13/02 – Thứ Năm tuần 5 thường niên.

“Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái”

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được.

Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-Phênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà.

Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”.

Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

Suy niệm: Có vẻ như Chúa Giê-su mắc chứng kỳ thị chủng tộc nặng: người Do thái được coi là “con cái trong nhà”, được hưởng nguyên miếng bánh to; còn người phụ nữ Phê-ni-xi này không theo đạo Do thái thì bị coi như “con chó con”, chỉ trông chờ những vụn bánh nhỏ từ bàn ăn rơi xuống. Nhưng thực ra chính cái gút khúc mắc đến cực điểm ấy lại được giải kết thật có hậu: người đàn bà ‘ngoại giáo’ này đã được toại nguyện nhờ niềm tin mãnh liệt của bà. Ở nhiều nơi hành hương như Trà Kiệu, La Vang chẳng hạn, chính những người lương dân lại chứng kiến những phép lạ, được hưởng những ơn lành chẳng kém gì người công giáo. Phải chăng đó là “những vụn bánh nhỏ” giúp kiểm nghiệm những niềm tin lớn đang hiện hữu nơi tâm hồn biết bao anh em lương dân?

Mời Bạn: Chúa vẫn thực hiện những phép lạ lớn lao một cách âm thầm như ngày nào. Và Ngài đang mời bạn tiếp tay với Ngài dẫn đường cho những anh em đó trở thành “con cái trong nhà” cách trọn vẹn để họ không chỉ hưởng một vài “vụn bánh nhỏ” của phép lạ mà còn được cả tấm bánh to là chính Thánh Thể Đức Giê-su Ki-tô.

Chia sẻ: Có gì khác giữa niềm tin của một người lương dân và đức tin của người Ki-tô hữu?

Sống Lời Chúa: Đem “bánh Tin Mừng” đến cho anh em lương dân bằng cách mỗi ngày làm một việc tốt cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu độ, xin cho chúng con biết nhiệt thành chia sẻ tấm bánh Tin Mừng cho anh chị em lương dân.

12/02 – Thứ Tư tuần 5 thường niên.

“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.

Lời Chúa: Mc 7,14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.

Suy niệm: Chỉ mới gần đây thôi, người ta cổ võ trồng rau sạch, ăn rau sạch. Để có rau sạch, không chỉ dùng nước rửa cho khỏi đất cát bám vào mà đủ, thậm chí phải rửa bằng thuốc sát trùng để khử cả những con vi trùng nhỏ mắt không thấy được. Nếu chỉ thế mà thôi thì mới sạch bên ngoài, chưa ‘rửa’ được những dư lượng thuốc trừ sâu đã ngấm vào tận sớ mạch của cây rau. Tiêu chuẩn ‘sạch’ ngày càng được nâng cấp tương ứng với chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Về mặt tâm linh con người cũng thế, người ta không thể trở nên sạch trước mặt Thiên Chúa chỉ bằng cách tẩy rửa bên ngoài (rửa tay, rửa chén bát, v.v…) hay kiêng cữ một số thức ăn. Cái làm cho con người dơ bẩn trước mặt Thiên Chúa xuất phát từ nội tâm con người chứ không phải từ bên ngoài. Bởi thế để nên trong sạch con người phải thanh tẩy ý hướng, thanh tẩy lòng muốn của mình.

Bạn thân mến, nếu thân thể bạn cần tắm rửa hằng ngày để được sạch sẽ thơm tho, thì tâm hồn bạn cũng thế. Bạn có thể giữ sạch tâm hồn mình bằng cách thường xuyên kiểm điểm đời sống, sám hối ăn năn và lãnh nhận bí tích giao hoà.

Chia sẻ: Bí tích giao hoà (mà ta hay gọi là “xưng tội”) giúp bạn nâng cao chất lượng đời sống tâm linh thế nào?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy lên kế hoạch giữ gìn vệ sinh tâm hồn cho chính mình: kiểm điểm đời sống mỗi ngày, thường xuyên lãnh nhận bí tích giao hoà (1-2 tháng/lần chẳng hạn)

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn năn tội.

11/02 – Thứ Ba tuần 5 thường niên.

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Lời Chúa: Mc 7, 1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Suy niệm: Trong một vở kịch của G. Marcel, chị vợ dự định tặng cho chồng món quà sinh nhật là một đôi giày thật đẹp. Chẳng may anh chồng bị tai nạn phải cưa mất đôi chân. Chị vợ vẫn nhất quyết giữ ý định cũ của mình bất chấp giờ đây chồng mình không còn chân để đi giày nữa. Đôi giày thay vì là một món quà đem lại niềm vui thì lại trở thành một sự xúc phạm nặng nề. Cách giữ luật theo kiểu người Pha-ri-sêu cũng thế. Thay vì thờ phượng Chúa bằng cuộc sống “công bình, nhân ái và thành tín” như Ngài mong muốn (Mt 23,23) thì họ chỉ dành cho Ngài những lời lẽ ngoài môi miệng và tuân giữ “những giới luật phàm nhân.” Như thế không phải là xúc phạm nặng nề đến Chúa hay sao?

Bạn nghĩ coi, chúng ta có thực sự thờ phượng Chúa đúng như lòng Chúa mong muốn không? Chúng ta không thiếu những nghi lễ long trọng nhưng chúng ta đã sống công bình và nhân ái chưa? Liệu chúng ta đã đồng cảm với những người khổ đau, nghèo đói? Liệu chúng ta đã bênh vực, chia sẻ với những người đang chịu bất công, bị loại bỏ bên lề xã hội? Nếu chưa sống như thế, chúng ta mới chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng, chưa đúng như lòng Chúa mong muốn.

Sống Lời Chúa: Xem-xét-và làm một việc theo tinh thần Tin Mừng để chia sẻ với người đau khổ sống bên cạnh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, không viện lý do này khác để tránh né việc thực thi công bằng và nhân ái.

10/02 – Thứ Hai tuần 5 thường niên. – Thánh Côláttica, trinh nữ. Lễ nhớ.

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.

Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Suy niệm: Chúa Giê-su không phải là thầy thuốc, nhưng người đau ốm bệnh tật ở khắp nơi đều tuốn đến với Ngài. Không tự mình đi được thì nhờ người khác cáng tới. Vì “bất cứ ai chạm đến Người – dù chỉ là tua áo choàng của Người – thì đều được khỏi” (Mc 6,56). Đừng vội chê trách họ có đầu óc lợi dụng! Có những người đã hằng chục năm tìm thầy chạy thuốc mà vẫn tiền mất tật mang. Có những người đã từng nằm vô vọng chờ một phép lạ xảy đến cho mình nhưng nào có thấy. Chúa Giê-su không chê trách nhưng đón nhận họ với lòng thương xót. Lòng thương xót ấy biểu lộ qua cách Ngài thi thố quyền năng. Những ai đến với Người, Người luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Người luôn trao ban hết con người, hết thời giờ, hết quyền năng Người cho họ. Điều quan trọng là Ngài không dừng lại ở chỗ chữa lành bệnh thể xác mà còn ban cho họ ơn đức tin để được cứu độ.

Mời Bạn: Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi là tông đồ của Chúa giữa lòng thế giới. Muốn rao giảng lời Chúa thì cũng phải có tấm lòng như Chúa, một tấm lòng biết thương xót. Trong mọi hoàn cảnh, người tông đồ đích thực của Chúa không thể thiếu tính cách phục vụ yêu thương và quên mình như Thầy Giê-su. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn làm gì để sống và thể hiện lòng thương xót Chúa cho anh em?

Sống Lời Chúa: Thăm viếng bệnh nhân hoặc phụ giúp người già, khuyết tật neo đơn trong khu xóm của bạn.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

 

  1. Thứ ba tuần này 11/02/2025 Lễ Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc tế bệnh nhân lúc 9:00 sáng có Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân. Xin anh chị em các giáo khu đưa các người bệnh đến tham dự Thánh lễ và được chăm sóc mục vụ.
  2. Thứ năm tuần này 13/02 mời anh chị em Giáo khu Thánh Lộc (GK2&3) tham dự thánh lễ lúc 17:30 cầu nguyện cho Giáo khu nhân ngày Thánh Lộc qua đời.
  3. Thứ năm tuần này 13/02 /2025 vào lúc 19:30 có buổi cầu nguyện với Lời Chúa với những bài Thánh ca với chủ đề: CẢM MẾN ÂN TÌNH do ca đoàn Vào Đời phụ trách. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự đông đảo sốt sắng.
  4. Khóa Giáo lý Dự tòng và hôn nhân Khóa 18 của Giáo xứ sẽ khai giảng vào thứ hai 17/02. Xin nhận đơn và ghi danh với Văn phòng Giáo xứ, hạn chót thứ năm 13/02/2025.
  5. Tuần sau giáo xứ chúng ta sẽ giúp cho việc xây dựng Nhà thờ Đại Lộc thuộc Tổng Giáo phận Huế. Xin báo trước để anh chị em chuẩn bị.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

09/02 – CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN Năm C.

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Lời Chúa: Lc 5, 1-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế.

Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Suy niệm: Chàng ngư phủ Si-mon bị một cú bất ngờ choáng váng. Trong thâm tâm, chàng ta nghĩ mình sẽ chẳng kéo được lấy một con cá nhỏ. Kinh nghiệm nghề cá đầy mình như chàng mà “vất vả suốt đêm chẳng bắt được gì” nữa là mấy lời khuyên vu vơ của một người chuyên nghề thợ mộc! Thế nhưng, chỉ vì vâng lời Thầy, vị Thầy mà chàng một lòng kính phục, Si-mon mau mắn chèo thuyền ra “chỗ nước sâu” và thả lưới. Kết quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng: “hai chiếc thuyền đầy cá đến gần chìm” đã quật ngã mọi kiêu hãnh, tự phụ trong con người Si-mon. Từ lời nói quyền uy vô song của Thầy Giê-su, chàng nhận thấy thân phận tội lỗi của mình, điều đó cũng có nghĩa là chàng tuyên nhận Thầy là Đấng Thánh, là chính Thiên Chúa. Và cũng nhờ lời quyền uy ấy kêu gọi, chàng ngư phủ Si-mon dứt khoát ‘đổi nghề’ để mãi mãi trở thành tông đồ Phê-rô, người chài lưới linh hồn.

Bạn thân mến, trong ‘nghề’ tông đồ, Phê-rô có thêm một kinh nghiệm quí giá nhờ biết làm theo lời Thầy Giê-su. Mời bạn học nghề với thánh Phê-rô để hiểu thế nào là giá trị của đức vâng phục trong khi hoạt động tông đồ. Bạn hiểu thế nào là sự trưởng thành trong đức vâng phục? Bạn có thể tham khảo mẫu gương Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra ý Chúa qua việc vâng lời những vị bề trên hiện hữu của mình (cha mẹ, thầy cô, v.v…).

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha và xin ơn sống vâng phục thánh ý Chúa.

08/02 – Thứ Bảy tuần 4 thường niên.

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Lời Chúa: Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy.

Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm: Một người đốn củi thuê mải mê làm việc, tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền. Sau ba ngày làm việc anh bị chủ sa thải. Lý do là vì mải làm, anh quên mất mài dụng cụ, khiến năng suất những ngày sau suy giảm. Cũng vậy, đời sống gồm có hai nhịp: hoạt động và nghỉ ngơi, gặp Chúa, thờ phượng Ngài và gặp gỡ, phục vụ con người. Ta không thể làm việc với năng suất cao nếu không có thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Tương tự, ta không thể sống đạo tốt nếu không có thời gian tiếp xúc với Chúa, sống mối tương giao thân tình với Ngài trong thinh lặng. Sau khi các môn đệ kết thúc hành trình truyền giáo, Đức Giê-su nhắc các ông thời gian “mài dụng cụ,” để công việc tông đồ các ông sẽ khởi sắc hơn.

Mời Bạn: Bạn chỉ có thể phục vụ người khác trong vui tươi và với lòng yêu mến khi bạn tiếp sức với Đấng là nguồn sự sống, để nhận sức mạnh nâng đỡ của Ngài. Bạn sẽ là môn đệ trung tín của Chúa nếu bạn dành cho Ngài một chút thinh lặng với Ngài mỗi ngày. Mời bạn xem xét làm sao để tạo sự quân bình giữa hai nhịp trong đời sống của bạn.

Sống Lời Chúa: Duyệt xét lại đời sống, xem tại sao mình hay nóng giận, dễ gắt gỏng; dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện riêng, tâm sự với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi bị rã rời vì trăm công nghìn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa. Khi bị xao động bởi những bận tâm và lo âu, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Ngài. Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được nhờ mang đôi cánh thần kỳ cầu nguyện.

(Rabbouni)

07/02 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 4 thường niên.

“Ðó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”.

Lời Chúa: Mc 6, 14-29

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: “Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng”; kẻ thì bảo: “Ðó là Êlia”; kẻ khác lại rằng: “Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác”. Nghe vậy, Hêrôđê nói: “Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”.

Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.

Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Suy niệm: Ca dao có câu: “Hùm giết người hùm ngủ; người giết người thức đủ năm canh”. Đó cũng là tâm trạng dằn vặt của vua Hê-rô-đê khi bị Gio-an Tẩy giả khiển trách về việc ông cướp vợ của anh mình. Tuy đã bắt Gio-an tống ngục nhưng Hê-rô-đê vẫn ngầm che chở vị ngôn sứ. Một đàng ông nhận thức hành động của mình là cực kỳ vô luân sai trái. Đàng khác ông vẫn không từ bỏ lòng ham mê tửu sắc. Nhà vua vẫn dan díu với bà Hê-rô-đi-a, lại còn đắm chìm trong ca vũ tiệc tùng. Trong một lúc cao hứng vui mắt vì điệu vũ của con gái bà Hê-rô-đi-a, Hê-rô-đê đã lỡ lời: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Một lời hứa liều trước mặt bá quan văn võ làm sao rút lại, vua đành cho chém đầu Gio-an Tẩy giả theo lời xúi bẩy của bà Hê-rô-đi-a. Gio-an Tẩy giả đã chết như một vị ngôn sứ, nhưng hành động táng tận lương tâm đó sẽ cứ dày vò Hê-rô-đê mãi không thôi.

Mời Bạn: Tiếng lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa đặt để trong thâm tâm của mỗi người. Tiếng nói của lương tâm là mệnh lệnh tuyệt đối: phải làm điều lành và xa lánh điều dữ. Vâng nghe tiếng lương tâm đem lại bình an tâm hồn. Ngược lại, phớt lờ tiếng nói của lương tâm, để chạy theo dục vọng thì sẽ chỉ nhận được dằn vặt và bất an.

Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét xem một ngày qua mình đã nghe tiếng lương tâm thế nào và xin Chúa ban ơn hoán cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con có lương tâm phản ánh tiếng nói của Chúa. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe, ngõ hầu chúng con chỉ làm điều lành và lánh điều dữ.

06/02 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 4 thường niên. – Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Lễ nhớ.

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Lời Chúa: Mc 6, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế.

Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”.

Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Suy niệm: Không phải ngẫu nhiên mà  Đức Giê-su “kêu các môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông và gọi làm tông đồ” (Lc 6,13). Chắc chắn Đức Giê-su hữu ý chọn ‘Mười Hai’ như đại diện Mười Hai chi tộc Ít-ra-en để thể hiện mối liên hệ với sứ mệnh đặc biệt của họ trong việc thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới của Tân Ước. Họ được chọn gọi làm ‘môn đệ’ Đức Giê-su để ở lại và học đòi theo gương Thầy Chí Thánh. Nhưng họ còn được đặt làm ‘tông đồ’ để được sai đi với sứ mệnh loan báo Tin Mừng để những ai tin vào Ngài thì được cứu độ.

Mời Bạn: Sứ mệnh loan báo Tin Mừng được Đức Giê-su ký thác cho Nhóm Mười Hai, nay được chuyển thông cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội. Lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội không chỉ là lời tuyên xưng ‘Tôi tin’ cách cá nhân mà còn là một lời đồng tuyên xưng trong một Hội Thánh ‘công giáo và tông truyền’ để cùng tham dự vào sứ mệnh của toàn Giáo Hội. Sứ mệnh đó là vinh dự và trách nhiệm cao cả mà mỗi người Ki-tô hữu phải hy sinh dấn thân với sự xác tín và trung thành.

Sống Lời Chúa: Mỗi lời nói, mỗi việc làm cũng như mọi giao tiếp trong mối tương quan gia đình, xã hội của bạn đều có thể chuyển biến thành một hành động loan báo Tin Mừng khi bạn thực hiện chúng với tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, hay nói chung, theo giáo huấn của Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã gọi con tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để sống đức tin, làm chứng cho tình yêu Chúa mọi ngày trong suốt đời con. Amen.