Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm C
Kính thưa anh chị em
Với câu chuyện hôm nay Chúa muốn cho chúng ta thấy hai điều rất căn bản của cuộc sống này:
+ Đàng sau cái thế giới mà hôm nay chúng ta đang sống còn một thế giới khác nữa
+ Đồng thời với tất cả những diễn tiến sống động trong câu truyện giữa Abraham và người giầu có, Chúa còn cho chúng ta thấy thêm một sự thật nữa đó là có một mối dây liên hệ mật thiết giữa cuộc sống hôm nay và thế giới mai sau.
I. CHÚNG TA HÃY NHÌN VÀO CUỘC SỐNG CỦA HAI NHÂN VẬT TRONG CÂU CHUYỆN.
Cả hai đều là những con người sống trên đất. Đời sống của hai người được
– Bắt đầu với việc sinh ra.
Cả hai đều được sinh ra. Không ai trong hai người được lựa chọn hay được hỏi ý kiến trước khi được sinh ra trên đời, nhưng khi đã được sinh ra rồi thì cả hai đều có quyền sống như một con người. Bản hiến chương nổi tiếng của Liên hiệp quốc năm 1948 đã công khai xác định điều đó
– Và kết thúc với cái chết.
Cuộc sống của hai người được diễn ra giữa hai làn mức được coi như là định mệnh đó.
Vì là người cho nên mọi người đều có quyền được chia sẻ những tài sản chung mà Thiên Chúa đã trao cho cả loài người quản lý. Thế nhưng sự việc thực tế từ trước cho đến bây giờ chưa bao giờ được như thế. Có người thì chiếm hữu quá nhiều. Có người thì thiếu thốn mọi sự.
Năm Tân hợi 1910 nhà Cách mạng Tôn dật Tiên bên Trung hoa đặt ra bốn mục tiêu để theo đuổi với mục đính là làm cho cuộc sống con người nhờ đó mà được tốt đẹp, xứng đáng với con người hơn. Bốn mục tiêu đó là: Ăn – Ở – Đi – Mặc.
Xét theo bốn mục tiêu này thì
+ Người phú hộ trong câu truyện hôm nay có tất cả mọi sự.
– Ăn thì Tin Mừng mô tả: Ngày ngày yến tiệc linh đình.
– Ở thì tuy Tin Mừng không cho chúng ta biết rõ nhưng Tin Mừng cho một chi tiết rất thú vị là trước nhà của người đó có cổng. Tiếng Hy lạp gọi là “poulon”. “Poulon” là loại cổng rất đẹp, chỉ có những ngôi nhà thật sang trọng mới có.
– Đi thì có lẽ ta khỏi cần phải nói. Chắc chắn phương tiện của người phú hộ phải hơn hẳn những người khác.
– Còn mặc thì theo Tiến sĩ Morgon, một nhà chú giải Tin Mừng tôi rất ưa thích, nói rằng chiếc áo vải gai mịn người đó mặc có giá trị bằng vàng nặng gấp 6 lần cái áo đó.
Tóm lại là người đó có tất cả. Có dư dật.
+ Còn Lagiarô người nghèo khó thì chẳng có gì.
– Ăn thì Tin Mừng mô tả: Chỉ ước, ước được những thứ từ bàn ăn của người giầu có rơi xuống… vậy mà cũng không được. Thật là đáng thương. Mơ ước những thứ rơi rớt từ bàn ăn của người giầu có xuống để có chút cho vào bụng cho đỡ đói mà cũng không có.
– Ở thì chẳng có nhà. Địa chỉ thường trú của Lagiarô là ở gần cổng “poulon” đẹp đẽ của nhà người giầu có. Cứ theo Tin Mừng mô tả thì có lẽ anh đã ở tại đó rất lâu…Lâu đến mức độ những con chó của người giầu có đã quen thuộc – không những không còn sủa, còn xua đuổi người nghèo như những con chó khôn ngoan của những người giầu có thường làm – mà trái lại xem ra chúng đã trở thành bạn hữu của anh ta…chúng đến liếm những chỗ lở loét trên con người của anh ta.
– Đi thì chúng ta khỏi bàn đến. Một con người như thế là sao mà có được cơ hội để đi đến đâu. Và giả như có đi thì nào có được ai sẵn sàng tiếp đón một con người như thế này.
– Và cuối cùng là mặc thì Tin Mừng bảo: thật rách rưới. Chắc là còn có thêm nhiều mùi hôi hám nữa.
Đến đây thì chúng ta thấy:
Khúc đầu của hai người giống nhau. Thật giống nhau… Đều là những con người được sinh ra để làm người sống trên đời.
Nhưng khúc giữa sao mà KHÁC NHAU nhiều quá.
Và bây giờ đến khúc cuối. Tin Mừng nói cả hai đều chết. Người giàu có chết và Lagiarô người nghèo khó cũng chết.
– Người giầu có chết – Của cải, châu báu vàng bạc, các thứ của ngon vật lạ trên đời, quần áo gấm vóc lụa là … tất cả những thứ đó đều không đủ sức giữ cho người đó khỏi chết.
– Và Lagiarô người nghèo khó cũng vậy.
Cả hai dều chết. Một sự giống nhau nữa.
Với những người không tin thì như thế là xong. Thế là chấm dứt cuộc sống của một con người đã có một thời được sống trên đất.
Thế những đối với Chúa thì không như thế
Một bức màn được mở ra. Thế giới đàng sau cuộc sống trên đất được tiếp nối bằng một thế giới khác.
– Người giầu có bị vứt vào hỏa ngục
– Còn Lagiarô người nghèo khó thì được đưa lên, lên rất cao, cao đến tận lòng của tổ phụ Abraham.
Một sự đổi đời nhanh đến chóng mặt.
II. CHÚA MUỐN DẠY GÌ QUA CÂU CHUYỆN NÀY?
Chúa muốn nhắn nhủ mọi người còn sống hai điều:
+ Bên kia cái chết, nhân cách và ý thức con người vẫn còn tồn tại
Bên kia lằn mức của sự chết cả người giầu có và Lagiarô người nghèo khó vẫn còn tồn tại và vẫn còn nhận ra nhau.
+ Cuộc sống trên đất và cuộc sống sống ở thế giới bên kia có một sự liên hệ gắn bó mật thiết chặt chẽ với nhau. Sự chết dù có ác nghiệt cách mấy đi nữa cũng không hủy diệt được mối giây liên hệ đó.
Và kết quả là chúng ta thấy:
– Người giầu có sau cái chết đã bước vào thế giới bên kia như một kẻ ăn xin:
– Còn Lagiarô người nghèo khó thì được các thiên thần đưa lên đến tận lòng của tổ phụ Abraham … như một kẻ chiến thắng.
Như vậy vấn đề mấu chốt còn lại mà chúng ta phải suy nghĩ hôm nay là phải sống làm sao để cuộc sống mai sau sẽ trở thành một cuộc cuộc chiến thắng chứ không bao giờ trở thành chiến bại. Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Thành công thì sẽ có tất cả. Còn thất bại …chắc là không ai trong chúng ta mong muốn.
Đàng sau làn mức của sự chết thì mọi sự sẽ trở thành vĩnh cửu, không còn có thể thay đổi được bất cứ một sự gì. Đó là một sự thật đáng sợ mà mọi người không được phép coi thường hay không nghĩ tới.
Dửng dưng trước những nỗi khốn cùng của người khác là một tội trước mặt Chúa.
Vào một ngày mùa đông lạnh buốt, ông thị trưởng đầu tiên của Thành phố New- York nổi tiếng là giầu có phải chủ tọa một phiên tòa.
Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn người này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “gia đình tôi đang chết đói”.
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không dung thứ cho bất kỳ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng phạt 10 đôla” Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong ví tiền của mình ra 10 dollars và trao cho người đàn ông lo đáng thương kia để ông nộp phạt theo phán quyết của toà. Sau đó ông quay xuống cử tọa và nói tiếp:
– Ông lão này đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quí vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố giàu có của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp.
Nói xong, ông ra lệnh cho viên cho viện biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng tòa án và trở về tay mình ông lão đếm được tất cả 47dollars 50xu.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì, họ đã sám hối bằng những việc làm rất cụ thể. Xin Chúa cũng cho chúng ta được sống như thế. Amen.