Câu chuyện chúng ta vừa nghe là một trong những câu chuyện hay nhất ở trong Tin Mừng. Hay không phải ở bối cảnh cũng không phải hay ở trong tình tiết mà là ở chỗ nó có một ý nghĩa đặc biệt, nó gói ghém một sứ điệp Chúa muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.

1/ Như anh chị em đã biết ngay sáng ngày thứ nhất trong tuần, Tin Mừng Phục sinh đã được loan báo cho nhóm 11 và một số người khác trong đó có cả hai môn đệ được Tin Mừng hôm nay nhắc tới – thì ngay chiều hôm đó hai ông này đã rời bỏ Jêrusalem để đi về Emmau một địa danh cách Jêrusalem khoảng chừng 11 cây số.

Tin Mừng không cho chúng ta biết lý do tại sao họ lại bỏ Jêrusalem vào lúc sự việc còn tranh tối tranh sáng như thế. Cứ theo những lời họ nói thì ta phải kết luận là họ thất vọng. Hoàn toàn thất vọng. Họ muốn bỏ cuộc. Bây giờ thì họ đang ở trên đường con đường, với một tâm hồn nặng trĩu một nỗi u buồn và những bước chân thật nặng nề và chậm chạp. Cha Thành Tâm gọi là “lê bước chân buồn đường dài”.

Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Những chuyện họ nói cũng chẳng có gì là hào hứng. Toàn là một màu ảm đạm và u buồn.

Rồi khi Chúa hiện ra nhập bọn cùng đi với họ…sự việc đó cũng chẳng làm cho họ thay đổi gì. Khi Chúa hỏi họ: “Các bạn có chuyện gì vừa đi vừa đàm đạo với nhau mà buồn thế… ?” thì họ sẵn sàng bộc lộ tất cả những gì họ đang nghĩ “Sự việc liên can đến Ông Giêsu thành Nazareth..”.. Họ kể cho người khách lạ khá rõ và khá chi tiết về ý nghĩ của họ đối với Ngài và về những sự việc có liên quan đến Ngài mới xảy ra. Họ cũng chẳng sợ hãi mà dấu diếm cả những mong đợi thầm kín nhất mà họ đã đặt ở nơi Ngài: “Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Ngài sẽ cứu Israel” (Lc 24,21) và bây giờ thì chấm dứt tất cả. Trước kia họ có hy vọng. Bây giờ thì không…thậm chí có thể còn là thất vọng. Cái chết của Đấng mà họ đặt niềm hy vọng giờ thì đã làm thay đổi tất cả. Ánh sáng mới loé ra bây giờ đã vụt tắt. Hy vọng mới ló dạng giờ đây đã tiêu tan và trước mắt chẳng có gì sáng sủa. Tương lai lại trở về với mù tối, u buồn và chán nản. Kiếp sống nô lệ tủi nhục chưa tìm được lối ra. Tất cả những gì mà người ta đồn về Ngài chẳng có gì đáng tin….Thế là hết . Đổ vỡ tất cả. Tan tành tất cả.

2/ Đứng trước thái độ thất vọng như thế, Chúa xử trí ra sao ?

Lúc đầu xem ra có vẻ Chúa hơi buồn: “Ôi những người khờ dại sao mà chậm tin những điều các tin tiên tri đã nói như thế ?”. Lúc sinh thời cũng đã có lần Chúa phàn nàn về sự chậm tin của các Tông đồ như vậy. Thế nhưng đó chỉ là những phản ứng rất chóng qua.

– Sau đó Chúa kiên nhẫn giúp các ông tìm lại niềm tin của mình. Thánh Luca đã cho chúng ta một chi tiết rất nhỏ nhưng khá thú vị. Đó là Chúa “bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri giải thích cho các ông tất cả các lời Thánh Kinh ám chỉ về Ngài” (Lc 24,27). Luca bảo Chúa dùng “Tất cả những lời Kinh Thánh có liên hệ đến Ngài … để giải thích cho hai môn đệ mà Ngài gọi là chậm tin. Chúa không hề nhắc tới bất cứ một chứng cớ nào vừa mới xảy ra. Chúa chỉ dùng Thánh kinh. Đó là công việc Chúa làm cho hai môn đệ đang lúc đi đường.

Sau đó Chúa còn dùng thêm một gợi ý khác và chính nhờ công việc này mà hai môn đệ đã nhận ra Thầy chí Thánh của mình dễ dàng hơn. Tin Mừng kể sau khi cả ba đã vào quán trọ, trong khi bẻ bánh, Chúa đã làm lại một cử chỉ mà trước đó Chúa đã làm trong những giờ phút cảm động nhất cuối cuộc đời của Ngài. “Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai Ông”.(Lc 24,30)..y như Chúa đã trao cho các Tông đồ trong bữa tiệc ly lúc Chúa lập Bí tích yêu thương. Và như Tin Mừng ghi lại “Lập tức hai Ông nhận ra Chúa. Nhưng ngay sau đó thì Chúa biến đi”. (Lc 24,31)

Dù Chúa đã biến đi, nhưng chúng ta thấy hai môn đệ đã tỏ ra hết sức vui mừng. Và ngay trong đêm tối các ông đã hối hả gấp rút trở về Jêrusalem để báo tin vui cho các tông đồ. Thật là một niềm vui không thể không chia sẻ với người khác. Tin Mừng không cho chúng ta biết gì về cuộc sống của hai môn đệ sau đó. Nhưng chúng ta có quyền mà nói rằng chắc chắn họ sẽ nhìn cuộc sống với một cặp mắt khác hơn…không u ám xám xịt như trước, không còn thất vọng như trước nhưng tràn đầy niềm tin, ngập tràn hy vọng. Vì cuộc sống đã có Chúa.

3/ Nói tới đây tự nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện rất hay mà mỗi khi đọc bài Tin Mừng này người ta hay nhắc đến. Chuyện kể rằng có một người thanh niên kia phải thực hiện một chuyến đi dài. Trong chuyến đi này có lúc anh phải đi ngang qua rất nhiều nơi. Một ngày kia anh phải băng qua một bãi biển có nhiều nguy hiểm. Dầu vậy anh cũng rất an tâm vì Chúa hứa cùng đi với anh. Tuy Chúa không hiện hình như một người bình thường anh vẫn có thể nhận ra Ngài qua những dấu chân được in trên cát. Hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Nhưng rồi tới một đoạn đường nọ anh gặp một cơn thử thách rất nặng nề. Nhìn xuống anh chỉ thấy có hai bàn chân in trên cát. Dầu sao thì anh vẫn dồn hết sức can đảm để tiến lên. Khi cơn thử thách đã qua, nhìn xuống anh lại thấy đủ bốn dấu chân in trên cát như trước. Anh có vẻ hơi buồn với Chúa cho nên anh đánh bạo hỏi Ngài:

“Thưa Thầy, lúc đó Thấy ở đâu ? Sao lại để con đi có một mình ?”

Chúa nhỏ nhẹ nói với anh: “Con hãy quay lại nhìn kỹ xem…đó là vết chân của ai ?”

Nhìn kỹ lại thì anh thì thấy đó không phải là vết chân của mình mà là vết chân của Chúa.

Thắc mắc anh hỏi Chúa: “Vậy lạy Thầy, lúc đó con ở đâu ?”

Chúa nhìn anh với cặp mắt đầy lòng yêu thương và trả lời: “Con ạ. Lúc con gặp khó khăn. Thầy biết con không đủ sức chịu đựng. Vì thế Thầy đã cõng con trên lưng của Thầy”

Câu chuyện phát xuất từ nước Brazil tận Nam Mỹ nhưng nội dung của nó cũng thật gần gũi với chúng ta.

Hai câu chuyện: một là câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau và hai là câu chuyện của một chàng thanh niên. Hoàn cảnh, không gian, thời gian tuy có khác nhau nhưng ý nghĩa của nó sao mà giống nhau quá.

Đời sống mãi mãi là cuộc hành hương. Trên con đường hành hương ấy chẳng thiếu gì những khó khăn, nhiều khi còn có cả ngã quỵ và đổ vỡ. Đừng tìm cách lẩn trốn những khó khăn. Cũng đừng quá quan trọng hóa những ngã quỵ và đổ vỡ. Cuộc đời làm sao tránh được những thất bại, làm sao tránh được những khổ đau, làm sao tránh được những lúc buồn lòng. Điều cần là tin vào Chúa. Không phải một Thiên Chúa xa vời chẳng ăn nhằm gì tới cuộc sống mà là một Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong những bước đi của cuộc sống làm người. Không phải vô tình mà khi cắt nghĩa cho hai môn đệ đi đàng Emmau, Chúa đã dùng Kinh Thánh và dấu chỉ Bí tích Thánh thể để giúp họ nhận ra Chúa. Qua câu chuyện hai môn đệ đi đàng Emmau Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: Chúa cũng đang ở thật gần chúng ta. Vô hình vô tượng nhưng đầy tình thương. Ngài luôn đồng hành với chúng ta. Hãy tin tưởng ở Ngài và hãy can đảm bước đi những bước vững vàng và thanh thản trên con đường phục vụ để làm nên ý nghĩa cao cả cho cuộc đời và xứng đáng là môn đệ của Chúa Phục Sinh. Amen.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các tông đồ của Ngài. Hai cuộc hiện ra này cách nhau 8 ngày :

Trong lần hiện ra thứ nhất, Đức Giêsu cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, thấy những vết thương Ngài đã chịu trong cuộc chịu nạn. Qua những dấu chứng đó, các tông đồ đã nhận ra Chúa. Các ngài rất vui mừng. Chúa Giêsu đã chúc bình an cho các ngài, sự bình an mà các ngài đã làm mất khi chứng kiến cuộc khổ nạn và nhất là cái chết của Chúa trên Thập Giá. Rồi ngay sau đó Chúa đã ban Thánh Thần và sai các ngài đi (nhưng chưa nói là đi đâu và đi để làm gì).

Lần hiện ra này, có đông đủ các tông đồ nhưng không có mặt của Tôma. Tin Mừng không cho chúng ta biết lý do tại sao ông Tôma không có mặt cùng với anh em của mình khi Chúa hiện ra như thế.

– 8 ngày sau, Đức Giêsu lại hiện ra lần thứ hai. Lần này Tôma cũng có mặt. Chúng ta không thể tưởng tượng được niềm vui của các tông đồ lớn như thế nào. Khi Chúa Giêsu hướng cái nhìn của Chúa về phía Tôma thì, mọi cặp mắt của các tông đồ cũng đều hướng về đó. Các ngài sốt ruột chờ đợi. Một sự “Sự phán xét” của Chúa chăng?. Làm sao mà các tông đồ quên được thái độ khép lòng và hoàn toàn không tin của Tôma. Thế nhưng Chúa đã làm gì? Không một lời khiển trách nặng lời.

Dường như Chúa đã chào thua khi bảo Tôma hãy đưa tay ra mà chạm trực tiếp vào các vết thương của Chúa. Trước thái độ quá bất ngờ ấy, Tôma chỉ còn cách nói lên niềm tin của mình bằng những lời tuyên xưng thật đẹp. Đây mới là lời tuyên xưng mà Chúa chờ đợi từ bao nhiêu năm nay: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,29). Với lời tuyên xưng này, Tôma đã vươn tới tầm cao mới của đức tin: tin mà không cần thấy.

Như thế qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, nghĩa là tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao hơn: tin mà không cần thấy, nghĩa là tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.

Theo Đức Giêsu thì mức độ thứ hai là cao hơn. Ngài kêu gọi chúng ta – qua lời nói với Tôma – hãy cố vươn lên mức độ cao ấy : “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin” (Ga 20,28).

Miguel de Unamuno viết: “Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi”.

Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên: “Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người. Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau”. Cha Michel Quoist có viết: “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Ngài để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô”.

Cách đây không lâu, trên chương trình truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử án rất cảm động. Số là cách đây 19 năm, một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai nạn và làm cho em bé tên Joseph V. mới được một tuổi phải mang thương tật suốt đời.

Suốt 19 năm qua, bé Joe, tên “cúng cơm” của Joseph V, nay là một thanh niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng tủi hờn. Đi đâu cũng bị kinh tởm ruồng rẫy. Gia đình cũng đã phải chia sẻ nỗi đau khổ không kém.

Mới đây, người tài xế, sau thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại và đem ra xét xử. Tại toà, trước khi vị chánh án buộc tội, các nạn nhân và những người liên hệ được phép tiến lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Joe. Nhiều tâm tư – căm thù, uất hận, thương cảm – đã được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm cho tôi khó quên.

Người bố của anh Joe tiến lên trước toà và nói: “Trong suốt 19 năm qua, tôi không biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết. Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá, bởi vì sau khi tai nạn xảy ra hai cánh tay con tôi bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay. Gương mặt bị phỏng nặng và biến dạng. Môi cũng như mí mắt không còn nữa. Da thì chảy ra nên không còn hình thù của một gương mặt con người, đến nỗi các đứa bé khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ. Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh tởm hất hủi. Cho nên tôi không biết có nên cầu cho nó sống không. Còn cầu cho chết thì tôi không thể, vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết được hết”.

Đến phiên người mẹ của Joe bước lên trước máy vi âm. Bà nói: “Trong suốt 19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau của con tôi. Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe hỏi tôi: “Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con không mọc ra hả mẹ?” Hay lúc được 8 tuổi, bé đã thắc mắc: “Mẹ ơi, sao da của con không được trơn như của mẹ hay của mấy em vậy?’” Người mẹ vừa thổn thức vừa nói tiếp: “Tôi không biết phải trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà khóc, mà thương nó thôi.”

Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên để nói những lời có tính cách quyết định cho bản án. Anh hướng về phía người tài xế và nhẹ nhàng nói: “Thưa ông, nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết thúc đời mình từ lâu rồi. Đời tôi sẽ bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong gương và thấy được nét mặt kinh khủng của mình. Nhưng tôi không muốn hủy diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét. Tôi không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông. Tôi chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này: bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng hãy biết rằng ơn phúc của Thượng đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta.”

 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Chúa đã sống lại. Một Tin mừng vĩ đại cho cả loài người. Đức Cha Bossuet, một nhà giảng thuyết lừng danh của Pháp cho rằng biến cố Phục sinh là: “một biến cố cột trụ của Lịch sử”. Sử gia Daniel Rops thì nói: “Người ta chỉ có thể phủ nhận sự kiện Phục sinh nếu không còn Phúc âm” Còn J.J. Rousseau một nhà văn lớn của Pháp phát biểu như thế này: “Nếu đời sống và sự chết của Socrate là đời sống và sự chết của một nhà hiến triết thì đời sống và sự chết của Đức Giêsu quả là đời sống và sự chết của một Đức Chúa trời”. Vâng Chúa đã sống đời sống của một Đức Chúa Trời và Chúa cũng đã chết như một Đức Chúa trời.

I. Chúa đã chết như một Đức Chúa Trời.

* Với tất cả những ai làm người: chết là hết. Tài giỏi như Alịchsơn Đại đế, thông minh như hoàng đế Napoléon, thánh thiện hiền lành như Khổng Phu Tử như các bậc thánh hiền trong Thiên hạ, ác độc tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, như Hitler, giàu có và tài giỏi như Salomon….tất cả đã qua đi và thành tro bụi.

Có lần Napoléon đã than thở như thế này: “Bây giờ ta ở trên cù lao Saint Hélène này. Trong cơn hoạn nạn, những kẻ nịnh hót ta ở đâu ? Chúng biến mất cả rồi ư ? Ai còn nhớ tới ta ? Những bạn thân thiết của ta ở đâu ? Sao lại chỉ có mấy người nghĩa tín với ta cho đến chết vậy ? Chỉ có các ngươi chia sẻ cảnh lưu đày với ta hay sao ?- Chỉ còn một thời gian ngắn ngủi nữa là xác của ta sẽ bị chôn vùi xuống đất làm mồi cho sâu bọ. Cái khốn khổ của ta thật khác xa biết bao với cái thế giới bất diệt của Chúa Cứu Thế mà ngày nay người ta vẫn còn rao giảng, vẫn còn yêu quí, vẫn còn thờ lạy Ngài. Như vậy thì có phải là cái chết hay là sự sống. Nếu Ngài đã chết thì đó phải là cái chết của một Đức Chúa Trời”.

* Vâng, Chúa chết như một Đức Chúa Trời.

Trước khi chịu chết, Ngài đã nói thật rõ Ngài sẽ chết khi nào, chết ở đâu, chết như thế nào và chết do bàn tay của ai.

Ngài chết chỉ vì Ý của Thiên Chúa Cha muốn như thế và Ngài cho phép sự chết đến với Ngài khi Ngài muốn.

+ Nhiều lần chính những người Do Thái đã muốn giết Ngài, nhưng Ngài đã chẳng hề hấn gì.

+ Hêrôđê bắn tiếng đe dọa Ngài, Ngài thẳng thắn trả lời cho ông ta biết: “Hãy về bảo cho con cáo già đó là giờ của Ta chưa đến” (Lc 13,32).

+ Tại vườn cây dầu, ba lần quân lính đã ngã xuống đất khi Ngài mới chỉ xác nhận “Ta đây”.

+Trước mặt quan tổng trấn Philatô…..Chúa đã thẳng thắn trả lời cho Ông: “Nếu từ trên chẳng ban cho ông thì ông chẳng có quyền gì đối với tôi” (Ga 19,11)

+ “Ta có quyền thí mạng sống để rồi lấy lại” (Ga 10,17)

2. Chúa đã chết như một Đức Chúa trời và cũng đã sống lại như một Đức Chúa Trời.

* Trước khi chết Ngài đã làm những phép lạ dọn đường:

+ Cho con gái ông Giairô vừa chết được sống lại.

+ Cho người thanh niên con một bà góa thành Naim đã chết đang được đem đi chôn sống lại.

+ Và đặc biệt nhất là phép lạ cho Lazarô đã chết, đã chôn được 4 ngày sống lại.

* Ngài đã tuyên bố thật rõ ràng và dứt khoát

+ “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày thế nào thì Con người cũng ở trong lòng đất ba ngày như vậy” (Mt 12,40)

+ “Cứ phá hủy đền thờ này đi nội trong ba ngày ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19)

Vâng Ngài đã sống lại thật như lời Ngài đã nói. Đó là một sự thật còn được rao giảng cho mọi người cho đến hôm nay.

Renan: “Ngoài sự thật thì chẳng có gì đứng vững. Mọi điều có liên hệ với sự thật cùng thế. Chúng như một vốn thật nhỏ bé, nhưng khi đã liên hệ với sự thật thì nó sẽ không bao giờ bị hao hụt đi. Trái lại, giả trá sẽ sụp đổ vì nó không có nền tảng. Sự thật tuy là một lâu đài nhỏ như được xây trên nền tảng cốt sắt cứ cao lên mãi”.. D.Rops: “Đó là một điều đáng kể”

II. Lịch sử thuật lại rằng: Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân của Napoléon và quân địch, trận chiến càng về khuya càng ác liệt và phần thắng dần dần nghiêng hẳn về phía địch. Quân của Napoléon chết rất nhiều, hàng ngũ rối loạn mặc dầu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng rời rạc. Nhìn rõ thế trận, Napoléon biết phải làm gì. Vua gọi tên lính thổi kèn lại gần và ra lệnh: “Hãy thổi kèn lui binh vì quân ta chết quá nhiều”.

Tên lính trẻ được lệnh, nhảy thót lên ngựa, phi nhanh ra giữa trận, và đưa kèn lên thổi hồi kèn thúc trận một cách mạnh mẽ. Quân của Napoléon đang mệt mỏi và thất vọng, nghe tiếng kèn thúc quân, tưởng là có viện binh tới giúp, chồm dậy phản công kịch liệt. Kèn cứ thổi, đám tàn quân vươn mình lên vừa đánh vừa la hét. Kết quả: thế trận hoàn toàn thay đổi. Quân của Napoléon toàn thắng một cách bất ngờ. Nhưng ngay sau đó, hoàng đế Napoléon sai bắt tên lính kèn kia lại, và khiển trách y rất nặng nề về tội bất tuân thượng lệnh. Anh lính bình tĩnh tâu: “Muôn tâu đức vua, từ khi được theo bước chân ngài trong binh lửa, và chiến đấu trăm trận đều trăm thắng cho nên hạ thần đã quên hẳn bài kèn rút lui rồi!”

Kính thưa anh chị em!

Quyền năng của Chúa Phục Sinh hôm nay đã tỏa lan trên toàn thân thể mầu nhiệm của Ngài trong đó có cả chúng ta. Không một quyền lực nào có thể ngăn cản được sự đắc thắng ấy.

Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã viết: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng ta được tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô”.(2 Cr 2,14). và Ngài cũng viết cho môn đệ yêu quí của mình là Timôthê thế này: “Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí làm ta nhút nhát, nhưng là Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ”. (2Tm 1,7).

Hãy cảm tạ Chúa và tiến bước trong tinh thần đắc thắng:

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Mẹ thánh Têrêsa:

“Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của Thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy cho chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình cũng như những ước muốn ích kỷ của mình.

Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn.

Xin lấy niềm vui của Chúa mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa mọi người. Amen.

Anh chị em thân mến,

Bài Thương khó hôm nay tương đối khá dài và tự nó đã nói lên rất nhiều ý nghĩa cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên tôi cũng xin được chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ của tôi. Đọc bài Thương khó hôm nay, tôi thấy có một vài điểm rất đáng cho chúng ta suy nghĩ

1. Điểm thứ nhất là lòng dạ của con ngưi. Lòng dạ con người sao mà dễ thay đổi quá. Chỉ trong một thời gian không đầy một tuần lễ mà chúng ta được chứng kiến bao nhiêu cảnh thay lòng đổi dạ của con người dối với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.

          a/ Trước hết là đám đông quần chúng

Lúc Chúa vào Thành thánh Giêrusalem, chúng ta không thể tưởng tượng được thái độ của họ vui mừng đến như thế nào. Họ sẵn sàng cởi áo trải xuống lót đường cho Chúa đi qua. Họ bẻ cành cây đầy lá giơ cao để đón mùng Chúa. Miệng của họ hò la đến vang trời dậy đất khiến nhà cầm quyền lúc đó cũng cảm thấy rúng động. “Hoan hô con Vua Đavid…Hoan hô….Hoan hô…Vạn tuế….Vạn tuế …Vạn tuế con Vua Đavid ….Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa đến cùng chúng tôi”

Nhưng rồi cũng lại hầu hết những con người này, chỉ mấy ngày hôm sau lại gân cổ lên mà la thật to rằng “Hãy đóng đinh nó vào Thập giá, hãy đóng đinh nó vào Thập giá”- Và cả sau khi Chúa chịu đóng đinh rồi họ cũng vẫn chưa chịu buông tha cho Chúa: “Hãy xuống khỏi Thập giá đi để chúng ta tin nào…Kẻ đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình…..Xuống khỏi Thập giá đi…Xuống khỏi Thập giá đi.”.

Ôi lòng dạ của con người sao mà chóng đổi thay đến như thế.

 b/ Thứ đến là lòng dạ của một người môn đệ đã được Chúa dành cho nhiều tình thương. Người đó là ai thì tất cả chúng ta đều đã biết: Giuđa. Vâng Giuđa đã phản bội. Tin Mừng đã ghi thật rõ “Giuđa tên phản bội”. Lòng dạ của Giuđa thật ích kỷ và hẹp hòi. Anh ta đã được Chúa thương, thương hơn nhiều môn đệ khác. Anh đã được Chúa tín nhiệm, tín nhiệm hơn những anh em khác, Chúa trao cho anh quản lý tất cả những gì Chúa có. Chúng ta có thể nói như thế. Anh đâu dó thiếu gì vậy mà anh đã phản bội. Chúa rất buồn với anh, buồn tới mức độ Chúa phải thốt lên một lời, một lời mà trong suốt cả cuộc đời của Chúa, Chúa không hề nói với bất cứ một ai: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” Thật là xót xa cho Chúa, cho Người Thầy chí Thánh của anh, anh Giuđa ạ

c/ Một số các nhân vật khác mà Bài thương khó hôm nay cũng nhắc tới. Đó là nhóm những người được Chúa ưu ái tuyển chọn trong đó có một người mà Chúa yêu thương rất đặc biệt. Người ấy không là ai xa lạ với chúng ta. Đó là Ông Phêrô. Phêrô theo nội dung tiếng Do Thái là đá tảng. Trước đó không bao lâu đá tảng Phêrô đã thề sống thề chết: “Dù tất cả có bỏ Thấy, con cũng không bao giờ….không bao giờ”- và Tin Mừng còn ghi “Các tông đồ khác cũng nói như vậy”. Vậy mà sau đó không bao lâu chỉ có vài lời vu vơ của một vài đứa đầy tớ gái, tảng đá Phêrô đã vỡ tan tành. Ông Phêrô ơi! Ông không biết Chúa thật sao ?. Thật là đau đớn cho Chúa….Con người mà Chúa đã tin tưởng đặt làm thủ lãnh một xã hội mới lại thề thốt trước mặt mọi người rằng không biết Chúa là ai. Thật là đau xót. Thật là tủi buồn.

2, Nhưng may mắn thay chúng ta còn có Chúa. Lòng Chúa không bao giờ đổi thay. Chúa luôn một lòng một dạ…một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương của Ngài. Vâng Chúa luôn một lòng một dạ. Lòng trung thành của Chúa không bao giờ thay đổi.

a/ Chúng ta có thể nói sự sống của Chúa là Thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” Cả cuộc đời trần thế của Chúa cũng chỉ là như vậy: “Lạy Cha này con xin đến để làm theo ý Cha”. Ý Cha như thế nào con cũng một lòng một vâng theo. Trước chén đắng đầy tràn, Ngài cảm thấy run sợ nhưng lúc nào Thánh ý Thiên Chúa Cha cũng phải được đặt lên trên hết: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý của Cha”

b/ Bên cạnh đó Chúa có một lý tưởng để đi theo: Lý tưởng yêu thương. “Thầy đã đem lửa xuống trần gian và Thầy mong uớc biết bao cho lửa đó được bùng cháy lên”. Chúa một lòng một dạ với lý tưởng đó. Không có cái gì trên trần gian này có thể làm cho Chúa xa rời lý tưởng đó.

Từ trên Thập giá Chúa nhìn xuống cả một đám đông vẫn còn say máu căm thù vậy mà Chúa vẫn có thể bình thản cầu nguyện “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Cả cuộc đời của Chúa là cuộc đời phục vụ. Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa phục vụ đến quên mình. Chúa sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả cái chết trên Thập giá vì Lý tưởng yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn hơn Tình yêu của người dám hiến mạng sống của mình cho người mình yêu”

Lạy Chúa, Chúa đã một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương. Xin Chúa giúp cho chúng con được luôn gắn bó vớ Chúa. Xin cho chúng con được biết yêu thương như Chúa. Để khi sống như Chúa

chúng con biết cho đi mà không tính toán

biết chiến đấu mà không sợ thương tích

biết làm việc mà không tìm an nghỉ

biết xả thân mà không tìm một phần thưởng nào khác

ngoài việc biết rằng chúng con đang thi hành Thánh ý Chúa. Amen.

Phải nói ngay rằng khi đọc câu truyện này tôi cảm thấy rất phấn khởi và vui mừng. Lý do là vì trong câu truyện này tôi gặp được một Đức Giêsu rất gần gũi với tôi, với những con người đồng thời tôi cũng thấy thật rõ Ngài còn là một Thiên Chúa quyền năng

1. Trước hết, tôi gặp được một Đức Giêsu đầy tình người. Chúa đã cư xử rất “người” đối với những con người.

Tôi xin đan cử vài thí dụ:

a/ Khi Lazarô đau, hai chị em của ông đã dùng những lời như thế này để báo tin cho Chúa: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đang đau liệt” (Ga 11,3). “Người Thầy yêu” Chúng ta khó có thể tìm thấy được một kiểu nói nào chân thành và đầy tình người hơn như thế ở trong cả Kinh Thánh chứ không phải là chỉ trong Tin Mừng mà thôi.

b/ Khi được tin Lazarô đau, Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Lazarô, bạn của chúng ta đang ngủ” (Ga 11,11). Lazarô-bạn. Bạn của chúng ta, bạn của Chúa, bạn của cả các tông đồ.

Thật là thân mật! Khó có thể mà tìm được một cách diễn tả thân tình, một cách xưng hô tuyệt vời hơn thế.

c/ Khi biết Lazarô chết, Chúa quyết định đi thăm ông. Các môn đệ can: “Thưa Thầy mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thấy mà Thầy lại còn trở lại đó sao ?” (Ga 11,8) nhưng Chúa nhất định cứ đi. Chỉ có những người đã trở thành một lòng một dạ, mới dám sống chết cho nhau, mới có đủ can đảm và dám hy sinh cho nhau như thế.

Bất chấp sự hiểm nguy có thể đe dọa đến cả tính mạng, Chúa nhất định cứ đến, đến để cho mọi người biết cách Ngài đối xử với bạn của mình như thế nào, Ngài yêu thương bạn mình như thế nào.

d/ Lúc đầu khi Chúa tới, chỉ có một mình Matta ra đón Chúa. Chúa chưa vào nhà. Chúa cho gọi Maria ra. Matta vào gọi em. Chị nói: “Thầy đến ở ngoài kia, Thầy cho gọi em” (Ga 11,28)

Tại sao Chúa lại làm như vậy ? Đây là cách đối xử tế nhị: Một chút cách ly trong không gian và thời gian để tránh những xúc động quá đáng có thể phương hại đến sức khỏe. Phải là một người tế nhị lắm mới có thể nghĩ ra được một cách ứng xử đẹp như thế.

e/ Khi gặp Chúa, Maria khóc. Chị khóc rất tự nhiên, rất chân thành, làm cho những người có mặt chung quanh cũng khóc theo. Rồi Chúa cũng xúc động và Chúa cũng khóc theo, khóc rất tự nhiên, rất chân thành. Chúa khóc, khóc với những người đang khóc, khóc với Maria, khóc bằng nước mắt có chất mặn của con người. Những giọt nước mắt trào ra từ một tâm hồn như đang cùng chịu một niềm đau vì có một người thân qua đời. Đó là những gì rất người.

2. Nhưng đàng sau những gì rất người ấy, tôi còn gặp được một Đức Giêsu là một Thiên Chúa.

Vâng đúng như vậy anh chị em. Tôi đã gặp được một Đức Giêsu là một Thiên Chúa.

a/ Khi Chúa có mặt, một số người Do thái đã nói với nhau “Ông ấy đã mở mắt cho người mù…mà không thể làm cho anh ấy khỏi chết hay sao ?” (Ga 11,37) Một cách nào đó, họ đã thấy được quyền năng của Chúa.

b/ Khi đến trước cửa mộ, Chúa chỉ vào phiến đá lấp cửa mồ và ra lệnh: “Hãy đem phiến đá đó đi” (Ga 11,39). Thật là không ai dám nghĩ tới điều đó. Đây là một lệnh truyền kinh khủng bởi vì luật pháp Do Thái phạt rất nặng tất cả những ai dám xâm phạm đến mồ mả của người chết. Bởi vậy khi Chúa truyền lệnh phải gỡ hòn đá lấp cửa mồ Lazarô ra thì tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi.

Ở đây lại một lần nữa Chúa làm cho mọi người thấy là Chúa có quyền làm tất cả những gì Ngài muốn vì Ngài là Thiên Chúa. Trước đó khi Martha bày tỏ sự thất vọng của mình: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,32). Chúa trả lời ngay, như một lời hứa: “Em con sẽ sống lại” (Ga 11,23) và bây giờ thì Chúa sắp làm những gì Chúa đã nói. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và khiếp sợ, Martha đánh bạo thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, em con đã ở trong mồ bốn ngày rồi” (Ga 11,39)

Bốn ngày cho một cái xác chết, không còn có thể làm gì được nữa. Con người hoàn toàn bất lực. Con người hoảng sợ cũng phải vì con người chẳng có thể làm gì cho một cái xác không hồn đã được chôn 4 ngày rồi.

Nhưng với Chúa thì không như thế vì Chúa có quyền. Ngài có quyền vì Ngài là Thiên Chúa.

c/ Khi phiến đá chắn cửa mộ đã được đem đi, Chúa đưa ra một lệnh tiếp theo còn kinh khủng hơn: “Lazarô! Hãy ra khỏi mồ” (Ga 11,43). Đó là một lệnh truyền cho người đã chết và đã được người ta đem chôn 4 ngày rồi, không còn bất cứ một khả năng tiếp thu nào nữa. Vâng, một lệnh truyền cho một con người đã chết, và Phúc âm ghi thật rõ: “Người đã chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”. (Ga 11,44)Người đã chết đi ra”. Đây không phải là ngôn ngữ của con người nữa, mà là ngôn ngữ của Thiên Chúa. Không ai trong con người dám truyền lệnh cho người đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều kỳ diệu như thế. Thiên Chúa có quyền trên sự chết. Và sự chết phải tuân lệnh của Người.

d/ Rồi bằng một lệnh truyền thứ ba “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11,44), Chúa đã hoàn tất công việc trả lại sự sống cho người đã chết. Trả lại sự sống cho người đã chết. Đó là một điều kỳ diệu không thể tin được nhưng lại là một sự thật Chúa đã làm trước mặt rất nhiều người. Nếu không phải là Thiên Chúa thì làm sao làm được những điều kỳ diệu như vậy.

3. Tôi không dám dài dòng. Chỉ còn một tuần nữa là chúng ta bước vào cao điểm của năm Phụng vụ, vào những ngày chúng ta cùng được rất gần gũi với mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa. Nhưng làm sao để cho những ngày này thực sự là những ngày đem lại một sức sống mới cho chúng ta. Có nhiều cách, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhắc lại lời tuyên xưng mà Martha đã tuyên xưng cách đây gần 2000 năm. “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 11,27)

Không có được lòng tin vào Đức Kitô như thế, chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì Chúa làm…thậm chí chúng ta còn thấy ghê sợ. Nhưng khi đã tin, mọi sự sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn khiếp sợ. Chúng ta sẽ trở nên can đảm và chúng ta có thể làm cho đời sống của chúng ta thành một đời sống thật đáng sống.

Cảm nhận được sự gần gũi của Chúa trong cuộc đời là một cảm nhận rất cần thiết. Nó sẽ đem lại cho con người nhiều nghị lực và niềm vui.

Chúng ta thường tìm xem Thiên Chúa ẩn mình ở đâu: một nơi, một đài quan sát, Người nhìn mà không ai thấy… Vì Người vô hình, chúng ta nghĩ là Người ở rất xa, vượt trên các vì sao. Thực sự thì Người ở quá gần, nên mắt ta chẳng thấy. Thiên Chúa ở gần kề tôi hơn cả hơi thở của tôi, mạch máu tôi, ý thức của tôi… Lý tưởng mà tôi nhắm tới, và động lực thúc đẩy tôi, chúng ở bên trong tôi, đó chính là Thần Khí chan hòa trong lòng tôi. (Mahomet)

Một nhà giải phẫu tài ba mời một vị mục sư đến để chứng kiến một ca phẫu thuật khó khăn ông sắp thực hiện. Đang lúc nhà giải phẫu chuẩn bị cho công việc sắp tới như chùi tay, bận áo choàng vô khuẩn, đeo găng tay bằng cao su, thì vị mục sư thấy như có một điều gì đó làm cho nhà giải phẫu hơi bối rối. Thấy thế vị mục sư hỏi:

– Xong chưa bác sĩ ?

– Chưa, nhưng gần xong.

Trả lời xong thì nhà giải phẫu cúi đầu xuống lặng lẽ cầu nguyện một lúc. Đoạn, bình tĩnh và thanh thản đi vào phòng mổ. Ông mổ khéo léo tuyệt vời. Sau đó vị mục sư thắc mắc:

– Tôi lấy làm lạ vì thấy ông cầu nguyện trước khi mổ. Tôi cứ tưởng nhà giải phẫu chỉ tin cậy ở tài năng của mình thôi.

Nhà giải phẫu đáp:

– Thưa mục sư, nhà giải phẫu cũng chỉ là người, không thể tự mình làm ra phép lạ. Tôi tin chắc rằng nếu không nhờ vào một yếu tố nào mạnh hơn loài người, thì khoa học chẳng có tiến bộ như ngày nay.

Rồi ông kết luận:

– Ngài thấy đó, đang khi mổ xẻ, tôi cảm thấy mình rất gần gũi với Đức Chúa Trời, đến nỗi tôi không biết tài năng của tôi ngừng lại ở đâu và tài năng của Chúa bắt đầu từ chỗ nào.

A. Đọc câu chuyện hôm nay, tự nhiên tôi liên tưởng đến câu chuyện trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Người đàn bà trong bài Tin Mừng tuần trước là một người có một cuộc sống thật náo nhiệt và ồn ào. Bà đã ngả từ tay người đàn ông này sang tay người đàn ông khác….tới 5-6 lần. Cuộc sống của bà là một cuộc sống thật sôi động.

Còn người mù trong bài Tin Mừng hôm nay thì khác hẳn. Cuộc sống của anh ta thật bất hạnh và cô đơn. Anh sống một thân một mình, một mình một cõi, chẳng mấy ai muốn làm bè làm bạn với anh. Có lẽ gia đình anh nghèo, không đủ sức đủ lực để lo cho anh, cho nên anh phải đi khất thực để độ thân, để sống cho qua ngày.

Hai câu chuyện với hai con người khác nhau nhưng lại có một điểm chung rất thú vị. Đó là Chúa Giêsu đã tìm đến với họ. Nếu Chúa không đến gặp họ thì cuộc sống của họ chắc chẳng có gì thay đổi. Nhưng rất may là Chúa đã đến.

Từ cái nhìn và từ những lời nhận xét rất tế nhị và khôn khéo Chúa đã kéo người đàn bà ra khỏi vũng lầy của quá khứ chẳng có gì là tốt đẹp để hướng bà về một tương lai tươi sáng hơn.

Rồi cũng bằng một cử chỉ đầy yêu thương, Chúa đã đưa người mù từ cuộc sống tối tăm đến một đời sống đầy ánh sáng: Ánh sáng của đời thường – nhất là Ánh sáng của niềm tin.

B. Nhìn lại quá trình làm thay đổi cuộc sống của người mù, chúng ta thấy thật thú vị.

1- Lúc đầu, anh chẳng có một ý niệm gì về Chúa. Khi được hỏi về người đã chữa cho anh, anh trả lời một cách rất mù mờ: “Người mà người ta gọi là Giêsu”. “Người mà người ta gọi là Giêsu”. Đó là tất cả nhũng gì anh có thể nói về Chúa lúc ban đầu. Ngoài ra Người ở đâu, anh không biết. Ngài là người như thế nào anh cũng chẳng hay.

2- Thế nhưng sau khi anh được sáng mắt, từ trong cõi lòng anh đã dần dần nhận ra Chúa.

Khi anh được người ta tra vấn về nguyên do anh được sáng mắt, trong lúc người ta tìm cách để kết án Chúa thì anh lại dõng dạc tuyên bố: “Ngài là một tiên tri”.

Rất thẳng thắn và cũng rất chân thành. Không có gì là úp mở cả.

Rồi khi người ta dùng áp lực để dọa cha mẹ anh và tiếp sau đe dọa cả anh thì lúc ấy chúng ta thấy anh trở nên can đảm lạ thường. Dường như anh không còn biết sợ là gì nữa. Thái độ của anh khác hẳn với thái độ của cha mẹ anh. Anh thẳng thắn dõng dạc tuyên bố trước mặt mọi người “Chúng ta biết Thiên Chúa không nhậm lờì những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe có ai đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến thì ông ta chẳng làm được gì”

Vâng anh đã được mở mắt. Anh đã được thấy sự thật và anh đã dám gắn bó với sự thật đó và cho dù anh có phải trả một giá rất đắt anh cũng sẵn lòng. Chúng ta không thể hiểu hết những gì anh phải hứng chịu khi người ta dùng một biện pháp trục xuất anh ra khỏi hội đường để trừng phạt anh.

Trước kia anh mù, cuộc sống của anh đã khổ. Bây giờ anh được sáng mất, tưởng như cuộc sống sẽ thuận lợi hơn…ai dè bây giờ cha mẹ anh không dám bênh vực, xã hội chẳng giúp anh được gì. Chỉ còn một chút hy vọng vào cộng đoàn tôn giáo thì người ta lại trục anh, đưa anh trở lại với cuộc sống còn cô đơn và bất hạnh hơn trước.

Trước đây anh mù nhưng thỉnh thoảng còn có người thi ân bố thí.

Bây giờ khi anh bị trục xuất ra khỏi hội đường..anh sẽ phải tự cách ly với tất cả mọi người. Không ai dám tiếp xúc với anh, không ai dám giao thiệp với anh, không ai dám gần gũi với anh…thật là kinh khủng. Muốn gần gần anh người ta cũng không phải sợ.

3. Thế nhưng thật may, giữa lúc cả loài người từ bỏ anh thì Chúa lại mở rộng đôi tay đón nhận. Dường như Chúa đã biết trước tất cả, cho nên ngay sau khi anh vừa buồn tủi cô đơn bước chân ra khỏi Hội đường thì Chúa đã chờ sẵn.

Băng một Tình yêu rất đặc biệt và bằng một cái nhìn rất trìu mến Chúa hỏi anh:

  • Anh có tin vào Con Người không ?

Anh thưa lại:

  • Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?

Chúa chậm rãi nói cho anh biết:

  • Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.

Bằng cả một tấm lòng trìu mến, biết ơn và bằng một giọng nói đầy xúc cảm anh thưa lại với Chúa:” Lạy Ngài, tôi tin” và anh sấp mình xuống trước mặt Chúa.

Phúc âm không nói nhưng tôi chắc là Chúa đã cúi xuống thậ sâu để ôm trọn cả con người anh trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Chỉ một ít phút trước đó anh tưởng anh mất tất cả bây giờ anh cảm thấy anh đã có lại tất cả. Chỉ một ít ít phút trước đó anh tưởng suốt đời anh sẽ phải cô đơn nhưng bây giờ anh thấy cuộc đời anh có hạnh phúc.

Cả loài người bỏ anh, nhưng Chúa đón nhận anh.

Cả loài người muốn xa cách anh, nhưng Chúa lại muốn gần gũi anh.

Cả loài người muốn từ khước anh, nhưng Chúa lại đón nhận anh .

Cả loài ngươi tưởng rằng anh sẽ bơ vơ lạc lõng khi anh bị trục xuất ra khỏi hội đường thì giờ đây anh lại được bước vào một xã hội mới không phải là của loài người nhưng là của Thiên Chúa trong đó mọi người được liên kết với nhau trong một niềm tin và được sống với nhau bằng chính Tình yêu Thiên Chúa đã yêu thương con người.

Trong Cuốn “Lẽ Sống” có một câu chuyện rất hay. Câu chuyện thế này: Có hai người lái buôn rất giầu có. Hai người lại là bạn thân với nhau. Một hôm hai người nảy ra một ý định là phải đi tìm cho bằng được điều quí giá nhất trên đời. Sau đó thì mỗi người đi một ngả và thề sẽ gặp lại nhau sau khi đã đạt được mục đích.

Người thứ nhất lặn lội khắp mọi nơi để đi tìm một viên ngọc mà người ta gọi là quí nhất trên đời. Ông không ngần ngại lội suối băng rừng, bất chấp mọi hiểm nguy trên con đường để đi tìm và cuối cùng thì ông đã tìm thấy. Ông vui mừng trở về và chờ đợi người bạn của ông.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn vô âm biệt tín. Nhưng sau thì ông khám phá ra rằng sở dĩ người bạn của mình chưa về là vì ông ta không đi tìm vàng bạc mà là đi tìm Thiên Chúa. Sau bao nhiêu năm trời tìm thầy thọ giáo, nghiên cứu thánh hiền, cặm cụi với sách vở vậy mà ông vẫn chưa tìm thấy Thiên Chúa.

Thế rồi một hôm kia ông đến ngồi thẫn thờ ở bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con. Tội nghiệp cho con vị mẹ. Nó cứ phải lận đận vất vả với những con vịt con. Mấy con vịt con cứ thích tách rời khỏi mẹ để đi tìm thức ăn riêng.

Vịt mẹ sợ vịt con lạc đàn nguy nhiễm cho nên cứ phải đi thu con trở về đàn. Nhưng thu được con này thì lại mất con khác. Dầu vậy vịt mẹ vẫn kiên tâm, không hề tỏ ra một dấu gì là mệt mỏi, gắt gỏng hay giận dữ. Nhìn cái cảnh vịt mẹ cứ mải mê đi tìm vịt con như thế, người đó như tìm ra được câu trả lời cho cuộc tìm kiếm của mình. Ông vội vàng đứng dậy và lên đường trở về nhà.

Vừa giáp mặt là người bạn về trước đã hỏi ngay: “Cho tôi xem thử điều quí giá nhất mà anh đã tìm thấy coi. Tôi nghĩ nó phải là một điều tuyệt diệu lắm bởi chưa bao giờ tôi thấy anh có nét mặt mãn nguyện, vui tươi rạng rỡ như hôm nay”.

Con người trở về với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn lại ngập tràn niềm vui rả lời:

“Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng thì tôi lại khám phá ra rằng chính Ngài là Đấng đi tìm tôi”

Vâng Chúa vẫn đi tìm. Ngài mải mê tìm kiếm chúng ta. Ngài đã đến tìm người phụ nữ ở giếng Gia-cóp và đưa bà trở về. Ngài đã đích thân tìm đến người mù trong bài Tin mừng hôm nay để đưa anh về với cội nguồn ánh áng. Ngài vẫn tiếp tục đi tìm. Chúng ta hãy để cho Ngài dìu dắt hướng dẫn cuộc đời của chúng ta. Hãy can đảm đi theo sự chỉ dẫn của Ngài chúng ta sẽ tìm thấy ánh sáng. Amen.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay như thế nào thì chúng ta đã rõ. Giáo hội cố ý cho đọc cả câu chuyện vì tính cách đặc biệt của nó. Qua câu truyện này, chúng ta có thể rút ra được một bài học…rất phù hợp với Mùa Chay: Bài học về sự trở lại. Có thể nói đây là một cuộc trở lại kiểu mẫu. Nội dung của một cuộc trở lại thường diễn tiến như sau:

1. Bắt đầu từ chỗ biết nhìn nhận quá khứ lỗi lầm của mình.

Người đàn bà trong bài trong bài hôm nay là một người tội lỗi với một quá khứ thật đáng ghê tởm. Trong cái quá khứ đó chúng ta có thể tìm thấy một cuộc sống

chỉ có hiện tại mà không có tương lai

chỉ có tình dục mà không có Tình yêu

chỉ có hưởng thụ mà không có phục vụ

chỉ có bay nhảy mà không có trách nhiệm

Một quá khứ như thế tất nhiên sẽ dẫn đến một hiện tại chẳng tốt đẹp gì. Cuộc sống của bà ta lúc này chẳng khác gì cuộc sống của một nô lệ.

Rất may là bà ta được gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ không có dự tính từ trước nhưng lại đem đến những kết quả thật lạ lùng. Chúa đã ấn một ngón tay vào đúng chỗ nhức nhối nhất trong cuộc đời của bà, để rồi sau đó Chúa đưa bà vào cuộc sống mới. Lúc bị Chúa phê phán về cuộc sống tội lỗi, bà ta đã không nói gì, bà ta im lặng chấp nhận.

Nhìn nhận mình có tội, nhìn nhận tội lỗi của mình đó là bước đầu tiên và cũng là bước thật quan trọng trên con đường trở lại.

2. Tin vào tình thương của Chúa.

Lúc đầu khi mới gặp Chúa, chúng ta thấy thái độ của bà thật đanh đá:

– Ông là người Do Thái mà lại xin nước uống với tôi là người Samaria sao ? (Ga 4,9)

Người Do Thái không giao tiếp với người Samaria. Có nhiều lý do nhưng lý quan trọng nhất vẫn là vì hai bên không có cùng một cách biểu lộ lòng tin và nhất là không có sự nhất trí với nhau về nơi Thiên Chúa ngự.

Nhờ cuộc gặp gỡ này mà Chúa đã giải tỏa hết những lấn cấn mà bao lâu nay người ta đã vì đó mà bất hòa với nhau:

– Đã đến giờ và chính là lúc này những kẻ tôn thờ đích thực…sẽ thờ Thiên Chúa Cha trong Tinh thần và trong Chân Lý (Ga 4,23).

Nhìn lại quá trình của cuộc gặp gỡ, chúng ta thấy người đàn bà này đã có một chuyển biến rất rõ rệt trong cách nhìn của bà đối với Chúa.

Lúc đầu, đối với bà, Chúa chỉ là một con người: “Ông là người Do Thái” (Ga 4,9)

– Sau khi Chúa bật mí cho bà ta biết là Ngài biết rất rõ về đời tư của bà và nhất là khi Chúa tỏ ra cảm thông với sự vất vả của bà cũng như sẵn sàng giúp bà thoát ra khỏi cuộc sống cơ cực của hiện tại thì bà đã có một cái nhìn khác về Chúa, một cái nhìn cao hơn “Quả thực Ngài là một vị Tiên tri” (Ga 4,19)

– Và kết cuộc thì thật kỳ diệu: Sau khi Chúa chỉ cho bà cách thức để bà có thể tìm gặp được một Thiên Chúa đích thực thì hình ảnh về một đấng Messia mà muôn dân đang mong đợi đã thoáng hiện ra trong tâm trí của bà: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Ki-tô sẽ đến và khi đến Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”(Ga 4,25)

3. Sống cuộc sống mới mà mình đã tìm lại được.

Bắt đầu bằng một thái độ dứt khoát với quá khứ. Tin Mừng ghi rõ: “Bấy giờ người đàn bà bỏ vò nước xuống” (Ga 4,28) Một số nhà chủ giải Kinh Thánh cho rằng việc này có một ý nghĩa tượng trưng rất đặc biệt. Nó như một kết thúc cho một giai đoạn đã qua của một cuộc đời và mở đầu cho một giai đoạn mới.

Tiếp theo Tin Mừng ghi: Bà chạy về thành loan báo cho mọi người rằng

– Ra mà xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng Ông đó là Đức Ki-tô ? (Ga 4,29)

Đó là bước thứ hai trong cuộc sống mới: Bắt đầu sống cho Chúa bằng cách loan báo cho người ta biết Ngài.

cuối cùng là kết hợp với Ngài trong niềm tin để được cùng chia sẻ cuộc sống hạnh phúc của những người tin Chúa:

– Giờ đây không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là đấng Cứu Thế. (Ga 4,42)

Để kết thúc tôi xin tặng anh chị em câu chuyện:

Một Linh mục dòng Tên người Ailen, cha Doyle, nổi tiếng vì lòng hay giúp đỡ người khác và sự thánh thiện của cha. Một buổi tối, sau khi giảng một bài về sự truyền giáo, ngài đi ra đường và gặp một thiếu nữ. Ngài nói dịu dàng với họ:

– Con ạ, trời đã khuya. Con chưa về nhà sao ?

Rồi, với tâm hồn nhiệt thành, Ngài nói tiếp:

– Đừng làm Chúa đau khổ. Ngài yêu con.

Năm tháng trôi qua. Vào một đêm nọ, có điện thoại của bề trên sai Ngài đi Dublin ngay lập tức, để gặp một người nữ sắp bị hành hình vào sáng mai. Người phụ nữ này yêu cầu được gặp Ngài. Ngài ra đi đến nơi lúc 5 giờ sáng, và được dẫn ngay tới phòng giam của cô Fanny Cranbush, một cô gái bất lương đã bị kết án vì cộng tác với kẻ khác để đầu độc nhiều người. Vừa thấy Linh mục, cô ấy quỳ gối và nói:

– Thưa cha, cảm ơn Chúa vì Cha đã đến đây.

– Nhưng con ạ, Cha chưa biết con, con cần gì ?

– Cha không nhớ con sao ? Hai năm trước đây Cha đã gặp con trên đường phố Yarmouth vào một đêm tối. Con là cô gái xấu nết, cả đời con là vậy. Cha đã nói với con: “Con ạ, trời đã khuya. Con chưa về nhà sao ? Ngài yêu con không ? Ngài là ai ? Con biết quá ít là Ngài. Con chưa bao giờ cầu nguyện và chưa bao giờ được rửa tội. Nhiều tuần lễ, con muốn lánh xa con đường tội lỗi, nhưng cái đói đã làm con phải phạm tội. Mỗi ngày con càng lún sâu trong tội, đến độ giờ đây con sắp bị treo cổ. Con đã tuyệt vọng, và không muốn gặp vị Linh mục nào. Nhưng rồi con nhớ lại lời cha đã nói. Con khóc lên. Con ước muốn gặp Cha để nghe Cha con nói về Ngài Giêsu”.

Cha dạy giáo lý cho cô ta với thời gian cho phép, trước khi rửa tội cho cô. Ngài lập một bàn thờ trong phòng giam, dâng Thánh lễ, cho cô ta rước lễ lần đầu cũng là lần cuối. Trên đường đi xử, cô thì thầm: “Thưa Cha, con quá đỗi hạnh phúc. Chúa Giêsu biết con ăn năn hối lỗi vì đã xúc phạm đến Ngài. Con biết Chúa Giêsu hằng yêu mến con”. Amen.

Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay có nhiều tên gọi: Người thì gọi là Chúa Nhật Chúa biến hình. Người thì gọi là Chúa nhật Chúa hiển dung. Gọi là Chúa nhật Chúa biến hình hay Chúa nhật Chúa hiển dung…đàng nào cũng có lý.

Riêng đối với tôi, tôi thích gọi là Chúa nhật Chúa biến hình và hiển dung. Hơi tham lam một chút nhưng gọi như thế mới lột hết được nội dung của biến cố Chúa thực hiện trước mặt các môn đệ rất thân tín của Chúa hôm nay.

A. Sự kiện

1- Việc Chúa biến hình và hiển dung hôm nay là một việc quan trọng. Việc này được cả ba Tin mừng nhất lãm tức là Tin mừng Thánh Matthêu, Thánh Marco và thánh Luca ghi lại. Câu chuyện này xảy ra 6 ngày sau khi Phêrô long trọng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Điều đáng chú ý là ngay sau đó, lần đầu tiên Chúa báo trước cho các môn đệ của Ngài biết là Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn và cuối cùng sẽ phải chịu chết.

Lời loan báo của Chúa làm các tông đồ choáng váng. Phêrô không chịu nổi trước lời loan báo đó nên ông đã công khai lên tiếng can ngăn. Phêrô tưởng làm như thế là làm vui lòng Thầy. Có ngờ đâu là lại bị Chúa quở mắng cho một trận thậm tệ. Chúa bảo Phêrô là đồ Satan. Chúa đuổi Phêrô cút xa cho khỏi mắt Ngài. Và có lẽ vì muốn cho các môn đệ không phải quá thất vọng về mình nên Chúa đã thực hiện cuộc biến hình và hiển dung hôm nay.

Khi chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay, SGLM số 568 đã viết như sau: “Cuộc Hiển Dung của Chúa Ki-tô nhằm mục đích củng cố đức tin của các tông đồ trước cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị việc leo lên Núi Sọ. Đức Ki-tô, Đầu của Hội Thánh, bày tỏ “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” mà Thân Thể Người ấp ủ và chiếu tỏa qua các bí tích (Cl 1,27) (x. T. Lê-ô cả, bài giảng 51,3).

2. Vâng sự việc Chúa biến hình và hiển dung như thế nào thì bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta biết.

Sau này khi nhớ lại câu chuyện ông đã từng được chứng kiến, Phêrô đã viết như thế này: “Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường được thêu dệt một cách khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người..”.(2P1,16-17)

Vâng! Cuộc biến hình và hiển dung của Chúa đã làm cho các môn đệ vững tin hơn. Tuy nhiên niềm tin ấy còn phải được củng cố thêm bằng biến cố Phục sinh. Chỉ sau biến cố Phục sinh và được Chúa Thánh Thần biến đổi, các tông đồ mới trở thành những người hoàn toàn thuộc về Chúa.

B. Bài học

Thử hỏi câu chuyện hôm nay sẽ đem lại cho chúng ta bài học gì ? Có nhiều bài học nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự biến hình.

* Có loại biến hình làm cho chúng ta phải sợ.

Các người Thổ Nhĩ Kỳ thường kể lại cho nhau câu chuyện sau:

Một chàng trai trẻ kia, con của một gia đình giàu có, danh giá, sống buông thả với đủ loại tật xấu, đặc biệt là cờ bạc, cha mẹ đã làm đủ mọi cách để giáo dục anh, nhưng không thành. Ngày kia, có một người đến khuyên ông bố rằng:

– Hãy tụ tập 80 người trẻ tốt lại và để cho học sống chung với chàng trai trẻ xấu nết kia. Gương sáng của họ rồi sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến anh ta, và chẳng bao lâu đâu anh ta sẽ từ bỏ tật xấu để trở thành người mẫu mực:

Người Cha rất hài lòng với lời khuyên này. Ông cho đi tìm ở khắp nơi đủ 80 người anh em trẻ tốt lành và hứa sẽ trọng thưởng cho họ, nếu họ cộng tác giúp con ông.

Ông để cho 80 người này sống chung với con ông trong một ngôi nhà tách biệt, không ai khác được vào. Các bữa ăn được bên ngoài phụ giúp đưa vô…

Sau 80 ngày, người ta mở cửa ra xem cái gì đã xảy ra, người ta nhìn thấy cậu con trai ông chủ ngồi chơi bài, chung quanh cậu, 80 cậu con trai nhà lành kia cũng đang mê đánh bài không kém gì cậu ta! Sự nghiêm chỉnh của 80 cậu kia không làm ảnh hưởng gì trên chàng trai nọ; mà ngược lại, chính họ đã tiêm nhiễm tật xấu của anh ta!

Dowlan Hin, một nhà giảng thuyết trứ danh, trong một bài giáng đã kể câu chuyện như sau: ngày nọ, tôi xuống phố, thấy một bầy heo chạy theo một người. Tôi thấy lạ nên để ý xem. Lạ hơn nữa là bầy heo theo người đó vào lò sát sinh! Tôi thắc mắc hỏi người đó làm cách nào mà dụ dỗ được bầy heo tài tình như vậy ? Ông đáp:

– Ngài không thấy đó sao ? Tôi mang theo rổ đậu, thỉnh thoảng vãi mấy hạt đậu xuống đường. Thế là bầy heo tham ăn cứ chạy theo. . .Rồi ngài giảng tiếp:

Tôi nghĩ ma quỉ cũng áp dụng chiến thuật đó. Nó mang theo rổ đậu, rải trên đường trần và đám đông xô nhau chạy theo, đến tận lò sát sinh vĩnh hằng.

Có lẽ đây là một câu chuyện của thời đại của chúng ta. Những bậc làm cha làm mẹ, những nhà giáo dục và đạo đức hôm nay đang hết sức lo lắng cho đời sống của con cái mình.

Lý do là vì thời đại hôm nay có nhiều cám dỗ quá. Mà cám dỗ nào cũng nguy hiểm, nguy hiểm là hôm nay giới trẻ không thấy được mối nguy hiểm đó và sẵn sàng bước chân vào!

Chú chim sơn ca, đang thanh thản bay trên bầu trời cao, chợt trông thấy bên dưới một vật nhỏ di chuyển chầm chậm theo lối đi trong vườn. Hơi tò mò một chút, nó bay xuống thấp hơn để nhìn cho rõ. Đó là con mèo đẩy chiếc xe cút-kít và rao liên hồi: “Sâu non bán đây! Sâu non bán đây!”.

Thích thú, nó đáp xuống bên đường, nhưng ở một khoảng cách an toàn, và hỏi giá bao nhiêu một con sâu.

Mèo vồn vã nói:

– Ba con sâu béo đổi một chiếc lông cánh của bạn

Họa mi nghĩ: “Sao mà hồi dữ vậy, chỉ rút một chiếc lông cánh mà được thưởng thức tới ba con sâu ngon lành.

Thế rồi nó cất cánh bay lên lượn một vòng… nhưng tư tưởng về mấy con sâu béo ngậy lại kéo nó xuống gần chiếc xe hơn. Lần này nó đánh bạo đổi hai chiếc lông cánh, rồi cứ thế đổi hai chiếc nữa, hai chiếc nữa… và nhiều lần như vậy.

Nhưng con mèo tinh ranh đang quan sát nhất cử nhất động của họa mi. Bất ngờ, nó vung tay chộp ngay cánh, họa mi không thể thoát khỏi móng vuốt của nó… và mất mạng trong khu vườn… nơi mà cơn cám dỗ không cưỡng lại được.

* Và có những việc biến hình làm cho chúng ta mong ước.

Trong biến cố hôm nay Chúa đã làm biến đi tất cả những gì thuộc về con người trần thế của Ngài để cho sau đó hình ảnh về Thiên Chúa nơi Ngài sau đó được hiển lộ ra.

Cuộc đời của một người Kitô hữu trên con đường tiến về nhà cha trên trời cũng phải tương tự như thế. Mỗi ngày sống trên trần thế này là mỗi một cuộc lột xác biến hình và hiển dung.

Trong lịch sử danh nhân thế giới còn ghi lại câu chuyện này:

Một buổi sáng kia vào năm 300 trước Chúa giáng sinh, nhà hiền triết Bolena đang chơi giải trí với các sinh viên trước hàn lâm viện thành Athenè, thủ đô Hy Lạp, thì có một người đàn ông đến, tự giới thiệu là thầy tướng thời danh. Bấy giờ các sinh viên đề nghị ông xem tướng thầy mình là hiền triết Bolena. Ông thầy tướng nhìn nhà hiền triết Bolena một lát, rồi nói ngay: “Giáo sư của các anh chỉ là một con người “Mũi dòm miệng”, tức là con người chỉ biết nhậu nhẹt, say xỉn.

Nghe thế các sinh viên nóng ruột tức tối, định xông vào ông thày tướng dám nói ẩu cho ông ta một trận. Nhưng nhà hiền triết Bolena đã can ngăn họ bằng những lời như thế này:

– Này các trò, ông thầy tướng này giỏi thật đấy! Ông đã coi tướng thầy rất trúng. Khi còn trẻ, chính thầy là một thanh niên “mũi dòm miệng” nên lần kia, sau khi đã nhậu nhẹt say sỉn, thầy đã đến Hàn Lâm Viện này, để nhạo báng các sinh viên bằng những cử chỉ và lời nói thiếu lễ độ. Bấy giờ giáo sư là hiền triết Socrate rất bình tĩnh, bỏ ngay vấn đề đang nói, mà bàn ngay tới vấn đề đức tính và tiết độ, làm cho con người có giá trị, đáng được trọng kính. Nhưng lời giảng dạy trên đây, đã giáo dục thầy, đã làm cho thầy bỏ được tính mê nết xấu, và luyện tập đức tính nên ngày nay, thầy mới trở nên con người ích lợi cho xã hội và đất nước như thế này.

Chúng ta hãy nhớ. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Người. Nhưng rồi thế gian xác thịt đã làm cho hình ảnh tốt đẹp đó phai mờ đi. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm xây dựng lại hình ảnh tốt đẹp ban đầu để khi Chu1qa nhìn vào chúng ta, Chúa thấy chúng ta thật là hình ảnh của Người.

Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Chúa chịu cám dỗ tới ba lần, mỗi lần mỗi khác. Ma quỉ đã nhắm vào những chỗ yếu nhất của con người để cám dỗ Chúa.

1. Cám dỗ đầu tiên còn nằm trong lãnh vực vật chất có liên hệ tới những nhu cầu tự nhiên.

a/ Sau những ngày Chay tịnh Chúa cảm thấy đói. Đói là một hiện tượng sinh lý tự nhiên sau khi Chúa đã nhịn ăn 40 ngày. Thời gian 40 ngày theo khoa học là giới hạn con người có thể chịu được.

Đói cần phải ăn. Đó là chuyện bình thường.

b/ Ma quỉ cám dỗ Chúa. Nó không bảo Chúa phải ăn nhưng nó xui Chúa “hãy biến đã thánh bánh mà ăn”.

Dùng cơm bánh mà ăn cho khỏi đói, đó là chuyện bình thường, nhưng biến đá thành bánh mà ăn thì đó là chuyện khác thường.

Dùng uy quyền để phục vụ Thiên Chúa là chuyện bình thường, nhưng dùng quyền mà mưu lợi cho cá nhân của mình chứ không phải lo cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì đó là chuyện khác thường.

Nếu Chúa làm như ma quỉ đề nghị thì Chúa sẽ không còn phải là Con của Thiên Chúa nữa, mà đã trở thành dụng cụ trong tay ma quỉ rồi. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dứt khoát khước từ.

Chúa đã chiến thắng. Ma quỉ đã không thể làm xiêu lòng Chúa.

c/ Phần chúng ta, ma quỉ cũng không tha chúng ta. Chúng ta cũng có rất nhiều nhu cầu chính đáng cần phải được thỏa mãn.

Nhưng vấn đề là chúng ta phải thỏa mãn bằng cách nào. Bằng những phương tiện chính đáng hay bằng mọi giá kể cả những phương tiện bất chính ? Làm việc để có tiền bạc mà tiêu dùng. Đó là việc chính đáng. Làm đồ giả, buôn bán xì ke ma túy, đi ăn cắp dưới mọi hình thức…những việc mà ai cũng biết là bất chính. Thế nhưng nhiều khi biết mà người ta cũng vẫn cứ làm. Làm như vậy là đã mắc mưu ma quỉ rồi.

Hãy xin Chúa cho chúng ta can đảm…biết can đảm để cự tuyệt những gì là bất chính để được nên một với Chúa Giêsu Chúa của chúng ta.

2. Cám dỗ thứ hai ma quỉ đưa lên một bình diện cao hơn...nó không còn dừng lại ở trong lãnh vực có tính cách vật chất nữa mà đã vươn lên tới lãnh vực tinh thần.

Một số nhà chú giải Kinh Thánh gọi đây là cám dỗ của vườn địa đàng… Tại vườn địa đàng ma quỉ dụ dỗ con người để con người trở thành kẻ đối đầu với Thiên Chúa. Ở đây cũng thế, bằng những lời đường mật ma quỉ muốn Chúa Giêsu trở thành người thách thức Thiên Chúa. “Nếu ông là con Thiên Chúa” (Mt 4,6)

Chúa còn phải chịu cám dỗ này nhiều lần trong suốt cuộc đời trần thế của mình.

Lúc Chúa chịu đóng đinh….ở dưới có những tiếng nói vọng lên “Nếu nó là Con Thiên Chúa”…

Bên cạnh Chúa…thật sát cạnh, cũng một giọng điệu tương tự như thế phát xuất ra từ môi miệng của một tên trộm cùng bị đóng đinh với Chúa “Nếu ông là con Thiên Chúa..”.

Không! Chúa đã không rơi vào cạm bẫy của ma quỉ. Chúa đã thẳng thắn trả lời. “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa”.

Chúa lại chiến thắng. Ma quỉ đã không thể làm cho Chúa đầu hàng.

Phần chúng ta nhiều khi chúng ta cũng bị cám dỗ muốn thử thách Thiên Chúa. Có lần Charles Foucauld đã kêu lên “Nếu thực có Chúa thì Chúa hãy cho tôi biết Ngài đi”

Xin Chúa Giêsu giúp cho chúng ta biết mau mắn điều chỉnh lại thái độ của chúng ta để đừng bao giờ làm cho Chúa phải buồn.

Đức Gioan XXIII trên giường bệnh đương chịu Bí Tích Xức Dầu, quanh người, ai cũng sụt sùi khóc. Người liền đập lia lịa vào thành giường, kêu lên hầu như tức giận:

“Nào! Can đảm lên! Can đảm lên! Chưa phải Requiem mà!”

“Giường này là một bàn thờ. Bàn thờ đòi hỏi của lễ. Tôi sẵn sàng. Tôi thấy rõ trước mặt hình ảnh linh hồn tôi, đời linh mục tôi, Công Đồng, Giáo hội phổ quát”.

3. Cám dỗ thứ ba nham hiểm và ác độc hơn. Nó nhắm vào sự thèm muốn thâm sâu nhất của con người: Thèm muốn quyền lực để được hưởng thụ.

Để có được quyền hành và hưởng thụ ma quỉ đề nghị Chúa phải thờ lạy nó. Thật là một đề nghị trớ trêu nhưng không kém phần hấp dẫn. Chỉ bằng một việc làm rất dễ dàng mà lại có được tất cả….

Nhưng Chúa đã chiến thắng.

Kính thưa anh chị em, không cần phải nói nhiều, cũng không cần phải dẫn chứng, anh chị em cũng có thể thấy cơn cám dỗ về quyền lực và hưởng thụ ngày hôm nay nó mạnh như thế nào và đồng thời anh chị em cũng thấy được những hậu quả của nó ra sao…Nếu không can đảm chiến đấu sớm muộn gì rồi chúng ta cũng sẽ trở thành nô lệ cho nó và lúc đó thì chúng ta sẽ không biết nó sẽ lôi kéo ta đi tới đâu và bắt chúng ta làm cho nó những gì.

Đức Chúa Arthur Tone có thuật lại một câu chuyện thật đau lòng như sau. Trong ngôi nhà tù nổi tiếng có tên là Sing Sing ở New York, một tù nhân bị đem ra hành hình vì tội đã giết một cảnh sát viên. Trước khi chết, người ta cho anh ta được nói những lời cuối cùng. Với một giọng đau đớn đến cực độ anh ta thét lớn lên “Tất cả đã bắt đầu từ khi tôi ăn cắp đồng năm xu trong túi của Mẹ tôi…..Rồi tôi ăn cắp hai đồng năm xu…sau đó tôi ăn cắp đồ vật ở trường học, ở tiệm tạp hóa, ở tiệm thuốc. Hai đứa bạn và tôi bắt đầu tập luyện… Chúng tôi kiếm được mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Sau đó chúng tôi quyết định cướp ngân hàng và lần đó tôi đã bắn gục viên cảnh sát. Đó, tất cả bắt đầu từ một đồng năm xu” Chúng ta không thể lường trước được.

Ma quỉ rất khôn khéo và xảo quyệt.

Từ đồng năm xu đi đến chỗ giết người. Con đường tưởng như xa nhưng lại rất gần

Từ một ngụm rượu cho đến tật say sưa…con đường cũng tương tự như thế.

Có ai ngờ được rằng chỉ một vi lần hút thử mà rồi rơi vào cơn nghiện ngập lúc nào không hay. Con đường tưởng xa mà hóa ra lại tất gần v.v…

Tác giả Sách ĐHV viết: “Con nên biết: cựu thù con hằng tìm mọi mánh lới để làm kiệt quệ những ước muốn tốt trong con, và làm cho con bỏ những việc đạo đức, như kính các thánh, suy gẫm Cuộc Tử Nạn Cha, nhớ lại tội lỗi con, chuyên lo canh giữ lòng con và quyết chí tiến bộ trong đường nhân đức.

Nó gợi cho con trăm nghìn tư tưởng xấu để làm cho con nản chán và khiếp sợ, cho con bỏ cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng.

Thấy con khiêm tốn đi xưng tội nó bực lắm, và – nếu có thể – nó cố làm cho con bỏ rước lễ.

Con đừng tin nó, cũng đừng bận tâm đến nó, dầu nó giương bẫy luôn để bắt con.

Những tư tưởng xấu xa và dâm ô nó gợi cho con, con hãy đổ lên đầu nó và hãy bảo thẳng nó: “Xéo đi, hỡi quỷ dơ bẩn! Đồ khốn nạn, xấu hổ cho ngươi! Ngươi thực dơ bẩn vô cùng mới nói với ta bằng những luận điệu như thế”.

“Hãy xéo đi cho rảnh, quân bịp bợm xấu xa! Ngươi chẳng liên quan gì đến ta, Chúa Giêsu, sẽ ngự trong ta như một nhà thiện chiến thế lực và ngươi sẽ phải thất bại xấu hổ.

“Ta thà chết và chịu mọi thứ khổ hình còn hơn đồng ý cái ngươi xui ta”.

“Im đi, đừng nói nữa”; dầu ngươi khuấy khuất ta cũng không nghe,

“Chúa là ánh sáng và nguồn sống của ta, ta còn sợ gì ai”.

“Dầu hùng binh công kích ta, lòng ta cũng chẳng sợ”.

“Chúa là Quan Thầy và là Đấng Cứu Chuộc ta”.

Con hãy chiến đấu ra dáng một tinh binh. Thản hoặc đôi khi vì yếu đuối mà ngã, con hãy đứng dậy ngay, can đảm hơn trước, tin tưởng ơn Cha sẽ giúp mãnh lực hơn. Điều cốt yếu con hãy giữ là đừng tự phụ và kiêu ngạo.

Chính cái đó đã làm cho bao người lầm lạc và mù tối hầu bất trị đấy.

Ước chi gương thất bại của những người kiêu ngạo tự nâng mình lên một cách điên dại sẽ là bài học phòng thân và tự hạ cho con”.

Hãy can đảm anh chị em. Như Chúa Giêsu chúng ta hãy chiến đấu để giành chiến thắng. Sự thất bại sẽ dẫn chúng ta vào cảnh nhục nhã. Trong vườn địa dùng Adam và Eva đang được sống cảnh vinh quang hạnh phúc với Thiên Chúa. Thế nhưng sau khi thất bại, nghe lời con rắn mà ăn trái cấm thì lập tức hai ông bà thấy mình trần truồng và sau đó bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng, phải sống những ngày cơ cực. Thật là tủi nhục.

Hãy can đảm anh chị em. Như Chúa Giêsu chúng ta hãy chiến đấu để giành chiến thắng. Sự thất bại sẽ dẫn chúng ta vào cảnh nhục nhã.

Chúa Giêsu đã chiến thắng, chiến thắng cả sự chết. Chúa đã chiến thắng và bước vào cõi vinh quang để trở thành Cứu Chúa của mọi người. Hãy can đảm chiến đấu và chiến thắng như Chúa Giêsu để cũng được chia sẻ vinh quang với Người. Amen.