Tờ tin Giáo Xứ Tân Định – Số 158/Năm A – Chúa Nhật 23/02/2020
GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
186. Phép Thánh Thể đòi chúng ta phải là các chỉ thể của một thân thể duy nhất là Giáo Hội. Những người tới gần Mình và Máu Chúa Kitô không được gây thương tích cho Thân Thể ấy bằng cách tạo ra các phân biệt và chia rẽ đầy tai tiếng giữa các chi thể của nó. Đây là điều có nghĩa “biện phân” thân thể Chúa, nhìn nhận nó bằng đức tin và đức ái cả trong dấu chỉ bí tích lẫn trong cộng đồng; những ai không làm thế là ăn uống án phạt dành cho họ (xem câu 29). Do đó, việc cử hành Thánh Thể trở thành một lời mời liên lỉ để mọi người “xét mình” (câu 38), mở cửa gia đình mình cho tình hiệp thông lớn lao hơn với những người kém may mắn, và bằng cách này, lãnh nhận bí tích tình yêu Thánh Thể làm cho chúng ta nên một thân thể. Ta đừng nên quên rằng “ “huyền nhiệm học” của bí tích có đặc điểm xã hội” (207). Khi những người lãnh nhận nó không lưu tâm tới người nghèo và người đau khổ, hay đồng thuận với các hình thức chia rẽ, khinh miệt hay bất bình đẳng đa diện, là họ đã không lãnh nhận bí tích cách xứng đáng. Mặt khác, các gia đình nào có thiên hướng thích đáng và lãnh nhận Thánh Thể thường xuyên, sẽ tăng cường ước nguyện kết tình huynh đệ, ý thức xã hội và dấn thân cho những người thiếu thốn.
5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)
Suy niệm: Cha Roland Jacques, nhà sử học quen thuộc với Giáo hội Việt Nam, nhận xét: Lúc Tin Mừng mới được loan báo, các lương dân rất cảm tình với cách sống đạo của người Công giáo, họ gọi đạo Công giáo là “đạo của những người yêu thương lẫn nhau.” Như thế, có thể nói, những người Công giáo thế hệ đầu tiên đã thể hiện được vẻ đẹp của Đạo, đã là những chứng nhân của Tin Mừng trên quê hương. Thầy An-rê Phú Yên đã cho thấy nét đẹp Đạo Chúa ấy trước mặt mọi người. Anh em lương dân rất ngạc nhiên, bởi một người nhỏ tuổi dám chết vì Đạo của mình, chết trong yêu thương, vui tươi, không một chút oán ghét, nguyền rủa kẻ hành xử mình, miệng văng vẳng tên “Giê-su.” Ta tự hào về cuộc đời thầy An-rê Phú Yên cũng như của các tín hữu Việt đầu tiên, và ghi khắc Lời Chúa dạy: “Hãy yêu kẻ thù.”
Mời Bạn: Sống trong xã hội Việt nam hôm nay với bao vấn đề nhức nhối, bạn được mời gọi góp một tay làm cho xã hội ấy nhân bản hơn, thêm chất Tin Mừng hơn. Nhân chi sơ, tính bản thiện, bạn và tôi hãy cùng nhau sống Đạo Yêu thương của Chúa Giê-su, làm cho tinh thần Tin Mừng thấm vào đời sống, phục hồi sự thiện tâm nơi tâm hồn con người dân tộc
thân yêu của ta.
Sống Lời Chúa: Bạn dâng lời cầu nguyện cho một người đang cư xử tệ hoặc xúc phạm tới bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-Su, con mong ước mọi người yêu thương nhau. Xin giúp con thể hiện nét đẹp Đạo Chúa nơi những anh em con gặp gỡ. Amen.
THÔNG TIN GIÁO XỨ:
Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.
Thánh lễ:
- Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
- Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00
Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00
Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.
Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng
Văn phòng giáo xứ:
- T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
- Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
- Thứ hai nghỉ cả ngày
LỊCH TUẦN 23/02 – 29/02/2020
- Chúa nhật, 23/02: CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN.
- Thứ hai, 24/02:
- Thứ ba, 25/02:
- Thứ tư, 26/02: LỄ TRO. Giữ chay và kiêng thịt.
- Thứ năm, 27/02: Thứ Năm sau lễ Tro
- Thứ sáu, 28/02: Thứ Sáu sau lễ Tro
- Thứ bảy, 29/02: Thứ Bảy sau lễ Tro
THÔNG BÁO: TUẦN 23/02 – 29/02/2020
- Số tiền anh chị em giúp cho việc đào tạo Đại chủng Viện Thánh Giuse tuần qua được 45 triệu đồng. Xin chân thành cám ơn cộng đoàn. Hôm nay xin chia sẻ cho việc bác ái của giáo xứ.
- Thứ tư lễ tro 26/02 xin anh chị em nhớ giữ chay kiêng thịt. Giờ lễ: Sáng 5:00 và 6:15. Chiều: 17:30 và 19:00. Thứ sáu hàng tuần trong Mùa chay có đi chặng đàng Thánh Giá lúc 16:30. Xin gửi anh chị em kinh cầu Thánh Rôcô.
Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh
Thánh Rôcô sinh khoảng năm 1295 tại Montpelier nước Pháp, trong một gia đình giàu có và quyền quý. Ở tuổi hai mươi, Rôcô đã mồ côi cha mẹ; thánh nhân bố thí hết tài sản, rồi đi hành hương Rôma. Khi đó dịch bệnh đang hoành hành tại nước Ý, Thánh Rôcô đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những nạn nhân của dịch bệnh; rất nhiều người đã xin thánh nhân cầu nguyện để được khỏi bệnh.
Chính Thánh Rôcô cũng bị bệnh dịch tấn công trong sa mạc. Trong tình huống đáng sợ đó, mặc dù bị cách ly khỏi mọi người, thánh nhân vẫn được nuôi sống một cách kỳ diệu nhờ một con chó mang đến cho thánh nhân một ổ bánh mì mỗi ngày.
Thánh Rôcô đã đi xa nhiều năm nhưng cuối cùng ngài cũng trở lại Montpellier, và ở đây ngài bị chính chú của mình, khi ấy là thống đốc, ra lệnh bắt giam suốt 5 năm vì nghi ngờ Rôcô là gián điệp. Chú của Rôcô đã không nhận ra Rôcô là cháu mình, và Rôcô cũng không chứng minh được mối quan hệ chú cháu. Ngài đã chết trong tù vào năm 1327 và sau đó mới được xác nhận là con trai của vị thống đốc trước đây, nhờ một vết bớt hình chữ thập trên ngực.
Sau khi ngài mất, thánh nhân đã đặc biệt được sùng kính vì nhiều phép lạ chữa lành đã xảy ra khi các bệnh nhân chạy đến cầu khẩn với ngài. Ngài trở thành bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh, được kính ngày 16-8 hằng năm.
Dưới đây là kinh cầu cùng Thánh Rôcô:
Lạy Thánh Rôcô vinh hiển,
Chúng con nài xin Người cứu chúng con khỏi đòn roi trách phạt của Thiên Chúa.
Nhờ lời chuyển cầu của Người, xin che chở phần xác chúng con khỏi những bệnh tật truyền nhiễm, và giữ gìn phần hồn chúng con khỏi lây nhiễm tội lỗi.
Xin giúp chúng con có được môi trường lành mạnh, nhưng nhất là có được tâm hồn thanh sạch.
Xin dạy chúng con biết dùng sức khỏe cho nên, biết bền lòng chịu đau khổ, cùng biết noi gương Người mà sống sám hối và thực thi bác ái, để một ngày kia chúng con được hưởng hạnh phúc mà Ngài đã được thưởng ban vì các nhân đức của Người. Amen.
Ghi chú: Thánh Rôcô thường được vẽ hoặc tạc tượng với hình một con chó (đã mang bánh cho ngài) ở bên cạnh; và ngài vén chiếc áo hành hương của ngài lên, cho thấy dấu tích bệnh dịch hạch ở trên đùi của ngài.