Tờ tin Giáo Xứ Tân Định – Số 100/Năm B – Chúa Nhật 25/11/2018

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô

109. Thành ngữ chaírei epÌ te adikía có liên quan tới một tính tiêu cực ẩn sâu trong lòng người ta. Đó là thái độ độc ác của những người vui mừng khi thấy người khác phải chịu đựng sự bất công. Cụm từ sygchaírei te aletheía diễn tả điều ngược lại, có nghĩa là “vui mừng khi thấy điều chân thật. Nói cách khác, chúng ta vui mừng về điều tốt lành của người khác khi chúng ta thấy phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và các việc tốt của họ. Điều này là không thể đối với những ai luôn luôn so kè và ganh đua, ngay cả với vợ hay chồng mình, để rồi vui mừng trong lòng trước những thất bại của người ấy.

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Phi-la-tô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đức Giê-su khẳng định: mục đích Ngài đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Sự thật nào? – Sự thật là Ngài, vốn là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người (ngoại trừ tội lỗi), chết dưới bàn tay con người, nhưng rồi sẽ sống lại. Sự thật ấy mình chứng rằng thế gian chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,16); dù vậy, Đức Giê-su vẫn một mực gắn bó với thế gian, bởi Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Sự thật ấy không nhằm tố cáo thế gian bội nghĩa, cho bằng minh chứng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi dám trao ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Tình yêu ấy là THẬT. Vấn đề con người có nhìn nhận sự thật ấy để được thuộc về sự thật hay không?

Mời Bạn: Mặc dù là Vua, nhưng Đức Ki-tô không ép ai thừa nhận, Ngài chỉ mời gọi: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Như thế, để thuộc về Vương quốc của Ngài, không phải cứ kêu lên “lạy Chúa” hay “tâu Vua” mà là đứng về phía sự thật. “Sự thật” ấy là tiếp tục diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, và phải diễn tả cách trung thực như Vua Ki-tô: “Ai thấy Thây là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)

Sống Lời Chúa: Sự thật mà Vua Ki-tô muốn chúng ta làm cho sáng tỏ là “Hãy yêu thương nhau như Thây đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Cầu nguyện: Lạy Vua Ki-tô, xin ban Thần Khí dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. Đaminh Phạm Khắc Duy – Lm. Phêrô Ngô Lập Quốc – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 25/11 – 01/12

  • Chúa nhật, 25/11: CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN. ĐỨC KI TÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng
  • Thứ hai, 26/11:
  • Thứ ba, 27/11:
  • Thứ tư, 28/11:
  • Thứ năm, 29/11:
  • Thứ sáu, 30/11;Thánh AN-RÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính
  • Thứ bảy, 01/12: Thứ bảy đầu tháng

Thông báo: Tuần 25/11 – 01/12/2018

Số tiền anh chị em giúp cho giáo điểm truyền giáo Doi Lầu & An Nghĩa được 300 triệu đồng. Xin cảm ơn sự quảng đại của anh chị em.

LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta”. Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tìn Mừng cho mọi tạo vật, Như vậy, ngày lễ Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một cách phù hợp hơn cả. Thế nhưng tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ?

Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài. Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử. Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang. Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Ngài đã nhập thể làm người trong một lịch sử dân tộc, cụ thể để thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người, và kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa luôn luôn được phát triển, được lan rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến và đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chủa được Chủa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Chúa Giê-su là vua khi Người bị treo lên thập giá. Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: “Đây là Vua dân Do Thái”. Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mặc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giê-su Ki-tô là Vua. Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng