Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 31 Thường Niên, năm B
Kính thưa anh chị em,
Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Những gì Chúa muốn nói với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cũng dư biết. Ở đây tôi chỉ xin được đưa ra một vài nhận định để rồi sau đó chúng ta cố rút ra một vài bài học thực tế cho chúng ta.
1. Trước hết là vấn đề được đặt ra với Chúa hôm nay.
Đây là vấn đề vốn được bàn cãi rất nhiều trong giới Rabbit Do thái.
Vào thời của Chúa Giêsu thì Luật được coi là chính thức gồm 613 điều trong đó có 248 điều buộc phải làm và 365 điều cấm không được làm.
Vấn đề mà người luật sĩ đặt ra với Chúa hôm nay không phải là vấn đề con số nhưng là giá trị. Trong số những khoản luật đó, khoản nào là quan trọng nhất?
Để trả lời, Chúa Giêsu đã trưng ra hai điều luật tương đối được nhiều người cho là quan trọng. Điều thứ nhất như sau:
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Giavê Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất”
Đây là điều mà người Do thái coi là hết sức quan trọng. Chính vì thế mà
+ họ phải được đọc câu này lên mỗi khi khởi sự giờ thờ phượng trong nhà hội,
+ những người Do thái ngoan đạo còn ghép câu này lại trong các thẻ bài bằng da rồi đeo trên trán và trên cườm tay để đọc mỗi khi cầu nguyện
+ Rồi còn được chép lên một tấm bảng đặt vào trong một hộp nhỏ hình trụ gọi là Mezuzah để treo lên trước cửa nhà cũng như trên cửa các phòng trong nhà, để nhắc cho người ta nhớ đến Chúa lúc đi ra cũng như đi vào.
Khi Chúa Giêsu trích dẫn câu này và coi như một điều răn quan trọng, thì ai cũng thấy điều đó là quá đúng rồi, không còn phải bàn cãi chi nữa.
+ Tiếp đến Chúa trưng ra một câu thứ hai. Câu này được trích từ sách Lêvi 19,18.”Hãy yêu thương người lân cận như chính mình” Trong câu này, Chúa Giêsu có sửa đổi lại một chút. Sách Lêvi xác định rất rõ kẻ lân cận là người Do thái, chứ không bao giờ bao hàm cả những người ngoại bang, là kẻ mà dân Do thái được phép thù ghét. Còn Chúa khi trích dẫn câu này thì Ngài không xác định, cũng không giới hạn đối tượng của nó. Như vậy Ngài đã lấy một điều luật cũ rồi đổ vào đó một ý nghĩa mới.
Và sau đây mới là điều hoàn toàn mới: Chúa ghép chung hai điều răn này lại với nhau. Trước đó chưa hề có một rabbit nào dám làm như vậy. Với việc ghép chung lại như thế, Chúa muốn xác định một cách dứt khoát đạo của Chúa là đạo Tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Và Ngài cũng ngụ ý dạy rằng phương pháp duy nhất để người ta chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa là yêu thương người khác.
Ông kinh sư hôm nay quả là một người rất thông minh. Ông nắm bắt được ý của Chúa một cách rất nhanh. Ông cũng là người biết tôn trọng sự thật, dám công khai nhìn nhận những điều Chúa dạy là đúng là phải trước mặt mọi người.
2. Nội dung câu chuyện đơn sơ như vậy, nhưng nó cho chúng ta thấy cốt lõi đạo của Chúa nằm ở chỗ nào: Nằm trong hai tiếng yêu thương.
Thánh Gioan Tông đồ viết: Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu. (1Ga 1, 7- 8).
Albert Camus một nhà văn lớn của Pháp tuy không có cảm tình gì mấy với Chúa Giêsu nhưng ông cũng đã nói một cách rất chân thành: “Nếu tôi phải viết một cuốn sách về luân lý, thì cuốn sách ấy sẽ dài 100 trang, mà 99 trang để trống, trên trang cuối cùng, tôi sẽ viết: tôi chỉ biết có một nghĩa vụ, và nghĩa vụ đó là yêu thương.”
Pascal cũng đã từng nói: “Tất cả những gì không dẫn đến yêu thương đều là giả tạo.”
Léon Bloy “Bạn sống như thế nào đối với người bạn thân của bạn mỗi ngày: kính trọng hay khinh khi? Nào bạn không biết rằng Đức Kitô ở giữa mọi người, Ngài đảm nhiệm tất cả, gánh chịu tất cả, đau khổ vì tất cả. Bởi thế, xúc phạm đến một người là xúc phạm đến Ngài, hạ nhục một người là hạ nhục chính Ngài, nguyền rủa một người là nguyền rủa chính Ngài, giết hại một người là giết hại chính Ngài.”
Mục tiêu của toàn bộ Kinh thánh cũng chính là lòng bác ái yêu thương.
Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ phi là tình mến, vì kẻ yêu người là chu toàn lề luật.”
Chúa Giêsu đã đến không phải là để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà là để kiện toàn. Và Ngài kiện toàn lề luật bằng cách qui mọi giới răn và lệnh truyền vào giới răn: mến Chúa yêu người. Luân lý Kitô-giáo do đó không phải là một hệ thống gồm những điều phải làm và những điều không được làm, mà thiết yếu là con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc thật.
3. Không có tình yêu cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nhưng sống yêu thương điều đó mới đẹp làm sao!
Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:
– Bằng vào dấu chỉ nào người khác nhận ra các con là người Công giáo?
Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại câu hỏi và ngài lập lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời đúng. Bất chợt một ứng viên trả lời:
– Đó là “Tình yêu”.
Hãy nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”.
Tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới, có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ.
Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường tưởng ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc người công nhân già hết sức ngạc nhiên thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu. Số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công thợ của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách,
những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng cả trong tinh thần,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“ Điều các con làm cho
người bé mọn nhất trong anh em
là các con làm cho chính Ta”.
Mẹ Têrêxa Calcutta