Tag Archive for: Lc

18 /09 – Thứ Tư tuần 24 thường niên.

“Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.

Lời Chúa: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: “Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. “Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”.

Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”.

Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.

Suy niệm: Đám trẻ ngồi chơi ngoài chợ luôn có lý do để từ chối trò chơi do bên kia đưa ra: chúng tôi không vui nên không thích chơi trò đám cưới; nhưng chúng tôi cũng có buồn đâu mà chơi trò đám tang! Chúng luôn tìm lý lẽ để bắt bẻ đối thủ của mình. Người đương thời với Chúa Giê-su cũng hành xử cách ‘trẻ con’ như vậy: ăn chay khắc khổ, cô tịch trong hoang địa như Gio-an Tẩy Giả thì bị họ cho là quỷ ám; sống như Chúa Giê-su dấn thân hoà mình với những người bị gạt bên lề xã hội thì bị gán là tay ăn nhậu, kẻ phóng túng! Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho họ thấy sự thật không tùy thuộc nơi những chỉ trích, ‘chụp mũ’ cách ‘trẻ con” của họ, nhưng nơi hiệu quả của việc làm. Gio-an Tẩy Giả đã thúc đẩy phong trào sám hối nơi dân Chúa, cũng như Chúa Giê-su đã tạo nên một cung cách tương quan mới mẻ, tốt đẹp với Thiên Chúa và với con người.

Mời Bạn: Nếu chỉ suy nghĩ, hành động theo bản năng hoặc theo sự ích kỷ, chai lì, bạn có thể rơi vào cung cách ‘trẻ con’ như người Do Thái trên đây. Để ra khỏi thái độ ‘trẻ con’ Bạn cần lắng nghe Lời Chúa dạy, biết nghĩ đến người khác thay vì chỉ thu vén cho bản thân cho phe nhóm mình.

Chia sẻ: Tôi có nổi nóng khi người khác phản đối ý kiến của tôi, hoặc đánh đập con cái trong khi nóng giận không? Đó có phải là thái độ ‘trẻ con’ không?

Sống Lời Chúa:  Thay vì tìm mọi lý do để chỉ trích người khác, tôi luôn tìm cách để nhìn thấy yếu tố tích cực nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cách cư xử ‘trẻ con’ đã giam hãm, không cho con lớn lên về mặt thiêng liêng. Xin lay động tâm hồn để con mở lòng đón nhận lời cứu độ của Chúa. Amen.

17/09 – Thứ Ba tuần 24 thường niên. – TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI

“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người.

Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Suy niệm: Ai lại không tiếc thương cho người thanh niên vĩnh viễn ra đi giữa tuổi thanh xuân? Hơn nữa đó lại là người con trai duy nhất, chỗ dựa còn lại cho người mẹ goá! Đức Giê-su lại càng động lòng trắc ẩn trước những tình cảnh đáng thương như thế. Ngài nói: “Hỡi người thanh niên, hãy trỗi dậy!” Chẳng những Ngài ban lại sự sống cho chàng trai trẻ, Ngài còn ban lại đứa con cho người mẹ, ban lại sự sống tinh thần, niềm hy vọng cho bà.

Mời Bạn: Cái chết của người thanh niên là dấu chỉ cái chết đáng khóc thương nhất của con người là cái chết do tội lỗi. Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, cũng xót thương Người Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô chịu chết vì tội nhân loại, và Chúa cũng sẽ nói: “Hãy trỗi dậy!” để phục sinh Người Con ấy và để chúng ta cũng được sống lại với Người. Có thể về mặt thể lý, bạn đang sống khoẻ. Nhưng nếu như bạn cảm thấy mình đang thờ ơ nguội lạnh, chưa “siêng năng việc Đức Chúa Trời”, hoặc sa đà trong những đam mê bất chính, hãy coi chừng, đó là dấu hiệu bạn đang ở trong bóng tối của sự chết đấy.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày, bạn kiểm điểm bản thân để phát hiện những dấu hiệu của sự chết đang tiêm nhiễm vào cuộc sống của bạn, và bạn cầu xin Chúa cho bạn được “trỗi dậy” với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa nhìn đến bao con người, nhất là những người trẻ đang nằm trong bóng tối sự chết. Xin vì lòng thương xót của Chúa, cho chúng con là những người tội lỗi, được ơn chết đi cho tội, và được trỗi dậy để sống cuộc sống mới, trong Đức Ki-tô phục sinh. Amen.

16/09 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ

“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

Lời Chúa: Lc 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum.

Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.

Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không ba

xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

Suy niệm:  “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi…” Biết bao nhiêu bài học rút ra từ một câu nói giản dị như thế. Viên sĩ quan Rô-ma, người phát ngôn câu nói đó hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt: lịch thiệp, khiêm tốn, nhân ái, biết cảm thông… Càng đáng nể phục hơn khi biết rằng ông ta, một người có chức có quyền trong guồng máy cai trị của một đế quốc hùng mạnh, lại nhún nhường cầu xin một người thuộc dân tộc bị trị chữa lành người nô lệ của ông đang đau nặng. Đó không phải là một lời nói xã giao hời hợt. Tính cách dễ mến tỏ lộ qua lời nói đó càng làm tôn thêm lòng kính trọng – không, nói cho đúng hơn – niềm tin tột bực của ông nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà ông biết có một quyền lực thần linh.

Mời Bạn: Một lời nói đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được dùng để diễn đạt một niềm tin cao quí. Bạn có cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói tục tằn thô lỗ thốt ra từ môi miệng những người mang danh là ki-tô hữu?

Chia sẻ: Khi sinh hoạt trong nhóm của bạn, thử đề nghị một phương thế để giúp nhau chừa bỏ tính nói tục.

Sống Lời Chúa: Chừa bỏ và giúp người khác, nhất là người thân của mình, chừa bỏ tật xấu hay nói tục.

Cầu nguyện: Cầu nguyện sốt sắng trước khi rước lễ bằng lời đáp: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

13/09 – Thứ Sáu tuần 23 thường niên. – Thánh Gioan Kim Khẩu, gm, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”

Lời Chúa: Lc 6, 39-42

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

Suy niệm: Trong cả bốn sách Phúc Âm, có đôi chỗ nói Chúa Giê-su khóc (x. Lc 19,41; Ga 11,35), đôi chỗ nói Chúa vui (Lc 10,21; Ga 15,11) nhưng tuyệt nhiên không có chỗ nào nói Chúa cười. Nhưng đừng vì thế mà vội cho rằng Chúa Giê-su không có óc hài hước châm biếm. Với phong cách một hoạ sĩ biếm, Chúa Giê-su đã mô tả chân dung xấu xí đến độ lố bịch của người đạo đức giả: mang cái xà to đùng chặn kín đôi mắt mà còn làm ra vẻ tinh tường săm soi cọng rác bé xíu trong mắt người anh em! Nhận ra mình tội lỗi đã là khó, nhận ra mình giả dối còn khó gấp bội, bởi vì người đạo đức giả lại cho mình đạo đức hơn ai hết, người giả dối lại nghĩ mình trung thực không ai bằng. Chúa Giê-su khiển trách những người giả hình, giả đạo đức bằng những lời có sức đánh động như thế, may ra họ thức tỉnh và nhận ra chân tướng của mình chăng!

Mời Bạn: Có khi nào bạn thấy mình thật buồn cười lố bịch khi soi mói bắt bẻ người khác về những chuyện nhỏ nhặt trong khi chính mình lại sa lầy trong những tội lỗi có khi rất nặng nề mà mình vẫn nhắm mắt làm ngơ? Các nhà hiền triết đều dạy rằng biết mình là khởi điểm của sự khôn ngoan. Các Ki-tô hữu soi mình trong tấm gương Lời Chúa để xét mình và sửa mình.

Chia sẻ: Biết tự trào về cái tôi xấu xí của mình là phương thế hữu hiệu để sửa chữa khuyết điểm của chính mình. Bạn có nhận thấy như vậy không?

Sống Lời Chúa: Luôn dành ít phút hồi tâm cuối mỗi ngày để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

12/09 – Thứ Năm tuần 23 thường niên.

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Lời Chúa: Lc 6, 27-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Suy niệm: Có nhiều lý do chúng ta không được xét đoán anh em, trong đó có bốn lý do quan trọng sau đây.

  1. Không ai có thể biết hết được người khác suy nghĩ, nhận thức, phản ứng thế nào trong mọi trường hợp. Do đó, không thể lấy nhận thức của mình để phán quyết về người khác.
  2. Xét đoán khách quan và vô tư là rất khó. Vì chúng ta dễ bị những tình cảm yêu ghét điều khiển, nên thiếu tính khách quan. Bởi vậy, người Việt Nam ta có câu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau qủa bồ hòn cũng méo.”
  3. Không ai đủ tốt để xét đoán người khác. Con người có rất nhiều giới hạn và tội lỗi. Con người nhìn vào mình mà đấm ngực vì lỗi lầm của mình thì đúng, còn tự cho mình là luật sư mà xét xử người khác thì mười lần chín lần là sai.
  4. Nhưng lý do quan trọng nhất đó là, xét đoán là việc của Chúa. Chỉ mình Chúa mới có quyền xét đoán. Chúa là Đấng Tối Cao thấu biết mọi sự nên phán quyết của Ngài là công minh và đúng sự thật.

Mời Bạn: Chúng ta thường dễ xét đoán sai lạc cho người khác. Nhìn lại những lần mình xét đoán cho tha nhân thì sẽ thấy mình đã làm những chuyện buồn cười như chuyện “người mù mô tả con voi”. Do đó, xét đoán là điều cần loại bỏ.

Sống Lời Chúa: Tập nghĩ tốt, nói tốt về người khác thay cho những lời xét đoán vô cớ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng. Xin soi chiếu cho con thấy rõ con người tội lỗi của con để con hoán cải, đồng thời nhìn tha nhân với cái nhìn tích cực để con thấy điều hay điều tốt nơi họ.

11/09 – Thứ Tư tuần 23 thường niên.

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Lời Chúa: Lc 6, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Suy niệm: Ngày 4 tháng 8 năm 2005, một chiếc tàu ngầm Nga gặp nạn ở độ sâu 190 mét dưới lòng biển. Sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ Nga đã lên tiếng xin các nước có khả năng giúp cứu sống 7 thuỷ thủ của họ đang mắc nạn trong tàu. Sinh mạng của các thuỷ thủ được đặt trên các lo ngại khác. Ba ngày sau, họ được cứu sống. Sự sống ở đời này còn quý vậy huống hồ sự sống đời đời. Các tín hữu thời thánh Lu-ca khốn khổ vì bị xã hội kỳ thị, tước mất quyền lợi, hành khổ chỉ vì họ là người thuộc về Giê-su Ki-tô. Càng xôn xao hơn khi có người trong cộng đoàn vì lợi lộc hay mạng sống đã phản bội và từ bỏ niềm tin vào Chúa Giê-su. Trong hoàn cảnh này, các tín hữu đã nhớ lại lời của Chúa, nhắc lời Chúa cho nhau : Có thập giá trên con đường họ đi tới là dấu chỉ chắc chắn họ đang đi đúng đường. Đành rằng phải chịu mất mát, đớn đau, nhưng sự sống đời đời với Chúa Giê-su vẫn quý hơn, được đặt trên những thiệt thòi người đời gây nên.

Mời Bạn: Những lúc bối rối hoang mang bạn có nhớ tới lời của Chúa không? Sự sống đời đời được bạn coi trọng hơn hết không?

Chia sẻ: Mời bạn tìm hiểu cuộc đời của một thánh tử đạo Việt Nam (chẳng hạn thánh An-rê Kim Thông) để noi gương dấn thân theo Chúa đến cùng.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng một hy sinh để tỏ lòng yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con rất vướng víu vì những giằng kéo hằng ngày làm con không sống trọn cho Chúa. Xin cho con dám chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi giữa cuộc đời để con luôn vui bước trọn con đường theo Chúa.

10/09 – Thứ Ba tuần 23 thường niên.

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

Suy niệm: Đối với Chúa Giê-su việc cầu nguyện là tuyệt đối quan trọng vì nó gắn liền với căn tính Con Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giê-su “đi ra núi cầu nguyện,” ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài trong sự thân mật riêng tư. Ngài “thức suốt đêm cầu nguyện”: khi Chúa Giê-su tâm sự với Cha của mình, thời gian như trở thành hư vô, Ngài như bước vào cõi vĩnh cửu để kết hiệp với Cha. Đêm hôm ấy Chúa Giê-su cầu nguyện suốt đêm bởi vì Ngài sắp làm một việc vô cùng hệ trọng: ngày hôm sau Ngài sẽ chọn gọi Nhóm Mười Hai để giao phó cho họ sứ mạng qui tụ và coi sóc Hội Thánh cho đến ngày Ngài quang lâm; Ngài cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha, để rồi Ngài sẽ thực hiện những gì Chúa Cha muốn, theo cách Chúa Cha định. Chả trách gì các môn đệ bị cuốn hút theo Ngài: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Mời Bạn: Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Và chắc bạn cũng đã nhiều lần cầu nguyện rồi. Thế bạn cảm nghiệm được sự kết hiệp thân tình trong những giây phút ở bên Chúa chưa, hay xác thân ngồi đó mà lòng trí lại ‘đi du lịch vòng quanh thế giới’? Thầy Giê-su xem việc cầu nguyện là việc  thiết yếu như “lương thực nuôi sống” (x. Ga 4,34). Phần bạn, bạn đã thấy cầu nguyện là việc cần thiết cho cuộc sống mình chưa?

Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến đâu cũng dành thời gian cầu nguyện riêng với Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, để con nhận biết và thi hành ý muốn của Chúa. Amen.

 

09/09 – Thứ Hai tuần 23 thường niên.

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Lời Chúa: Lc 6, 6-11

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người.

Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

Suy niệm: Trong hội đường nhỏ bé ngày ấy, có ba loại người: (1) người đau ốm cần giúp đỡ; (2) người tận tâm đem lại sự sống cho kẻ khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giê-su trên đây hẳn đặt người Pha-ri-sêu vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của họ. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người: những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; những người nỗ lực bảo vệ sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; và những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hóa sự chết. Là Ki-tô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình.

Mời Bạn: Nhớ lại những con số lạnh lùng cho thấy tình trạng báo động về nạn ô nhiễm môi trường, phá thai, thu nhập chênh lệch giàu-nghèo, sử dụng bạo lực… Bạn được mời gọi góp phần, dù nhỏ bé, trong công cuộc gây ý thức và xây dựng nền văn minh tình thương trong cộng đồng nơi bạn sinh sống.

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm gì để đưa những giá trị sự sống của Nước Trời vào môi trường sống của mình?

Sống Lời Chúa: Nhận diện một hoặc các tệ nạn trong xã hội, và trong khả năng của mình, tìm phương cách tạo sự thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở nên muối men, cộng đoàn chúng con trở thành ánh sáng như thành được xây trên núi cao. Xin cho chúng con can đảm nỗ lực góp phần, dù khiêm tốn, trong công cuộc cổ võ và sống những giá trị của Nước Trời trong xã hội chúng con. Amen.

07/09 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 22 thường niên.

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Lời Chúa: Lc 6, 1-5

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

Suy niệm: Luật giữ ngày sa-bát nguyên thuỷ được lập ra đầy tính nhân đạo: Người nô lệ và người ngoại kiều được nghỉ ngơi lại sức sau sáu ngày làm việc vất vả. Cả đến súc vật như trâu bò cũng được nghỉ ngơi không phải kéo xe, kéo cày. Trình thuật sáng tạo theo truyền thống tư tế trong sách Sáng Thế trình bày Thiên Chúa tạo dựng trong sáu ngày và ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Do đó, luật ngày sa-bát qui định nghỉ ngày thứ bảy để thờ phượng Thiên Chúa, và để cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo. Cụ thể là trong ngày sa-bát người ta tổ chức những cuộc hội họp thánh (x. Lv 23,3) và dâng lễ tế (x. Ds 28,9). Ý nghĩa của việc giữ ngày sa-bát là vì lợi ích cho con người và để qui hướng về Thiên Chúa. Nhưng người Pha-ri-sêu là suy diễn và phóng đại việc các môn đệ bứt mấy gié lúa “vò trong tay mà ăn” cho đỡ đói thành hành động gặt lúa, xay lúa mà luật cấm làm.

Mời Bạn: Giữ luật một cách hình thức cứng nhắc hoặc xét nét “chuyện bé xé cho to” và phê phán, lên án đều không phải là mục đích của lề luật. Chúa Giê-su cho biết Ngài chính là “chủ của ngày sa-bát” nghĩa là chủ của Lề luật. Và Ngài cho biết thêm muốn cho việc tuân giữ lề luật có ý nghĩa và giá trị thì không thể thiếu “lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42).

Sống Lời Chúa: Cung cách ứng xử của bạn phải là nhân nghĩa với tha nhân và kính mến Thiên Chúa thay cho cái nhìn xoi mói, xét đoán và lên án.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết đối xử với tha nhân bằng lòng thương xót như chúng con đã khẩn cầu ‘xin Chúa thương xót chúng con’.