Suy niệm Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh, Năm A
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh.
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe nói cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.
Hẳn là đã có nhiều người thấy ánh sao lạ đó, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là “tín hiệu” loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.
Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều người đã thấy hoặc đã biết, nhưng sao chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm người. Bởi thế họ quỳ xuống dâng lễ vật và thờ lạy. Tại sao thế?
1. Kẻ Thấy Người Không
Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?
Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin thì nhờ đức tin mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.
Một buổi trưa hè nóng bức, thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàn lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dọi vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.
2. Kinh Nghiệm Nội Giới
Vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?
Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.
Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thế cân, đong, đo, đếm được. Không thể chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thế viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.
Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.
Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Kinh nghiệm này, mình thấy rõ, thấy thật, mình cảm nghiệm được, nhưng hầu như không thể truyền đạt giải thích cho người khác, chỉ mình mình biết.
Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.
Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.
M. Toliver một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành. Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện. Khi qua cơn nguy biến, đứa bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói:
– Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?
3. Lòng Thành Và Ơn Thánh
Nhưng thử hỏi bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?
Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.
Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.
Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: “Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng”. Mọi ánh sáng đều bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.
Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó. Trái lại hãy sống trọn niềm tin của mình, thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống giống như các đạo sĩ. Sau khi khám phá ra Chúa, cuộc đời họ đã biến đổi hoàn toàn và cuộc sống của có thật nhiều niềm vui.
Ernest Gordon có viết một quyển sách tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, trong đó ông trích dẫn một mẩu chuyện có thật xảy ra tại một trại tù binh Nhật bổn dọc bờ sông Kwai trong thế chiến thứ hai. nơi đây 12 ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn tệ trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.
Đám đàn ông bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng đôi khi lên đến 49oC. Đầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai để xây cho xong toàn bộ tuyến đường. Họ chỉ mặc mỗi manh áo rách và nằm ngủ trên mặt đất không chăn chiếu. Thế nhưng kẻ thù khủng khiếp nhất đối với họ không phải là đám lính Nhật hay cuộc sống gian khổ mà lại là chính bản thân họ.
Theo lời kể của Gordon, vì quá sợ tụi lính Nhật, nên đám tù nhân đã bị mắc chứng hoang tưởng. Họ lấy luật rừng cư xử với nhau. Đám lính gác cười nhạo khi nhìn thấy những người lính từng kiêu hãnh biết bao giờ đây đang phá hoại lẫn nhau.
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức cho các bạn tù thành lập những nhóm học hỏi Thánh kinh. Và qua việc học hỏi Thánh Kinh, dần dà đám tù nhân khám phá ra Chúa Giêsu đang sống d0ộng giữa họ, vì Ngài đã từng không có chỗ gác đầu vào ban đêm, Ngài đã từng chịu đói khát, Ngài từng bị phản bội, từng nếm roi vọt trên lưng như họ.
Thế là tất cả những gì liên quan đến Chúa Giêsu, về con người của Ngài, về những gì Ngài nói, những gì Ngài làm bắt đầu mang đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với họ. Đám tù không còn cho rằng họ là những nạn nhân của một tấm bi kịch độc ác nữa; họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ sự hoán cải rõ rệt nhất trong những lời cầu nguyện. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn cho chính mình, nếu có xin gì cho riêng mình thì họ chỉ xin được nới lỏng tự do để đến bên nhau. Dần dà, cả trại đã được biến đổi, đến nỗi không phải chỉ đám lính Nhật mà cả các tù binh ấy cũng phải ngạc nhiên.