Quyền phép nào?
12/12 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng.
“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”
LỜI CHÚA: Mt 21, 23-27
Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?”
Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?”
Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”.
Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.
Suy niệm: Có nhiều cách đặt câu hỏi. Hỏi với ý hướng muốn hiểu biết chân lý, người ta sẽ tìm thấy lời giải đáp. Nhưng khi người hỏi chỉ hỏi để bắt bẻ, kết án hoặc tìm kẽ hở để dù có trả lời cách nào, rồi cũng rơi vào cái bẫy giăng sẵn thì mọi câu trả lời đều trở thành vô ích. Những thượng tế, biệt phái và luật sĩ thường hay gài bẫy Chúa kiểu này. Đứng trước những câu hỏi như thế, Chúa Giê-su đã đặt câu hỏi ngược lại trong đó hàm chứa câu trả lời rồi. Ai cũng rõ phép rửa của Gio-an là bởi Thiên Chúa, mà Gio-an lại làm chứng rằng Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a. Chấp nhận lời chứng của Gio-an thì cũng phải nhìn nhận Đức Giê-su là từ Thiên Chúa mà đến. Thấy rõ hệ quả của câu trả lời, những người chất vấn Chúa đã im lặng. Một sự im lặng đáng sợ: biết rõ chân lý mà nhắm mắt làm ngơ, giả vờ như không biết.
Mời Bạn: Bạn có đang sống trong sự im lặng đáng sợ đó không? Thấy rõ những lỗi lầm khuyết điểm của mình mà không dám thú nhận? Biết rõ những ưu điểm của người khác mà không dám nhìn nhận? Biết là chân lý mà không dám sống theo chân lý?
Chia sẻ: Để khỏi rơi vào “sự im lặng đáng sợ” ấy, cộng đoàn bạn cần làm gì?
Sống Lời Chúa: Dám thành thật xin lỗi về lỗi lầm của mình và cũng thành thật khen ngợi ưu điểm của người khác.
Cầu nguyện: Với tất cả tâm tình khiêm tốn, bạn đọc kinh “Tôi Thú Nhận”.