Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một dụ ngôn khác nữa của Chúa Giêsu. Dụ ngôn này có nhiều ý nghĩa. Cha chọn ý nghĩa dễ hiểu và thông thường nhất để nói chuyện với chúng con hôm nay.

Cha đố chúng con qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với mọi người chúng ta điều gì ? Có nhiều điều Chúa muốn nói, nhưng theo cha thì có hai điều này con người hay vấp phạm và qua dụ ngôn này, Chúa muốn nói với chúng ta. Hai điều đó là:

– Thứ nhất là từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

– Thứ hai là thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương con người.

1. Từ chối tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một hạnh phúc lớn lao không có gì sánh nổi. Tình yêu của Thiên Chúa thì vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Thiên Chúa vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu thì mãnh liệt khiến Người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một cưới lấy bản tính loài người để nâng loài người lên. Thiên Chúa mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Thiên Chúa nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Thiên Chúa nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với các vị thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải nghĩa được thái độ đó của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Thế nhưng thử hỏi con người đã đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa thế nào ?

Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy dường như con người chỉ đáp lại bằng sự lãnh đạm, chối từ và nhiều lần đã phản bội. Lịch sử con người là lịch sử tình yêu bị chối từ như thế. Rõ rệt nhất là con người đã chối từ chính Con Một Thiên Chúa là Ngôi Lời mà Chúa đã gửi xuống trần gian để cứu rỗi loài người là Chúa Giêsu. Còn gì đau xót hơn như lời thánh Gioan Tông đồ đã nói: Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. (Ga 1,10-11)

Vâng, con người là như thế. Bài dụ ngôn hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Những người được mời đã từ chối. “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn”(Mt 22,5) Tệ hơn họ: “còn bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.(Mt 22,7).

Chúa đã đối xử lại thế nào thì dụ ngôn cũng đã cho chúng ta thấy: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.”(Mt 22,11). Tội từ chối Thiên Chúa là tội rất lớn. Chúng ta hãy coi chừng để đừng mình vấp vào tội ấy. Hãy coi chừng: Thiên Chúa yêu thương nhưng không khoan nhượng đối với những kẻ dám thách thức Thiên Chúa.

Đây là câu chuyện xảy ra ngay trên đất nước của chúng ta. Câu chuyện cho mọi người thấy Chúa đã trừng phạt kẻ phạm thượng và bất kính đối với phép Thánh Thể. Chuyện xảy ra vào tháng 3 năm 1955 ở Bùi chu. Vị bề trên tu viện kể rằng một người lính đã ngang ngược đòi vào trong tu viện, nhưng các nữ tu đã chận lại và nói cho anh ta biết đây là nhà của Chúa, anh phải có lòng tôn kính.

Anh hỏi: “Chúa các chị ở đâu ?”

Các chị đáp: “Ở đây!”và đưa tay chỉ tay về phía nhà tạm.

Người lính lấy súng bắn, phá tan cửa nhà tạm và bắn vào bình thánh giữ Mình Thánh Chúa làm cho Mình Thánh Chúa vung vãi rơi xuống sàn nhà.

Tiếng dội của súng bắn vừa ngưng, người lính cũng ngã lăn ra chết, chết vì nhồi máu cơ tim.

2. Thứ hai là thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương con người.

Dụ ngôn kể: “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì. “(Mt 22,11)

Cha hỏi chúng con đã có bao giờ chúng con đi ăn cưới chưa ?

– Dạ có.

– Chúng con thấy những người đi ăn cưới ăn mặc làm sao chưa ?

– Rất đẹp.

– Ăn mặc như thế để làm gì ?

– Theo cha thì là để tỏ lòng quí mến cô dâu chú rể và cũng để tỏ lòng tôn trọng đối với người khác.

Việc tôn trọng đối với người khác là một điều rất cần trong cuộc sống của loài người. Thiếu sự tôn trọng sẽ nảy sinh ra nhiều điều bất hạnh trong cuộc sống. Một gia đình mà mọi người biết tôn trọng nhau, gia đình ấy sẽ luôn được sống trong bình an và hạnh phúc. Trái lại một gia đình nào mà những người trong gia đình không có lòng tôn trọng nhau, cha bảo đảm gia đình ấy sẽ gặp nhiều cảnh đau khổ bất hạnh

Trong bài dụ ngôn hôm nay, chúng con thấy tất cả mọi người đều ăn mặc lễ phục cưới hỏi. Duy chỉ có một người là không làm như thế. Rõ ràng là người này coi mọi người chung quanh mình chẳng ra gì. Đúng là con người này thiếu lòng tôn trọng đối với người chủ tiệc và những người khác trong phòng tiệc và chính vì thế mà anh ta đã bị trừng phạt. “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (Mt 22,13)

Trong một thành phố ở xứ Bavieres trước đây, có một cuộc kiệu Mình Thánh Chúa rất lớn. Trên một đoạn đường kiệu đi ngang qua, có một người đàn bà có đạo nhưng hư thân mất nết. Sách báo xấu và việc thường xuyên đi xem phim ảnh xấu cũng như tham dự các buổi vũ hội trắc nết đã làm bà không còn giữ được đức tin của thời thơ ấu của mình. Lúc đoàn kiệu – lúc ấy đang diễn lại cảnh truyền tin với hai nhân vật: Đức Maria và sứ thần Gabriel – đi ngang qua, bà cười to và nói:

– Kìa hãy xem những kẻ đang làm trò múa rối kìa!

Chưa hết, khi Mình Máu Chúa với cái lọng che rộng lớn đi ngang qua, trong khi những người khác quỳ gối xuống cung kính thờ lạy, thì bà đã không ngăn cản được bản tính ngỗ nghịch, phỉ báng của mình, bà đã dám thốt ra câu nói ghê gớm sau:

– Ước chi những kẻ nào nuốt những miếng bánh nhỏ này sẽ bị nghẹn họng!.

Người đàn bà này sau đó trở về nhà. Và bởi vì cảm thấy đói bụng, bà đã nuốt một cách vội vã những miếng bánh mì. Một miếng bánh lớn đã dừng lại trong cổ họng làm bà ta nghẹt thở.

Hai giờ sau cuộc phỉ báng của bà, bà chỉ còn là một thây ma! Thế mới biết Thiên Chúa đã không để những kẻ chế giễu các sự thánh tránh khỏi một sự trừng phạt!

Phần chúng ta, chúng ta hãy đến với Thiên Chúa với hết lòng kính trọng của mình. Chắc chắn Chúa sẽ thương ban nhiều ơn lành cho chúng ta. Amen.

Chúng con yêu quí,

Lại một lần nữa chúng con được nghe Chúa nói về một vườn nho. Vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để nói cho chúng ta về Nước Trời.

1. Đây là dụ ngôn tương đối dễ hiểu. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau: Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho lúc đầu được dùng để chỉ dân Do Thái.

Dân Do Thái được Chúa chọn làm dân riêng. Đây ta hãy nghe tiên tri Isaia mô tả: “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.” (1Is 5,7)

Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ.

Họ tưởng họ giết được Chúa Giêsu là họ sẽ được toại nguyện.

Quả thực dụ ngôn cho thấy họ đã lầm, một sự lầm lẩn không thể sửa sai. Thiên Chúa đâu có để cho họ muốn làm gì thì làm. Tới một lúc nào đó theo đúng chương trình Chúa đã ấn định thì Ngài sẽ hành động. Khi Ngài đã ra tay uy quyền thì mọi sự sẽ phải vâng phục và lúc đó mọi người sẽ thấy chính Ngài mới là Đấng chiến thắng cuối cùng.

Ý nghĩa câu chuyện dụ ngôn hôm nay là như thế.

2. Bài Học.

Câu chuyện vườn nho không phải chỉ liên quan đến những người Do Thái mà còn lên quan đến tất cả chúng ta. Vườn nho ngày xưa là nước Do thái. Ngày nay vườn nho là Giáo Hội, là gia đình, là trường học. Chúa trao vườn nho cho con người canh tác. Tiếc rằng có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Và khi để cho ma quỉ làm chủ cuộc đời chúng ta có thể hiểu được cuộc sống sẽ như thế nào.

Hôm đó ở Tréblinka, đại tá SS.Wwirth chỉ huy trưởng trại giam tù binh của quốc xã Đức nổi giận vì phòng hơi ngạt lại hỏng vào đúng khi có tin điện: một chiếc tàu chở người Do thái từ Varsovie tới, và bất hạnh hơn nữa chính là ngày Himler và Erich đến thanh tra trại.

Không làm sao được hắn phải tập trung tất cả các xe có hơi ngạt, nhưng mỗi lần chỉ được 20 người. Thời gian không cho phép chậm trễ, hắn bắt các nạn nhân giơ tay lên trời để cho có thể nhét thêm người. Vào phút chót, hắn khám phá ra còn hai phần trống giữa các đầu người và trần xe, hắn cho nhét thêm chục đứa trẻ.

Khi xe đã đầy tới mức tối đa, quân Dức đóng cửa lại cho động cơ chạy, chỉ trong khoảng một phút, không khí bên trong đầy oxyde da carbonne. Khi xe tiến vào Tréblinka để ngừng lại trước các hố đào sẵn, tất cả nạn nhân đều đã chết ngạt. Bấy giờ họ chỉ việc đẩy xác xuống, lục lọi miệng để nhổ răng bạc và vàng, rồi sau đó lấp hố.

Đến một ngày nào đó, chúng ta phải tường trình về công việc “vườn nho” mà Chúa đã trao phó cho ta. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.

Khi con tàu khổng lồ mang tên Titanic vừa được xuất xưởng và hạ thủy, người ta có thể đọc thấy dọc theo sườn con tầu những câu khẩu hiệu kiêu căng được vẽ sơn thật lớn, ngạo nghễ như sau:

No God, No Pope! (Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo Hoàng!) Le Christ lui même, ne le fera pas sombrer. Ni le ciel, ni la terre ne peut nous engloutir! (Ngay đến Đức Ki-tô cũng không tài nào đánh đắm con tàu này. Cả trời lẫn đất cũng không thể khiến chúng ta bị nhận chìm!).

Ngay khi ấy, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một người Công Giáo ở Dublin đã ghi vào trong nhật ký như một lời tiên tri: “Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin Titanic sẽ không bao giờ tới được New York”

Và quả không sai, vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912, đúng ngày Chúa Nhật Quasimodo sau lễ Phục Sinh, tàu Titanic đã chạm mạnh vào một tảng băng khổng lồ giữa đại dương làm thủng một lỗ lớn làm con tàu bị gãy đôi. Người ta chỉ vớt được 705 người sống sót, còn 1.502 người đã chết theo con tàu kiêu hãnh…

Sau đó mấy ngày, một tờ báo lớn ở Anh đưa tin kèm theo 2 bức tranh hí họa đầy ý nghĩa: Hình vẽ con tàu và tảng băng (sự yếu đuối của con người và sức mạnh của Thiên Chúa) và hình vẽ một người đàn ông nhường chiếc phao cứu hộ cho một bà đang bế con (sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người).

Muốn cuộc đời luôn được bình an thì phải để Chúa hướng dẫn.

Một thượng nghị sĩ lịch lãm ở miền Nam nước Pháp đến Paris. Ông thuê một phòng trong khách sạn uy tín, và trả tiền phòng luôn một tháng. Viên quản lý khách sạn hỏi:

– Ông có muốn ghi biên lai không ?

Thượng nghị sĩ đáp:

– Không cần thiết đâu, có Chúa làm chứng chuyện này mà.

Viên quản lý tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Cái gì! Thời đại này mà ông còn tin có Chúa ư ?

– Ô tin chứ. Vậy ông không tin à ?

– Tôi không tin, thưa ngài.

– Nếu thế thì tốt nhất ông hãy ghi biên lai cho tôi đi. (Liguorian)

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã trao cho chúng con làm những công việc của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mau mắn chu toàn.

Nếu Chúa gởi đến cho chúng con những ơn lành hồn xác, xin Chúa dạy chúng con biết sử dụng trong tinh thần biết ơn, và liên đới với anh em trong tinh thần chia sẻ, vì đó là con đang làm theo ý Chúa. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn nữa của Chúa Giêsu.

Cha đố chúng con qua dụ ngôn hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta điều gì ?

Hơi khó phải không chúng con.

Vậy cha cắt nghĩa cho chúng con.

Theo Cha thì qua bài dụ ngôn hôm nay Chúa muốn dạy chúng ta một đều thật quan trọng. Đó là lòng hối cải.
Cha hỏi chúng con: hai người con trong bài Tin Mừng hôm nay là những người như thế nào ? Có phải là những người con ngoan ngoãn không ?

Chắc là không, phải không chúng con ?

Lý do vì cả hai đã làm buồn lòng cha của mình. Cả hai đã không mau mắn vâng lời cha mà đi làm ngay.
Rất may là người con thứ nhất đã hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai khi được cha sai thì “ok” ngay nhưng rồi lại không đi.
Cha hỏi chúng con: thế thì người con nào đã làm người cha vui lòng ?

– Thưa người con thứ nhất

– Điều gì đã làm cho người thứ nhất thay đổi như vậy ?

– Thưa “sự hối hận”

– Rất chính xác. Chúng con giỏi.

Đúng là sự hối hận hay là lòng hối cải có một giá trị rất đẹp trong cuộc sống.

1. Trước hết lòng hối cải có thể làm cuộc sống của con người dễ trở nên tốt hơn.

Lý do: lòng hối cải có thể đem lại những điều thật bất ngờ.

Tin Mừng có nhiều truyện cho chúng ta thấy điều đó. Cha có thể kể ra cho chúng con những người này: Maria Mađalêna, Giakêu, người thiếu phụ xứ Samaria, người đàn bà ngoại tình, anh trộm lành.. . tất cả là những người đã đổi đời nhờ gặp Chúa Giêsu và đã hối hận về cuộc đời của mình. Nếu họ đã không hối hận chắc chắn cuộc sống của họ đã không trở nên tốt đẹp như vậy.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:

Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình. Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng đó. Mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất. Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất. Người em hỏi người anh:

– Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không ?

– Không – người anh đáp.

Tuy thế. Người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi.

– Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó!

Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói của người em. Căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Sự oán giận cũng theo đấy mà len vào. Không lâu sau một hố ngăn cách gay gắt và sâu thắm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào. Cuối cùng họ quyết định không làm chung với nhau và một bức tường ngăn cách đã được xây ngay giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình của họ. Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước của hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng:

– Anh đã ở đây bao lâu rồi ?

Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời. Vị khách nói tiếp:

Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước tôi đang đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau và thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi.

Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này.

– Ông có vui lòng sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không ? – anh ta đề nghị.

Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông rất giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ. (Loren Fischer)

Đó chúng con thấy sự hối cải đã đem lại kết quả đẹp đẽ như thế nào!

2. Hơn thế nữa sự hối cải còn giúp cho người ta nên thánh.

Chúng con thấy: tội thì ai cũng có. Có một tác giả nổi tiếng bên nước Nga nói như thế này: “Chỉ có hai hạng người sau đây không có lỗi lầm: những người còn trong bụng mẹ chưa sinh ra và những người đã bỏ vào quan tài chờ ngày mang đi chôn”. Đó là thân phận chung của mọi người. Chúng ta hãy nhìn vào hai nhân vật quen thuộc trong Thánh Kinh: Phêrô và Giuđa. Tội chối Chúa và tội bán Chúa cũng gần ngang nhau. Vậy mà số phận hai người lại khác hẳn nhau vì Phêrô nhờ hối cải mà được cứu sống, còn Giuđa thì chết trong tuyệt vọng.

Đối với chúng ta, việc nên thánh của chúng ta chỉ có thể đi ngang qua hai con đường: Hoặc bằng con đường trong trắng, hoặc bằng con đường hoán cải.

Những người đến với Chúa bằng con đường trong trắng có lẽ không nhiều. Chỉ có một số tâm hồn ưu tú mới có thể đi qua cuộc đời mà không vướng mắc gì nhiều, không bị bụi đường làm lấp láp nhem nhuốc. Chẳng hạn Têrêsa Lisieux. Louis Gonzaga, Đaminh Savio. . .

Còn con đường thứ hai: Con đường hoán cải là con đường chung mở rộng cho đa số. Kể cả các thánh lớn cũng cần đến con đường này.

Phêrô đã chối Chúa nhiều lần nhưng vẫn được Chúa đặt làm đoàn trưởng các Tông đồ. Phaolô đã tham gia bắt bớ Kitô hữu không nương tay trước khi trở thành Tông đồ của lương dân. Augustinô đã sống mấy chục năm buông thả trước khi khóc tội mình đến cạn cả nước mắt. Phanxicô Assisi, sau một thời tuổi trẻ ham chơi, đã dấn thân vào con đương hẹp của Tin Mừng. Và ngài coi ngày vào dòng của ngài là bước khởi đầu của một đời sám hối.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì ngoài con đường trong trắng Chúa còn cho chúng ta con đường sám hối để đến với Thiên Chúa. Nếu không có con đường thứ hai này thì số phận chúng ta không biết sẽ ra sao. Chắc chắn là sẽ rất bi đát vì không có lối thoát. Thật vậy chẳng có mấy tín hữu còn giữ được ơn thánh tẩy trọn vẹn như đã hứa. Trong nghi thức thánh tẩy có phần trao áo trắng và nến sáng cho người được Rửa tội. Khi trao thì chủ tế căn dặn: Con hãy giữ áo này luôn trong trắng và ngọn lửa này luôn cháy sáng, cho tới khi Chúa trở lại. Lời nhắn nhủ này hàm chứa một sự cam kết của người mới được tái sinh. Nhưng thử hỏi trong thực tế có mấy người còn giữ được áo trắng và đến sáng cho tới ngày gặp Chúa ở cuối đời mình. Có lẽ khá họa hiếm.

Thật may mắn, chính Chúa đã gỡ kẹt cho chúng ta. Tội lỗi có đó, mạnh đó…nhưng còn có ơn tha thứ. Ơn đó luôn ở trong tầm tay của mỗi người. Bao lâu còn có lòng hối cải thì bấy lâu còn có ơn tha thứ. Chúa không bao giờ nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập và dập tắt tim đèn còn khói. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta chỉ một lần. Nhưng Ngài tái tạo chúng ta trong ơn tha thứ muôn ngàn lần, hầu như mỗi ngày. Thiên Chúa không biết mỏi mệt, chán nản. Có thế thì Ngài mới là Thiên Chúa.

Mẹ thánh Têrêsa nói: “Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài dụ ngôn rất hay của Chúa Giêsu.

Chúng con thấy ông chủ vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay thế nào ?

– Thưa ông là một người tốt.

– Ông tốt ở chỗ nào chúng con ?

Đây cha cắt nghĩa cho chúng con. Ông tốt vì ông giúp nhiều người thất nghiệp có công ăn việc làm. Ông tốt vì ông đã đối xử với họ rất công bằng và bác ái.

– Thế nào là công bằng chúng con ?

Thưa ông công bằng vì ông đã trả công cho những người đã thoả thuận với ông đúng theo những gì họ đã giao ước thoả thuận với ông. Ông không để họ thua thiệt theo lẽ công bằng những gì ông đã thoả thuận với họ. Họ thoả thuận với ông bao nhiêu ông đã trả đúng như thế. Công mỗi người mỗi ngày một đồng. Với sồ tiền này theo thời giá và hoàn cảnh công nhân lúc đó: họ có thể đủ để nuôi sống họ và gia đình một ngày. Ông chủ tốt vì ông đã tạo việc làm cho họ và họ đã có tiền để nuôi sinh sống.

Thế ông còn tốt ở chỗ nào nữa chúng con ?

– Ông còn tốt ở chỗ ông đã đi xa hơn sự công bằng. Ông đã tự cho mình có trách nhiệm phải tìm giúp những người thất nghiệp “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”(Mt 20,7-8). Ông cảm thấy thương những người không được ai thuê mướn.

Tới đây cha mới thấy ông chủ này không phải là người thường tình như những người khác trong xã hội.

Tại sao cha nói thế ?

Trong cuộc sống hằng ngày chúng con thấy người ta đối xử công bằng với nhau đã là điều tốt đẹp lắm rồi. Nhưng ở đây cha thấy, từ việc ông đã sống hết sức công bằng với mọi người, ông đã vượt qua cuộc sống cọng bằng thường tình để vươn lên cao, sống một đời sống mới, một đời sống cao hơn những cuộc sống thường tình của nhiều người. Chúng ta gọi cuộc sống ấy là cuộc sống bác ái yêu thương. Đây là cuộc sống mà chính Chúa Giêsu đã luôn sống và Chúa cũng muốn cho mọi người sống như thế.

Nếu chúng con hỏi cha: Tại sao cha nói như thế ? Thì đây chúng con hãy nhìn vào cách ông trả lương cho những người thợ đã vào làm vườn nho cho ông chúng con sẽ biết.

Tin Mừng kể: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”(Mt 20,8-16)

Hay quá chúng con! Ông chủ này thật là một người rất khôn ngoan. Ông đã làm cho những người có đầu óc ích kỷ hay ghen tương phải “câm miệng” vì ông đã đối xử thật công bằng hợp tình hợp lý với họ. Còn việc ông tốt bụng, ông cư xứ quảng đại đối với những người làm sau chót đó là quyền của ông. Ông đã sống công bằng với những người muốn công bằng khi thoả thuận một quan tiền trước khi vào làm vườn nho. Và ông đã sống bác ái yêu thương với những người làm việc sau cùng. Ông đã hoàn toàn có lý.

Tới đây thì cha thấy bài học Chúa muốn dạy mọi người đã rõ. Chúa muốn mọi người bắt chước Chúa sống yêu thương với tất cả mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Thói thường từ bao nhiêu ngàn năm nay, con người vẫn thường để cho những đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau chi phối cuộc sống của mình. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao ?”. Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư!”

Ông chủ không trả tiền thêm cho bọn thợ làm cả ngày, không phải vì ông keo kiệt, bóc lột. Nếu ông keo kiệt bóc lột, ông chẳng hậu đãi các thợ làm ít giờ. Nhưng ông phải giữ đúng công bằng vì không cho phép lòng tham của họ vơ vét thêm, làm dịp cho họ ăn chơi hoang phí.

Vâng! chỉ có cuộc sống bác ái yêu thương mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa. Hay nói cụ thể hơn, chỉ khi nào chúng ta biết sống yêu thương chúng ta mới xứng đáng là con cái của Chúa. Thánh Gioan đã nói rất hay:” Thiên Chúa là tình yêu”

Chúng con hãy nghe câu chuyện này. Câu chuyện do chính mẹ thánh Têrêsa Calcutta kể:

Đêm hôm đó, có người tới nhà chúng tôi, báo cho tôi biết một gia đình Hindu tám đứa con đã nhiều ngày không được ăn gì. Họ không có gì ăn.

Tôi lấy cơm đủ cho họ một bữa ăn, đem tới nhà họ. Tôi thấy những khuôn mặt đói khát, thấy mắt của những đứa con đã sưng húp. Tình cảnh quá đáng thương!

Người mẹ nhận cơm trên tay tôi, chia lấy nửa phần cơm rồi bước ra. Lát sau chị trở về tôi hỏi:

– Chị đi đâu, làm gì vậy ?

Nàng trả lời:

– Họ cũng đang đói ?

“Họ” là ai ? Họ là một gia đình trong xóm, theo đạo Hồi cũng có số con tương đương, đang đói ăn và cũng không có gì ăn.

Người phụ nữ đó đã ý thức về tình cảnh của mình, nhưng bà can đảm và có lòng, nên đã chia phần cơm ít ỏi này với người khác. Tôi nghĩ nàng đã cảm thấy hạnh phúc: vì được chia sẻ với xóm giềng một chút gì tôi đã đem đến cho nàng, bất kể cả hoàn cảnh của mình.

Vì không muốn cướp mất niềm hạnh phúc của nàng, đêm đó tôi không đem thêm chút cơm nào cho nàng. Tôi chỉ mang thêm vào hôm sau.

Ít năm trước, Calcutta trải qua nạn khan hiếm đường trầm trọng. Có ngày, một cậu bé khoảng bốn tuổi tới thăm tôi cùng với cha mẹ. Gia đình này đem cho tôi một hộp đường nhỏ. Khi trao tay tôi hộp đường, cậu bé nói: “Đã ba bữa, con không được nếm một chút đường nào. Mẹ cầm lấy đi. Đây là phần của những người con của mẹ”.

Cậu bé đã biết yêu thương. Cậu đã bày tỏ tình yêu bằng một hy sinh của bản thân. Tôi nhắc lại, cậu không quá ba, bốn tuổi và gần như chưa gọi được tên tôi. Tôi đã không biết cậu bé trước đó và chưa một lần gặp cậu, cũng chẳng gặp cha mẹ cậu. Cậu bé đã thực hiện quyết định đó, sau khi khám phá ra hoàn cảnh của tôi nhờ những người lớn.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta về điều gì ?

– Thưa cha về việc phải biết tha thứ cho nhau.

– Rất chính xác. Chúng con giỏi. Cha hỏi thêm đã có lần nào chúng con tha thứ cho một ai đó chưa ?

– Dạ, thưa có.

– Ai nào ?

– Bạn con.

– Bạn con làm gì con mà con phải tha thứ cho bạn ?

– Bạn con chửi con.

– Rất tốt! Bạn con chửi con, con không chửi lại và sẵn sàng tha thứ cho bạn đó. Chúng con làm thế là chúng con biết tha thứ rồi. Cha cám ơn chúng con thật nhiều.

Bây giờ cha tiếp tục nói với chúng con về bài Tin Mừng hôm nay. Nếu phải hỏi qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì thì câu trả lời có lẽ ai cũng có thể có trả lời được. Đó là Chúa muốn dãy chúng ta về bài học tha thứ.

Tại sao Chúa lại dạy như thế ? Thưa vì:

1. Vì con người không ai mà không có lỗi lầm.

Sống ở trên đời không ai mà không có lúc phạm những lỗi lầm. Chẳng ai trong chúng ta là con người thánh thiện đến mức độ không bao giờ có những lỗi lầm. Không ai trong chúng ta mà không bao giờ bị một ai đó xúc phạm đến chúng ta hoặc chúng ta không bao giờ có những lời nói hay việc làm làm buồn lòng xúc phạm đến những người khác.

Cách đây không lâu, tại nhà của một quan toà ở Milano, bên Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu ngày, nhưng không thể phân thắng bại. Cuối cùng hai người đã đưa nhau đến nhà quan toà của thành phố và nhờ ông phân xử. Người thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan toà dõng dạc tuyên bố:

Anh có lý.

Đến lượt người thứ hai đứng lên phân trần. Anh cũng đem mọi lý lẽ ra để làm nghiêng cán cân công lý về với mình. Sau khi nghe anh trình bày dông dài, quan toà cũng tuyên bố:

Anh có lý.

Cậu con trai nhỏ của quan toà theo dõi câu chuyện từ đầu đến giờ thấy vậy rất ngạc nhiên. Nó thành thật nói với cha của mình:

– Làm thế nào mà cả hai đều có lý cả được ?

Quan toà cũng đưa ra phán quyết về nhận xét của con mình như sau:

Con cũng có lý.

Mỗi người chúng ta ai cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của người khác, cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là diềng mối của mọi bất hoà từ xưa đến nay.

Chính vì thế mà mỗi người chúng ta cần phải biết tha thứ cho nhau. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự cảm thông và tha thứ.

2. Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha.

Con người ai mà chẳng có những khi lầm lỗi. Chính vì thế mà con người phải biết tha thứ cho nhau.

Thánh Gandhi nói: “Nếu ta chỉ áp dụng luật mắt đền mắt, răng đền răng thì thế giới sẽ chỉ còn lại toàn là người mù”. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời.

Mẹ Têrêsa kể: “Tôi nhớ một lần kia, tôi lượm được một bà cụ đang thoi thóp từ giữa đống rác. Tôi ẵm bà cụ lên và đem về nhà, đặt bà trên giường.

Bà cụ biết rõ là mình sắp vĩnh biệt trần thế. Thế nhưng cụ chỉ cay đắng lặp đi lặp lại:

– Chính thằng con tôi đã đối xử với tôi như thế ? Chính thằng con tôi đã đối xử với tôi như thế ?

Bà không kêu: Tôi đang sắp chết đói, tôi đang sắp chết khát đây.

Bà chỉ day dứt hoài một điều:

– Thằng con tôi đã xử với tôi thế này!

Tôi phải đợi mất một hồi lâu mới nghe được bà cụ thều thào:

– Tôi tha thứ cho con trai tôi

Và gần như chính lúc ấy bà thở hơi cuối cùng.

Một lần khác có một anh thanh niên đang hấp hối, nhưng vẫn còn giằng co với cái chết tới ba, bốn ngày. Một chị nữ tu hỏi anh:

– Tại sao anh vẫn tiếp tục chiến đấu ?

– Tôi không thể chết, nếu tôi chưa xin cha tôi tha thứ cho tôi.

Khi cha anh đến, anh đã ôm lấy cha và xin cha thứ tha.

Hai giờ sau, người thanh niên bình an từ giã cõi đời này.

3. Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha.

Trong Tin mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Mátthêu còn thêm : “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”. (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần còn nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta .

4. Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống Chúa.

Một hiệp sỹ dũng cảm tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng, ơng chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy giữa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một ngôi nhà nguyện còn đang mở cửa. Ông vào đó để chờ cho đến sáng. Trong khi chờ đợi ông tiêu khiển bằng cách ngắm nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi một hàng chữ bằng tiếng Latinh nội dung như sau: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục”.

Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi Ngài bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế Ngài không hề đe dọa”.

Và cuối cùng, bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập Giá, với hàng chữ “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà lại với nhau. (Góp nhặt).

Chúng con yêu quí,

Cách nay đã lâu, bên Mỹ có xảy ra một vụ khủng bố. Mấy toà nhà cao ngất trời tại thành phố nổi tiếng giầu có là thánh phố New York bỉ quân khủng bố đánh bom bị sụp đổ tan tành ngày 11 tháng 9 năm 2001. Số người chết lên đến cả hàng ngàn người. Cả thế giới khi nhắc tới biến cố này đều cầu mong cho có một ngày nào đó được hoà bình. Thế nhưng hoà bình vẫn chưa xuất hiện. Tại sao thế. Tại vì như Đức Thánh Cha vị cha chung của chúng ta đã nói vào ngày người ta kỷ niệm 10 năm biến có 11 tháng 9 như thế này: “Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ”.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một thế giới biết cảm thông, chan hoà. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới chan chứa niềm vui và tha thứ để thế giới xứng đáng là ngôi nhà chung của mọi người. Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha con chúng ta vừa đọc lại một bài Tin Mừng do thánh Mathêo viết. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu khuyên mọi người hai điều hết sức cụ thể và rất cần thiết cho cuộc sống của mọi người.

Cha đố chúng con Chúa khuyên chúng ta điều gì ?

– Thưa cha Chúa khuyên chúng ta hãy biết sửa lỗi cho nhau.

– Rất chính xác. Nhưng còn điều thứ hai ?

– Hãy biết họp nhau lại mà cầu nguyện.

– Chính xác luôn! Chúng con giỏi.

1. Bây giờ chúng ta nói với nhau về điều thứ nhất: “Hãy biết sửa lỗi cho nhau”

Đây chúng con hãy nghe lời Chúa: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (Mt 18,15-17)

Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể làm được việc sửa lỗi cho nhau không ? Câu trả lời của cha là: Có.

Làm sao mà chúng ta có thể làm được điều đó ? Chúng con còn nhỏ. Chúng con không thể làm được việc sửa lỗi cho nhau như những người lớn. Thế nhưng vẫn có cách để chúng ta làm được điều này. Cách nào ?

– Cách thứ nhất là đời sống tốt lành thánh thiện của chúng con.

Cha nhớ lại một câu chuyện, không biết của thánh nào nhưng nội dung câu chuyện thì cha nhớ rất rõ. Có lẽ là thánh Gioan Boscô! Khi vị thánh ấy còn nhỏ thì mẹ của vị thánh ấy rất sợ con của mình lây nhiễm những thói hư tật xấu của những bạn trẻ cùng trang lứa, nhất là tội nói tục. Một hôm vị thánh trẻ ấy xin mẹ cho mình được ra chơi với các bạn cùng xóm ngõ với mình. Những bạn này có thói hư mở miệng ra là nói tục. Mẹ ngài lúc đầu nhất định không cho. Nhưng sau khi nghe con trình bày. Mẹ của vị thánh nhỏ ấy đã bằng lòng. Chúng con biết ngài nói với mẹ làm sao không ?

– Mẹ cứ để cho con ra chơi với các bạn ấy. Sự có mặt của con sẽ làm cho các bạn ấy bớt nói tục hơn.

Đó chúng con thấy. Chúng ta cũng có thể sửa lỗi cho các bạn của mình như thế miễn là mình phải có sự thánh thiện.

Cách thứ hai là sống ngoan ngoãn dễ thương.

Cha kể cho thêm chúng con câu chuyện vui này:

Bạn Gioan một hôm đi học giáo lý về, thấy bố mẹ đang to tiếng cãi vã nhau.  Bạn bỏ cặp sách xuống và rồi nhảy ngay lên mặt bàn rồi hô lên một tiếng thật lớn.

– Im lặng.

Cha mẹ bạn Gioan im lặng không còn to tiếng với nhau nữa. Sau đó hai người bế Gioan xuống rồi hỏi:

– Con học được câu chuyện này ở đâu vậy ?

Bé Gioan ngoan ngoãn trả lời: Cô giáo của con mới dạy cho con bài giáo lý sáng nay!

– Cô dạy gì ?

– Thưa con dạy chúng con về Chúa Giêsu dẹp yên bão tố giữa biển khơi.

Câu trả lời ngoan ngoãn dễ thương của bé Gioan làm cho cha mẹ phải “phì cười”. Hai ông bà ôm con vào lòng. Họ cảm thấy hạnh phúc vì có được đứa con ngoan. Gioan đã sửa lỗi cho cha mẹ bạn ấy. Chúng con thấy không ? Cha không bảo chúng con phải làm y như vậy. Nhưng khi chúng con sống ngoan ngoãn tử tế thì chính sự ngoan ngoãn tử tế thánh thiện của chúng con sẽ là một bài học sửa lỗi cho những người chung quanh rồi.

2. Bây giờ cha nói với chúng con điều thứ hai. Về sự cầu nguyện.

Chúng con hãy nghe lời Chúa dạy: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.(Mt 18,19-20)

Ở trên chúng ta đã nghe Chúa nói về sự sửa lỗi cho nhau. Chúa cũng đã nói về việc chúng ta cố sửa lỗi mà không thành công. Trong trường đó, chúng ta phải làm thế nào ? Chẳng lẽ chúng ta đành bó tay! Không! Còn một phương thế khác đó là chúng ta cầu nguyện. Chúng con hãy đọc lại lời Chúa một lần nữa đi: Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

Chúng con có biết bà thánh Monica và ông thánh Augustinô không. Đây là lời ông thánh Augustinô:”Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu một lần kia bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài. Vậy mà bằng lời cầu nguyện Ngài đã thành công.

Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:

– Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.

Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập hợp tất cả các tu sĩ lại, bảo:

– Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.

Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đổi mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.

Cha muốn kết thúc bằng một câu chuyện khác.

Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia, em bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết chỉ có giải phẫu mới có hy vọng cứu sống em. Trước khi cho thuốc gây mê, các bác sĩ và y tá báo cho em biết là em sẽ được ngủ một giấc dài. Nghe nói ngủ, cô bé ngây thơ đã xin được quỳ xuống cầu nguyện. Thế là trước mặt mọi người, cô bé quỳ gối cầu nguyện một cách hết sức chân thành, và em kết thúc bằng lời nguyện như sau: “Xin Chúa cho con được chóng lành bệnh”. Cầu nguyện xong, em bé nằm xuống và xin các bác sĩ và y tá tiến hành cuộc giải phẫu…

Ngày hôm sau, cô bé tỉnh dậy với nỗi đau tột cùng. Câu hỏi đầu tiên của em với bác sĩ là: “Cháu có được lành bệnh không, thưa bác sĩ ?” Vị bác sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của em và đáp với tất cả sự xúc động:

“Cháu hãy để cho Chúa lo liệu, bác chưa biết được kết quả của cuộc giải phẫu. Nhưng có một điều bác tin chắc, đó là cứu được một người, và người đó không ai khác hơn đó chính là bác đây! Từ lâu, bác đã không đến nhà thờ, bác không còn nhớ đến Chúa và cũng không bao giờ cầu nguyện nữa. Thế nhưng, hôm qua khi nhìn thấy cháu cầu nguyện một cách thật sốt sắng, bác không cầm được nước mắt. Chúa đã đáng động bác. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội và chịu lễ. Bác tin chắc rằng Chúa đã nhận lời cháu. Cháu đừng lo lắng nữa. Hãy phó thác cho Thiên Chúa!”.

Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ điều gì tốt đẹp cho chúng ta. Nếu Người không đáp trả theo cách thế chúng ta muốn, chúng ta hãy tin chắc rằng Người đã ban cho chúng ta, hay những người thân của chúng ta, những điều tốt đẹp và quan trọng hơn!.

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Sự giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

A. Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sự hiện diện của ma quỉ.

Xin kể một câu chuyện trong sự tích của thánh Gioan Maria Vianney.

Một hôm, nhân dịp mở tuần đại phúc tại một xứ trong hạt, người ta đã mời cha Vianney cùng nhiều Linh mục khác đến giúp. Sau buổi cơm tối, cha Vianney nhẹ nhàng nói với anh em:

– Thưa các cha, con hay bị ma quỷ quấy phá, nhất là gần tới những hôm con cứu được nhiều linh hồn tội lỗi nặng. Vì thế, để đề phòng, con xin trình các cha trước, nếu đêm nay ma quỷ có làm gì thì xin các cha cứ biết vậy và an tâm, nó phá một lúc rồi sẽ hết!

Cha Vianney vừa dứt lời, các cha khác đã cười rộ lên:

– Lại chuyện ma quỷ! Sao mà cứ nghe cha nói toàn là những chuyện giật gân tào lao không à! Có thật không? Hay cha bị ám ảnh thế?

– Đây là dịp tốt, cha khác bảo, mình cứ nghe hoài câu chuyện ma quỷ phá rối cha Vianney mà chẳng bao giờ chứng kiến được, may ra tối nay mình sẽ được một lần xem tận mắt! Cha Vianney cứ yên trí ngủ đi. Tụi này không sợ ma quỷ gì đâu, trái lại còn mong xem thấy tận mắt là khác!

Cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, giữa lúc mọi người đang say sưa giấc điệp thì nhà xứ rung động dữ dội, ghế bàn chạy đi chạy lại, đồ đạc thì lăn lóc rơi xuống vung vãi trên sàn nhà, cột nhà thì kêu răng rắc như muốn gãy đôi… Các cha hớt hơ hớt hải mang áo ngủ lùng thùng chạy ra sân, mình toát cả mồ hôi hột, miệng không ngớt kêu lên:

– Dễ sợ quá! Chưa bao giờ thấy chuyện khủng khiếp như thế này! Cái gì thế? Động đất lớn à?

– Thế còn ông Vianney đâu mất?

– Chắc ông ở trên phòng! Đợi yên ta lên tìm xem. Các cha kéo nhau lên gác, gõ cửa:

“Cốc, cốc”. Có tiếng guốc khua trên sàn nhà, cha Vianney mở cửa, các cha ái ngại hỏi:

– Cha đang ngủ à?

– Vâng, con đang ngủ!

– Thế cha không nghe gì cả sao? Chúng tôi kinh khiếp quá!

– Có, con có nghe. Thì…. hồi tối, ở nhà cơm, con có trình các cha rồi! Ma quỷ nó hay quấy phá con như thế lắm! Xin các cha cứ an tâm, có đêm nó làm con nhiều lần như thế, nhưng không sao cả! Vì nó thua to, nó cay thì nó quấy phá vậy thôi!

Nói xong, ngài chào các cha và đi ngủ. Các cha cũng trở về lại phòng, nhưng suốt đêm không sao nhắm mắt được.

Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, các cha lại nhắc đến câu chuyện khiếp sợ hồi hộp và nói:

– Cha Vianney, bây giờ chúng tôi tin thực đúng là “băng hoả ngục” nó quấy phá cha. Bấy lâu nay chúng tôi chế nhạo cha nhưng đêm vừa rồi chúng tôi phải một phen kinh hồn bạt vía và cảm thấy xấu hổ với cha quá! Xin cha thông cảm và tha thứ lỗi lầm cho anh em chúng tôi. Nhưng nay chúng tôi yêu cầu cha một điều: suốt tuần đại phúc này, chiều nào cha cũng phải về xứ Ars để ngủ rồi sáng mai lại chịu khó đến đây. Chứ nếu cha ngủ đây thì chúng tôi phải di tản hết. Khiếp quá chịu không thấu”.

– Con xin vâng lời các cha. Khởi sự chiều nay, con sẽ về nhà ngủ.

Ma quỉ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người.

Nhưng ma quỉ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỉ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

B. Tuy nhiên, dụ ngôn cũng cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa.

Có một thầy ẩn tu hết sức đạo đức thánh thiện tên là Sébastien. Một ngày nọ, sau giờ cầu nguyện, thầy đánh bạo ngỏ ý với Đức Giêsu xin được thế chỗ của Người trên thập giá trong ngôi nguyện đường. Đức Giêsu đồng ý nhưng với một điều kiện: Đó là phải giữ im lặng tuyệt đối. Thầy Sébastien cam đoan chấp hành, miễn là được toại ý. Thế là sau đó, mọi sự đã diễn ra đúng như thế mà mọi người đến viếng nguyện đường đều không biết gì.

Một hôm, có một ông nhà giàu đến nguyện đường đọc kinh, khi ra về thì bỏ quên mất túi tiền ở lại. Sau đó, một người nghèo cũng đến cầu nguyện, quì vào đúng chỗ của ông ta và trông thấy túi tiền. Anh ta mừng rỡ tạ ơn Chúa rồi cầm về. Kế tiếp, lại có một anh thanh niên đến xin Chúa cho đi đường được bình an, anh vừa đứng lên rời nguyện đường thì ông nhà giàu vội vã quay trở lại, không thấy túi tiền đâu, bèn nghi cho anh chàng đã lấy cắp nên tri hô cảnh sát.

Thấy vậy, thầy Sébastien từ trên thập giá buột miệng la to:

– Này ông kia, dừng lại, không phải như thế đâu.

Sau đó, thầy Sébastien kể lại đầu đuôi mọi sự, ông nhà giàu tin ngay vì nghĩ đó chính là Đức Giêsu, liền chạy đi tìm người nghèo để đòi lại túi tiền, còn anh thanh niên thì sụp lạy tạ ơn rồi lên đường

Khi nguyện đường trở lại cảnh thanh vắng, Đức Giêsu mới hiện ra và bảo thầy Sébastien:

– Con hãy xuống ngay khỏi thập giá của Ta, con không xứng đáng thay thế chỗ của Ta, chỉ vì con đã không bằng lòng im lặng như đã hứa với ta !

Thầy Sébastien mếu máo phân trần:

– Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể im lặng trước một sự bất công như vậy?

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến Lời của Chúa: “Hãy cứ để đấy, cho cỏ lùng mọc lên chung với cây lúa cho tới mùa gặt… “.(Mt 13, 24-30):

Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hy vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối.

C. Cuối cùng, dụ ngôn cho ta hiểu cây lúa không thể biến thành cây cỏ lùng, nhưng những con người tội lỗi có thể trở thành một đấng thánh. Augustinô là một thí dụ. Người trộm lành còn là một thí dụ đẹp hơn.

Đây là một câu chuyện xảy ra tại một thiền viện.

Một buổi sáng nọ, khi vừa thức dậy, một số thiền sinh phát hiện mình bị mất cắp một vài vật dụng cá nhân. Họ bảo nhau cùng để ý rình rập, và họ đã bắt được quả tang một chú thiền sinh mới đến đang lấy cắp đồ dùng của họ. Họ liền ập vào bắt giữ, giải lên cho thầy viện trưởng. Thầy im lặng, và cho chú thiền sinh nọ trở về phòng.

Ít lâu sau đó, chú thiền sinh tại bị phát giác đang ăn trộm lần thứ hai, và lại bị dẫn đến viện trưởng. Lần này cũng như lần trước, thầy vẫn im lặng, không nói năng gì, chỉ đưa tay ra hiệu cho phép chú trở về phòng. Mọi người đều thấy tấm tức bực bội về thái độ xử lý quá rộng lượng của thầy mình…

Đến lần thứ ba, chú thiền sinh có tật ăn cắp kia lại tái phạm. Tất cả các môn sinh đều tập trung lại, đòi thầy phải có thái độ trừng phạt xứng đáng. Họ đưa ra yêu sách:

– Thưa thầy, hoặc là tất cả chúng con, thầy phải lựa chọn, nếu không chúng con sẽ rời bỏ nơi này ngay lập tức!

Im lặng một lát, thầy viện trương điềm đạm trả lời:

– Tất cả các con đều đã sống tốt lành với nhau, còn chú này thì chưa được như thế vậy. Thầy muốn chú ấy sẽ ở lại với thầy để thiền định tập tành cho được tốt hơn. Các con thì không cần phải làm như thế nữa, các con có thể chia tay với thầy được rồi đấy!

Mọi người đều chưng hửng, cúi đầu, lần lượt từng người không dám nói gì nữa, lặng lẽ ai về phòng nấy.

Riêng chú thiền sinh tội lỗi kia vẫn quì đấy, đôi dòng lệ lăn dài trên gò má.

Chúng ta dư sức để hiểu được rằng cuộc sống của em thiền sinh này sau đó sẽ ra sao.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe một bài dụ ngôn rất quen thuộc và rất hay của Chúa Giêsu. Trong bài dụ ngôn này Chúa cho mọi người thấy người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau đối với Lời Chúa

Cụ thể có thể kể đến bốn thái độ :

– Không hiểu nên không đón nhận.

– Đón nhận dễ dàng nhưng lại mau bỏ cuộc.

– Đón nhận nhưng rồi hạt giống bị lo âu trần thế bóp chết.

– Đón nhận và đem thực hành, nhờ đó sinh hoa kết quả, gấp mười gấp trăm.

Thử duyệt qua từng thái độ một.

1. Không Hiểu Nên Không Đón Nhận

Đây chúng con hãy nghe Chúa cắt nghĩa:. “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường”. (Mt 13,19-20)

Một linh mục trẻ được bổ nhiệm tới một giáo xứ để giúp cha xứ già yếu. Đến ngày Chúa nhật, nhiều giáo dân tới nhà thờ dự lễ và cũng để xem cha mới giảng hay thế nào?

Quả thật, hôm đó cha phó giảng rất hay và lời giảng của ngài gây ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn các tín hữu. Tin đó được truyền đi khắp nơi, và Chúa nhật sau đó, nhà thờ xứ chật ních người tới dự lễ. Nhưng họ không khỏi ngạc nhiên khi nghe cha phó lập lại cũng một bài giảng như Chúa nhật trước. Những người đã nghe lần trước thầm nghĩ: “Có lẽ cha phó muốn lập lại cho những người mới chưa được nghe”. Nhưng rồi Chúa nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm, cha phó xứ một bài giảng cũ hâm nóng lại. Giáo dân trong giáo xứ bắt đầu lẩm bẩm chê trách cha phó. Cuối cùng, họ đề nghị phái một nhóm đại diện trong hội các bà mẹ đến trình với cha. Họ bắt đầu với những lời nói lịch sự:

– Thưa cha, bài giảng của cha hôm Chúa nhật vừa rồi rất hay, chúng con ai cũng thích lắm.

Cha phó vui vẻ đáp:

– Thành thật cám ơn các bà vì những lời khích lệ ấy.

Các bà ngập ngừng nói tiếp:

– Nhưng thưa cha, xin cha cho phép chúng con được hỏi cha còn bài giảng nào khác hơn nữa không? Bởi vì suốt năm Chúa nhật vừa qua, cha đều lập đi lập lại cũng một bài giảng y hệt bài giảng đầu tiên khi cha vừa tới giáo xứ này.

Cha phó thản nhiên trả lời:

– Dĩ nhiên tôi biết điều đó và chắc chắn là tôi cũng có nhiều bài giảng khác nữa.

Các bà mạnh dạn nói thêm:

– Vậy thưa cha, vì ích lợi của cả giáo xứ, khi nào chúng con có thể được nghe cha bắt đầu bài giảng khác.

Cha phó nhanh nhẹn đáp lời:

– Dĩ nhiên tôi cũng rất mong ước được bắt đầu bài giảng cho tất cả giáo xứ càng sớm càng tốt. Tôi cũng hứa với quí ông quí bà là tôi sẽ bắt đầu sang bài giảng thứ hai ngay sau khi tôi thấy có ai trong quí ông bà đã đem thực hành bài giảng thứ nhất.

2. Đón Nhận Dễ Dàng Nhưng Mau Bỏ Cuộc

Đây là Lời của Chúa giải thích :”Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.(Mt 13,20-21)

Chúng ta thấy không ít người tín hữu đã rơi vào trường hợp này. Đức tin chưa kịp bám rễ đã chết non. Có lên đường và khởi hành nhưng đã chóng quặt sang ngã khác, chẳng đi được bao xa.

Một ngày kia có một bác nông phu đến nghe cha giảng Cha Jean Peffers một nhà giảng thuyết lừng danh giảng. Hôm ấy cha Jean trình bày về đề tài sử dụng của cải. Bài giảng của cha được chia ra làm 4 phần:

– Phần I kêu gọi hãy gắng sức lao động để được của cải. Điều này đã làm cho bác nông phu rất hài lòng. Bác huých cùi chỏ vào người ngồi bên cạnh rồi nói nhỏ: “Hay quá! Thật là tuyệt vời”.

– Phần thứ II của bài giảng cha kêu gọi mọi người phải biết dành dụm của cải. Bác nông phu chăm chú nhìn cha Jean và như bác đang nuốt từng lời nói của cha vào lòng. Bác sung sướng ngồi thẳng người lên rồi như không thể kiềm chế được, bác buột miệng: “Tuyệt cú! Chính mình cũng chủ trương như vậy mà!”

– Phần III của bài giảng cha khuyên đừng xài phí. Bác nông phu nghe đến phần này gật gù tỏ vẻ hài lòng. Bác nói nhỏ: “Cám ơn Chúa vì con vẫn nghĩ và hành động đúng như vậy.”

– Phần cuối cùng của bài giảng cha bàn về tình liên đới được thể hiện qua việc rộng rãi chia sẻ của cải cách quảng đại cho những người cùng khốn.

Nghe đến đây, bác nông phu nhăn mặt khó chịu, bác thở dài rồi đứng lên bỏ ra về !!!

Mỗi người chúng ta có lẽ cũng ít nhiều giống bác nông phu trong câu chuyện chúng ta vừa nghe. Đúng là có nhiều lúc chúng ta cảm thấy Lời của Chúa thật tuyệt vời nhưng rồi mọi sự chỉ dừng lại ở đó. Thật đáng tiếc.

Quả chúng đang xây nhà trên cát!

3. Hạt Giống Bám Rễ Nhưng Bị Gai Vô Hiệu Hóa

  Chúa giải thích tiếp “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.(Mt 13,22-23)

Cỏ dại, gai góc là những lo lắng, đam mê trần thế thường chế ngự con người.

Đây là tình trạng sống đạo nửa vời. Lời Chúa còn nằm bên lề cuộc sống, chưa thành động lực thúc đẩy từ bên trong.

Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều tín hữu. Nhiều tín hữu sống đo không rõ rệt, dứt khoát. Sống trong tình trạng chân trong, chân ngoài, (chân ngoài dài hơn chân trong). Có thể chỉ muốn là một tín hữu “bình thường’, “coi được”, “trung bình”, chứ không sẵn sàng trả một giá cao, tương xứng với ơn gọi làm một Kitô hữu xác tín. Muốn đạt tới Nước Trời nhưng với một giá rẻ mạt.

Một đêm kia, khi vị mục sư chuẩn bị đóng cửa nhà thờ, ông gặp một đứa bé đang ngủ ở hàng ghế sau cùng. Ông đánh thức cậu ta dậy và xin lỗi vì ông phải đóng cửa nhà thờ. Cậu bé liền cắt nghĩa: đêm nay cậu không có chỗ nào để trú ngụ và mong được lưu lại trong nhà thờ. Vị mục sư trả lời là ông hy vọng cậu bé hiểu giùm ông, vì ngủ trong nhà thờ thật không hay. Thế là ông mời cậu tạm vào phòng tiếp tân chờ ông gọi điện thoại cho hai trung tâm cư trú trong thành phố, hãy gắng kiếm một chỗ cho cậu bé qua đêm. Rủi thay đêm đó không có trung tâm nào còn chỗ trống cả. Vị mục sư liền xin lỗi cậu. Cậu ta biết mình phải ra đi và đã lầm lũi bước vào bóng đêm.

Về nhà, ông ngồi vào chiếc ghế bành êm ấm cầm Thánh kinh lên đọc đoạn dành riêng cho ngày hôm ấy. Đó là bài dụ ngôn “Người Samaria nhân hậu”. Bỗng dưng vị mục sư nhận thấy cậu bé giống hệt như người đàn ông bị thương tích trong dụ ngôn trên, cậu đang cần sự giúp đỡ. Ông cũng nhận ra mình giống vị Thượng tế kia bước qua một bên mà chẳng giúp gì cho cậu bé.

Rõ ràng đây là một mảnh đất còn gai góc, Lời Chúa chưa sinh hoa kết trái được.

Đức Phaolô VI gọi lối giữ đạo đó là một thứ “Kitô giáo không Thập giá”

4. Đón Nhận Lời Chúa Rồi Đem Thực Hành

Chúng con hãy nghe Chúa giải thích: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13,23)

Đây là một thái độ Kitô giáo đích thực, điều mà Chúa Giêsu đòi mỗi tín hữu phải thực hiện. Không chỉ nghe mà thôi, nhưng là thực hành. Lời Chúa không còn là một thứ trang trí bên ngoài, nhưng trở thành động lực thôi thúc bên trong, trở thành đòi hỏi cụ thể phải quyết định hoặc chấp nhận hoặc khước từ, không thế lẩn tránh.

Chúa Giêsu luôn lấy việc thực hành ý Chúa Cha làm lương thực nuôi sống mình. Cũng vậy người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi nào ý Chúa trở thành đòi hỏi khẩn thiết nhất, ưu tiên cao nhất trong ưu tư, dự định của đời mình.

Chuyện xảy ra ở một thôn người dân tộc. Có gia đình kia nghèo nhưng đạo đức. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên mùa màng gặt về cũng đủ ăn. Xong bà con chung quanh thường hay thiếu. Họ chạy đến chị K’Bông vay mượn, hẹn đến mùa sau sẽ trả. Có nhiều người mượn đã mấy mùa mà vẫn chưa đem lại trả. Gia đình tỏ vẻ không bằng lòng. Một hôm bà mẹ của chị gọi chị lại nói:

-Sao mày ngu vậy ? bạ ai cũng cho mượn hết, người ta không trả cho mày thì lấy gì mà ăn?

Chị mỉm cười trả lời :

– Mẹ mày, không sao đâu! Mình nghe lời Chúa dạy: cho mượn là việc mình phải làm, còn trả lại là việc của người ta!. . .

Thánh Augustinô, từ một chàng trai trụy lạc tội lỗi được cải hóa và đã trở nên một vị Đại Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, chinh phục biết bao linh hồn trở về với Chúa, qua những tác phẩm giáo huấn và lời giảng dạy khôn ngoan của ngài… Còn biết bao trường hợp tương tự, ơn Chúa đã thực hiện cách lạ lùng nơi đời sống của các Thánh.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng ngắn do thánh Matthêu ghi lại.

Cha đố chúng con trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn dạy mọi người điều gì?

– Thưa Chúa dạy phải học với Chúa về sự hiền lành và khiêm nhường.

– Thế chúng con có hiểu hiền lành và khiêm nhường không?

Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.

Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính rất cần thiết cho cuộc sống của một con người. Có hiền lành và khiêm nhường thì chúng ta mới dễ được yêu thương. Có rất nhiều tấm gương trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy điều đó.

Tấm gương rõ nét nhất là tấm gương của Đức Mẹ Maria. Vì Đức mẹ hiền lành và khiêm nhường mà Đức Mẹ đã được Chúa chọn để là mẹ Chúa Giêsu. Người thứ hai cũng có thể nhắc tới đó là gương của thánh Giuse. Chúng con hãy nhớ lại một chút coi. Sau khi được Chúa chọn để làm bạn với Đức Mẹ thì thánh Giuse đã sống như thế nào. Có thể nói là hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa. Chúa bảo gì Giuse lấp tức thi hành, không một thắc mắc, không một chút phân vân nghi ngại. Đang đêm Chúa bảo dậy thì Giuse dậy. Chúa bảo đi thì Giuse đi. Như một dụng cụ ngoan ngoãn để Chúa sai bảo. Thật là quá hiền lành và khiêm nhường.

Thêm vào đó cha thấy trong cuộc sống của Chúa, Chúa có rất nhiều đức tính rất đặc biệt, thí dụ như sự thánh thiện, sự can đảm, lòng trong sạch, sự nhiệt thành đối với những gì Chúa Cha muốn, đức vâng lời, tinh thần trọng luật, cuộc sống siêu thoát….rồi Chúa còn có những khả năng ứng xử rất tài tình trước những tình huống vô cùng khó khăn và đã dễ dàng vượt qua những cạm bẫy rất phức tạp và vô cùng nguy hiểm mà những người không ưa Chúa nhiều lần đặt ra để thử thách Chúa. Đặc biệt là Chúa còn làm được những điều rất là lạ lùng như là làm được những phép lạ mà không ai trên đời có thể làm được. Đó là những điều rất hấp dẫn mà mỗi người có thể học được một phần nào ở nơi Chúa, thế nhưng khi đề cập đến những đức tính mà một người môn đệ của Chúa phải học thì Chúa đã không nhắc một tí nào đến những đức tính trên mà chỉ nói đến hai đức tính xem ra chẳng có gì hấp dẫn lắm…Đó là sự hiền lành và khiêm nhường.

  2/.Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành.

Sự hiền lành là một điều rất cần thiết để cho mọi người có thể dễ dàng sống với nhau như những người anh em con của cùng một Cha trên trời nhất là làm cho con người dễ đón nhận ý Chúa. Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta.

a. Kinh thánh nói cho chúng ta rất nhiều về sự hiền lành của Chúa.

+ Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về Chúa như thế này: “Ngài hiền lành như con chiên bị đem đi giết. Cây sậy đã gục ngã Ngài không nỡ bẻ gẫy. Tim đèn còn khói Ngài cũng không nỡ lòng nào dập tắt nó đi” Thật khó mà tìm được những lời nào hay hơn thế để nói về sự hiền lành của Chúa.

+ Chúng ta hãy nhớ lại cách cư xử dịu dàng tới mức độ tuyệt vời của Chúa trong câu chuyện người đàn bà ngoại tình.

+ Chúng ta hãy dừng lại trước cảnh thật đẹp của một người chăn chiên khi tìm lại được con chiên lạc trong cả đàn chiên 100 con của mình.

+ Và đặc biệt chúng ta hãy cố mà hình dung ra khuôn mặt rạng ngời của người Cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” khi người Cha ôm nó vào lòng khi nó đi hoang trở về: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân của cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt…Chúng ta phải mở tiệc ăn mừng vì con Ta đã chết nay mà nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”(Lc 15,22-24). Không một lời trách móc, không một cử chỉ buồn phiền

b/ Hiền lành ở đây không phải là nhu nhược nhưng là một hành vi cao cả anh hùng, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người có tội để họ có thể tìm đường quay trở về.

Một đệ tử nhà hiền triết nổi tiếng kia đến thăm sư phụ đang lâm trọng bệnh gần chết. Anh ta đến gần giường và thưa với thầy:

– Thầy còn có điều gì để dạy cho con nữa không?

Nhà hiền triết âu yếm nhìn học trò mình rồi há miệng bảo môn đệ nhìn kỹ và ông hỏi:

– Con có thấy ta còn lưỡi không?

– Thưa thầy, còn.

– Thế răng của ta còn không?

– Thưa thầy, không còn cái răng nào!

Nhà hiền triết nói tiếp:

– Con có biết tại sao lưỡi còn mà răng lại rụng hết không? Bởi vì lưỡi thì mềm dẻo, còn răng thì cứng nhắc. Răng rụng trước lưỡi vì răng cứng cỏi. Bây giờ con đã học được tất cả những điều con phải biết rồi. Ta không còn điều gì để chỉ dạy cho con nữa.

+ Thánh Augustinô đã thú nhận như sau “Thánh Ambrosio đã khuất phục được tôi và tôi mến Ngài. Tôi mến Ngài không phải chỉ vì Ngài thông thái mà là vì Ngài hiền lành nhân hậu”

2/”Hãy học cùng ta vì Ta khiêm nhường”.

* Chúng con có biết các nhà tu đức học gọi khiêm nhường là gì không? Thưa là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Có người còn gọi khiêm nhường là nhân đức Mẹ của các nhân đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Nhờ khiêm nhường mà chúng ta là cho cuộc đời của mình thêm đẹp.

Đầu tháng bảy năm 1870, một phái đoàn người Pháp đến chầu Đức giáo hoàng Piô IX tại Roma. Sau khi trưởng phái đoàn đã đọc bài chào mừng, Đức giáo hoàng đã nói chuyện thân mật với từng người và ai nấy đều xin ơn nọ ơn kia. Nhưng khi nhìn thấy một thanh niên có vẻ khô khan lạnh nhạt, Đức giáo hoàng đã hiền từ hỏi:

– Còn con, con không xin ơn gì sao?

Chàng thanh niên lạnh lùng đáp:

– Thưa không.

Đức giáo hoàng hỏi thêm:

– Cha con còn sống không?

Chàng thanh niên lửng khửng đáp:

– Thưa còn.

Đức giáo hoàng lại hỏi:

– Còn mẹ con thì sao?

Chàng thanh niên chậm chạp lí nhì đáp lại

– Mẹ con chết lâu rồi.

Bấy giờ Đức giáo hoàng cầm tay anh thanh niên mà nói với giọng cảm động rằng:

– Con không xin ơn gì với cha; còn cha, cha xin con một điều, là con hãy cùng cha quì gối xuống đất, đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng, một kinh sáng danh, cầu nguyện cho mẹ con được lên thiên đàng, và khi được hưởng mặt Chúa. Mẹ con sẽ xin cùng Chúa cho con được sốt sắng giữ đạo để sau này con cũng được lên thiên đàng với mẹ con. Nói xong Đức giáo hoàng quỳ xuống đất, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc kinh rất sốt sắng, làm cho chàng thanh niên phát cảm động phải khóc nức nở.

Đức Giáo Hoàng quì xuống trước mặt mọi người . Ngài có làm gì lạ lùng không. Không. Ngài chỉ cùng đọc với mọi người những lời kinh đơn sơ nhất.

Chúng ta hãy nhìn vào đó mà bắt chước để cuộc sống của mỗi người chúng ta xứng đáng với Chúa hơn. Amen.