Kính gởi quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong Tổng giáo phận.

1. Anh chị em thân mến,

Rất đặc biệt: 24/12, ngày kết thúc Mùa Vọng cũng chính là ngày Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô để khai mạc Năm Thánh Hy vọng với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng”. Như vậy Mùa Vọng năm nay chính là thời gian chuẩn bị bước vào Năm Thánh.

Thế giới đang trải qua những năm tháng in đậm vết thương đau: đó là những tiếng nổ vang trời của vũ khí khắp đó đây; đó là chết chóc, huỷ diệt, căm thù; là tình trạng nghèo đói, di cư, buôn bán vũ khí, sản xuất và tiêu thụ ma tuý, huỷ diệt thiên nhiên; đó là những tội ác chống lại Thiên Chúa và loài người, thái độ quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ ơ với tha nhân; đó còn là những chiếc nôi vắng bóng trẻ thơ, là những món nợ sinh thái khi bóc lột tài nguyên của các dân tộc và tàn phá trái đất là công trình của Thiên Chúa.

Trong một thế giới đau thương và u ám như thế, Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh sống niềm hy vọng và làm lan toả niềm hy vọng Kitô giáo cho nhân loại. Các Kitô hữu hãy trở thành “những người hành hương của hy vọng”. Theo nguyên văn tiếng latinh, “peregrinantes in spem”, sở dĩ chúng ta bước đi “trong hy vọng” (in spe), là vì chúng ta hành hương “tiến đến niềm hy vọng” (“in spem”), tức là gia nghiệp Nước Trời. “Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời” (Tông sắc Spes non confundit, số 25). Vì thế, hãy “trông cậy và vững tin ngay cả khi không còn gì để trông cậy, … chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa” (Rm 4, 18.20).

2. Chúng ta sẽ có cả một Năm Thánh để khơi dậy và làm lan toả niềm hy vọng. Xin anh chị em hãy học hỏi và thực hành giáo huấn của Đức Thánh Cha trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh.

  • Năm Thánh là thời gian cầu nguyện. Nếu thiếu cầu nguyện, sẽ không biết hy vọng. Người giàu có thì tự mãn trong cuộc sống mà họ tưởng là ổn định bảo đảm, nên không cảm nhận được niềm hy vọng Kitô giáo. Còn người nghèo và đau khổ lại dễ rơi vào thất vọng trong nỗi cùng cực đau thương. Cầu nguyện sẽ giúp nâng tâm hồn lên tới Chúa và cho chúng ta có khả năng nhìn xuyên qua tăm tối của thế giới này để thấy tương lai phục sinh.
  • Trong Tổng giáo phận, những nơi hành hương để lãnh ơn toàn xá là các nhà thờ có ý nghĩa lịch sử hoặc thuận tiện cho các cộng đoàn: Chánh toà, Fatima Bình Triệu, Thanh Đa, Thánh Gẫm, Chợ Quán, Chí Hoà, An Nhơn, Tân Qui, Tân Phú, Phanxicô Xaviê – Chợ Lớn.
  • Cùng với việc cầu nguyện và hành hương để lãnh ơn toàn xá, anh chị em hãy thực thi các việc của lòng thương xót và sám hối. Có rất nhiều việc dễ thực hiện trong ngày sống, qua đó cũng được ơn toàn xá, như: tham dự các khoá tĩnh tâm, học hỏi về Công đồng Vaticanô II; hy sinh hãm mình, thực hành “Thương người có 14 mối”, giúp đỡ những người nghèo khổ, già yếu, bị bỏ rơi, di cư; hoặc hoạt động để bảo vệ sự sống; tránh phân tâm vô ích vì mạng xã hội…

3. Thực thi các việc của lòng thương xót như thế cũng chính là thi hành sứ vụ “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” như Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi trong Thư Mục vụ năm 2024. Anh chị em là Hội Thánh và đồng trách nhiệm về Hội Thánh, là chi thể trong Nhiệm thể Hội Thánh, vì thế anh chị em hãy tích cực thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, tuỳ theo chỗ đứng và hoàn cảnh của mình trong Hội Thánh, với ân sủng và khả năng Chúa ban riêng cho từng người.

  • Hãy loan báo Tin Mừng bằng cách trở nên niềm hy vọng cho người đang đau khổ, như lời sách Gióp: “Tôi nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt. Tôi là cha của người nghèo túng.” (G 29, 1516). Hãy trở thành tai cho người điếc, thành miệng lưỡi cho người câm, là người đem cơm nước cho người đói khát, là tiếng nói cho người chịu oan ức bất công, là ánh sáng cho ai đi trong đêm tối, là sự nâng đỡ cho người quị ngã dưới gánh nặng cuộc đời, là bàn tay nối kết những ai đang bất hoà chia rẽ, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn giá lạnh, là niềm vui cho người sầu khổ.
  • Các thành phần Dân Chúa đã rất quan tâm đến hoạt động bác ái và gặt hái những hoa trái tốt đẹp. Tuy nhiên chúng ta còn có sứ mạng đem niềm hy vọng gia nghiệp Nước Trời cho người “ở xa”,  “hướng tới sứ vụ căn bản của người tín hữu. Đó là đến với người xa Chúa và những anh chị em chưa biết Chúa, để nói với họ về Ngài” (Thư Mục vụ 2024 của HĐGM VN). Quả vậy, khi làm việc bác ái, chúng ta mới đi được nửa đường Phúc Âm hoá, tức là mới chăm lo cho cuộc sống đời này, chưa quan tâm tới cuộc sống vĩnh cửu. Truyền giáo là bác ái cao nhất vì là trao tặng chính Chúa và sự sống viên mãn của Chúa.
  • Chúng ta không cần phải đi quá xa, vì người chưa biết Chúa ở ngay bên cạnh, ngay giữa lòng thành phố. Chúng ta cũng không cần phải là người trí thức, tài giỏi, giàu có. Chỉ cần một đời sống nội tâm đầy Chúa và đầy Lời Chúa, chỉ cần một niềm vui thiêng liêng từ một tâm hồn đầy ắp Tin Mừng. Chỉ cần có thế, rồi niềm vui và sự sống của Chúa sẽ tuôn trào và thúc đẩy chúng ta đến với anh chị em và mở lời giới thiệu Chúa cho họ. “Lòng bừng cháy thì chân bước nhanh”. Chân không thể bước và miệng lưỡi cũng không thể nói nếu lòng chưa bừng cháy.
  • Dựa vào lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp nối lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận hãy thực hiện một cuộc hoán cải mục vụ theo định hướng truyền giáo. Hãy đặt truyền giáo làm ưu tư hàng đầu. Đừng đóng khung trong các sinh hoạt mục vụ cho người tín hữu, hãy hướng tới những người chưa biết Chúa hoặc rời xa Chúa. Hãy đi ra, hãy nói về tình yêu của Chúa, hãy toả chiếu niềm vui Tin Mừng và làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống công chính và tràn ngập yêu thương. “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4). Ra khơi thì vất vả gian nan, nhưng ngoài khơi mới có nhiều cá. Không ra khỏi nhà sẽ không bao giờ có cá.
  • Cuối cùng, Dân Chúa trong Tổng giáo phận cũng hy vọng mau hoàn thành Nhà Tĩnh dưỡng Linh mục Chí Hoà để các cha đang nghỉ dưỡng tạm tại giáo xứ Tân Định sớm về nhà mới, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn. Công việc xây dựng hiện nay vẫn chưa xong phần thô và còn cần nhiều kinh phí để thiết kế nội thất. Xin anh chị em tiếp tục dành thời gian Mùa Vọng năm nay để rộng tay giúp đỡ nhiều hơn cho công trình này. Xin Chúa bù đắp cho anh chị em muôn vàn hồng phúc.

Anh chị em thân mến, mục đích của Mùa Vọng trong phụng vụ là chuẩn bị tâm hồn đón Chúa trong đại lễ Giáng sinh. Tôi chân thành kính chúc từng người, từng cộng đoàn và từng gia đình trong gia đình giáo phận được Chúa đến trong tâm hồn và ban đầy tràn niềm vui, bình an và ân sủng để anh chị em trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng vĩnh cửu trong thế giới hôm nay.

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng giám mục

TGPSG — “Chỉ cần 1 kinh Kính Mừng thôi thì cũng đủ cứu chúng ta khỏi sa hỏa ngục.

Trên là câu nói của thánh Anphongsô mà Đức Giám Mục (ĐGM) Giuse Bùi Công Trác đã nhắc lại trong Thánh lễ tạ ơn và khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn, cử hành tại nhà thờ Tân Định lúc 17g30 ngày 07/10/2024. Hôm nay cũng là lễ Đức Mẹ Mân Côi, Bổn mạng Hội Mân Côi. Đồng tế với ĐGM Giuse là linh mục (Lm) Chánh xứ Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Lm phó Giuse Vũ Đức Minh, Lm phó GB Nguyễn Trọng Tín. Hiệp dâng Thánh lễ, ngoài 25 thầy thực tập, còn có đông đảo giáo dân, ân nhân trong và ngoài giáo xứ.

Sau lời chào mừng ĐGM Giuse của Lm chánh xứ Phaolô, ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Gioan Phêrô Nguyễn Hoài Lộc đã lên cám ơn ĐGM Giuse và chào mừng 25 thầy về thực tập mục vụ tại giáo xứ Tân Định.

Sau khi làm dấu thánh giá, ĐGM Giuse xin được chuyển lời của Đức Tổng Giuse cám ơn Lm chánh, phó xứ, các Lm đồng hành và giáo dân giáo xứ Tân Định đã quảng đại mở rộng lòng đón nhận các thầy về đây thực tập. Đây là năm thử thách cuối cùng của các Thầy sau 8 năm tu học trước khi được lãnh nhận chức thánh, xin cộng đoàn cầu nguyện nhiều cho các thầy. Hôm nay cũng là lễ Đức Mẹ Mân Côi, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo Hội cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Với những tâm tình trên, ĐGM Giuse mời gọi cộng đoàn sám hối để bước vào Thánh lễ.

Bắt đầu phần giảng lễ, ĐGM bộc bạch:

Hôm nay Đức Mẹ Mân Côi
Dưới áo Đức Mẹ, chúng con nép mình
Quỳ trước bàn thờ Mẹ
Con tha thiết nguyện xin
Chắp tay cầu khẩn Mẹ
Giúp con vững niềm tin
Mẹ giúp con vững niềm tin vào Chúa
Mẹ giúp con biết sám hối tội đời
Mẹ giúp con năng lần hạt Mân Côi
Và sốt sắng tôn sùng trái tim Mẹ

Sau đó, ĐGM đi vào bài giảng:

1. Lịch sử chuỗi Mân Côi.

– Lúc đầu, trong các dòng tu, các tu sĩ mỗi tuần phải đọc 150 Thánh vịnh bằng tiếng Latinh. Để đếm, người ta dùng các hòn sỏi và 2 hũ, xong 1 Thánh vịnh thì lấy 1 hòn sỏi bỏ vào hũ.

– Dần dần, qua nhiều thay đổi, kinh Mân Côi mới trở nên như ngày nay: 4 mầu nhiệm, xâu chuỗi chỉ có 50 kinh Kính Mừng dẫn đầu bởi 1 kinh Lạy Cha….

2. “Kinh Mân Côi và các Thánh Tử Đạo Việt NamTrong các thời kỳ bị bắt đạo, giáo dân luôn chạy đến Mẹ, cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Tại La Vang, Đức Mẹ đã hiện ra và lần hạt cùng với cha ông chúng ta.

Lạy ơn Đức Mẹ Lavang – Xin nghe con mọn thở than mấy lời
Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Trời  – và Mẹ lại cũng Mẹ loài người ta
Cúi xin xuống phước hà sa – Lắng nghe con cái thiết tha khẩn cầu
Này con quỳ gối cúi đầu –  Trước bàn thờ Mẹ xiết bao lời nguyền
Xin cho con được bình yên – Giữ gìn ơn thánh vẹn tuyền thủy chung
Con xin cảm tạ muôn trùng – Vì con biết Mẹ sẵn lòng với con
Còn trời đất, còn nước non –  Con còn cầu khẩn, Mẹ còn đoái thương.

Và còn nhiều mẫu chuyện khác về các thánh tử đạo Việt nam, sẵn sàng chết vì sùng kính, yêu mến Đức Mẹ. Nhờ cái chết kiên trung của các ngài, chúng ta mới có như ngày nay. Vậy chẳng lẽ chúng ta lại không bắt chước cha ông chúng ta mà lần chuỗi Mân Côi sao?

Sau đó ĐGM quay về các thầy: “Các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Chúng con hãy bám lấy Đức Mẹ. Chắc chắn cuộc đời chủng sinh, linh mục sau này của các con sẽ tốt lành. Thánh Anphongsô, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã nói: “Chỉ cần 1 kinh Kính Mừng thôi thì cũng đủ cứu chúng ta khỏi sa hỏa ngục.”

Cuối cùng, ĐGM kết luận:

Đời con một chuỗi Mân Côi
Hạt Thương xen lẫn hạt Vui, hạt Mừng
Lại thêm hạt Sáng tưng bừng
Như cây nến cháy nhỏ từng lời kinh.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc, đoàn đồng tế đã ghi hình kỷ niệm với 25 thầy thực tập mục vụ, với HĐGX và Hội Mân Côi.

Một cơn mưa lớn tuôn đổ xuống trên ngôi nhà thờ hồng. Mọi người cảm nhận như có một làn gió thơm mát của hạt chuỗi hoa hồng Đức Mẹ Mân Côi cũng lan tỏa trên 25 Thầy và trên những người hiện diện.

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn

Việc học hỏi Lời Chúa thực sự là nhu cầu thiêng liêng và đã được vị Cha chung của TGP đưa vào chương trình hành động quan trọng của Tổng Giáo phận. Chương trình đào tạo dành cho thành viên HĐMV hạt Tân Định diễn ra liên tục trong các buổi sáng thứ Bảy 20/7, 27/7 và 03/8/2024.

Khóa cầu nguyện với Lời Chúa đã chính thức bế giảng sau buổi học cuối vào 03/08/2024, bước đầu có tác động tinh thần rất tích cực, để các thành viên HĐMV có thêm kinh nghiệm học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện và được Chúa lắng nghe.

TGPSG — “Xin chúc cho mỗi thành viên Hội đồng Mục vụ theo học lớp Kinh thánh được dồi dào Ơn Chúa và nên thánh trong công việc giáo xứ.

Đó là lời nhắn nhủ của linh mục (Lm) Giuse Hoàng Văn Quảng, SJ, trong ngày khai giảng lớp Kinh Thánh dành cho Hội đồng Mục vụ (HĐMV) hạt Tân Định vào sáng thứ Bảy, ngày 20.07.2024 tại nhà thờ Tân Định.

Tham dự có sự hiện diện của Lm hạt trưởng Phaolô Nguyễn Quốc Hưng và soeur Catarina Lê Thị Sự, dòng Phaolô, trợ giảng các buổi học. Đặc biệt là sự có mặt của 288 thành viên HĐMV các giáo xứ chính là những người đang khao khát kiếm tìm Chúa qua những trang Kinh Thánh.

Lm hạt trưởng Phaolô đã biểu lộ niềm vui và phấn khởi với lời chào mừng đến các học viên và khai mạc lớp “Cầu nguyện bằng Lời Chúa”. Ngài cũng nhắc lại việc học hỏi Lời Chúa thực sự là nhu cầu thiêng liêng và đã được vị Cha chung của TGP đưa vào chương trình hành động quan trọng của Tổng Giáo phận.

Ngay sau nghi thức thánh hóa bằng kinh Cầu Chúa Thánh Thần, lớp học đã vào ngay bài đầu tiên với tiêu đề “Thao tác tối cần để dùng Tân Ước”. Soeur Catarina với những cử điệu, bài hát gần gũi, gợi mở với bài học đã giúp các học viên nhớ lại các kiến thức cơ bản về các tác giả Thánh Kinh và cách sắp xếp các sách Tân Ước.

Sau giờ nghỉ giải lao mười phút, các học viên đã bước vào bài thứ hai “Suy chiêm thế nào?”, do Lm Giuse giảng giải. Đây là một đề tài rất tâm đắc và tháo cởi những tâm tình của mọi học viên khi cầu nguyện theo kiểu cũ và “xin” là chính.

Nội dung của đề tài qua sự hướng dẫn rất súc tích, mới mẻ của Lm Giuse đã gây ấn tượng đến các học viên và từng người cơ bản đã biết cách cầu nguyện, nói chuyện, tâm tìm với Chúa và không theo đuổi các ý riêng “mình” mà tìm vinh quang Chúa.

Các bài tập, câu hỏi, được đặt ra và được các thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ và phát biểu trong giờ học nhóm. Đây cũng là giây phút rất bổ ích và được các thành viên vừa hào hứng, vừa tích cực phát biểu, đồng thời rút ra những bài học về cầu nguyện cho riêng mình.

Chương trình đào tạo dành cho thành viên HĐMV hạt Tân Định trong thời gian các ngày thứ Bảy 20/7, 27/7 và 03/8/2024 vào các buổi sáng, nhưng bước đầu có tác động tinh thần rất tích cực, để các thành viên HĐMV có thêm kinh nghiệm học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện và được Chúa lắng nghe. Với số lượng các thành viên tham gia đông đảo cũng đủ để thấy Lời Chúa luôn có sức hấp dẫn thiêng liêng, ngọn đuốc soi đường cho mỗi người. Qua đó, các thành viên sẽ gia tăng tình yêu với Lời Chúa và đem ra thực hành, đó chính là mục đích của lớp học và đời sống mỗi Kitô hữu chúng ta.

Bài: Trường sơn (TGPSG)
Ảnh: Mạnh Lâm

TGPSG — “Cuộc đời của linh mục chỉ có 1 mục đích duy nhất là làm vinh danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn.”

Đó là lời chia sẻ của Đức Giám Mục Phụ tá (ĐGM) Giuse Bùi Công Trác, Tổng Giáo phận  Saigon (TGPSG) trong Thánh lễ tạ ơn của 19 tân linh mục vào lúc 17g30 ngày 12/06/2024 tại nhà thờ Tân Định.

Đồng tế với ngài, ngoài 19 tân linh mục còn có Lm Chánh xứ Tân Định Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, các Lm đồng hành và các Lm phó xứ Tân Định. Hiệp dâng Thánh lễ có các ông bà cố của tân linh mục, các em thiếu nhi và cộng đoàn dân Chúa.

Khi đoàn rước đã ổn định, Lm Chánh xứ Phaolô đã tiến ra chào mừng ĐGM. Sau khi làm dấu, ĐGM Giuse ngỏ lời cám ơn Lm Chánh xứ, các ân nhân và giáo dân Tân Định đã góp phần lớn trong công cuộc đào tạo mang lại hoa trái là 19 tân linh mục ngày hôm nay. Sau đó ngài mời mọi người bước vào Thánh lễ với cùng chung tâm tình tạ ơn của các tân linh mục.

Trong phần giảng lễ, dựa vào câu Mt 5,19: “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

ĐGM chia sẻ: “Nghe và thực thi Lời Chúa rất quan trọng và rất khó thực hiện.” Ngày chịu chức phó tế, ĐGM thường nhắn nhủ: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và làm điều con dạy.”  Tiếp đến, ngài nhắc lại lời nguyện nhập lễ hôm nay: “Cuộc đời của linh mục chỉ có 1 mục đích duy nhất là làm vinh danh Chúa và vì lợi ích các linh hồn.”

Để minh họa, ĐGM kể lại câu chuyện của thánh Đamien, người Bỉ, linh mục của những người phong cùi, đã dâng hiến cả đời mình cho những người cùi và chính ngài cuối cùng cũng bị lây nhiễm và chết vì bệnh cùi.

Hôm nay con sống tốt lành

Như lời Chúa dạy tuân hành ý Cha

Nẻo đường nên thánh nở hoa

Chúa ban ân phúc chan hòa thánh ân.

Phần giảng lễ kết thúc, tiếp theo là phần phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, ông Gioan Phêrô Nguyễn Hoài Lộc, chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Định lên cám ơn ĐGM phụ tá Giuse, quý cha đồng tế và cộng đoàn dân Chúa. Ông kết thúc bài cám ơn và chúc mừng các tân linh mục bằng cách xướng lên bài hát “Chúc mừng” và cả nhà thờ đều hát theo vang rền và vui tươi.

Tiếp theo, tân linh mục Giuse Vũ Mạnh Cường lên cám ơn ĐGM, quý cha và cộng đoàn giáo dân xứ Tân Định và xin cộng đoàn tiếp tục quảng đại đón nhận các thầy khóa mới.

Đáp từ, ĐGM  phụ tá Giuse chia sẻ bài thơ trong đó bao gồm tên của 19 tân linh mục

Chúc mừng quý cha vừa được chức

Được đầy ơn Đức Chúa Thánh Thần.

Thứ nhất cha Đỗ Trọng Luân

Đến cha Quyết Thắng ân cần dễ thương

Rồi cha Vũ Minh Cường Tân Định

Cùng em Minh Phú chịu chức cùng ngày

Hiệp Bình niên trưởng năm nay,

Duy Khoa, Văn Thiện, giảng hay đó mà,

Một cha gốc người Hoa – Chợ lớn

Cổ Diệu Thanh, người xứ Bình Đông

Mông Triệu có cha Tuấn Anh

Cha Chinh tính nết hiền lành, nhỏ con

Rồi Hoàng Sơn, Duy Cường , Thanh Tiến

Hứa cùng nhau thẳng tiến theo Thầy

Trần Dương, Bình Thuận xứ này

Ngọc Hưng giáo xứ Gò Mây góp phần

Kim Ngọc Thanh xa gần đều quý

Trần Văn Kiên giáo xứ Tân Hưng

Thiện Toàn cha mẹ đều cưng

Văn Nam linh mục cuối cùng đó thôi

Xin giới thiệu đôi lời kính chúc

Tràng pháo tay là khúc nhạc mừng.

Đời con Chúa đổ hồng ân.

Đời con có Chúa sẽ thành hoa thiêng.

Sau tràng pháo tay hoan hô rân trời, ĐGM mời 19 tân linh mục cùng lên ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa.

Sau đó, ĐGM cùng chụp hình chung với 19 tân linh mục, HĐMVGX, ca đoàn và các em lễ sinh.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui hân hoan, đầy tâm tình tạ ơn Chúa vì những hoa trái đầu mùa Chúa ban cho TGPSG.

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn

TGPSG — “Nhiệm vụ của những người cha, người mẹ công giáo là phải giúp con cái nhận ra được tiếng Chúa gọi trong cuộc đời của chúng”

Đó là lời chia sẽ của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ tạ ơn nhân ngày Thánh hóa Ơn gọi làm Mẹ do Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) Tổng Giáo phận Saigon (TGPSG)  tổ chức vào lúc 17g30 ngày 30/05/2024 tại nhà thờ Tân Định.

Đồng tế với ngài có Lm Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Linh hướng (TLH) Hội CBMCG TGPSG, Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, nguyên TLH và các Lm đồng hành trong TGPSG.

Cùng hiệp dâng thánh lễ có các ông bà cố, các hội viên CBMCG và đông đảo giáo dân trong TGPSG.

Sau khi đoàn rước ổn định, linh mục TLH PX. Hoàng Linh có lời xin lỗi Đức TGM vì hôm nay, Hội có mời thêm ông bà cố đến dự lễ mà chưa thông báo cho Đức Tổng.

Đáp lời, Đức Tổng cho biết hôm nay khi vào nhà thờ dâng Thánh lễ mừng trước lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elisabeth, Đức Tổng cũng bất ngờ khi thấy có nhiều áo dài màu sắc rực rỡ chiếm đa số hơn là các áo màu trắng khăn quàng xanh của các bà mẹ, lại thấy có nhiều ông đi kèm nữa. Thì ra đó là các ông bà cố, những người đã truyền thông sự sống, hướng dẫn trong đời sống đức tin và góp phần tạo ra những linh mục, những tu sĩ để phụng sự Thiên Chúa. Dâng thánh lễ này, chúng ta cầu nguyện cho các ông bà cố, cho tất cả các bà mẹ tuy không phải là bà cố nhưng đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đức tin cho con cái mình, và Đức Tổng bắt đầu Thánh lễ.

Trong phần giảng giải Lời Chúa, dựa vào đoạn Tin Mừng Lc 1,39-56, Đức Tổng chia sẻ 3 điều:

  1. Những người cha người mẹ công giáo là phải tập luyện để có khả năng nhận ra được những tác động, những tiếng gọi âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời của con cái mình và giúp con cái nhận ra những tác động, những tiếng gọi âm thầm đó.

Khi Đức Mẹ đến thăm bà Elisabeth, hài nhi Giêsu đã có những tác động âm thầm và làm cho hài nhi Gioan Baotixita nhảy mừng trong dạ bà mẹ Elisabeth, và Bà đã nhận ra ngay điều đó: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng!” Chính những ông bà cố đây là những người đã có kinh nghiệm đó: thấy và nhận ra tiếng Chúa gọi trong người con của mình và tác động, vun trồng ơn gọi đó.

  1. Chúc tụng Chúa, ca ngợi Chúa

Thường thì Đức Mẹ im lặng, ít nói, hay suy đi nghĩ lại trong lòng, nhưng khi Mẹ nhận ra bàn tay của Chúa trong cuôc đời của mình thì Mẹ vui, Mẹ mở miệng tung hô Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng…” Bà Elisabeth cũng vậy, bà lớn tiếng kêu lên rằng: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi…”

Những người cha người mẹ cũng vậy, phải thường xuyên chúc tụng, ngợi ca Chúa trước mặt con cái.

  1. Thăm viếng: “Bà Maria vội vã lên đường.”

Chúng ta là những Kitô hữu, nghĩa là có Chúa trong mình, nhưng chúng ta không giữ Chúa cho riêng mình mà phải đem Chúa đến cho người khác. Chung quanh chúng ta còn biết bao người ốm đau, bệnh tật, cô đơn. Đôi lúc chỉ cần một lời nói động viên là có thể cứu sống một người. Nhưng trước tiên là chúng ta nên đến thăm con cái, người thân của mình trước rồi hãy mở rộng ra.

Đức Tổng kết thúc bài giảng bằng lời cầu nguyện cho ông bà cố, những người làm cha, làm mẹ có được sự sống siêu nhiên trong mình, có Chúa trong mình để có thể đem Chúa đến cho người khác. Chúc mọi người bình an và hạnh phúc.

Sau đó Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu và phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối lễ, bà Elisabeth Đặng Thị Hiếu, Hội Trưởng hội BMCG đã lên cám ơn Đức Tổng, các Lm đồng tế, các thành phần Dân Chúa đã góp phần vào việc tổ chức, ca đoàn giáo xứ Bình an và toàn thể cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Một bó hoa tươi thắm được bà Nguyễn Thị Ngọc, nguyên hội trưởng BMCG dâng lên Đức TGM.

Đáp lời, Đức Tổng cám ơn và chúc các ông bà cố, các bà mẹ dồi dào sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Đức Tổng cũng chia sẻ là khi các Đức Giám Mục nước ngoài hỏi tại sao Việt nam lại có nhiều ơn gọi, Đức Tổng trả lời, đó là nhờ các bậc cha mẹ trong gia đình đã khám phá và hun đúc ơn gọi của Chúa trong con cái ngay từ nhỏ. Các giáo xứ, với nhiều sinh hoạt đạo đức cũng ảnh hưởng đến ơn gọi.

Đức Tổng cũng kêu gọi những ông bà cố, ngoài việc cầu nguyện cho con cái mình, ông bà còn phải tiép tục thể hiện vai trò làm cha làm mẹ đối với người con tu hành của mình. Đức Tổng kể, lúc còn làm cha sở giáo xứ Thuận Hòa, giáo phận  Xuân Lộc, 1 buổi trưa, bỗng thấy cha mình từ Gia Kiệm đến. Đức Tổng bèn hỏi: “Bố đi đâu đây? – “Tao đến để xem ông cha sở này làm ăn ra sao, có thương các ông bà già không?” Đấy, các ông bà cố, ngoài việc cầu nguyện,  nên tiếp tục thể hiện vai trò làm cha làm mẹ của mình.

Sau đó, Đức Tổng đã ban phép lành cho cộng đoàn và xuống tặng quà cho các ông bà cố. Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn

TGPSG — “Nhân đức khó nghèo trong Tin Mừng đòi hỏi ta phải làm sao thoát được sự ràng buộc với của cải thì lúc đó ta mới thực sự theo Chúa được.”

Đó là lời nhắn nhủ của Đức Giám Mục phụ tá (ĐGM) Giuse Bùi Công Trác, TGP Sài Gòn, với các thầy phó tế trong Thánh lễ tạ ơn kết thúc năm thực tập Mục vụ khóa 19 được tổ chức vào lúc 17g30 ngày 28/05/2024 tại nhà thờ Tân Định.

Hiện diện còn có các linh muc chánh, phó xứ Tân Định, Lm đồng hành, các phó tế, các em thiếu nhi đang tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, Thêm Sức và đông đảo bà con giáo dân.

Đầu Thánh lễ, sau lời chào mừng của Lm chánh sở Phaolô Nguyễn Quốc Hưng kèm theo các tràng pháo tay của giáo dân,

ĐGM Giuse làm dấu và xin cộng đoàn cùng hiệp dâng 2 ý lễ chính:

  • Tạ ơn và cầu nguyện cho các thầy phó tế kết thúc năm thực tập mục vụ và bắt đầu tĩnh tâm vào ngày mai để chuẩn bị lãnh nhận chức thánh vào tháng 6.
  • Cầu nguyện cho các em thiếu nhi giáo xứ Tân Định tĩnh tâm: 74 lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và 70 em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Trong phần giảng lễ, ĐGM nêu rõ mặc dù ngày mai mới là lễ kính nhớ thánh giáo hoàng Phaolô 6, nhưng ngài chọn dâng lễ kính hôm nay, là để có vài lời muốn nhắn nhủ với các phó tế.

  • Trước hết, dựa vào bài phúc âm, điều kiện để Chúa Giêsu trao ban sứ vụ cho các môn đệ đó là tình yêu: Các con có yêu mến thầy không?
  • Câu hỏi đó đã vang vọng 1 lần nữa trong tâm hồn Thánh Giáo hoàng Phaolô 6, và như thánh Phêrô, ngài đã đáp: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Từ đó, thánh nhân rời bỏ gia đình rất danh giá giàu có của mình để chọn cuộc sống tu trì, khó nghèo. Khi lên làm Giáo hoàng, ngài đã hủy bỏ và giản lược nhiều nghi thức của giáo triều. Ngài đã bán mũ giáo hoàng 3 tầng để lấy tiền giúp người nghèo. Khi nghe gia đình và người đồng hương dự tính xây dựng 1 ngôi mộ lớn cho ngài, ngài di chúc khi ngài qua đời thì chỉ cần 1 chiếc quan tài bình thường và 1 ngôi mộ bình thường.

ĐGM Giuse kết luận: Đó là bài học cho chúng ta, cho các thầy phó tế sắp bước vào đời sống linh mục.  “Nhân đức khó nghèo trong Tin Mừng đòi hỏi ta phải làm sao thoát được sự ràng buộc với của cải thì lúc đó ta mới thực sự theo Chúa được.”

  • Khi lên làm Giáo Hoàng, thánh GH Phaolô 6 chủ trương đối thoại và cởi mở. Ngài là giáo hoàng dầu tiên ra khỏi nước Ý để tông du đến nhiều nước trên thế giới. Các phó tế cũng vậy: Hãy trở nên những linh mục yêu thương và đồng cảm với giáo dân; hãy phục vụ mọi người chứ không phải để mọi người phục vụ mình; hãy trở nên những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.
  • 2 yếu tố quan trọng của người mục tử là trung tín và can đảm: Trung tín với Chúa và can đảm nói Lời Chúa cho mọi người.

Xin giúp con luôn trung thành, lạy Chúa
Để đời con chỉ chất chứa yêu thương
Xin giúp con can đảm sống hiền lương
Nên nhân chứng trên nẻo đường bác ái
Xin giúp con lên đường không mệt mỏi
Đến với ai đang nghèo đói bần hàn
Xin giúp con đời theo Chúa hân hoan
Luôn an bình luôn ngập tràn hạnh phúc.

Sau bài giảng, ĐGM làm phép các áo lễ của các thầy và sau đó, thánh lễ tiếp tục.

Cuối lễ, 1 đại diện các phó tế lên cám ơn ĐGM, các linh mục chánh, phó xứ Tân Định, linh mục đồng hành, các ân nhân, cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tân Định.

Đáp từ, ĐGM Giuse tặng cộng đoàn bài thơ:

Lời tạ ơn con dâng lên Chúa
Xin giúp con đoan hứa trọn đời
Chỉ yêu mên Chúa mà thôi
Làm chứng cho Chúa sáng ngời yêu thương
Đời theo Chúa nẻo đường nên thánh
Xin giúp con biết tránh lỗi lầm
Đời con Chúa đổ hồng ân
Đời con có Chúa sẽ thành hoa thiêng

Sau lễ, ĐGM Giuse đã vui tươi đứng lại ghi hình lưu niệm chung với các thầy, các em chuẩn nhận Bí tích Thánh Thể và ca đoàn Thiên Ca.

Bài: Hữu Lễ (TGPSG)
Ảnh: Trần Văn

Kính gửi quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong Tổng giáo phận.

  1. Xuân Giáp Thìn đã tới. Đầu năm mới, tôi kính chúc quí cha và anh chị em một năm bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc, đầy tràn ân sủng và tình yêu của Chúa.

Tết năm nay, chúng ta vẫn phải gánh chịu những hậu quả của đại dịch covid-19 và chiến tranh tại nhiều nơi trên thế giới. Công ty không có đơn đặt hàng, nhiều người thất nghiệp, sản phẩm hàng hoá ít người mua. Mặc dù trong năm qua đã có nhiều thành tựu về kinh tế xã hội, nhưng nhiều gia đình vẫn gặp khó khăn thiếu thốn, thậm chí không có Tết. Ngoài ra còn có muôn vàn đau khổ trong cuộc sống cá nhân và gia đình.

Bước vào năm mới, anh chị em hãy tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa. “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). Với tất cả nỗ lực của con người, cùng với lời cầu nguyện và lòng cậy trông vào Chúa, chúng ta hy vọng trong năm mới này, dân tộc Việt Nam sẽ bình an và phát triển, không phải chỉ về kinh tế, mà còn về văn hoá, đạo đức, tình yêu thương và liên đới. Giá trị của con người không tuỳ thuộc vào sở hữu nhiều của cải, nhưng tuỳ ở tư cách đạo đức và nếp sống văn hoá, tuỳ ở tấm lòng yêu thương tha nhân thế nào.

  1. Sau những ngày Tết, Hội Thánh bước vào Mùa Chay để chuẩn bị mừng đại lễ Phục sinh. Dựa theo sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn ta tới tự do”, xin đề  nghị anh chị em suy gẫm và thực hành mấy điểm sau đây:
  1. Thiên Chúa tạo dựng con người không phải để sống kiếp nô lệ, nhưng để làm con cái tự do, để tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Mùa Chay chỉ là giai đoạn chuẩn bị hướng tới mầu nhiệm Phục sinh. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được thông phần vào sự chết và sống lại của Đức Kitô để sống đời sống mới. Cũng như dân Do Thái khi xưa, nhiều lúc chúng ta an phận với cuộc sống nô lệ tù túng trong cõi đời này chứ không muốn được giải phóng để vươn lên tới tầm cao của Thiên Chúa. Không, chúng ta chu toàn sứ mạng trong thế giới này để nhắm tới một cuộc sống cao hơn, tự do hơn, sung mãn hơn.
  2. Mùa Chay là mùa hoán cải, mùa tự do”. Như dân Do Thái ngày xưa, chúng ta cũng cần để cho “Thiên Chúa uốn nắn để bỏ lại phía sau tình cảnh nô lệ của mình và kinh nghiệm một cuộc Vượt Qua từ sự chết đến sự sống”. Chúng ta cần phải chiến đấu với các loại ngẫu tượng: “muốn là người toàn năng, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị người khác; hoặc có thể chúng ta bám chặt vào tiền bạc, vào những dự án, những ý tưởng hay mục tiêu nào đó, bám chặt vào địa vị của mình, vào một truyền thống, thậm chí bám chặt vào những cá nhân nào đó. Thay vì giúp ta tiến bước, những cái đó làm ta tê liệt. Thay vì sự gặp gỡ, chúng tạo ra xung đột”.

Các ngẫu tượng này là những lời dối trá có sức quyến rũ mạnh mẽ. Đó là một con đường rất dễ đi. Sám hối có nghĩa là hoán cải, quay ngược lại: tôi có muốn đổi mới không? Có sẵn sàng từ bỏ những thoả hiệp với thế giới cũ không? Tôi muốn sống tự do hay ở lại trong kiếp nô lệ?

Ăn chay hãm mình không chỉ là làm một vài việc hy sinh, nhưng đó là một hành trình chiến đấu để từ bỏ các ngẫu tượng và được tự do trong tâm hồn.

  1. Việc hoán cải chỉ là khởi điểm từ đó chúng ta nhìn thấy và nghe thấy nỗi thống khổ của anh chị em. Thiên Chúa quyết định giải phóng Dân Do Thái khỏi ách nô lệ bên Ai Cập là vì “Ta đã thấy nỗi khốn cùng của dân Ta ở Ai cập; Ta đã nghe tiếng họ kêu than” (Xh 3, 7). Cử hành Mùa Chay là để chúng ta mở mắt nhìn ra thực tế cuộc sống. “Tiếng kêu của rất nhiều anh chị em bị áp bức của chúng ta đang thấu tới trời. Ta hãy tự hỏi: chúng ta có nghe thấy tiếng kêu đó không? Nó có quấy rầy ta không? Nó có làm ta động lòng không? Có quá nhiều điều chia cách chúng ta, phủ nhận tình huynh đệ vốn ràng buộc chúng ta ngay từ đầu”.

Các việc bác ái trong Mùa Chay phát xuất từ trái tim động lòng trắc ẩn. Tại môi trường thành phố lớn, mặt nổi là cuộc sống nhộn nhịp và tiêu thụ, mặt chìm còn có biết bao anh chị em đang kêu than vì nỗi thống khổ. Chúng ta đừng để lòng mình vô cảm thờ ơ, đừng an phận tự mãn và đóng kín trong cuộc sống của mình. Như người Samaria nhân hậu, chúng ta hãy dừng lại và chăm sóc các anh chị em đang mang những thương tích của cuộc đời.

  1. Mùa Chay cũng là thời gian dừng lại để cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa. Trong sa mạc, dân Do Thái đã nhận được “Mười Lời”, tức là mười điều răn, làm kim chỉ nam cho hành trình tiến tới tự do. Chúng ta dễ để mình bị cuốn hút vào công việc đến nỗi có nguy cơ đánh mất chính mình. Nhưng nếu không biết dừng lại để hồi tâm và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ mất phương hướng và lạc lối. Chúng ta hãy tham dự những buổi tĩnh tâm “để suy nghĩ lại về lối sống của mình, để xem xét sự hiện diện của mình trong xã hội và sự đóng góp của mình cho một xã hội tốt đẹp hơn”. Cách riêng, anh chị em hãy nhìn lại xem mình có gìn giữ thiên nhiên mà Thiên Chúa ban tặng không, có làm ô nhiễm môi trường không.

“Cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba hành vi tách rời nhau, mà là một động thái duy nhất của sự cởi mở và trút rỗng chính mình, trong đó chúng ta tống khứ những ngẫu tượng đè nặng trên mình, những quyến luyến giam hãm mình. Rồi trái tim khô héo và cô lập sẽ hồi sinh. Vì thế, ta hãy chậm lại và tạm dừng! Chiều kích sống chiêm niệm trong Mùa Chay sẽ giải phóng những năng lượng mới. Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em, nhạy cảm với nhau hơn: chúng ta khám phá ra những bạn đồng hành, những người cùng bước đi với mình, thay vì là những kẻ thù và những mối đe dọa. Đây là giấc mơ của Thiên Chúa, là miền đất hứa mà chúng ta hướng đến một khi đã bỏ thân phận nô lệ lại phía sau”.

  1. Như đã thực hiện từ mấy năm qua, trong Mùa Chay, xin anh chị em tiếp tục đóng góp cho công việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Chắc chắn anh chị em cũng nôn nóng và mong việc trùng tu sớm hoàn tất. Tuy  nhiên, làm việc với một tập đoàn chuyên nghiệp như Monument của Bỉ, chúng ta không thể đốt giai đoạn. Chúng tôi luôn thúc đẩy tiến độ, nhưng chắc chắn công trình trùng tu đòi nhiều thời gian, công sức và chi phí. Xin anh chị em kiên nhẫn và quảng đại cộng tác vào công trình rất khó khăn này. Xin Chúa trả công bội hậu cho anh chị em.

Cầu chúc quí cha và anh chị em mùa Xuân vui tươi, năm mới bình an đầy tràn phúc lành của Chúa, mùa Chay và mùa Phục sinh sung mãn sức sống thần linh.

Xin anh chị em thương cầu nguyện cho tôi.

Ngày 8 tháng 2 năm 2024
(đã ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng giám mục

WGPHN (31.01.2024) – Như tin đã đưa, ngày 23/12/2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Theo chương trình, ngày 31/01/2024, Đức TGM Đại diện Tòa Thánh đã đến Việt Nam sau khi được bổ nhiệm.

Vào lúc 15h25, Đức TGM Marek đã đáp chuyến bay từ Singapore tới Việt Nam. Đón tiếp ngài tại sân bay Nội Bài có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN); Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN; cha Giuse Đào Nguyên Vũ, chánh văn phòng HĐGMVN và cha Giuse Tạ Minh Quý, thư ký Giáo tỉnh Hà Nội.

Kế đó, các ngài trở về Tòa Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội trong sự chào đón nồng hậu của quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, dòng thánh Phaolô thành Chartres và anh em ứng sinh tại Tòa TGM.

Đại diện cho HĐGMVN, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã bày tỏ niềm vui khi được chào đón vị Đại diện Tòa Thánh trong một cương vị mới. Đồng thời, Đức TGM Giuse cũng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ngài trong chặng đường kế tiếp. Đáp từ, Đức TGM Marek Zalewski cám ơn sự đón tiếp của quý Đức cha Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ và mọi người hiện diện. Ngài nói rằng, tôi hiện diện ở đây là để phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Sau những giờ phút thăm hỏi, Đức TGM Marek cùng dự bữa tiệc huynh đệ với quý Đức Cha và sẽ đến nhận văn phòng tại tòa nhà Pan Pacific, số 01 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (31.01.2024)