15/08 – Thứ Hai tuần 20 thường niên – ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa.

Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh.

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không.

Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Suy niệm: Sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Ma-ri-a đã không đóng cửa ở nhà để lo toan về những khó khăn, phiền toái, kể cả mối hiểm nguy đến tính mạng kéo theo từ việc mình thụ thai một cách diệu kỳ. Nhưng Đức Ma-ri-a đã chỗi dậy, “vội vã lên đường” đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Thay vì loay hoay dồn mọi bận tâm vào vấn đề của mình, Mẹ lại nghĩ đến người chị họ lớn tuổi đang mang thai được sáu tháng, nghĩ đến những khó khăn bận rộn mà vợ chồng ông bà Da-ca-ri-a đang tất bật chuẩn bị để đón người con sắp chào đời. Đức Ma-ri-a đã không để cho những khó khăn làm mình nhụt chí hay sợ hãi. Có thể nói, chính tình yêu dành cho người chị họ đã khiến Mẹ không thể chỉ bo bo nghĩ đến vấn đề của mình nhưng biết nghĩ đến người khác và không ngần ngại đến giúp bà chị họ.

Mời Bạn: Thông thường theo tính tự nhiên, người ta chỉ nhìn đến những vấn đề của mình mà thiếu đi sự quan tâm đến những người xung quanh mình. Vì thiếu tình yêu dành cho tha nhân, người ta không còn đủ rộng lòng để quan tâm, nâng đỡ, chia sẻ với người khác. Đức Ma-ri-a là khuôn mẫu, là lời mời gọi cho chúng ta biết bỏ đi những toan tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa để noi theo gương sống của Mẹ mở lòng ra với tha nhân.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng phục vụ tha nhân, những người đang cần sự trợ giúp ngay cả khi họ chưa ngỏ lời xin giúp đỡ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ khiến chúng con nhiều khi chỉ quan tâm đến mình mà chưa mở lòng ra với tha nhân. Xin cho chúng con biết học theo mẫu gương của Mẹ. Nhờ đó, chúng con dám can đảm rộng lòng giúp đỡ tha nhân khi họ cần đến. Amen.

14/08 – CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất.

Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.

Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Suy niệm: Cuộc sống của người ki-tô hữu phải là một cuộc chiến đấu không ngừng mà chính Chúa Giê-su là người khởi xướng và mẫu gương đi trước. Lửa và Phép Rửa mà Tin Mừng nhắc đến hôm nay chính Chúa Giê-su đã đem đến trần gian và Ngài đã thi hành sứ mệnh cứu thế của Ngài bằng một cuộc chiến cam go, đã đánh bại thần chết bằng cuộc Phục sinh của Ngài. Người ki-tô hữu không thể đi ngoài con đường Thánh Giá của Đức Ki-tô. Trong thân phận con người, chúng ta thường bị nhận chìm trong đau khổ bởi hận thù chia rẽ ghen ghét có khi bởi chính những người thân của mình. Nhưng chúng ta tin rằng bên kia bức màn đen tối đó, lại có ánh sáng và sự sống bất diệt. Cuộc sống càng có ý nghĩa, càng tăng giá trị, khi người ta ý thức được rằng cuộc sống này đòi người ta phải chiến đấu để chiến thắng. Và con đường đi đến chiến thắng không gì khác hơn là con đường thập giá của Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Đừng sợ phải hy sinh, nhưng hãy sẵn sàng để chiến đấu chống lại mọi thứ cám dỗ và hãy chiến đấu như Chúa đã chiến đấu và chiến thắng trong sa mạc.

Sống Lời Chúa: Tập làm mỗi ngày một việc hy sinh để quen chiến đấu trước những cơn cám dỗ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính vì tội lỗi chúng con mà Thập Giá xuất hiện trên trần gian và Chúa đã đem lửa xuống để thiêu đốt tất cả căn nguyên sự tội. Xin luôn ban cho chúng con sức mạnh tinh thần để cùng với Chúa, chúng con chiến thắng mọi âm mưu qua quỉ, huỷ diệt mầm mống chia rẽ, hận thù ghen ghét hầu được sống hoà hợp trong niềm tin yêu Chúa. Amen.

13/08 – Thứ Bảy tuần 19 thường niên.

“Đừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.

Lời Chúa: Mt 19, 13-15

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Suy niệm: Xã hội kêu gào các công dân hãy dành cho con em mình những điều tốt đẹp nhất. Đó là mối bận tâm lớn nhất của mọi người nhất là những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng đâu mới là điều tốt nhất mà những người trẻ đang cần? Và chính những người trẻ có biết điều tốt đẹp đích thực mà mình cần là điều gì không? Những người đem trẻ đến với Chúa Giê-su không phải là để Ngài cho chúng bánh kẹo, hay những thứ vật chất chóng qua, mà là để Chúa đặt tay chúc lành, cầu nguyện cho chúng, để Ngài âu yếm ôm chúng vào lòng, vì Ngài nói “Nước Trời là của những ai có tâm hồn như chúng.” Điều tốt đẹp đích thực cho người trẻ là được hưởng trọn niềm hạnh phúc sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dẫn họ đến hưởng điều đó.

Mời Bạn: Ngày nay nhiều người thay vì dẫn trẻ em, và nói rộng ra những người trẻ, đến với Chúa, thì họ ngăn cản chúng bằng cách trao vào tay thanh thiếu niên những thứ độc hại: những trò chơi bạo lực khiêu dâm, những sản phẩm tiêu xài hoang phí, những phương thế ăn chơi truỵ lạc… Đại hội giới trẻ thế giới năm 2005 có chủ đề “Venimus adorare eum” (Chúng tôi đến thờ lạy Người) đã trở thành lời mời gọi cho thanh thiếu niên chưa? Chính các bạn trẻ hãy hô to lên “Hãy để chúng tôi đến với Chúa”.

Sống Lời Chúa: Mỗi người, cách riêng các bạn trẻ, dành mỗi ngày ít là năm phút để đến với Chúa trong lời cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương những người trẻ hôm nay, và mở ra nhiều con đường dẫn họ đến với Chúa

12/08 – Thứ Sáu tuần 19 thường niên.

“Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”.

Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.

Suy niệm: Xã hội ngày nay nhân danh tự do hạnh phúc của cặp đôi để tán thành giải pháp ly hôn. Càng nguy hiểm hơn, nhiều người lập luận ly hôn là bản vá lỗi khi hôn nhân ngột ngạt ‘nhạt thủy chung’. Thay vì hàn gắn những tổn thương và mâu thuẫn, văn hóa hiện đại chọn cách của những người Pha-ri-sêu: nại vào tiền nhân “Mô-sê đã cấp giấy ly dị mà rẫy vợ” (c.7). Chúa Giê-su phản bác điều đó bằng cách nhắc lại điều Thiên Chúa đã thiết định từ ban đầu: người nam người nữ “sẽ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (x. St 2,24-25; Mt 19,5-6). Hôn nhân là một cam kết không được phá vỡ, chứ không phải là một tờ hôn thú mà vợ chồng có thể xé bỏ khi chẳng còn thích nhau.

Mời Bạn: Các vụ ly dị ngày một gia tăng; nhưng đó không phải là lý do biện hộ cho chủ trương chối bỏ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân. Sự chung thuỷ vợ chồng không phải là sự ràng buộc phi nhân và phi lý. Trái lại, nhờ bí tích hôn nhân, đôi vợ chồng trở nên hiện thân và chứng nhân của mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh (Ep 5,25-33).

Sống Lời Chúa: “Yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là lời cam kết của đôi bạn trong ngày thành hôn. Để đạt được hạnh phúc bền vững trong đời sống gia đình mỗi người quan tâm chăm sóc nhau trong tinh thần đó.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Tình yêu, xin gia tăng tình yêu và lòng trung tín, giúp con lớn lên mỗi ngày trong tình yêu, để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Amen.

11/08 – Thứ Năm tuần 19 thường niên. – Thánh Clara, trinh nữ. Lễ nhớ.

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Lời Chúa: Mt 18,21 – 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Suy niệm: Truyền thống Do Thái giới hạn việc tha thứ ở mức ba lần (x. Am 1,3; 6,9). Có lẽ Phê-rô cảm thấy một chút tự hào khi hỏi Chúa Giê-su có phải tha đến bảy lần không, vì ông nghĩ rằng mình quảng đại hơn nhiều so với truyền thống và trổi vượt sự công chính của người Pha-ri-sêu cũng như giới luật sĩ. Câu trả lời của Chúa Giêsu mở ra nét mới mẻ của Tin Mừng về Nước Thiên Chúa: phải tha đến bảy mươi lần bảy! Phê-rô loay hoay bận tâm về số lần, thì Chúa Giêsu lại nói đến chuyện thái độ. Tha bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ luôn mãi, tha thứ không giới hạn. Quả thật, trong vương quốc của Đức Giê-su, chiếc vòng kim cô của lòng thù hận đã được tháo gỡ và thay thế bằng tinh thần tha thứ vô điều kiện.

Mời Bạn: Trong thực tế, tha thứ không phải là điều dễ dàng chút nào. Một nữ triết gia Do Thái, khi chứng kiến nạn diệt chủng của Đức quốc xã đối với đồng bào mình, đã phải thốt lên: “Tha thứ là một phép lạ!” Không ít lần trong đời chúng ta kinh nghiệm nỗi khó khăn của việc tha thứ. Chúa mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương tha thứ của Ngài trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi tập tha thứ cho một người đã từng xúc phạm đến mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khấng xin Chúa ban cho con một trái tim độ lượng để biết tha thứ cho anh chị em mình. Amen.

10/08 – Thứ Tư tuần 19 thường niên.– THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính.

“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.


Lời Chúa: Ga 12, 24-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.

Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Suy niệm: Ai cũng cho rằng cuộc sống mình đang sống là của riêng mình. Tiếp tục cuộc sống hay dập tắt nó là tùy ở tôi. Tôi có quyền định đoạt. Nghĩ tưởng thế, nhưng khi cái chết đến, những gì tôi tưởng có thể giữ mãi được, chúng vuột mất khỏi tay tôi mà không một lời báo trước, cả điều tôi tha thiết nhất là mạng sống. Điều tôi cố giữ thì lại mất. Ngược lại, nếu tôi không cố bám víu vào cuộc sống này, biết mở rộng lòng ra với Đấng đã chết cho tôi và sống lại vì tôi; nếu tôi chấp nhận đưa tay cho Ngài nắm lấy, thì đường tôi đi tới mở rộng thênh thang và sự chết không gì khác hơn là một cuộc vượt qua đi vào cuộc sống đời đời. Thành ra ý nghĩa cuộc sống đời này nằm ở chỗ biết mở rộng lòng đón nhận lời Chúa và thực hành.

Mời Bạn: Mở lòng ra với Chúa là sống yêu thương, hiệp thông, chia sẻ, phục vụ cùng với Đức Ki-tô và theo gương Đức Kitô. Lòng bạn đang vươn rộng tới đâu, có vượt xa hơn bản thân của bạn hay không?

Chia sẻ: Các thánh tử đạo đã chấp nhận mất sự sống gì và họ tin sẽ được sự sống gì?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc hy sinh, bác ái để bày tỏ lòng mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì quá yêu thương, Chúa đã đặt danh thánh Chúa trên miệng chúng con, trao công cuộc Chúa làm vào tay chúng con. Xin cho chúng con trở nên nghèo khó và bớt tin chắc vào sự phù vân, được thong dong không gì ràng buộc, để chúng con lại bắt đầu hiểu Tin Mừng và đi theo con đường Chúa đi.

09/08 – Thứ Ba tuần 19 thường niên.

“Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.


Lời Chúa: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

Suy niệm: Nước Trời không thuộc về thế gian, vì thế, tiêu chuẩn đánh giá cũng như phương thức hoạt động của Nước Trời cũng khác với thế gian. Điều mà thế gian cho là khôn ngoan thông thái thì Thiên Chúa phế bỏ (1Cr 1,19). Và những câu chuyện thuộc về Nước Trời dường như chứng mình điều ngược lại: cậu bé Đa-vít lại thắng gã khổng lồ Gô-li-át; một nhóm nhỏ dân Ít-ra-en được lãnh đạo bởi Mô-sê lại thắng Pha-ra-ô với quân binh hùng hậu… Trong Tân Ước, Chúa Giê-su ví Nước Trời như hạt cải nhỏ bé được gieo xuống đất hay nắm men được vùi vào ba thúng bột… (Mt 13,31-35). Ai làm lớn thì phải trở nên nhỏ nhất và phục vụ mọi người. Quả vậy, “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 1,28-29).

Mời Bạn: Trở lại và nên như trẻ nhỏ không phải là quay về tình trạng ấu trĩ, con nít, mà là đạt đến chiều kích trưởng thành tâm linh. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ‘tước đoạt vũ khí’ của những kẻ tự cho mình mạnh, để quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ qua sự yếu đuối: khi đó, người ta sẽ nói được như Thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Hãy sẵn sàng với biến cố ‘hiện xuống’ của Chúa Thánh Thần, vì Ngài như gió, muốn thổi đâu thì thổi.

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc kinh Chúa Thánh Thần.

08/08 – Thứ Hai tuần 19 thường niên. – Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ.
“Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.

Lời Chúa: Mt 17, 21-26

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế “đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”.

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Đòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.

07/08 – CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN năm C.
“Các con hãy sẵn sàng”.

Lời Chúa: Lc 12, 32-48

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

“Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?”

Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn.

Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.