Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm C
Kính thưa anh chị em!
Chúng ta vừa đọc lại một trong những câu chuyện hay nhất trong Tin Mừng.
Câu chuyện được bắt đầu từ câu hỏi của một người luật sĩ: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời”(Lc 10,25).Tiếng PHẢI trong câu hỏi của ông thật quan trọng. PHẢI LÀM. Cách ông hỏi Chúa thật rất rõ ràng.
Đây là một câu hỏi không dễ trả lời nhất là khi người ta nghĩ đến hệ thống luật pháp phức tạp của người Do thái thời đó.
Đứng trước câu hỏi đó, Chúa Giêsu không trả lời ngay. Thay vì trả lời Ngài hỏi lại ông ta:
– Trong Luật đã viết gì? Ông đã đọc thấy gì trong đó?(Lc 10,27)
Chúa không trả lời trực tiếp. Người muốn ông quay trở về với lòng mình để nhớ lại những gì ông đã biết. Có lẽ ở đây Chúa cũng muốn giành cho ông một cơ hội để ông có thể cho mọi người thấy những sự hiểu biết về luật pháp của ông trước mặt mọi người. Chúng con thấy ông rất giỏi. Ông đã trả lời ngay lập tức, không cần phải suy nghĩ và câu trả lời của ông thật khôn ngoan và rất đúng ý Chúa. Đây chúng con nghe lại câu trả lời đó.
– Người hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn của người và hãy yêu người thân cận như chính mình (Lc 10,27).
Chúa khen ông ta: “Ông đã trả lời rất đúng” Và Chúa bảo tiếp: “Cứ làm như vậy thì sẽ được sống”(Lc 10,28).
Như thế là Chúa đã để cho ông tự tìm lấy câu trả lời cho câu hỏi chính ông đặt ra để thử Chúa.
Giả như câu chuyện dừng lại ở đây thì chúng con thấy có thể cũng là đủ, thế nhưng ông luật sĩ chưa muốn dừng lại ở đó. Thánh Luca cho chúng ta một chi tiết khác: “Người đó muốn chứng tỏ. Ông muốn chứng tỏ có nghĩa là ông muốn cho Chúa thấy ông không phải là loại người tầm thường như những người khác đâu mà ông là người Chúa phải nể phục đấy. Bởi vậy ông hỏi Chúa:
– Nhưng ai là người thân cận của tôi? (Lc 10,29).
Câu hỏi của ông luật sĩ đã tạo cho Chúa một cơ hội để Chúa tiếp tục cuộc nói chuyện với người luật sĩ tài giỏi này.
Khi ông hỏi Chúa: “tôi phải làm gì” thì rõ ràng người ông đã không muốn nhắm vào những điều mình đã biết. Những gì ông biết thì ông đã nói rồi. Nhưng đây là việc thực hành.
Chúng con thấy người luật sĩ này đã rất ranh ma. Ông đã muốn gài Chúa vào chỗ thật khó và ông tưởng Chúa sẽ bị bí không trả lời được. Thế nhưng chúng con thấy một lần nữa Chúa lại tỏ ra mình là người rất khôn khéo. Chúa đã không trả lời bằng những định nghĩa rằng ai là người thân cận nhưng Chúa trả lời bằng cách kể một câu chuyện và với câu chuyện này thì Chúa đã cố ý nhấn mạnh đến việc phải làm. Và cũng qua câu chuyện này Chúa muốn dạy cho mọi người bài học. Bài học đó là thay vì đi tìm một định nghĩa xem ai là người thân cận của mình thì mình hãy cố làm cái gì đó để trở thành người thân cận đối với người khác.
Chúa muốn bảo ông: theo đạo không phải chỉ là biết đạo mà là sống đạo và làm theo những việc đạo dạy.
Con đường Giêrusalem xuống Giêricô là con đường có thực. Câu truyện về sự cướp bóc trên con đường này cũng là truyện rất hay xảy ra.
Người bị cướp hôm ấy là một người Do thái. Ông ta bị bọn cướp đánh nhừ tử và để ông nửa sống nửa chết ở giữa đường. Trước khi ông được người Samaria cứu thì đã có hai người Do thái khác đi qua. Một người là thầy Tư tế, một người là thầy Lêvi.
Thầy Tư tế và thầy Lêvi đi qua, trông thấy nhưng vẫn bình thản lách qua một bên mà đi.
Tại sao họ làm như vậy?
Chắc chắn không phải là vì họ không biết luật yêu thương, cũng không phải vì lòng họ chai đá không biết yêu thương là gì, nhưng rõ ràng là chỉ vì họ sợ phiền hà, sợ tốn phí, sợ mất giờ, sợ bị liên lụy v.v
Ở đời lúc bình thường thì người ta dễ trở thành thân cận nhưng khi hoạn nạn thì con người lại dễ trở thành xa lạ đối với nhau.
Còn người Samaria mà Chúa gọi là nhân hậu thì hoàn toàn khác hẳn. Ông cũng gặp nạn nhân như giống y hệt như thầy Tư tế và Lêvi nhưng thay vì rẽ qua một bên mà đi thì ông đã xuống lừa, làm tất cả những gì cần làm cho người bị nạn. Ông đã không đặt vấn đề đây là người Do thái hay là người Samaria. Ông ta chỉ thấy đây là một con người bất hạnh, không được may mắn. Ông cảm thấy có bổn phận phải yêu thương và giúp đỡ như chính mình.
Thật là những hành vi hiếm có trên đời.
Kể xong câu truyện Chúa Giêsu hỏi lại người luật sĩ: “Vậy theo ông nghĩ”(Lc 10,36). Chúa Giêsu đã dành cho ông một cơ hội để ông bày tỏ ý kiến riêng tư của mình chứ không phải là những gì ông đã biết được theo sách vở. Vâng đúng như thế. “Theo ông nghĩ thì trong ba người đó ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay bọn cướp?”(Lc 10,36)
Người thông luật trả lời. Câu trả lời rất đúng ý Chúa: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”(Lc 10,37).
Ông trả lời không sai ý Chúa một tí nào.Và chẳng cần dài dòng Chúa Giêsu đã chấm dứt câu chuyện bằng một lệnh lên đường: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”(Lc 10,37).
Một vị đạo sĩ kia kể rằng, ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:
– Chúng ta mau lại kia giúp đỡ người gặp nạn đó!
Nhưng người Tây Tạng trả lời:
– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ nói:
– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cùng chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
Nói rồi vị đão sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng xa, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành người Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta mệt quá, ngồi nghỉ và bị lạnh cóng lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, và do đó thoát chết vì lạnh.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hoá.
Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.