Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C
Anh chị em thân mến
Tuần trước Chúa nói với chúng ta: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” và ở một nơi khác trong TM Chúa bảo con đường Chúa mời gọi chúng ta bước vào là con đường hẹp. Đây là con đường chính Chúa đã đi và Chúa cũng muốn chúng ta cùng đi với Ngài.
Nhưng làm thế nào để có thể đi trên con đường đó thì từ Chúa nhật hôm nay cho đến Chúa nhật áp chót của mùa thường niên chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những những điều kiện giúp chúng ta có thể đi trên con đường đó.
A- Hôm nay chúng ta bắt đầu với điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Đó là sự khiêm nhường.
1. Các bản văn Phụng vụ hôm nay đều ít nhiều nói về vấn đề này.
+ Bài Sách Đức Huấn Ca nói: càng làm lớn, càng phải hạ mình trong mọi sự.
+ Bài Tin Mừng: Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
+ Nâng lên đến đâu thì bài Thánh Thư trả lời: Đến Thành trì của Thiên Chúa hằng sống.
2. Nói tới khiêm nhường thì cũng phải nói tới kiêu ngạo. Kiêu ngạo đối nghịch với Khiêm nhường.
+ Sách Đức huấn ca nói: tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa.
+ Bài Tin Mừng cũng cảnh cáo: Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống.
Hôm ấy trên con đường đẫn quân đi dánh nước Nga, Vua Napoléon của nước Pháp thấy quyền uy của mình cao như núi, ông nhìn lên trời và tự nhiên buột miệng thốt lên: “Trời là của Chúa. Còn trái đất là của ta”
Chính trong trận chiến này Napoléon đã bị thảm bại và sau đó bị đầy ra đảo Saint Hélène và chết tủi nhục tại đó.
Quả đúng là “Ai tự đưa mình lên sẽ bị hạ xuống.”
Thánh Giacobê nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Jac 4,6)
Gabriel Meurier một nhà tư tưởng lớn của Pháp nói: “Kiêu căng đi trước, tủi nhục và tai họa sẽ bén gót theo sau”
II. Thiên Chúa lại yêu thích những ai khiêm nhường. Nhưng khiêm nhường là gì? Sống khiêm nhường là sống như thế nào?
+ Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động không dám nhận trách nhiệm – trách nhiệm làm người ở đời và trách nhiệm làm con Thiên Chúa.
Khiêm nhường lại càng không phải là đeo vào cho mình một thứ mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác, làm cho người khác phải để ý đến mình.
Trong Tin Mừng đã nhiều lần Chúa đã cảnh cáo mấy ông Biệt phái và luật sĩ về cái tội này: Họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi ở cỗ nhất trong bàn tiệc chỉ với một mục đích là làm cho người ta đễ chú ý đến mình. Đó là một thứ mặt nạ của sự kiêu ngạo.
Khiêm nhường là biết can đảm nhận lãnh những trách nhiệm cũng như biết cậy nhờ vào ơn của Chúa mà cố gắng chu toàn.
Tấm gương của Abraham trong Cựu Ước là một thí dụ. Abraham ý thức rất rõ ông chỉ là tro bụi trước mặt Chúa, (Kn 18,27) nhưng lại rất chân thành, dám cả gan nhận lấy trách nhiệm, mạnh dạn mặc cả với Chúa về số người công chính cần phải có để xin Chúa tha cho thành Sôđôma và Gomôra.
Giêriêmia đã từ chối việc Thiên Chúa chọn ông làm ngôn sứ – lấy lý do là mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6) Nhưng khi đã nhận trách nhiệm Chúa trao thì ông đã trở thành người hết sức khiêm tốn và can đảm.
Một vị đạo sĩ kia tu hành đã được lâu năm. Ông tự cảm thấy rất bằng lòng với các nhân đức của mình. Chính vì thế mà một hôm kia ông mạnh dạn đến trước thần Silva mà cầu nguyện như thế này:
– Lạy Ngài, con đã làm mọi việc tốt lành. Con đã chăm chỉ tu hành không sai sót một ly. Ngài hãy truyền lệnh cho con làm bất cứ điều gì, con sẽ sẵn sàng làm tất cả.
Thần Silva hiện ra và nói:
– Tất cả mọi việc con làm đều tốt. Giờ đây, Ta sẽ thử con một lần nữa: con hãy lấy một cái đĩa đựng đầy dầu và đội ở trên đầu – rồi con cứ như thế mà đi qua các đường phố. Nhớ không được để một giọt dầu nào rơi ra ngoài.
Người tu sĩ sau khi nghe lệnh đã hân hoan lên đường. Sau khi đi một vòng, mà chiếc đĩa đựng dầu vẫn không rơi mất một giọt. Ông liền trở lại trước tượng thần Silva với hy vọng sẽ được Thần trọng thưởng. Nhưng vừa thấy vị tu sĩ đó tới Thần nói ngay:
– Quả thực con đã cố gắng hết sức nhưng tiếc thay là đầu óc của con lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, đến phần thưởng của mình mà chẳng bao giờ con nghĩ đến ta, đến lòng tốt cũng như tình thương của ta. Giả như con có đánh đổ một vài giọt dầu nhưng lòng của con vẫn nhớ đến ta thì điều đó có lẽ sẽ làm ta vui hơn. Hoặc như con có sống bớt khắc khổ, bớt hãm mình ép xác mà giữ được lòng yêu mến đối với ta thì điều đó có lẽ sẽ tốt hơn. Đàng này cho đến nay, con làm tất cả những điều đó vì lòng kiêu hãnh, chỉ vì muốn được ta khen và chiếm được phần thưởng mà thôi. Quả thực là con chưa xứng đáng là môn đệ của ta.
Sống sao cho đúng với đạo làm con không phải dễ. Phải có một lòng khiêm nhường chân thực mới có thể sống được như thế.
+ Theo ngài Cha Mark Link thì khiêm nhường là một cái gì sâu xa và đẹp đẽ hơn như chính lời Chúa đã chỉ dẫn: “Hãy học với ta vì ta hiền lành và khiêm nhường” Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.
Vậy thì sống khiêm nhường là sống như Chúa đã sống, không phải cho mình nhưng là cho người khác.
Khiêm nhường là biết dùng những khả năng như Chúa đã dùng khả năng của Ngài để không phải làm vinh danh cho riêng Ngài nhưng là mưu ích cho người khác.
Hà khưu Thượng nhân hỏi Tôn thúc Ngao:
– Có ba điều chuốc vạ vào thân ông đã biết chưa?
+ Tôi chưa được biết.
– Tước vị cao người ta ganh.
Quyền thế lớn người ta ghét
Lợi lộc nhiều người ta oán.
+ Không phải như thế:
Tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường.
Quyến thế tôi càng lới tôi càng ở khiêm cung
Lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho người chung quanh. Như thế thì làm sao mà thiên hạ có thế oán tôi được!
Đó là một trong những cách sống khiêm nhường như Chúa đã sống.
+ Nhiều người còn định nghĩa khiêm nhường là biết chấp nhận sự thật. Đây là một việc không dễ dàng. Chấp nhận sự thật thường đi đôi với việc phải điều chỉnh lại cách sống của mình.
Triết gia Diogène sống với một con chó trong một cái thùng gỗ bên vệ một con đường. Ông hạn chế đến mức tối đa những nhu cầu cần thiết đến nỗi cái chén múc nước ông cũng ném đi khi thấy hai bàn tay bụm lại cũng hứng được nước.
Nghe danh nhà hiền triết, một hôm Vua Alịchsơn Đại đế ..đứng cạnh cái thùng và lễ độ lên tiếng:
– Tiên sinh cần gỗ, quả nhân xin. . .
Triết gia trả lời: “Ta cần ngươi đứng tránh ra để nắng có thể dọi vô cửa thùng của ta.”
Tên tùy tùng của nhà vua rút gươm ra toan chém, nhưng vua gạt đi và nói: “Nếu ta không là Alịchsơn thì ta muốn làm Diogène.
Sau đó bằng một giọng điệu của bậc làm thầy, Alịchsơn nói với tên lính hầu cận:
– Người sinh ra ta là cha của ta: Đó là Hoàng đế Philiphe. Người dạy ta biết sống cho xứng đáng là Thầy của ta: Đó là Aristode.
Ông ngụ ý muốn nói: Diogène là bậc thầy của mình.
Biết cúi đầu nhìn nhận điều hay lẽ phải cho dù điều đó có đụng chạm đến danh tự, dến uy quyền, đến lợi lộc của mình. Đó cũng là cách sống khiêm nhường.