Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách hành xử cần phải có trong những hành động trực tiếp làm cho người thân cận. Với bài Tin Mừng hôm nay Chúa tiếp tục những lời dạy về cách cư xử đó. Nội dung những lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu thì có nhiều nhưng chúng ta có thể tóm gọn lại bằng 2 ý:

A. Ý Thứ 1 Chúa Bảo Đừng Trả Đũa (Mt 5,38-42):

– Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình: “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Chì thì chắc chắn nặng hơn đất và nguy hiểm hơn đất.

– Cựu Ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng”(Mt 5,38)

– Còn Chúa Giêsu, thì Ngài dạy: hoàn toàn không trả đũa.

Không trả đũa, đó không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó chính là thái độ của kẻ mạnh.

Hàn Tín, một danh tướng của vua Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo ăn. Thế mà có những lúc cũng không đủ ăn, Hàn Tín được một bà lão thợ giặt gọi về cho ăn cơm. Có một điều lạ là, đi đâu Hàn Tín cũng mang theo một thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có một tên đồ tể thô lỗ ở chợ tên là Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín nên chặn đường thách thức:

– Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì. Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có to gan thì sẵn gươm đó, hãy chém tôi mà đi, bằng không thì phải lòn dưới “chôn” tôi mà qua!

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn dưới “chôn” tên hạ tiện đó mà đi, lòng tự nhủ:

Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà phải lấy mạng mình mà đổi mạng nó, thì không đáng tí nào.

Sau đó Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm một vua chư hầu vùng Tam Tề. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu một nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy ngày xưa, Hàn Tín lại còn phong cho hắn chức Trung Húy. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói:

– Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm của ngài, nay tội ấy được tha chết là may lắm rồi, đâu còn dám mong được ban chức tước ?

Hàn Tín ôn tồn bảo:

– Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng cừu hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học để ta luyện chí. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà từ chối nhưng hãy nhận lấy chức tước ta ban.

Vâng! Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh hơn về tình thương, vì chỉ khi có một tình thương rất mạnh mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ đã xúc phạm mình.

B. Ý Thứ Hai: Hãy Đối Xử Tốt Với Những Kẻ Thù Ghét Mình (Mt 5,43-48):

– Khuynh hướng tự nhiên là thù ghét kẻ thù ghét mình.

– Cựu Ước không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.

– Còn Chúa Giêsu thì dạy:

a/ Hãy yêu thương kẻ thù;

b/ Hãy làm ơn cho kẻ ghét mình;

c/ Hãy cầu nguyện cho họ.

Phim ảnh thường nói về những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng: con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau v.v. Nhưng gần đây, ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là báo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì hận thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức rằng báo thù không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.

Đấy là câu truyện do nhà văn hào Lep Tolstoy kể: Có người hành khất nọ đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí một đồng xu hay một miếng bánh vụn. Đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi ở người giàu có. Thế nhưng mặc cho người nghèo khó khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến lúc không còn chịu đựng nổi những lời năn nỉ của kẻ ăn xin nữa, thì thay vì bố thí cho nghèo đó một cái gì thì người giàu có lại lấy hòn đá ném vào mặt người nghèo khó khốn khổ đó. Người hành khất cúi xuống nhặt hòn đá cho vào bị vừa nhặt vừa thì thầm trong miệng: “Ta sẽ mang hòn đá này cho đến khi nhà ngươi sa cơ thất thế, ta sẽ dùng nó để ném trả lại nhà ngươi”. Thế rồi, đi đến đâu người hành khất đó cũng mang theo hòn đá đó. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Rồi năm tháng qua đi, lời chúc dữ đó đã trở thành sự thật. Vì biển lận nên người giàu có đã bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vô ngục.

Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người giàu có bị áp giải dẫn vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong tâm hồn ông. Ông len lỏi đi theo đoàn người áp giải. Tay ông nắm thật chặt hòn đá mà cách đây 10 năm người kia đã ném vào ông. Ông muốn ném ngay hòn đá ấy vào mặt người tù để rửa mối nhục hằng đeo đuổi bên ông. Nhưng rồi cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy khốn nạn của kẻ đang bị còng tay dẫn đi trước mặt ông, người hành khất ném nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này suốt bao năm qua. Con người này giờ đây cũng chỉ là một kẻ khốn khổ, có lẽ còn khốn khổ hơn ta nữa”.

Có lẽ trong cuộc đời biết đâu lại chẳng có lúc chúng ta cũng ứng xử giống như người hành khất nghèo khó nọ. Chúng ta vẫn còn mang những hòn những hòn đá thù hận còn tệ hơn, không những làm cho tâm hồn chúng ta bất an mà còn phá hủy đi mối tương quan liên đới tốt đẹp giữa người với nhau.

Cách tốt nhất để có được đời sống hạnh phúc là biết sống yêu thương nhau. Đây là câu chuyển của một gia đình. Câu chuyện rất thường nhưng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Học giả Lâm Ngữ Đường nổi tiếng là người chiều vợ. Để cho vợ vui, ông thường ngồi trên chiếc ghế tựa, miệng hút xì gà lắng nghe vợ nói chuyện, thỉnh thoảng lại phụ họa vài câu. Nếu vợ tức giận, ông sẽ chẳng nói một câu nào. Tuyệt chiêu của ông là: nói ít tốt hơn nói nhiều. Ông cho rằng, vợ chồng cãi cọ nhau chẳng qua là do bất đồng ý kiến, tức giận, nói thêm một câu càng làm cho tình hình thêm căng thẳng một phần. Ông thường dùng sự khôi hài để “điều hòa âm dương”. Ông còn khuyên người khác: “Lúc vợ vui, bạn nên chiều theo ý cô ấy. Lúc vợ tức giận, bạn nên nhường nhịn cô ấy”.

Vợ ông chúa ghét người khác nói cô ấy béo, thích nhất được người khác khen cô ấy có chiếc mũi dọc dừa vừa cao vừa thẳng. Vì thế, mỗi khi vợ không vui, Lâm Ngữ Đường đến gần vuốt chiếc mũi của vợ, khiến cô ấy phải bật cười. Có nhiều khi, sau bữa ăn, ông còn giúp vợ rửa bát. Nhưng vợ ông rất sợ tiếng bát vỡ cùng với sự vụng về của ông trong công việc bếp núc. Nhưng nghĩ đến sự thành tâm của chồng, cô ấy để mặc cho ông “biểu diễn”.

Đối với việc trang điểm của phụ nữ, ông không hề bủn xỉn chút nào. Ông biết vợ rất coi trọng giày dép, nên mỗi khi đi ngang qua tiệm giày, ông thường để cho vợ vào chọn mua giày, còn mình thì dắt con đi xem những cửa hàng bên cạnh.

Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống thật tốt với nhau để chúng ta xứng đáng là con của Chúa. Amen.

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta vừa nghe một bài Tin mừng thật dài, dài hơn tuần trước. Tuần trước chúng ta suy niệm với nhau về vai trò của Muối và Ánh sáng. Muối phải có vị mặn và ánh sáng phải tỏa sáng. Hôm nay với Bài TM này, chúng ta suy niệm với nhau về cách thức để làm cho muối có vị mặn và ánh sáng có khả năng tỏa sáng..

Trong Bài TM hôm nay, Chúa tuyên bố nhiều điều, nhưng chúng ta chú ý vào mấy điểm chính:

L. Ta Đến Không Phải Để Hủy Bỏ Nhưng Để Kiện Toàn

– Chúa không đến để hủy bỏ luật cũ. Luật cũ là Luật Cựu Ước. Luật này được đặt trên nền tảng hai tiếng Công Bình. Luật này cũng do Thiên Chúa ấn định. Và Chúa không thể tự mâu thuẫn với chính mình khi hủy bỏ những gì do mình làm ra.

Lúc đầu vì mức độ hiểu biết của con người còn thấp, cho nên Chúa chỉ đòi hỏi con người phải biết sống CÔNG BÌNH đối với nhau. Sống được như thế kể như cũng đã là tốt lắm rồi.

So với Luật mới, luật Bác Ái thì luật cũ, Luật Công Bình còn ở mức độ rất thấp.

– Thế nhưng so với các dân tộc chung quanh đang sống dưới chế độ Luật rừng thì Luật Công Bình: “Mắt thế mắt, răng đền răng” phải nói là đã có một sự tiến bộ rất lớn rồi.

– Công bình mà nói thì dân Do Thái trong một giai đoạn lịch sử nhất định đã chu toàn được vai trò là Dân Thiên Chúa của mình.

2. Thế Nhưng Cuộc Sống Con Người Không Bao Giờ Dừng Lại.

Nó luôn luôn thăng tiến. Cha Teilhard de Chardin đã nói tới một sự thăng tiến theo đường trôn ốc…sự thăng tiến mỗi ngày mỗi phải cao hơn.

Chúa cũng công khai đòi hỏi những người theo Ngài phải thăng tiến “Chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con ở trên trời”. Đó là một đòi hỏi thật cao. Nó bắt buộc chúng ta phải vượt qua những làn mức của quá khứ và vươn tới một đỉnh cao mới.

Với 6 cặp ví dụ, hôm nay 4 cặp và tuần sau 2 cặp, Chúa đã cắt nghĩa cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt tới sự đòi hỏi của Chúa.

“Các con đã nghe dạy người xưa. “Chớ giết người, Chớ ngoại tình, chớ thề gian và nếu có ly dị thì hãy trao cho vợ tờ ly dị…Còn Chúa thì Chúa bảo ai phẫn nộ với anh em, chửi anh em là ngốc, rủa anh em là khùng thì cũng đáng phải phạt rồi…Vấn đề ngoại Tình, Ly dị, thề thốt Chúa cũng cho những chỉ dẫn mới.

Rõ ràng là đòi hỏi của Chúa quyết liệt và dứt khoát hơn. Nhưng đó cũng là những đòi hỏi giúp cuộc sống con người trở thành một cuộc sống có giá trị tốt đẹp và đáng nể phục hơn.

Luật cũ chỉ có giá trị ngăn ngừa, luật mới của Chúa đưa ra những chỉ dẫn giúp chúng ta thăng tiến bằng những thực hành rất cụ thể để chúng ta có thể tiêu diệt được tội lỗi ngay từ trong căn nguyên của nó và sau đó con người có thể tìm lại được đời sống Thánh thiện nguyên thủy lúc ban đầu của mình.

3. Chúng ta có thể tự đặt ra một câu hỏi: “Khi đòi hỏi như thế Chúa muốn điều gì ở nơi chúng ta ?”

– Câu trả lời tương đối không có gì là khó: Chúa muốn cho chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp đáng nể phục – để rồi từ đó chúng ta có thể cộng tác với Người làm cho thế giới mà trong đó con người đang sống có được một khuôn mặt càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta hãy thử tượng tượng xem, nếu ngày hôm nay mà chúng ta vẫn còn phải sống dưới chế độ luật rừng thì không biết cuộc sống của con người trên trái đất này sẽ như thế nào. Trước đây mới chỉ có một Tần Thủy Hoàng ở bên Trời Đông và một Bạo chúa Néron ở bên trời Tây mà không biết bao nhiêu con người đã phải khốn đốn vì họ. Nếu có nhiều hơn thì chắc là thế giới còn phải chịu nhiều cảnh khốn khổ như thế nào.

Người đi theo Chúa phải có một cuộc sống hoàn thiện hơn. Đừng tưởng có quyền, có tiền là làm cho người ta phải nể phục. Muốn làm cho người ta nể phục đòi hỏi chúng ta phải là người có tư cách, có đạo đức như Chúa Giêsu đòi hỏi.

– Vua Philippe có tài cai trị rất khéo nhưng ông đã không Công bằng sòng phẳng trong đời sống hôn nhân. Ông bỏ người vợ đầu tiên là Olympias để cưới một người đàn bà xứ Macédonia là Cléopatre (không phải là Hoàng hậu Ai cập)

Việc Ông làm như thế đã làm cho đứa con của ông sau này là Alexandre Đại đế đau lòng.

Trong bữa tiệc cưới, Attlas là chú rể của cô dâu….đứng lên cầu nguyện cho hoàng hậu mới, sinh cho Đức Vua một người con để nối ngôi Vua Cha sau này. Chịu không nổi cảnh nhục nhã đó, Alexandre cầm một ly rượu tạt vào mặt kẻ đã dám gián tiếp xỉ nhục Mẹ ruột của mình giữa bá quan văn võ trong lúc bữa tiệc đang vui. Vua Philippe vừa thẹn vừa mất bình tĩnh, tuốt gươm ra định giết đứa con mà Ông rất yêu thương của mình, nhưng may Ông đã kịp thời lấy lại được sự bình tĩnh, ông tra gươm vào bao và mệt mỏi ngồi xuống.

Alexandre con Ông khinh bỉ nói với cha của mình: “Hãy nhìn xem – Con người có thể chinh phục cả từ Âu sang Á mà lại không làm chủ được mình, sống buông thả cho dục vọng hết người đàn bà này đến người đàn bà khác”.

Vua Philippe rất xấu hổ nhưng Ông cũng không dám làm gì.

Chúng ta đừng có tưởng có được địa vị cao, có tiền có của nhiều mà được người đời kính cẩn nể phục đâu.

Phải có một cái gì cao cả hơn. Sự cao cả không nằm ở những gì to tát, oai phong lẫm liệt nhưng ở những việc bình thường nhưng được làm với tình yêu.

Một tờ báo lớn của Trung Quốc từng đã đăng tải về một “việc làm nhỏ” như sau:

Ở dưới chân núi Trường Thành đoạn đi qua Bát Đạt Lĩnh, có một cụ già ngoại quốc đã lặng lẽ làm một “việc làm nhỏ” trong suốt nhiều năm trời với mục đích giữ cho cảnh quan môi trường của Trường Thành sạch đẹp.

Mỗi khi vào dịp lễ Tết, những du khách đến Trường Thành tham quan đều nhìn thấy một cụ già ngoại quốc tráng kiện, cần mẫn và chuyên tâm nhặt rác thải mà các du khách tiện tay vứt bừa bãi khắp nơi ở dưới chân Trường Thành.

Có một lần, một cậu bé nghịch ngợm suýt nữa rơi từ trên Trường Thành xuống. May mà cụ già ấy có mặt kịp thời. Cụ già không quản nguy hiểm, nhảy xuống cứu cậu bé. Sau đó, ông cụ lại tiếp tục nhặt rác, giống như không có chuyện gì xảy ra. Cho đến khi một du khách chụp ảnh cụ, đăng bài viết về cụ trên một tờ báo lớn, mọi người mới biết rõ thân phận thực sự của cụ. Hóa ra, cụ già với bề ngoài bình dị ấy, trước đây từng là đại sứ của Na-uy tại Trung Quốc. Khi các phóng viên biết tin đến phỏng vấn, vị đại sứ ấy đã nói về công việc của mình hết sức đơn giản:

– Đây chẳng qua chỉ là một việc làm nhỏ, ai mà chẳng làm được.

Không biết việc làm nhỏ ở đây dùng để chỉ việc tự nguyện nhặt rác thải hay là không quản nguy hiểm để cứu người khác ? Ngài đại sứ không nói rõ. Theo sự phỏng đoán của tôi, chắc là cả hai. Nhưng mỗi khi nghĩ đến “việc làm nhỏ” ấy trong lòng tôi lại trào dâng xúc cảm.

Cách đây không lâu, tôi tò mò hỏi một người bạn, điều gì khiến anh ta ấn tượng nhất trong chuyến đi du lịch ở Hong Kong. Anh ấy trả lời, ấn tượng sâu sắc nhất mà trung tâm thương mại tài chính lớn nhất thế giới ấy để lại trong anh không phải là màn đêm với ánh đèn rực rỡ như sao trời, cũng không phải là những tòa nhà cao ốc chọc trời, cũng không phải là những bờ biển trữ tình thơ mộng. Cũng không phải bến cảng Victoria với những con thuyền đi lại tấp nập như mắc cửi, cũng không phải là công viên Hải Dương với những trò chơi mới lạ kích thích, mà là đường phố sạch sẽ không chút bụi bẩn.

Anh ấy không hiểu tại sao, một đô thị lớn bậc nhất thế giới ấy, lại có được một môi trường sống sạch sẽ như thế. Anh nghĩ chắc chính phủ phải điều động không biết bao nhiêu công nhân vệ sinh môi trường ? Nhưng rồi sau đó, ở đường phố Hiên Nê Thi và trước ngân hàng Hối Phong, anh nhìn thấy rất nhiều người tình nguyện làm công việc nhặt rác, anh mới vỡ lẽ.

Sự cao thượng là gì ? Sự cao thượng thực ra rất đơn giản, chính là bắt đầu từ những “việc làm nhỏ”.

Lạy Chúa Giêsu

Xin dạy cho con biết sống can trường

Xin cho con can đảm hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy cho con biết theo Chúa vô điều kiện

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con. Amen.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên “muối cho đời”“ánh sáng cho trần gian”. Bằng hai hình ảnh rất quen thuộc này, Chúa Giêsu đã phác họa luật sống cho con cái mình, để họ làm chứng cho Chúa giữa anh em đồng bào, đồng loại.

Muối là gia vị cần thiết nhất để ướp thực phẩm khỏi hư thối và để làm đồ ăn thêm đậm đà. Thánh Phaolô căn dặn tín hữu Colosê: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mọi người” (Col 4,6).

Nếu muối cần để ướp thực phẩm khỏi hư thối và làm cho đồ ăn thêm đậm đà, thì ánh sáng còn cần cho sự sống mọi loài hơn nữa. Không có ánh sáng, vũ trụ này sẽ tối tăm, con người như mù lòa và muôn vật sẽ mất hết màu sắc tươi đẹp của chúng. Không có ánh sáng, mọi loài sẽ chết dần chết mòn.

Khi Chúa Giêsu nói: Chính anh em là muối cho đời là ánh sáng cho trần gian, Ngài muốn nói gì ?

Muối cho đời!

Khi sánh ví người Kitô hữu với muối, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một trách nhiệm rất quan trọng. Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của con người.

Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ với chất sodium của nó; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon, đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối; vừa dùng làm vị thuốc chữa bệnh cho con người.

Nếu muối rất cần thiết trong sinh hoạt của cuộc sống, thì người Kitô hữu cũng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường xã hội: Họ phải là những thỉnh nguyện viên bảo vệ môi trường khỏi những ô nhiễm của xấu xa, tội lỗi. Đồng thời, họ cũng phải làm cho cuộc đời của những người chung quanh bớt vô vị, nhạt nhẽo, nhưng luôn đậm đà thắm tình yêu cuộc sống và tình người. Thánh Phaolô dạy: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4,6).

Ánh sáng cho trần gian. Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng (1Ga 1,5) và chỉ có Đức Giêsu mới dám nhận mình là ánh sáng: “Tôi là ánh sáng của thế gian” (Ga 8,12). Chính xác hơn, Chúa chính là Nguồn Ánh Sáng, là Mặt trời, nguồn năng lượng duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng. Không có mặt trời sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp, thảo mộc, sinh vật, và con người. Mặt trời chính là hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa. Cội nguồn của mọi sự sống. Thế mà hôm nay, Chúa đã tuyên phong cho con người yếu hèn, tội lỗi, bệnh tật, khổ đau là ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho thế gian”. Quả thật, cho dù là những tín hữu rất ngoan đạo, chúng ta cũng chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của Chúa, nghĩa là chúng ta để cho ánh sáng của Người xuyên qua và tỏa sáng trong cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã phán ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2 Cr 4,6).

Nếu Chúa đã gọi chúng ta là “muối” là “ánh sáng” thì thật là vinh dự cho chúng ta, vì Người đã nhìn nhận nơi chúng ta một giá trị cao quí. Muối quý giá đến nỗi người ta phải dùng muối để phát lương. Vì thế, mới có từ “Salarium trong tiếng Latinh và từ “Salary” trong tiếng Anh.

Nếu “muối” và “ánh sáng” đã trở nên hữu ích như thế, thì “muối” không thể ra nhạt để thành vô dụng, và “ánh sáng” không thể đặt dưới đáy thùng để ra vô ích. Nhưng hãy là “muối” ướp mặn cho đời là “ánh sáng” soi chiếu cho trần gian.

Nếu “muối” ướp cho đời, “muối” phải biết chấp nhận hòa tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha.

Nếu “ánh sáng” chiếu soi trần gian, “ánh sáng” phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tại một giáo xứ nọ, có một người đàn ông bán thân bất toại. Mỗi buổi sáng, bà vợ đặt ông vào chiếc ghế bành ngoài hiên nhà, để ấm nước chiếc ly bên cạnh rồi đi làm thuê trưa mới về. Ông bà lại không có con cái cháu chắt. Gia đình ông bà không phải là người Công giáo. Hay tin, cha sở thỉnh thoảng ghé thăm ông. Ngài khuyên giáo dân đến thăm ông và giúp đỡ ông. Những lúc nghỉ học, một số em ở gần nhà ông đến thăm ông, đọc sách cho ông nghe. Các hội đoàn cũng đến thăm. Mỗi tuần, cha sở nhờ một bác sĩ tình nguyện đến thăm bệnh cho ông. Lễ Giáng sinh năm đó, ông ngỏ ý:

– Thưa cha, xin cha cho tôi rước lễ.

Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa học giáo lý, chưa rửa tội mà.

Ông thưa :

– Trước đây con chưa biết Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu tốt với con quá, nên con thấy hạnh phúc như được gặp Chúa rồi. Chỉ có Chúa mới làm cho anh em giáo hữu và bác sĩ đã bỏ công bỏ sức đến giúp đỡ người xa lạ và bệnh hoạn như con đây.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian. Một nụ cười thân ái, một cử chỉ chào hỏi thân tình, ít phút viếng thăm trò chuyện vui vẻ với nhau… đó là chút muối ướp cho đời đỡ giá lạnh, bớt hận thù ghen ghét. Một sự từ chối làm điều xấu như theo bạn bè xem phim xấu, rượu chè say sưa, bài bạc, cố gắng làm gương tốt cho vợ con, cháu chắt về việc đạo đức, yêu thương tham gia việc chung… Đó là ít tia sáng soi giữa đêm tối lười biếng, ích kỷ, ưa hưởng thụ này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa gọi chúng con là “muối” và “ánh sáng, có nghĩa là Chúa phong chức cho chúng con, để chúng con lên đường truyền giáo. Xin cho những bước chân chúng con đi tới, đều rộn rã tiếng cười, nồng nàn tình yêu thương, và thấm đậm tình con người. Amen.

Câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.

1. Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân” (Dt 2,1617).

Chúng ta khó có thể tìm thấy một diễn tả nào về Chúa Giêsu-làm-người hay hơn thế.

Như anh chị em đã biết, Chúa đến với loài người chúng ta là để cứu chuộc con người chúng ta. Chúa đã không muốn thực hiện công việc cứu chuộc này từ xa. Để làm công việc này, Chúa đã làm người. Thánh Gioan đã viết: “Ngài đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14)

Một Thiên Chúa cao cả, linh thiêng, đã nhận lấy một thân xác như mọi người chúng ta. Nguyên việc này thôi thì tôi tưởng cũng đã là một việc kỳ diệu rồi. Thế nhưng Chúa chưa muốn dừng lại ở đó. Nhận lấy một thân xác để được ở giữa loài người như một con người, Chúa Giêsu vẫn chưa lấy làm đủ. Người còn muốn đi xa hơn như lời Thánh Phaolô nói, Người muốn trở nên giống mọi người trong mọi sự“chỉ trừ tội lỗi”

Bài Tin Mừng hôm nay nói Chúa Giêsu được dâng tiến lên Thiên Chúa theo luật của Môisen. Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môisen cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisên, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi Lề Luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.

2. Bên cạnh đó bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng thấy những bài học khác cũng không kém quan trọng. Tôi muốn nói đến sự vâng phục và lòng khiêm nhường, đặc biệt của Đức Maria.

Sự vâng phục thánh ý Chúa là một trong nét đẹp trong đời sống của Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài đã thể hiện sự vâng phục này ngay từ khi các ngài được Chúa trao cho trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Giuse đã vâng phục thế nào thì mọi người chúng ta đã biết.

Còn với Đức mẹ Maria thì chúng ta thấy: Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ đã tuân hành giữ luật của Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo. Mẹ giữ luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Mẹ đã lên đền làm lễ dâng con và thanh tẩy. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu mến và kính trọng Thiên Chúa. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải vâng phục, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương cho những người khác”.

Thêm vào đó chúng ta còn thấy được nơi Đức Mẹ một tấm gương khác về lòng khiêm tốn

Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria vẫn hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabriel (Lc 1,29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1,48). Cả cuộc sống Mẹ Maria được dệt bằng đức khiêm tốn, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: “Cao sâu biết bao sự khiêm tốn mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi lên đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các thần Cherubim và các Seraphim không tài nào sánh ví”. Vậy mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn làm như thế.

Mẹ đã làm thế bởi vì Mẹ thực sự nhận biết được Thiên Chúa là Đấng cao cả và biết mình chỉ là một thụ tạo thấp hèn.

Chúng ta hãy tập sống khiêm tốn như Đức Mẹ để được luôn xứng đáng với tình thương của Chúa.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng!”

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, triền đồi. Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi…

Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:

– Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”

Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:

– Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.

Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã có hai chọn lựa rất quan trọng. Đây là những chọn lựa có tính toán cẩn thận vì nó quyết định cho sự thành bại trong công việc của Chúa.

A. Trước hết địa điểm Chúa Giêsu chọn để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài. Địa điểm đó là miền Galilê.

1. Tên Galilê trong tiếng Do-thái là Galil, có nghĩa là vòng tròn. Người Do-thái gọi là Galilê là miền của dân ngoại. Sở dĩ có tên đó là vì Galilê bị lọt vào giữa những miền mà dân ngoại cư ngụ.

2. Những con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galilê. Người ta thường nói: “Giuđê không có đường đi đâu hết, còn Galilê đi khắp nơi”. Giuđê có thể dựng nên một hàng rào để chặn đứng những ảnh hưởng và tư tưởng ngoại bang, còn Galilê không bao giờ làm được như vậy. Galilê là miền dành cho những điều mới mẻ xâm nhập.

3. Địa lý của Galilê cũng ảnh hưởng đến lịch sử của nó.

Xứ Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam chỉ dài khoảng 60km, nhưng dân cư thì đông đúc vì đây là miền đất phì nhiêu nhất xứ Thánh. Đất hẹp, người đông, thời Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15 ngàn dân.

Người dân Galilê có một cá tính rất đặc biệt. Họ sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Josephus nói về người Galilê: “Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất”. Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến cho việc truyền giảng nơi họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với Chúa.

Vâng Chúa Giêsu đã đi vào một xứ Galilê như thế để bắt đầu sứ vụ của Ngài. Chúa Giêsu biết Ngài đang làm gì.

B. Thứ đến là Chúa chọn những môn đệ đầu tiên.

Trong số những đến nghe Ngài rao giảng, Chúa Giêsu đã chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ đang hành nghề trên biển Galilê. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn. Họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường. Chúa Giêsu đã chọn lựa những người bình thường này. Và với những người như thế Ngài đã dùng họ để làm bất cứ công tác nào.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ Chúa chọn những ngư phủ lành nghề như vậy là vì họ có một số đức tính thiết yếu để có thể trở thành những tay đánh lưới người cho Chúa:

a/ Kiên nhẫn: người ngư phủ thường là những người rất kiên nhẫn. Họ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cá cắn mồi, nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu được.

b/ Bền chí: người ngư phủ giỏi thường là những người rất bền chí, không bao giờ ngã lòng. Thua keo này họ bày keo khác.

c/Can đảm: người ngư phủ giỏi thường bao cũng là những người rất can đảm. Người Hy lạp thuở xưa, khi cầu khẩn với các thần phù hộ, họ thường nói: “thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì quá lớn”. Người ngư phủ giỏi phải liều mình đương đầu với sóng to gió lớn.

d/Thấy thời cơ: người ngư phủ giỏi thường là những người biết rõ thời điểm để hành động. Người ấy phải biết khi nào nên và khi nào không nên thả lưới.

e/ Biết dùng mồi thích hợp: người ngư phủ giỏi thường là những người biết chọn lựa mồi thích hợp. Cá này ưa mồi này, cá khác thích mồi khác.

Phaolô nói: “Tôi trở nên mọi sự đối với mọi người để may ra được một vài người”.

f/ Biết ẩn mình: người ngư phủ giỏi thường là những người biết ẩn mình. Nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu.

Vâng Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng và cũng đã chọn những con người có phẩm chất đạo đức tốt để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nói theo kiểu Đông phương của chúng ta: rõ ràng là đã đủ mọi yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa…

Phần chúng ta, chúng ta cũng hãy làm môn đệ cho Chúa. Chẳng thiếu gì việc, cũng chẳng thiếu gì cách chúng ta có thể tiếp tục công việc của Chúa ngay trong xã hội hôm nay. Tôi xin đan cử một thí dụ:

Một ngày kia khi đến Melbourne bên Australia, Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến thăm một người nghèo không ai biết đến. Người này sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.

Mẹ Têrêsa bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc.

Ông gắt lên:

– Cứ để yên mọi thứ cho tôi.

Nhưng mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, mẹ tìm thấy một chiếc đèn trong góc phòng. Đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

– Sao lâu nay ông không thắp đèn lên ?

– Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu thấy mặt ai.

– Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không ?

– Vâng. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó mỗi ngày hai nữ tu của mẹ Têrêsa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy.

– Bây giờ tự tôi, tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng: ngọn đèn mà bà đã thắp lên nay vẫn sáng.

Ngọn đèn Mẹ Têrêsa thắp lên cho ông cụ này nay vẫn sáng.

Vâng chúng ta hãy làm sáng lên trên thế giới hôm nay ánh sáng của tình thương, của tình người, của chân lý để ánh sáng ấy làm cho cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay có thêm được những ý nghĩa cao đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.

Theo bố cục của Tin Mừng thứ tư, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước dân chúng. Vì dân chúng chưa biết Chúa, nên Gioan Tẩy giả đã giới thiệu về Chúa cho mọi người. Gioan đã giới thiệu Chúa bằng hai hình ảnh xem ra có vẻ tương phản với nhau: Ngài vừa là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, vừa là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn của Thiên Chúa. Nhìn thoáng qua thì chúng ta thấy như vậy nhưng nhìn thật sâu, thật kỹ thì chúng ta thấy hai hình ảnh trên không những không đối chọi mà ngược lại còn bổ túc và soi sáng cho nhau: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang nhưng cuộc sống của Ngài ở trần gian là cuộc sống như một Người Tôi Tớ, Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa ở giữa loài người. Nói một cách thật ngắn gọn thì chúng ta thấy Chúa đã sống sự cao thượng của Ngài trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài đã sống với tâm hồn cao thượng.

A. Chúa Giêsu là ai ?

1. Vâng Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang.

Điều này Gioan đã công khai làm chứng. Lời chứng của Gioan có một giá trị hết sức đặc biệt. Toàn bộ bài Tin mừng hôm nay nói lên điều đó. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

Vâng đúng như vậy, Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang: Đấng xóa bỏ tội trần gian, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. Có lẽ không còn từ nào nói về Chúa Giêsu cao hơn nữa.

2. Nhưng bên cạnh hình ảnh về một Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang chúng ta lại còn thấy Gioan nói về Chúa như một Con Chiên của Thiên Chúa. Gioan đã có ý muốn nói gì khi giới thiệu về Chúa như thế ?

Chúng ta biết Thành ngữ Chiên của Thiên Chúa là một thành ngữ hết sức kỳ diệu.

Chúng ta biết thời Cựu ước trong ngày lễ Đền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con dê, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.

Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, phải chăng ngài cũng có ý cho mọi người hiểu rằng Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta.

Đức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân Do thái vào sa mạc. Thánh Gioan Tông Đồ cũng quả quyết: Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn cả tội lỗi cả thế gian nữa. (1Ga 2,2) Thánh Tông Đồ Phêrô còn nói rõ hơn: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. (1Pr 2,24). Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta đã thành thánh hết. Lý do là vì thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Đức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta.

B. Chúng ta hợp tác thể nào ? 

Nói một cách thật vắn là chúng ta hãy sống như Chúa đã sống. Cuộc sống của Chúa là bài học và cũng là tấm gương cho chúng ta.

Chúng ta tự hỏi Chúa đã sống như thế nào ? Ngài đã sống sự cao thượng của Ngài trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài đã sống với tâm hồn cao thượng.

Qua Tin Mừng chúng ta thấy mặc dầu là Thiên Chúa nhưng Chúa đã sống hoà mình với mọi người. Nhưng khi sống hòa mình với mọi người chúng ta thấy Ngài vẫn luôn giữ được phẩm giá của mình là Thiên Chúa. Xin được gửi đến anh chị em một bài thơ mà tác giả là Rabindranath Tagore, một nhà văn hào được cả loài người kính nể và yêu mến. Ông đã có rất nhiều cảm nghiệm sâu xa về Chúa Giêsu mặc dù ông không phải là một người có đạo. Đây là một bài thơ ông viết ra để để mô tả về cuộc đời của Chúa, một cuộc đời cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường; và trong hoàn cảnh tầm thường Ngài vẫn giữ được tâm hồn cao thượng.

Sáng hôm nay, con được làm bạn đường cùng đi với Chúa về làng.

Con cử thắc mắc mãi: ở nhà quê thì có gì vui đâu mà lại đi tổ chức… du lịch ?

Vậy mà ngang qua một bờ đê, Chúa đã dừng lại để lội xuống ruộng, đón lấy tay cầy đằng sau con trâu gầy còm của một bác nông dân.

Rồi Chúa lại còn cùng tát nước với họ vào một mảnh ruộng khác đang khô nước.

Chúa làm một cách say mê vui vẻ trong khi nắng đã lên cao, trời nóng dần đến mức như đổ lửa…

Con cũng đành phải làm theo Chúa mà miệng thì cứ lẩm bẩm: đúng là đang đâu lại đi chuốc vào thân những vất vả cực nhọc! Rõ khổ!

Đến quá trưa, Chúa chia tay với những người dân cầy chất phác và vui tính sau khi uống một bát nước vối họ mời.

Chúa quay lại bảo con: “Nào, chúng mình về một khu ngoại thành đi!”

Con cứ ngỡ Chúa sẽ vào một quán nước có máy lạnh dành cho khách du lịch để nghỉ ngơi…

Vậy mà, vừa gặp một tốp thợ đang thi công một đoạn quốc lộ, Chúa lại đã ghé vào, xắn tay áo xin cùng làm với họ.

Chúa cũng xúc đá, cũng đội sọt cát trên vai hoặc lăn một thùng hắc ín đến lò nấu dã chiến bên vệ đường…

Cứ thế, vừa làm Chúa vừa trò chuyện thân tình với họ, mặc cho mồ hôi muối túa ra ướt đẫm lưng áo.

Con lại cũng đành phải làm theo Chúa, cố tình chọn một việc nhẹ nhất cho đỡ mệt, hơi sức đâu mà đánh liều với thứ công việc khổ sai như thế.

Xập tối Chúa chia tay với cánh thợ bộc trực và gân guốc sau khi rít một điếu thuốc rê với họ.

Chúa lại bảo con đi tiếp đến một thị trấn nhỏ gần đó.

Con cứ ngỡ phen này Chúa sẽ tìm một khách sạn để nghỉ ngơi và dùng cơm tối,

Đói bụng lắm rồi còn gì.

Thế mà khi ngang qua một vùng ven thị trấn, Chúa lại bảo con ghé vào thăm một làng phong.

Ở đây, Chúa đã ngồi xuống bên những bệnh nhân tật nguyền, xúc cơm đổ thuốc, lau mặt thay áo cho họ, mặc cho những vết thương lở loét của họ bốc lên mùi hôi tanh ghê sợ.

Chúa còn đến tận giường để an ủi nâng đỡ một cụ già đang hấp hối sau đời gánh chịu căn bệnh đau đớn cùng nỗi tủi nhục, bị con cháu và xã hội xua đuổi.

Con cũng đành phải làm theo Chúa, nhưng chỉ là phụ giúp giặt khăn rót nước hoặc lấy bông băng đưa cho Chúa…

Mãi đến khuya, Chúa mới chịu chia tay với những người phong cùi sau khi vuốt mắt cho cụ già vừa qua đời.

Về lại thành phố, con đang thầm lo: không biết Chúa còn định đi những đâu nữa đây, khổ quá đi mất!

Du lịch mà cứ như là một chuyến công tác xã hội từ thiện, biết vậy, hôm nay con đã chẳng nhận lời theo Chúa đi lang thang vạ vật như thế này…

Thế rồi, ngang qua một nguyện đường nhỏ bé của một dòng tu, Chúa bảo con: “Mình cùng vào cầu nguyện một chút nhé”

Con thở phào yên tâm.

Nhưng tối khuya thế này, ai mà mở cửa cho vào ?

Không ngờ Chúa dừng lại trước cánh cửa lớn nhà thờ, quỳ xuống thềm và bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha… “

Đến lúc này thì con mới chợt hiểu tất cả để lặng lẽ quỳ xuống bên Chúa, lòng bật lên lời tâm nguyện:

“Con cố gắng cúi mình khiêm nhu, xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại nhưng sâu hút vô ngần Ngài ơi, vẫn không sao chạm được…

Vâng sống như Chúa Giêsu là sống như thế: Cao cả trong những cái tầm thường nhưng tầm thường với một tâm hồn cao cả.

Xin được kết cũng bằng một bài thơ khác của Tagore.

Lạy Thiên Chúa, đây lời con cầu nguyện: Xin tận diệt, tận diệt trong tim con mọi biển lận tầm thường. Xin cho con sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho con sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho con sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. Xin cho con sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho con sức mạnh tràn trề để nâng mình theo ý Ngài luôn. Amen.

Tin mừng hôm nay nhắc tới ba dạng Phép rửa khác nhau:

1. Phép Rửa thứ nhất là Phép Rửa bằng nước. Đây là Phép Rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan là Phép Rửa sám hối.

Đây là một dấu cho thấy dân chúng ăn năn tội lỗi của họ và muốn tẩy xóa nó đi.

Phép rửa này là bước đầu tiên trong một cuộc hành trình dài. Nó chỉ là một dấu hiệu, một khởi điểm.

Gioan đã làm sáng tỏ điều này khi ông nói: “Tôi làm phép rửa bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối – Nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Linh và bằng Lửa. Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi chẳng xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người” (Mt 3,11)

Nói một cách khác, theo Gioan thì Phép rửa của ông chỉ là chuẩn bị cho Phép rửa bằng Thánh Linh của Đức Giêsu. Vào cuối đời Chúa đã nói với các môn đệ như thế này: “Các con hãy đi đến với mọi người trên khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần (Mt 28,19).

2. Phép rửa thứ hai là phép rửa của Chúa Giêsu. Đây là Phép Rửa tái sinh. Phép rửa này ban cho người được rửa một đời sống mới. Thánh Phaolô đã giải thích về đời sống này cho những người vừa được rửa tội như sau: “Khi được rửa tội, anh em được an táng với Đức Kitô và trong phép rửa anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2,12-13)

Như vậy qua Phép Rửa này, Chúa Giêsu chia sẻ cho những người được rửa đời sống thần linh của Ngài. Điều này dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba: Phép rửa thánh Gioan làm cho Chúa Giêsu.

3. Phúc âm hôm nay mô tả thật rõ những sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài: “Bầu trời mở ra, rồi Thánh Thần hiện xuống rồi sau đó một giọng nói từ trời vọng xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta. Con đẹp lòng Ta”

Nếu phải đặt cho phép rửa này một tên thì ta có thể gọi đây là phép rửa Mặc khải. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua hình ảnh bầu trời, Thánh linh và giọng nói được vang ra.

a- Trước hết là hình ảnh bầu trời được mở ra.

Ngày xưa người Do thái tin rằng Thiên Chúa sống ở trên một góc trời nào đó bên trên bầu trời bao bọc trái đất như một bức chắn. Nếu Thiên Chúa muốn đi vào trái đất thì Thiên Chúa phải đi qua bức chắn này. Tiên tri Isaia cũng cùng một quan niệm như thế khi ông nói: “Xin Chúa hãy xé toang bầu trời ra và xuống cứu dân của Người (Is 64,1).

Hình ảnh bầu trời được mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của nhà tiên tri và đã xuống thế gian. Như thế là một thời đại mới đã bắt đầu: thời đại Thiên Chúa xuống để cứu dân của Người.

b- Bước qua hình ảnh thứ hai: Thánh thần Chúa lượn quanh trên Đức Giêsu. Hình ảnh này thật giống với hình ảnh trong sách Sáng Thế Ký: “Thần khí Chúa bay lượn là đà trên mặt nước (St 1,2) vào lúc Chúa khởi đầu việc tạo dựng. Tại sao lại có một sự trùng hợp như thế. Đây không phải là ngẫu nhiên. Ở đây Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Thời đại mới mà Ngài xây dựng trên trần gian là một cuộc tạo dựng mới. Nói cách khác đây là một cuộc tái tạo lại trần gian.

c- Sau hết là việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Con của Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta (Mt 3,17). Qua lời xác nhận này Thiên Chúa muốn giới thiệu với con người về Chúa Giêsu như một “Adam mới”

Thánh Phaolô đã khai thác ý tưởng này rất hay như sau: “Con người đầu tiên tức Adam đã được tạo dựng nên như một vật sống. Còn Adam cuối cùng tức là Đức Giêsu là Thần ban sự sống… Adam thứ nhất đến từ đất – Adam thứ hai đến từ trời…..Như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh người bởi đất mà ra (tức Adam thứ nhất) thế nào thì chúng ta cũng mặc lấy hình ảnh của người từ trời mà đến như thế. Người từ trời đây chính là Adam thứ 2, tức là Đức Giêsu (1Cor 15,45-49).

Như vậy thì ý tưởng đã rõ. Phép rửa Chúa Giêsu chịu là Phép rửa Mặc khải. Nó báo cho con người biết là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Kỷ nguyên này là một cuộc tạo dựng mới với sự có mặt của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa như một Adam mới của nhân loại.

Như vậy là chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên mới trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bởi thế, thánh Phaolô nói với chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,1-2)

“Sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài hiện ra thì anh em cũng được xuất hiện với Ngài để được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài” (Cl 3,1-4).

Một hôm duyệt binh, vua Alexandre thấy một anh bộ đội có vẻ yếu ớt và mang một cây gươm rỉ sét, Ngài đứng lại và hỏi tên, hắn thưa mình là Alexandre.

Nghe nói, vua liền nổi giận, nhìn thẳng vào con người lười biếng đó và bảo:

– Mày một là phải đổi tên, hai là phải đổi tính nết.

Alexandre là một ông vua trẻ trung, can đảm, hoạt động mà tên lính của Alexandre thì như vậy vua coi là một điều xấu hổ.

Mang danh hiệu Kitô hữu, có đạo Đức Chúa Giêsu mà cách ăn ở không có gì giống Chúa, thì chỉ làm xấu cho đạo. Nhiều khi trong đời sống người có đạo còn thua kém người bên lương: ăn gian, nói dối, lỗi đức công bình, bác ái…

Xin được kết bằng lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện (Ep 4,17.24).

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe nói cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.

Hẳn là đã có nhiều người thấy ánh sao lạ đó, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là “tín hiệu” loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.

Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều người đã thấy hoặc đã biết, nhưng sao chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm người. Bởi thế họ quỳ xuống dâng lễ vật và thờ lạy. Tại sao thế?

1. Kẻ Thấy Người Không

Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?

Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin thì nhờ đức tin mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.

Một buổi trưa hè nóng bức, thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàn lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.

Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.

Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dọi vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.

2. Kinh Nghiệm Nội Giới

Vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?

Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.

Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thế cân, đong, đo, đếm được. Không thể chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thế viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.

Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.

Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Kinh nghiệm này, mình thấy rõ, thấy thật, mình cảm nghiệm được, nhưng hầu như không thể truyền đạt giải thích cho người khác, chỉ mình mình biết.

Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.

Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.

M. Toliver một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành. Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện. Khi qua cơn nguy biến, đứa bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói:

– Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?

3. Lòng Thành Và Ơn Thánh    

Nhưng thử hỏi bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?

Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.

Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.

Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng”. Mọi ánh sáng đều bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.

Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.

Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó. Trái lại hãy sống trọn niềm tin của mình, thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống giống như các đạo sĩ. Sau khi khám phá ra Chúa, cuộc đời họ đã biến đổi hoàn toàn và cuộc sống của có thật nhiều niềm vui.

Ernest Gordon có viết một quyển sách tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, trong đó ông trích dẫn một mẩu chuyện có thật xảy ra tại một trại tù binh Nhật bổn dọc bờ sông Kwai trong thế chiến thứ hai. nơi đây 12 ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn tệ trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.

Đám đàn ông bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng đôi khi lên đến 49oC. Đầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai để xây cho xong toàn bộ tuyến đường. Họ chỉ mặc mỗi manh áo rách và nằm ngủ trên mặt đất không chăn chiếu. Thế nhưng kẻ thù khủng khiếp nhất đối với họ không phải là đám lính Nhật hay cuộc sống gian khổ mà lại là chính bản thân họ.

Theo lời kể của Gordon, vì quá sợ tụi lính Nhật, nên đám tù nhân đã bị mắc chứng hoang tưởng. Họ lấy luật rừng cư xử với nhau. Đám lính gác cười nhạo khi nhìn thấy những người lính từng kiêu hãnh biết bao giờ đây đang phá hoại lẫn nhau.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức cho các bạn tù thành lập những nhóm học hỏi Thánh kinh. Và qua việc học hỏi Thánh Kinh, dần dà đám tù nhân khám phá ra Chúa Giêsu đang sống d0ộng giữa họ, vì Ngài đã từng không có chỗ gác đầu vào ban đêm, Ngài đã từng chịu đói khát, Ngài từng bị phản bội, từng nếm roi vọt trên lưng như họ.

Thế là tất cả những gì liên quan đến Chúa Giêsu, về con người của Ngài, về những gì Ngài nói, những gì Ngài làm bắt đầu mang đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với họ. Đám tù không còn cho rằng họ là những nạn nhân của một tấm bi kịch độc ác nữa; họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ sự hoán cải rõ rệt nhất trong những lời cầu nguyện. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn cho chính mình, nếu có xin gì cho riêng mình thì họ chỉ xin được nới lỏng tự do để đến bên nhau. Dần dà, cả trại đã được biến đổi, đến nỗi không phải chỉ đám lính Nhật mà cả các tù binh ấy cũng phải ngạc nhiên.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh gia. Sở dĩ Giáo hội đặt lễ Thánh gia này ngay trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh là vì Giáo hội muốn cho chúng ta ý thức được tính cách đặc biệt của vấn đề Gia đình nhất là trong hoàn cảnh hôm nay.

Nhìn vào gia đình thánh gia chúng ta tự hỏi gia đình của chúng ta có thể sống như thế được không ? Câu trả lời là được nếu chúng ta biết cố gắng. Vậy thì đâu là những yếu tố làm nên một gia đình giống như gia đình Thánh Gia ? Câu trả lời chẳng cần tìm đâu xa. Chúng ta hãy trở về với những chương đầu của sách Sáng Thế Ký chúng ta sẽ thấy.

1. Kính Thánh kể lại: Thuở ban đầu Thiên Chúa mới chỉ dựng nên có một người nam. Và Kinh Thánh mô tả cuộc sống đơn độc của Adam thật là thê thảm. Adam cảm thấy cô đơn và buồn chán. Chính Thiên Chúa khi nhìn vào, Người cũng phải thương cảm mà nói: “Voe soli! Thật khốn cho những kẻ cô đơn”. Và sau đó Thiên Chúa đã dựng nên cho Adam một người bạn đời. Đó là Evà, người phụ nữ đầu tiên. Khi nhìn thấy Evà, Adam đã vui như thế nào thì tất cả mọi người chúng ta đều biết. Từ sự những kiện đó chúng ta có thể rút ra yếu tố đầu tiên làm nền tảng cho một gia đình thánh đó là: “Gia đình là một cộng đoàn mà các thành phần trong đó luôn biết hướng về nhau”. KT đã diễn tả về việc này rất hay: “Người nam bỏ Cha mẹ mà luyến ái với người vợ của mình để cả hai trở nên một xương một thịt”

Để cắt nghĩa về việc con người luôn hướng về nhau, người Hy lạp đã sáng tác ra một câu chuyện và câu chuyện này đã trở thành một huyền thoại trong kho tàng những câu chuyện đáng nhớ của nhân loại. Theo câu chuyện này thì ban đầu con người duy nhất được TC dựng nên là một sinh vật mang hình dạng một khối tròn. Hình tròn là thường được coi như là một biểu tượng của sức mạnh – bằng chứng là các loại ống phải chịu lực mạnh thì người ta thường thiết kế theo dạng hình tròn. Vì sợ con người có sức mạnh như thế một ngày kia có thể chống lại mình cho nên thần Jupiter đã dùng gươm chẻ đôi con người ra. Việc này được thực hiện lúc thần không đủ bình tĩnh cho nên sự phân đôi con người không được đồng đều. Chính vì thế mà mỗi phân nửa của con người luôn cảm thấy mình có một cái gì đó dư thừa phải cho đi và cũng có một cái gì đó còn thiếu nên phải đi tìm. Chính vì thế mà cuộc đời của con người từ đó trở đi đã trở thành một cuộc tìm kiếm hầu như không biết mệt mỏi để cho đi cái dư thừa và tìm lại cái còn thiếu hầu có thể luôn giữ được thế quân bình của mình. Và cũng từ đó việc hướng về nhau để cùng nhau bảo vệ sự hợp nhất trong gia đình là một việc không thể thiếu nếu muốn gia đình còn là một tổ ấm yêu thương. Còn nếu không biết hướng về nhau nữa thì đó là dấu chỉ chắc chắn tiên báo cho một sự tan rã chẳng sớm thì muộn sẽ xảy ra và lúc đó thì gia đình sẽ không còn là gia đình nữa. Nó sẽ là gì thì tất cả chúng ta đều biết. Một thứ hoả ngục không hơn không kém.

2. Rồi cũng từ những trang đầu của sách STK, chúng ta còn thấy khi dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã không dựng nên theo cùng một cung cách như khi Người dựng nên người nam. Kinh Thánh bảo TC đã làm cho Adam thiếp ngủ đi rồi Người lấy một cái xương sườn của người nam và từ đó Người dựng nên người đàn bà để rồi vừa khi nhìn thấy người đàn bà Adam đã nhận ngay ra được dấu ấn của mình ở trong đó: Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Từ sự kiện này chúng ta lại có thể rút ra được một yếu tố khác nữa của một gia đình thánh thiện. Gia đình là một cộng đoàn tình yêu. Đây không phải là một thứ tình yêu ở ngoài, mà là thứ tình yêu nội tại ngay chính trong mỗi thành viên của gia đình. Thánh Gioan tông đồ quả quyết như sau: “Không ai ghét chính mình”. Yêu ai là yêu cái mình của mình nơi người khác.

Khi diễn tả về lý do tại sao Thiên Chúa lại yêu con người đến như thế thì các nhà tư tưởng của Ai cập đã viết lên một câu truyện thần thoại thật đẹp. Theo họ thì để làm nên con người Thiên Chúa đã xuống tận bờ sông Nilô, một con sông nổi tiếng là linh thiêng và đem lại nhiều trù phú nhất cho đất nước Ai cập để ở đó Người lấy bùn rồi tự tay nhào bùn đắp nên hình con người. Nhưng thật là không may cho Chúa là khi Người vừa thọc tay vào đất thì lại đúng vào hang của con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Cha nhưng Người không cho mà nói:

– Hãy cứ để vậy. Cứ để cho máu của Ta chảy ra hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào.

3. Cuối cùng cũng theo Kinh Thánh sau khi Adam và Evà đã được Thiên Chúa dựng nên, tác hợp hai người nên vợ nên chồng thành một gia đình thì Người đặt Adam – Eva giữa cảnh địa đàng và Kinh Thánh bảo cứ chiều chiều Thiên Chúa giáng lâm đồng hành và truyện trò với hai ông Bà. Thử hỏi còn gì đẹp hơn, tuyệt diệu hơn quang cảnh đó: Thiên Chúa đồng hành trò chuyện với con người. Từ những sự việc này chúng ta lại có thể rút ra một yếu tố nữa cho cuộc sống của một gia đình thánh. Gia đình là một cộng đoàn đạo đức. Sự đạo đức được đặt nền trên lòng kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta đã quá biết con người chỉ đau khổ khi lìa xa Thiên Chúa. Khi không còn sống thân tình với Thiên Chúa thì lập tức khổ đau tràn vào. Nó cướp đi mọi niềm vui của cuộc sống và nó làm cho cuộc đời trở thành một bãi chiến trường. Chúng ta làm sao mà quên được cái cảnh Adam – Eva đổ lỗi cho nhau. Làm sao mà quên được cái cảnh Cain đang tâm giết đứa em ruột thịt của mình. Tất cả là vì họ đã lìa xa Chúa.