Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm A
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn nữa của Chúa Giêsu.
Cha đố chúng con qua dụ ngôn hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta điều gì ?
…
Hơi khó phải không chúng con.
Vậy cha cắt nghĩa cho chúng con.
Theo Cha thì qua bài dụ ngôn hôm nay Chúa muốn dạy chúng ta một đều thật quan trọng. Đó là lòng hối cải.
Cha hỏi chúng con: hai người con trong bài Tin Mừng hôm nay là những người như thế nào ? Có phải là những người con ngoan ngoãn không ?
Chắc là không, phải không chúng con ?
Lý do vì cả hai đã làm buồn lòng cha của mình. Cả hai đã không mau mắn vâng lời cha mà đi làm ngay.
Rất may là người con thứ nhất đã hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai khi được cha sai thì “ok” ngay nhưng rồi lại không đi.
Cha hỏi chúng con: thế thì người con nào đã làm người cha vui lòng ?
– Thưa người con thứ nhất
– Điều gì đã làm cho người thứ nhất thay đổi như vậy ?
– Thưa “sự hối hận”
– Rất chính xác. Chúng con giỏi.
Đúng là sự hối hận hay là lòng hối cải có một giá trị rất đẹp trong cuộc sống.
1. Trước hết lòng hối cải có thể làm cuộc sống của con người dễ trở nên tốt hơn.
Lý do: lòng hối cải có thể đem lại những điều thật bất ngờ.
Tin Mừng có nhiều truyện cho chúng ta thấy điều đó. Cha có thể kể ra cho chúng con những người này: Maria Mađalêna, Giakêu, người thiếu phụ xứ Samaria, người đàn bà ngoại tình, anh trộm lành.. . tất cả là những người đã đổi đời nhờ gặp Chúa Giêsu và đã hối hận về cuộc đời của mình. Nếu họ đã không hối hận chắc chắn cuộc sống của họ đã không trở nên tốt đẹp như vậy.
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này:
Một thương gia trong một thị trấn nhỏ nọ có hai người con trai sinh đôi. Hai chàng trai cùng làm việc tại cửa hàng của cha mình. Khi ông qua đời, họ thay ông trông coi cửa hàng đó. Mọi việc đều êm đẹp cho đến một ngày kia, khi một tờ giấy bạc biến mất. Người em đã để tờ giấy bạc đó trên máy đếm tiền rồi đi ra ngoài với khách hàng. Khi anh quay lại, tờ giấy bạc đã biến mất. Người em hỏi người anh:
– Anh có thấy tờ giấy bạc đâu không ?
– Không – người anh đáp.
Tuy thế. Người em vẫn không ngưng tìm kiếm và gạn hỏi.
– Anh không thể không đụng đến nó. Tờ giấy bạc không thể tự đứng dậy và chạy đi được! Chắc chắn anh phải thấy nó!
Sự buộc tội phảng phất trong giọng nói của người em. Căng thẳng bắt đầu tăng lên giữa hai anh em họ. Sự oán giận cũng theo đấy mà len vào. Không lâu sau một hố ngăn cách gay gắt và sâu thắm đã chia cách hai chàng trai trẻ. Họ không thèm nói với nhau một lời nào. Cuối cùng họ quyết định không làm chung với nhau và một bức tường ngăn cách đã được xây ngay giữa cửa hàng. Sự thù địch và oán giận cũng lớn lên tiếp theo 20 năm sau đó, lan đến cả gia đình của họ. Một ngày nọ, một người đàn ông đỗ xe ngay trước của hàng. Ông ta bước vào và hỏi người bán hàng:
– Anh đã ở đây bao lâu rồi ?
Người bán hàng đáp rằng anh đã ở đây cả cuộc đời. Vị khách nói tiếp:
– Tôi phải nói với anh điều này. 20 năm trước tôi đang đi xe lửa và tạt vào thị trấn này. Lúc đó tôi đã không ăn gì suốt ba ngày. Khi tôi đến đây bằng cửa sau và thấy tờ giấy bạc trên máy tính tiền, tôi đã bỏ vào túi mình rồi ra ngoài. Những năm qua tôi không thể quên điều đó. Tôi biết nó không phải là món tiền lớn nhưng tôi phải quay lại đây và xin anh thứ lỗi.
Người đàn ông lạ mặt ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn trên má của người bán hàng trạc tuổi trung niên này.
– Ông có vui lòng sang cửa hàng bên và kể lại chuyện này cho người đàn ông trong cửa hàng đó được không ? – anh ta đề nghị.
Rồi người đàn ông lạ càng ngạc nhiên hơn khi thấy hai người đàn ông trung niên, trông rất giống nhau, ôm nhau khóc ngay trước cửa hàng. Sau 20 năm, rạn nứt giữa họ đã được hàn gắn. Bức tường thù hận chia cắt hai anh em họ đã được đập bỏ. (Loren Fischer)
Đó chúng con thấy sự hối cải đã đem lại kết quả đẹp đẽ như thế nào!
2. Hơn thế nữa sự hối cải còn giúp cho người ta nên thánh.
Chúng con thấy: tội thì ai cũng có. Có một tác giả nổi tiếng bên nước Nga nói như thế này: “Chỉ có hai hạng người sau đây không có lỗi lầm: những người còn trong bụng mẹ chưa sinh ra và những người đã bỏ vào quan tài chờ ngày mang đi chôn”. Đó là thân phận chung của mọi người. Chúng ta hãy nhìn vào hai nhân vật quen thuộc trong Thánh Kinh: Phêrô và Giuđa. Tội chối Chúa và tội bán Chúa cũng gần ngang nhau. Vậy mà số phận hai người lại khác hẳn nhau vì Phêrô nhờ hối cải mà được cứu sống, còn Giuđa thì chết trong tuyệt vọng.
Đối với chúng ta, việc nên thánh của chúng ta chỉ có thể đi ngang qua hai con đường: Hoặc bằng con đường trong trắng, hoặc bằng con đường hoán cải.
Những người đến với Chúa bằng con đường trong trắng có lẽ không nhiều. Chỉ có một số tâm hồn ưu tú mới có thể đi qua cuộc đời mà không vướng mắc gì nhiều, không bị bụi đường làm lấp láp nhem nhuốc. Chẳng hạn Têrêsa Lisieux. Louis Gonzaga, Đaminh Savio. . .
Còn con đường thứ hai: Con đường hoán cải là con đường chung mở rộng cho đa số. Kể cả các thánh lớn cũng cần đến con đường này.
Phêrô đã chối Chúa nhiều lần nhưng vẫn được Chúa đặt làm đoàn trưởng các Tông đồ. Phaolô đã tham gia bắt bớ Kitô hữu không nương tay trước khi trở thành Tông đồ của lương dân. Augustinô đã sống mấy chục năm buông thả trước khi khóc tội mình đến cạn cả nước mắt. Phanxicô Assisi, sau một thời tuổi trẻ ham chơi, đã dấn thân vào con đương hẹp của Tin Mừng. Và ngài coi ngày vào dòng của ngài là bước khởi đầu của một đời sám hối.
Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì ngoài con đường trong trắng Chúa còn cho chúng ta con đường sám hối để đến với Thiên Chúa. Nếu không có con đường thứ hai này thì số phận chúng ta không biết sẽ ra sao. Chắc chắn là sẽ rất bi đát vì không có lối thoát. Thật vậy chẳng có mấy tín hữu còn giữ được ơn thánh tẩy trọn vẹn như đã hứa. Trong nghi thức thánh tẩy có phần trao áo trắng và nến sáng cho người được Rửa tội. Khi trao thì chủ tế căn dặn: Con hãy giữ áo này luôn trong trắng và ngọn lửa này luôn cháy sáng, cho tới khi Chúa trở lại. Lời nhắn nhủ này hàm chứa một sự cam kết của người mới được tái sinh. Nhưng thử hỏi trong thực tế có mấy người còn giữ được áo trắng và đến sáng cho tới ngày gặp Chúa ở cuối đời mình. Có lẽ khá họa hiếm.
Thật may mắn, chính Chúa đã gỡ kẹt cho chúng ta. Tội lỗi có đó, mạnh đó…nhưng còn có ơn tha thứ. Ơn đó luôn ở trong tầm tay của mỗi người. Bao lâu còn có lòng hối cải thì bấy lâu còn có ơn tha thứ. Chúa không bao giờ nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập và dập tắt tim đèn còn khói. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta chỉ một lần. Nhưng Ngài tái tạo chúng ta trong ơn tha thứ muôn ngàn lần, hầu như mỗi ngày. Thiên Chúa không biết mỏi mệt, chán nản. Có thế thì Ngài mới là Thiên Chúa.
Mẹ thánh Têrêsa nói: “Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta. Amen.