Phúc thật và khốn thay
12/09 – Thứ tư tuần 23 thường niên.
“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.
Lời Chúa: Lc 6, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
- SUY NIỆM: Các Mối Phúc Thật
Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Ðược lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
- CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy những người nghèo ở quanh con, ở trong gia đình con, đang cần đến con. Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo, xin cho con thấy Chúa trong họ. Dần dần con hiểu rằng cả người giàu cũng nghèo, nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa. Dần dần con chấp nhận rằng cả bản thân mình cũng nghèo và cần đến người khác. Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt, một lời thăm hỏi đỡ nâng. Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác. Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho nhau thêm giàu có. Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo, vì Chúa rất cần đến chúng con để hoàn thành công trình cứu độ. Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Nguồn: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180911110000