Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, năm C
Chúng ta vừa được thánh Luca tường thuật lại cho chúng ta một câu chuyện thật đẹp, có một không hai trong Lịch sử loài người: Chuyện Đức Maria, mẹ của Thiên Chúa nhập thể làm người đi thăm người chị họ già cả của mình trong lúc bà đang cưu mang một người con của ân điển trong lòng. Phải nói rằng đây là một câu chuyện tuyệt đẹp đặc biệt vì nó mang lại những hiệu quả tuyệt vời cho cả người viếng thăm và người được thăm viếng.
Với người được viếng thăm thì con của bà nhận được hồng ân cao cả là được khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ. Với người đi thăm viếng thì cuộc viếng thăm đã là một cơ hội cho sự ra đời của một bài ca ca tụng tình thương của Thiên Chúa đẹp đến mức độ Giáo Hội đã phải dùng để cầu nguyện hằng ngày cho những giây phút thánh thiêng nhất để kết thúc một ngày sống trên đời. Bài ca đó là bài ca Magnificat- Linh hôn tôi ngợi khen Đức Chúa…
Trong bài ca này, hầu như Đức Maria đã không nài xin gì cùng Thiên Chúa, kể cả những điều chính đáng và cần thiết nhất cho cuộc đời của mình. Chẳng hạn như xin được bình an, khỏe mạnh trong thời mang thai, xin cho mẹ tròn con vuông khi sinh, xin cho thánh Giuse làm ăn khá giả để nuôi gia đình, xin cho mình được thánh thiện đóng tròn vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
Tất cả những điều đó giả sử Đức Maria có xin thì cũng là chính đáng. Tuy nhiên Người đã không xin vì Người hiểu rằng tạ ơn thì tốt hơn là xin ơn. Người chỉ nói lên niềm vui đang dâng lên trong lòng mình, rồi biến niềm vui đó thành lời chúc tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Tâm trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa là Đấng Cứu dộ tôi”. Lời ngợi khen dâng lên tự phát, nhẹ nhàng, hồn nhiên, không cầu kỳ, gò bó, gọt dũa.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao đức Maria lại có thể đem hết tâm trí để chúc tụng Thiên Chúa như vậy?
Có hai lý do: Người biết sống phó thác và Người có tâm hồn nhạy cảm.
+ Trước hết Đức Maria biết sống phó thác.
Phó thác là thế nào?
Vào một ngày thu, chim quạ nói chuyện với chim én chưa đầy một tuổi :
– Như tôi thấy, em sắp sửa đi xa phải không? Em đi đâu vậy?
Én trả lời:
– Ở đây trời sẽ lạnh hơn, em chịu lạnh không được, nên sẽ bay đến một miền ấm áp hơn.
Chim quạ chế nhạo:
– Nhưng em mới sinh ra vài tháng thôi, sao em biết có một miền ấm áp hơn để em không vì chết lạnh ?
Én trả lời:
– Thiên Chúa, Đấng đặt trong lòng em cái mong ước tìm về một nơi ấm áp, sẽ không bao giờ phỉnh gạt em đâu. Em tin vào Đấng đó, nên em sẽ bay đi.
Người sống phó thác là người có một niềm tin tương tự như vậy. Người đó luôn biết rằng có Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Mình được che chở, giữ gìn. Điều quan trọng không phải là cái gì sẽ xảy đến, nhưng là mình có tìm thấy ý Chúa trong những điều Chúa cho xảy đến với mình hay không. Nếu có tìm thì sự dữ cũng có thể trở thành sự lành. Và như vậy thì vẫn có thể an tâm.
Người cũng tin chắc rằng: người càng nghèo khó và bất hạnh thì càng được Thiên Chúa che chở, giữ gìn. Bởi thế Người mới nói: “Người nghèo đói được no đầy ơn phúc. Kẻ giàu sang bị đuổi về tay không”. Và người khiêm tốn nhận mình thuộc hạng nghèo khó, nghĩa là thuộc hạng người có phúc. Vì thế càng phải chúc tụng Thiên Chúa hơn.
+ Tiếp đến Đức Maria còn có tâm hồn nhạy cảm
Nhạy cảm với cái tốt đẹp và những niềm vui là những điều không thế không có trong cuộc sống. Nếu chỉ thấy toàn đau buồn trong cuộc sống thì không thể chúc tụng mà cuộc đời chỉ có thể buồn chán, than vãn.
Đây là những lời rất hay của một bài thơ
Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.
Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vuợt qua nó.
Cuộc sống thì rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.
Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.
Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.
Cuộc sống như một sự bí ẩn, hãy khám phá nó.
Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.
Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.
Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.
Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.
Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.
Và cuộc sống thì vô cùng tuyệt vời, đừng bao giờ phá hủy nó.
Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.
Phải là những người biết nhạy cảm lắm mới có thể cảm nghiệm được những giá trị của những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Đức mẹ luôn nhạy cảm với các ơn mà Thiên Chúa ban cho mình mỗi ngày. Những ơn này Chúa thường ban một cách thật kín đáo qua một cuộc sống không có gì là hào nhoáng. Ơn của Chúa không bao giờ thiếu, nhưng phải biết nhận ra. Cần có con mắt thật tinh, lòng thật ngay. Mắt tâm hồn Đức Maria luôn thật tinh và lòng Người thật ngay vì thế Người nhận thấy đời mình tràn đầy ơn phúc: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả”.
Ngoài những ơn cá nhân Đức Maria còn nhạy cảm với những ơn Thiên Chúa ban cho toàn dân mình suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Ơn Chúa bao trùm tất cả lịch sử Israel, từ Abraham cho đến muôn đời. Đó cũng lại là một lý do để dâng lời chúc tụng.
Chúng ta hãy tập cho mình có được lời cầu kinh chúc tụng Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria. Vì chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện như thế thì lời cầu nguyện của chúng ta mới đẹp lòng Chúa và ơn Chúa sẽ đến với chúng ta.
Phải nhìn nhận rằng cách chúng ta cầu nguyện và cách chúng ta sống gắn liền nhau. Sống cách nào thì sẽ cầu nguyện như vậy. Cách cầu nguyện phản chiếu cách sống của mỗi người. Điều đó có nghĩa là chỉ khi nào chúng ta theo gương Đức Maria trong cách sống của Người thì chúng ta mới có thể theo gương Người trong cách cầu nguyện của Người.
Một linh mục để ý người đàn bà đang ngồi trong nhà thờ trống vắng, hai tay ôm đầu. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua và bà ta vẫn ngồi yên ở đấy.
Nghĩ rằng bà đang có chuyện đau khổ trong tâm hồn và ao ước được giúp đỡ, ngài đứng dậy đến bên bà và nói
– Tôi có thể giúp bà được gì không?
Bà nói
– Thưa cha không! Con cám ơn cha. Con đang có tất cả những điều con cần.
Các người láng giềng của nhà thần bí Hồi giáo, Farid, đã thuyết phục ông đến kinh đô ở Delhi để xin hoàng đế Akhar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akhar đang đắm mình cầu nguyện.
Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi:
– Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?
Vua đáp:
– Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.
Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói:
– Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một người ăn xin, không khác gì những hạng người khác!
Mẹ thánh Têrêsa nói cầu nguyện không phải là xin xỏ mà là phó thác. Mẹ Maria đã làm gương cho chúng ta điều đó.
Một nhân chứng đương thời với tổng thống A. Lincoln, kể lại rằng:
– Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì phải nói trước công chúng sáng hôm sau đó. Đã quá nửa đêm, đúng ra là gần hừng đông. Chợt tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng Tổng Thống ngủ. Cửa phòng hé mở. Theo bản năng. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh không thể nào quên được. Tôi thấy Tổng Thống đang quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Lưng ngài quay về phía tôi nên không thấy tôi vào. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện :
– Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Salômon trong đêm khuya, xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salômon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!
Vâng chúng ta hãy cầu nguyện như thế để được Chúa nhậm lời. Amen.