WGPSG / WordonFire — Món quà của Bí tích Rửa tội và sự tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống của chúng ta.

Khi Giáo hội cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, tâm trí tôi nhớ lại một chuyến hành hương tới Đất Thánh mà tôi đã thực hiện vài năm trước đây. Một trong những điều ấn tượng của chuyến hành hương đó là cuộc viếng thăm bờ sông Giođan, nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả. Trong cuộc viếng thăm tại sông Giođan, chúng tôi đã lập lại những lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Trải nghiệm rất thiêng liêng và đáng nhớ đó đã đưa tôi về với một số chân lý quan trọng liên quan đến căn tính: Tôi là một Kitô hữu đã được rửa tội. Ở đây tôi muốn nêu ra chỉ một trong những chân lý ấy, đó là tin mừng cho tất cả những ai đã được dìm trong dòng nước của Bí tích Rửa Tội: vì nhờ Bí tích Rửa Tội, đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa.

Chúng ta đồng ý với nhau rằng chính việc thiếu ý nghĩa trong cuộc sống tạo nên khủng hoảng về căn tính và cứu cánh của con người. Điều này đã được Victor Frankl lập luận một cách mạnh mẽ trong cuốn sách “Đi Tìm Lẽ Sống”, nơi ông quan sát thấy rằng những người có cơ hội lớn nhất để sống sót trong trại tập trung Auschwitz là những người có thể tìm thấy ý nghĩa trong sự đau khổ của họ. Frankl đã quả quyết rằng: “Người có lý do để sống thì có thể chịu đựng gần như mọi hoàn cảnh.” Sống sót sau trại tập trung, Frankl đã phát triển thành công một liệu pháp gọi là “Trị liệu Logo”, dựa trên việc giúp mọi người tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của họ và như vậy có lý do để sống.

Không phải ai cũng đồng ý rằng có thứ ý nghĩa như vậy tồn tại. Đối với nhiều người vô thần hiện nay, Thiên Chúa không tồn tại và do đó mọi thứ đều vô nghĩa; tất cả những gì tồn tại là vật chất. Triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã từng viết: “Chúng ta ngồi ở đây, tất cả chúng ta, ăn và uống để duy trì sự tồn tại đáng quý của chúng ta nhưng thực sự chẳng có gì, chẳng có gì, hoàn toàn chẳng có lý do gì để tồn tại”(Buồn Nôn).

Tương tự như vậy đối với nhà khoa học người Anh Richard Dawkins, “Vũ trụ không có sự thiết kế, không có mục đích, không có sự dữ và sự lành, không có gì ngoài sự hững hờ tàn nhẫn (Dòng Sông Trôi Khuất Địa Đàng: Một góc nhìn theo học thuyết Darwin về sự sống). 

Khi người ta rời xa niềm tin tôn giáo và thế giới quan kinh thánh, chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất đi cảm thức về ý nghĩa và trôi dạt theo những kết luận đáng sợ của Sartre và Dawkins.

Và khi điều này xảy ra, cảm thức về mục đích sống, lý do sống và thậm chí sức khỏe tinh thần của chúng ta có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo bác sĩ tâm thần Andrew Simms: “Đau khổ sâu sắc trong cuộc sống của nhiều bệnh nhân tâm thần là do cảm giác mọi sự đều vô nghĩa… Thiếu hoặc mất ý nghĩa trong cuộc sống có lẽ là triệu chứng tinh thần thường gặp nhất đối với các bệnh nhân của chúng tôi. Đó có thể là triệu chứng của sự trầm cảm, nhưng trầm cảm cũng có thể là triệu chứng của một khoảng trống trong tâm hồn.” (Đức tin có phải là ảo tưởng? – Tại sao Tôn giáo lại tốt cho sức khỏe của bạn?) 

Khoảng trống tâm hồn này rất rõ nét trong cuộc sống của nhiều người ngày nay, kể cả những người đã được rửa tội. Đối với hầu hết chúng ta, Bí tích Rửa tội chỉ xẩy ra một lần duy nhất khi còn thơ ấu nhưng chúng ta hầu như đã quên mất. Bằng chứng là, chúng ta thường hay nói “tôi đã được rửa tội” thay vì nói “tôi được rửa tội”. Trong suy nghĩ của chúng ta, Bí tích Rửa Tội là điều đã từng xảy ra hơn là điều vẫn còn đang định hình con người của ta ngay trong lúc này.

Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu chúng ta vào ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa “hãy hỏi về ngày tháng bạn được rửa tội. Bằng cách này bạn có thể ghi khắc trong tâm trí mình ngày trọng đại đó. Biết chính xác thời điểm chúng ta chịu phép Rửa Tội là biết về một ngày hồng phúc. Không biết ngày tháng mình được rửa tội, chúng ta có nguy cơ đánh mất nhận thức về những gì Thiên Chúa đã làm trong chúng ta, mất luôn ký ức về món quà mà chúng ta đã lãnh nhận” (ĐTC Phanxicô, ngày 8 tháng 1 năm 2014).

Nếu chúng ta là những người đã quên mất món quà đã nhận được trong Bí tích Rửa Tội và cảm thấy đời mình thiếu ý nghĩa, thì đã đến lúc tái khám phá sự tinh tuyền và ý nghĩa của con người mà chúng ta đã trở thành vào ngày chúng ta được rửa tội.

Vào ngày chúng ta được rửa tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế.

Là tư tế, chúng ta đi vào trong mối quan hệ mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha và được ban tặng đặc ân tuyệt vời là được gọi Chúa Cha là Cha trong tư cách là con yêu dấu của Người. Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô trong việc thờ phượng chính đáng và ngợi khen Chúa Cha đầy lòng yêu thương. Lời cầu nguyện của tất cả những người được rửa tội là cần thiết để hòa vào dàn đồng ca chúc tụng tuyệt đẹp đang được Giáo hội dưới trần gian và trên trời dâng lên Thiên Chúa.

Là một linh mục, tôi thường xin những người già yếu và những người nội trợ cầu nguyện cho giáo xứ, cho những bệnh nhân và cho Giáo hội. Điều này nhắc nhở họ rằng nhiệm vụ của họ trong Giáo hội không phải là nhỏ bé nhất nhưng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất: cầu nguyện cho Giáo hội. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là tư tế.

Là ngôn sứ, chúng ta được đi vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Người trên trần gian. Các ngôn sứ suy ngắm và cảm nghiệm với Thiên Chúa và Lời của Người, không ngại đi ngược lại với phong tục, tập quán hoặc ý kiến đám đông khi cần thiết. Bằng mẫu gương đời sống của mình, các ngôn sứ mời gọi người khác sống như Đức Kitô trở thành tình yêu hiến tế. Dù già hay trẻ, ốm hay khỏe, giàu hay nghèo, lòng trí của các ngôn sứ luôn hướng về Thiên Chúa và Nước Trời. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là ngôn sứ.

Khi được rửa tội, chúng ta được xức dầu để làm vương đế. Vào ngày đó, chúng ta đã được tham dự vào một công trình vĩ đại hơn chính chúng ta, đó là kế hoạch của Thiên Chúa để Nước Trời được hiện thực hóa trên trần gian. Vào ngày đó, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa, được dành riêng cho công cuộc của Người và tận hiến cho Người trong tình yêu.

Trong Nghi thức Rửa Tội, với dấu thánh giá, chúng ta đã “thuộc về Chúa Kitô Cứu Thế.” Điều này có nghĩa là trước tiên Thiên Chúa đòi hỏi chính cuộc đời của chúng ta, hoặc như Đức cha Barron không ngừng nhắc chúng ta rằng chúng ta không sống cho chúng ta mà là cho mục đích của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Vào ngày được rửa tội, chúng ta đã lãnh nhận một ơn gọi từ Thiên Chúa, một lời mời gọi duy nhất để thực hiện trong cuộc đời, một sứ mệnh đặc biệt để hoàn thành. Theo lời Đức Hồng Y Newman: “Thiên Chúa đã tạo ra tôi để phục vụ Người một cách dứt khoát; Thiên Chúa đã cam kết thực hiện với tôi những công việc mà Người đã không cam kết với người khác. Tôi có sứ mệnh của riêng tôi.” Những ai đã được rửa tội đều có thể áp dụng những lời này cho riêng họ.

Để chúng ta có thể hoàn thành sứ mệnh đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều món quà để làm phong phú thêm đời sống của Giáo hội và thế giới. Người ban những món quà đó cho chúng ta ngay cả trong lúc này. Đây là những món quà mà Thiên Chúa không bao giờ lấy lại. Chúng được trao ban mãi mãi nhưng cũng được ban thêm vào những lúc chúng ta cần.

Chính vì điều đó là rất thật, nên cuộc sống của mỗi Kitô hữu được nổi bật lên nhờ có ý nghĩa và mục đích. Dù tôi là một người cha, một người mẹ, một người chồng, một người vợ, một linh mục, một tu sĩ, một người độc thân, một học sinh hay một đứa trẻ, thì những hồng ân của tôi và cuộc sống của tôi là để phục vụ Nước Thiên Chúa. Điều này đúng ngay cả khi chúng ta đau bệnh và và cảm thấy không thể làm gì hoặc không có nhiều đóng góp.

Dựa trên phép lạ Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá trong Tin Mừng, chúng ta đừng đánh giá thấp những gì Thiên Chúa có thể làm dù với nguồn lực hạn chế. Điều quan trọng là chúng ta dành cho Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta có với tình yêu và niềm tin rằng Người sẽ khiến cho dư đầy và làm cho vương quốc của Người được triển nở. Từ lúc rửa tội cho đến ngày chúng ta qua đời, chúng ta luôn là vương đế.

Khi tôi trồi lên từ nước sông Giođan hôm đó, từ nơi mà Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả, tôi cảm thấy được tiếp thêm sinh lực và được đổi mới trong căn tính một Kitô hữu được rửa tội. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi tiếp tục được định hình như là con người mà tôi đã trở thành vào ngày tôi được rửa tội. Không ai trong chúng ta có thể sống một cách vô nghĩa. Mặc dù ý nghĩa trọn vẹn của đời sống chúng ta sẽ chỉ được tỏ lộ trong tương lai, vì chúng vẫn còn “được ẩn giấu với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3), nhưng Bí tích Rửa Tội đã mang lại cho cuộc sống chúng ta “một chân trời mới và một hướng đi rõ rệt.” (ĐTC Bênêđictô, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu) 

Lm. Billy Swan (WordonFire) / Minh Lộc chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Nếu bạn đã cầu xin bình an dưới thế và không nhận được nó trong Mùa Giáng Sinh này, ít nhất bạn có thể nuôi dưỡng một cảm giác bình an trong cuộc sống cá nhân vào năm mới. Và nếu sự bình an của bạn mang bình an đến cho những người gần bạn, một phản ứng dây chuyền có thể bắt đầu! Chính tôi biết rằng khi tôi thực sự bình an, và không bị cuốn vào những lo lắng hay tập trung vào danh sách công việc cần làm, gia đình tôi trở nên bình an hơn. Nhưng cách nào để có được bình an đó ? Ở đây xin đề ra 5 cách để tìm được bình an nội tâm dựa trên những trích dẫn trực tiếp từ Chúa Giêsu.

1. Đừng mong tìm thấy sự bình an trong hoàn cảnh sống của bạn. Hãy nhìn lên Chúa.

Chúa Giêsu nói: ”Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thế gian thường điên cuồng, hỗn loạn, và nói chung thế gian không phải là một “fan” của Chúa Giêsu và giáo huấn của Người. Đó không phải là nơi chúng ta tìm kiếm bình an. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cũng cảnh báo cho chúng ta về cách mà thế gian có thể làm chúng ta mất đức tin. Người nói rằng khi gặp gian nan hay ngược đãi, chúng ta có thể đánh mất Người ngay lập tức nếu chúng ta không cắm rễ sâu. Và sau đó ”nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời”, cũng như ”khiến Lời không sinh hoa kết quả gì”. Nếu chúng ta không bao giờ dành thời gian cho Chúa, và không cố gắng làm vui lòng Người, chúng ta sẽ không bao giờ có thể khám phá sự bình an của Người.

2. Hãy hướng về phía trước. Đừng ngồi bệt xuống trước những khó khăn lớn nhỏ trong cuộc sống.

Hãy nhớ rằng mọi người đều có những khó khăn trong cuộc sống, và việc sống tốt với những khó khăn đó sẽ giúp ích cho trạng thái tinh thần của bạn, hơn là cay đắng và oán giận chúng. Chúa Giêsu nói với các môn đệ là những người muốn theo Người phải từ bỏ chính mình và ”vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Chúng ta không thể để cho những thập giá ngăn cản chúng ta theo Chúa là Đấng đã chịu đóng đinh. Đau khổ có thể có ý nghĩa, và thậm chí chúng ta có thể tìm thấy bình an trong đau khổ khi biết đón nhận nó, nhưng chỉ trong Đấng Chịu Đóng Đinh mà thôi.

3. Hãy đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Hãy rộng lượng với những người xung quanh.

Càng rộng lượng, chúng ta càng thanh thoát, thấy bình an và tự do hơn. Chúa Giêsu nói hãy mời người nghèo tham dự tiệc của bạn (Lc 14,13), cho mà không mong đáp đền (Lc 6,35), ai xin thì hãy cho (Mt 5,42), bán những gì bạn có mà cho người nghèo (Mt 19,21). Cho đi những gì chúng ta có giúp chúng ta trở nên ít bận tâm hơn vào việc thu vén và tập trung hơn vào những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

4. Đừng xao xuyến

Chúa Giêsu nói, ”hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay ?” (Mt 6,27). Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy bình an nếu chúng ta chỉ luôn quan tâm tới những điều ngày mai sẽ đến. Việc tin tưởng vào Chúa là sức mạnh cho chúng ta. Ađam và Evà đã phạm tội trong vườn Địa Đàng vì họ không tin vào Thiên Chúa và lệnh truyền Người ban. Nhưng nếu không tin vào Chúa, chúng ta phải dựa vào chính mình. Và điều đó chỉ làm ta mệt mỏi và căng thẳng.

5. Cầu nguyện

Dành thời gian thinh lặng để phản tỉnh. Hãy xin điều bạn cần trong cầu nguyện và nó sẽ được ban cho bạn vì ”hễ ai xin thì nhận được” (Mt 7,8). Chính Chúa Giêsu thường ”lui vào trong những nơi thanh vắng để cầu nguyện” (Lc 5,16). Nếu Chúa Giêsu đã cầu nguyện khi còn ở thế gian, chắc chắn chúng ta cũng phải làm như thế. Người đã ban cho chúng ta Kinh Lạy Cha, một điểm khởi đầu tuyệt vời. Có lẽ trong năm nay, hãy dành một tuần hoặc vài tuần, cầu nguyện và suy niệm với mỗi câu của Kinh Lạy Cha.

Liệu đó là danh sách việc cần làm của bạn, sự cân bằng công việc trong cuộc sống, các mối quan hệ hoặc con cái đang khiến bạn căng thẳng, thì sự bình an nội tâm là có thể. Hãy nhìn vào những ưu tiên của bạn trong năm tới. Khi bạn có thể đặt ưu tiên và tin cậy vào Thiên Chúa, dù thoát khỏi sự oán giận, những thứ thừa thãi và phiền nhiễu, bạn vẫn có thể thấy mình bận rộn như trước. Nhưng trong sự bận rộn đó, bạn vẫn có thể giữ được nguồn cội và an bình trong bình an mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho bạn.

Hướng Dương chuyển ngữ từ aleteia.org
Nguồn: hdgmvietnam.com

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 1 năm 2020

Trong gia đình nhân loại, ai cũng muốn có bình an. Xin cho hai chữ ‘bình an’ là câu nói của nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người có quan niệm khác nhau về bình an. Thông thường, người ta quan niệm rằng đạt được điều mình mong muốn là có bình an. Chẳng hạn, những người nghèo khó hy vọng rằng nếu họ có đủ điều kiện vật chất, họ sẽ có bình an; những người bệnh tật hy vọng rằng nếu sức khỏe của họ hồi phục, họ sẽ có bình an; những em học sinh hy vọng rằng nếu họ vượt qua được kỳ thi, họ sẽ có bình an.

Đối với văn hóa Do-thái, bình an (שׁלום, shalom) là từ được dùng phổ biến. ‘Shalom’ không chỉ mang nghĩa bình an, mà còn mang nhiều nghĩa tốt đẹp khác nữa, chẳng hạn: Hòa hợp, viên mãn, hoàn thành, nguyên vẹn. Mỗi khi gặp nhau hay chia tay, câu cửa miệng của người Do-thái là ‘shalom’.

Bình an cũng là chủ đề rất quan trọng của mặc khải Ki-tô giáo. Sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng con người được dựng nên trong ‘cảnh bình an’. Thế nhưng, khi con người muốn tự quyết định vận mệnh của mình ngược với thánh ý Thiên Chúa, con người trở nên bất an và các mối tương quan của con người cũng không còn diễn ra trong trật tự và hòa hợp nữa (St 3,1-24). Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và đã thiết lập giao ước bình an vĩnh cửu với con người.

Khoảng 700 năm trước Giáng Sinh, tiên tri I-sai-a đã loan báo về Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An đến để thiết lập bình an giữa con người với Thiên Chúa và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo (Is 9,5). Nhờ Hoàng Tử Bình An, nhân loại sẽ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). Giữa cảnh tha hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời” (Ed 37,26).

Biến Cố Đức Giê-su hiện diện trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2000 năm là Biến Cố Bình An. Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, các thiên thần ca hát rằng “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Trong hành trình dương thế của mình, Đức Giê-su trao ban bình an cho tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó, bị bỏ rơi trong xã hội. Đức Giê-su chữa bệnh, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi, thiết lập nhóm Mười Hai và công bố những tiêu chuẩn luân lý mới nhằm minh chứng rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Hoàng Tử Bình An.

Trong tâm tình thầy trò trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Lời đầu tiên của Đức Giê-su sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ là: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36). Sứ mệnh của Đức Giê-su là sứ mệnh bình an, không chỉ là bình an tạm thời, mà còn quan trọng hơn, bình an vĩnh cửu, bình an mà thế gian không thể ban tặng. Đây là bình an đích thực mà Đức Giê-su, Đấng đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh, đem lại cho nhân loại. Bình an này đồng nghĩa với ơn cứu độ.

Trong Cựu Ước, với ‘cơn hồng thủy’, tác giả Sách Sáng Thế trình thuật rằng khi Nô-ê thả con chim bồ câu khỏi thuyền, con chim bay đi và khi trở về, miệng ngậm cành Ô-liu báo ‘tin bình an’ cho ông và toàn thể gia đình ông rằng nước đang rút dần và sự sống đã xuất hiện (St 6,5-9,17). Trong Tân Ước, với ‘cơn hồng phúc’, Đức Giê-su không chỉ mang một cành lá, Người mang cả cây thập giá, là ‘cây bình an’ báo tin cho gia đình nhân loại biết rằng hồng thủy tội lỗi đã đến hồi kết và hồng phúc bình an vĩnh cửu đã khai mở cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Nhờ cây thập giá, Đức Giê-su đã nối trời với đất, Môi Trường Thiên Chúa với môi trường nhân loại, môi trường sự sống với môi trường sự chết. Cũng nhờ cây thập giá, Đức Giê-su đã nối kết mọi người lại với nhau “không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do…” (Gl 3,28), vì Ngài đã xóa bỏ ranh giới hận thù và nối kết bằng ‘cây bình an’.

Thật vậy, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng bình an không phải là một đặc tính giữa những đặc tính của Người. Bởi vì, chính Đức Giê-su là Bình An. Viết thư cho các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô khẳng định: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập bình an, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,13-16).

Về căn bản, bình an của Đức Giê-su là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, cho dù là sự chết. Sở dĩ Đức Giê-su có thể ‘cam lòng chịu chết’ để cứu độ nhân loại vì Người có bình an đó hay đúng hơn, chính Người là Bình An. Noi gương Đức Giê-su, biết bao chứng nhân trong lịch sử Giáo Hội kết hiệp mật thiết với Người và cảm nghiệm được bình an của Người, nhờ đó, họ đã thắng vượt những giới hạn, nghịch cảnh của bản thân và trung thành với Thiên Chúa đến hơi thở cuối cùng.   

Trước khi bước vào vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã an ủi các môn đệ của Người rằng “anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Câu hỏi đặt ra: ‘Tại sao tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất an?’. Thưa, bởi vì, Đức Giê-su chính là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Ai thiết lập tương quan mật thiết, tương quan liên vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm, ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Tác giả thánh vịnh 62 đã diễn tả niềm tin tưởng của mình rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,6). Còn thánh Augustine, trong bộ Tự Thuật (Confessions), đã thân thưa cùng Thiên Chúa: “Ngài tạo dựng chúng con cho Ngài và tâm hồn chúng con xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” (Confessions I, 1, 1). Như vậy, con người không thể tìm được bình an đích thực ở ai đó hay nơi nào đó ngoài Thiên Chúa giữa thế giới đầy bất an này. Bình an của Thiên Chúa thẳm sâu và kỳ diệu hơn tất cả các hình thức bình an mà con người có thể cảm nghiệm được trong thế giới thụ tạo này.

Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng ai đi theo Đường của Thiên Chúa, Đường của Đức Giê-su, người đó đi theo đường bình an. Trong Bài Ca Chúc Tụng (Benedictus), được đầy Thánh Thần, Da-ca-ri-a (bố của thánh Gio-an Tẩy Giả) đã thốt lên rằng “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Ai thấy Đức Giê-su, người đó thấy bình an. Chẳng hạn, ông Si-mê-ôn, một người sùng đạo đã mong mỏi nhìn thấy Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, và khi nhìn thấy Người, ông đã ẵm Người trên tay và cất lời chúc tụng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được ra đi bình an” (Lc 2,29).

Thánh Phao-lô quả quyết: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,7). Tất cả mọi người được mời gọi kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, với Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, trong mọi hoàn cảnh, để có bình an của Người, và nhờ đó, đóng góp phần mình cho bình an của gia đình nhân loại. Mẹ Têrêsa Calcutta đã diễn tả rất đúng rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là đức tin, hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.” Trong nhãn quan của mẹ Têrêsa Calcutta, bình an vừa là đích đến, vừa là khởi đầu cho hành trình mới của người Ki-tô hữu, cũng như tất cả mọi người.

Bình an vừa là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, vừa là tác vụ của con người cho anh chị em đồng loại. Người lãnh nhận bình an từ Thiên Chúa, cũng là người chia sẻ bình an cho người khác. Trong Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình [bình an], vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Những người cộng tác với Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, cũng được Người ủy thác để trao ban bình an. Chằng hạn, khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nhắn nhủ họ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).

Hôm nay, Đức Giê-su đang mời gọi mỗi người chúng ta, hãy là khí cụ bình an của Người giữa dòng đời. Viết thư cho các tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô nhắc nhở họ về Đức Giê-su rằng “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Đồng thời, thánh nhân cũng khuyến khích họ: “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an” (Ep 6,14-15).

Bình an của Thiên Chúa chỉ đến với những ai khát khao chờ đợi và luôn mở lòng thành của mình để đón nhận, vun đắp và làm cho bình an triển nở. Không chỉ mỗi cá nhân, các hình thức cộng đoàn đều được mời gọi là sứ giả của Tin Mừng Bình An trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Bao lâu nhân loại còn bất an, bấy lâu Tin Mừng Bình An của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, cần được loan báo, đón nhận, sống và diễn tả. Bao lâu ngôn ngữ bình an chưa trở thành ngôn ngữ chung của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, bấy lâu nhân loại vẫn còn chia rẽ, chiến tranh, hận thù và muôn hình thức bất an chế ngự.

Để bình an, trở thành ngôn ngữ chung của tất cả mọi người, điều cần thiết là mỗi người, trước hết, phải ý thức tầm quan trọng của bình an trong đời sống con người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Đồng thời, mỗi người cần nhận thức rằng không phải mình hay ai đó, hay thể chế nào đó là tiêu chuẩn bình an, bởi vì, tất cả đều nhuốm màu tội lỗi. Tiêu chuẩn bình an là Thiên Chúa, Nguồn Mạch Bình An, và Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An.

Mặc khải Kinh Thánh và giáo huấn Giáo Hội minh định rằng hòa bình hay bình an đích thực trong gia đình nhân loại không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cân bằng lực lượng giữa các phe phái, hay sự thỏa hiệp giữa các quốc gia (GS 78). Bình an đích thực trong xã hội loài người luôn là công trình dang dở, cần phải được xây dựng và kiến tạo. Bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu gia đình nhân loại còn phải nỗ lực xây dựng bình an dựa trên nội dung mặc khải của Thiên Chúa mà đỉnh cao là Biến Cố Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình lịch sử, Đức Giê-su không để lại bất cứ gia sản vật chất nào cho con người, bởi vì, Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8,20). Tuy nhiên, ‘gia sản bình an’ mà Đức Giê-su để lại thì cao quý hơn tất cả những gì trong thế giới thụ tạo. Hơn nữa, bình an cũng là đặc tính căn bản của Nước Thiên Chúa như thánh Phao-lô quả quyết: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Tất cả mọi người được mời gọi đón nhận bình an của Đức Giê-su và trao ban bình an của Đức Giê-su cho anh chị em đồng loại; đồng thời, cùng nhau làm cho bình an của Đức Giê-su thẩm thấu mọi chiều kích của cuộc sống hằng ngày trong hành trình tiến về Nước Thiên Chúa, Nước Bình An Vĩnh Cửu.

Nguồn: Ủy ban Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HĐGMVN

Các chủ đề học hỏi và suy niệm năm 2020:

Ngày 1-11-1950, đúng vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc”. Kể từ lời tuyên bố trong thánh lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác, trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo hội.

Chỉ trong một lời tuyên tín ngắn gọn và quan trọng để tuyên bố một tín điều, Đức Thánh Cha Piô XII đã liệt kê cùng lúc đầy đủ bốn đặc ân vô cùng cao cả, ngoài Đức Maria không ai có được. Đó cũng là bốn chân lý tuyệt đối của lòng tin thuộc về đời sống và nhân đức của Đức Maria mà mỗi người Kitô hữu phải tin:

1.  Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa.
2.  Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ không hề mắc tội tổ tông truyền từ ngay khi thành thai trong lòng mẹ.
3.  Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời, dù mang thai và sinh con, Mẹ vẫn trinh khiết vẹn toàn.
4.  Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Mẹ được Chúa triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo từ số 963- 975, kể ra 5 lý chứng rất mạnh mẽ và xác thực minh chứng việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời:

1. Vì Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô: Thánh Kinh diễn tả rõ ràng Đức Maria hiệp thông chặt chẽ với Chúa Giêsu trong nhiệm cuộc cứu chuộc, và luôn chia sẻ số phận với Con. Vậy xét theo thiên chức làm Mẹ, đương nhiên đòi hỏi phải có việc Mẹ và Con hòa hợp sum vầy với nhau, vì cả hai đã yêu mến nhau tha thiết, cho nên chắc chắn Chúa Kitô vì lòng hiếu thảo, đã ban cho Mẹ mình được hồn xác về Trời sau khi ly trần, là điều hợp tình hợp lý.

2. Vì Đức Maria Trọn Đời Trinh Khiết: Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria chịu thai, sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì sau khi Mẹ qua đời, Ngài đã gìn giữ thân xác Đức Mẹ khỏi hư nát, và sau khi đem Mẹ về Trời, Ngài đã làm cho xác Mẹ nên vinh hiển. Vì thế, thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.

3. Vì Đức Mẹ luôn hợp tác với Chúa Kitô: Ngay từ thế kỷ II, các Giáo Phụ đã trình bày Đức Mẹ như là một Evà Mới hợp tác chặt chẽ với Adam Mới là Chúa Kitô để chiến thắng Satan. Vì thế, cũng như Chúa Kitô sống lại vinh hiển là việc thiết yếu và là dấu chiến thắng cuối cùng, thì Đức Mẹ đã cùng Con chiến đấu cũng phải được cùng Con chiến thắng, nghĩa là Thân Xác Đồng Trinh của Đức Mẹ cũng phải được Lên Trời Vinh Hiển.

4. Vì Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc: Các thánh tiến sĩ đã coi việc Đức Mẹ Hồn Xác về Trời như là bổ túc cho việc Đức Mẹ được Đầy Ơn Phúc. Như lời cha Ađômêô quả quyết: Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.

5. Vì Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Theo lời xác quyết của Đức Thánh Cha Piô XII: “Thân xác con người bị chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên Tổ. Đức Maria không hề mắc tội Nguyên Tổ, cũng không hề có tội riêng, cho nên đương nhiên và rất hợp lý là Đức Maria được Hồn Xác Về Trời”.

Mẹ đầy ơn phúc, được Thiên Chúa yêu thương gìn giữ từ thuở đời đời bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ được Thiên Chúa giữ gìn cho đến muôn đời bằng đặc ân Mông Triệu tuyệt diệu hơn mọi người trần.

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Ngày lễ hôm nay với sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây, Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Mẹ được Lên Trời Hồn Xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ, đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế, Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave.

Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: Mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Ngày lễ hôm nay, Giáo hội mừng kính một tạo vật đầu tiên, Mẹ Maria đã được khải hoàn và bước vào quê hương thiên quốc. Thánh Kinh ca tụng Mẹ: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6,10); “Có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1)…

Nguồn: Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
TGP Sài Gòn

Xét vì đây là một tâm tình bộc phát của các tín hữu, chứ không phải do quyết định của Giáo quyền, nên không có một nhật kỳ nhất định. Vào thế kỷ XIII, vua Alfonso X nước Tây Ban Nha đã sáng tác một bài thơ, trong đó có đoạn hô hào dành tháng Năm để ca ngợi Đức Maria. Thế thì hiểu là tục lệ ấy chắc là đã có từ trước.

Bên Đức, vào thế kỷ thứ XIV, chân phước Henrico Suso, Dòng Đaminh, đã bắt đầu trồng hoa trong nhà dòng vào tháng Tư, để có thể lấy hoa kết triều thiên đội lên tượng Đức Mẹ vào đầu tháng Năm. Nên biết là, Henrico là một nhà giảng thuyết bình dân thời đó, nên chắc rằng ngài đã tuyên truyền để cho bổn đạo cũng bắt chước mình.

Hai thế kỷ sau, một cha Dòng Benedicto, Wolfango Seidl, đã viết tập sách nhỏ tựa đề “Tháng 5 thiêng liêng”, trong đó đề nghị những phương thức cầu nguyện hay những lễ nghi để thay thế những thói quen phàm tục.

Sang thế kỷ XVII, người ta đã thấy nhiều nơi tổ chức những buổi rước hoa vào ngày đầu tháng Năm và trong các Chúa Nhật trong tháng đó; đồng thời, với việc đọc kinh cầu Đức Mẹ và những bài ca khác. Ngoài việc dâng hoa thiên nhiên, các tín hữu cũng được khuyến khích dâng những hoa thiêng liêng là các việc lành nhân đức cho Đức Mẹ. Nhằm thể hiện những mục tiêu ấy, nhiều tác giả (đặc biệt là các cha Dòng Tên) đã soạn ra những sách trình bày đời sống của Đức Maria, với những tư tưởng rút từ Kinh Thánh, các Giáo phụ, các nhà tu đức, ngõ hầu các tín hữu có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh thần của Mẹ mà bắt chước. Những sáng kiến tự phát của các cá nhân từ các gia đình, trường học, tu viện, dần dàn được quảng bá rộng, đi vào các họ đạo.

Sang thế kỷ XIX, Đức Giáo Hoàng Pio VII, để ghi nhớ việc mình được trả về Rôma vào tháng Năm năm 1814, sau thời gian bị Napoleon giam lỏng tại Paris, đã khuyến khích việc cử hành tháng Năm dâng kính Đức Maria. Các vị kế nhiệm cũng khuyến khích tục lệ ấy; đặc biệt vào thời đại gần đây, vào năm 1954, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã thiết lập lễ kính “Đức Maria Nữ Vương Trời Đất” vào ngày kết thúc tháng Năm. Lịch phụng vụ canh tân sau Công Đồng Vatican II đã dời lễ này sang ngày 22 tháng Tám, bát nhật lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, và thay vào đó bằng lễ “Đức Mẹ Thăm Viếng”.

Tháng Năm được gọi là tháng Đức Mẹ. Tại sao vậy?

Thực ra trong một năm, có tới mấy tháng dâng kính Đức Mẹ lận. Ngoài tháng Năm (tục gọi là tháng hoa) và tháng Mười (tháng Mân côi), tại vài nơi, người ta còn dâng tháng Tám kính Trái tim Mẹ, và tháng Chín để kính bảy sự đau đớn Đức Mẹ. Xét theo khía cạnh lịch sử phụng vụ, chúng ta phải đi từng cấp một: trước tiên là thói tục dành ra 30 ngày để kính Đức Mẹ; và kế đó là tục gắn vào giai đoạn nào trong năm dương lịch.

Tục lệ dành ra một tháng để kính Đức Mẹ xem ra phát xuất từ thế kỷ thứ VI nơi vài tu sĩ bên Ai cập. Thường thường, để dọn mình mừng lễ nào đó, các tín hữu quen dành ra một vài ba ngày trước để chuẩn bị tâm hồn, như chúng ta thấy các lễ vọng, các tuần tam nhật cửu nhật, và cách riêng hai mùa Chay và mùa Vọng để chuẩn bị lễ Phục Sinh và Giáng Sinh. Thế nhưng các tu sĩ bên Ai Cập, vào mùa Giáng Sinh, thì không những họ tổ chức những lễ nghi mừng biến cố Chúa ra đời, nhưng liền với mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế, họ còn gắn thêm những biến cố của Đức Maria nữa. Vì vậy, suốt từ ngày 10 tháng Mười Hai cho tới 8 tháng Giêng, mỗi ngày họ suy niệm Kinh Thánh, chú giải và rút ra một bài học cho đời sống hàng ngày.

Sang thời Trung cổ, vào thế kỷ XI, thì các Giáo Hội Đông phương dâng tháng Tám kính Đức Mẹ. Trọng tâm là lễ Mẹ lên trời ngày 15; và họ dâng 15 ngày trước để chuẩn bị và 15 ngày kế để tiếp nối. Dù sao thì ta thấy hai tục lệ vừa nói gắn liền với lịch phụng vụ.

Còn bên các Giáo Hội Tây phương thì khác, tục lệ dành tháng Năm để kính Đức Mẹ không gắn với một lễ phụng vụ, nhưng dựa trên một thói tục dân gian mà Giáo Hội muốn cải biến. Tại nhiều nơi bên Âu châu, tháng Năm trùng với mùa xuân; mà thói tục nhiều nơi đã tổ chức những lễ hội, tỉ như tại Rôma, người ta mở ra hội hoa, với những trò chơi, triển lãm dâng kính thần Hoa. Vào dịp ấy, cũng có những cuộc thi đua sắc đẹp giữa các thiếu nữ, những dịp để các cô các cậu làm tình nữa. Tưởng cũng nên biết là không phải riêng gì tại Rôma, mà tại nhiều nơi khác bên Âu châu cũng có những cảnh tương tự khi tháng Năm đến. Thực ra khung cảnh thiên nhiên dễ đưa tới những tâm tình ấy; tháng Năm là tháng ấm của mùa xuân, thiên nhiên đầy những hoa nở với hương thơm ngào ngạt, làm cho con người cảm thấy sảng khoái, vui tươi. Nhằm thánh hóa những phong tục dân gian, các tín hữu muốn hướng những tâm tình tự nhiên lên đức Trinh nữ Maria, người trinh nữ kiều diễm, không vì nhan sắc tự nhiên cho bằng vì vẻ đẹp linh hồn, không hề vướng mắc tì ố của tội lỗi.

Thế còn tháng Mười có liên hệ gì với việc tôn kính Đức Maria?

Tháng Mười quen gọi là tháng Mân Côi, không phải bởi vì hoa mân côi nở vào tháng Mười cho bằng, vì đã có lễ kính Đức Mẹ với tước hiệu “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi”. Tuy việc lần chuỗi Mân Côi đã có từ thời Trung cổ, nhưng lễ phụng vụ kính Đức Mẹ Mân Côi chỉ mới được Đức Giáo Hoàng Pio V thành lập vào năm 1573, để tạ ơn Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công Giáo ở Lepanto vào ngày 7 tháng Mười năm 1571. Lúc đầu, ngày lễ đó được cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng Mười; nhưng từ năm 1913, lễ này đã được ấn định vào ngày 7 tháng Mười như hiện nay.

Họa theo tục lệ đã có vào tháng Năm, một số tu sĩ cũng muốn dâng tháng Mười, tháng của mùa gặt bên Âu châu, cho Đức Maria. Vào năm 1581, một tu sĩ Dòng Phanxicô, người Đức, tên là Fridolino Nurnberg đã viết cuốn sách mang tựa đề: ”Mùa thu thiêng liêng”, với đường hướng giống như ”tháng Năm thiêng liêng”. Phần Đòng Đaminh, thì quảng bá việc chuẩn bị lễ Mân Côi với 15 ngày trước đó, và kéo dài ra suốt tháng Mười. Dĩ nhiên, thay vì dâng hoa như hồi tháng Năm, việc đạo đức chính của tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ là lần chuỗi Mân Côi. Tại các nhà thờ của Dòng Đaminh, các cha cũng dùng dịp này để tổ chức những buổi giảng thuyết, không những về Đức Maria mà còn về toàn bộ đức tin Kitô giáo, được tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Đức Kitô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa trong những thế kỷ XIX và XX, với những lời hô hào của các Đức Giáo Hoàng, kể từ Đức Leô XIII, và với hai lần Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes và Fatima.

Thế còn hai tháng Tám và tháng Chín?

Tục lệ này chưa được phổ thông lắm. Nguồn gốc cũng tương tự như tháng Mân Côi, nghĩa là bắt đầu từ một lễ phụng vụ kính Đức Mẹ rồi kéo dài ra cả tháng. Nói khác đi, dựa vào lễ kính Mẫu Tâm Đức Maria, trước đây kính ngày 15 tháng Tám, và lễ kính 7 sự thương khó Đức Bà, kính ngày 15 tháng Chín. Xét về lịch sử, phải nói rằng, lễ kính bảy sự thương khó Đức Mẹ có trước, do các cha Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cổ động: lúc đầu chỉ là một lễ trong Dòng và mãi tới thế kỷ XIX (năm 1814) mới được phổ biến ra toàn thể Hội Thánh. Các cha cũng là những người cổ động việc suy gẫm bảy sự thương khó Đức Bà; đó là:

  1. Lời tiên tri Simeon như lưỡi gươm đâm thâu qua tâm hồn;
  2. Việc chạy trốn qua Ai Cập;
  3. Việc lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ;
  4. Gặp Chúa Giêsu trên đường khổ giá;
  5. Việc chứng kiến Chúa đóng đinh vào thập giá và bị lưỡi đòng đâm thâu;
  6. Việc hạ xác Chúa;
  7. Việc mai táng Chúa trong mộ.

Việc suy gẫm mỗi chặng kèm theo việc đọc 7 kinh Kính Mừng.

Còn lễ kính “Trái Tim Đức Mẹ” thì chỉ mới được thành lập vào năm 1944, sau khi Đức Giáo Hoàng Pio XII dâng thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ. Tuy nhiên, việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ đã có từ thế kỷ XVII, do những tác phẩm của thánh Gioan Eudes. Lúc đầu, lễ kính Mẫu Tâm được đặt vào ngày 22 tháng Tám, tức là bát nhật của lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Nhưng lịch phụng vụ cải tổ sau Công Đồng Vatican II đã đặt lễ này vào ngày thứ bảy liền sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xét về nguồn gốc, thì việc dành tháng Tám cho Mẫu Tâm còn quá mới mẻ. Thêm vào đó, do việc xê dịch lễ phụng vụ qua tháng khác, chắc là lể này khó tồn tại.

Vậy một năm có 12 tháng, mà hết 4 tháng kính Đức Mẹ rồi; như vậy có lẽ hơi nhiều đấy chứ?

Nhiều ít còn tùy những yếu tố khác nữa. Có lẽ cần thêm rằng, không những lòng đạo đức bình dân đã dành đôi ba tháng trong năm để kính Đức Mẹ, mà hằng tuần, họ còn dành ra một ngày cho Đức Maria nữa, tức là ngày thứ bảy. Tục lệ này đã trở nên phổ biến từ thế kỷ thứ XI. Thêm vào đó, là những ngày lễ rải rác suốt năm phụng vụ. Thoạt tiên xem ra hơi nhiều, choán chỗ dành cho Chúa hay cho các vị thánh khác. Sự thực không hải như vậy.

Từ Công Đồng Vatican II, lòng sùng kính Đức Maria đã chuyển hướng nhiều. Đức Maria không phải chỉ là đối tượng (đích điểm) của lòng đạo đức sùng kính của chúng ta, nhưng Đức Maria còn trở nên mẫu gương của lòng đạo đức nữa. Nói khác đi, không những chúng ta dâng lời cầu nguyện, chúc tụng lên Đức Maria, nhưng chính Đức Maria là mẫu gương dạy chúng ta biết cách cầu nguyện ca khen Thiên Chúa nữa; thậm chí Đức Maria cùng với chúng ta chung lời cầu nguyện chúc tụng Chúa. Ta có thể lấy một ví dụ: trong kinh chiều mỗi ngày, khi xướng lên bài ca “Magnificat” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa), Giáo Hội không những là mượn lấy lời của Đức Maria để chúc tụng Thiên Chúa, mà ra như còn muốn mời Đức Maria tới để hợp với tất cả cộng đoàn tín hữu ca ngợi Chúa. Hiểu như vậy, việc tôn kính Đức Maria không còn choán chỗ của Chúa.

Chúng ta có thể nói rằng, những tâm tình cầu nguyện dành cho Đức Maria sau cùng là sẽ hướng về Đức Kitô, bởi vì Đức Maria muốn cho chúng ta tiến gần tới Đức Kitô hơn. Đối lại, trong tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô, chúng ta đều thấy Đức Maria ở bên cạnh. Đây là một chương trình huấn giáo mục vụ mà Giáo Hội muốn nhằm tới từ Công Đồng Vatican II: làm sao cho Đức Maria trở thành khuôn mẫu của đời sống đạo đức của người tín hữu, theo nghĩa là làm sao chúng ta học biết nơi Đức Mẹ cách thờ phượng Thiên Chúa cách đúng đắn, cách riêng qua việc thông dự vào chương trình cứu chuộc của Chúa Kitô: sẵn sàng tuân theo ý định của Thiên Chúa, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, khẩn nài van xin cho nhân loại được hưởng ơn cứu độ,.v.v…

 Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
catechesis.net

Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa

– Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

– Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.

– Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.

Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.

Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi,” chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.

Nguồn: FatimaCompany

Những chi tiết nhỏ làm cho nhà thờ trở nên khác biệt và hiệp nhất, người công giáo cần nhớ những điểm sau đây:

  • ĐỪNG ĐI TRỄ. Hãy nhớ Thiên Chúa luôn chờ đợi bạn để đong đầy tình yêu của Người trong bạn, để nói với bạn, và để tha thứ cho bạn.
  • ĐỪNG ĂN MẶC KHÔNG PHÙ HỢP. Hãy ý tứ, vì danh dự của chính mình, và vì tôn trọng cả người khác.
  • ĐỪNG VÀO NHÀ THỜ MÀ KHÔNG CHÀO CHÚA. Khi đến nhà thờ, hãy làm dấu Thánh Giá. Thiên Chúa đang thực sự ở đó, Người vui mừng khi gặp bạn. Hãy cảm ơn Người đã mời bạn đến.
  • ĐỪNG CẢM THẤY UỂ OẢI KHI PHẢI CÚI MÌNH HAY BÁI QUỲ. Khi đi ngang trước bàn thờ, hãy cúi chào, vì bàn thờ là hình ảnh của Đức Kitô. Khi đi ngang nhà tạm, hãy bái quỳ, vì Đức Kitô đang ở trong đó.
  • ĐỪNG NHAI KẸO CAO SU, ĂN HAY UỐNG BẤT CỨ GÌ KHI ĐANG TRONG THÁNH LỄ. Chỉ nước lã là chấp nhận được nếu sức khoẻ đòi hỏi.
  • ĐỪNG VƯƠN VAI HAY NGỒI NHOÀI TRÊN GHẾ TỰA. Tư thế của bạn thể hiện rõ thái độ của bạn trước Chúa.
  • KHÔNG CẦN BỔ SUNG BẤT CỨ “CÂU PHỤ THÊM” NÀO VÀO CÁC BÀI ĐỌC VÀ THÁNH VỊNH. Nghĩa là, đừng đọc các dòng chữ đỏ, đừng đọc “Bài đọc 1” hay “Thánh vịnh đáp ca.”
  • ĐỪNG LÀM DẤU THÁNH GIÁ “NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN” TRƯỚC KHI NGHE TIN MỪNG. Chỉ làm ba dấu Thánh giá nhỏ trên trán, trên miệng và trên ngực, để cầu xin Lời Chúa ở lại trong tư tưởng, trong lời nói và trong con tim mình.
  • TUYỆT ĐỐI ĐỪNG BAO GIỜ NGỒI KHI LINH MỤC ĐANG TRUYỀN PHÉP. Nếu bạn không quỳ nổi, hãy đứng lên. Cử chỉ và thái độ của bạn khi truyền phép phải thể hiện sự cung kính và tôn thờ của bạn trước Chúa Giêsu đang hiện diện rất thật trong Thánh Thể trên bàn thờ.
  • HÃY CẦU NGUYỆN THẦM TRƯỚC CHÚA THÁNH THỂ KHI LINH MỤC TRUYỀN PHÉP. Nhiều người đọc thành tiếng lời nguyện “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma Tông Đồ. Nhưng ta nên ý tứ đọc thật nhỏ để khỏi làm phiền người khác.
  • ĐỪNG ĐỌC THÀNH TIẾNG “CHÍNH NHỜ NGƯỜI VỚI NGƯỜI VÀ TRONG NGƯỜI” (Kinh nguyện Thánh Thể). Đó là lời kinh chỉ một mình linh mục dâng lễ đọc mà thôi.
  • ĐỪNG RỜI KHỎI CHỖ VÀ ĐI XUNG QUANH ĐỂ CHÚC BÌNH AN. Hãy chỉ chúc bình an những ai đứng trong cùng bàn với bạn và những người ở trước mặt hay sau lưng thôi.
  • ĐỪNG RƯỚC LỄ. Nếu bạn thật sự chưa nhịn ăn đủ 1 giờ hoặc không sống trong tình trạng ân sủng, đừng rước lễ.
  • ĐỪNG NHẤT ĐỊNH ĐÒI RƯỚC LỄ TỪ TAY LINH MỤC MỚI CHỊU. Chúa Giêsu hiện diện thật sự và đầy đủ trong mọi Bánh Thánh, không phụ thuộc chuyện người cho rước lễ là linh mục hay một thừa tác viên phụ thêm nào khác được uỷ nhiệm.
  • SAU KHI RƯỚC LỄ, ĐỪNG NÓI CHUYỆN VỚI AI HẾT. Hãy về chỗ hay đi ra riêng và nói chuyện với một mình Chúa mà thôi. Nếu bạn không lên rước lễ, hãy rước lễ cách thiêng liêng và hãy thưa chuyện với Chúa y như đã rước lễ vậy.
  • HÃY TẮT ĐIỆN THOẠI. Đừng nhắn tin hay nói chuyện với ai trên điện thoại trong suốt Thánh lễ, điều đó làm phiền chính bạn lẫn người xung quanh. Hãy chú tâm vào một mình Chúa, Đấng vẫn đang rất chú tâm vào bạn.
  • HÃY GIỮ CON CÁI Ở BÊN BẠN, ĐỪNG ĐỂ CHẠY LUNG TUNG. Hãy dạy chúng tận hưởng thời gian ở trong nhà Cha.
  • ĐỪNG RỜI NHÀ THỜ TRƯỚC KHI HẾT LỄ. Đừng bỏ rơi phép lành cuối lễ, linh mục ban cho bạn nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để bạn đi làm chứng nhân cho Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới. Hãy ra khỏi nhà thờ với ý tưởng mới, được Chúa gợi hứng, để xây dựng triều đại tình thương của Người.

Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn lược dịch

Tro dùng trong phụng vụ có từ thời Cựu Ước. Tro biểu tượng cho sự u buồn, cái chết và sự thống hối. Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố từ chối thống hối dù đã chứng kiến những phép lạ và nghe Tin Mừng, Ngài nói: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối”  (Mt 11, 21).Chẳng hạn, trong sách Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus (hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et 4, 1). Ông Gióp (câu chuyện được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và 5 trước Công nguyên) cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khi tiên báo thành Giêrusalem bị quân Babylon chiếm đóng, Đaniel (khoảng năm 550 BC) viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, sau khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả thành Ninivê ăn chay và mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro (Gn 3, 5-6). Những bằng chứng trong Cựu Ước này cho thấy từ lâu đã có sử dụng tro cũng như ý nghĩa biểu tượng của nó được nhìn nhận.

Giáo hội sơ thời tiếp tục sử dụng tro vì các ý nghĩa biểu tượng của nó. Trong cuốn De Poenitentia (về sự thống hối), Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người thống hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”. Eusebius (260-340), sử gia danh tiếng của Giáo hộ sơ thời, đã thuật lại trong cuốn Lịch sử Giáo Hội về một người bội giáo tên là Natalis đã mặc áo vải thô và xức tro, quỳ gối trước Đức giáo hoàng Zephyrinus để xin tha thứ. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ thời này, tro được rắc lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai.

Vào thời Trung cổ (khoảng thế kỷ thứ 8) những người hấp hối được đặt nằm dưới đất trên tấm vải rắc đầy tro. Linh mục rảy nước thánh trên người hấp hối và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Sau đó, linh mục hỏi: “Anh (chị) có bằng lòng với vải thô và tro bụi để minh chứng lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người hấp hối trả lời: “Con xin bằng lòng”. Đây là những bằng chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.

Cuối cùng, người ta dùng tro để đánh dấu Mùa Chay bắt đầu, một thời gian chuẩn bị 40 ngày (không kể ngày Chúa Nhật) hướng đến lễ Phục Sinh. Nghi thức “Ngày lễ tro” được tìm thấy trong cuốn Nghi thức bí tích Grêgory (thế kỷ thứ 8). Khoảng năm 1000, một linh mục Anglo-Saxon tên là Aelfric rao giảng rằng: “Trong lề luật mới lẫn cũ đều nói rằng người sám hối tội lỗi phải xức tro và mặc vải thô. Vậy thì bây giờ chúng ta phải rắc tro trên đầu để tỏ lòng thống hối vì tội lỗi chúng ta trong suốt mùa Chay tịnh này”. Để củng cố quan điểm của mình, Aelfric kể lại câu chuyện về một người đàn ông không tham dự và xức tro trong ngày thứ Tư lễ tro, liền bị chết ít ngày sau đó trong cuộc săn lợn. Ít ra là từ thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng tro để đánh dấu sự bắt đầu của Mùa Chay thống hối, nhắc lại cái chết và sự u buồn vì tội lỗi chúng ta.

Trong phụng vụ thứ Tư lễ tro hiện hành, chúng ta dùng tro đốt từ các nhành cây được phát vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm trước. Vị linh mục làm phép tro và xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” hay “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Bắt đầu mùa Chay thánh chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, chúng ta phải nhớ ý nghĩa của tro mình lãnh nhận: thống hối vì tội lỗi mình. Chúng ta hướng tâm hồn về với Chúa là Đấng chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để ta được cứu rỗi. Chúng ta làm mới lại lời hứa khi chịu phép rửa tội, bỏ lối sống cũ và sống đời sống mới trong Đức Kitô. Cuối cùng, hãy nhớ rằng thế gian này sẽ qua đi, chúng ta cố gắng sống Nước Trời ngay từ bây giờ và hướng đến ngày hoàn tất trên Thiên Đàng. Điều chính yếu là chúng ta chết cho chính mình và sống cuộc sống mới trong Đức Kitô.

Khi nhớ lại ý nghĩa của tro bụi và cố gắng sống ý nghĩa ấy trong suốt thời gian mùa Chay này, chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần lay động để tỏ lòng bác ái đối với tha nhân. Sứ điệp mùa Chay năm 2003, Đức Thánh Cha đã nói: “Tôi hy vọng các tín hữu sẽ tìm thấy mùa Chay này là thời gian thuận tiện để làm chứng cho Tin Mừng đức ái khắp mọi nơi, vì ơn gọi đức ái là trái tim của Phúc âm hóa”. Ngài cũng lấy làm tiếc về “thời đại này đang bị tính vị kỷ cám dỗ, nó ẩn nấp trong trái tim con người … Ước muốn thái quá về của cải đã ngăn cản con người mở lòng ra với Đấng Tạo Hóa và với anh chị em mình”.

Trong mùa Chay, các hành vi của tình yêu trao ban cho những ai đang thiếu thốn sẽ phải là một phần trong sự thống hối, hoán cải và đổi mới của chúng ta, bởi vì những hành vi đó cấu thành tình liên đới và sự công bằng để xây dựng Nước Trời trong thế gian này.

Lm. William Saunders
Tạp chí Arlington Catholic Herald
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Hằng năm, ĐTC vẫn chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma vào ngày 25-1, lễ Thánh Phaolô trở lại. Nhưng năm nay, ngài bận viếng thăm tại Panama từ ngày 23 đến 27-1 tới đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34, nên ngài chủ sự kinh chiều khai mạc.

 Nhóm soạn thảo

Chủ đề và tài liệu giúp cử hành Tuần Cầu nguyện hiệp nhất Kitô năm 2019 do một đoàn các tín hữu Kitô ở Indonesia đảm trách. Quốc gia này có 265 triệu dân cư, trong đó 86% là tín hữu Hồi giáo và 10% là tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, trong đó có 2,9% dân số toàn quốc là tín hữu Công Giáo thuộc 27 giáo phận, họp thành 10 giáo tỉnh.

 Ý nghĩa chủ đề năm nay

Lời Chúa trong sách Đệ nhị luật, được chọn làm chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, phản ánh tình trạng và nhu cầu của cộng đoàn Kitô tại Indonesia. Trước khi vào Đất Hứa, dân Chúa đã tái cam kết trung thành với Giao Ước Chúa đã thiết lập với họ.

Đoạn Kinh Thánh (Đnl 16,18–20) ở trong một chương chủ yếu nói về những lễ cần cử hành. Sau mỗi dịp lễ, Dân Chúa được dặn dò: ”Các ngươi, và con trai con gái các ngươi, cũng như các đầy tớ, các thầy Lêvi, khách ngụ cư, kẻ mồ côi, người góa bụa sẽ được ở trong các thành thị của các ngươi” (Đnl 16,14). Phần cuối của chương 16 này có một điều có vẻ lạ, đó là hai câu về việc bổ nhiệm các Quan án, nhưng trong bối cảnh của Indonesia, liên hệ giữa những buổi lễ của tất cả mọi người và công lý là điều rất quan trọng. Trong tư cách là Dân của Giao Ước được thiết lập trong Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng những món ăn tuyệt hảo của bữa tiệc thiên quốc sẽ được dành cho những người đói khát công lý và những người bị bách hại vì Thiên Chúa đã ”dọn trên trời một phần thưởng lớn cho họ” (Mt 5,12).

(Nguồn Vatican News)

 Áp dụng cho các Kitô hữu nói chung

Giáo Hội của Chúa Kitô được mời gọi trở thành hoa quả đầu mùa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta hối hận vì những bất công gây ra chia sẽ và trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng tin nơi quyền năng của Chúa Kitô, Đấng tha thứ và chữa lành. Và như thế, chúng ta được hiệp nhất với nhau dưới thập giá của Chúa Kitô, đồng thời cầu khẩn ơn thánh của Chúa để chiến đấu chống lại bất công, và cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với những tội lỗi đã gây ra sự chia rẽ nơi chúng ta” (Tóm phần Dẫn Vào các tài liệu giúp cử hành Tuần cầu nguyện hiệp nhất 2019)