Để diễn tả hạnh phúc Nước Trời, tác giả Kinh thánh thường dùng hình ảnh một bữa tiệc, nhất là tiệc cưới. Vào khoảng thế kỷ 8 trước Chúa Giáng sinh, ngôn sứ Isaia đã loan báo: Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt và rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon như trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe.

Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng dụ ngôn bữa tiệc cưới của con vua để diễn tả về Nước Trời. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này trước hết để ám chỉ về dân Do Thái. Thiên Chúa đã kêu gọi họ, tuyển chọn họ làm dân riêng, lập giao ước với họ để họ tin thờ một mình Ngài và giữ thánh luật Ngài truyền, nhưng họ lại đi thờ thần dân ngoại. Đã bao lần Thiên Chúa sai các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về với Ngài, nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, chính Con Thiên Chúa đến kêu mời họ sám hối ăn năn thì họ đã thẳng thừng từ chối, rồi bắt Ngài mà giết đi. Thiên Chúa đã trừng phạt họ bằng cách để quân Rôma đến san bằng Giêrusalem vào năm 70 sau Công nguyên và bắt họ phải tản mát, lưu đày khắp nơi.

Sau đó, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi muôn dân gia nhập Hội thánh Ngài.

Có một điều làm chúng ta thắc mắc khi nghe dụ ngôn này là tại sao lại có một khách dự tiệc không mặc lễ phục cưới, nên bị vua xử phạt nặng nề. Chúng ta tự hỏi những người đang đi đường, được mời vào tiệc cưới thì họ lấy đâu ra lễ phục cưới ? Vậy tại sao vua lại bắt tội như thế ?

– Trước hết chúng ta phải nhớ đây là một dụ ngôn, mà đã là dụ ngôn thì có thể có những điều không giống với thực tế của cuộc sống.

– Hơn nữa nếu đọc kỹ chúng ta sẽ thấy hai điều:

* Một là biết bao người đi đường cũng được mời vào dự tiệc cưới mà hỏi có ai bị phạt đâu ? Như vậy chắc chắn là người này bị phạt vì một điều lỗi gì đó!

* Hai là khi vua hỏi tại sao không mặc áo cưới thì anh ta im lặng. Thái độ đó nói lên rằng anh ta đã chịu lỗi, mà không thể chữa mình được.

Như vậy Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều rất cụ thể. Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội thánh Ngài và chúng ta đã chấp nhận bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhưng nếu chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà thôi thì chưa đủ mà chúng ta còn phải sống ơn Bí tích Rửa tội nữa. Nghĩa là chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu, tội lỗi trước đó, để sống đời sống mới theo gương của Chúa Giêsu như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,14). Theo gương Chúa Giêsu là phải sống trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, thánh thiện. Nói khác đi, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa tội và Thêm sức là đương nhiên được vào Nước Trời đâu. Cũng như khách được mời dự tiệc, tuy đã được vào phòng tiệc, nhưng không được ăn mà còn bị đuổi ra ngoài như người không mang lễ phục của tiệc cưới trong bài dụ ngôn hôm nay. Vậy điều quan trọng là một khi vào phòng tiệc mà muốn được ăn tiệc thì phải mặc lễ phục tiệc cưới,

Nhưng lễ phục tiệc cưới là gì ?

Thưa đó là những đòi hỏi của Bí tích Rửa tội! Người lãnh Bí tích Rửa tội phải quyết từ bỏ tội lỗi và tin theo Chúa Kitô.

Xét như thế thì chúng ta thấy nhiều khi chúng ta cũng giống như Người Do Thái xưa, tuy đã được Chúa chọn làm dân riêng Ngài, nhưng khi Ngài mời dự tiệc cưới Con Ngài thì lại kiếm cớ từ chối. Chúng ta cũng có nhiều lý do để từ chối tham dự thánh lễ Chúa nhật: nào là mắc buôn bán, học hành… Có khi chỉ là vì đam mê xem một cuốn phim, một trận đá bóng hấp dẫn, hay đang dở một cuộc nhậu nhẹt với bạn bè… Có khi đến tham dự thánh lễ mà tâm hồn còn mang tội trọng thì là sao mà xứng đáng dự tiệc Thánh Thể Chúa được.

Và đòi hỏi thứ hai của Bí tích Rửa tội là sống theo gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương mọi người nhất là những người bất hạnh. Chúa nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 14, 35). Rồi chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta: ngày phán xét, Ngài sẽ chỉ xét xử chúng ta về lòng bác ái yêu thương mà thôi (x. Mt 25).

Đây là câu chuyện nhỏ được kéo xuống từ Internet:

Từ nhỏ nó đã chơi với những đứa trẻ hư hỏng. Khi học trung học, nó thường xuyên bị giữ ở đồn công an vì tội đánh nhau. Sau đó nó bị đưa vào trường giáo dưỡng một thời gian. Chưa tốt nghiệp trung học nó đã bỏ học, suốt ngày chơi bời lêu lổng với đám thanh niên du côn. Cha mẹ tức giận đuổi nó ra khỏi nhà. Sau này với tội danh giết người, nó bị kết án tù 20 năm. Trong tù nó không chỉ ăn hiếp những tù nhân khác mà còn mấy lần định trốn trại. Vì thế hình phạt lại càng gia tăng. Mỗi khi trại giam cho người nhà vào thăm phạm nhân, nó là người nhàn rỗi nhất, bởi lẽ người thân chưa bao giờ đến thăm nó, hơn nữa nó cũng không hy vọng.

Nhưng vào một ngày kia, người quản giáo thông báo, có người đến thăm nó. Nó cứ tưởng mình nghe nhầm. Khi người quản giáo gọi tên nó một lần nữa, nó mới đi ra phòng tiếp thân nhân. Khi quay trở về phòng, nó đã khóc nức nở. Sau đó, nó dường như biến thành một người khác hắn, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, kỷ luật của trại giam, tích cực cải tạo

Người phụ nữ với mái đầu điểm bạc đến thăm nó hôm đó chính là cô giáo chủ nhiệm lớp hai của nó.

Tình yêu thương có thể thay đổi cuộc đời một con người. Vì thế hãy thương yêu những người xung quanh chúng ta. Chúa cũng chỉ muốn chúng ta như thế.

Anh chị em thân mến.

Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để nói về những gì mà người Do Thái đã và đang dự tính làm đối với Chúa.

Có thể nói đọc ngôn này, ai cũng hiểu ý Chúa muốn nói gì. Ai cũng hiểu những nhân vật Chúa dùng trong dụ ngôn ám chỉ về những người nào.

Ngày xưa, vườn nho là nước Do thái. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa. Những kẻ trồng nho mướn là những giới chức tôn giáo Do thái, là những kẻ chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về sự hưng thịnh của quốc gia. Những đầy tớ lần lượt được sai đến là các tiên tri. Họ được Chúa sai đến nhưng đã bị chối bỏ và giết đi. Người con trai đến sau cùng không ai khác hơn là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng bị bọn thuê mướn vườn nho giết chết. Việc này chưa xảy ra nhưng chắc sẽ xảy ra. Và quả như lời Chúa tiên báo Chúa Giêsu cũng đã cùng chung một số phận như các tiên tri thuở trước. Đây là câu chuyện Chúa dùng để tiên báo về chính cái chết của Ngài.

Chúng ta thử hỏi qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về những điều gì ?

A. Việc đầu tiên Chúa muốn cho mọi người thấy.

1. Trước hết về Thiên Chúa. Chúng ta có thể thấy ngay:

a) Thiên Chúa tin cậy con người. Như ông vườn nho trao cho kẻ trồng nho mướn. Ông không đứng canh họ như cảnh sát, ông đi xa, để họ tự giác làm việc. Thiên Chúa cũng tôn trọng con người như thế. Người trao phó cho họ công việc của Ngài. Mỗi một công tác chúng ta nhận đều bởi Chúa trao cho chúng ta làm.

b) Thiên Chúa là Đấng nhẫn nhục. Như người chủ sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ. Ông không báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi. Ông cho những người làm mướn trong vườn nho hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông. Thiên Chúa cũng nín chịu hết mọi tội lỗi của con người và cho con người có cơ hội để ăn năn.

c) Sau cùng Thiên Chúa mới là Đấng phán xét. Cuối cùng, người chủ vườn nho đã lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác. Cũng tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét thật nghiêm khắc. Điều nghiêm nhất là khi Chúa lấy khỏi tay chúng ta những công tác Ngài muốn chúng ta làm. Khi đó những người bị Chúa phán xét sẽ trở nên vô dụng đối với Chúa.

2. Tiếp đến, dụ ngôn cho chúng ta thấy nhiều điều về con người:

a) Đặc quyền của con người: Vườn nho được sắp sẵn mọi thứ, có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh, để giúp cho việc canh tác được dễ dàng. Thiên Chúa không những giao công tác để làm mà còn giao phương tiện để làm nữa.

b) Sự tự do của con người: người chủ vườn để những người thuê mướn được hoàn toàn làm việc theo ý thích. Thiên Chúa không phải là người độc đoán, Ngài như một vị chỉ huy khôn ngoan trao phó công tác rồi để cho họ làm.

c) Con người phải trả lời về hành vi của mình. Tất cả mọi người đều sẽ có một ngày phải tính sổ. Chúng ta phải trả lời Thiên Chúa về cách chúng ta thi hành công tác mà Ngài trao cho.

d) Con người cố tình phạm tội: trong dụ ngôn những người làm mướn trong vườn nho đã cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục ông chủ. Tương tự như, thế tội lỗi là cố ý chống lại Thiên Chúa, là cố tình theo đường lối riêng dù đã biết rõ đường lối Chúa như thế nào.

3. Cuối cùng dụ ngôn nói cho chúng ta về Chúa Giêsu.

a) Chúa Giêsu là ai ? Dụ ngôn cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu là ai. Ngài là Đấng hơn các tiên tri đi trước. Những người đã đến trước Ngài chỉ là những sứ giả của Thiên Chúa, không ai có thể phủ nhận vinh dự đó của họ, nhưng họ chỉ là tôi tớ, còn Ngài mới là Con. Ví dụ này là một lời tuyên xưng rõ rệt nhất về Chúa Giêsu, về địa vị độc đáo của Ngài và xác định rõ ràng Ngài hơn các vĩ nhân đã đến từ trước.

b) Sự hy sinh của Chúa Giêsu: dụ ngôn rõ ràng cho thấy những gì đang ở phía trước. Những kẻ làm vườn gian ác đã giết con trai của chủ. Chúa Giêsu không nghi ngờ gì về những việc đang chờ đợi Ngài. Ngài không chết vì bị bắt buộc phải chết nhưng Ngài sẵn lòng đi tới và đối diện với cái chết.

B. BÀI HỌC.

Bài học cụ thể nhất mà mọi người có thể thấy: Đó là Thiên Chúa có chương trình của Ngài.

Đây là chương trình do chính Thiên Chúa Cha hoạch định và Chúa phải thi hành.

Không ai có thể cản trở được chương trình của Thiên Chúa.

Con người đừng có ảo tưởng có thể làm cho công trình của Thiên Chúa phải thất bại.

Mọi âm mưu của con người sẽ thất bại khi Thiên Chúa ra tay uy quyền.

Họ chớ có tưởng khi giết được Chúa Giêsu là họ đã có thể ăn mừng chiến thắng.

Thiên Chúa sẽ cho họ thấy quyền năng của Chúa. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.(Mt 21,42)

Malebon là tên của một tảng đá rất nổi tiếng tại tiểu bang California. Tên của tảng đá này được người ta nhắc đến do một sự tình cờ: Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại Sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà; và thế là hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá ra xa lộ.

Theo dõi câu truyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đến mua tảng đá đó với giá 100 Mỹ kim. Sở Kiều lộ của thành phố mừng thầm vì ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái của nợ ấy ra khỏi xa lộ. Sau đó, người Úc bỏ ra 20.000 Mỹ kim để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà quý nhất mà người Úc đã dành cho tài tử này trước khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm đã được bán cho một người chuyên sưu tầm với giá một triệu Mỹ kim.

Tảng đá Melebon trên đây đã bị nhiều người xem như là một của nợ cần vứt đi, nhưng một người Úc đã nhìn ra nó như một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Sự thành công trong cuộc sống thường được nhiều người gán cho là một sự ngẫu nhiên hay một vận may nào đó. Nhưng người có niềm tin thì xem đó là sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Trước Công nghị Do thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường”. Cái chết của Chúa Giêsu quả thực là một hành động đê hèn dã man của người Do thái, nhưng Thiên Chúa đã biến cái chết ấy trở thành biểu tượng của tình yêu, và nguyên nhân cứu rỗi của con người. Đó là điều quan trọng mà mọi người có thể học được qua bài dụ ngôn hôm nay. Amen.

“Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”(Mt 21,32)

Anh chị em thân mến,

Suốt mấy tuần vừa qua, chúng ta đã nói với nhau về những đức tính cần có trong đời sống cộng đoàn. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta nói với nhau về một vấn đề khác, cũng liên quan tới địa vị làm con Thiên Chúa, nhưng dưới một khía cạnh tích cực hơn: “Chúng ta phải sống như thế nào để xứng với địa vị làm con Thiên Chúa của chúng ta ?”.

A- Chúng ta hãy nghe bài dụ ngôn hôm nay:

Một người kia có hai người con. Hai người con, con của cùng một người cha. Ở đây chúng ta thấy Chúa cố ý không đề cập đến địa vị hay ngôi thứ của hai người con này. Chúa làm như thế với một chủ ý rõ rệt là cho người ta thấy trong cương vị làm cha thì ông dành cho hai người con một tình yêu y như nhau, và đồng thời cũng cho chúng ta thấy trong cương vị làm con thì cả hai đều có một giá trị như nhau trước mặt cha của mình.

Để anh chị em hiểu rõ được điều này, tôi xin lấy một thí dụ. Đây là thí dụ nằm ở trong kho tàng văn chương của chúng ta. Truyện kể như thế này. Có một ông nhà nho kia có đến hai bà vợ. Thông thường thì chúng ta thấy trong hai bà thì phải có một bà làm “cả” một bà làm “lẽ” hay “thứ”. Nhưng đối với ông nhà nho này thì ông ta muốn coi hai bà vợ như nhau, không bà nào hơn, không bà nào kém. Chính vì thế mà một hôm khi có người hỏi ông bà nào là cả bà nào là thứ thì ông trả lời “Cả hai vợ đều là vợ cả” Một câu trả lời có tính cách chơi chữ nhưng nó cũng nói lên được một cái gì có tích cách “cào bằng” trong ý nghĩa về một thực tế trong cuộc sống của người này.

Vậy thì trong dụ ngôn hai người con, chúng ta cũng thấy một ý nghĩa tương tự như thế. Cả hai người con đều là “con cả” và cùng là con của một người cha. Người cha này yêu thương hai người con y như nhau….đối xử với hai người một cách đồng đều. Và khi đã cư xử như thế thì chắc chắn ông cũng thầm mong là ông sẽ được cả hai người đáp lại tình yêu của mình cũng bằng một tình như nhau.

Mong thì là như thế, nhưng trong thực tế có được như vậy hay không thì lại là một truyện khác.

 Lúc đầu khi ông kêu gọi người con thứ nhất. Nó đã đáp lại một cách cộc cằn và cứ bên ngoài mà xét thì nó thật đáng lên án. Nhưng sau đó nó hối hận rồi nó sửa lại lỗi lầm của mình không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm. “Nó hối hận và đi làm”(Mt 21,29).

Sau đó người cha cũng nói những lời y hệt như thế với người con thứ hai. Thái độ lúc đầu của người con thứ hai thật dễ thương “Vâng, thưa cha, con đi”(Mt 21,30). Thật là đẹp tuyệt vời. Và cứ theo cách bên ngoài mà nói thì chắc là chúng ta phải khen người con thứ hai này. Thế nhưng những cái đẹp ban đầu đó lại không được tiếp tục đẹp. Nó đã nhanh chóng đổi chiều. Người con thứ hai đã nuốt lời một cách không hổ thẹn.

Như vậy chúng ta thấy cả hai người con cùng được mời gọi bởi cùng một người cha….để làm cùng một công việc và làm trong cùng một vườn nho.

Thế nhưng, bằng ấy cái cùng chưa đủ để có thêm những cái cùng khác:

Qua hai cách đối xử của hai người con, người ta đã được chứng kiến một sự đảo lộn giá trị đáng cho chúng ta phải suy nghĩ.

Cái mà người ta tưởng là xấu lại biến thành tốt và cái mà người ta tưởng là tốt lại trở thành tồi tệ.

Kết thúc câu chuyện Chúa Giêsu đòi những người nghe phải tự lượng giá. Và câu trả lời đã đúng như Chúa mong đợi.

Nếu câu truyện kết thúc ở đây thì có lẽ chúng ta chẳng có gì phải bàn thêm. Đàng này sau khi nhận được câu trả lời của những người nghe, Chúa đưa ra những lời cảnh cáo khá nặng. Chúa nói như thế nào thì tất cả chúng ta đã nghe.

B. Chúng ta tự hỏi: Chúa nhắm điều gì khi đưa ra những lời cảnh cáo nặng như thế ? Ai là hiện thân cho người con thứ nhất và ai là hiện thân cho người con thứ ai và ai là hiện thân cho người cha trong câu chuyện.

Chúa không đưa ra một câu trả lời làm sẵn. Nhưng rõ ràng Chúa muốn vẽ ra một bức tranh gồm hai hạng người mà cả hai đều bất toàn mặc dầu trong đó có một hạng tốt hơn. Rõ ràng trong câu truyện này cả hai người con đều không làm hài lòng người cha vì cả hai đều không làm cho ông có được một niềm vui trọn vẹn. Hạng người thứ nhất là hạng người làm nhiều hơn là nói. Hạng người thứ hai là những người chỉ nói mà không làm. Họ hứa thật nhiều nhưng làm thì chẳng có gì cả.

Vậy người con hoàn hảo đối với Chúa là người con nào ? Thưa là người sẵn sàng chấp nhận mệnh lệnh của cha với thái độ vâng phục và kính trọng, chấp nhận trọn vẹn và không thắc mắc. Chúng ta có thể nói họ là những người mà lời nói và làm luôn đi đôi với nhau. Đây mới là những người mà Thiên Chúa mong đợi.

Nhưng ai là những người như thế ?

Chẳng cần phải dài dòng chúng ta cũng có thể tìm ra câu trả lời. Đó là những người hết lòng yêu mến Chúa đồng thời cũng hết lòng yêu mến anh em đồng loại của mình.

+ Bây giờ đến lượt chúng ta:

Tôi phải làm gì trước những đòi hỏi của Chúa ?

– Đối với Chúa

Một linh mục ở một xứ đạo kia khi làm thống kê trong họ đạo của mình đã hỏi một người chủ gia đình như sau:

– Ở nhà có bao giờ gia đình cầu nguyện chung với nhau không ?

– Thưa Cha chúng con không có giờ.

– Giả như anh và gia đình biết một người trong gia đình sẽ bị bệnh nếu không ai cầu nguyện cho người đó thì thử hỏi anh và gia đình có cầu nguyện không ?

– Ồ con đoán là lúc đó gia đình chúng con sẽ cầu nguyện.

– Giả như anh biết một ngày nào đó vì gia đình lơ là trong việc cầu nguyện mà một tai họa sẽ xảy đến cho gia đình thì lúc đó anh và gia đình có cầu nguyện không ?

– Tất nhiên là chúng con phải cầu nguyện rồi.

– Giả như mỗi ngày anh quên cầu nguyện, giáo luật sẽ phạt 5 dollars. Lúc đó anh và các con có dám sao lãng việc cầu nguyện không ?

– Chắc là chúng con sẽ cầu nguyện nhưng ý của những câu hỏi cha hỏi chúng con mãi như thế là gì ?

– Như vậy vấn đề ở đây không phải là không có thời giờ. Anh có thể tìm được thời giờ. Vấn đề ở đây là anh đã quá coi thường việc cầu nguyện: Coi thường hơn tiền bạc, hơn sức khỏe vv và vv. Như vậy vấn đề ở đây là anh và gia đình anh có thấy được những hồng ân Chúa ban cho anh cũng như gia đình anh qua việc cầu nguyện hay không. Nếu thấy được thì khỏi cần phải nói, không phải chỉ cầu nguyện mà chắc là anh sẽ còn làm hơn thế nữa. Còn nếu không thì chắc là chẳng bao giờ anh cầu nguyện dù chỉ là một kinh!

– Còn đối với những anh em của tôi thì sao ? Phải Yêu Thương họ.

Thánh Têrêxa HĐGS nói: “Lòng yêu mến không cốt ở những tình cảm, nhưng cốt ở việc làm”

Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:

– Bằng vào dấu chỉ nào các người khác nhận ra các con là người Công giáo ?

Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại câu hỏi và ngài lập lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời đúng. Bất. chợt một ứng viên trả lời:

– Đó là “Tình yêu” .

Vị Giám mục rất ngạc nhiên! Khi ngài sắp mở miệng nói “Sai “, ngài bỗng kịp thời ngậm miệng lại.

Anh chị em thân mến,

Bài dụ ngôn chúng ta vừa nghe là những lời dạy của Chúa nói về lòng tốt và tình thương của Người. Chúng ta thấy rất rõ điều này qua một bài dụ ngôn đặc biệt Chúa dùng để cắt nghĩa cho chúng ta.

I. Bài dụ ngôn

1. Một người kia có một vườn nho.

– Ông ta là chủ của vườn nho đó cho nên ông ta có quyền canh tác trên vườn nho đó để thu hoa lợi

– Diện tích vườn nho có lẽ phải lớn cho nên ông phải thuê người làm cho ông.

– Ở đây chúng ta nên lưu ý một chút về cách tính giờ của người Do Thái:

Ngày làm việc của người Do Thái bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và kết thúc vào lúc mặt trời lặn. Và căn cứ vào đó thì chúng ta sẽ có một thời biểu tương ứng như thế này:

Giờ thứ 1, thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11, tương đương với 6 giờ, 9 giờ,12 giờ,15 giờ,17 giờ, và kết thúc lúc 18 giờ.

– Có 5 đợt thuê thợ tất cả.

Đợt đầu có sự mặc cả rõ ràng về giá cả 1đ/một ngày công.

Các đợt sau thì không có sự mặc cả gì.

– Chiều đến: trả lương.

Cách thức trả lương có khác thường….bắt đầu từ người đến làm việc sau cùng đến người làm đầu tiên.

– Chính cách thức trả lương như thế đã làm nảy sinh ra sự phen bì giữa những người thợ được thuê làm trong cùng một vườn nho.

– Người cuối cùng vui vì thái độ đầy lòng yêu thương và quảng đại của chủ.

– Những người đến làm trước buồn vì cảm thấy mình như bị thua thiệt.

2. Vấn đề đặt ra ở đây là ông chủ làm như thế có công bằng không. Ta phải trả lời là có.

– Này bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một đồng sao ?(Mt 20,13)

– Ông đã đối xử với họ theo lẽ công bằng thương mại. Luật pháp gọi là công bằng giao hoán.

– Về phương diện này thì ông chủ hợp lý và hợp pháp

– Việc ông chủ đối xử khác, khác hơn lẽ công bằng giao hoán thì lại là vấn đề khác. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi công bằng. Nó đã vươn lên tới một bình diện cao hơn…đó là lòng Bác ái yêu thương và ông ta có quyền làm như thế.

Vậy thì khi kể dụ ngôn này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì .

II. Bài học

1. Muốn hiểu được bài học Chúa muốn dạy qua bài dụ ngôn hôm nay, chúng ta lại phải trở về với những hoàn cảnh của nó.

Tin Mừng kể lại trước khi nói dụ ngôn này thì có một người thanh niên đến gặp Chúa và muốn xin được làm môn đệ của Ngài. Chúa bảo anh ta hãy trở về bán tất cả những gì anh có rồi phân phát cho những người nghèo khó và Chúa coi đó như một điều kiện phải có để Ngài chấp nhận anh ta. Sự đòi hỏi của Chúa làm cho anh ta chùn bước. Lý do là vì anh có nhiều của cải. Của cải đã níu kéo quá mạnh, thành thử anh ta đã bỏ cuộc. Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt tại đây.

Sau khi người thanh niên bỏ đi thì ông Phêrô….lại ông Phêrô. Ông Phêrô đứng ra đặt vấn đề với Chúa. Ông nói như sau: “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì”(Mt 19,27)

Câu hỏi của Phêrô sặc mùi thương mại trần thế. Ông muốn Chúa phải nói rõ cho các ông biết Chúa Chúa sẽ đối xử với các ông thế nào trước những hy sinh từ bỏ của họ. “Chúng con sẽ được gì ?”

Chúa không để cho các ông ấy phải thất vọng. Chúa đã trả lời. Chúa không lẩn tránh vấn đề. Và câu trả lời của Chúa thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu ở chỗ nó vừa thỏa mãn được vấn đề các tông đồ đặt ra với Chúa, lại vừa có sức nâng tầm nhìn của các môn đệ lên tới một bình diện cao hơn.

“Ai vì danh Ta mà từ bỏ Cha Mẹ, anh em, con cái, nhà cửa, ruộng đất thì sẽ được gấp trăm ở đời này và ….tiếng thật quan trọng…Và được sự sống đời đời.”(Mt 19,29)

Sự sống đời đời. Đó là một phần thưởng vô cùng quí giá mà không có một giá trị trần thế nào có thể đổi chác được. Phần thưởng đó là do ơn lộc của Chúa cũng như do lòng quảng đại vô bờ vô bến của Ngài.

Trong nước của Thiên Chúa sẽ không có giao hoán đổi chác, phần thưởng sẽ không dựa vào lao động như thước đo.

Phần thưởng trong nước Thiên Chúa không được tính theo số lượng giờ giấc nhưng trước hết phải căn cứ vào niềm tin: Tin vào sự quảng đại và tình thương bao la của Thiên Chúa và sau là trung thành với niềm tin đó.

Vì thế dù chỉ được Chúa kêu gọi một phút giây trước giờ tàn của cuộc sống thì sự trung thành cũng vẫn cần thiết.

Con người không có quyền ghen tị với sự quảng đại của Thiên Chúa. Nếu một ai đó thấy cuộc đời của mình không được Chúa đối xử lại một cách quảng đại, thì lý do không phải tại Chúa mà họ phải hồi tâm trở lại với lòng mình xem mình đã sống với Chúa như thế nào:

          Ông chủ trong dụ ngôn đã tính toán với những ai đã muốn tính toán với ông. Nhưng ông lại rất quảng đại đối với những ai tin tưởng vào ông.

Để minh họa điều này tôi xin mời anh chị em nghe một câu chuyện. Câu chuyện này do văn hào Tagore viết ra. Ông là một người không có đạo nhưng những gì ông viết rất phù hợp với những Lời của Chúa trong Phúc âm.

Câu chuyện có tựa đề là “Người ăn xin”

Con đi ăn xin từng nhà trên con đường làng. Bỗng con thấy một cỗ xe bằng vàng đang từ xa đi tới….như một giấc mơ, giấc mơ huy hoàng. Con tự hỏi ông vua nào mà lại lộng lẫy như thế ? Lòng hy vọng trào lên trong lòng con. Con tự nghĩ:

– Thế là từ nay đời mình sẽ hết khổ!

Và con chuẩn bị sẵn sàng chờ Ngài đến….tay Ngài bung những đồng tiền vàng vung vãi trong đám cát bụi bên đường.

Và cỗ xe dừng lại nơi con đang đứng. Cái nhìn của đức vua đậu lại trên con….rồi Ngài bước xuống, miệng mỉm cười. Con cảm thấy như cơ may của đời mình đã tới.

Bỗng dưng con thấy đức vua chìa tay ra và hỏi

– Con có gì cho ta không ?

Con bối rối ngỡ ngàng….Con từ từ thò tay vào trong bị rút ra một hạt lúa mì và dâng cho Ngài. Nhận hạt lúa mì xong, Ngài lên xe và tiếp tục đi.

Chiều đến….khi dốc những hạt lúa trong bị ra…thì thật ngỡ ngàng biết bao.

Một hạt vàng óng ánh nằm giữa những hạt lúa mì khác.

Con nức nở khóc và tiếc rẻ. Con tự nguyền rủa chính mình:

– Tại sao mình đã không dâng cả cho đức vua tất cả những hạt lúa mì mình có.

Có lẽ cuộc sống của chúng ta mỗi người nhiều khi cũng giống như thế. Chúng ta rất hẹp hòi với Chúa và với anh em. Rồi nhiều khi chúng ta thấy người nọ người kia được Chúa đối xử hơn chúng ta, thay vì chúng ta bình tâm xét lại xem chúng ta đã sống cho Chúa như thế nào, chúng ta lại đâm ra ghen tương phen bì với anh em và cả với Chúa nữa.

Giờ đây xin Chúa điều chỉnh lại cách sống của chúng ta sao cho những ngày tháng chúng ta sống trên đời là những ngày tháng tràn ngập niềm vui vì đó là những ngày chúng ta sống chan hòa với Chúa và với anh chị em chúng ta Amen.

Chúng ta đang nói với nhau về đời sống cộng đoàn trong gia đình của Thiên Chúa. Tuần trước chúng ta nói với nhau về việc phải sửa lỗi cho nhau. Hôm nay Chúa nói với chúng ta về một vấn đề khác “gay” hơn một chút, nhưng lại rất thú vị vì nó làm nên một cái gì đó có tính cách độc đáo trong đạo của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Đó là sự tha thứ

I. Bài học hôm nay bắt nguồn từ câu hỏi của Phêrô.

Hôm đó Chúa dạy các môn đệ về cách phải đối xử với người có lỗi với mình. Đại ý Chúa bảo phải tha thứ cho những người lầm lỗi khi họ thực lòng thống hối ăn năn.

Cảm thông trước lời dạy của Chúa, Phêrô lên tiếng hỏi: “Lạy Thầy nếu người anh có lỗi với con, con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có phải đến 7 lần không ?”

Hỏi nhưng đã có sẵn câu trả lời.

Tại sao Phêrô dừng lại ở con số 7 như một định mức mà có lẽ ông cho là thế nào Chúa cũng sẽ bằng lòng ? Tha như thế đối với ông kể ra cũng là quá lý tưởng rồi.

Có lẽ để hiểu được Phêrô chúng ta hãy trở lại một chút về phía trước một chút.

– Trong Sách Khải Nguyên cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước đoạn 4,20 Lamek tuyên bố luật “rừng” thời bấy giờ như thế này: “Phải báo thù đến 7 lần”

– Bước sang thời của Moise thì chúng ta thấy đã có tiến bộ hơn một chút nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở hai tiếng sự công bình: Mắt thế mắt, răng đền răng.

– Tiến sang thời lập quốc và thời các ngôn sứ, chúng ta thấy một số các Rabbi Do thái đã có những lập trường thoáng hơn. Họ đã bắt đầu nói đến tinh thần bác ái mà sau này Chúa đã đẩy lên đến tột đỉnh và coi đó là con đường của Ngài.

Rabbi Hanina nói: “Ai xin người lân cận mình tha thứ, không được xin quá ba lần”. Rabbi Jehuna dạy: “Nếu một người phạm tội một lần, họ phải tha thứ cho người ấy. Hai lần, họ phải tha thứ cho người ấy. Ba lần họ cũng phải tha thứ cho người ấy. Nhưng lần thứ tư thì không được tha nữa.”

Các Rabbi lại dừng lại ở con số ba vì Tiên tri Amos khi nói về việc Thiên Chúa tha thứ cho những ai lỗi phạm đến Người, thì tiên tri đã nói Thiên Chúa chỉ tha thứ đến ba lần. Đến lần thứ bốn thì Ngài sẽ không tha thứ nữa mà sẽ trừng phạt.

Nếu Thiên Chúa đã làm thế thì con người không được phép “qua mặt” Người. Chính vì thế mà các Rabbi chỉ chấp nhận sự tha thứ đến lần thứ ba.

Chúng ta thường nói với nhau: “Quá tam ba bận”.

Như vậy khi Phêrô đề nghị tha đến bảy lần tức là gấp hai lần cộng một cái lằn mức của các Rabbi thì ông nghĩ là ông đã làm một cuộc cách mạng và chắc là Chúa phải bằng lòng và khen ngợi ông.

Chúng ta phải cám ơn Ông Phêrô. Bởi chính từ câu chuyện này mà chúng ta được Chúa dạy cho chúng ta một bài học thật tuyệt vời. Chúa không bảo phải tha đến bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy. Phải tha thứ luôn luôn và mãi mãi.

Tiến sĩ Morgan một trong những nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng nhất của thời đại nói: “Có lẽ chúng ta phải sống lâu lắm mới có dịp để tha thứ cho một người đến 490 lần”

II. Để cắt nghĩa bài học mà Chúa vừa đưa ta, Chúa đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất đẹp về ý nghĩa nhưng không được đẹp mấy về hình ảnh.

a/ Người đầy tớ của Vua trong dụ ngôn hôm nay vừa là con nợ vừa là chủ nợ.

– Anh ta là con nợ của Vua và là chủ nợ của bạn anh

– Với tư cách là con nợ anh chỉ là một người đầy tớ. Tương quan giữa anh và Vua là tương quan chủ nô.

– Với tư cách là chủ nợ anh là một người bạn. Tương quan giữa anh và bạn anh là tương quan huynh đệ. Một tương quan đẹp và cao hơn nhiều.

b/ Với tư cách là con nợ, món tiền anh mắc nợ rất lớn: 10.000 nén vàng.

Sử gia Joseph Flavius nói rằng: Món nợ này tương đương với 100.000.000Đ của người Do thái lúc đó. Và nếu cứ tính theo giá tiền công lao động lúc đó là 1đ/ngày thì số tiền đó tương đương với 100.000.000 ngày công. Đó là một món nợ lớn không thể tưởng tượng được. Đây là món nợ lớn hơn tiền chuộc một vị vua.

Người bày tôi trong câu truyện được Vua cho nợ một món tiền lớn như thế thật là truyện lạ lùng.

c/ Và với tư cách một chủ nợ, anh ta cho bạn của anh ta nợ 100 đồng….Một số tiền tương đương với 100 ngày công. Tỉ lệ 100/100.000.000. Một sự cách biệt khổng lồ.

d/ Bây giờ chúng ta coi cách nhà vua đối xử với anh và cách anh ta đối xử với bạn của anh ta như thế nào.

– Với tư cách là con nợ, khi anh bị đòi, anh không có gì trả, anh đã xin khất. Nói là khất cho đẹp chứ thực ra khả năng chi trả của anh có cả đời cũng không trả được.

Nhà vua quảng đại không những không bắt anh trả một đồng nào mà ngược lại còn tha hết nợ cho anh.

– Bây giờ đến lượt anh ta. Bạn anh mắc nợ anh 100 quan tiền

Anh đòi nợ. Bạn anh chưa có tiền để trả. Bạn anh van xin anh được khất lại một kỳ. Anh đối xử như thế nào thì tất cả chúng ta đã rõ.

Khi chú giải về đoạn Tin Mừng này, Cha Gutziller…:”Trước mặt Thiên Chúa con người phải điều chỉnh lại mối tương quan của mình đối với người khác. Thái độ của họ đối với anh em sẽ xác định thái độ của họ đối với Thiên Chúa. Người tín hữu khi biết Thiên Chúa đối xử tốt lành đối với mình mà còn tới gần anh em mình với tinh thần khắc nghiệt thì họ sẽ đáng sự trừng phạt của Thiên Chúa”

III. Hãy biết tha thứ kính thưa anh chị em. Hận thù chẳng để lại một ích lợi gì cho chúng ta, ngược lại nó còn làm cho cuộc đời của chúng ta mất đi những niềm vui mà đáng lý ra chúng ta luôn có.

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó nữa thì thay vì bố thí, người giàu có đã lấy một hòn đá ném vào người hành khất.

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục, nỗi căm hờn trong lòng ông sôi lên sùng sục . Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ:

– Tại sao ta lại mang nặng hòn đá từ bao nhiêu năm qua ? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ còn hơn cả ta.

Loren Fischer ““Ghim giữ nỗi đau hay là phóng thích nó bằng sự tha thứ ? Hai điều ấy khác nhau như là ban đêm ta nằm ngủ trên chiếc gối chĩa đầy gai nhọn hay trên chiếc gối phủ đầy những cánh hồng”

Và đây là Lời của Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”(Mt 7,36-38)

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và thứ hai là phải biết tụ họp lại mà cầu nguyện chung với nhau.

I. Trước hết là việc sửa lỗi.

Con người chúng ta chẳng ai mà không có lần lầm lỗi. Châm ngôn của người La Mã nói: “Lầm lỗi là bản tính của con người”. Lý do cũng dễ hiểu bởi vì loài người chúng ta “nhân vô thập toàn”. Chẳng ai trong chúng ta hoàn thiện đến mức độ không có một tật xấu nào.

Một nhà văn Pháp đã nói:

* Tuổi trẻ thì táo bạo,

* Người trưởng thành thì háo danh, kiêu căng

* Người già thì keo kiệt, khó ưa.”

Tóm lại: Không ai trong chúng ta hoàn toàn.

Và còn một điều này nữa cũng thường xảy ra. Đó là: cái xấu của ra, ta khó thấy….Còn cái xấu của người khác ta lại rất dễ thấy.

Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cảnh giác người ta: “Cái xà trong mắt ngươi, ngươi không thấy. Nhưng lại rất thấy thật rõ cọng rác nhỏ trong mắt nơi người anh em “(Mt 7,3).

Chính vì thế mà việc sửa lỗi cho nhau đã được Chúa coi như một điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn.

Bản thân ta nếu muốn thấy rõ mình, ta cũng cần phải nhờ đến người khác

“Người chỉ cho ta, mà chỉ phải, tức là thầy của ta.

Người khen ta, mà khen phải, là bạn của ta.

Còn người nịnh hót ta thì ta phải kể họ là kẻ cừu địch của ta”(Tuân Tử)

Vua Hoàn Công xưa là một người có một cuộc sống thật gương mẫu về vấn đề này.

– Vua chọn cho mình ba người bạn để ngồi chơi với mình.

– Vua chọn cho mình năm người để can ngăn mình khi mình có lỗi

– Và vua chọn cho mình 30 người để nhắc nhở cho mình mỗi khi mình có lỗi lầm điều gì.

Phải biết sửa lỗi cho nhau vì đây là một  nhiệm vụ chứ không phải chỉ là một lời khuyên. Lời Chúa qua miệng tiên tri Êzêkiel cũng nhấn mạnh điều đó: “Nếu ngươi không chịu lên tiếng nói để người gian ác từ bỏ đường lối của mình…mà người gian ác phải chết trong sự gian ác của nó thì Ta sẽ đòi máu của nó bởi tay của ngươi”(Ed 33,11)

Nhưng sửa bằng cách nào thì Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta. Những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng.

a/ Trước hết là tiếp xúc cá nhân. Đây là phương pháp hay nhất. Tuy nhiên phải rất khéo léo tế nhị và khôn ngoan thì mới thành công.

Thánh Phaolô đưa ra hai lời khuyên;

–  Với người trên ta phải năn nỉ.

– Với người dưới ta phải nhẫn nại khuyên lơn

Thánh Philipphê Nêri một ngày kia muốn sửa lỗi cho một người phụ nữ có cái tật hay nói hành nói xấu người khác. Ngài bảo chị ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi….sau đó hãy đem con gà đó đến gặp Ngài với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi đến gặp ngài. Người phụ nữ hơi thắc mắc nhưng vì lòng mến đối với thánh nhân nên cũng vui lòng làm như ngài đòi hỏi. Khi tới nơi, ngài không khuyên lơn gì cả mà lại ra lệnh cho bà đó trở về…. vừa đi vừa lượm lại cho ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt ở giữa đường.

Chúng ta thừa biết phản ứng của người phụ nữ đó như thế nào.

Sau đó ngài cắt nghĩa: “Những lời nói vu oan cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, khó mà con thể thu lượm lại được…chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà….của con vậy.”. Rồi ngài thêm “Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi….hãy cầu nguyện cho họ để họ biết sửa lỗi”.

b/ Tiếp theo là dùng những buổi sinh hoạt của cộng đoàn

Đây là hình thức rất được ưa chuộng ngày hôm nay. Những buổi chia sẻ lời Chúa. Những buổi tĩnh tâm, những buổi sinh hoạt tổ đều ít nhiều nhắm tới mục đích tìm ra những sai sót giúp nhau sửa lại những sai sót của mình trước mặt Chúa.

c/ Bước tiếp theo cực chặng đáng mới phải dựa vào sự phán xét của Giáo Hội.

Ngày kia vị Giám mục đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông đang chung sống với một phụ nữ mất nết. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng.

Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự việc. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Tìm mãi mà không thấy ai, dân lành đành ra về. Chờ cho mọi người đi ra hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ Linh hồn mình”.

II. Về việc cầu nguyện

Sau tất cả những “biện pháp như thế mà vẫn không có kết quả thì sao? Chúa bảo: “ Nếu họ không nghe….thì hãy coi họ như những người thu thuế và người ngoại giáo”(Mt 18,17).  Lời của Chúa có vẻ hơi khó hiểu. Phải chăng là tuyệt vọng? Không! Bằng chứng là trong Tin Mừng Chúa đã nhiều người tội lỗi trở thành  người công chính. Cụ thể như Matthêô tác giả bài Tin Mừng hôm nay.

Như vậy là còn một “chiêu” khác. Đó chính là sự hiệp lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện nhiều khi có một giá trị không ngờ.

Chúng ta hãy nghe những lời sau đây của Thánh Augustinô: “Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”

Thánh Têrêsa bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài.

Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:

– Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.

Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập hợp tất cả các tu sĩ lại, bảo:

– Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.

Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đổi mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.

Lạy Chúa Giêsu

Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con những điều kỳ diệu.

Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm chúng con gây ra cho nhau trở thành nguyên cớ cho những mất mát và phân ly.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương.

Xin cho chúng con biết hết lòng giữ gìn, chăm sóc, vun tưới cho cuộc sống hiệp nhất giữa những người con của Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vì chỉ có như thế chúng con mới xứng đáng là những người con và xứng đáng với tình yêu thương của Chúa mỗi ngày. Amen.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba dụ ngôn. Một dụ ngôn dài và hai dụ ngôn ngắn. Dụ ngôn dài được chính Chúa cắt nghĩa. Chúa cắt nghĩa cho các môn đệ nhưng cũng là cắt nghĩa cho chúng ta. Chúng ta cố gắng tìm hiểu cả ba dụ ngôn xem Chúa muốn nhắn nhủ gì với chúng ta.

1. Chúng ta bắt đầu với dụ ngôn hạt cải: “Nước trời giống như một hạt cải”

Qua dụ ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta về sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội.

* Như một hạt cải thật nhỏ bé được gieo vào lòng đất nhưng khi nó lớn lên nó có thể trở thành một cây thật lớn. Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo hồi còn làm Đức Ông ở Roma có gửi cho tôi một ít hạt cải ở Đất thánh. Nó thật nhỏ bé. Tôi có cảm tưởng như nó chỉ bằng một phần tư viên bi ở đầu mỗi cây viết Bic chúng ta sử dụng hằng ngày. Thế nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó từ từ nảy mầm, phát triển và lớn lên….đến độ chim trời có thể tụ tập nương náu dưới bóng của nó.

* Giáo Hội hay Nước Trời tại thế của Chúa một phần nào cũng giống như thế.

– Nước trời có một nguồn gốc rất khiêm tốn bắt đầu từ chính Chúa Giêsu mà Chúa Giêsu về cuộc đời của Ngài dưới con mắt trần thế thì quả thật chẳng có gì đáng giá và hấp dẫn: Sinh ra nghèo khó, sống cũng khó nghèo, đi giảng đạo thì gặp rất nhiều thất bại, rồi cuối cùng chết như một tên tử tội.

– Sau Chúa Giêsu thì một nhóm mô đệ cũng thật nhỏ bé: Chỉ có 12-13 người nếu kể cả Phaolô. Họ là những người như thế nào thì anh chị em cũng đã quá biết.

* Vậy mà Giáo Hội cứ tự lớn lên xuyên qua thời gian, trải qua không biết bao nhiêu gian nan khốn khó. Nếu cứ tự nhiên mà xét thì quả thật không hiểu nổi. Tới hôm nay thì Giáo Hội đã trở thành một cây thật lớn, đang làm nơi nương tựa cho hơn một tỷ người trong đó có chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn Chúa.

2. Nước trời được Chúa ví như men trộn vào bột.

* Như một chút men xem ra không có gì đáng chú ý được trộn vào bột…Chúa Giêsu nói đến 3 đấu bột….khoảng chừng 60-70 kilos vậy mà chỉ cần một lượng men thật nhỏ, chúng cũng có thể biến đổi cả một khối lượng bột lớn như thế và làm cho tất cả được dậy men.

* Tin Mừng Nước trời của Chúa cũng có một sức biến đổi phi thường như thế.

Những thế kỷ đầu tiên, khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào giữa trung tâm quyền lực của Đế quốc La Mã, Hoàng Đế Néron đã thấy được cái “nguy cơ quyền lực của đế quốc có thể bị ảnh hưởng, Ông đã phát động một phong trào trong toàn cõi đế quốc nhằm tiêu diệt hết nhưng người mà ông gọi là “Kitô”…nhưng rồi ông đã thất bại cho dù là sau đó bao nhiêu bạo chúa ở La Mã đã tiếp nối con đường của ông. Sau khi nhìn lại thời gian Giáo Hội bị tàn sát suốt 300 năm, vậy mà Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển, sử gia Tertulliano đã viết lên một nhận xét thật đẹp như thế này: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Đó là hai hình ảnh tôi nghĩ là rất đẹp về Giáo Hội hay Nước Trời của Chúa tại trần thế. Thế nhưng bên cạnh hai hình ảnh đẹp đó Chúa lại cho chúng ta thấy một hình ảnh khác chưa đẹp hay không đẹp tí nào.

3. Nước trời giống như một thửa ruộng vừa có lúa tốt nhưng cũng lại có cả cỏ lùng.

Về ý nghĩa dụ ngôn này thì chính Chúa đã cắt nghĩa. Ở đây tôi chỉ xin có một vài nhận xét thêm.

Thực tại Nước trời trong giai đoạn trần thế là một thực tại pha trộn. Rõ ràng trần thế nơi chúng ta, những con người đang sống là chỗ chung cho cả con cái của sự sáng và sự tối tăm. Vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây là ai là người được coi là tốt và ai là người bị coi là xấu. Trong bài dụ ngôn Chúa có nói tới tình trạng không khác nhau gì mấy giữa lúa và cỏ lùng và xem chừng như Ngài muốn giành độc quyền về sự phân loại cho Ngài khi Ngài đề cập đến vấn đề ấy chỉ xảy ra vào Ngày phán xét. Lúc đó thì mọi sự sẽ rõ ràng. Rồi cũng trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói tới sự kiên nhẫn của Ông chủ mà Ông Chủ ở đây rõ ràng là chính Chúa. Chúa có ý bỏ ngỏ vấn đề để buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thật khó mà đánh giá được ai là người thực sự tốt trước mặt Chúa và ai là người bị coi là xấu trước mặt Ngài.

Buổi tối nọ, một người đàn bà ngồi chờ chuyến bay tại phi trường. Bà biết phải chờ đợi lâu giờ nên đến hiệu sách mua một cuốn sách và một gói bánh, rồi ngồi đọc sách. Tuy cắm cúi đọc sách nhưng bà cũng nhận ra có người đàn ông ngồi bên cạnh. Và điều làm cho bà cảm thấy khó chịu là thỉnh thoảng ông đó lại lấy bánh trong gói bánh của bà ăn.

Cuối cùng gói bánh chỉ còn 1 cái. Bà để ý xem coi người đàn ông mất dạy đó làm sao. Ông ta lấy cái bánh cuối cùng đó bẻ làm đôi, mỉm cười trao cho bà một nửa, còn phần kia thì cho vào miệng. Bà nghĩ người đàn ông này thật là vô liêm sỉ, đã ăn hết gói bánh của bà mà không biết nói một lời cám ơn.

Bỗng có tiếng còi loan báo chuyến bay của bà đã đến giờ. Bà vội vàng thu xếp hành lý vào cổng lên máy bay. Sau khi ngồi vào ghế, bà kiểm tra lại hành lý thì thấy cuốn sách và gói bánh vẫn còn nguyên trong túi xách. Như vậy cuốn sách bà đọc và gói bánh bà ăn trong lúc chờ chuyến bay là của người đàn ông lạ mặt mà bà cho là vô liêm sỉ đó. Không còn giờ để xin lỗi người đàn ông đó, bà tự nhủ :

– Kẻ ăn cắp bánh và người vô liêm sỉ đó chính là ta!

Pascal nói: “Thường thì chúng ta hãy phân chia con người ra thành hai dạng: Những người thánh thiện và những kẻ tội lỗi. Tôi không dám nói sự phân biệt như thế là sự phân biệt không có cơ sở, nhưng tôi cho rằng sự phân biệt như thế là sự phân biệt rất tương đối và đôi khi có thể là một ảo tưởng. Chính nơi bản thân mỗi người chúng ta, chúng ta thừa kinh nghiệm để thấy rằng sự thánh thiện và tội lỗi đang cùng có mặt ngay trong mỗi người chúng ta”

Chỉ có lòng nhân từ của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta lớn lên trong ân nghĩa với Ngài và Ngài đang chờ đợi chúng ta như Ông chủ ruộng lúa đợi mùa gặt của mình.

Sau nhiều năm phải sống trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhemtsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau.

“Tôi đã học được một bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù.

Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên giới phân giai cấp hay các đảng phái chính trị, không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong lòng mỗi người.

Ngay trong những trái tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.

Và ngay trong trái tim tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.”

Lạy Chúa khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho.

Khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.

Và trong cuộc sống này xin cho chúng con đừng quá thiển cận, chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong và do đó mà chúng con mất kiên nhẫn.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết sống bao dung như Chúa vì Chúa vừa thấy được cả hiện tại lẫn tương lai, thấy được cả bề ngoài và thấy được cả bề trong.

Và khi cuộc đời của chúng con khép lại, xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.

Anh chị em yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một bài dụ ngôn rất quen thuộc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Đây là một trong những bài dụ ngôn hay nhất của Chúa. Chính Chúa đã đích thân giải nghĩa dụ ngôn này. Trong ít phút vắn vỏi này, Tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét để rồi mỗi người chúng ta có thể tự tìm ra cho mình những ý nghĩa có ích cho chính mỗi người chúng ta.

A. Dụ ngôn kể.

* Có một người ra đi.

Ra đi để làm một công việc. Ra đi để gieo hạt giống. Công việc xem ra rất tầm thường, nhưng kết quả của nó rất quan trọng vì nó đem lại lương thực nuôi sống con người. Không có lương thực con người không thể sống.

* Gieo ở đâu anh chị em?

+ Trong dụ ngôn Chúa bảo gieo ở một mảnh đất không được tốt lắm….

Tại sao thế? Thưa vì mảnh đất ấy có chỗ khô cằn như vệ đường. Lại có chỗ có nhiều gai góc. Có chỗ đầy sỏi đá. Rất may là có chỗ đất tốt.

Tôi thấy Chúa ở đất nước Do thái có được một chỗ để gieo như thế cũng là quí lắm rồi vì nước Do thái quê hương của Chúa là nước phần lớn là sa mạc.

B. Bây giờ ta xem kết quả như thế nào? – Kết quả rất khác nhau anh chị em. Tại sao thế ?

Hạt rơi vào mảnh đất khô cằn như vệ đường thì làm sao mà mọc lên được. Không mọc lên thì làm sao có kết quả. Nó sẽ thành mồi ngon cho chim trời mất.

Hạt rơi và chỗ đầy sỏi đá cũng vậy. Dù hạt giống có nảy mầm nhưng làm sao mà lớn lên được. Kết quả là cũng héo khô mà thôi.

Hạt rơi vào chỗ có bụi gai cũng như thế.

Chỉ có những hạt rơi vào đất tốt mới có thể đem lại kết quả. Chúa bảo có hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi và hạt được một trăm.

Tới đây thì anh chị em có thể thấy: Hạt giống có sinh hoa kết quả được hay không, không phải do người gieo, vì cùng một người.

Cũng không phải do thời tiết khí hậu. Vì thửa ruộng mà hạt giống được gieo vào tương đối nhỏ…khó có thể có sự khác biệt về khí hậu và thời tiết.

Vậy thì tại đâu anh chị em? Dụ ngôn không cho chúng ta những chỉ dẫn rõ ràng nhưng lại cho chúng ta những chi tiết thật thú vị …qua đó chúng ta có thể thấy được lý do tại sao. Chúng ta có thể nói trắng ra là tại nơi mà hạt giống rơi xuống. Tùy ở chỗ hạt giống rơi xuống có đủ điều kiện cho hạt giống nảy mầm, phát triển và đâm bông để hạt giống có đem lại kết quả tốt hay không.

  + Nơi đất khô, vệ đường….hạt giống không thể nảy mầm….tệ hơn còn bị chim trời đến ăn mất.

  + Nơi chỗ có sỏi đá. Có điều kiện để nảy mầm, nhưng không có điều kiện để phát triển…cho nên không thể đem lại kết quả.

  + Nơi đất có bụi gai…có điều kiện để bén rễ, nảy mầm nhưng vì bị chèn ép cho nên không thể phát triển đúng mức và vì thế hạt giống cũng không thể đem lại kết quả được.

  + Nơi đất tốt...hạt giống đủ điều kiện để nảy mầm, phát triển tốt và đã đem lại những kết quả rốt. Ở đây có một chi tiết khá thú vị….đó là kết quả không đồng đều…hạt được 30, hạt được 60 và hạt được 100. Chúa Giêsu bỏ ngỏ không giải thích tại sao lại có sự sai biệt về kết quả trong khi các hạt giống đã có cùng một điều kiện như nhau như thế này. Như vậy chúng ta thấy vẫn còn một yếu tố khác từ bên ngoài. Chẳng cần phải giải thích dài dòng chúng ta cũng có thể thấy được là đó chính là Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói “Apolo trồng, Phaolô tưới, Thiên Chúa cho mọc lên” Quan niệm thông thường của chúng ta cũng thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Đúng như thế anh chị em. Dù con người có tài tình tới đâu đi nữa mà nếu Thiên Chúa không ban ơn thì mọi sự sẽ thành vô ích. Bởi vậy lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến Chúa để biết ơn Người.

C- Áp dụng.

Chúa đã đến và gieo giữa lòng thế giới Lời Hằng Sống của Ngài. Nhưng có phải là Lời của Chúa lúc nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước hay không? Chắc là không. Có kết quả hay không hoặc kết quả nhiều hay ít là tùy ở thái độ và sự đón nhận của con người.

Ngay trong đời sống hằng ngày anh chị em cũng đã thấy điều đó.

Trong Tin Mừng anh chị em thấy có những con người mà lời của Chúa không thể có một chút ảnh hưởng gì tới họ. Đó là những người lòng chai dạ đá, đầu óc đã có sẵn những thành kiến, những ý nghĩa xấu đối với Chúa. Họ đã trở thành chai lỳ…..và hạt giống Lời Chúa không những đã không gây được một ảnh hưởng tốt nào mà ngược lại còn làm cho họ chai lì thêm.Trong Tin Mừng ta thấy một số những người Biệt phái và luật sĩ thuộc vào hạng người này.

Cũng có những người nghe Lời của Chúa mà chẳng hiểu….Anh chị em nhớ lại lúc Chúa giảng bài giảng về bánh hằng sống….Một số môn đệ đã phản ứng rồi sau đó họ đã bỏ Chúa.

Một số khác có đón nhận nhưng như Chúa nói những lo lắng trần gian làm cho Lời Chúa không thấm nhập được vào lòng họ……Anh chị em hãy nhớ câu chuyện của chàng thanh niên giàu có….Anh ta đã bỏ cuộc trên con đường theo Chúa mặc dầu anh rất mến Chúa.

Một số người khác thì có những kết quả thật đẹp. Chúng ta có thể kể ra ở đây trường hợp của đa số các môn đệ của Chúa, trường hợp của Maria Madalena, trường hợp của Giakêu, trường hợp của Nicôđêmô…. và sau này …Augustinô, Phanxicô Xaviê, Têrêsa Hài đồng Giêsu….vv.

Tôi kể cho anh chị em câu chuyện này:

Ngày nọ, một tu sĩ dòng Thánh Phanxicô đến thăm một gia đình. Thấy bà chủ nhà đang khóc, ngài hỏi:

– Có chuyện gì mà buồn phiền vậy?

Bà ta trả lời:

– Thưa, thầy chồng con thường hành hạ con, đôi khi còn đánh đập nữa.

Vị tu sĩ nói:

– Tôi biết bà là một người tốt, vì thế tôi xin tặng cho bà một liều thuốc kỳ diệu.

Người đàn bà thắc mắc hỏi lại:

– Thưa thầy, thuốc gì vậy?

Tu sĩ trả lời:

– Đây bà cầm lấy chai nhỏ này. Mỗi khi chồng ba nổi cơn lôi đình, bà cứ ngậm một hớp nước kỳ diệu chứa trong chiếc chai này cơn giông tố sẽ tan biến một cách huyền nhiệm.

Bà chủ nhà ấy đã thi hành như lời vị thầy tu đáng kính truyền dậy. Do đó, mỗi khi ông chồng nổi cơn la lối om sòm, bà liền kín đáo ngậm vào miệng một hớp nước trong chiếc chai, và đương nhiên bà không thể mở miệng để trả lời. Thấy vợ hiền lành và lặng thinh, ông chồng bình tĩnh trở lại và cơn giận cũng tan theo mây khói ngay lập tức.

Ít lâu sau, vị tu sĩ trở thăm và hỏi:

– Liều thuốc của tôi có hiệu nghiệm chút nào không?

Bà chủ trả lời:

– Thưa thầy, ngậm lâu trong miệng ngụm thuốc của thầy cũng có lúc làm con hơi mệt, nhưng hiệu quả thì thần diệu quá sức. Thầy ạ !

Vị tu sĩ chậm rãi bảo:

– Chắc chắn rồi, nhưng chẳng phải nước lạ chi đâu, chỉ là nước lã bình thường thôi đấy, nước của sự nhẫn nại và chịu đựng, nước của sự hiền hòa bao dung. Tôi có sẵn một chai nước như thế nữa cho chồng bà nữa đây.

Tôi đố anh chị em tâm hồn của người đàn bà trong câu chuyện này thuộc về loại đất nào trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe?

– Vệ đường?

– Đất có sỏi đá?

– Đất nhiều gai góc?

– Đất tốt?

………………

Anh chị em hãy xin Chúa biết tâm hồn chúng ta thành mảnh đất tốt để cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả và làm cho cuộc đời của mỗi người chúng ta xứng đáng với lòng yêu thương của Chúa hơn. Amen.

Anh chị em thân mến,

Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa muốn đề cập đến hai đức tính cần thiết mà người mỗi người theo Chúa phải học để có thể thành công trong cuộc đời của mình nhất là trong cuộc đời truyền giáo. Hai tính ấy là hiền lành và khiêm nhường.

1/.Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành.

Đây là mối phúc thứ hai của Chúa Giêsu trong hiến chương Nước Trời:

“Phúc cho những kẻ hiền lành.

Vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,4).

Nhiều người cứ tưởng hiền lành là yếm thế, là nhu nhược, là yếu đuối, để mặc kệ cho người ta phá hoại, mặc cho bất công hoành hành, mặc kệ cho tội ác phóng túng…!

Không! Không phải như thế mà hiền lành ở đây là một hành vi cao cả, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người có tội để họ biết đường quay trở về.

Hiền lành chính là sức mạnh, sức mạnh của giọt nước làm thủng đá, của khí trời làm gãy sắt…

Thánh Phanxicô Salesiô quả quyết: “Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ”.

Vâng! Chỉ có những tâm hồn mạnh mẽ thật, biết xả kỷ, biết tự chủ, biết tự thắng mình mới có thể sống hiền lành được.

Một bữa kia, Socrates có người bạn đến rủ ông đi công việc sớm một chút. Bà vợ ông thấy vậy la lối gầm thét om sòm. Socrates vẫn thản nhiên. Nhưng khi ông vừa bước ra khỏi cửa thì bà vợ đứng trên lầu đổ một thau nước bẩn xuống đầu ông. Các bạn ông thấy vậy tỏ dấu bất bình, phản đối… Nhưng Socrates chỉ cười và nói:

– Thế có gì lạ đâu! Hễ trời gầm thì thế nào mà chẳng có mưa!

Rồi ông thản nhiên trở vào nhà thay quần áo.

Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, là bậc thầy về sự hiền lành, là cha chí ái của chúng ta, để học lấy cái sức mạnh của sự hiền lành, cái sức mạnh của con người biết lấy ơn trả oán, biết xả kỷ mưu cầu ích chung, biết bình tĩnh trước mọi xúc phạm, ngược đãi…cái sức mạnh mà Chúa đã kéo về với Chúa đến hơn 1/3 nhân loại.

Bắt chước sống hiền lành như Chúa, chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, trước hết là cái phúc được sống an vui trong lòng, được gieo an vui cho mọi người chung quanh, và cái phúc chiếm được lòng mọi người.

Thánh Phanxicô Salésiô một lần kia bị sỉ nhục một cách thậm tệ nhưng ngài vẫn chịu đựng. Người anh của Ngài thấy vậy tỏ ý không bằng lòng với thái độ mà ông coi như là “nhu nhược” như thế. Thánh nhân cắt nghĩa:

– Anh ạ. Ai cũng có máu Ađam cả. Em cũng bực tức và cũng giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo “Này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng nói, đừng mở gì ráo. Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật thì bắt được cả một bầy ruồi, chứ lấy cả một thùng giấm cũng chẳng bắt được một con”

Và đây là những lời còn táo bạo hơn: “Nếu kẻ thù móc mắt bên phải của tôi, tôi vẫn có thể dùng con mắt trái để mỉm cười với họ. Nếu họ móc cả mắt trái của tôi, tôi vẫn còn mãi trái tim để yêu mến họ”

  2/”Hãy học cùng Tôi vì Tôi khiêm nhường”.

Thánh Phaolô đã từng ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Kitô như thế này: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” (Pl 2,6-7). Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR nổi tiếng cũng đã phải sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô. Ông đã đặt vào môi miệng của Ben Hur những lời sau đây lúc anh phải chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuđa phản nộp và bị các tên lính bắt trói điệu Chúa đi. Anh hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi:

– Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không?

Đức Giêsu lặng thinh.

– Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không?

Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.

– Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy…

Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên:

– Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì?

Thông điệp mang một ý nghĩa gì ư? Đó là “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại thường đưa đến những thất bại trong cuộc sống.

Khi đưa quân qua đánh Nga, hoàng đế Napoléon của nước Pháp đã mơ tưởng đến việc có thể thu phục được cả Ấn độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: “Thiên Đàng là của Chúa, trái đất là của ta”. Thế nhưng thật là mỉa mai chính vì trận đem quân đánh Nga này mà nhà vua đã mất ngôi báu. Và sau trận thất bại của nhà vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một hình bàn tay đưa qua đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này: “Cái lưng là của mi, cái roi là của Ta”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ khi bị tù đày ở đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ về những lời này của Chúa: “Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

Mẹ Têrêsa viết: “Nếu sống khiêm nhường, không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm chúng ta nản lòng, ai khen tụng, chúng ta không tự mãn “. – “Khiêm nhường là nẻo đi đúng đắn. Chính con đường khiêm nhường sẽ làm ta nên giống Đức Giêsu hơn.”

Một buổi chiều nọ, thánh Macariô một con người luôn được sống thân tình với Chúa, trở về căn buồng chật hẹp của mình, tay ôm nặng những ngành lá vạn tuế. Satan hiện đến trước mặt Ngài và nói.

– Hết mọi việc ông làm tôi cũng làm cả: ông ăn chay, tôi đây có ăn gì đâu, ông thức khuya, tôi chẳng hề ngủ. Ông đã từ bỏ của cải, tôi thì vẫn sống nghèo. Chỉ có cái này tôi không có, và chính vì thế ông vẫn làm cho tôi khó chịu.

– Cái chi thế, thánh nhân hỏi.

– Sự khiêm nhường

Nói đoạn, quỉ biến mất.

Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.