Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 32 Thường Niên, năm B
Thiếu nhi chúng con yêu quí.
Tin Mừng thánh Marcô vừa thuật lại cho chúng ta hai câu chuyện.
Chuyện Chúa Giêsu bảo mọi người hãy coi chừng những ông kinh sư và chuyện người đàn bà goá nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ.
Cha hỏi chúng con: Chúng con thích câu chuyện nào hơn?
– Thưa cha câu chuyện bà goá nghèo.
– Tại sao chúng con lại thích câu chuyện này?
– Thưa vì chính Chúa Giêsu thích.
– Chúng con trả lời hay quá. Đúng là Chúa Giêsu cũng thích và hơn nữa Chúa còn coi đó như một bài học Chúa muốn dạy các môn đệ của Chúa.
1. Bà goá nghèo này bên ngoài xem ra chẳng có gì đáng nói. Những người như bà ở đời này có lẽ chẳng được mấy ai quan tâm để ý. Vậy mà hôm đó bà lại được Chúa để ý. Bà chỉ làm một công việc rất bình thường đó là bỏ vào thùng tiền dâng cúng trong đền thờ có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma” Vậy mà việc làm của bà đã lọt vào mắt Chúa. Lý do Chúa để ý tới không phải là vì bà đã làm một việc to tát. Bà chỉ làm một việc rất tầm thường nhưng qua việc đó Chúa đã thấy được tấm lòng của bà.
Bà tốt vì bà có tấm lòng. Tấm lòng của bà quảng đại hơn nhiều người khác. Chúa bảo “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Lc 12,42). Đáng lý ra những người bỏ nhiều tiền thì phải được khen chứ. Vậy mà ở đây Chúa lại khen bà goá nghèo vì bà đã bỏ vào hòm dâng cúng có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Tại sao vậy chúng con? Đây chúng con hãy nghe chính Chúa cắt nghĩa. “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”(Lc 12,44)
Như vậy rõ ràng đối với Chúa, tốt hay không tốt không phải là do bỏ nhiều hay bỏ ít mà là do ở tấm lòng chứ không phải do những gì mình dâng cúng.
Một du khách kia qua sa mạc và tìm thấy một nguồn nước thật trong lành, thơm mát. Sau khi đã thỏa mãn cơn khát, người khách ấy lấy nước đổ đầy vào một chiếc bọc da rồi mang về dâng cho nhà vua mà ông hết lòng yêu mến, cốt để cho cho nhà vua cũng được thưởng thức một nguồn nước trong mát chưa từng thấy trong vương quốc của ngài.
Sau nhiều ngày vượt qua chặng đường dài dưới trời nóng bức, cuối cùng người khách cũng về đến cung điện. Khách vào chầu nhà vua, dâng cho ngài bọc nước mà ông đã lấy từ trong sa mạc. Nhà vua nếm qua và không ngớt lời khen ngợi lòng yêu mến kính trọng của thần dân đối với mình trước mặt mọi người. Người khách hân hoan ra về lòng cảm thấy mừng rỡ hân hoan vì đã một lần làm cho cho đức vua được hạnh phúc. Nhưng ngay sau khi người khách ra đi, các quan hầu cận xin đức vua cho họ được nếm thử thứ nước đặc biệt đó. Đức vua bằng lòng. Nhưng ngay sau khi nếm thử thứ nước đó, các quan cận thần của nhà vua đã hết sức ngỡ ngàng vì vị nước trong bọc không thơm ngon như lời kể của vị khách, nhất là thái độ và cử chỉ của nhà vua đối với người khách lạ. Bởi thế các quan mới hỏi:
– Thưa ngài, tại sao ngài lại có thái độ như vậy? Nước trong bọc da đã hư rồi mà ngài vẫn uống ngon lành trước mặt du khách, lại còn khen ngợi hết lời nữa.
Nhà vua trả lời:
– Ta không nhận phẩm chất nước trong bọc da, nhưng ta nhận và khen ngợi tấm lòng quí mến của người khách đối với Ta. Đó là điều quan trọng làm cho ta sung sướng.
Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay cũng có một cách hành xử như thế đối với người đàn bà nghèo chỉ bố thí có hai đồng xu nhỏ tại đền thờ Giêrusalem.
2. Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể sống được như người đàn bà goá này không?
Câu trả lời của cha: Được, miễn là chúng ta có một tấm lòng tốt.
+ Một nhà truyền giáo tại miên Đông Phi châu Phi kể lại câu chuyện của một nhóm người bản xứ: cứ mỗi khi cần điều trị bệnh, họ đã chấp nhận đi cả một ngày đường, băng qua bệnh viện chính phủ để đến cho được một bệnh viện của hội Truyền giáo. Người ta hỏi họ tại sao họ lại phải đi cả một quãng đường dài như vậy, để được điều trị tại bệnh viện của hội Truyền giáo trong khi tại bệnh viện chính phủ, cũng có những loại thuốc như thế.
Họ trả lời:
Những loại thuốc mà con người chế tạo ra có thể giống nhau, nhưng đôi bàn tay và tấm lòng thì khác hẳn.
+ Ngày kia có một em bé người Nhật Bản đến gõ cửa một người đã về hưu với ý định bán những hình phong cảnh nhỏ với giá một đồng một tấm. Em cần tiền để làm gì? Ông lão hỏi em bé và được em cho biết: em muốn quyên đủ một triệu đồng để cứu trợ nạn nhân của nạn động đất. Ông lão không nén nổi nụ cười khi thấy em bé quá ngây thơ bé bỏng, trên tay chỉ vỏn vẹn mấy tấm thiệp mà lại mơ giấc mộng to lớn là quyên được cả triệu đồng, vì thế ông vừa mỉm cười vừa hỏi em bé:
– Một triệu đồng lận hả? Con muốn quyên góp số tiền to lớn như thế một mình con sao?
– Không, em lắc đầu, còn có những đứa khác giúp con nữa.
+ Mẹ thánh Têrêxa Calcutta, vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái, một hôm đến nhà của những người hấp hối do các chị em trong dòng của mẹ chăm sóc. Đây là căn nhà mẹ thiết lập để đón tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa.
Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này tìm được một cái chết xứng với phẩm giá của một con người.
Buổi tối hôm đó, người ta đưa tới một người đàn bà bị kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Têrêxa đã đích thân chăm sóc cho người đàn bà với tất cả sự ưu ái và dịu hiền của một người mẹ.
Sau khi đã hồi sức, người đàn bà đã mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào với Mẹ Têrêxa:
– Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế ?
Với tất cả lòng yêu thương, mẹ Têrêxa trả lời:
– Bởi tôi muốn cho chị được hạnh phúc.
Trên khuôn mặt mà tử thần đang chập chờn định cướp lấy mạng sống, đôi mắt của người đàn bà đau yếu kia bỗng sáng lên một niềm vui nở rộ. Bà cố gắng nói:
– Bà hãy lặp lại câu nói đó một lần nữa đi.
Mẹ Têrêxa mỉm cười nói:
– Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.
Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà ấy tiếp tục thều thào:
– Xin bà hãy lập lại một lần nữa đi.
Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay mẹ, đặt trên ngực mình như cố níu kéo một chút hơi ấm, hơi ấm của tình người, của hạnh phúc mà chỉ có một tấm lòng quảng đại mới có thể ban phát được.
Tấm lòng tốt đẹp quá phải không chúng con?