Tag Archive for: Thư mục vụ

Kính gởi quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong Tổng giáo phận.

1. Anh chị em thân mến,

Rất đặc biệt: 24/12, ngày kết thúc Mùa Vọng cũng chính là ngày Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô để khai mạc Năm Thánh Hy vọng với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng”. Như vậy Mùa Vọng năm nay chính là thời gian chuẩn bị bước vào Năm Thánh.

Thế giới đang trải qua những năm tháng in đậm vết thương đau: đó là những tiếng nổ vang trời của vũ khí khắp đó đây; đó là chết chóc, huỷ diệt, căm thù; là tình trạng nghèo đói, di cư, buôn bán vũ khí, sản xuất và tiêu thụ ma tuý, huỷ diệt thiên nhiên; đó là những tội ác chống lại Thiên Chúa và loài người, thái độ quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ ơ với tha nhân; đó còn là những chiếc nôi vắng bóng trẻ thơ, là những món nợ sinh thái khi bóc lột tài nguyên của các dân tộc và tàn phá trái đất là công trình của Thiên Chúa.

Trong một thế giới đau thương và u ám như thế, Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh sống niềm hy vọng và làm lan toả niềm hy vọng Kitô giáo cho nhân loại. Các Kitô hữu hãy trở thành “những người hành hương của hy vọng”. Theo nguyên văn tiếng latinh, “peregrinantes in spem”, sở dĩ chúng ta bước đi “trong hy vọng” (in spe), là vì chúng ta hành hương “tiến đến niềm hy vọng” (“in spem”), tức là gia nghiệp Nước Trời. “Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời” (Tông sắc Spes non confundit, số 25). Vì thế, hãy “trông cậy và vững tin ngay cả khi không còn gì để trông cậy, … chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa” (Rm 4, 18.20).

2. Chúng ta sẽ có cả một Năm Thánh để khơi dậy và làm lan toả niềm hy vọng. Xin anh chị em hãy học hỏi và thực hành giáo huấn của Đức Thánh Cha trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh.

  • Năm Thánh là thời gian cầu nguyện. Nếu thiếu cầu nguyện, sẽ không biết hy vọng. Người giàu có thì tự mãn trong cuộc sống mà họ tưởng là ổn định bảo đảm, nên không cảm nhận được niềm hy vọng Kitô giáo. Còn người nghèo và đau khổ lại dễ rơi vào thất vọng trong nỗi cùng cực đau thương. Cầu nguyện sẽ giúp nâng tâm hồn lên tới Chúa và cho chúng ta có khả năng nhìn xuyên qua tăm tối của thế giới này để thấy tương lai phục sinh.
  • Trong Tổng giáo phận, những nơi hành hương để lãnh ơn toàn xá là các nhà thờ có ý nghĩa lịch sử hoặc thuận tiện cho các cộng đoàn: Chánh toà, Fatima Bình Triệu, Thanh Đa, Thánh Gẫm, Chợ Quán, Chí Hoà, An Nhơn, Tân Qui, Tân Phú, Phanxicô Xaviê – Chợ Lớn.
  • Cùng với việc cầu nguyện và hành hương để lãnh ơn toàn xá, anh chị em hãy thực thi các việc của lòng thương xót và sám hối. Có rất nhiều việc dễ thực hiện trong ngày sống, qua đó cũng được ơn toàn xá, như: tham dự các khoá tĩnh tâm, học hỏi về Công đồng Vaticanô II; hy sinh hãm mình, thực hành “Thương người có 14 mối”, giúp đỡ những người nghèo khổ, già yếu, bị bỏ rơi, di cư; hoặc hoạt động để bảo vệ sự sống; tránh phân tâm vô ích vì mạng xã hội…

3. Thực thi các việc của lòng thương xót như thế cũng chính là thi hành sứ vụ “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” như Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi trong Thư Mục vụ năm 2024. Anh chị em là Hội Thánh và đồng trách nhiệm về Hội Thánh, là chi thể trong Nhiệm thể Hội Thánh, vì thế anh chị em hãy tích cực thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, tuỳ theo chỗ đứng và hoàn cảnh của mình trong Hội Thánh, với ân sủng và khả năng Chúa ban riêng cho từng người.

  • Hãy loan báo Tin Mừng bằng cách trở nên niềm hy vọng cho người đang đau khổ, như lời sách Gióp: “Tôi nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt. Tôi là cha của người nghèo túng.” (G 29, 1516). Hãy trở thành tai cho người điếc, thành miệng lưỡi cho người câm, là người đem cơm nước cho người đói khát, là tiếng nói cho người chịu oan ức bất công, là ánh sáng cho ai đi trong đêm tối, là sự nâng đỡ cho người quị ngã dưới gánh nặng cuộc đời, là bàn tay nối kết những ai đang bất hoà chia rẽ, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn giá lạnh, là niềm vui cho người sầu khổ.
  • Các thành phần Dân Chúa đã rất quan tâm đến hoạt động bác ái và gặt hái những hoa trái tốt đẹp. Tuy nhiên chúng ta còn có sứ mạng đem niềm hy vọng gia nghiệp Nước Trời cho người “ở xa”,  “hướng tới sứ vụ căn bản của người tín hữu. Đó là đến với người xa Chúa và những anh chị em chưa biết Chúa, để nói với họ về Ngài” (Thư Mục vụ 2024 của HĐGM VN). Quả vậy, khi làm việc bác ái, chúng ta mới đi được nửa đường Phúc Âm hoá, tức là mới chăm lo cho cuộc sống đời này, chưa quan tâm tới cuộc sống vĩnh cửu. Truyền giáo là bác ái cao nhất vì là trao tặng chính Chúa và sự sống viên mãn của Chúa.
  • Chúng ta không cần phải đi quá xa, vì người chưa biết Chúa ở ngay bên cạnh, ngay giữa lòng thành phố. Chúng ta cũng không cần phải là người trí thức, tài giỏi, giàu có. Chỉ cần một đời sống nội tâm đầy Chúa và đầy Lời Chúa, chỉ cần một niềm vui thiêng liêng từ một tâm hồn đầy ắp Tin Mừng. Chỉ cần có thế, rồi niềm vui và sự sống của Chúa sẽ tuôn trào và thúc đẩy chúng ta đến với anh chị em và mở lời giới thiệu Chúa cho họ. “Lòng bừng cháy thì chân bước nhanh”. Chân không thể bước và miệng lưỡi cũng không thể nói nếu lòng chưa bừng cháy.
  • Dựa vào lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp nối lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận hãy thực hiện một cuộc hoán cải mục vụ theo định hướng truyền giáo. Hãy đặt truyền giáo làm ưu tư hàng đầu. Đừng đóng khung trong các sinh hoạt mục vụ cho người tín hữu, hãy hướng tới những người chưa biết Chúa hoặc rời xa Chúa. Hãy đi ra, hãy nói về tình yêu của Chúa, hãy toả chiếu niềm vui Tin Mừng và làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống công chính và tràn ngập yêu thương. “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Ra khơi thì vất vả gian nan, nhưng ngoài khơi mới có nhiều cá. Không ra khỏi nhà sẽ không bao giờ có cá.
  • Cuối cùng, Dân Chúa trong Tổng giáo phận cũng hy vọng mau hoàn thành Nhà Tĩnh dưỡng Linh mục Chí Hoà để các cha đang nghỉ dưỡng tạm tại giáo xứ Tân Định sớm về nhà mới, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn. Công việc xây dựng hiện nay vẫn chưa xong phần thô và còn cần nhiều kinh phí để thiết kế nội thất. Xin anh chị em tiếp tục dành thời gian Mùa Vọng năm nay để rộng tay giúp đỡ nhiều hơn cho công trình này. Xin Chúa bù đắp cho anh chị em muôn vàn hồng phúc.

Anh chị em thân mến, mục đích của Mùa Vọng trong phụng vụ là chuẩn bị tâm hồn đón Chúa trong đại lễ Giáng sinh. Tôi chân thành kính chúc từng người, từng cộng đoàn và từng gia đình trong gia đình giáo phận được Chúa đến trong tâm hồn và ban đầy tràn niềm vui, bình an và ân sủng để anh chị em trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng vĩnh cửu trong thế giới hôm nay.

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng giám mục

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 03 tháng 12 năm 2020

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2020

Kính gởi: quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh và anh chị em tín hữu trong gia đình Tổng giáo phận

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô,

1. Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Mùa Giáng sinh không chỉ là mùa vui chơi mua sắm, trang trí đèn sao, nhưng trước hết là mùa vui mừng đón Con Thiên Chúa làm người và ở giữa nhân loại. Thiên Chúa yêu thương nhân loại quá sức đến độ ban tặng Người Con yêu dấu để nhân loại nhờ Ngài mà được hạnh phúc. Đón nhận Ngài là nhận được Ánh Sáng, Tình Yêu, Sự Thật và Sự Sống. Từ chối Ngài là ở lại trong bóng tối, hận thù, lầm lạc và sự chết.

Vậy mà Con Thiên Chúa đến trong nhà của Ngài mà người nhà đã không nhận biết để đón rước. Ngài đã đi qua cuộc đời nhưng nhiều người đã hụt mất Ngài. Chính vì thế, sứ điệp của Mùa Vọng là tiếng nói cảnh báo: “Hãy tỉnh thức”. Hãy tỉnh thức kẻo hụt mất Chúa, hãy cảnh giác kẻo mất nguồn sống, ánh sáng và tình yêu trong cuộc đời.

2. Năm 2020 là thời gian đau thương đối với toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành khắp nơi: cho đến nay hơn 64 triệu người bị nhiễm, gần một triệu rưỡi tử vong, đời sống kinh tế xã hội bị khủng hoảng trầm trọng. Nhờ ý thức trách nhiệm cộng đồng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, Việt Nam đã có 4 tháng bình an. Tuy nhiên, trong những ngày này tại thành phố chúng ta đã xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Điều này nhắc nhở tất cả mọi người phải luôn đề cao cảnh giác để đại dịch không tái phát trên đất nước.

Chúng ta đang nói tới tình trạng “bình thường mới”. So với năm 2019, tình trạng của thế giới là không bình thường ; tuy nhiên vì chưa thể đẩy lui được nạn dịch, nên phải chấp nhận nó như là chuyện bình thường để mà sống, chẳng lẽ cứ cách ly bất động mãi. Bình thường nhưng lại phải luôn đề phòng, chứ không như thể chẳng có chuyện gì quan trọng. Hãy tỉnh thức và cảnh giác.

3. Ngoài đại dịch Covid-19, người dân miền Trung còn liên tiếp gánh chịu những cơn bão và lũ lụt với hậu quả là trên 200 người chết và mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập, gần 240.000 căn bị hư hỏng, thiệt hại vật chất rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay.

Đại dịch Covid-19 cũng như lũ lụt làm cho cuộc sống của tất cả mọi người bị khủng hoảng, thiếu thốn, nhưng những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn luôn là người nghèo và di dân. Trong thời gian qua, được thúc đẩy bởi tình liên đới nhân loại và đức bác ái Kitô giáo, anh chị em đã quảng đại chia sẻ vật chất để giúp nhau vượt qua thử thách. Chúng ta hãy tiếp tục biểu lộ lòng nhân ái để gánh vác nhau đi tiếp những chặng đường tương lai. Năm chiếc bánh và hai con cá của từng người chúng ta sẽ được Chúa cho nhân lên gấp bội để cứu giúp nhau trên bước đường đời.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đi qua các nẻo đường cuộc sống để xin chúng ta cho ăn, cho uống, cho mặc… Hãy tỉnh thức kẻo sau này không có người nghèo nào đón rước chúng ta vào nơi vĩnh cửu (x. Lc 16, 9).

4. Sống bình thường với ý thức cảnh giác cũng nhắc nhở chúng ta về những virus đang âm thầm phá hoại đời sống tinh thần của Dân Chúa. Trước hết, trong Thư mục vụ tháng 10-2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam nói tới những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Anh chị em hãy học hỏi giáo lý để sống đức tin theo giáo huấn của Phúc Âm và của Hội Thánh, theo sự hướng dẫn của các mục tử, đừng sống đạo theo cảm tính chủ quan của cá nhân. Có những điều ta nghĩ là tốt là hay, nhưng hãy tỉnh thức và cảnh giác để phân định kỹ lưỡng xem điều đó có đúng đường lối của Chúa không, có thực sự là ý Chúa không, có làm sáng danh Chúa và xây dựng Hội Thánh không, hay chúng ta đang bị thúc đẩy bởi các động lực không tốt.

Kế đến, anh chị em hãy sử dụng các phương tiện truyền thông để loan truyền chân lý và tình yêu thương hiệp nhất, đừng dùng mạng xã hội để gieo rắc virus sai lầm, chia rẽ, hận thù, nói xấu, lên án nhau. Buổi tối mỗi ngày, anh chị em hãy tự kiểm xem hôm nay mình đã loan truyền được bao nhiêu sự thật và tình thương, và ngược lại, đã gieo rắc bao nhiêu virus độc hại. Hãy luôn tỉnh thức và cảnh giác về biết bao virus đang âm thầm phá hoại đời sống cộng đoàn do sự thiếu khôn ngoan và lòng ghen ghét của mình.

5. Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục đã nêu chủ đề của năm 2021 là “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”. Sự trưởng thành toàn diện mà các bạn trẻ được định hướng trong năm vừa qua, phải bắt đầu từ trong gia đình: 1) cầu nguyện trong gia đình; 2) hiếu thảo với cha mẹ và sống tình nghĩa anh chị em trong gia đình; 3) học tập các đức tính từ trong gia đình: tính trung thực, lòng quảng đại, tinh thần phục vụ và trách nhiệm.

Công việc bận rộn, lòng tham của cải vật chất, lối sống tự do và hưởng thụ…, đang tác động mãnh liệt và gây ra khủng hoảng trong nhiều gia đình. Anh chị em hãy tỉnh thức và cảnh giác để gia đình chúng ta luôn tỏa chiếu “niềm vui của tình yêu” và vượt qua mọi thử thách.

Cách riêng đối với các bạn trẻ, các con hãy nhớ rằng gia đình chính là trường học đầu tiên và căn bản để các con triển nở quân bình và toàn diện. Các con hãy gắn bó với gia đình, học tập gương sáng từ nơi ông bà cha mẹ, lắng nghe lời khuyên của các bậc khôn ngoan. Hãy cảnh giác và tỉnh thức để đừng rơi vào cạm bẫy của tiền bạc, khoái lạc và danh tiếng. Hãy cảnh giác và tỉnh thức để đừng ảo tưởng và sa lưới cám dỗ của ma quỷ hằng rình rập tìm mồi cắn xé mỗi người chúng ta.

6. Anh chị em thân mến,

Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người để cứu nhân loại, đã chiến thắng tội lỗi, đau khổ và sự chết. Các Kitô hữu phải là người tỉnh thức để giữ lửa cho thế giới. Đừng mất cảnh giác kẻo sự dữ ngày càng lan rộng và tấn công mạnh mẽ hơn. Đừng để mất niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp do Chúa Giêsu ban tặng.

Kính chúc anh chị em Mùa Vọng và Giáng Sinh đầy tràn niềm hy vọng, bình an, tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu Cứu Thế. Nguyện xin Đức Mẹ là Nữ Vương bình an ban muôn ơn lành cho toàn thế giới. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho chúng tôi.

Thân mến chào anh chị em.

(đã ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Giám mục Phụ tá