Kính thưa anh chị em,

Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu.

Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về Chúa Thánh Thần.

Hôm nay Giáo Hội dẫn chúng ta vào trọng tâm quan trọng nhất của niềm tin khi Giáo Hội, hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cột trụ của Đạo.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm rất khó trình bày. Khó không phải về phía Thiên Chúa mà khó về phía con người chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta không đủ sức để diễn tả về một mầu nhiệm cao cả như thế này.

Ở đây tôi cũng không dám có một tham vọng làm cho anh chị em hiểu thật rõ mầu nhiệm này. Tuy nhiên tôi cũng phải cố gắng nói một điều gì đó cho việc cử hành phụng vụ hôm nay.

Tôi xin dựa vào Thánh Kinh để nói với anh chị em. Vậy thử hỏi Thánh Kinh đã nói gì về mầu nhiệm này?

A. Trước hết là Cựu ước.

Có thể nói Cựu ước không có một chỉ dẫn nào rõ rệt về Mầu nhiệm này.

a- Hình ảnh đầu tiên mà người ta gặp ở trong Cựu Ước về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa đầy uy quyền và đáng sợ.

+ Ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế Ký, chúng ta đã thấy điều đó. Chỉ cần một lời là Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Cả công trình sáng tạo: Chỉ cần Thiên Chúa phán một lời là có tất cả. Đối với con người thì cách diễn tả có hơi khác một chút nhưng tựu trung thì chúng ta thấy Thiên Chúa chẳng cần phải vất vả gì Người cũng làm được mọi sự Người muốn.

+ Nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy một Thiên Chúa thật đáng sợ. Thiên Chúa tập trung mọi quyền hành trong tay của Người, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám chống đối, dám đi ngược lại với những cấm kỵ mà Người đã ban bố. Câu chuyện Adam-Evà và nhất là câu truyện lụt Đại Hồng Thủy cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa sẵn sàng dìm gần như cả loài người xuống nước khi loài người cố tình đi xa đường lối của Chúa. Cha Maurice Zundel gọi Thiên Chúa của thời kỳ này là “Thiên Chúa cảnh sát.”

b- Bước sang giai đoạn thứ hai của Cựu Ước.

Bên cạnh hình ảnh một Thiên Chúa đầy uy quyền, chúng ta còn thấy một Thiên Chúa độc tôn, duy nhất và xa cách với con người.

+ Bài sách thánh thứ I mà chúng ta vừa nghe khẳng định một chân lý thật quan trọng trong giai đoạn này: Thiên Chúa là Đấng thống trị, Chúa duy nhất.

+ Thiên Chúa duy nhất đó vẫn còn là một Thiên Chúa đáng kính sợ…loài người không xứng đáng được gần Người. Moise phải tụt giày ra mới được chạm tới nơi Người ngự xuống. Dân chúng thì phải cách xa hơn…kẻ nào dám vượt qua cái giới hạn đã được vạch sẵn thì lập tức sẽ phải chết.

+ Sau này khi hòm bia Giao Ước được trao cho con người gìn giữ thì cũng chỉ có những ai được chỉ định đặc biệt mới được vào mà dâng hương. Ngoài ra thì không ai được bén mảng tới. Kẻ nào mà dám liều lĩnh thì hình phạt sẽ không thể lường được.

Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Cựu Ước.

B. Bước sang thời Tân Ước, chúng ta đã thấy có một bước nhảy vọt thật đáng mừng. Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa đầy uy quyền và xa cách với con người nữa mà đã trở thành một Thiên Chúa gần gũi với con người.

+ Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria. Thật là một sự thể không ai có thể tưởng tượng trước được. Một Thiên Chúa làm người. Người trở thành EMMANUEL…nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa nhưng đã đi vào cuộc sống và sống như một con người, bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan đã viết cho các tín hữu của Người như thế này: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống” Phêrô cũng viết tương tự như thế: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”

+ Thời đại của một Thiên Chúa đáng sợ và xa cách đã chấm dứt để nhường chỗ cho một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường ở giữa loài người. Tuy nhiên đó chưa phải là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta có về Người.

+ Hình ảnh đúng mà con người phải có về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa Ngôi vị. Đây là mặc khải quan trọng nhất trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hình ảnh này phải đợi mãi tới những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu chúng ta mới được Người mặc khải cho chúng ta khi Người nói cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần…và nhất là lệnh truyền của Người khi Người sai các sứ giả phải nhân danh Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh thần mà rao giảng cho mọi người biết về một Thiên Chúa yêu thương loài người.

Vâng chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên loài người. Cũng vì yêu thương mà Người đã cứu chuộc và cũng chính vì yêu thương mà Người vẫn tiếp tục thánh hóa loài người chúng ta. Người chính là Tình yêu.

Chúng ta hãy hết lòng thờ kính Người.

C. Abraham từ ngày được Chúa chọn ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.

Nhà Vua hỏi Abraham:

– Tại sao nhà ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?

+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.

– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.

Abraham thưa lại:

+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.

– Thế thì hãy tôn thờ nước.

+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.

– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.

+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.

– Vậy thì hãy tôn thờ gió.

Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:

– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.

Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:

– Vậy thì hãy tôn thờ con người

Abraham trả lời:

+ Tâu hoàng thượng không ! Vì con người phải chết.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.

Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.

Vâng chúng con cũng vậy. Chúng con xin tôn thờ Chúa là Chúa của chúng con. Chính Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng con để chúng con được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng con ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng con, giúp chúng con đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.

Chúng con yêu quí

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ gì vậy chúng con?

– Thưa cha, Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

– Rất đúng. Chúng con rất giỏi.

Chúng con đã được học giáo lý. Chúng con đã biết Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Ngôi thứ Nhất là….

– Là Chúa Cha.

– Còn Ngôi thứ Hai là….

– Thưa cha là Chúa Con

– Và Ngôi thứ Ba là

– Là Chúa Thánh Thần.

Cha không muốn dài dòng nữa. Cha muốn đi ngay vào vấn đề cha muốn nói với chúng con hôm nay.

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết rất tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:

– Thượng đế là gì?

Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.

Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:

– Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta: Thượng đế là gì?

Bấy giờ nhà hiền triết mới ôn tồn trả lời:

– Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi rồi.

Kể lại câu chuyện này, cha cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết có mầu nhiệm này là do Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Đức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu” (Số 2789)

Sách dạy như thế, nhưng cha thử hỏi chúng con: Chúng con có hiểu ngôi vị là gì không, chúng con có hiểu bản thể là gì không? Ngày xưa khi học trong Đại chủng viện, cha cũng phải dành một thời gian rất lâu cha giáo sư mới cắt nghĩa cho các sinh viên hiểu được một phần nào mấy từ chuyên môn đó.

Vậy thì trong ít giây phút này, cha chỉ xin nói với chúng con một vài ý nghĩ đơn sơ của cha: Trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không đủ sức để diễn tả và để hiểu, nhưng chúng ta vẫn được Chúa ban cho một con tim đủ lớn để yêu mến mầu nhiệm này.

Thực vậy, trí khôn chúng ta quả quá nhỏ bé không thể diễn tả và hiểu.

Cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có liên quan đến thánh Augustinô. Chúng ta biết thánh Augustinô là một tiến sĩ bậc thầy của Hội Thánh.

Ngày kia, để bắt đầu viết một bài khảo luận về Chúa Ba Ngôi, người đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ cầu nguyện và tìm ý. Đang lúc Ngài đi đi lại lại như thế thì bỗng Ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước biển và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Người dừng chân và hỏi:

– Cháu làm gì thế?

Em bé bèn trả lời:

– Cháu muốn tát hết nước biển đổ vào trong chiếc lỗ này.

Thánh nhân mỉm cười và nói:

– Làm sao tát được?

Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:

– Cháu làm việc này còn dễ hơn việc người muốn dùng ngôn ngữ của loài người để trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.

Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người quá nhỏ bé làm sao có thể hiểu và diễn tả về mầu nhiệm này được.

Tuy nhiên như cha vừa nói ở trên mặc dù trí khôn không thể hiểu nhưng Chúa vẫn ban cho chúng ta một con tim đủ lớn để chúng ta có thể yêu mến Người. Thực vậy, Chúa Giêsu đã mạc khải không phải để chúng ta hiểu, nhưng để chúng ta yêu mến.

Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng Chúa. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Mỗi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng Chúa Ba Ngôi.

Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Người đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.

Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên cõi cao xa, Người luôn muốn ngự trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người chúng ta là đền thờ sống động của Người.

Vâng! Đúng như vậy. Chúng ta phải hết lòng yêu mến Người.

Cha xin được kết thúc bằng một câu chuyện:

Từ ngày được Chúa chọn, Abraham ngày càng sống tâm tình với Chúa và xa cách các thần tượng. Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.

Nhà Vua hỏi Abraham: “Tại sao nhà ngươi không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?

+ Tâu hoàng thượng! – Abraham trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.

– Như vậy thì hãy tôn thờ lửa. Nhà vua nói.

Abraham thưa lại:

+ Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.

– Thế thì hãy tôn thờ nước.

+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.

– Thế thì hãy tôn thờ mây đi.

+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.

– Vậy thì hãy tôn thờ gió.

Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:

– Nếu gió là Thiên Chúa…thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.

Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng ráng giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:

– Vậy thì hãy tôn thờ con người

Abraham trả lời:

+ Tâu hoàng thượng không! Vì con người phải chết.

Nhà vua giận dữ quát lên:

– Vậy hãy tôn thờ sự chết đi.

Abraham dõng dạc trả lời: “Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần”.

Vâng chúng ta cũng vậy. Chúng ta tôn thờ Chúa là Chúa của chúng ta. Chính Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Vận mệnh của mỗi người chúng ta ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen.

Các bản văn Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng trong công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hoá loài người của Thiên Chúa. Hoạt động của Chúa Thánh Thần rất phong phú và đa dạng. Nhân lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chúng ta sẽ nói về một số những hoạt động của Người.

A. Trước hết Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử ơn Cứu độ.

Câu đầu tiên của Sách Thánh ghi như thế này: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(St 1,1-2).

Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên khi trời đất muôn vật vừa được tạo thành thì Thần Khí Thiên Chúa đã có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên muôn loài muôn vật và cả con người.

Rồi trong Tân ước, cũng chính Thần Khí đó luôn có mặt từ lúc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cho đến ngày Giáo Hội được sinh ra.

Thánh Luca ghi lại những giây phút đầu tiên thật cảm động :”Bà Êlizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (Lc 1,42)

Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội sơ khởi và thực hiện bao nhiêu việc lạ lùng qua các tông đồ như lời của Chúa Giêsu: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Jêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.”(Cv 1,8)

Và Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, hoạt động trong Hội thánh và trong mỗi người chúng ta cho đến ngày tận cùng thế giới. (Theo “Con đường hạnh phúc”).

B. Bây giờ chúng ta hãy dừng lại trước biến cố trước mà sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật lại một cách đặc biệt hôm nay. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ của Chúa.

1. Đầu tiên là đổi mới trí khôn.

Chúng ta biết các Tông đồ xưa là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều nhưng các ngài vẫn không hiểu. Vậy mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

2. Thứ đến là đổi mới ý chí.

Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Tông đồ Phêrô đã chối Chúa. Các ngài ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe dọa, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

3. Sau cùng là đổi mới trái tim.

Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao, mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa, tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài không còn tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả hay bên hữu. Nhưng các ngài biết sống nhường nhịn yêu thương. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành những trái tim yêu thương.

Chính vì thế mà khi bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội, Thượng phụ Athénagoras không ngần ngại quả quyết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa, Đức Kitô bị khép lại ở trong quá khứ, Tin Mừng sẽ chỉ là những dòng chữ chết. Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường, quyền bính sẽ trở thành một thứ áp bức, và công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc tuyên truyền không hơn không kém. Rồi việc tế tự, một trong những sinh hoạt quan trọng nhất trong đạo của chúng ta sẽ chỉ còn là một thứ tưởng niệm và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ.”

Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta.

Đổi mới Trí khôn u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa thành trí khôn biết bén nhạy với Lời Chúa.

Đổi mới Ý chí bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa thành ý chí biết phục thiện và can đảm làm chứng cho chân lý.

Đổi mới Trái tim nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục thành trái tim quảng đại, biết tha thứ và yêu thương.

Xin được kết thúc bắng một chứng từ rất cảm động đã xảy ra tại một giáo xứ nọ.

Trong giáo xứ tôi có cụ già tên là Thomas ngoài trăm tuổi. Cụ thường sống cô đơn vì các bạn cùng tuổi với cụ đã ra đi. Một hôm cụ lâm bệnh và qua đời. Tôi tự nhủ:

– Chắc không có ai đến dự đám tang của cụ. Vì thế tôi nhất định đến tiễn cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hôm ấy lại là ngày xấu trời, mưa tầm tã. Theo sau xe tang không có một bóng người, đường xá vắng tanh. Khi xe chạy tới cổng nghĩa trang, tôi thấy có một người đàn ông trong y phục quân đội đứng đợi. Ông đi theo xe tang đến huyệt và có mặt trong suốt thời gian an táng. Trước khi hạ huyệt ông đưa tay ngang trán, nghiêm chỉnh chào cụ Thomas như một vị vua.

Chôn cất xong, tôi đi theo ông ra cổng nghĩa trang. Một cơn gió mạnh bay tốc áo mưa, để hộ ra mấy cái huy chương trên áo ông. Thì ra ông không chỉ là một binh lính thường mà còn là một sĩ quan cao cấp. Như đọc được sự tò mò của tôi, ông nói:

– Có lẽ ông ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi hôm nay trước linh cửu của cụ Thomas. Trước đây cụ là thầy dạy của tôi. Lúc đó tôi là một đứa trẻ tinh nghịch làm khổ cụ rất nhiều. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của cụ. Vì thế hôm nay tôi đến tạ ơn và chào vĩnh biệt cụ, với tất cả tấm lòng trìu mến tri ân của tôi đối với cụ

Thử hỏi: Ai đã làm cho lời giáo hóa và gương sáng của cụ Thomas sinh hoa trái? Đâu là sức mạnh đổi mới tâm hồn đứa trẻ tinh nghịch nên một con người có thế giá?

Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã âm thầm tác động làm cho những lời dạy và tấm lòng tốt của cụ Thomas đem đến những kết quả lạ lùng như thế.

Thiếu nhi chúng con yêu quý, Hôm nay là lễ gì chúng con?

  • Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
  • Làm cách nào mà chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần?
  • Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần.
  • Ngày lễ ngũ tuần Chúa Thánh Thần đã hiện ra với ai?
  • Với các Tông Đồ và một số người tin Chúa đang hội họp cùng với các Tông Đồ.
  • Có cách nào khác giúp chúng ta nhận ra Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội không?

Có chúng con. Chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay. Cha thấy qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta về những ơn ban mà Chúa Thánh Thần ban tặng.

Những ơn đó là những ơn nào chúng con?

1. Trước hết là ơn bình an

Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ việc phải đối đầu với kẻ thù, đối diện với khổ đau và với cả sự chết.

Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này.

Joseph Staine, vị chủ tịch thét ra lửa của nước Nga ngày xưa rất lo sợ khi đi ngủ mỗi đêm. Ông ta có bảy phòng ngủ khác nhau, mỗi phòng được khóa cẩn thận như một cái tủ sắt vậy. Để đánh lừa kẻ âm mưu ám sát, Staine mỗi đêm ngủ một phòng với hy vọng không ai biết ông ngủ ở phòng nào. Ông có năm chiếc xe với năm tài xế khác nhau. Khi nào đi đâu, màn cửa các xe đều rũ kín để không ai biết ông ngồi trên chiếc xe nào. Ông sợ người đầu độc đến nỗi tuyển một người hầu chỉ là làm một việc là xem xét kỹ những món ông ăn mỗi ngày.

Chúng con hãy nghe một câu chuyện khác: Một chiếc thuyền đi trên biển và gặp giông bão. Sóng rất lớn làm con thuyền chao đảo. Mọi người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy một em bé, con viên thuyền trưởng vẫn còn ngủ trong khi thuyền ở tình trạng nguy hiểm. Người hành khách lay em dậy và cho biết tàu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu. Em bé hỏi:

– Ai đang lái tàu?

Người hành khách trả lời:

– Cha em.

Nghe xong, em tiếp tục nằm xuống và ngủ tiếp cách bình thản. Người này lấy làm lạ hỏi:

-Tại sao trong khi mọi người đang lo lắng, riêng em có thể bình an ngủ được?

Em trả lời:

– Hễ cha tôi còn lái tàu, là con tàu sẽ vượt qua cơn nguy hiểm. Tôi biết khả năng của cha tôi.

Cha hỏi chúng con: Ai -Joseph Stalin hay em bé có sự bình an?

– Thưa cha …em bé. Tại sao thế vì em có niềm tin. Em tin vào Cha của mình.

Phần chúng ta cũng thế. Muốn có bình an ta phải tin vào Chúa.

Nếu chúng ta phó thác mình trong bàn tay của Chúa, chúng ra sẽ không sợ, không khổ, không sợ thất bại, Chúa luôn gìn giữ chúng ta.

2- Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hồng Kông kể lại rằng: Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi nói về cái chết trên Thập Giá và ơn tha thứ của Chúa Giêsu. Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người ngoại giáo đến gặp ngài và nói như sau:

  • Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí tích Giải tội, nhưng người tín hữu ngoại giáo nài nỉ:

  • Thưa Cha, trong tôn giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Cha liền chúc lành cho ông ta và sau đó ông này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó ông ấy nói rằng ông ta luôn được sống trong sự bình an.

+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều người trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo?”.

Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau: Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong tôn giáo của chúng tôi không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, hay cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Vì thế với một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời tôi bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.

3- Cuối cùng là ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22).

Cha hỏi chúng con. chúng ta có thể rao giảng bằng cách nào?. Chúng con còn nhỏ, chúng con làm sao mà rao giảng như những người lớn hay những người học cao hiểu rộng được. Nhưng có một cách rất dễ và lại rất hiệu quả. Đó là cuộc sống tốt lành của chúng ta. Cuộc sống tốt lành là bài giảng đẹp nhất. Chúa Giêsu ngày xưa đã làm thế.

Thánh Phanxicô thành Assisi nước ý, đã lập dòng Anh em hèn mọn và được Đức Giáo Hoàng Innocentê III châu phê vào năm 1209. Một chiều kia, thánh Phanxicô nói với một thầy trợ sĩ rằng:

– Thầy hãy theo cha đi giảng.

Hai cha con đi quanh thành phố một vòng rồi trở về. Về tới cổng nhà dòng, thầy trợ sĩ nói với thánh Phanxicô rằng:

– Thưa cha, cha dạy con phải theo cha đi giảng, mà có thấy cha giảng gì đâu, mà đã trở về rồi.

Thánh Phanxicô trả lời rằng:

– Cha đã giảng rồi đó con ạ, hôm nay cha con ta đã giảng một bài rất hay ho và rất hùng hồn và rất ích lợi cho các linh hồn là giảng bằng gương sáng, chúng ta đi đường mà không la lối, không dứt lác, không la mắng, không cãi cọ, không làm phiền lòng ai, khiêm tốn nêu gương cho người khác. Đó là chúng ta đã rao giảng bằng gương sáng.

Một trong những nhà truyền thuyết giáo xuất chúng nhất của thế kỷ 19 là Đức Hồng Y Mermillotd, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy sĩ). Ngài qua đời năm 1892. Có một lần, sau khi giảng về phép Mình Thánh Chúa trong nhà thờ chính tòa, giáo dân ra về. Còn ngài theo thói quen ở lại chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Khi ngài vừa đứng dậy để đi ra, ngài nghe có tiếng của một bà gọi ngài. Ngài rất ngạc nhiên, vì ngài tưởng không còn ai trong nhà thờ nữa. Người phụ nữ trình bày:

“Kính thưa Đức Cha, con đã nghe Đức Cha giảng. Bài giảng rất thuyết phục. Nhưng những lời Đức Cha nói suông chưa làm con xác tín về phép Thánh Thể. Con biết Đức Cha giống như một luật gia bảo vệ cho đức tin của Giáo hội công giáo. Con còn muốn điều gì hơn thế nữa. Vậy là con nấp và con quan sát. Khi con thấy Đức Cha quỳ gối cầu nguyện hồi lâu và sốt sắng, dù Đức Cha biết trong nhà thờ không có ai, gương sáng ấy đã đánh động con. Con không muốn theo đạo Tin lành nữa. Con muốn trở lại đạo công giáo”.

Đó chúng thấy, gương sáng đem lại những kết quá tốt đẹp như thế nào. Amen.

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Nói một cách văn vẻ hơn một chút thì chúng ta gọi là Chúa Giêsu thăng thiên. Việc lên trời hay Thăng Thiên của Chúa phải được hiểu như thế nào?

1. Chc chn chúng ta không được hiu theo nghĩa hoàn toàn vt cht.

Tôi nhớ đến một câu chuyện xảy ra cách đây cũng đã khá lâu: ngày 5-9-1961. Sau khi Nga sô đã đưa được người đầu tiên lên không gian, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev của Nga đã nói với ký giả của tờ New York Time lúc đó rằng: “ Để điều tra trên trời có Thiên Đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung: Youri Gararine. Anh đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dày đặc, không có chi giống như Thiên Đàng cả. Sau đó chúng tôi đã suy nghĩ và chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: German Titov. Chúng tôi đã bảo anh rằng: “Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên Đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ”

Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine: “Hư vô! Chỉ có Hư vô!”

Rồi Krouchev kết luận: “Cho nên người cộng sản chúng tôi không tin có đời sau”.

 

Đó là cái nhìn của một người cộng sản, một cái nhìn hoàn toàn duy vật. Đúng hay không thì chúng ta không cần phải xét những chắc chắn đó không phải là cái nhìn của chúng ta.

2. Với biến cố lên trời hôm nay chúng ta thấy cuộc đời trần thế của Chúa được khép lại và một sứ mệnh mới được mở ra, mở ra cho các tông đồ thuở xưa và mở ra cho chúng ta hôm nay. Chính sự đan kết ý nghĩa này, mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm Thăng Thiên của Chúa một cách nghiêm chỉnh hơn và đồng thời chúng ta cũng phải lưu tâm đến trách nhiệm thừa sai của chúng ta.

Thăng thiên là mu nhim Chúa Giêsu được tôn vinh cách công khai.

– Thực ra thì Chúa Giêsu đã được tôn vinh ngay từ khi Phục sinh những tầm nhìn của các môn đệ chưa vươn tới.

– Phải cần một thời gian với sự hiện ra của Chúa các môn đệ mới được sáng mắt ra và sau đó bằng màu nhiệm Thăng thiên, các tông đồ mới thực sự thấy Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha tôn vinh như thế nào.

Như vậy việc thăng thiên chỉ là sự chia tay vắng mặt bằng con người các môn đệ có thể nhìn bằng mắt, bắt bằng tay chứ không phải là hoàn toàn vắng mặt bởi vì ngay trước khi về trời Chúa Giêsu đã khẳng định một cách hết sức rõ rệt với các tông đồ: “Thy s vi anh em mi ngày cho đến tn thế”(Mt 28,20).

Chúa ở như thế nào?

Chắc không phải là như trước đó. Suốt ba năm trời Chúa đã hiện diện giữa các môn đệ của Ngài. Hiện diện gần gũi, xương thịt, đến nỗi tông đồ Gioan đã phải nói lên: “Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống”. Phêrô cũng phải xác nhận trước cộng đoàn những người Do thái: “Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người”. Sự hiện diện như thế quả là rất cụ thể. Lịch sử cũng đã xác nhận. Đây không còn phải là một vấn đề phải tranh cãi.

Những với sự việc lên trời hôm nay, chúng ta thấy rõ, sự hiện diện cụ thể như thế không còn hay nói đúng hơn: không cn na.

Rõ ràng với việc được tôn vinh trong biến cố lên trời Chúa đã đổi cách thức hiện diện của Chúa: Đổi từ hữu hình sang vô hình. Đổi từ cuộc sống xác thịt sang cuộc sống thần linh, đổi để Người có thể hiện diện rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Cha Teilhard de Chardin gọi sự hiện diện này là sự hin din tràn lan, tràn lan khắp địa cầu.

Lúc đầu các môn đệ chưa có thể chấp nhận được điều đó. Chính vì thế mà Chúa đã phải để một thời gian tương đối dài: 40 ngày sau Phục Sinh để tập cho các môn đệ làm quen với sự hiện diện đó bằng những lần hiện ra với các ông, cá nhân cũng như với tập thể, để rồi sau đó các ngài dám sống cuộc sống chứng nhân một cách triệt để hơn, mạnh dạn hơn, bất chấp những thách đố, bắt bớ và kể cả sự chết vì có Chúa luôn ở với các ngài.

Vâng! Nhờ có Chúa ở cùng mà cuộc sống của các tông đồ sau đó đã hoàn toàn đổi mới.

Cộng thêm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi trên con đường rao giảng và làm chứng. Kết quả các ngài để lại đã làm cho Voltaire một trong những nhà văn hào lớn của nhân loại đã phải ghen tức mà nói lên: “Ông Giêsu với 13 môn đệ của mình đã thay đổi cả bộ mặt của thế giới”.

3. Bây gi đến lượt chúng ta.

Như anh chị em biết, đền thờ Thánh Phêrô ở Roma là một trong 8 kỳ công lớn của Thế giới. Dịp năm thánh trước đây tin tức cho biết đã có 3.000.000 người hành hương về đây. Trong ngôi đền thờ này có một nhà nguyện nhỏ: Đó là nhà nguyện Sixtina rất nổi tiếng. Nguyện đường này đã được Đức giáo hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị hồng y tụ tập để bầu giáo hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính cách thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.

Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sĩ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.

Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một sàn gỗ hướng mặt về trần ròng rã không biết bao nhiêu năm trời. Truyền thuyết thuật lại rằng lúc đang xây dựng, một hôm Đức Thánh Cha Sixtô thứ IV vào tham quan công trình, thấy Michel Ange đang nằm ngửa lên để tô vẽ bức ảnh, Đức Thánh Cha có hỏi ông:

– Ông Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc đây?

Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại:

– Chừng nào còn có thể!

Vị giáo hoàng đường như mất hết kiên nhẫn:

– Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết…!

Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời:

– Thưa Đức thánh cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau…

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Thiếu nhi chúng con yêu quý, Cha đố chúng con hôm nay là lễ gì ?

  • Lễ Thăng Thiên.
  • Thăng Thiên là làm sao ? Có phải là được đưa lên trời giống như người ta phóng hỏa tiễn lên không ?
  • Thưa cha không.
  • Vậy thì nghĩa là làm sao ? Cha xin mượn lời trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để trả lời cho chúng con. Sách Giáo Lý bảo rằng: “Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại đến, nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta”. (GLHTCG 665).

Cha xin cắt nghĩa đơn sơ một chút cho dễ hiểu: Chúa Giêsu thăng thiên hay về trời là việc Chúa không còn có mặt ở trần gian này như một con người bằng xương bằng thịt như Chúa đã từng sống với loài người chúng ta suốt hơn ba mươi năm trời như trước đây nữa. Nay với việc thăng thiên Chúa bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vinh quang của Thiên Chúa. Và như thế, tuy con người không thấy được một Chúa Giêsu sống động như trước đây như con người đã từng thấy, dầu vậy đức tin dạy chúng ta rằng dù không thấy được Chúa nhưng chúng ta vẫn tin Chúa luôn có mặt với chúng ta như lời Chúa đã hứa: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Cho đến tận thế có nghĩa là ngày Chúa lại đến trong vinh quang.

Bây giờ cha hỏi tiếp: Nếu việc Thăng Thiên là như thế thì qua sự việc này, Chúa muốn nhắn nhủ gì với mọi người chúng ta ?

Cha tưởng Chúa muốn nói với mọi người rằng:

1. Trước hết: Cuộc sống mai sau, cuộc sống đàng sau cuộc sống hôm nay của chúng ta là có thật.

Trong Tin Mừng có mấy trường hợp được Chúa cho sống lại từ cõi chết: Người con gái ông Giairô, người thanh niên con một bà góa thành Naim và nhất là Lazarô, người đã chết bốn ngày mà Chúa đã cho sống lại… Nhưng tất cả những người ấy chẳng có người nào để lại cho thế hệ mai sau một chút kinh nghiệm gì về cuộc sống họ đã đi vào sau cái chết của họ cả. Nhưng không phải như thế là cuộc sống đời sau không có như có nhiều người tưởng.

Thánh Gioan Maria Vianney một lần kia đã nói thật lớn với các bổn đạo của Ngài rằng: “Sự chết có thật chứ không phải Thiên Chúa bày đặt ra để hù dọa anh chị em đâu” – Vâng sự chết là có thật. Bao nhiêu cái chết của những người đã ra đi trước chúng ta nói cho chúng ta điều đó. Nhưng đàng sau cái chết là cái gì thì chẳng ai trong chúng ta có kinh nghiệm.

Chính thánh Augustinô vị thánh tiến sĩ của Hội Thánh, khi đứng trước cái chết, Ngài cũng cảm thấy bất lực.

Chỉ có Chúa Giêsu, bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã hé mở cho chúng ta thấy và hiểu một phần nào về cuộc sống đàng sau cái chết là gì để rồi đối với chúng ta là những người có niềm tin thì chúng ta ít ra cũng thấy được rằng cuộc sống không phải là con đường cụt mà nó đã có một lối ra.

2. Thứ đến việc Chúa lên trời đem đến cho chúng ta một niềm hy vọng và chính niềm hy vọng này đem lại cho những người tin vào cuộc sống mai sau một sự nâng đỡ lớn lao trên con đường xây dựng cho mình một cuộc sống cao cả và có ý nghĩa trong cõi đời này.

* Không thể sống mà không có hy vọng.

Một vở kịch đã được các sinh viên Y khoa diễn cách đây khá lâu, nhưng mỗi khi nhớ lại cha vẫn cảm thấy thấm thía. Vở kịch có tên là “Vì những bước đi”. Kịch diễn lại cảnh một cô nữ điều dưỡng giúp một chàng thanh niên vì một tai nạn nên chân anh đã bị liệt. Bây giờ phải tập luyện để trả lại những bước đi cho đôi bàn chân. Trong một lần tập cho người thanh niên tàn tật này, cô Kim Loan, tên của cô nữ điều dưỡng trong vở kịch đó đã khích lệ người thanh niên bằng những lời rất đẹp như thế này:

“Cố gắng một chút nữa anh ạ.

Mỗi bước đi hôm nay là cả một đường dài ngày mai.

Vịn vào vai em mà đi.

Em hát cho anh nghe nhé.

Anh thích nhất là bài ca hy vọng phải không?”

*Ai trong chúng ta cũng muốn sống một cuộc sống cao cả và thánh thiện. Nhưng từ ước muốn đến thực tế của cuộc sống là cả một con đường thật dài. Thực tế đã cho chúng ta thấy điều đó. Chúng ta không dễ dàng gì mà thành đạt được những ước muốn thánh thiện của chúng ta. Chính thánh Phaolô, một con người thật vĩ đại, cũng đã có lần phải thốt lên như thế này: “điều tôi muốn làm tôi lại không làm – Điều tôi không muốn làm thì tôi lại làm”.

Còn Chúa… Chúa đã hứa gì với chúng ta. Chúa không hứa cho chúng ta một cuộc sống dễ dãi đầy ắp những tiện nghi, không thiếu một thứ gì. Không! Chúa không hứa những điều như thế mà Chúa hứa cho chúng ta Nước Trời… Muốn vào nước đó phải qua con đường hẹp. Muốn chiếm được nước đó phải dùng tới sức mạnh: “Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy” (Mt 11,13).

* Chính vì những khó khăn như thế mà chúng ta cần tới một sự nâng đỡ, cần tới một niềm hy vọng.

Thánh Antôn sống một cuộc sống thật khắc khổ trong rừng. Một ngày kia có mấy người đạo đức đến thăm ngài. Thấy ngài sống như thế mà vẫn tươi vui. Họ thắc mắc hỏi ngài về cái bí quyết làm sao mà ngài có thể sống tươi vui được như thế, thì Ngài dẫn họ đi vào sâu trong một cái hang, tới một chỗ có cái lỗ có thể nhìn lên trời được, ngài dừng lại và chỉ cho họ biết: “Đó là tất cả bí mật về cuộc sống mà ngài đang sống: Bầu trời… niềm hy vọng của ngày mai”.

3. Vấn đề còn lại: Trong khi chờ đợi niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu trở thành sự thật chúng ta phải làm gì?

Hãy sống Thiên Đàng mai sau bằng chính Thiên Đàng hôm nay. Đó là cách chuẩn bị chắc ăn nhất. Nhưng chuẩn bị bằng cách nào? Bằng cách can đảm sống noi gương Chúa Giêsu nhất là đối với giới luật yêu thương. Trong Luca 17,20 Chúa Giêsu đã nói: “Thiên Đàng ở ngay trong lòng của các ngươi”.

Ngày nọ có một hiệp sĩ Samurai thô lỗ hung bạo tìm đến với một vị thiền sư. Chàng nói với thiền sư.

– Xin ngài chỉ dạy cho tôi biết Thiên Đàng và Hỏa Ngục là gì?

Vị thiền sư đưa mắt nhìn con người thô bạo từ bàn chân đến đỉnh đầu rồi thất vọng trả lời:

+ Dạy cho ngươi biết thế nào là Thiên Đàng, thế nào là Hỏa Ngục ư? Ta không thể dạy cho ngươi bất cứ điều gì cả. Ngươi là một con người hung bạo thô lỗ. Ngươi là nỗi nhục cho chàng hiệp sĩ Samurai. Hãy cút khỏi mặt ta, ta không thể chịu đựng được ngươi nữa.

Nghe những lời sỉ vả ấy, chàng hiệp sĩ liền rút gươm và định chém đầu vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đã giơ tay cản lại và nói:

+ Hỏa Ngục là thế đó!

Chợt nhận ra bài học thực tiễn của nhà tu hành, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm bỗng trào dâng trong tâm hồn, chàng hiệp sĩ mới hiểu ra rằng vị thiền sư muốn hy sinh cả mạng sống của mình để dạy cho chàng bài học về Hỏa Ngục. Từ từ hạ gươm xuống, cho vào vỏ, rồi chàng đến quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả thành tâm, sám hối. Đỡ chàng dậy, vị thiền sư nhìn sâu vào đôi mắt của chàng và nói nhỏ:

– Thiên Đàng là thế đó.

Thánh Phaolô bảo: Trên Thiên Đàng sẽ chỉ còn một điều duy nhất: Đó là Tình Yêu. Sống tình yêu thương tức là sống Thiên Đàng hôm nay để chuẩn bị cho Thiên Đàng vĩnh cửu mai sau vậy. Amen.

Tâm tình của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là tâm tình của một người sắp ra đi.

A. Chỉ còn một ít nữa thế gian sẽ không còn thấy thầy.(Ga 14,19)

Thời gian sống ở trên trần thế của Chúa sắp chấm dứt.

Lời tuyên bố của Chúa quả thực làm cho các môn đệ của Ngài phải hoang mang.

Thế nhưng đây mới chỉ là một vế trong sự bộc lộ về tương lai của Chúa chứ chưa phải là tất cả.

Vế thứ hai quan trọng hơn, an ủi hơn “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con. Các con sẽ thấy Thầy vì Thầy vẫn sống và các con cũng sẽ sống”(Ga 14,18)

Đây là những lời rất thật của Chúa và những lời này sẽ được cụ thể hóa sau khi Chúa từ cõi chết sống lại.

Chắc hẳn anh chị em hãy còn nhớ cách thức sinh hoạt của Chúa sau biến cố Phục Sinh như thế nào. Thánh Phaolô bảo là cuộc sống đó đã được biến đổi. Biến đổi để có thể, nói theo kiểu của cha Teihard de Chardin “tràn ngập, tràn lan, phủ đầy” khắp nơi một cách cụ thể còn hơn cả khi Chúa chưa về trời như chính lời Chúa đã xác nhận: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”.

Bằng cách nào?

a/ Trước hết bằng Bí tích Thánh Thể.

Với Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện tràn lan khắp địa cầu, qua đó con người có thể nhận ra Chúa đang thật gần gũi với mình.

Đây là câu chuyện của nhạc sĩ Hermann Cohn,

Là người Do thái và thần đồng đàn dương cầm, Hermann Cohn trở nên một học trò cưng của nhạc sĩ Franz Liszt. Ông đã lập một nhóm văn nghệ sĩ, đi biểu diễn khắp nơi, sống bê tha trụy lạc, duy hưởng thụ.

Ngày kia, có người ca trưởng nhờ Cohn chơi đàn phong cầm vào tháng hoa Đức Mẹ. Khi chầu phép lành, Cohn cảm thấy mình bị một lực nào đó cúi đầu thờ lạy, sự bắt buộc không thể giải thích được, mặc dầu ông không hiểu gì và không tin điều mình làm. Ông đến nhà thờ nhiều lần, luôn cảm nghiệm một sự hiện diện mà ông không thể giải thích được, mặc dầu ông không hiểu gì và không tin điều mình làm. Ông hỏi thăm người bạn công giáo về phép Thánh Thể; người bạn biếu ông quyển sách kinh. Ông đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là những kinh nguyện Thánh Thể. Có lần ông đã suy nghĩ về phép Thánh Thể suốt đêm không ngủ. Ông dự Thánh lễ nhiều ngày và đã nói về kinh nghiệm của ông như sau: “Thời thơ ấu, tôi đã khóc nhiều lần, nhưng chưa bao giờ nước mắt tôi chảy nhiều như vầy. Bỗng chốc, tôi nhìn rõ mọi tội lỗi của tôi, cuộc đời xấu xa, ghê tởm, hèn hạ của tôi. Cuộc đời ấy đáng sa hỏa ngục. Nhưng tôi đã tìm thấy sự bình an lạ lùng. Chúa nhân từ đã tha tha thứ tội lỗi của tôi, đã chấp nhận lòng quyết tâm của tôi là yêu mến Ngài trên hết mọi sự”.

Sau đó, ông đã trở lại đạo và đi tu dòng Carmêlô, làm linh mục. Nhờ ông khuyên nhủ, Franz Liszt, nhà đại nhạc sĩ và 10 người bà con đã trở về với Giáo Hội.

b/ Qua hoạt động của Đấng phù trợ: Câu truyện Phêrô và Gioan chữa một anh què cho chúng ta thấy điều đó. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã khởi sự.

c/ Và mỗi khi một cộng đoàn yêu thương được hình thành “Ở đâu có hai ba người họp nhau lại để cầu nguyện thì có Thầy ở giữa”

Một bà nọ thuật lại trong cuốn sách nhan đề “Où Dieu pleure” rằng: bà cùng với một số người Đức khác bị đưa đi lưu đày xa quê hương từ giữa lòng Thế chiến Thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có Linh mục. Nhưng họ được phép tụ họp mỗi chiều Chúa nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một nghìn cây số có Linh mục, anh chị em Kitô hữu bèn quyết định hằng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy mang Mình Thánh Chúa đến cho họ. Thế rồi từ đó, mỗi chiều Chúa nhật, họ đều gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, mà bà kia mang trong mình, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa… Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời.

Nhờ đó trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô hữu ấy vẫn sống với niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ.

Năm 1972, được trả tự do, bà già ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động cho tác giả cuốn sách. Bà cũng cho biết mình chính là người đã điều khiển cộng đoàn cầu nguyện vào những chiều Chúa nhật tại nghĩa địa. Bà nói: “Tôi ra đi với tất cả niềm lưu luyến, nhớ thương, với biết bao kỷ niệm về cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn huynh đệ Thánh Thể ấy”

B. Vấn đề còn lại là làm sao chúng ta có thể nhận ra được sự có mặt của Chúa trong cuộc đời của chúng ta?

Đây là cách thức chính Chúa đã chỉ cho chúng ta: “Ai đón nhận luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người ấy sẽ là kẻ mến Thầy và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy sẻ tỏ mình ra cho người ấy”.

Như vậy là bằng cách sống Lời của Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta.

Như vậy là bằng cách sống Lời của Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta.

Cách đây không lâu, một bác sĩ giải phẫu người Mỹ đã vâng theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, yêu thương tha nhân bằng cách ban tặng chính bản thân mình cho họ. Ông đã trở nên một nhà truyền giáo phục vụ trong ngành y khoa. Từ bỏ quê hương, ông đi tới một hòn đảo xa xôi trên biển Thái Bình dương, nơi dân chúng sống nghèo khổ, bệnh tật vì thiếu thuốc. Sau một thời gian, để tạo sự bất ngờ cho bác sĩ, vị mục sư ở Mỹ đã đến thăm ông mà không báo trước. Khi mục sư đến, ông bác sĩ đang sửa soạn giải phẫu cặp mắt cho một em bé gái 8 tuổi. Vị mục sư đã quan sát cuộc giải phẫu xảy ra qua cái cửa sổ của một căn chòi nhỏ. Sau ba giờ đồng hồ, bác sĩ đi ra khỏi phòng mổ và nói:

– Đôi mắt của cô bé rất tốt. Em sẽ mau khỏi bệnh.

Rồi ông đi ra gặp mục sư của mình. Khi bàn về cuộc giải phẫu vừa mới xảy ra, mục sư hỏi:

– Ông sẽ được trả bao nhiêu tiền cho cuộc giải phẫu đó nếu ông giải phẫu ở Mỹ?

– Chừng 3000 dollars, tôi đoán như vậy, bác sĩ trả lời.

– Vậy ở đây người ta trả ông bao nhiêu?. Mục sư hỏi.

– Tôi không biết nữa, chỉ vài xu với nụ cười của Thiên Chúa. Ông bác sĩ nói. Rồi đặt tay lên vai mục sư, ông lay nhẹ và nói:

– Nhưng lạy Chúa, cuộc sống ở đây thật tuyệt vời!

Món quà tình yêu của Thiên Chúa ban nhưng không cho ta qua Đức Giêsu Kitô, mặc dù là vô giá, nhưng không phải là không có điều kiện. Giống như tất cả các loại tình yêu, Tình Yêu Thiên Chúa cũng có những đòi hỏi. Và một trong những đòi hỏi nặng nề nhất của Người, đó là chia sẻ tình yêu thương đó cho tha nhân. Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi: “Hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu thương các con”, chúng ta sẽ có được cái cảm giác hoan lạc giống như vị bác sĩ: “Nhưng lạy Chúa, cuộc sống ở đây thật tuyệt vời!”.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng trong đó có những lời Chúa Giêsu nói thật khó hiểu. Chúa nói làm sao?

– Chúa bảo với các môn đệ: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy.” (Ga14,19)

– Chúa có ý nói gì khi Chúa bảo như thế?

– Thưa Chúa muốn cho các môn đệ của Chúa biết ngày Chúa về với Chúa Cha sắp xảy ra rồi. Lúc đó thì chẳng ai có thế thấy Chúa nữa.

Nhưng Chúa lại nói tiếp:

– Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống.

Khó hiểu không chúng con? Người ta thì không được thấy, còn các môn đệ thì lại được thấy. Và Chúa giải thích lý do: Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.(Ga 14,20-21)

Chúng con có hiểu Lời Chúa vừa giải thích không?

Khó quá phải không chúng con? Đúng là khó thật. Bây giờ đến lượt cha, cha giải thích là để chúng con hiểu.

Chúng con biết, sau khi Chúa về trời rồi thì không còn ai được thấy Chúa như người ta vẫn thấy nữa. Nhưng như Chúa nói Chúa vẫn ở với loài người: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.(Mt 28,20)

Chúa vẫn ở với loài người nhưng làm sao để thấy được Chúa đây?

Thì đây là cách thức chính Chúa chỉ: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”(Ga 14,20-21)

Vâng…bằng cách sống Lời của Chúa, Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta. Chính Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta được thấy.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện do nhà văn hào Lev Tolstoy, tác giả của bộ sách nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” kể, một câu chuyện rất cảm động về một ông già nhà quê mà ông quen biết. Tên ông ấy là Martin Avdiéitch. Bác Martin làm nghề đóng giày trong làng. Cả làng ai cũng quí mến Bác. Bác sống một cuộc đời rất hạnh phúc bên vợ con. Nhưng thật là không may cho Bác. Ngoại trừ đứa con trai nhỏ, còn tất cả vợ con bác đã bị chết trong một tai nạn bất ngờ. Chúng ta có thể thấy được nỗi đau khổ của bác to lớn như thế nào. Tuy đau xót nhưng cũng may là còn một đứa sống sót an ủi bác. Thế nhưng như người đời thường nói: “Họa vô đơn chí”. Đứa con trai duy nhất của bác sau đó lâm bệnh và cuối cùng đã vội bước vào thế giới bên kia.

Bác Martin thất vọng…tuyệt vọng về cuộc sống. Bác trách Thiên Chúa. Bác muốn kết thúc cuộc đời của mình cho rồi. Những nỗi bất hạnh đổ xuống trên đầu của bác sao mà kinh khủng quá. Bác không muốn sống nữa.

Nhưng rất may là vào ngày lễ Chúa Thánh Thần năm đó, một người bạn thân trên đường đi hành hương ghé qua thăm bác. Bác đem câu chuyện đau buồn của gia đình ra kể. Sau khi nghe xong người bạn đã nói với bác:

– Chúng ta không có quyền xét đoán Thiên Chúa về những gì Ngài làm. Việc đó vượt quá trí khôn của con người chúng ta. Ngài đã định cho vợ con anh chết. Còn anh thì anh phải sống và như thế thì tốt hơn. Sở dĩ anh thất vọng và muốn chết như thế là bởi vì anh chỉ muốn sống cho bản thân của anh, cho hạnh phúc riêng tư của anh thôi!

– Vậy thì tại sao người ta phải sống?

+ Chính cho Thiên Chúa mà người ta phải sống. Khi anh bắt đầu sống cho Ngài, anh sẽ không còn buồn phiền và anh sẽ có sức mạnh để vượt qua tất cả một cách dễ dàng.

Martin im lặng một lúc rồi hỏi:

– Làm thế nào để sống cho Thiên Chúa?

+ À thì chính Chúa đã chỉ – Anh biết đọc chứ? Anh hãy mua một cuốn Thánh Kinh và hãy đọc ở trong đó, anh sẽ biết cách phải sống cho Thiên Chúa như thế nào. Ở đó anh sẽ tìm thấy câu trả lời cho tất cả những gì anh hỏi tôi.

Không đợi lâu, Bác đi mua ngay một cuốn Kinh Thánh Tân Ước và mỗi ngày bác đọc. Càng đọc, bác càng cảm thấy thấm thía. Bác đọc đi đọc lại những lời Chúa nói ở trong Tin Mừng.

Một buổi tối kia sau khi đọc xong, bác miên man suy nghĩ về những gì mình mới đọc. Suy nghĩ được một lúc thì tự nhiên bác cảm thấy thiu thiu muốn chợp mắt đi. Vừa thiu thiu muốn chợp mắt đi như thế thì tự nhiên bác nghe thấy như có ai gọi mình:

– Martin!

Bác giật mình đứng dậy hỏi thật lớn:

– Ai đó?

Nhìn ra ngoài bác chẳng thấy ai. Rồi bác lại tiếp tục suy nghĩ trong tình trạng như vừa ngủ vừa thức. Đột nhiên bác lại nghe thấy có tiếng bảo:

– Martin ơi! Ngày mai hãy nhìn ra đường. Ta sẽ đến thăm ngươi.

Sáng hôm sau bác dậy sớm hơn mọi ngày. Bác chuẩn bị nhà cửa gọn gàng khang trang hơn rồi vừa làm việc vừa ngó ra đường qua tấm cửa kính đã được chùi sạch.

Mãi mà không thấy ai gõ cửa, mặc dầu có rất nhiều người qua đường.

Đến khoảng 9 giờ thì bác thấy một người bạn cũ. Đó là bác Nicolai. Bác khá già. Không vợ con. Bác phải làm nghề dọn tuyết để tự nuôi sống mình. Thấy Bác mệt nhọc mà trời lại quá lạnh. Martin mời bác vào trong nhà. Chính tay Martin pha trà mời bác Nicôlai dùng. Cả hai sống với nhau những giờ phút thật ấm cúng và đầy tình thương.

Sau đó Bác từ giã rồi ra đi, còn Martin thì lại tiếp tục công việc nhưng đôi mắt không quên nhìn ra cửa.

Một người đàn bà còn trẻ, ăn mặc rách rưới ẵm con đi qua. Bác Martin nghe thấy tiếng đứa trẻ khóc và mẹ nó tìm cách dỗ nó nhưng không thành công. Bác vội vàng đứng dậy mở cửa lớn tiếng gọi:

– Bà kia! Tại sao ẵm con ở ngoài trời lạnh thế? Vào đây..Hãy lại ngồi gần lò sưởi và cho con bú.

– Thưa bác cháu không còn sữa vì từ chiều hôm qua đến giờ cháu không có gì ăn.

Bác Martin đi vào bếp, đem tất cả những gì bác có, đưa đến cho người đàn bà.

Chị kể cho bác nghe tất cả những sự vất vả mà chị phải chịu.

Sau khi đã chuẩn bị đủ đồ lạnh cho hai mẹ con. Bác tiễn hai mẹ con ra đi và không quên dúi vào tay người đàn bà một tờ giấy bạc 20 đồng để khi cần chị có thể dùng.

Chiều đến một bà già bán táo đi ngang qua. Lưng bà còn đeo theo một bó củi có lẽ bà đã kiếm được ở đâu đó. Tình cờ một thằng bé xuất hiện, lấm la lấm lét chộp lấy một quả táo và định tháo chạy nhưng không may cho nó, bà già đã nhanh tay hơn và nắm được nó. Hai người ở trong một thế phải đấu tranh.

Martin phải ra can thiệp. Cuối cùng thì ông xin bà già cho ông được trả tiền quả táo và ông trao quả táo cho thằng bé trước sự ngỡ ngàng của nó.

Trời đã tối nhưng ông cũng vẫn còn chờ.

– Bác Martin này, bác có nhận ra tôi không?

– Nhưng người là ai vậy?. Bác hỏi.

Một bóng người vụt qua mắt bác. Đó là bác Nicôlai, người dọn tuyết.

Và một tiếng khác: “và cũng chính là Ta đây”. Rồi từ góc nhà hiện ra khuôn mặt của bà mẹ và đứa con. Bà mẹ mỉm cười và đứa bé cũng mỉm cười. Rồi hình họ cũng biến mất. “Và cũng chính là ta”. Lại một tiếng nói nữa. Đó là bà già bán táo và thằng bé. Cả hai đều cười và rồi cũng biến đi.

Martin cảm thấy sung sướng. Ông làm dấu Thánh Giá, đeo kính vào và đọc tiếp đoạn Kinh Thánh ông đang đọc dở dang: “Ta đói, các người đã cho Ta ăn. Ta khát….

Ở cuối trang ông dừng lại thật lâu ở những dòng chữ này: “Những gì các ngươi làm cho một một người bé nhỏ trong các anh em của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Ông tự nghĩ trong lòng: Giấc mơ đã không đánh lừa ông. Và ông đã không lầm khi nghĩ rằng chính Chúa đã đến nhà ông và ông đã được đón tiếp Ngài. Amen.

A. Chúa nhật trước Chúa tự xưng : “Ta là cái cửa” (Ga 10,9)

Hôm nay Chúa tự xưng: “Thầy là con đường” (Ga 14,6)

Cửa là lối ra vào. Còn con đường là lối đi. Khi mở đường, người ta khai mở một lối đi. Và một lối đi thì thường phải có một điểm tới.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa bảo: “Thầy là đường” (Ga 14,6) nhưng Chúa lại không xác định rõ điểm tới hay nói một cách khác: Chúa có nói nhưng cách nói của Chúa chưa rõ nên các Tông đồ thắc mắc: “Chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao chúng con biết đường đi” (Ga 14,5)

Thắc của các tông đồ rất  đúng.

Trước khi nói những lời tâm huyết như trong bài Tin Mừng hôm nay ghi lại, Chúa Giêsu có nói là Ngài sẽ lên Jêrusalem. Hãy tạm coi Jêrusalem là điểm tới. Nhưng tới đó như lời Chúa nói thì chẳng làm sao các tông đồ có thể hiểu nổi.

Tại sao? Tại vì Chúa bảo lên Jêrusalem để bị bắt, bị tra tấn, và cuối cùng bị giết chết. Làm sao mà có thể tin là những việc như thế có thể xảy ra, nhất là đối với một con người như Chúa.

* Bao nhiêu năm trời theo Chúa, các tông đồ đã có dịp thấy Chúa là một con người thật là vĩ đại và kỳ diệu. Chưa hề bao giờ các ông ấy thấy Chúa có vẻ là một người chiến bại. Hơn nữa cuộc đời của Chúa hãy còn quá sung mãn. Với tuổi đời mới chỉ ngoài 30, cứ lẽ thường mà nói thì cuộc đời đó sẽ còn dài. Với biết bao nhiêu việc lạ lùng Chúa đã thực hiện trong quá khứ, thì tương lai chắc là còn phải huy hoàng và rực rỡ hơn…Vậy mà đột nhiên Chúa lại nói đến cái chết vậy thì làm sao mà tin cho nổi.

Và nếu câu chuyện kết thúc bằng cái chết như thế thì quả thực là không thể nào chấp nhận được.

Vâng quả đúng như vậy. Rõ rệt là Chúa không dừng lại ở cái chết. Sau khi chết người ta đã cẩn thận niêm phong Ngài trong huyệt đá. Người ta đã cắt lính canh chừng. Họ tưởng như thế là đã thành công trong việc kết thúc cuộc đời của một đối thủ mà họ đã cay cú muốn loại trừ từ bao nhiêu năm trời.

Thế nhưng họ đã lầm. Đúng như lời Ngài đã nói. Sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã cho các tông đồ thấy cuộc sống đích thực của Ngài là cuộc sống vượt lên trên lằn mức của không gian và vượt ra ngoài giới hạn của thời gian để trở thành vĩnh cửu, trở thành đời đời – điều mà các tông đồ chưa hề bao giờ được thấy.

Như vậy đích điểm con đường Ngài đi không phải là cái chết nhưng là ở một chỗ khác. Đó là nhà của Cha (Ga 14,2). Vâng…nhà của Cha mới là đích điểm cuối cùng Ngài dẫn những kẻ tin Ngài đi tới để ở đó Ngài cho họ điều mà trong suốt cuộc đời công khai Ngài đã nhiều lần đoan hứa với những ai tin Ngài.

B. Vậy bổn phận của con người hôm nay là phải biết tìm đến con đường mang GIÊ-SU để đi. Ngài chính là con đường và Ngài cũng là đích tới.

Hãy nhớ lại: Suốt cuộc đời trần thế, ngoại trừ những năm ẩn dật tại Nazareth, còn thì chúng ta thấy Ngài sống ở ngoài đường hơn là ở trong nhà: “Con chim có tổ, con cáo có hang, Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20)

– Chúa đã khởi sự cuộc đời của Ngài ở ngoài đường. Hang Belem không phải là một mái nhà.

– Ngài sống ở ngoài đường. Có vào nhà ai thì cũng chỉ là tạt qua chứ không phải là để cư trú

– Ngài chết cũng ở giữa đường chỗ có nhiều người qua lại.

– Và hầu như những cuộc gặp gỡ giữa Ngài với mọi người cũng được diễn ra ở ngoài đường. Gặp rồi lại đi chứ không dừng lại.

Tại sao Ngài làm thế?

* Trước hết Ngài muốn nhắn nhủ cho mọi người: Trần thế này không phải là chỗ lập cư vĩnh viễn. Nó không phải là quê hương. Một câu mà người ta coi như một châm ngôn được tìm thấy trên cổng của một ngôi thành cổ: “Thế gian như một chiếc cầu, bạn hãy đi qua mà đừng dừng chân lại”

Một Kitô-hữu già cả sắp chết. Một người đến nói:

– Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh Kinh ngọt ngào nhất nhé!

– Vâng.

– Trong nhà Cha có nhiều chỗ. Ta đi dọn chỗ cho các con.

– Không, đó không phải là câu ngọt ngào nhất. Đọc tiếp đi.

– …Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu các con cũng ở đó với Ta.

– Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi cần, không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt)

* Thứ hai: Trần thế đã không phải là quê hương thì ta phải đi. Muốn đi tới đích thì phải đi trên con đường Chúa đã chỉ, theo lối mà Chúa đã vạch cho.

Trong tập truyện “Thiên đàng là thế đó” tôi được thấy một câu chuyện vui. Câu chuyện như thế này: Có một vị tu sĩ già nọ một đêm kia khi đi vào nhà nguyện để viếng Chúa thì tình cờ gặp thấy một thiên thần đang quì và hí hoáy viết vào một cuốn sổ vàng đặt trước bàn thờ. Với tâm hồn tràn ngập hân hoan vị tu sĩ rón rén đến gần thiên thần và hỏi:

– Ngài đang viết gì trong cuốn sổ vàng này vậy?

Không cần ngước mắt nhìn lên vị tu sĩ, thiên thần trả lời ngay:

– Ta đang viết danh sách những ai yêu mến Chúa.

Vừa lo lắng, lại vừa hồi hộp, vị tu sĩ hỏi thiên thần xem có tên mình trong cuốn sổ vàng đó không. Thiên thần chăm chú mở từng trang, đọc từng dòng nhưng không thấy tên ông đâu cả. Dầu sao thì câu trả lời của thiên thần cũng không làm cho vị tu sĩ già thất vọng bởi vì ông đã nghĩ ra cách khuyến dụ thiên thần để tên của ông được ghi vào sổ vàng. Ông nài nỉ, nói với thiên thần:

– Xin Ngài cứ vui lòng ghi tên tôi vào sổ như là một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến người khác vậy.

Thiên thần chiều ý vị tu sĩ. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Tối hôm sau, ông lại gặp thiên thần một lần nữa….Vừa khi gặp lại vị tu sĩ già, thiên thần đã kêu ông lại, mở cuốn sổ vàng cho ông coi. Vừa liếc mắt nhìn, vị tu sĩ già đã vô cùng bỡ ngỡ vì tên của ông được ghi ngay ở đầu danh sách những người yêu Chúa. Ông thầm cảm tạ ơn Chúa đã nhớ đến ông. Sau một thời gian thì vị tu sĩ già đó qua đời.

Sau khi ông chết, anh em trong dòng tìm được cuốn nhật ký của ông. Vừa mở ra họ đã gặp thấy dòng chữ này: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại thù ghét anh em thì người đó là kẻ nói dối. Ai không yêu mến người anh em mà mình thấy trước mắt thì cũng không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình không thấy được”.(1Ga 4,20)

Đó là lời ông trích từ thư của Thánh Gioan.

Tiếp theo các tu sĩ  ấy còn đọc thấy những lời chú giải này: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm kiếm Chúa nhưng Chúa vượt khỏi tầm tay của tôi. Tôi đi tìm người anh em của tôi thì tôi lại gặp được Chúa và gặp được cả Linh hồn tôi”

Vâng kính thưa anh chị em

Con đường yêu thương chính là con đường của Chúa. Tên của Ngài là tình yêu. Tình yêu đem lại sức sống và tình yêu làm cho người thực thi lòng yêu thương có được sự sống đời đời. Amen.