Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng trong đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta phải nên hoàn thiện.

Chúng con có biết thế nào là hoàn thiện không ?Đây cha thí dụ cho chúng con nghe.

1. Ngôi Nhà Cuộc Đời.

Cha hỏi chúng con, đã có khi nào chúng con thấy người ta xây nhà chưa ?

Đã có khi nào chúng con nghe người xây nhà nói:

– Nhà đã xong phần thô rồi. Bây giờ đến phần hoàn thiện.

Hoàn thiện là gì chúng con ?

Hoàn thiện là làm cho nó tốt hơn, làm cho nó đẹp hơn, tuyệt vời hơn, trọn vẹn hơn. Tóm lại là làm cho nó xứng đáng với mong ước của mình hơn. Chúng con đã thấy người ra xây một ngôi nhà mới. Sau những ngày đêm làm việc vất vả để làm nên một ngôi nhà. Ngôi nhà đã được xây xong. Ngôi nhà đã có hình hài. Các thiết bị cần thiết đã được đặt xong vào các vị trí của nó. Thí dụ như các dụng cụ nhà vệ sinh, phòng tắm, phòng ăn, phòng khách, đèn trang trí…. có nghĩa là ngôi nhà đã có thể sử dụng để ở, nhưng nhìn ngôi nhà người ta vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Còn một vài chi tiết nào đó phải được hoàn chỉnh hơn. Thí dụ như màu tường chưa được sáng, bàn ghế trang trí trong nhà chưa hợp lý, hay như chỗ làm việc mỗi ngày cũng chưa được hợp lý cho lắm, cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm.

Cuối cùng thì ngôi nhà cũng đã hoàn thiện. Mọi người nhìn vào đều thấy bằng lòng. Rồi mọi người đến ở. Tất cả đều cảm thấy sung sướng vì mình đã được ở trong ngôi nhà mong ước từ lâu.

2. Ngôi Nhà Của Thiên Chúa.

Cũng tương tự việc xây một ngôi nhà, Thiên Chúa đã không tạo dựng nên một công trình hoàn thiện từ ban đầu. Công trình tạo dựng ấy, Thiên Chúa vẫn để nó còn dang dở để rồi sẽ được hoàn thiện cùng với thời gian.

Nhưng hoàn thiện như thế nào thì chúng con phải trở về với lịch sử của công việc tạo dựng.

Chúng con nhớ lại thuở ban đầu sau khi Chúa tạo dựng nên mọi sự, Chúa đặt con người sống tại vườn địa đàng. Tại đây, Thiên Chúa cho con người sống chung với những loài cầm thú. Sống chung có nghĩa là con người và loài cầm thú phải tuân thủ cùng một qui luật Chúa đặt ra. Đó là luật nào chúng con ?

– Luật rừng.

Nhưng rồi con người với khả năng thay đổi Chúa ban cho. Chúng con nhớ là chỉ có con người Chúa mới ban cho có khả năng này mà thôi. Loài vật không loài nào có. Chính nhờ khả năng thay đổi này mà cuộc sống của con người mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn. (Loài vật không có sự tiến bộ). Đến lúc sự tiến bộ đã đạt tới một mức độ Chúa muốn, Chúa đặt cuộc sống của con người dưới những qui định mới. Từ đây con người được sống với những qui định cao hơn. Luật công bằng ra đời từ đó. Suốt từ thời có luật công bằng phải nhận là cuộc sống con người càng ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Luật công bằng ngày nay hầu như đang chi phối mọi hoạt động của con người trên hành tinh, gọi là trái đất này.

Nhưng đến đây thử hỏi Thiên Chúa đã bằng lòng chưa ? Chắc chắn là chưa. Bởi vì công trình tạo dựng tốt đẹp của Chúa mà con người đã làm cho nó không còn tốt đẹp như thuở ban đầu, bây giờ phải được tái tạo lại. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa gửi xuống trần gian để thực hiện công việc này. Bằng công trình cứu chuộc, Chúa Giêsu đã trả lại cho con người cuộc sống làm con Thiên Chúa như thuở ban đầu. Đây là mục đích công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Tới đây thì cuộc sống con người như Chúa mong ước phải được đổi thay. Cuộc sống do đó phải vươn cao hơn, phải hoàn thiện hơn. Con người phải cố gắng làm cho cuộc sống của mình xứng đáng với danh nghĩa là CON THIÊN CHÚA hơn.

Nếu cuộc sống làm người của con người được đặt dưới sự chi phối của hai tiếng công bình thì cuộc sống của người được làm CON THIÊN CHÚA phải được hướng dẫn bởi những qui luật cao hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa. Từ đó mà luật yêu thương đã ra đời. Đây mới là luật hoàn thiện mà Thiên Chúa muốn có. Vì chỉ có yêu thương mới có thể làm cho con người nên giống Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu”. Thánh tông đồ Gioan đã quả quyết như thế. Chỉ có yêu thương thực sự mới làm cho cuộc sống con người có hạnh phúc.

Đây cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Một người đàn ông và một người đàn bà liên lạc với nhau qua hệ thống internet và không hề thấy mặt nhau. Dù vậy, sau một thời gian, những trao đổi giữa hai người đã biến thành những lá thư tình nồng thắm nhất, và bằng mọi giá, họ muốn thấy mặt nhau.

Từ hai thành phố khác nhau, họ hẹn nhau tại phi trường Chicago. Họ sẽ đáp máy bay đến phi trường này cùng vào một giờ như nhau. Vì chưa hề thấy mặt nhau, cho nên người đàn bà cho biết bà sẽ đeo một khăn quàng cổ màu xanh, đội chiếc mũ màu xanh và dĩ nhiên cũng gắn lên chiếc áo khoác của mình một đóa hoa cẩm chướng màu xanh. Tất cả những dấu hiệu xanh ấy không thể nào khiến bà bị nhận lầm với một người nào khác được. Người đàn bà cho biết chuyến bay của bà sẽ sớm hơn một thời gian ngắn, và như vậy, bà có thể đứng trước cổng đến của chuyến bay của người đàn ông.

Vừa ra đến cổng, người đàn ông hồi hộp rảo mắt nhìn từng người trong đám đông đi đón thân nhân. Chỉ trong nháy mắt, ông đã nhận ra được người đàn bà với chiếc khăn quàng cổ màu xanh, chiếc mũ màu xanh và cánh hoa cẩm chướng cũng màu xanh trên áo khoác. Nhưng cũng chỉ trong nháy mắt, người đàn ông muốn độn thổ hoặc quay trở lại máy bay tức khắc, bởi vì người yêu mà ông mong được gặp mặt từng giây từng phút lại là một người đàn bà xấu chưa từng thấy.

Nhưng cuối cùng, người đàn ông cũng lấy hết can đảm tiến về phía người đàn bà, mỉm cười và tự giới thiệu. Người đàn bà cũng ngạc nhiên không kém, bà mở tròn đôi mắt và hỏi người đàn ông:

– Ông làm gì thế, tôi không biết ông là ai!

Rồi bà ta chỉ tay về phía một người đàn bà khác đang đứng lấp ló sau một cây cột lớn và nói:

– Người đàn bà đó cho tôi hai Mỹ kim, và bảo tôi mang vào người tất cả những thứ màu xanh này. Bà ta nói với tôi rằng điều tôi đang làm rất quan trọng cho bà.

Người đàn ông nhìn về hướng cây cột lớn, và nhận ra một người đàn bà đẹp chưa từng thấy. Ông tiến lại gần và hai người nhận ra nhau ngay tức khắc.

Người đàn bà giải thích như sau:

– Suốt đời tôi, người đàn ông nào cũng tìm đến với tôi chỉ vì sắc đẹp của tôi. Chính vì thế, tôi đã quyết định liên lạc trên hệ thống internet, để tìm một người đàn ông không đến với tôi chỉ vì sắc đẹp của tôi mà chỉ vì giá trị nội tâm của tôi .

\/ăn hào Pháp Victor Hugo có nói: “Niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc sống là khi chúng ta xác tín rằng chúng ta được yêu thương vì con người chúng ta, hay đúng hơn, chúng ta được yêu cho dẫu chúng ta có là gì đi nữa “.

Đó là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt. Ngài yêu thương mọi người không phải vì tài năng đức độ của họ. Dù nghèo hèn xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người đều có một chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu của Chúa.

Mang lấy hình ảnh Thiên Chúa tình yêu, con người chỉ có thể yêu thương thực sự khi yêu thương bằng tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, yêu thương theo đúng nghĩa của tình yêu là yêu thương một cách vô vị lợi không tính toán, không mong được đáp trả. Một tình yêu như thế chỉ có thể múc lấy từ nguồn mạch của tình yêu là chính Thiên Chúa mà thôi.

Xin Chúa ban cho chúng ta chính tình yêu của Chúa, để chúng ta cũng biết yêu thương bằng tình yêu quảng đại, vô vị lợi.

Xin Cho chúng ta biết nhận ra hình ảnh Chúa nơi mỗi người, nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Amen.

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin mừng thật dài, dài hơn tuần trước. Tuần trước chúng ta suy niệm với nhau về vai trò của Muối và Ánh sáng. Muối phải có vị mặn và ánh sáng phải tỏa sáng. Hôm nay với Bài TM này, chúng ta suy niệm với nhau về cách thức để làm cho muối có vị mặn và ánh sáng có khả năng tỏa sáng..

Trong Bài TM hôm nay, Chúa tuyên bố nhiều điều, nhưng chúng ta chú ý vào mấy điểm chính:

L. Ta Đến Không Phải Để Hủy Bỏ Nhưng Để Kiện Toàn

– Chúa không đến để hủy bỏ luật cũ. Luật cũ là Luật Cựu Ước. Luật này được đặt trên nền tảng hai tiếng Công Bình. Luật này cũng do Thiên Chúa ấn định. Và Chúa không thể tự mâu thuẫn với chính mình khi hủy bỏ những gì do mình làm ra.

Lúc đầu vì mức độ hiểu biết của con người còn thấp, cho nên Chúa chỉ đòi hỏi con người phải biết sống CÔNG BÌNH đối với nhau. Sống được như thế kể như cũng đã là tốt lắm rồi.

So với Luật mới, luật Bác Ái thì luật cũ, Luật Công Bình còn ở mức độ rất thấp.

– Thế nhưng so với các dân tộc chung quanh đang sống dưới chế độ Luật rừng thì Luật Công Bình: “Mắt thế mắt, răng đền răng” phải nói là đã có một sự tiến bộ rất lớn rồi.

– Công bình mà nói thì dân Do Thái trong một giai đoạn lịch sử nhất định đã chu toàn được vai trò là Dân Thiên Chúa của mình.

2. Thế Nhưng Cuộc Sống Con Người Không Bao Giờ Dừng Lại.

Nó luôn luôn thăng tiến. Cha Teilhard de Chardin đã nói tới một sự thăng tiến theo đường trôn ốc…sự thăng tiến mỗi ngày mỗi phải cao hơn.

Chúa cũng công khai đòi hỏi những người theo Ngài phải thăng tiến “Chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con ở trên trời”. Đó là một đòi hỏi thật cao. Nó bắt buộc chúng ta phải vượt qua những làn mức của quá khứ và vươn tới một đỉnh cao mới.

Với 6 cặp ví dụ, hôm nay 4 cặp và tuần sau 2 cặp, Chúa đã cắt nghĩa cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt tới sự đòi hỏi của Chúa.

“Các con đã nghe dạy người xưa. “Chớ giết người, Chớ ngoại tình, chớ thề gian và nếu có ly dị thì hãy trao cho vợ tờ ly dị…Còn Chúa thì Chúa bảo ai phẫn nộ với anh em, chửi anh em là ngốc, rủa anh em là khùng thì cũng đáng phải phạt rồi…Vấn đề ngoại Tình, Ly dị, thề thốt Chúa cũng cho những chỉ dẫn mới.

Rõ ràng là đòi hỏi của Chúa quyết liệt và dứt khoát hơn. Nhưng đó cũng là những đòi hỏi giúp cuộc sống con người trở thành một cuộc sống có giá trị tốt đẹp và đáng nể phục hơn.

Luật cũ chỉ có giá trị ngăn ngừa, luật mới của Chúa đưa ra những chỉ dẫn giúp chúng ta thăng tiến bằng những thực hành rất cụ thể để chúng ta có thể tiêu diệt được tội lỗi ngay từ trong căn nguyên của nó và sau đó con người có thể tìm lại được đời sống Thánh thiện nguyên thủy lúc ban đầu của mình.

3. Chúng ta có thể tự đặt ra một câu hỏi: “Khi đòi hỏi như thế Chúa muốn điều gì ở nơi chúng ta ?”

– Câu trả lời tương đối không có gì là khó: Chúa muốn cho chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp đáng nể phục – để rồi từ đó chúng ta có thể cộng tác với Người làm cho thế giới mà trong đó con người đang sống có được một khuôn mặt càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta hãy thử tượng tượng xem, nếu ngày hôm nay mà chúng ta vẫn còn phải sống dưới chế độ luật rừng thì không biết cuộc sống của con người trên trái đất này sẽ như thế nào. Trước đây mới chỉ có một Tần Thủy Hoàng ở bên Trời Đông và một Bạo chúa Néron ở bên trời Tây mà không biết bao nhiêu con người đã phải khốn đốn vì họ. Nếu có nhiều hơn thì chắc là thế giới còn phải chịu nhiều cảnh khốn khổ như thế nào.

Người đi theo Chúa phải có một cuộc sống hoàn thiện hơn. Đừng tưởng có quyền, có tiền là làm cho người ta phải nể phục. Muốn làm cho người ta nể phục đòi hỏi chúng ta phải là người có tư cách, có đạo đức như Chúa Giêsu đòi hỏi.

– Vua Philippe có tài cai trị rất khéo nhưng ông đã không Công bằng sòng phẳng trong đời sống hôn nhân. Ông bỏ người vợ đầu tiên là Olympias để cưới một người đàn bà xứ Macédonia là Cléopatre (không phải là Hoàng hậu Ai cập)

Việc Ông làm như thế đã làm cho đứa con của ông sau này là Alexandre Đại đế đau lòng.

Trong bữa tiệc cưới, Attlas là chú rể của cô dâu….đứng lên cầu nguyện cho hoàng hậu mới, sinh cho Đức Vua một người con để nối ngôi Vua Cha sau này. Chịu không nổi cảnh nhục nhã đó, Alexandre cầm một ly rượu tạt vào mặt kẻ đã dám gián tiếp xỉ nhục Mẹ ruột của mình giữa bá quan văn võ trong lúc bữa tiệc đang vui. Vua Philippe vừa thẹn vừa mất bình tĩnh, tuốt gươm ra định giết đứa con mà Ông rất yêu thương của mình, nhưng may Ông đã kịp thời lấy lại được sự bình tĩnh, ông tra gươm vào bao và mệt mỏi ngồi xuống.

Alexandre con Ông khinh bỉ nói với cha của mình: “Hãy nhìn xem – Con người có thể chinh phục cả từ Âu sang Á mà lại không làm chủ được mình, sống buông thả cho dục vọng hết người đàn bà này đến người đàn bà khác”.

Vua Philippe rất xấu hổ nhưng Ông cũng không dám làm gì.

Chúng ta đừng có tưởng có được địa vị cao, có tiền có của nhiều mà được người đời kính cẩn nể phục đâu.

Phải có một cái gì cao cả hơn. Sự cao cả không nằm ở những gì to tát, oai phong lẫm liệt nhưng ở những việc bình thường nhưng được làm với tình yêu.

Một tờ báo lớn của Trung Quốc từng đã đăng tải về một “việc làm nhỏ” như sau:

Ở dưới chân núi Trường Thành đoạn đi qua Bát Đạt Lĩnh, có một cụ già ngoại quốc đã lặng lẽ làm một “việc làm nhỏ” trong suốt nhiều năm trời với mục đích giữ cho cảnh quan môi trường của Trường Thành sạch đẹp.

Mỗi khi vào dịp lễ Tết, những du khách đến Trường Thành tham quan đều nhìn thấy một cụ già ngoại quốc tráng kiện, cần mẫn và chuyên tâm nhặt rác thải mà các du khách tiện tay vứt bừa bãi khắp nơi ở dưới chân Trường Thành.

Có một lần, một cậu bé nghịch ngợm suýt nữa rơi từ trên Trường Thành xuống. May mà cụ già ấy có mặt kịp thời. Cụ già không quản nguy hiểm, nhảy xuống cứu cậu bé. Sau đó, ông cụ lại tiếp tục nhặt rác, giống như không có chuyện gì xảy ra. Cho đến khi một du khách chụp ảnh cụ, đăng bài viết về cụ trên một tờ báo lớn, mọi người mới biết rõ thân phận thực sự của cụ. Hóa ra, cụ già với bề ngoài bình dị ấy, trước đây từng là đại sứ của Na-uy tại Trung Quốc. Khi các phóng viên biết tin đến phỏng vấn, vị đại sứ ấy đã nói về công việc của mình hết sức đơn giản:

– Đây chẳng qua chỉ là một việc làm nhỏ, ai mà chẳng làm được.

Không biết việc làm nhỏ ở đây dùng để chỉ việc tự nguyện nhặt rác thải hay là không quản nguy hiểm để cứu người khác ? Ngài đại sứ không nói rõ. Theo sự phỏng đoán của tôi, chắc là cả hai. Nhưng mỗi khi nghĩ đến “việc làm nhỏ” ấy trong lòng tôi lại trào dâng xúc cảm.

Cách đây không lâu, tôi tò mò hỏi một người bạn, điều gì khiến anh ta ấn tượng nhất trong chuyến đi du lịch ở Hong Kong. Anh ấy trả lời, ấn tượng sâu sắc nhất mà trung tâm thương mại tài chính lớn nhất thế giới ấy để lại trong anh không phải là màn đêm với ánh đèn rực rỡ như sao trời, cũng không phải là những tòa nhà cao ốc chọc trời, cũng không phải là những bờ biển trữ tình thơ mộng. Cũng không phải bến cảng Victoria với những con thuyền đi lại tấp nập như mắc cửi, cũng không phải là công viên Hải Dương với những trò chơi mới lạ kích thích, mà là đường phố sạch sẽ không chút bụi bẩn.

Anh ấy không hiểu tại sao, một đô thị lớn bậc nhất thế giới ấy, lại có được một môi trường sống sạch sẽ như thế. Anh nghĩ chắc chính phủ phải điều động không biết bao nhiêu công nhân vệ sinh môi trường ? Nhưng rồi sau đó, ở đường phố Hiên Nê Thi và trước ngân hàng Hối Phong, anh nhìn thấy rất nhiều người tình nguyện làm công việc nhặt rác, anh mới vỡ lẽ.

Sự cao thượng là gì ? Sự cao thượng thực ra rất đơn giản, chính là bắt đầu từ những “việc làm nhỏ”.

Lạy Chúa Giêsu

Xin dạy cho con biết sống can trường

Xin cho con can đảm hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy cho con biết theo Chúa vô điều kiện

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe nói với chúng ta về giá trị của Lề Luật trong cuộc sống.

Luật là do Thiên Chúa ấn định. Luật luôn đi liền với hiện hữu, nói một cách dễ hiểu hơn thì Luật luôn có mặt và tồn tại cùng với tất cả những gì có trên đời.

Khi vũ trụ được dựng nên, ta thấy có Luật vũ trụ.

Khi con người và thế giới được hình thành ta thấy có luật tự nhiên. Rồi kể từ đó luật luôn có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống con người.

Trên trời chúng ta thấy có luật hàng không. Dưới nước chúng ta thấy có luật đường thủy, đường sông v…v…

Trong các sinh hoạt của con người trong vũ trụ, ở đâu chúng ta cũng có luật kèm theo.

Ngày 8 tháng 2 năm 2020, gõ nhẹ vào phím tìm từ “Luật” trong máy vi tính, Google cho chúng ta một kết quả thật đáng kinh ngạc: Khoảng 162.000.000 kết quả (0,39 giây). Xét như thế thì chúng ta thấy luật bao trùm chi phối mọi lãnh vực của cuộc sống con người.

A. Luật của CUỘC SỐNG.

Cha hỏi chúng con luật nhiều như thế nhưng có luật nào quan trọng và được nhiều người đặt mình dưới sự chi phối của Luật đó hay không ?

Có ba thứ luật này. Đó là Luật rừng, luật công bằng, luật bác ái yêu thương.

1. Luật Rừng.

Tại sao người ta gọi luật này là Luật rừng ? Sở dĩ người ta đặt tên như thế bời vì loại luật này là luật của cầm thú, luật dựa trên sức mạnh, dựa trên cơ bắp chứ không dựa trên bất cứ giá trị tốt đẹp nào của con người.

Ngày nọ các anh chị bự trong rừng bắt được một con chiên xả ra làm 3 phần. Sư tử, cọp, beo, gấu họp nhau để chia. Sư tử đứng ra chia:

– Phần thứ nhất thuộc về tao vì tao là Vua thú vật nên hưởng trước hết.

– Phần thứ hai thuộc về tao vì tao có công nhiều. Tao lớn tiếng, rộng họng la lối nên chiên mới hoảng sợ không dám chống cự nên tụi bay mới bắt được nó và nó vì sợ tao nên mới dừng chân để chúng bay bắt.

– Còn phần thứ ba, đứa nào ngon giỏi nhào vô lấy đi… sẽ biết tay tao…

Beo, gấu cúp đuôi, cụp tai, cúi đầu rút lui, không con nào dám tranh cãi.

Đó là luật rừng.

2. Luật Công Bằng.

Luật công bằng có từ thời Môisen. Lúc này cuộc sống con người đã khá hơn. Chúa làm ra luật này để Môisen dùng mà trị nước. Luật này được đặt trên một nguyên tắc: Mắt thế mắt, răng đền răng. Đây là luật có đi có lại.

Chúng ta hãy nhìn lên đỉnh đồi Golgotha lúc Chúa Giêsu bị hành hình một cách hết sức bất công và tàn nhẫn. Hãy nhớ lại những gì xảy ra lúc đó. Giữa những tiếng sỉ nhục của bao người dành cho Chúa, thì có một tiếng nói lẻ loi, ít ỏi được vang lên: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái đâu!” (Mt 23,39)

Đó là tiếng nói của công bằng. Công bằng có gan làm thì có gan chịu. Làm đến đâu thì phải chịu đến đó.

3. Luật Bác Ái Yêu Thương.

Luật này do chính Chúa Giêsu thiết lập. Chúa thiết lập luật này vào một hoàn cảnh rất đặc biệt: Lúc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13,34-35)
Một bà mẹ đang van xin vua Napoléon I ân xá cho con trai của bà. Hoàng đế liền tuyên bố rằng:

– Ta không thể tha thứ cho con trai bà được vì anh ta đã phạm tội lần thứ hai, và lẽ công bằng đòi hỏi ta phải xử tử hắn thôi!.

Bà mẹ khẩn khoản:

– Thưa ngài, tôi không dám đòi hỏi lẽ công bằng, tôi chỉ van xin lòng thương xót của ngài mà thôi.

Hoàng đế nói thẳng thừng:

– Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót!

Bà mẹ lại kêu lên:

– Thưa ngài, nếu con tôi xứng đáng, thì không còn gọi là lòng thương xót nữa. Vâng, con trai tôi bất xứng, nhưng tôi chỉ dám van xin ngài dủ lòng thương xót đến nó mà thôi.

Cuối cùng, hoàng đế đã động lòng thương:

– Thôi được rồi, ta sẽ tha cho nó chỉ vì lòng thương xót của ta mà thôi.

Đó là luật bác ái yêu thương. Bác ái yêu thương vượt lên trên sự công bằng.

B. Chúa kiện toàn luật pháp.

Cha đố chúng con thế nào là kiện toàn ? Ai trả lời cho cha ?

Kiện toàn là làm cho nó tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, hoàn hảo hơn.

Vậy theo Chúa thì luật nào là luật hoàn hảo nhất ?

Chúng con hãy thử tưởng tượng xem: Một người đặt mình dưới sự chi phối của Luật rừng và sống với sự hướng dẫn của luật đó thì giá trị đời sống của họ sẽ ra sao. Có thể nói giá trị cuộc sống của họ không hơn gì loài cầm thú. Người đời vẫn gọi những loại người này là loài thú có hai chân. Sống mà như thế thì thà đừng có mặt ở trên đời này có lẽ còn hay hơn.

Còn nếu như một người đặt cuộc sống của mình dưới sự chỉ dẫn và chi phối của luật công bằng thì sao ? Chắc chắn giá trị cuộc sống của người đó sẽ cao hơn. Họ đã xứng đáng làm người. Cha thấy hầu như mọi hệ thống luật pháp trên thế giới hôm nay đều cố gắng hướng con người vào con đường này. Cuộc sống có đi có lại ngày hôm nay đã được các xã hội loài người chấp nhận và cổ võ. Sống được như thế cha thấy giá trị của cuộc sống cũng đã rất tốt đẹp nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở tầm cỡ con người.

Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã không muốn dừng lại ở đây. Chúa đề nghị chúng ta phải vươn lên tới một cuộc sống cao cả hơn. Cuộc sống của những người CON THIÊN CHÚA, cuộc sống được thông phần vào cuộc sống của Thiên Chúa. Đó là cuộc sống yêu thương. Những ai biết đặt cuộc sống của mình trên nền tảng này, họ sẽ làm cho cuộc sống của họ thành cuộc sống của người CON THIÊN CHÚA.

Từ cuộc sống bị coi như ngang hàng với cầm thú, Chúa đưa con người lên cao hơn một bậc để họ sống xứng danh là con người. Tới đây thì cuộc sống đó đã đẹp, nhưng Thiên Chúa vì yêu thương con người chưa muốn giá trị cuộc sống con người dừng lại ở đó. Phải làm cho cuộc sống của con người cao cả hơn, xứng danh với công trình tạo dựng của Thiên Chúa hơn, đó là cuộc sống của những người CON THIÊN CHÚA.

Chính trong ý hướng này mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa kêu gọi người ta không được giết người, không được rẫy vợ mình, không được ngoại tình, không được bội thề v…v… Vì những điều ấy một cách nào đó còn do ách công bằng chi phối. Hãy cố gắng vươn lên và vượt qua để cho tình yêu thương được nảy mầm và lớn lên làm cho cuộc sống của chúng ta xứng đáng là CON THIÊN CHÚA hơn. Amen.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên “muối cho đời”“ánh sáng cho trần gian”. Bằng hai hình ảnh rất quen thuộc này, Chúa Giêsu đã phác họa luật sống cho con cái mình, để họ làm chứng cho Chúa giữa anh em đồng bào, đồng loại.

Muối là gia vị cần thiết nhất để ướp thực phẩm khỏi hư thối và để làm đồ ăn thêm đậm đà. Thánh Phaolô căn dặn tín hữu Colosê: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mọi người” (Col 4,6).

Nếu muối cần để ướp thực phẩm khỏi hư thối và làm cho đồ ăn thêm đậm đà, thì ánh sáng còn cần cho sự sống mọi loài hơn nữa. Không có ánh sáng, vũ trụ này sẽ tối tăm, con người như mù lòa và muôn vật sẽ mất hết màu sắc tươi đẹp của chúng. Không có ánh sáng, mọi loài sẽ chết dần chết mòn.

Khi Chúa Giêsu nói: Chính anh em là muối cho đời là ánh sáng cho trần gian, Ngài muốn nói gì ?

Muối cho đời!

Khi sánh ví người Kitô hữu với muối, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một trách nhiệm rất quan trọng. Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của con người.

Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ với chất sodium của nó; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon, đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối; vừa dùng làm vị thuốc chữa bệnh cho con người.

Nếu muối rất cần thiết trong sinh hoạt của cuộc sống, thì người Kitô hữu cũng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường xã hội: Họ phải là những thỉnh nguyện viên bảo vệ môi trường khỏi những ô nhiễm của xấu xa, tội lỗi. Đồng thời, họ cũng phải làm cho cuộc đời của những người chung quanh bớt vô vị, nhạt nhẽo, nhưng luôn đậm đà thắm tình yêu cuộc sống và tình người. Thánh Phaolô dạy: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4,6).

Ánh sáng cho trần gian. Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng (1Ga 1,5) và chỉ có Đức Giêsu mới dám nhận mình là ánh sáng: “Tôi là ánh sáng của thế gian” (Ga 8,12). Chính xác hơn, Chúa chính là Nguồn Ánh Sáng, là Mặt trời, nguồn năng lượng duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng. Không có mặt trời sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp, thảo mộc, sinh vật, và con người. Mặt trời chính là hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa. Cội nguồn của mọi sự sống. Thế mà hôm nay, Chúa đã tuyên phong cho con người yếu hèn, tội lỗi, bệnh tật, khổ đau là ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho thế gian”. Quả thật, cho dù là những tín hữu rất ngoan đạo, chúng ta cũng chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của Chúa, nghĩa là chúng ta để cho ánh sáng của Người xuyên qua và tỏa sáng trong cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã phán ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2 Cr 4,6).

Nếu Chúa đã gọi chúng ta là “muối” là “ánh sáng” thì thật là vinh dự cho chúng ta, vì Người đã nhìn nhận nơi chúng ta một giá trị cao quí. Muối quý giá đến nỗi người ta phải dùng muối để phát lương. Vì thế, mới có từ “Salarium trong tiếng Latinh và từ “Salary” trong tiếng Anh.

Nếu “muối” và “ánh sáng” đã trở nên hữu ích như thế, thì “muối” không thể ra nhạt để thành vô dụng, và “ánh sáng” không thể đặt dưới đáy thùng để ra vô ích. Nhưng hãy là “muối” ướp mặn cho đời là “ánh sáng” soi chiếu cho trần gian.

Nếu “muối” ướp cho đời, “muối” phải biết chấp nhận hòa tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha.

Nếu “ánh sáng” chiếu soi trần gian, “ánh sáng” phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tại một giáo xứ nọ, có một người đàn ông bán thân bất toại. Mỗi buổi sáng, bà vợ đặt ông vào chiếc ghế bành ngoài hiên nhà, để ấm nước chiếc ly bên cạnh rồi đi làm thuê trưa mới về. Ông bà lại không có con cái cháu chắt. Gia đình ông bà không phải là người Công giáo. Hay tin, cha sở thỉnh thoảng ghé thăm ông. Ngài khuyên giáo dân đến thăm ông và giúp đỡ ông. Những lúc nghỉ học, một số em ở gần nhà ông đến thăm ông, đọc sách cho ông nghe. Các hội đoàn cũng đến thăm. Mỗi tuần, cha sở nhờ một bác sĩ tình nguyện đến thăm bệnh cho ông. Lễ Giáng sinh năm đó, ông ngỏ ý:

– Thưa cha, xin cha cho tôi rước lễ.

Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa học giáo lý, chưa rửa tội mà.

Ông thưa :

– Trước đây con chưa biết Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu tốt với con quá, nên con thấy hạnh phúc như được gặp Chúa rồi. Chỉ có Chúa mới làm cho anh em giáo hữu và bác sĩ đã bỏ công bỏ sức đến giúp đỡ người xa lạ và bệnh hoạn như con đây.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian. Một nụ cười thân ái, một cử chỉ chào hỏi thân tình, ít phút viếng thăm trò chuyện vui vẻ với nhau… đó là chút muối ướp cho đời đỡ giá lạnh, bớt hận thù ghen ghét. Một sự từ chối làm điều xấu như theo bạn bè xem phim xấu, rượu chè say sưa, bài bạc, cố gắng làm gương tốt cho vợ con, cháu chắt về việc đạo đức, yêu thương tham gia việc chung… Đó là ít tia sáng soi giữa đêm tối lười biếng, ích kỷ, ưa hưởng thụ này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa gọi chúng con là “muối” và “ánh sáng, có nghĩa là Chúa phong chức cho chúng con, để chúng con lên đường truyền giáo. Xin cho những bước chân chúng con đi tới, đều rộn rã tiếng cười, nồng nàn tình yêu thương, và thấm đậm tình con người. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí của cha.

Chúng con vừa nghe lại bài Tin Mừng rất quen thuộc.

Ai cho cha biết hôm nay Chúa nói với chúng ta về vấn đề gì nào ?

– Chúa bảo chúng con là muối cho đời là ánh sáng cho thế gian.

– Rất đúng! Chúng con giỏi, cha khen chúng con.

1. Trước hết chúng ta nói với nhau về muối.

– Chúng con có biết muối để làm gì không ?

– Muối để ướp mặn, để giữ thức ăn khỏi ươn thối, không có muối đồ ăn sẽ mau hư và nhiều khi trở thành thối không còn dừng được nữa. Ngoài ra muối còn để ướp đồ ăn làm cho thức ăn trở thành có hương vị. Chúng con có thấy mấy người bệnh bác sĩ cấm ăn mặn bao giờ chưa ? Họ đã khó chịu như thế nào khi phải ăn lạt. Bản thân chúng con cũng vậy, khi phải ăn những món ăn thiếu đậm đà vì không có muối chúng con có thấy ngon không ?

Đó chúng con thấy muối có vai trò như thế. Bởi vậy khi Chúa “phong cho” chúng ta là muối, Chúa muốn chúng con phải làm gì ?

Là muối thì phải giữ cho thế gian này không bị hư đi, phải làm cho cuộc sống chúng ta đang sống có hương vị đậm đà hơn.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa cũng muốn cho chúng ta, các môn đệ của Chúa có những đặc tính của muối. Thử hỏi là Chúa muốn gì ? Thưa

Chúa muốn chúng ta, các môn đệ của Người hiện diện thật khiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ.

Người muốn chúng ta các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hoà tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối. Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa đã dạy.

Một hôm Thánh Phanxicô Assisi gọi một tu sĩ trẻ đến và bảo :

– Này, ta đi giảng đạo nhé !

Hai cha con ra đi, sau khi rảo chân khắp phố, thánh nhân bảo thầy kia :

– Nào, ta trở về.

Thầy kia ngạc nhiên hỏi :

– Thưa cha, thế bao giờ cha mới đi giảng  ?

– Giảng rồi thầy ạ!

– Lạ, chúng ta đã giảng chi đâu ?

– Này, chúng ta đã giảng bằng sự nghiêm trang tề chỉnh của chúng ta đó.

Người tu cần có tư cách. Cử chỉ, thái độ, cách ăn mặc, đi đứng, nói năng… tự nhiên nhìn vào người ta biết liền. Đạo chính là đời sống gương mẫu của mình, đâu cần phải tuyên truyền, quảng cáo. Nói hay nói khéo. Nói hay nói khéo mà lời nói không đi đôi với việc làm cũng vô ích.

2. Bây giờ cha nói về ánh sáng.

Chúng con có thấy ánh sáng không nào ?

– Có cha ?

– Vậy ánh sáng để làm gì nào ?

Ở một góc thế giới có một gã bóng tối cô đơn, lạnh lẽo ảm đạm, buồn bã. Chợt cũng nơi đó xuất hiện một tia sáng nhỏ còn sót lại. Tuy bé bỏng, nhưng nó là ánh sáng. Có ai đó đã để nó ở đó. Nó chỉ đứng đó và phát sáng.

Bóng tối hỏi tia sáng:

– Ngươi không nghĩ là ngươi sẽ có ích hơn nếu ngươi đứng ở nơi khác chứ không phải ở cái xó xỉnh bị Thiên Chúa bỏ rơi này sao ?

– Tại sao vậy ? Tôi chiếu sáng vì tôi là ánh sáng.

Và vì tôi chiếu sáng, nên tôi là ánh sáng. Tôi không chiếu sáng để người ta thấy tôi. Không. Tôi chiếu sáng bởi vì việc chiếu sáng và ánh sáng đem đến cho tôi niềm vui.

Khỉ bóng tối nghe điều này, nó nghiến răng ken két và đầy khí nộ muốn lùa ánh sáng đi nơi khác. Nhưng gã bóng tối khổng lồ không đủ sức chống lại tia sáng nhỏ bé này.(Willi Hoffsuemmer)

Lần kia, Solovies, một nhà triết học người Nga đến thăm một tu viện, và sau buổi kinh tối, ông đã say sưa đàm đạo với một tu sĩ kéo dài mãi tới đêm khuya. Khi hai người đã mệt mỏi, Solovies mới từ giã vị tu sĩ để đi về phòng mình, nhưng đi được mươi bước Solovies mới chợt tỉnh thấy mình đã đứng giữa hành lang với những cửa dày đóng kín, cửa phòng nào cũng y như nhau. Trong bóng tối dày đặc, triết gia không còn biết làm sao để về phòng mình nữa. Quay chân trở lại ông cũng không còn nhớ chắc phòng vị tu sĩ mình vừa đàm đạo ở đâu.

Đang tiến thoái lưỡng nan, Solovies chợt nhớ lại luật giữ thinh lặng một cách tuyệt đối trong đêm khuya. Vì thế ông không dám gõ cửa bất cứ phòng nào để nhờ một tu sĩ dẫn về phòng mình. Không còn sự chọn lựa nào khác hơn và với ý nghĩ: dầu sao cũng còn vài giờ nữa là trời sẽ sáng. Ông quyết định sẽ nghỉ lại ở hành lang, để giết thời gian, ông đi đi lại lại để suy nghĩ về những tư tưởng ông vừa mới trao đổi với vị tu sĩ. Thật, thức khuya mới biết đêm dài, nhưng cuối cùng vài giờ còn lại của đêm cũng chậm chạp qua đi. Nhờ ánh sáng yếu ớt của hừng đông triết gia nhận ra cửa phòng mình mà trong bóng tối của đêm khuya ông đã đi qua lại bao nhiêu lần không nhận ra. Nhưng rõ ràng hơn, nhờ những tia nắng yếu ớt giúp ông tìm lại phòng mình. Một tư tưởng vừa lóe ra trong trí óc của ông: “Đối với những người đi tìm chân lý cũng thế, suốt cuộc đời họ đi ngang qua nhiều lần cánh cửa của sự thật nhưng mắt họ như bị màn đêm che kín nên họ không nhận ra cho đến khi một tia nắng yếu ớt của mặt trời giúp họ nhận ra”.

Người Mẹ là ngọn lửa, con cái là ánh sáng. Nhìn sức sáng của ánh sáng, biết được sức mạnh của ngọn lửa. (Đ.Hồng Y.Mindszenty)

Ngày nọ, một người Tin Lành vào thăm nhà thương Hôtel Dieu ở Paris. Thời đó, người ta còn giao cho các nữ tu dòng Vinh Sơn chăm sóc các bệnh nhân. Giữa hàng ngàn bệnh nhân được chăm sóc trong nhà thương này, có một người tàn tật cực kỳ. Hầu như bị cuồng trí và cùng cực ngay từ nhỏ, anh nằm co rút như là một con sâu hơn là một con người. Anh nằm bất động, không tay không chân và mỗi khi có ai đến là anh ta la hét dễ sợ. Sự khổ đau và các cơn điên loạn đã làm anh dễ giận dữ. Hình dạng của anh làm người khách Tin Lành kinh sợ. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên của ông trở thành sự thán phục khi thấy một nữ tu dòng Vinh Sơn quỳ cạnh “cục bột” này và săn sóc kẻ bất hạnh với tất cả tấm lòng ân cần của một người mẹ.

– Thưa Soeur, người khách Tin Lành này hỏi, làm sao Soeur có thể sống gần người tàn tật đáng ghê tởm này với sự thanh thoát như thế ?

– Đây là đứa con được nuông chiều nhất của nhà này, thưa ông -Bà Soeur trả lời- Chính vì tình trạng đáng thương của anh mà chúng tôi thương anh hơn các bệnh nhân khác. Chúng tôi làm dịu cơn phẫn nộ của anh bằng cách cầu nguyện và ca hát. Chúng tôi còn dạy cho anh ta cả việc cầu nguyện và cả ngày lẫn đêm không để cho anh làm việc một mình.

Không bao lâu sau đó, người Tin Lành này theo đạo Công Giáo.

Ánh sáng đã có tác dụng rồi đó chúng con.

Chúng con nghe tiếp một câu chuyện nhỏ nữa nhé:

Cách đây không lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần Cha xứ hỏi bà:

– Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì ?

Bà đáp:

– Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn. Khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn. Khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn.

Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo công giáo, không phải vì lời giảng của Cha xứ, nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.

Cha chúc chúng con trở thành ánh sáng cho mọi người.

Câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.

1. Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân” (Dt 2,1617).

Chúng ta khó có thể tìm thấy một diễn tả nào về Chúa Giêsu-làm-người hay hơn thế.

Như anh chị em đã biết, Chúa đến với loài người chúng ta là để cứu chuộc con người chúng ta. Chúa đã không muốn thực hiện công việc cứu chuộc này từ xa. Để làm công việc này, Chúa đã làm người. Thánh Gioan đã viết: “Ngài đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14)

Một Thiên Chúa cao cả, linh thiêng, đã nhận lấy một thân xác như mọi người chúng ta. Nguyên việc này thôi thì tôi tưởng cũng đã là một việc kỳ diệu rồi. Thế nhưng Chúa chưa muốn dừng lại ở đó. Nhận lấy một thân xác để được ở giữa loài người như một con người, Chúa Giêsu vẫn chưa lấy làm đủ. Người còn muốn đi xa hơn như lời Thánh Phaolô nói, Người muốn trở nên giống mọi người trong mọi sự“chỉ trừ tội lỗi”

Bài Tin Mừng hôm nay nói Chúa Giêsu được dâng tiến lên Thiên Chúa theo luật của Môisen. Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môisen cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisên, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi Lề Luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.

2. Bên cạnh đó bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng thấy những bài học khác cũng không kém quan trọng. Tôi muốn nói đến sự vâng phục và lòng khiêm nhường, đặc biệt của Đức Maria.

Sự vâng phục thánh ý Chúa là một trong nét đẹp trong đời sống của Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài đã thể hiện sự vâng phục này ngay từ khi các ngài được Chúa trao cho trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Giuse đã vâng phục thế nào thì mọi người chúng ta đã biết.

Còn với Đức mẹ Maria thì chúng ta thấy: Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ đã tuân hành giữ luật của Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo. Mẹ giữ luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Mẹ đã lên đền làm lễ dâng con và thanh tẩy. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu mến và kính trọng Thiên Chúa. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải vâng phục, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương cho những người khác”.

Thêm vào đó chúng ta còn thấy được nơi Đức Mẹ một tấm gương khác về lòng khiêm tốn

Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria vẫn hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabriel (Lc 1,29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1,48). Cả cuộc sống Mẹ Maria được dệt bằng đức khiêm tốn, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: “Cao sâu biết bao sự khiêm tốn mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi lên đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các thần Cherubim và các Seraphim không tài nào sánh ví”. Vậy mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn làm như thế.

Mẹ đã làm thế bởi vì Mẹ thực sự nhận biết được Thiên Chúa là Đấng cao cả và biết mình chỉ là một thụ tạo thấp hèn.

Chúng ta hãy tập sống khiêm tốn như Đức Mẹ để được luôn xứng đáng với tình thương của Chúa.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng!”

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, triền đồi. Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi…

Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:

– Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”

Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:

– Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.

Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một câu chuyện rất đẹp về cuộc đời của Chúa Giêsu Chúa của mọi người chúng ta. Câu chuyện này xảy ra vào lúc Giêsu mới được sinh ra. Câu chuyện có liên hệ đến những người làm cha mẹ và một người làm con.

1 Câu chuyện có liên với Đức Mẹ và Thánh Giuse.

Chúng con biết theo luật của Cựu ước, Thiên Chúa truyền dạy cho dân Do thái phải dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, để con người nhìn nhận quyền phép Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người, và trời đất muôn vật. Do đó, hôm nay chúng con thấy Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, đã đem Chúa Giêsu Hài Đồng người con yêu dấu của mình lên đền thánh Giêrusalem mà dâng cho Thiên Chúa.

Chúng ta hãy tập dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Chúa muốn.

Nhưng cha hỏi chúng con: Chúa muốn chúng ta dâng cho Chúa những gì đây ? Chúng ta có thể dâng cho Chúa tất cả mọi sự: những đau khổ khó khăn trong cuộc sống, những vui buồn chúng ta gặp trên đời, những thành công thất bại vv và vv. Có lần Chúa nói với thánh Giêrônimô rằng Chúa ngài còn muốn chúng ta dâng cả tội lỗi của mình nữa. Lạ quá dâng tội lỗi để làm gì ? Thánh nhân ngạc nhiên hỏi Chúa thì Chúa bảo để Chúa tha thứ cho. Ôi thật lạ lùng tình thương của Chúa. Riêng đối với cha thì cha thích dâng cho Chúa những lời tạ ơn vì cha cảm thấy mình nhận được nhiều ơn Chúa quá

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Vào buổi sáng kia, một cô giáo dạy nhà trẻ chưng một bình hoa thủy tiên tật đẹp trên chiếc khăn bàn đặt ở giữa phòng. Khi các em nhỏ thơ ngây tung tăng tiến vào phòng học, có một em tròn xoe đôi mắt nhìn ngắm những bông hoa màu vàng nhạt và em nói với cô giáo:

– Có phải Chúa đã làm ra những bông này phải không ? Em muốn gọi dây nói để cám ơn Chúa đã cho chúng ta những cái bông đẹp như thế.

Câu nói của em bé làm cha cảm động quá.

Nhưng rồi tự nhiên cha lại cảm thấy buồn. Chúng con biết tại sao không ?

Tự nhiên cha nhớ đến câu chuyện này: Hồi ấy có hai Thiên Thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà những người giàu có cũng như những người nghèo khổ để thăm mọi người, trẻ em cũng như người già nhân tiện cũng để điều tra xem con người cầu nguyện với Chúa như thế nào.

Sau một thời gian hai Thiên Thần gặp lại nhau đúng thời điểm đã hẹn để trở về trời.

Chiếc giỏ của một Thiên Thần thì nặng như chì, con chiếc giỏ của Thiên Thần kia nhẹ như bông gòn.

– Anh mang gì mà nặng nề thế. Một Thiên Thần hỏi:

Thiên Thần mang giỏ nặng trả lời:

– Tôi thâu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại.

– Còn anh, cái giỏ của anh sao mà có vẻ nhẹ thế ?

– À tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ cám ơn Chúa vì những ơn lành Người thương ban cho họ. Buồn quá chúng con.

Cha nhớ Chard Edman sau khi chú giải đoạn Tin Mừng về việc Chúa chữa 10 người phong cùi, có nói: “ Có lẽ 9/10 người ta sẽ quên những ơn người ta nhận được”.

Chúng ta đừng vô ơn với Thiên Chúa như thế chúng con. Hãy luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh như lời Thánh Tông đồ nhắc nhở mọi người chúng ta ngày tết vừa qua.

2. Tiếp đến câu chuyện có liên hệ tới Chúa Giêsu.

Về Chúa Giêsu thì Tin Mừng ghi: Ông Simêon bồng bế Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Chúa Giêsu được ca tụng là Ánh Sáng cho muôn dân.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này: Báo nguyệt san Missi xuất bản tại Paris nước Pháp, vào đầu tháng một năm 1950, đã kể lại lịch sử con “Đom Đóm” như thế này: đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 749 kể từ ngày lập nước Roma, là đêm Chúa cứu thế Giáng Sinh. Ngôi sao lạ chiếu sáng cả một góc trời. Thế mà hang lừa, nơi Đức Mẹ sinh Chúa cứu thế lại tối đen như mực. Trời đông đã lạnh như buốt, mà gió heo may còn lùa hơi lạnh vào thân. Thánh Giuse phải bịt kín cửa hang lại, nên Đức Mẹ không thấy đường lấy áo mặc cho Chúa Hài Đồng. Nhưng kìa một con sâu nằm dưới rơm rạ, cảm thấy nỗi lúng túng của Đức Mẹ, liền bò ra khe cửa, giơ tay hứng lấy một luồng sáng của ngôi sao lạ. Con sâu cẩn thận, giấu ánh sáng trong lòng bàn tay, rồi bò trở vào. Nó bò lên gấu áo Đức Mẹ, rồi bò lên cao nữa, cho đến khi ngang tầm mắt Đức Mẹ, nó liền mở tay ra, tức khắc một luồng sáng bất ngờ tỏa xuống mặt Hài Nhi. Đức Mẹ sung sướng được nhìn con lần đầu tiên. Bà vội vã lấy áo mặc cho con. Xong xuôi rồi, Đức Mẹ nâng con sâu lên, rồi âu yếm nói: “Cảm ơn sâu đã vô cùng tế nhị, cảm thông nỗi khốn khổ của ta, và đã không ngại hy sinh giúp đỡ ta. Này đây, ánh sáng sâu đang giữ, Ta đã xin con Ta cho sâu được giữ nó mãi mãi. Mỗi khi màn đêm bao trùm vạn vật, sâu hãy bay lên giữa vòm trời, tỏa ánh sáng xanh xanh huyền diệu cho môi tạo vật. Và từ nay, thiên hạ sẽ không gọi ngươi là con sâu nữa, mà gọi ngươi là con Đom Đóm vì con mang ánh sáng.

Chúng con có biết: Tại sao Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh được cử hành vào ban đêm không ? Phải chăng vì đó là thời gian thuận tiện cho giáo dân dự lễ ? Phải chăng vì bầu khí ban đêm làm cho cuộc lễ thêm phần huyền diệu và thánh thiện (như lời ca “đêm thánh vô cùng”) ? Phải chăng để cho đúng với sự kiện lịch sử ngày xưa Chúa Giêsu sinh ra ban đêm ?

Các lý do trên đều có phần đúng. Nhưng lý do căn bản nhất là : Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như Ánh sáng bừng lên trong đêm tối.

Đêm tối tượng trưng cho tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu ; Ánh sáng tượng trưng cho ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.

Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu mang lấy trên mình tất cả tăm tối của loài người với bao tội lỗi, bất hạnh và buồn sầu, nhưng để ban lại cho loài người ánh sáng của Thiên Chúa bao gồm mọi ân sủng, hạnh phúc và mừng vui.

Thực ra, các sử gia chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày nào tháng nào. Nhưng Giáo Hội đã chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Ngài vì hai lý do :

a/ Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm.

b/ Xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của người Rôma ngoại giáo.

Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan mọi tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.

Ánh sáng là thứ quan trọng khiến Chúa đã tạo thành nó trước cả khi tạo dựng trời đất. Sách Sáng Thế Ký nói với chúng ta điều đó. Một khi đã có ánh sáng, thì nhiều sự vật tươi đẹp cũng hiện hữu theo đó.

Nếu quan sát xung quanh, chúng ta thấy rằng ánh sáng giúp chúng ta trong rất nhiều phương diện. Chẳng hạn, ánh sáng mặt trời làm cây cối phát triển, sưởi ấm và hong khô áo quần chúng ta. Nhờ ánh sáng, chúng ta nhìn thấy những vật chung quanh. Ánh sáng như phương dược tiêu diệt nhiều loại vi trùng.

Chúng ta thường treo những dây đèn sáng để trang hoàng nhà cửa trong ngày lễ hội, tiệc tùng. Chúng ta đốt đuốc thắp đèn để soi đường đi, cũng như hấp dẫn cá để đánh bắt trong đêm.

Ngược lại, đêm tối là lúc nghỉ ngơi. Không có gì phát triển trong bóng tối. Nếu trời tối quá lâu, mọi thứ sẽ chết. Chúng ta cũng gán cho bóng tối là giờ của tội lỗi giờ của hành vi xấu, giờ của Satan. Chúng ta cảm thấy bất ổn và sợ sệt những khi tăm tối. (Frank Mihalic)

Lạy Chúa Giêsu Ánh sáng,

Xin hãy chiếu tỏa vào tâm hồn mọi người chúng con để chúng con thấy được hạnh phúc vì chúng con được làm con Chúa. Amen.

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã có hai chọn lựa rất quan trọng. Đây là những chọn lựa có tính toán cẩn thận vì nó quyết định cho sự thành bại trong công việc của Chúa.

A. Trước hết địa điểm Chúa Giêsu chọn để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài. Địa điểm đó là miền Galilê.

1. Tên Galilê trong tiếng Do-thái là Galil, có nghĩa là vòng tròn. Người Do-thái gọi là Galilê là miền của dân ngoại. Sở dĩ có tên đó là vì Galilê bị lọt vào giữa những miền mà dân ngoại cư ngụ.

2. Những con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galilê. Người ta thường nói: “Giuđê không có đường đi đâu hết, còn Galilê đi khắp nơi”. Giuđê có thể dựng nên một hàng rào để chặn đứng những ảnh hưởng và tư tưởng ngoại bang, còn Galilê không bao giờ làm được như vậy. Galilê là miền dành cho những điều mới mẻ xâm nhập.

3. Địa lý của Galilê cũng ảnh hưởng đến lịch sử của nó.

Xứ Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam chỉ dài khoảng 60km, nhưng dân cư thì đông đúc vì đây là miền đất phì nhiêu nhất xứ Thánh. Đất hẹp, người đông, thời Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15 ngàn dân.

Người dân Galilê có một cá tính rất đặc biệt. Họ sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Josephus nói về người Galilê: “Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất”. Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến cho việc truyền giảng nơi họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với Chúa.

Vâng Chúa Giêsu đã đi vào một xứ Galilê như thế để bắt đầu sứ vụ của Ngài. Chúa Giêsu biết Ngài đang làm gì.

B. Thứ đến là Chúa chọn những môn đệ đầu tiên.

Trong số những đến nghe Ngài rao giảng, Chúa Giêsu đã chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ đang hành nghề trên biển Galilê. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn. Họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường. Chúa Giêsu đã chọn lựa những người bình thường này. Và với những người như thế Ngài đã dùng họ để làm bất cứ công tác nào.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ Chúa chọn những ngư phủ lành nghề như vậy là vì họ có một số đức tính thiết yếu để có thể trở thành những tay đánh lưới người cho Chúa:

a/ Kiên nhẫn: người ngư phủ thường là những người rất kiên nhẫn. Họ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cá cắn mồi, nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu được.

b/ Bền chí: người ngư phủ giỏi thường là những người rất bền chí, không bao giờ ngã lòng. Thua keo này họ bày keo khác.

c/Can đảm: người ngư phủ giỏi thường bao cũng là những người rất can đảm. Người Hy lạp thuở xưa, khi cầu khẩn với các thần phù hộ, họ thường nói: “thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì quá lớn”. Người ngư phủ giỏi phải liều mình đương đầu với sóng to gió lớn.

d/Thấy thời cơ: người ngư phủ giỏi thường là những người biết rõ thời điểm để hành động. Người ấy phải biết khi nào nên và khi nào không nên thả lưới.

e/ Biết dùng mồi thích hợp: người ngư phủ giỏi thường là những người biết chọn lựa mồi thích hợp. Cá này ưa mồi này, cá khác thích mồi khác.

Phaolô nói: “Tôi trở nên mọi sự đối với mọi người để may ra được một vài người”.

f/ Biết ẩn mình: người ngư phủ giỏi thường là những người biết ẩn mình. Nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu.

Vâng Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng và cũng đã chọn những con người có phẩm chất đạo đức tốt để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nói theo kiểu Đông phương của chúng ta: rõ ràng là đã đủ mọi yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa…

Phần chúng ta, chúng ta cũng hãy làm môn đệ cho Chúa. Chẳng thiếu gì việc, cũng chẳng thiếu gì cách chúng ta có thể tiếp tục công việc của Chúa ngay trong xã hội hôm nay. Tôi xin đan cử một thí dụ:

Một ngày kia khi đến Melbourne bên Australia, Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến thăm một người nghèo không ai biết đến. Người này sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.

Mẹ Têrêsa bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc.

Ông gắt lên:

– Cứ để yên mọi thứ cho tôi.

Nhưng mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, mẹ tìm thấy một chiếc đèn trong góc phòng. Đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

– Sao lâu nay ông không thắp đèn lên ?

– Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu thấy mặt ai.

– Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không ?

– Vâng. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó mỗi ngày hai nữ tu của mẹ Têrêsa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy.

– Bây giờ tự tôi, tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng: ngọn đèn mà bà đã thắp lên nay vẫn sáng.

Ngọn đèn Mẹ Têrêsa thắp lên cho ông cụ này nay vẫn sáng.

Vâng chúng ta hãy làm sáng lên trên thế giới hôm nay ánh sáng của tình thương, của tình người, của chân lý để ánh sáng ấy làm cho cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay có thêm được những ý nghĩa cao đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Suốt mấy tuần qua chúng ta đã được Giáo Hội giúp cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu: Gặp gỡ Chúa Giêsu trong máng cỏ Belem, gặp gỡ Chúa Giêsu bên bờ sông Giođan khi Chúa đến xin Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa cho Ngài.

Qua các lần gặp gỡ này, chúng ta đã được biết Chúa Giêsu là ai, Ngài được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian này để làm gì.

Hôm nay Tin Mừng thuật lại cho chúng ta về việc Chúa bắt đầu thì hành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó.

A. Khi bắt đầu sứ vụ Chúa Cha trao phó chúng ta thấy Chúa Giêsu đã có hai hai chọn lựa rất quan trọng. Đây là những chọn lựa có tính toán cẩn thận vì nó quyết định cho sự thành bại trong công việc của Chúa. Nếu chúng con hỏi cha tại sao Chúa Giêsu phải làm thế thì cha có thể trả lời cho chúng con ngay: Tại vì Chúa phải thi hành sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó cho con người và giữa loài người cho nên Chúa cũng phải nghĩ đến những phương pháp của con người.  Vậy thì Chúa đã làm gì ? Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, khi bắt đầu công việc rao giảng Tin Mừng

1. Trước hết Chúa Giêsu đã chọn cho mình một địa điểm. Địa điểm đó là miền Galilêa.

Chúng ta biết nước Do thái thời Chúa Giêsu có ba miền rõ rệt.

Miền Bắc có tên là Galilêa, miền Trung có tên là Samaria, miền Nam có tên là Giuđêa. Mỗi miền có những đặc tính riêng của nó giống như ở Việt Nam chúng ta vậy.

Nếu chúng con hỏi tại sao Chúa không chọn miền Giuđêa là miền quan trọng hơn vì có thủ đô Giêrusalem mà lại chọn Galilêa là miền đất mà người Do thái gọi là miền đất của dân ngoại ?

Nếu đọc kỹ Tin Mừng chúng con thấy Chúa thật khôn ngoan.

Chúa chọn miền Galilêa bởi vì đây là miền mà dân chúng ta có những đức tính rất đặc biệt. Họ sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Sử gia người Do Thái Giosephus nói về người Galilêa như thế này: “Bao giờ họ cũng thích đổi mới, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất”. Đặc tính bẩm sinh của người Galilêa khiến cho việc truyền giảng nơi họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với Chúa.

Hơn nữa Galilêa còn là một địa danh có những con đường lớn. Mọi con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galilêa. Người ta thường nói: “Giuđêa không có đường đi đâu hết, còn Galilêa đi khắp nơi”. Giuđêa có thể dựng nên một hàng rào để chặn đứng những ảnh hưởng và tư tưởng ngoại bang, còn Galilêa không bao giờ làm được như vậy. Galilêa là miền dành cho những điều mới mẻ xâm nhập. Như vậy Chúa chọn Galilêa là rất hợp lý. Với Galilêa, Chúa thấy người ta sẽ dễ dàng đón nhận những lời rao giảng mới mẻ của Chúa hơn, đồng thời cũng với Galilêa những lời rao giảng của Chúa sẽ được loan truyền đi khắp nơi nhanh hơn. Chính vì thế mà Chúa đã chọn Galilêa. Cha có thể nói đó là một sự chọn lựa tuyệt vời.

2. Tiếp đến Chúa chọn những môn đệ.

Đây cũng là một chọn lựa quan trọng.

Chúng con thấy việc rao giảng Tin Mừng của Chúa là việc làm cho con người và vì con người. Chính vì thế mà Chúa không làm việc một mình. Chính vì là công việc cho con người và vì con người nên Chúa đã phải nghĩ đến cả một tương lai xa khi Chúa không còn ở trên trần gian này nữa. Chính vì thế mà Chúa phải chuẩn bị mọi sự để khi Chúa làm xong công việc của mình thì phải có người tiếp tục công việc của Chúa cho tới ngày tận thế.

Trong số những đến nghe Ngài rao giảng, Chúa Giêsu đã chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ đang hành nghề trên biển Galilêa. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn. Họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường. Chúa Giêsu đã chọn lựa những người bình thường này. Và với những người như thế Ngài đã dùng họ để làm bất cứ công tác nào.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ Chúa chọn những ngư phủ lành nghề như vậy là vì họ có một số đức tính thật cần thiết để có thể trở thành những tay đánh lưới người cho Chúa như Chúa nói. Những người được Chúa chọn phải có những đức tính như một người chài lưới. Họ phải là những biết kiên nhẫn, Bền chí, can đảm biết nắm bắt thời cơ, biết dùng mồi thích hợp, quảng đại v…v…

Vâng Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilêa là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng và cũng đã chọn người con người có phẩm chất đạo đức tốt để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nói theo kiểu Đông phương chúng ta: quả là đã đủ mọi yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa…

B. Phần chúng ta, chúng ta cũng hãy làm môn đệ cho Chúa. Chẳng thiếu gì việc, cũng chẳng thiếu gì cách chúng ta có thể tiếp tục công việc của Chúa ngay trong xã hội  hôm nay. Cha xin đan cử một thí dụ:

Ngày nọ, một nhà truyền giáo bên Ấn Độ gặp một cụ già xin ngài ban phép rửa tội.

  • Thế cụ có biết đạo công giáo không ?
  • Không!-cụ già trả lời-.
  • Nhưng tại sao cụ lại muốn rửa tội ?

– Cha có biết Linh Mục Savériar không ? – cụ già lương dân hỏi -, Cha biết không, chính vị này đã dạy con, cách đây vài năm, một lời cầu nguyện, và ngài xin con hãy đọc mỗi ngày. Lời cầu nguyện như sau: “ Lạy Chúa con, Chúa đã tạo nên con! Xin Chúa tha cho con, nếu con đã xúc phạm đến Người, và xin chỉ cho con con đường dẫn đưa tới Người”. Con đã đọc lời nguyện này mỗi ngày. Bây giờ, con đã già, con không còn sống được bao lâu nữa, nhưng con muốn chết trong tôn giáo của Cha Savériar tốt lành.

– Cha Savériar có nói cho cụ thêm gì khác về đạo công giáo không ?- nhà truyền giáo hỏi-.

  • Không, không có gì cả!

Chính như thế mà hạt giống nhỏ bé đã được vị tông đồ nhiệt thành gieo xưa kia trong tâm hồn của một người lương nghèo khổ sau nhiều năm đã sinh hoa kết trái!