Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm A

Phải nói ngay rằng khi đọc câu truyện này tôi cảm thấy rất phấn khởi và vui mừng. Lý do là vì trong câu truyện này tôi gặp được một Đức Giêsu rất gần gũi với tôi, với những con người đồng thời tôi cũng thấy thật rõ Ngài còn là một Thiên Chúa quyền năng

1. Trước hết, tôi gặp được một Đức Giêsu đầy tình người. Chúa đã cư xử rất “người” đối với những con người.

Tôi xin đan cử vài thí dụ:

a/ Khi Lazarô đau, hai chị em của ông đã dùng những lời như thế này để báo tin cho Chúa: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đang đau liệt” (Ga 11,3). “Người Thầy yêu” Chúng ta khó có thể tìm thấy được một kiểu nói nào chân thành và đầy tình người hơn như thế ở trong cả Kinh Thánh chứ không phải là chỉ trong Tin Mừng mà thôi.

b/ Khi được tin Lazarô đau, Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Lazarô, bạn của chúng ta đang ngủ” (Ga 11,11). Lazarô-bạn. Bạn của chúng ta, bạn của Chúa, bạn của cả các tông đồ.

Thật là thân mật! Khó có thể mà tìm được một cách diễn tả thân tình, một cách xưng hô tuyệt vời hơn thế.

c/ Khi biết Lazarô chết, Chúa quyết định đi thăm ông. Các môn đệ can: “Thưa Thầy mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thấy mà Thầy lại còn trở lại đó sao ?” (Ga 11,8) nhưng Chúa nhất định cứ đi. Chỉ có những người đã trở thành một lòng một dạ, mới dám sống chết cho nhau, mới có đủ can đảm và dám hy sinh cho nhau như thế.

Bất chấp sự hiểm nguy có thể đe dọa đến cả tính mạng, Chúa nhất định cứ đến, đến để cho mọi người biết cách Ngài đối xử với bạn của mình như thế nào, Ngài yêu thương bạn mình như thế nào.

d/ Lúc đầu khi Chúa tới, chỉ có một mình Matta ra đón Chúa. Chúa chưa vào nhà. Chúa cho gọi Maria ra. Matta vào gọi em. Chị nói: “Thầy đến ở ngoài kia, Thầy cho gọi em” (Ga 11,28)

Tại sao Chúa lại làm như vậy ? Đây là cách đối xử tế nhị: Một chút cách ly trong không gian và thời gian để tránh những xúc động quá đáng có thể phương hại đến sức khỏe. Phải là một người tế nhị lắm mới có thể nghĩ ra được một cách ứng xử đẹp như thế.

e/ Khi gặp Chúa, Maria khóc. Chị khóc rất tự nhiên, rất chân thành, làm cho những người có mặt chung quanh cũng khóc theo. Rồi Chúa cũng xúc động và Chúa cũng khóc theo, khóc rất tự nhiên, rất chân thành. Chúa khóc, khóc với những người đang khóc, khóc với Maria, khóc bằng nước mắt có chất mặn của con người. Những giọt nước mắt trào ra từ một tâm hồn như đang cùng chịu một niềm đau vì có một người thân qua đời. Đó là những gì rất người.

2. Nhưng đàng sau những gì rất người ấy, tôi còn gặp được một Đức Giêsu là một Thiên Chúa.

Vâng đúng như vậy anh chị em. Tôi đã gặp được một Đức Giêsu là một Thiên Chúa.

a/ Khi Chúa có mặt, một số người Do thái đã nói với nhau “Ông ấy đã mở mắt cho người mù…mà không thể làm cho anh ấy khỏi chết hay sao ?” (Ga 11,37) Một cách nào đó, họ đã thấy được quyền năng của Chúa.

b/ Khi đến trước cửa mộ, Chúa chỉ vào phiến đá lấp cửa mồ và ra lệnh: “Hãy đem phiến đá đó đi” (Ga 11,39). Thật là không ai dám nghĩ tới điều đó. Đây là một lệnh truyền kinh khủng bởi vì luật pháp Do Thái phạt rất nặng tất cả những ai dám xâm phạm đến mồ mả của người chết. Bởi vậy khi Chúa truyền lệnh phải gỡ hòn đá lấp cửa mồ Lazarô ra thì tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi.

Ở đây lại một lần nữa Chúa làm cho mọi người thấy là Chúa có quyền làm tất cả những gì Ngài muốn vì Ngài là Thiên Chúa. Trước đó khi Martha bày tỏ sự thất vọng của mình: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,32). Chúa trả lời ngay, như một lời hứa: “Em con sẽ sống lại” (Ga 11,23) và bây giờ thì Chúa sắp làm những gì Chúa đã nói. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và khiếp sợ, Martha đánh bạo thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, em con đã ở trong mồ bốn ngày rồi” (Ga 11,39)

Bốn ngày cho một cái xác chết, không còn có thể làm gì được nữa. Con người hoàn toàn bất lực. Con người hoảng sợ cũng phải vì con người chẳng có thể làm gì cho một cái xác không hồn đã được chôn 4 ngày rồi.

Nhưng với Chúa thì không như thế vì Chúa có quyền. Ngài có quyền vì Ngài là Thiên Chúa.

c/ Khi phiến đá chắn cửa mộ đã được đem đi, Chúa đưa ra một lệnh tiếp theo còn kinh khủng hơn: “Lazarô! Hãy ra khỏi mồ” (Ga 11,43). Đó là một lệnh truyền cho người đã chết và đã được người ta đem chôn 4 ngày rồi, không còn bất cứ một khả năng tiếp thu nào nữa. Vâng, một lệnh truyền cho một con người đã chết, và Phúc âm ghi thật rõ: “Người đã chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”. (Ga 11,44)Người đã chết đi ra”. Đây không phải là ngôn ngữ của con người nữa, mà là ngôn ngữ của Thiên Chúa. Không ai trong con người dám truyền lệnh cho người đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều kỳ diệu như thế. Thiên Chúa có quyền trên sự chết. Và sự chết phải tuân lệnh của Người.

d/ Rồi bằng một lệnh truyền thứ ba “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11,44), Chúa đã hoàn tất công việc trả lại sự sống cho người đã chết. Trả lại sự sống cho người đã chết. Đó là một điều kỳ diệu không thể tin được nhưng lại là một sự thật Chúa đã làm trước mặt rất nhiều người. Nếu không phải là Thiên Chúa thì làm sao làm được những điều kỳ diệu như vậy.

3. Tôi không dám dài dòng. Chỉ còn một tuần nữa là chúng ta bước vào cao điểm của năm Phụng vụ, vào những ngày chúng ta cùng được rất gần gũi với mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa. Nhưng làm sao để cho những ngày này thực sự là những ngày đem lại một sức sống mới cho chúng ta. Có nhiều cách, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhắc lại lời tuyên xưng mà Martha đã tuyên xưng cách đây gần 2000 năm. “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 11,27)

Không có được lòng tin vào Đức Kitô như thế, chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì Chúa làm…thậm chí chúng ta còn thấy ghê sợ. Nhưng khi đã tin, mọi sự sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không còn khiếp sợ. Chúng ta sẽ trở nên can đảm và chúng ta có thể làm cho đời sống của chúng ta thành một đời sống thật đáng sống.

Cảm nhận được sự gần gũi của Chúa trong cuộc đời là một cảm nhận rất cần thiết. Nó sẽ đem lại cho con người nhiều nghị lực và niềm vui.

Chúng ta thường tìm xem Thiên Chúa ẩn mình ở đâu: một nơi, một đài quan sát, Người nhìn mà không ai thấy… Vì Người vô hình, chúng ta nghĩ là Người ở rất xa, vượt trên các vì sao. Thực sự thì Người ở quá gần, nên mắt ta chẳng thấy. Thiên Chúa ở gần kề tôi hơn cả hơi thở của tôi, mạch máu tôi, ý thức của tôi… Lý tưởng mà tôi nhắm tới, và động lực thúc đẩy tôi, chúng ở bên trong tôi, đó chính là Thần Khí chan hòa trong lòng tôi. (Mahomet)

Một nhà giải phẫu tài ba mời một vị mục sư đến để chứng kiến một ca phẫu thuật khó khăn ông sắp thực hiện. Đang lúc nhà giải phẫu chuẩn bị cho công việc sắp tới như chùi tay, bận áo choàng vô khuẩn, đeo găng tay bằng cao su, thì vị mục sư thấy như có một điều gì đó làm cho nhà giải phẫu hơi bối rối. Thấy thế vị mục sư hỏi:

– Xong chưa bác sĩ ?

– Chưa, nhưng gần xong.

Trả lời xong thì nhà giải phẫu cúi đầu xuống lặng lẽ cầu nguyện một lúc. Đoạn, bình tĩnh và thanh thản đi vào phòng mổ. Ông mổ khéo léo tuyệt vời. Sau đó vị mục sư thắc mắc:

– Tôi lấy làm lạ vì thấy ông cầu nguyện trước khi mổ. Tôi cứ tưởng nhà giải phẫu chỉ tin cậy ở tài năng của mình thôi.

Nhà giải phẫu đáp:

– Thưa mục sư, nhà giải phẫu cũng chỉ là người, không thể tự mình làm ra phép lạ. Tôi tin chắc rằng nếu không nhờ vào một yếu tố nào mạnh hơn loài người, thì khoa học chẳng có tiến bộ như ngày nay.

Rồi ông kết luận:

– Ngài thấy đó, đang khi mổ xẻ, tôi cảm thấy mình rất gần gũi với Đức Chúa Trời, đến nỗi tôi không biết tài năng của tôi ngừng lại ở đâu và tài năng của Chúa bắt đầu từ chỗ nào.