10/10 – Thứ Tư tuần 27 thường niên.
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Lời Chúa: Lc 11, 1-4

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.

Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

  • Suy Niệm: Kinh Lạy Cha

Cầu nguyện là một việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: Ngài vào sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ công khai; Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các Tông đồ; trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.

Ðược nhiều lần chứng kiến Chúa Giêsu chìm sâu trong sự kết hiệp với Chúa Cha, và niềm mong ước được đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha, như Chúa Giêsu, các Tông đồ đã đến xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, và Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do Thái: Trong Cựu Ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do Thái trong Cựu Ước. Ðó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miện con trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong Kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha là kinh quen thuộc đối với người Kitô hữu chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh này, thế nhưng chúng ta đã có thái độ thế nào? Người ta có lý để bảo rằng chúng ta đọc kinh một cách máy móc, thiếu hồn sống. Sỡ dĩ như vậy là vì chúng ta chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chưa đi vào quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với cha mình.

Ước gì những giây phút dành riêng để gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa, giúp chúng ta càng thêm gắn bó, yêu mến và dấn thân thực thi thánh ý Chúa trong đời sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • Cầu nguyện:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181009110000

09/10 – Thứ Ba tuần 27 thường niên.
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

  • SUY NIỆM: Lắng Nghe và Chiêm Niệm

Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?

Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.

Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.

Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:

“Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.
Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.

Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng. Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện. Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181008110000

08/10 – Thứ Hai tuần 27 thường niên.
“Ai là anh em của tôi?”

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.
“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?”
Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”.
Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

  • SUY NIỆM: Biến Ðổi Tâm Hồn

Chủ đề chính của đoạn Phúc Âm trên đây là tình yêu thương đối với người lân cận và chủ đề được nhắc đến do bởi hai câu hỏi của luật sĩ: “Tôi phải làm sao để được sống đời đời?” và “Ai là người anh em tôi?”

Chúa Giêsu đã để cho chính luật sĩ phải trả lời cho câu hỏi thứ nhất: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”, và vị luật sĩ đã trả lời đúng trăm phần trăm, dựa trên chính lời Kinh Thánh mà ông đã biết nằm lòng. Và nếu đã biết rõ như vậy rồi thì đâu còn lý do gì để hỏi Chúa Giêsu nữa. Không cần phải luật sĩ mới trả lời cho câu hỏi này, mọi thành phần dân Chúa đều có thể trả lời. Vấn đề là nơi câu hỏi thứ hai: “Ai là người anh em tôi?” Sự hiểu biết thông thái của luật sĩ làm ông ta lúng túng vì hẳn thật vào thời Chúa Giêsu có nhiều trường phái luật sĩ khác nhau đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này, nhưng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Có trường phái cho rằng người lân cận mà luật Môisen buộc phải yêu thương là cha mẹ, bạn bè, người đồng hương. Như thế, nhà luật sĩ có lý do để hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em tôi?”, ông muốn biết những giới hạn của tình thương đối với anh chị em để rồi từ đó xác định những bổn phận cần phải tuân giữ. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu để giúp cho luật sĩ biết là không có giới hạn nào cho tình thương đối với anh chị em và bất cứ ai cần trợ giúp thì người đó là anh chị em của mình. Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề như sau: “Ai trong số những kẻ qua đường là người anh em của kẻ bị cướp?”, và dĩ nhiên luật sĩ cũng đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ có lòng thương xót người ấy”.

Giải quyết vấn đề trên bình diện tri thức hiểu biết xem ra rất dễ, chỉ cần một chút hướng dẫn như Chúa Giêsu đã làm trong dụ ngôn thì ta có thể biết được câu trả lời cho vấn đề, nhưng để vào nước Chúa không phải chỉ có biết mà thôi, cũng không phải chỉ nói Lạy Chúa, Lạy Chúa mà thôi, nhưng còn phải thực hành, phải làm nữa, phải thực hiện lời dạy của Chúa và phải làm ngay không được chần chờ.
“Hãy đi và làm như vậy!” xem ra Chúa Giêsu không muốn vị luật sĩ ở lại để tranh luận lý thuyết với Chúa mãi mãi mà hãy dấn thân hành động, vì thế liền sau câu trả lời thứ hai của vị luật sĩ, Chúa Giêsu khuyến khích ngay: “Hãy đi và làm như vậy!”

Khi phải hành động giúp đỡ anh chị em, chúng ta thường hay có thái độ chần chờ, tìm sự chân thành lý do để tránh né để khỏi phải cho đi, để khỏi phải làm ngay công việc bác ái phải làm. Vì thế, vấn đề là luôn luôn phải sẵn sàng phục vụ, vấn đề bắt đầu từ tâm hồn của chúng ta trước, vì phải có tâm hồn yêu thương, cần canh tân chính mình trước. Chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã đổi lại viễn tượng, đã đổi lại câu hỏi của luật sĩ, câu hỏi không còn là: “Ai là anh em ta?” nhưng là: “Ai là anh em của người bị nạn?”
Khi tâm hồn chúng ta đã được biến đổi rồi, đã có đầy tình yêu Chúa rồi thì chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn mệnh lệnh yêu thương của Chúa hơn, sẽ yêu thương như Chúa, yêu thương không giới hạn, không tính toán, yêu thương cả đến hy sinh mạng sống mình. Không có tình yêu này to lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình cho người mình thương. Vấn đề không phải là biết: “Ai là anh em của tôi?” nhưng vấn đề là biến đổi tâm hồn chúng ta để chúng ta trở thành người lân cận, người anh em của tất cả những anh chị em chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp con canh tân chính tâm hồn mình trước và giúp con trở thành người lân cận của tất cả mọi người, mọi nơi và mọi lúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhauđể làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181007110000

  1. Thứ bảy tuần này 13/10, sau thánh lễ 17g30 có rước kiệu trọng thể mừng kỷ niệm 101 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima, mời cộng đoàn cùng sốt sắng tham dự.
  2. Số tiền anh chị em giúp cho quỹ bác ái của giáo xứ tuần trước được 33 triệu. Xin cảm ơn sự quảng đại của anh chị em. Tuần này, xin anh chị em giúp cho việc đào tạo tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse.

LỊCH TUẦN 07/10 – 13/10

  • Chúa nhật, 07/10: CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN. Được kính trọng thể LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
  • Thứ hai, 08/10: Thánh vịnh tuần III
  • Thứ ba, 09/10: Thánh Điônysiô, giám mục, và các bạn, tử đạo. Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục.
  • Thứ tư, 10/10:
  • Thứ năm, 11/10: Thánh Gioan XXIII, Giáo Hoàng.
  • Thứ sáu, 12/10:
  • Thứ bảy, 13/10:

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

07/10 – Chúa Nhật tuần 27 Thường Niên năm B – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai”.

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”.
Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.

Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

  • SUY NIỆM: Giá trị của gia đình – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Chưa bao giờ các gia đình lại gặp nhiều khốn đốn, nhiều đe doạ và sóng gió hung tợn như ngày hôm nay. Hàng loạt rồi hàng loạt gia đình bị rạn nứt, bị sụp đổ, bị tan tác trước những cơn địa chấn kinh hồn do nếp sống hưởng thụ và vô thần gây nên (nạn ly dị tràn lan, hôn nhân thử cũng như kết hôn đồng tính gia tăng đáng sợ…)

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra giá trị cao cả của gia đình để chúng ta trân trọng yêu mến gia đình và từ đó quyết tâm xây dựng gia đình nên tốt lành thánh thiện hơn.

Dựa vào Lời Chúa, chúng ta có thể khẳng định rằng gia đình có một giá trị rất cao quý, vì những lý do sau:

* Chính Thiên Chúa là kiến trúc sư đã thiết kế và trực tiếp xây dựng nên gia đình:
Bài đọc thứ nhất cho thấy Thiên Chúa đã thiết lập nên gia đình đầu tiên bằng hình ảnh rất nên thơ: Trước tiên, Ngài dựng nên ông Ađam và trong khi Ađam say ngủ, Ngài rút một xương sườn của ông mà dựng nên E-và. Ađam hoan hỉ đón nhận Evà làm bạn đời và xác nhận rằng đó là xương thịt của ông.
Đó là cách diễn tả rất thi vị, rất độc đáo để trình bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã sáng tạo nên gia đình và gia đình là tác phẩm ưu việt của Ngài.

Ta có thể hình dung mỗi gia đình như một toà lâu đài và lâu đài đặc biệt nầy được chính Thiên Chúa vừa là nhà thiết kế, vừa là kỹ sư xây dựng. Vì thế, gia đình là một công trình rất đáng trân trọng của Thiên Chúa.

* Lý do thứ hai khiến cho gia đình đáng cho mọi người chúng ta tôn trọng là vì chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Ngôi Hai quyền năng phép tắc cũng đã vui lòng đến sống dưới mái gia đình Na-da-rét. Trong ba mươi ba năm mang lấy thân phận con người, Ngài đã dành ra đến gần ba mươi năm nương náu trong gia đình Na-da-rét. Thế là tại đây, mái ấm gia đình trở nên cung điện của Thiên Chúa.

* Lý do thứ ba là Chúa Giêsu rất quý trọng gia đình.

Khi có một gia đình mới được thành lập tại Cana, Chúa Giêsu, Mẹ Maria cùng các môn đệ được mời dự tiệc. Đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu, Mẹ Maria phải cậy nhờ Chúa Giêsu cứu nguy cho đôi tân hôn. Chúa Giêsu biết là giờ Ngài chưa đến, chưa đến lúc để làm phép lạ đầu tay. Mà nếu cần thực hiện một phép lạ đầu tay thì cũng phải thực hiện vì một lý do rất hệ trọng. Thế mà Chúa Giêsu lại chấp nhận làm phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu cho gia đình mới được vui.

Sự kiện Chúa Giêsu, Mẹ Maria cùng các môn đệ đến tham dự tiệc cưới tại Ca-na và Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tay chỉ vì hạnh phúc của một đôi tân hôn, của một gia đình mới xây dựng chứng tỏ Chúa Giêsu rất quý trọng gia đình.

* Lý do thứ tư là Chúa Giêsu lập bí tích hôn phối để nâng cấp gia đình những người con cái Chúa.
Đối với những người sống trong Hội Thánh, Chúa Giêsu còn thiết lập nên bí tích hôn phối để làm cho gia đình họ trở thành gia đình thánh. Thế là nhờ bí tích hôn phối, gia đình là một tổ chức thế tục trở thành một Hội Thánh nhỏ của Chúa Giêsu.

Vì những lý do kể trên, gia đình là một công trình cao đẹp và rất đáng trân trọng. Có thể nói rằng không một công trình kiến trúc vĩ đại nào của con người, ngay cả đại thánh đường Phêrô tại Rôma được xây dựng trong suốt 130 năm bởi nhiều kiến trúc sư tài năng nhất thế giới, cũng không thể sánh bằng.
Giả như có một ai đó đang tâm phá huỷ đền thờ thánh Phêrô tại Rôma, thì đó là một tội ác lớn lao đối với nền văn minh nhân loại, thì kẻ nào phá vỡ gia đình là thánh điện của Thiên Chúa, là kiến trúc tuyệt mỹ của Thiên Chúa Ba Ngôi thì đáng chịu tội nặng nề hơn.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu củng cố nền tảng gia đình và lên tiếng cảnh cáo mọi người nhớ rằng: gia đình là “công trình mà Thiên Chúa đã kiến tạo, thì loài người không được phá huỷ”. Phá huỷ gia đình là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa.

Vậy xin đừng ai phá huỷ gia đình hay làm cho gia đình xuống cấp bằng cách đưa vào nhà mình những tệ nạn xã hội, những gương xấu, những nguyên nhân phát sinh tội lỗi.

Trái lại, mỗi người hãy xây dựng gia đình mình trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển, xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, để cho sự “hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2002)

  • CẦU NGUYỆN:

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã chọn gia đình làm nơi cư ngụ của Ngài, ban ơn giúp sức để chúng ta biết dựng xây gia đình mình ngày càng hạnh phúc, an vui và thánh thiện như gia đình của Chúa Giêsu ngày xưa. Amen.

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181006110000

GXTĐ – Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích)
Đức Giáo Hoàng Phanxico

102. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng “đức ái được đặc trưng ở khát vọng yêu hơn là khát vọng được yêu; [110] thật vậy, “những người mẹ, là những người yêu nhiều nhất, luôn tìm cách để yêu hơn là được yêu”. [111] Vì thế, tình yêu có thể siêu vượt và tràn lấp những đòi hỏi của công bằng, “không chờ mong được đáp trả gì” (Lc 6,35), và tình yêu lớn nhất có thể dẫn đến “việc hiến mạng sống mình” cho người khác (x. Ga 15,13). Sự quảng đại như thế, điều làm ta có thể trao đi cách tự do và trọn vẹn, phải chăng là điều thực sự có thể? Vâng, nó có thể, bởi vì nó được đòi hỏi bởi Tin Mừng: “Anh em đã nhận cách nhưng không, thì hãy trao đi cách nhưng không” (Mt 10,8)

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Mẫu gương tuyệt vời trong việc đáp tiếng “xin vâng”, đó chính là Mẹ Ma-ri-a. Cả cuộc đời Mẹ gói trọn trong hai tiếng “xin vâng”. Mẹ xin vâng theo lời sứ thần truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Trung thành với lời “xin vâng” tiên khởi đó, Mẹ ghi nhớ và “suy đi nghĩ lại” trong lòng mọi việc xảy đến trong cuộc đời Mẹ để khám phá thánh ý Chúa ẩn chứa trong đó. Có thể nói, từ ngày đón nhận lời thiên sứ truyền tin cho đến lúc nhận lời trăn trối của Đức Giê-su từ trên thập tự và cả trọn cuộc đời Mẹ, là một chuỗi dài của tiếng “xin vâng” để cho ý muốn của Chúa được thể hiện. “Xin vâng”, hai tiếng thật nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng lại chứa đựng một sức mạnh phi thường xuất phát từ Đức Ki-tô “vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8) nhờ đó muôn loài được cứu độ; sự vâng phục ấy được phản ánh trọn vẹn nơi lời “xin vâng” của Đức Ma-ri-a.

Mời bạn: Thế giới hôm nay đang lâm vào cơn khủng hoảng “quyền bính-vâng phục”: con cái cãi lệnh cha mẹ; không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa; bề dưới chống đối, bất tuân mệnh lệnh bề trên. Ngược lại vẫn còn nhiều bậc bề trên, những bậc làm cha mẹ cư xử cứng cỏi, độc đoán, muốn bề dưới phục tùng kiểu vâng lời “tối mặt”. Mời bạn noi gương Đức Ma-ri-a: vâng phục ý Chúa tỏ hiện qua lời sứ thần, qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành những phút tĩnh lặng, suy đi nghĩ lại những việc xảy ra trong ngày sống để khám phá thánh ý Chúa.

Cầu Nguyện: Đọc Kinh Truyền Tin.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. Đaminh Phạm Khắc Duy – Lm. Phêrô Ngô Lập Quốc – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 07/10 – 13/10

  • Chúa nhật, 07/10: CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN. Được kính trọng thể LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
  • Thứ hai, 08/10: Thánh vịnh tuần III
  • Thứ ba, 09/10: Thánh Điônysiô, giám mục, và các bạn, tử đạo. Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục.
  • Thứ tư, 10/10:
  • Thứ năm, 11/10: Thánh Gioan XXIII, Giáo Hoàng.
  • Thứ sáu, 12/10:
  • Thứ bảy, 13/10:

SỨC MẠNH KINH MÂN CÔI VÀ QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC MẸ

Kinh Mân Côi là phương dược hiệu nghiệm cho thời hiện đại. Kinh Mân Côi sẽ ảnh hưởng lên những biến cố của thế giới hơn bất cứ những cố gắng ngoại giao, và cũng có tác động lên đời sống công cộng hơn tất cả mọi cố gắng của bất cứ tổ chức nào.

  • Tôi tớ Chúa (cha) Joseph Kentenich: Kinh Mân Côi có thể đưa các gia đình vượt qua tất cả mọi nỗi hiểm nguy và sự dữ.
  • Tôi tớ Chúa (cha) Patrick Peyton: Nhờ việc gia đình đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, mà ngôi nhà đối với tôi là một cái nôi, một ngôi trường, một đại học, một thư viện và trên hết là một ngôi nhà nguyện nhỏ.
  • Tôi tớ Chúa (cha) Patrick Peyton: Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi Mân Côi, vì Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ của thế giới hôm nay.
  • Thánh Padre Pio: Mẹ Maria cầu nguyện với chúng ta. Lời nguyện trong Kinh Mân Côi bao trùm lấy tất cả mọi vấn đề của Giáo Hội, của Tòa Thánh Phêrô, và của cả thế giới.
  • Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện tuyệt vời nhất và là một phương thức hiệu quả nhất để đạt được sự sống vĩnh cửu. Kinh Mân Côi là phương dược để chữa lành tất cả những sự xấu của chúng ta, và là cái gốc cho tất cả phúc lành của chúng ta. Không có phương pháp cầu nguyện nào tuyệt vời hơn.
  • Đức Giáo Hoàng Leo XIII: Ngày nay cũng như những thời đại khác, Kinh Mân Côi hẳn là một vũ khí đầy sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm của chúng ta, và giúp ích cho tất cả mọi linh hồn.
  • Thánh Josermaria Escriva: Khi Chúa Thánh Thần mặc khải bí mật về Kinh Mân Côi cho một linh mục và linh mục ấy có phúc biết bao nhiêu! Nếu vị linh mục ấy thực sự hiểu bí mật này, ngài sẽ lần hạt Mân Côi hằng ngày và cũng sẽ khuyến khích người khác lần hạt nữa.

THÔNG BÁO

  1. Thứ bảy tuần này 13/10, sau thánh lễ 17g30 có rước kiệu trọng thể mừng kỷ niệm 101 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima, mời cộng đoàn cùng sốt sắng tham dự.
  2. Số tiền anh chị em giúp cho quỹ bác ái của giáo xứ tuần trước được 33 triệu. Xin cảm ơn sự quảng đại của anh chị em. Tuần này, xin anh chị em giúp cho việc đào tạo tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

06/10 – Thứ bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
“Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Lời Chúa: Lc 10, 17-24

Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. – Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”. Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe”.

  • SUY NIỆM: Niềm vui đích thực

Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.

Giải phóng con người khỏi ách nô lệ và đưa con người vào tự do đích thực, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi trong thế giới này. Chúng ta có thể nhận ra sứ mệnh ấy qua diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995. Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng con người càng ngày càng tìm kiếm tự do và đây chính là điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Sự tìm kiếm tự do ấy đặt nền tảng trên các quyền phổ quát của con người. Chính vì phản ứng lại những hành vi man rợ đối với phẩm giá con người, mà chỉ ba năm sau khi thành lập, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðây là một gia sản chung của nhân loại, nó bắt nguồn từ chính bản tính của con người, trong đó có phản ánh những đòi hỏi khách quan và không thể hủy bỏ được của một luật luân lý phổ quát.

Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: “Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống”. Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.

Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình loan báo Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn, nghèo khó và tín thác nơi Chúa trọn vẹn. Amen

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181005110000

05/10 – Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên.
“Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. ”

Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. “Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy”.

  • SUY NIỆM: Nguy cơ của những tiện nghi vật chất

Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.

Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.

Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt. để khi thấy con, người ta phải nói: “vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.” Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như thế, con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều. “Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói: “nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?” (Chân phước Charles Foucauld).

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181004110000

04/10 – Thứ năm đầu tháng, tuần 26 thường niên – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.

Lời Chúa: Lc 10, 1-12
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.

Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

  • SUY NIỆM: Tinh Thần Nghèo Khó Ðích Thực

Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó; Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài. Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.

Trong thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giầu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển hay làm giầu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.

Thế nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy, có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.

Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn hơn người khác vì được thịnh vượng, giầu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  • CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20181003110000