Đoạn Tin Mừng này gồm hai chuyện:

1/ Chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu: Trước sự việc trái ý này, Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói ấu trĩ rất tầm thường của con người:

– Đó là tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.

– Thứ đến là óc bè phái: phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.

– Cuối cùng là lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Con người thì thế còn Chúa thì sao?

Chúa Giêsu thì không như thế. Chúa không nóng giận, không muốn trừng phạt, không muốn tiêu diệt dù họ có thể là kẻ thù. “Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. (Lc 9,55-56) Chúa xác định thật rõ: Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống. Và sau đó Chúa tỏ thái độ nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

Đó là cách ứng xử của Chúa. Chúng ta tự hỏi ngày hôm nay cách ứng xử như thế có còn hợp thời nữa hay không?

Có lẽ đối với với nhiều người thì KHÔNG, nhưng chắc không phải là tất cả vì sự nhường nhịn trong cuộc sống vẫn còn rất cần. Chúng ta đã chẳng thường nói với nhau: Một sự nhịn là chín sự lành đó sao!

Một ngày kia, Socrate có bạn đến rủ di sớm. Bà vợ ông la lối gầm thét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà vợ lại đứng trên lầu đổ thau nước bẩn lên đần ông. Các bạn ông thấy vậy tỏ dấu bất bình phản đối.  Nhưng Socrate chỉ cười, bảo: Rồi ông thản nhiên trở vào nhà thay áo.

Lần khác, ông mời các bạn đến dùng cơm ở nhà, không biết có chuyện gì, bà vợ bưng cả đồ ăn quẳng ra ngoài cửa sổ. Ông cũng vẫn như thường, tươi cười bảo:

– Thì “bả” muốn chúng mình ra ngoài sân ăn mát mẻ hơn!

Quá tức tối, bà vợ bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ăn. Ông biết trước, nên nắm tay áo các bạn lại và bảo:

– Ví dụ như các anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào làm văng cả bát đĩa, các anh có đi gây sự với nó không?

Nếu hai con dê gặp nhau nơi đoạn đường hẹp trên một dòng suối, chúng tàm gì? Chúng không thể quay lại và cùng không thể đi ngang qua nhau; vì không có một chỗ nhỏ để tránh. Theo bản năng, chúng biết nếu húc nhau, cả hai sẽ rơi xuống nước và chết đuối. Chung sẽ làm gì?  Thiên nhiên đã dạy chúng: một con nằm xuống và con kia có thể bước qua. Kết quả là cả hai tới đích an toàn.

2/ Chuyện 3 người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu:

Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó: có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (Xem Ga 1,37-49)

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi: cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang này đây mai đó. Vậy muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống giống Ngài: chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

Người thứ hai: không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

Chúa Giêsu nói: “Mặc cho kẻ chết chôn người chết”: tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts” (nghĩa là mặc cho người phàm lo việc thế phàm. Hiểu ngầm người môn đệ Chúa Giêsu phải ưu tiên lo việc Nước Thiên Chúa trước trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” tức là còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy muồn làm môn đệ Chúa là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch: Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Và chọn lựa nào cũng phải chịu thiệt thòi mất mát. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất.

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt trở về.  Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài.  Hỏi han đầy tớ gái cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô.  Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài.  Nơi đây, có đông đủ quan khách, hàng giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không?  Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.”

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa đi vào phòng.  Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu.  Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp.  Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy?  Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa.”

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện.  Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe thánh Luca kể lại cho tất cả mọi người hai câu chuyện.

Một là câu chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa. Trong câu chuyện này chúng ta thấy Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu ấu trĩ rất tầm thường của con người: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt, hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù và ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân của mình.

Đó là câu chuyện chẳng hay ho gì. Qua câu chuyện này Chúa Giêsu đã cho mọi người biết: Chúa không đến để giết chết mà để cứu sống. Hơn nữa Chúa còn nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

Chúng ta hãy tập cho mình thói quen giống Chúa Giêsu đó là tinh thần biết sống quảng đại, nhường nhịn và tha thứ.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Chuyện được trích trong cuốn “Nghìn lẻ một đêm” nổi tiếng của người Ba tư. Chuyện kể rằng:  Có ai anh em nhà kia bắt trói được thủ phạm đã giết chết Cha của họ. Họ lôi tên giết người đến trước tòa và yêu cầu xét xử theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Kẻ giết người đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng sẽ phải bị ném đá cho đến chết theo như luật đã qui định. Trước mặt quan tòa, tên giết người đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ là được trở về nhà trong vòng 03 ngày, để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu đã được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời gian đó, hắn sẽ trở lại để xin chịu xử tử. Vị quan toà xem chừng như không tin tưởng ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc ông đang còn do dự, thì từ trong đám động, những người đang tham dự phiên tòa, có một bàn tay giơ cao lên cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội, nếu sau 03 ngày mà hắn không trở lại thì tôi sẽ chết thay cho hắn!”

Tên tử tội được tự do trong 03 ngày để giải quyết việc gia đình của hắn. Sau đúng kì hạn 03, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, thì hắn hiên ngang tiến ra giữa toà án và tuyên bố: “Tôi đã giải quyết xong mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng như lời cam kết, tôi trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi, để người ta sẽ không còn nói được rằng chữ tín không còn trên mặt đất này nữa”

Sau lời tuyên bố dõng dạc của tên tử tội, người đàn ông đã từng đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng đứng giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi, sở dĩ tôi đã đứng ra bảo lãnh cho người này là vì tôi không muốn cho người ta nói rằng lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa”.

Nghe hai lời tuyên bố trên, cả đám đông bỗng trở nên yên lặng. Dường như ai ai cũng cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì cao quý nhất trong lòng người. Từ giữa đám đông hai người thanh niên tiến ra giữa và nói: “Thưa Ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết Cha tôi chúng tôi để người ta không còn nói: lòng khoan dung, tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa!”.

Đó chúng con thấy không? Nhường nhịn, khoan dung, tha thứ trong cuộc sống nhiều khi đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp cho cuộc sống của mọi người như vậy.

2. Tiếp đến là chuyện có 3 người tìm đến với Chúa và ngỏ ý muốn đi theo để làm môn đệ của Người.

Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không. Chúa đã cư xử thế nào thì chúng con hãy nhìn vào bài Tin Mừng.

Người thứ nhất hôm nay xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Chúa bắt anh phải chọn lựa: hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một mái nhà: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9, 58).

Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện phải cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa” (Lc 9, 54). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.

Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62).

Thực ra, Chúa Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người phán: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Chúa muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu tiên số một, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên số một chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa (Lc 14,26).

Giữa Chúa và cuộc đời cần phải có một thái độ dứt khoát. Chúa không muốn những người đi theo Chúa nửa vời. Phải luôn có một thái độ dứt khoát.

Một nhà buôn ở Franfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng cho ông. Có một người anh cả trong một gia đình gồm 07 người anh em, 16 tuổi đến xin việc làm. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật gù đầu nói:

– Cậu không có nhiều may mắn lắm. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận.

Nhân viên này dẫn chàng trai trẻ này vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với người xin việc, đặt nhiều câu hỏi và sau cùng rút ra một bao thuốc lá, ông lấy một điếu và nói với chàng trai:

– Mời cậu một điếu.

– Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.

– Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!

– Không, Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.

Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh:

– Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.

Và ném điếu thuốc ông nói thêm:

– Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.

Đó chúng con thấy thái độ dứt khoát trọng cuộc sống quan trọng như thế nào. Chúa cũng muốn có thái độ đó đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa. Amen.

Mình Máu Thánh Chúa! Một mầu nhiệm vừa tế nhị vừa rất khó hiểu.

I. CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Cũng như Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa có liên hệ rất mật thiết với cuộc đời của mỗi người chúng ta

Để chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận mầu nhiệm Phục sinh, Chúa đã thực hiện ba phép lạ:

1/ Cho con gái ông Giarô mới chết được sống lại.

2/ Phục sinh  chàng thanh niên con bà góa thành Naim, đã chết, người ta đang khiêng đi chôn,

3/ Cuối cùng là phục sinh Lagiarô, người đã chết và đã chôn trong mộ bốn ngày.

Cũng vậy để chuẩn bị cho các tông đồ và những người tin Chúa đón nhận Màu Nhiệm Thánh Thể, Chúa đã làm 2 phép lạ thật lớn: Hóa bánh ra nhiều hai lần và cộng thêm vào đó là một bài giảng rất dài và rất quyết liệt về Bánh hằng sống. Chúa nói thật rõ: “Thịt ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống – Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời”

Lời Chúa là như thế nhưng tin vào bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu Máu Chúa vẫn còn là một khoảng cách rất dài.

Vào thế kỷ thứ 8 tại Lancianô nước Ý, một linh mục dòng thánh Basiliô đang khi cử hành thánh lễ, sau khi truyền phép xong, bỗng đâm ra nghi ngờ sự hiện diện của Chúa dưới hình bánh ruợu thì lập tức Phép lạ đã xẩy ra ngay trong tay vị linh mục đó: Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi.

Được giáo quyền cho phép, ngày 18/11/1970 các cha dòng Phanxicô, những người có trách nhiệm bảo lưu đã trao thánh tích cho một nhóm chuyên viên khoa học để họ làm công việc nghiên cứu tế nhị và khó khăn này.

Nhóm này do Giáo sư Odoardo Linoli với sự cộng tác của Giáo sư Ruggero Bartelli thuộc đại học nổi tiếng Siena điều khiển.

Sau đây là kết luận của công trình nghiên cứu được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải

1. Thịt này là thịt thật. Máu này đúng là máu thật.

2. Thịt và máu là thịt và máu của con người

3. Thịt và máu đều thuộc cùng nhóm A-B

4. Đồ hình của Máu này giống với đồ hình của máu người được trích lấy từ một cơ thể con người trong một ngày.

5. Thịt được làm thành từ mô cơ tim.

6. Thịt máu hoàn toàn giống với thịt máu củamột người sống thực sự.

7. Không hề tìm thấy dấu vết việc tẩm ướp mô tế bào bởi bất cứ một hóa chất nào được dùng trong kỹ thuật bảo trì bằng tẩm ướp.

8. Miếng thịt này được lấy ra từ phần thịt của trái tim một cách khéo léo tuyệt mỹ như do một nhà phẫu thuật tài ba thực hiện.

9. Hàm lượng các protéin chứa trong máu được phân phối đều đặn theo tỷ lệ y hệt như trong đồ hình protéin huyết thanh của máu tươi bình thường.

10.Trong máu có các chất chlorua, photspho, manhêdi, potassium, sodium và calcium.

11. Việc các di vật thánh này được lưu giữ một cách tự nhiên từ bao thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí. sinh vật…là một hiện tượng không sao giải thích được theo phương diện khoa học.

Như vậy chúng ta có thể nói sau khi được mời gọi để thẩm định, Khoa học đã nói lên tiếng nói khách quan của mình về phép lạ Chúa đã làm tại Lancianô.

II.CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ ĐỂ LÀM GÌ?

a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20)

Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Sự hiện diện của Chúa trong Cựu Ước cụ thể những chưa đầy đủ và rộng khắp. Hòm bia tuy linh thánh nhưng cũng mới chỉ là dấu chỉ, là biểu tượng. Chúa còn muốn một sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và rộng khắp hơn. Chính vì thế mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể để – nói theo Cha Teilhard de Chardin – để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.

b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.

Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: “Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu”.

Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.

c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.

Trong cuộc khủng hoàng con tin xẩy ra ở Pêru cách đây mấy năm. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thũ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: “Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha”.

Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: “Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm”

Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.

Chúa Giêsu cũng thế: Cha Teilhard de Chardin nói tiếp: “Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.

“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.

Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.”(Lc 9,17)

Chúng con yêu quí,

1. Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?

– Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.

– Rất đúng.

– Việc Chúa bảo Chúa lấy Mình Chúa làm của ăn và Máu Chúa làm của uống lần đần tiên được Chúa làm lúc nào chúng con?

– Thưa cha: Trong bữa Tiệc Ly trước khi Chúa đi chịu chết.

– Đúng rồi! Chúng con rất giỏi. Đúng là Chúa đã làm một việc mà con người không thể ngờ tới. Việc Chúa làm mãi về sau người ta mới hiểu được. Chúa làm việc đó để thực hiện một lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới ngày tận thế”(Mt 28,20).

Chúa hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nhưng làm thế nào để cho lời hứa đó thành sự thật được?

Làm sao mà một người như Chúa lại có thể làm được việc đó. Chúa có phải là một ngưởi có đời sống “bất tử’ đâu? Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá và như Tin Mùng kể lại Chúa đã lên trởi rồi mà! Thế thì làm sao mà Chúa lại bảo là Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế. Đúng là Chúa không thể nào làm được như thế nếu Chúa chỉ là một con người như bao người khác. Nhưng chúng con nhớ Chúa không phải chỉ là người mà Chúa còn là Thiên Chúa. Và với tư cách là một Thiên Chúa, Chúa có thể làm được tất cả những gì Chúa muốn. Những gì con người không thể nghĩ ra, không thể làm được thì Chúa làm được. Chúng ta đã từng được thấy những việc lạ lùng Chúa làm trong Tin Mừng. Thí dụ như việc Đức Mẹ được chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, thí dụ rõ rệt nhất như việc Chúa tự mình sống lại từ cõi chết. Thế thì việc Chúa muốn ở lại với loài người cho đế ngày tận thế cũng là việc Chúa làm được thôi.

Chúa làm bằng cách nào chúng con biết không?

– Thưa Chúa làm qua con đường Bí Tích.

Chúng con còn nhớ trước khi phó mình để chịu chết, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh Chúa đã làm gì không?

– Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục.

Bí tích Thánh thể để biến bánh thành Mình Thánh Chúa, biến rượu nho thành Máy Thánh Chúa.

Chúng con có nhớ Chúa nói thế nào không? Tin Mừng còn ghi thật rõ: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.(Mt 26,26-29) và ngay sau đó Chúa truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc 22,19).

Bí tích Thánh Thể để biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu Thánh Chúa. Chức Linh Mục đề cho việc này được được làm đi làm lại mãi mãi cho đến ngày tận thế để Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế.

Cha nói lại một lần nữa. Đây là việc chỉ có quyền phép của Chúa mới làm được. Chúa đã dùng Bí tích Thánh Thể để ban sự sống của Chúa cho chúng ta. Chúng ta hảy cám ơn Chúa về việc quá vĩ đại này.

2. Bây giờ cha hỏi thêm chúng con: Vì Sao Chúa Lại Muốn Trao Ban Sự Sống Cho Chúng Ta?

Chúa muốn trao ban cho chúng ta sự sống của Chúa để chúng ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.

Chúng con con biết, khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh của chính Ngài, nhưng sự sống đó còn non nớt, còn ở trong tình trạng phôi thai, luôn bị đe dọa bởi cám dỗ, tội lỗi, có nguy cơ suy thoái, lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu dùng Mình Máu Ngài để tiếp sức và cho chúng ta có thêm sức sống mới để Ngài gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng đời sống thần linh trong chúng ta. Chẳng những vậy mà còn làm tăng trưởng, làm cho sự sống đó thêm tràn đầy, sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn. Cũng giống như mỗi ngày chúng ta phải ăn uống tiếp nhận thêm thực phẩm để duy trì và bảo vệ sự sống của chúng ta vậy.

Như vậy chúng ta không được coi Bí tích Thánh Thể chỉ như là một thứ phụ thuộc bên ngoài, một thứ gia vị không cần thiết, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chính yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể giúp đỡ chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục.

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thục này: Mẹ thánh Têrêxa ở Calcutta có một quy định này: khi một ai mới đến để xin gia nhập vào dòng của Mẹ, Dòng Thừa Sai Bác ái, thì ngay ngày hôm sau, người ấy phải đến Nhà Bệnh nhân Hấp hối.

Một ngày kia, có một cô gái từ bên ngoài nước Ấn Độ đến và Mẹ thánh Têrêxa đã nói với cô: “Chắc là con đã thấy linh mục chạm vào Đức Giêsu trong bánh thánh lúc cử hành thánh lễ với sự yêu thương và chăm sóc như thế nào rồi chứ!. Bây giờ con cũng đi đến Nhà của những người hấp hối và làm như thế, bởi vì con sẽ tìm thấy ở đó, trong những thân thể đau thương của người nghèo. Họ chính là  thân thể Đức Giêsu”

Chị ấy ra đi và ba giờ sau chị trở về và với nụ cười trên môi, chị nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, con đã chạm vào thân thể Đức Kitô trong suốt ba giờ!”

– Thế nào? Con đã làm gì? Mẹ Têrêxa hỏi chị.

–  Khi con đến đó “, chị đáp “người ta khiêng vào một người đàn ông đã ngã xuống một cống nước, và đã nằm ở đó trong một thời gian. Người ông bẩn  thỉu và có vài vết thương. Con đã tắm rửa và lau các vết thương cho ông. Khi con làm như thế, con biết rằng con đã chạm vào thân thể của Đức Kitô”. Để có thể sống được cuộc sống đáng nể phục như thế, con người phải cậy dựa vào sự giúp đỡ của chính Chúa mà trên hết là sự giúp đỡ mà Thánh Thể đem lại.

Chính Mẹ Têrêxa cũng đã phải khẳng định: “Trong Bí tính Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ  một ngày  hoặc một giờ trong đời tôi ”

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể xin làm cho mọi người chúng con biết nhận ra Chúa trong mỗi người chúng con gặp và cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội long trọng mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cốt trụ của Đạo. Tuy nhiên đây lại là mầu nhiệm khó hiếu nhất.

1. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Để có một chút ý niệm về mầu nhiệm này, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua những chỉ dẫn của Sách Giáo lý chung của Giáo Hội.

Đây là lời dạy về Chúa Ba Ngôi của Sách Giáo Lý Chung:

“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (234). Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi” (47).

Trong Tin Mừng, chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đã mạc khải cho chúng ta về Mầu Nhiệm này. Không có sự mạc khải của Chúa Giêsu thì không ai trong chúng ta có thể nói cho chúng ta biết.

Về Thiên Chúa Cha, thì Chúa Giêsu đã nói thật rõ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 1,27)

“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17)

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40)

Chúa cũng nói về Chúa Thánh Thần mà Người gọi bằng nhiều tên khác nhau: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Và đây là những lời rõ rệt nhất mà Chúa Giêsu nói nói về Ba Ngôi: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,19-20).

2. Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm để hiểu nhưng là mầu nhiệm để sống.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm này vì lý trí của con người quá hạn hẹp.

Truyền thuyết kể lại rằng:

Thánh Augustinô – là một vị thánh Tiến sĩ của Giáo Hội – một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa. Tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Cậu bé đang dùng một mảnh sò để đào một cái lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy mà múc nước biển đổ vào.

Nhưng thật là dã tràng xe cát biển đông, em bé đổ nước mãi vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của em bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi xem em đang làm gì, thì đứa bé trả lời không chút do dự:

– Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương để đổ vào cái lỗ này.

Thánh nhân lắc đầu bảo nó :

– Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :

– Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Nói xong câu đó, em bé biến mất. Thánh Augustinô chợt hiểu được điều Chúa muốn dùng em bé để dạy mình cho nên Ngài đã từ bỏ hắn việc suy nghĩ thêm về mầu nhiệm này. “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được” (D.Wahrheit)

Đây là mầu nhiệm lý Chúa và Giáo Hội dạy chúng ta phải tin. Hằng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hoặc các trường hợp khác tương tự khi tham dự các Nghi Lễ Phụng Vụ.

Vậy nghĩa vụ khẩn thiết chúng ta phải có đối với Chúa Ba Ngôi là:

1. Tôn thờ

Chúng ta cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng như một nghĩa vụ khẩn thiết của một thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Hóa, bằng cách luôn hiệp với Hiến Lễ Thánh Thể hằng tiến dâng nơi các bàn thờ trên khắp thế giới, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành hay tham dự Thánh Lễ Misa; đồng thời biến cả cuộc đời chúng ta cùng với Công Nghiệp và Giá Máu Chúa Cứu Thế, thành một Thánh Lễ liên tiếp để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì chỉ có Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô mới có giá trị vô song, tái diễn Lễ Hiến Tế Núi Sọ mới đáng được Thiên Chúa hài lòng chấp nhận. Không bao giờ cố tình tục hóa Đền Thờ bản thân chúng ta đã được hiến dâng cho Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Chúa hủy diệt” (1Cr 3,16).

2. Yêu mến

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, bằng cách không từ chối Chúa điều gì. Luôn làm hài lòng Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, dâng trót tình yêu cho Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: “Con hãy dâng trái tim con cho Cha!” (Prov 23,26) hợp với thánh lệnh Chúa truyền: “Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết tâm hồn con” (Mt 22,37).

3. Biết ơn

Để tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phúc Chúa đã ban, ơn được làm con Chúa, ơn được làm Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, ơn được trở nên Thừa Tác Viên phân phát các mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy cẩn thận bảo toàn ơn thánh đã lãnh nhận, luôn giữ tâm hồn trong sạch sống trong ơn nghĩa Chúa, luôn làm hòa lòng Chúa, không bao giờ xúc phạm đến Chúa, không cố tình phạm bất cứ một tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì phạm tội trọng là trục xuất Chúa Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn, đón rước ma quỉ vào thống trị tâm hồn mình. Hơn nữa, cần phải cố gắng giãi sáng ơn thánh Chúa bằng sống đời gương mẫu thánh thiện, nên chứng nhân chinh phục cho Chúa các linh hồn, để tất cả những ai chúng ta giao tiếp, những ai chúng ta có sứ mạng phục vụ, đều cảm nhận thấy nơi bản thân chúng ta là “Người mang Thiên Chúa trong lòng”.

Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo :

– Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

Mấy tháng trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt:

– Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng con yêu quí, Cha đố chúng con, hôm nay chúng ta mừng lễ gì nào?

– Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.

– Chúng con rất giỏi. Nhưng ai dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi nào?

– Chúa Giêsu.

– Lại giỏi nữa. Thiếu nhi của cha rất giỏi.

– Nhưng một Chúa mà lại có Ba Ngôi nghĩa là thế nào chúng con? Ai có thể nói cho cha biết không?

–  …Có Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.

– Đúng rồi. Nhưng làm sao để có thể cắt nghĩa cho mọi người hiểu được một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi? Khó quá phải không chúng con? Cha thấy để hiểu được Thiên Chúa Ba Ngôi thì không nên dùng trí khôn để tìm hiểu, nhưng nên dùng trí khôn để nhìn vào những công việc Thiên Chúa làm mà hiểu về Thiên Chúa thì hay hơn và dễ hiểu hơn.

Thế thì Thiên Chúa đã làm những gì để cho người ta nhìn vào mà biết được Thiên Chúa nào?

Cha đọc trong thư của Thánh Gioan, cha thấy ngài viết một câu rất hay. Ngài nói: Thiên Chúa là Tình thương. Tình thương của Thiên Chúa luôn có việc làm minh chứng. Bởi thế người ta mới nói:

1. Thiên Chúa Cha là Tình thương tạo dựng

Tạo dựng là làm sao chúng con? – Là làm nên mọi sự ở trần gian này.

Cha kể cho chúng con câu chuyện: Một ông thông thái người Pháp nọ băng qua sa mạc. Ông dẫn theo vài người Arập làm người dẫn đường. Khi mặt trời lặn, một người trong bọn họ trải một tấm thảm xuống đất và cầu nguyện.

– Ngươi làm gì thế?- Ông thông thái hỏi.

– Tôi cầu nguyện.

– Ngươi cầu nguyện ư? Ngươi cầu nguyện cùng ai?

–  Thiên Chúa.

Ông thông thái mỉm cười.

– Ngươi đã bao giờ thấy Thiên Chúa chưa?

– Chưa!

– Vậy thì ngươi là một kẻ điên nếu tin vào một Thiên Chúa mà ngươi không bao giờ thấy, không bao giờ nghe và không bao giờ đụng chạm đến.

Người Árập không trả lời gì. Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời mọc, nhà thông thái ra khỏi lều, đã nói lên nhận xét này với người dẫn đường cho ông:

– Đã có một con lạc đà đi qua đây!

Một tia sáng lóe lên trong mắt người Arập.

– Ngài thấy con lạc đà chứ?

– Không.

– Ngài không đụng đến nó chứ?

– Không.

– Vậy thì ngài điên khi tin là có một con lạc đà mà ngài không nghe, không thấy, không ngửi qua chỗ này.

– Ồ! – Ông thông thái đáp trả – nhưng người ta thấy rõ các dấu chân của nó trên cát.

Vào chính ngay lúc ấy, mặt trời mọc lên ở chân trời với tất cả các màu sắc rực rỡ của phương đông. Bằng một cử chỉ gọn gàng, người Árập đưa tay chỉ vào tinh thể rực sáng, rồi nói:

– Ngài có thấy dấu vết của Đấng Tạo Hóa không? Vậy sao ngài không biết rằng có một Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghe lại một trong những lời thánh vịnh đẹp nhất:

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
hông trung kể lại những việc tay Người làm.

2. Chúa Con: Tình Thương Cứu Chuộc

Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu ngoài sức tưởng tưởng của loài người.

Trong  một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa đã tách rời khỏi đinh. Cây Thánh giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tội nhân thuộc loại “gạo cội”. Gạo cội là làm sao chúng con? Nghĩa là tội ghê gớm lắm. Ông ta đến xưng  thú tội mình dưới cây Thánh giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối  chân thật. Cha giải tội do dự ban phép tha tội cho ông ta vì các tội của ông ta nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

– Tôi ban phép giải tội cho ông, – Vị linh mục nói – tuy nhiên ông không được tái phạm nữa  nhé!

Tội nhân xin hứa và giữ một được một thời gian. Nhưng rồi, yếu đuối và sã ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội . Vị linh mục bảo ông:

– Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

– Con thống hối, – tội nhân đáp lời vị linh mục – con rất chân thành khi đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

Cha giải tôi tha thứ và nói thêm:

– Đây là lần cuối cùng đó nhé!

Một thời gian khá lâu sau, một phần theo thói quen, một phần vì yếu đuối, ông lại rơi vào vòng tội lỗi.

– Bây giờ thì dứt khoát! – Vị linh mục bảo – ông luôn phạm lại trong cùng một tội lỗi, điều đó chứng tỏ ông không có sự thống hối chân thành.

– Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

– Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa.

Vào chính lúc đó, người ta nghe như có tiếng ai khóc. Rồi người ta nghe thế tiếng động phát xuất từ cây Thánh giá: một cánh tay của Chúa rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời  có một tiếng nói: “ Ngươi, ngươi không đổ máu ngươi cho nó!”

Vâng! Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu con ngoài chẳng làm sao mà hiểu nổi.

3. Chúa Thánh Thần: Tình Thương Thánh Hóa

Thánh Thần là Thần thánh hóa. Một trong những công việc đặc biệt nhất là ơn tha tội. Chúng con hãy nghe lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”(Ga 20,22-23). Đây là một ơn ban đặc biệt của Thánh Thần. Và ơn ban này chỉ trong Giáo Hội mới có.

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong. Ngài kể lại rằng:

“Trong một ngày thứ Sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa, tôi giải thích về ý nghĩa của Bí tích Giải Tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp tôi nói như sau:

– Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng: “Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội”, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

– Thưa Cha, trong Hồi giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.

Vị linh mục liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và người này ra về trong bình an.”

Đúng như vậy chúng con. Chỉ trong Giáo Hội của Chúa mới có sự tha thứ. Và đây là ân ban của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì hồng ân cao cả này. Amen.

Các bản văn Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hoá loài người của Thiên Chúa. Hoạt động của Chúa Thánh Thần rất phong phú và đa dạng. Nhân lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chúng ta sẽ nói về một số những hoạt động của Người.

A..Trước hết là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử ơn Cứu độ. 

Câu đầu tiên của sách Thánh ghi như thế này: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.  Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.

Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên khi trời đất muôn vật vừa được tạo thành thì Thần Khí TC đã  có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên muôn loài muôn vật và cả con ngưởi.

Rồi trong Tân ước, cũng chính Thần Khí đó luôn có mặt từ lúc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cho đến ngày Giáo Hội được sinh ra.

Thánh Luca ghi lại những giây phút đầu tiên thật cảm động :”Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.

CTT hoạt động trong Giáo hội sơ khởi và thực hiện bao nhiêu việc lạ lùng qua các tông đồ như lời của Chúa Giêsu :”Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

Và CTT luôn hiện diện, hoạt động trong Hội thánh và trong mỗi người chúng ta cho đến ngày tận cùng thế giới. (Theo “Con đường hạnh phúc”).

B. Bây giờ chúng ta hãy dừng lại trước biến cố mà sách TĐCV đã tường thuật lại một cách đặc biệt hôm nay. Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đố của Chúa.

1. Đầu tiên là đổi mới trí khôn.

Chúng ta biết các Tông đồ xưa là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều nhưng các ngài không hiểu. Vậy mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

2. Thứ đến là đổi mới ý chí.

Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người. Bị đe dọa, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

3. Sau cùng là đổi mới trái tim.

Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao, mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa, tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài không còn tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp, ngồi bên tả hay bên hữu. Nhưng các ngài biết sống nhường nhịn yêu thương. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành những trái tim yêu thương.

Chính vì thế mà khi bàn về vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội, Thượng phụ Athénagoras không ngần ngại mà quả quyết: “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa, Đức Kitô bị khép lại ở trong quá khứ, Tin Mừng sẽ chỉ là những dòng chữ chết. Hội Thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường, quyền bính sẽ trở thành một thứ áp bức, và công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc uyên truyền không hơn không kém. Rồi việc tế tự, một trong những sinh hoạt quan trọng nhất trong đạo của chúng ta sẽ chỉ còn là một thứ tưởng niệm và hoạt động Kitô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ.”

Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta.

Đổi mới Trí khôn u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa thành trí khôn biết bén nhạy với Lời Chúa, nhất là với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần

Đổi mới Ý chí bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa thành ý chí biết phục thiện và can đảm làm chứng cho chân lý.

Đổi mới Trái tim nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục thành trái tim quảng đại, biết tha thứ và yêu thương.

Xin được kết thúc bắng một chứng từ rất cảm động đã xảy ra tại một giáo xứ nọ.

Trong giáo xứ tôi có cụ già tên là Thomas ngoài trăm tuổi. Cụ thường sống cô đơn vì các bạn cùng tuổi với cụ đã ra đi. Một hôm cụ lâm bệnh và qua đời. Tôi tự nhủ:

– Chắc không có ai đến dự đám tang của cụ. Vì thế tôi nhất định đến tiễn cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hôm ấy lại là ngày xấu trời, mưa tầm tả. Theo sau xe tang không có một bóng người, đường xá vắng tanh. Khi xe chạy tới cổng nghĩa trang, tôi thấy có một người đàn ông trong y phục quân đội đứng đợi. Ông đi theo xe tang đến huyệt và có mặt trong suốt thời gian an táng. Trước khi hạ huyệt ông đưa tay ngang trán, nghiêm chỉnh chào cụ Thomas như một vị vua.

Chôn cất xong, tôi đi theo ông ra cổng nghĩa trang. Một cơn gió mạnh bay tốc áo mưa, để hộ ra mấy cái huy chương trên áo ông. Thì ra ông không chỉ là một binh lính thường mà còn là một sĩ quan cao cấp. Như đọc được sự tò mò của tôi, ông nói:

– Có lẽ ông ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi hôm nay trước linh cửu của cụ Thomas. Trước đây cụ là thầy dạy của tôi. Lúc đó tôi là một đứa trẻ tinh nghịch làm khổ cụ rất nhiều. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của cụ. Vì thế hôm nay tôi đến tạ ơn và chào vĩnh biệt cụ, với tất cả tấm lòng trìu mến tri ân của tôi đối với cụ

* *

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy đâu là sức mạnh của hạt giống được gieo vào mảnh đất là tâm hồn người đàn ông nầy.

Ai đã làm cho lời giáo hóa và gương sáng của cụ Thomas sinh hoa trái? Đâu là sức mạnh đổi mới tâm hồn đứa trẻ tinh nghịch nên một con người có thế giá?

Đó chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã âm thầm tác động làm cho những lời dạy và tấm lòng tốt của cụ Thomas đem đến những kết quả lạ lùng như thế.

Chúng con yêu quí,

Bài Tin mừng chúng con vừa nghe rất vắn nhưng qua đó thánh Gioan cũng đã đủ để cho chúng ta thấy được những ơn ban của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta thấy được sự có mặt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta.

Cha đố chúng con những ơn ban đó là những ân ban nào?

1- Trước hết chúng con hãy nghe Chúa Giêsu: “Chúc anh em được bình an!“(Ga 20,19)

Như vậy ơn ban đầu tiên và cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là ơn Bình an. Thế nhưng cha hỏi sự bình an mà Chúa Thánh Thần ban tặng là thứ bình an như thế nào?

Cha kể cho chúng con nghe một câu chuyện này do báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 2.9.2001 đăng. Bào báo có tựa đề là “Sự bình an“. Câu chuyện như thế này: Một vị vua kia treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh diễn tả về sự bình an thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo những tiếng sấm chớp long trời. Ở giữa là một dòng thác nổi bọt trắng xóa đang xuống bên vách núi là. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây ấy có một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, có một con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự.

Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này!”

Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an ở ngay trong sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an.

Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.

Giữa cơn lo sợ đó, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”.

2- Tiếp đến ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để hiểu được được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:

– Thưa Cha, con muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

– Thưa Cha, trong Hồi giáo của chúng con không có sự tha tội, nhưng con cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.

Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.

3- Ơn ban cuối cùng là ơn được sai đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người cho tới ngày tận thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,15). Chúa Giêsu bảo “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.(Ga 20,21)

Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Ý làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:

“Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Tin Mừng,  về Giáo hội và về luân lý của đạo Công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

– Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

– Trong những tháng qua, con đã âm thầm theo dõi xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không”.

Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen. **

 ** Lời Chúa:

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận.

Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.

Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn (Ga 10, 16a). Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái (Ga 15, 16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.

Chúng ta không được phép chỉ nhìn trời, nhưng phải nhìn đến những người đang sống quanh ta, đó là người chồng, người vợ, là cha mẹ, con cái, là anh chị em và cả những người hàng xóm, láng giềng, những người hợp ý với chúng ta lẫn những người làm chúng ta khó chịu. Nếu trong một gia đình Công Giáo luôn trên thuận dưới hoà, anh chị em luôn biết tha thứ, đùm bọc yêu thương nhau. Nhất là nếu chúng ta luôn biết quan tâm chia sẻ, nâng đỡ những người hàng xóm, không phân biệt lương giáo những lúc “tối lửa, tắt đèn”, thì tôi thiết nghĩ, đó là cách tốt nhất để chúng ta thông truyền cho mọi người về một Tình yêu phổ quát của Đấng Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả chúng ta.

Vợ chồng họ bán phở trên hè phố đã được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khách. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.

Nhìn thấy bà cụ đến, hai vợ chồng họ vừa bận rộn làm nốt công việc dở, vừa mỉm cười nói với bà cụ:

– Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.

Lát sau, vợ hoặc chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi bóng, buộc lại rồi đưa cho bà cụ. Họ còn không quên nhắc bà cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, sau đó lặng lẽ quay người đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như bà cụ chưa lần nào trả tiền.

Một hôm, tôi không kìm nén nổi sự tò mò, đã hỏi vợ chồng họ. Người vợ thở dài nói:

– Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lăm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến lúc già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả cho lắm, giúp đỡ bà cụ nhiều hơn thì chúng tôi không có khả năng, nhưng chỉ cần bà cụ đến chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.

Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ được bà cụ một bát phở.

Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.

Sau này, trên phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Không vì cái gì cả, tôi chỉ muốn ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ – những người thuộc tầng lớp nghèo túng của xã hội – chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.

Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được. Nhưng bố thí cho người khác với một thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được.

Tóm lại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng thông truyền Tin Mừng bằng chính đời sống công chính, yêu thương, nhường nhịn, tha thứ cho dù chỉ là một câu nói và một tấm lòng mở rộng sẵn sàng cảm thông của chúng ta. Chính đời sống đó sẽ là một dấu lạ cho mọi người nhận ra rằng có một Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể nâng đỡ, từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ trở thành một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Đấng Phục Sinh. Amen.