũi, rất thật với con người. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là mẫu gương hoàn hảo cho ta về cung cách sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, cũng như sống tình huynh đệ với người khác như anh em, chị em với nhau. Thánh Thần, Đấng hiện diện trong ta, sẽ giúp ta tập có những tâm tình, cũng như sống các tính cách như-Giê-su ấy trong cách hành xử mỗi ngày.

Mời Bạn: “Tôi không muốn thế gian định nghĩa Chúa cho mình. Tôi muốn Thánh Thần mạc khải Chúa cho mình” (A. Tozer). Chúa Thánh Thần giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa qua Chúa Giê-su, để sống tình cha-con với Ngài như Chúa Giê-su đã từng làm gương. Bạn hãy nhớ đến Thánh Thần mỗi khi khởi đầu ngày sống, trước các việc đạo đức, cũng như trước mỗi lựa chọn lớn nhỏ trong ngày, để bạn càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người Anh Cả của mình.

Sống Lời Chúa: Trước các công việc của ngày sống, tôi hướng về Thánh Thần, xin Ngài giúp tôi biết tâm tình phải có để sống đẹp lòng Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, cảm tạ Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn con. Xin giúp con có những tâm tình, tính cách như Chúa Ki-tô. Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 31/05 – 06/06/2020

  • Chúa nhật, 31/05: CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).
  • Thứ hai, 01/06: Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Lễ nhớ.
  • Thứ ba, 02/06: Thánh Marcellinô và thánh Phêrô, tử đạo.
  • Thứ tư, 03/06: Thánh Carôlô Lwanga và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.
  • Thứ năm,04/06:
  • Thứ sáu, 05/06: Thánh Bônifatiô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
  • Thứ bảy, 06/06: Thánh Norbertô, giám mục.

THÔNG BÁO: TUẦN 31/05 – 06/06/2020

  1. Thứ bảy 30/05/2020 sau Thánh lễ chiều có Rước Kiệu Đức Mẹ trọng thể và dâng hoa cộng đoàn. Khi dự lễ xin anh chị em đem theo 1 cành hoa dâng Đức Mẹ kết thúc tháng hoa kính Đức Mẹ.
  2. Chúa nhật 31/05 xin quý vị phụ huynh đưa con em tham dự Thánh Lễ Chúa nhật, sau đó các em thiếu nhi học giáo lý bình thường. Để đảm bảo an toàn trong thời gian dịch bệnh còn phức tạp, xin quý vị phụ huynh lo phần ăn sáng cho con em mình.
  3. Thứ bảy tuần này 06/06/2020 kỷ niệm 1 năm thụ phong linh mục của cha GB Nguyễn Trọng Tín. Thánh lễ đồng tế tạ ơn Chúa được cử hành lúc 5 giờ 00 sáng. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự Thánh Lễ tạ ơn cầu nguyện cho cha GB trong dịp hồng phúc này.
  4. Chúng ta bước vào tháng 6 tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là bổn mạng của họ đạo Tân Định thân yêu. Chúng ta dâng xứ đạo và các gia đình lên Thánh Tâm yêu thương của Chúa tại nhà thờ cũng như trong giờ kinh tối của các gia dình qua việc cùng đọc kinh cầu Thánh Tâm sau Thánh Lễ – trước khi đọc kinh Lòng Chúa thương xót ngày thường trong tuần.
  5. Theo truyền thống hàng năm vào tháng sáu bổn mạng Thánh Tâm Chúa có hiến máu nhân đạo. Chúa nhật 07/06/2020 có hiến máu nhân đạo tại khu vực nhà chờ Phục Sinh cũ. Xin báo trước để anh chị em chuẩn bị.
  6. Số tiền anh chị em giúp phòng khám từ thiện của giáo xứ được 35 triệu 300 ngàn đồng. Xin cám ơn anh chị em. Hôm nay xin giúp cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà theo lời mời gọi tha thiết của Đức Tổng Giuse:Thưa anh chị em, công trình trùng tu nhà thờ Chính Toà Đức Bà sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, ít nhất là đến cuối năm 2025, vì tu bổ, sửa chữa, nâng cấp một công trình cổ 140 năm tuổi như nhà thờ Đức Bà của chúng ta là một công việc đầy dẫy khó khăn, hết sức phức tạp, mất rất nhiều thời giờ vì không thể làm vội vã được, mà cần phải làm thật cẩn thận.Vì thế, tôi tha thiết xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho công trình trùng tu này được bình an, vượt qua mọi thử thách gian nan để hoàn thành tốt đẹp như mọi người mong ước, đồng thời tôi cũng tuyên bố khai mạc “đợt ủng hộ trùng tu Mùa Chay – Phục Sinh năm 2020” nhằm xin các giáo xứ, các dòng tu, các ân nhân quảng đại đóng góp cho công trình trùng tu nhà thờ Chính Toà Đức Bà thân yêu của tất cả chúng ta, kể từ thứ Tư lễ Tro, ngày 26.02.2020 và kết thúc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31 tháng 05 năm 2020.

    Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót ban muôn ơn lành cho tất cả những ai đã góp phần vào công việc cao quý này, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của giáo phận và là tước hiệu của nhà thờ Đức Bà.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

[Tải về bản in – PDF]