TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2022
TỪ KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG TRONG ĐẠI DỊCH
ĐẾN ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh
và toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Tổng giáo phận,

Thành phố chúng ta vừa trải qua những tháng ngày thật đau thương do đại dịch Covid-19. Cuộc sống nay bước sang tình trạng “bình thường mới”, nghĩa là chưa hoàn toàn bình thường. Nguy cơ lây nhiễm trong thời gian này vẫn còn đó, dù không trầm trọng như trước. Những đau thương thể xác cũng như tinh thần còn đang nhức nhối và ám ảnh chúng ta. Những thiệt hại vẫn chưa thể khắc phục một sớm một chiều.

Đối với các Kitô hữu, trong ánh sáng của niềm tin vào Chúa Kitô, thời gian đại dịch không phải chỉ có đau thương nhưng cũng là thời gian của ân sủng và những điều tốt đẹp. Khởi đi từ những kinh nghiệm thiêng liêng trong đại dịch, chúng ta sẽ sống ý nghĩa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh cách sâu xa phong phú hơn.

  1. Kinh nghiệm thân phận bụi tro

Khi đại dịch lên cao điểm trong năm 2021, với số tử vong tăng nhanh từng ngày, chúng ta cảm nghiệm thật sâu sắc về phận người mong manh bèo bọt. Người thân mới sống bên nhau đó, chỉ sau ít ngày vào bệnh viện đã trở về trong phận bụi tro. Con người thật vĩ đại nhưng cũng thật yếu đuối. Đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn. Một cơn gió thoảng cũng đủ làm con người biến mất khỏi trần thế.

Mùa Chay khởi đầu với việc xức tro trên đầu: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”. Đó là thông điệp tối quan trọng cho đời người. Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, sức khỏe, người thân yêu, hoạt động, thành công, trên hết là chính mạng sống: tất cả sẽ tiêu tan. Cả một đời ta vun đắp, gầy dựng, chăm chút, để rồi cuối cùng ta chứng kiến chúng biến mất thật nhanh chóng, không thể cưỡng lại, không thể níu kéo.

Đó là sự thật, sự thật vĩ đại của cuộc đời mà ta thường quên lãng hoặc tránh né. Hãy nhìn vào sự thật này để xây dựng cuộc đời trên cái bền vững lâu dài, chứ không mải mê theo đuổi cái phù du bèo bọt nay có mai không.

  1. Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Từ kinh nghiệm thân phận bụi tro, chúng ta xác tín chỉ Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, chỉ Thiên Chúa mới là Đấng Cứu Độ toàn năng đem lại bình an và sự giải thoát toàn diện cho nhân loại đau khổ. Từ cảm nhận bất lực trong đại dịch, nhiều người nhận thức được rằng giải pháp y tế và khoa học là tiên quyết nhưng không đủ để cứu sống bệnh nhân, mà cần có cả giải pháp tâm lý xã hội và nhất là giải pháp tâm linh nữa.

Trong thời gian đại dịch, chúng ta đã quay về với Chúa, khao khát thánh lễ và gia tăng cầu nguyện, đã suy gẫm về kế hoạch của Thiên Chúa qua những khổ đau thử thách trong đời. Hơn lúc nào hết, chúng ta cảm thấy cần Chúa và thực sự đã nhận ra Chúa luôn ở gần bên chúng ta. Đối với các bệnh nhân, nhờ sự chăm sóc, an ủi tinh thần và lời cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ thiện nguyện trong các bệnh viện, họ đã tìm được sức mạnh thiêng liêng để vượt qua cơn nguy kịch; hoặc nếu không qua khỏi, thì cũng ra đi trong sự thanh thản và đầy tràn hy vọng.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta hoán cải, tức là quay trở lại với Chúa, bồi dưỡng tương quan thân tình với Chúa. Sau những tháng ngày mất mát, chúng ta muốn tranh thủ vội vã xây dựng lại cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà lại quên Chúa. Chính trong đại dịch, chúng ta đã có cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, xin đừng vội quên. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để tham dự thánh lễ trong cộng đoàn Hội Thánh. Việc tham dự trực tuyến trong thời gian dài sẽ làm cho đức tin dần dần phai nhạt. Hãy chuyên cần cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa sốt sắng, tích cực tham dự những buổi tĩnh tâm và cử hành phụng vụ trong Mùa Chay. Chỉ có Chúa mới đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

  1. Kinh nghiệm buông bỏ

Khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt không cần thiết đã phải dừng lại. Các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, liên hoan, nhà hàng… đều ngưng hoạt động. Việc làm, công ty, tự do đi lại, thậm chí cả người thân yêu… , chúng ta đã buông bỏ tất cả, có thể là bất đắc dĩ, để chỉ tập trung vào cái chính yếu. Điều quan trọng lúc đó là mạng sống, là sức khỏe. Để sống, để an toàn, để có tương lai, chúng ta đã tiết chế và buông bỏ. Những thói quen hay lối sống hằng ngày tưởng chừng như không thể bỏ được, trong đại dịch chúng ta đã thay đổi được.

Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tiếp tục kinh nghiệm buông bỏ này. Chúng ta cầu xin Chúa cho đại dịch qua đi, không phải để trở lại với lối sống cũ, nhưng để bắt đầu hành trình mới theo Chúa Giêsu trên con đường tiến tới sự sống vĩnh cửu. Để có được sự sống cao hơn, càng phải buông bỏ nhiều hơn, sống tiết độ hơn. Trong lối sống hiện đại, nhân đức tiết độ đã bị quên lãng: lúc nào người ta cũng muốn thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu, mọi ham muốn, lúc nào cũng bị các thèm khát thúc bách mà không bao giờ thấy no đủ, nên rốt cuộc con người bị lạc hướng và không thể vươn lên tầm cao được. Chúa mời gọi các môn đệ buông bỏ chính mình, sống tiết độ, làm chủ những ham muốn lệch lạc, để nhờ đó tiến tới cuộc sống cao cả hơn của một người làm con Thiên Chúa, sự sống của Đức Kitô phục sinh.

  1. Kinh nghiệm về hiệp hành

Ngay từ đại dịch, chúng ta đã thực hiện lối sống hiệp hành: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ bác ái. Mọi người hiệp thông với nhau, khóc với người khóc, đau với người đau, cầu nguyện cho nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua những tháng ngày đau thương. Sự hiệp thông trong Hội Thánh không phải là tình cảm mông lung hay lời nói suông, nhưng là đức ái mãnh liệt của Chúa Thánh Thần thúc đẩy mọi người làm lan tỏa yêu thương qua những hành vi quảng đại cụ thể. Các cộng đoàn, gia đình, cá nhân, đã không thủ thân co cụm ích kỷ, nhưng tích cực tham gia sứ vụ bác ái, nhiều lúc với nhiều nguy cơ cho sự an toàn bản thân, đặc biệt đối với các linh mục tu sĩ thiện nguyện nơi bệnh viện. Xin anh chị em hãy tiếp tục phát huy lối sống hiệp hành này trong bối cảnh hiện nay nhiều người vẫn còn nhiễm bệnh, nhiều người đang trong tình trạng nghèo đói kéo dài, hoặc trong tình cảnh cô đơn hay bị bỏ rơi.

Ngoài sứ vụ bác ái, toàn thể Dân Chúa trong Tổng giáo phận cũng đang học hỏi và tham gia tiến trình cấp giáo phận để kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành trong mọi lãnh vực, từ các sinh hoạt phụng vụ, giáo lý, tổ chức cơ cấu trong cộng đoàn, đến các hoạt động Phúc Âm hóa xã hội và loan báo Tin Mừng. Xin anh chị em hãy tích cực tham dự các buổi gặp gỡ theo lịch trình dự kiến, để lắng nghe nhau và cùng nhau phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Là mục tử của Dân Chúa, các linh mục chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi và thúc đẩy tiến trình này đạt hiệu quả lớn nhất. Xin anh chị em đừng theo kiểu làm cho có, làm chiếu lệ hình thức, hoặc tệ hơn là không làm gì cả. Chúng ta lắng nghe lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tạiViệc ‘quản trị thuần tuý’ đã trở nên bất cập” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 25).

Sau hết, xin gia đình Tổng giáo phận tiếp tục hiệp hành, -hiệp thông và tham gia- trong công trình đại tu nhà thờ Đức Bà thân yêu. Qua các video clip do Ban Truyền thông thực hiện, anh chị em có thể thấy hiện nay bắt đầu tu sửa tháp chuông và hai tháp kẽm là phần hư hại rất nặng, và việc thi công cũng rất khó khăn vì ở trên cao. Các chuyên gia cho rằng việc tu sửa được thực hiện rất đúng lúc. Đây là công việc đòi kỹ thuật chuyên môn cao, cần nhiều thời gian và tài chánh. Hiện nay anh chị em còn đang gánh chịu những thiệt hại to lớn do hậu quả của đại dịch; tuy nhiên, trong mức độ có thể, xin anh chị em rộng tay đóng góp để công việc trùng tu diễn tiến tốt đẹp và mau chóng.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh giá đã triệt hạ mọi bức tường ngăn cách và thực hiện sự hòa giải nơi chúng ta (x. Ep 2, 14). Bước vào Mùa Chay và Phục Sinh trong viễn tượng kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta hãy mở lòng mình ra với Chúa, với Hội Thánh và anh chị em, làm sao cho mọi người tìm được niềm an vui hạnh phúc trong lòng Hội Thánh, không ai bị bỏ lại đằng sau, không ai tủi phận vì bị quên lãng hay loại trừ; từ đó mọi người sẽ nhiệt thành tham gia xây dựng Hội Thánh theo khả năng của mình, và hân hoan thực thi sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng. Đó chính là Hội Thánh mà chúng ta mơ ước.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta.

Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng 3 năm 2022
(đã ký)

+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám Mục

Kính thưa quý Cha, quý Bề Trên, quý Tu sĩ Nam Nữ và toàn thể quý ông bà anh chị em trong Tổng giáo phận.

Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, sẽ chủ sự nghi thức trao dây Pallium cho Đức Tổng Giuse của chúng ta trong Thánh lễ được cử hành vào lúc 8g30 thứ Bảy, ngày 19 tháng 02 năm 2022, tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn. Chúng con xin kính báo và mời quý cha đồng tế trong Thánh lễ đặc biệt này, để cầu nguyện cho Tổng giáo phận và cách riêng cho Đức Tổng Giuse. Xin quý cha cũng thông báo cho anh chị em giáo dân biết để hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa Tổng giáo phận qua Thánh lễ được trực tuyến trên các kênh truyền thông của Giáo phận vào ngày giờ nói trên.

Kính báo,

Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn

Nhà thờ Tân Định là một trong những kiến trúc đẹp nhất thành phố. Tổng thể kiến trúc mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí. Màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh, tạo một vẻ lộng lẫy và tươi mới.

Bộ ảnh nằm trong dự án lịch Công Giáo “NHÀ THỜ TÂN ĐỊNH – XƯA VÀ NAY” được thực hiện nhân dịp nhà thờ được trùng tu hầu giới thiệu những nét đẹp truyền thống cổ xưa và cách tân hiện đại.

Bộ ảnh được thực hiện bởi: Jos CreativeNguyễn Ngọc Huy

TGPSG — “Nhà Thờ Tân Định đã xây dựng 145 năm và rất vững chắc; lý do là móng tốt, từng viên gạch tốt, vữa tốt; vì thế nó mới tồn tại theo dòng thời gian. Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng phải xây dựng thành một đền thờ thiêng liêng như thế: mỗi một Kitô hữu phải như một viên gạch tốt, sống đời Kitô hữu tốt.”

Đó là lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng, chủ tế Thánh lễ Cung hiến Bàn thờ mới và tạ ơn việc hoàn tất trùng tu nhà thờ Tân Định, mừng 160 năm thành lập giáo xứ và 145 năm xây dựng Thánh đường, được cử hành vào lúc 17g30 ngày 16.12.2021 tại Nhà thờ Tân Định.

Cùng đồng tế với ngài có cha Tổng đại diện Inhaxiô và hơn 20 cha đã gắn kết với giáo xứ Tân Định trong thời gian qua. Hiệp thông trong thánh lễ có khoảng 600 giáo dân trong đó có tu sĩ, ân nhân, giáo dân và khách mời.

Khi đoàn rước đến trước bàn thờ, Đức Cha chủ tế đã rẽ sang trái, đến cầu nguyện trước bia mộ Cha Eveillard, cha sở thứ 5 và là người đã xây dựng nhà thờ Tân Định, đã được Đức Cha Colombert chủ sự nghi thức khánh thành ngày 16.12.1876.

Thánh lễ bắt đầu với việc chủ tế làm phép nước để rảy trên giáo dân, nhà thờ và bàn thờ mới: “Xin Chúa thánh hóa nước này để khi rảy trên chúng con, nước ấy làm cho chúng con trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần.” Sau đó, Đức Cha chủ tế đã đi xuống rảy nước thánh cho toàn thể dân Chúa.

Bài giảng lễ của Đức Tổng Giuse có thể tóm tắt trong 3 phần như sau:

  • Trong bài đọc 1, sở dĩ thầy tư tế Étra khuyên mọi người hãy vui lên, đừng khóc lóc vì hôm ấy là ngày cung hiến đền thờ, lần đầu tiên dân chúng được vào đền thờ và được nghe Lời Chúa sau một thời gian dài bị lưu đày ở Babylon. Giáo dân Tân Định chắc cũng vậy, sau hơn 1 năm bị dịch Covid, không đến được nhà thờ, không được nghe Lời Chúa, thì hôm nay, chắc nhiều người cũng xúc động khi được đến ngôi thánh đường mới, nguy nga, tráng lệ này.
  • Nhà thờ Tân Định ngày nay rất nổi tiếng “Nhà Thờ Hồng” được giới trẻ yêu thích, đến chụp hình, được liệt vào những nơi cần tham quan du lịch. Giáo dân có lẽ cũng tự hào. Nhưng nếu chúng ta thử tưởng tượng Chúa Giêsu đến và nói như trong Tin Mừng thánh Gioan: Hãy phá nhà thờ Tân Định này đi! Chúng ta nghĩ sao? Nhà thờ nguy nga, tráng lệ đấy, nhưng vào nhà thờ để làm gì? Có phải để cầu nguyện không hay chỉ để buôn bán, đổi tiền, trở thành nơi phàm tục, mất tính cách thánh thiêng!
  • Chính vì vậy, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, nơi để cầu nguyện. Mỗi lần vào nhà thờ và ra về, anh chị em phải được biến đổi, biến đổi vì đã gặp Chúa. Nếu ra về mà không biến đổi thì chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của nhà thờ rồi! Nhà thờ Tân Định đã xây dựng 145 năm và rất vững chắc; lý do là móng tốt, từng viên gạch tốt, vữa tốt; vì thế nó mới tồn tại theo dòng thời gian. Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng phải xây dựng thành một đền thờ thiêng liêng như thế: mỗi một Kitô hữu phải như 1 viên gạch tốt, sống đời Kitô hữu tốt. Chúng ta trở thành 1 Kitô hữu tốt để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa. Mỗi người, khi từ nhà thờ này đi ra phải trở thành 1 chứng nhân cho Chúa, 1 Kitô hữu tốt, chất lượng tốt. Nếu được như vậy thì việc chúng ta mừng ngôi nhà thờ mới, bàn thờ mới hôm nay mới có giá trị.

Tiếp theo là phần làm phép bàn thờ mới. Bắt đầu bằng Kinh cầu các Thánh. Sau đó, cha phó GB Đỗ Quốc Vinh đã dâng lên Đức Tổng xương thánh của các thánh Phêrô Đoàn Công Quý, Matthêu Lê Văn Gẫm, Anê Lê Thị Thành để ngài đặt vào Bàn Thờ. Bàn thờ tượng trưng cho thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đặt xương các thánh vào bàn thờ tượng trưng cho sự hiệp thông của Giáo hội vào hy tế của Đức Kitô.

Tiếp theo, Đức Tổng đọc lời nguyện cung hiến, nhắc đến các tổ phụ Nôê, Abraham, Môsê sau mỗi biến cố, đều dựng lên 1 bàn thờ để dâng hy lễ lên Chúa và hy lễ cuối cùng chính là Đức Kitô.

Đọc xong, ngài đổ dầu lên bàn thờ tại 5 chỗ tượng trưng cho cạnh nương long và chân, tay Chúa Kitô, các cha đồng tế phụ lau và mặc khăn thánh mới cho bàn thờ. Đức Cha chủ tế xông hương bàn thờ và lễ sinh xông hương cho cộng đoàn dân Chúa.

Kế tiếp là phần thắp sáng bàn thờ: Khi Đức Tổng thắp lên ngọn nến trên bàn thờ thì toàn bộ các bộ đèn vừa lắp đặt mới đã bật sáng rực lên khắp nhà thờ.

Phần phụng vụ Thánh Thể tiếp sau Nghi thức làm phép bàn thờ mới.

Cuối lễ, ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ Tân Định, đại diện giáo xứ cám ơn và tặng hoa cho Đức Tổng Giuse và cha Tổng đại diện. Trong dịp này, giáo xứ cũng chúc mừng và tặng hoa cho cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng hạt Phú Thọ nhân kỷ niệm 50 năm hồng ân linh mục vào ngày 18/12/2021 sắp tới đây.

Tiếp theo, cha Tổng Đại diện đã tuyên đọc Phép Lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô ưu ái gửi đến cha sở và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tân Định.

Trong phần đáp từ, Đức Tổng Giuse đã cám ơn và chúc mừng giáo dân giáo xứ Tân Định. Ngài mong rằng qua việc cung hiến bàn thờ mới này, giáo dân Tân Định sẽ ngày càng thánh thiện hơn, sống đạo đức hơn, đoàn kết yêu thương nhau hơn, và hy vọng sẽ giúp nhiều giáo xứ khó khăn hơn vì đây là một giáo xứ giàu mạnh. Nhân dịp Giáng sinh sắp đến, Đức Tổng cũng chúc mọi người được hưởng một mùa giáng sinh trong bình an, thánh thiêng và không quên những người khó khăn chung quanh mình.

Thánh lễ kết thúc, Đức Tổng trao Phép Lành Tòa Thánh cho các vị ân nhân và sau đó các nhóm đã lên chụp hình kỷ niệm chung với Đức Tổng Giuse. Mọi người ra về hân hoan vì lâu lắm, đoàn chiên mới gặp được vị mục tử của mình.

Bài: Hữu Lễ – Ảnh: Minh Phong
Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THÔNG BÁO VỀ VIỆC GIẢI TỘI TẬP THỂ
TRONG TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Do hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, nhiều tín hữu không có cơ hội lãnh nhận Bí tích Hòa giải nên đã không được rước Mình Thánh Chúa trong một thời gian dài.

Để các tín hữu có thể hiệp thông Thánh Thể, nhất là trong dịp đại lễ Giáng Sinh sắp tới, tôi cho phép quí cha được giải tội tập thể, với những điều kiện sau đây:

  1. Trong hai ngày 19 và 23 tháng 12 năm 2021, trước các thánh lễ.
  2. Các tín hữu cần chuẩn bị tâm hồn xứng hợp như khi xưng tội cá nhân, nghĩa là:
  • Xét mình kỹ lưỡng;
  • Thật lòng thống hối tội lỗi;
  • Quyết tâm chừa tội và sống thánh thiện hơn;
  • Đền bù những thiệt hại có thể đã gây ra;
  • Xưng lại các tội trọng sớm hết sức có thể, khi có dịp.
  1. Các cha cử hành nghi thức giải tội theo bản văn đính kèm.

Cầu chúc anh chị em, nhờ việc đón rước Thánh Thể, được luôn kết hợp với Chúa Giêsu như cành nho kết hợp với cây nho để đời sống chúng ta trổ sinh hoa trái dồi dào.

Ngày 16 tháng 12 năm 2021
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng giám mục

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 21 tháng 11 năm 2021

THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2021

  1. Niềm hy vọng một thế giới bình an

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ và anh chị em,

Hằng năm, cứ nghe đến Mùa Vọng và Giáng sinh là lòng chúng ta lại rạo rực phấn khởi. Giáng Sinh là mùa của ánh sáng, niềm vui và hy vọng. Từ hai năm qua, bóng đen Covid-19 đè nặng cuộc sống nhân loại. Đến nay bóng tối chưa qua hẳn, nhưng ánh sáng của bầu trời xanh đã lộ diện. Đã có lúc đại dịch phủ bóng sợ hãi lo buồn, nhưng “chúng ta đã giữ vững niềm hy vọng”. Cuộc sống đang dần dần ổn định.

Chúng ta đã kinh nghiệm thế nào là niềm hy vọng Kitô giáo. Với niềm tin tưởng phó thác, Dân Chúa đã liên lỉ cầu nguyện tha thiết. Tuy nhiên, chúng ta cầu nguyện không phải để Thiên Chúa làm thay chúng ta, nhưng để Ngài làm trong chúng ta và với chúng ta. Người Kitô hữu cầu nguyện không phải để khoán trắng cho Thiên Chúa, nhưng để Ngài ban tình yêu, sự khôn ngoan và sức mạnh giúp con người có khả năng biến đổi lịch sử. Thiên Chúa đã không làm phép lạ để đại dịch biến mất trong chốc lát, nhưng Ngài ban ơn trợ giúp để nhân loại tìm ra thuốc phòng ngừa, chữa trị các bệnh nhân, và chung tay liên đới giúp đỡ người nghèo khổ.

Như vậy lịch sử này là của con người, do con người kiến tạo, nhưng lịch sử ấy cũng là lịch sử cứu độ, vì “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), Ngài hành động qua chúng ta để qui hướng lịch sử này tiến đến chung cuộc là “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua).

Bước sang năm mới 2022, không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng chúng ta luôn hy vọng và tin vào tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong mầu nhiệm Giáng sinh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một … để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Hãy giữ vững niềm hy vọng để đừng sao nhãng việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về sự đói khát thiêng liêng. Nay được tới nhà thờ, anh chị em hãy tham dự phụng vụ cách ý thức và sốt sắng hơn.

Hãy giữ vững niềm hy vọng để xây dựng cuộc sống xã hội cũng như gia đình trong hoàn cảnh bình thường mới. Chắc chắn tương lai sẽ còn muôn vàn gian nan thử thách, nhưng “Chúa ở cùng anh chị em”, để giúp anh chị em vượt qua khó khăn và sống trong bình an. Niềm hy vọng cũng thúc đẩy chúng ta tiếp tục thực hiện Mục vụ chăm sóc đối với những người nghèo khổ và các em mồ côi vì Covid-19, như tôi đã đề nghị trong Thư Mục vụ đề ngày 4/10/2021.

  1. Niềm hy vọng một Hội Thánh hiệp hành

Cùng với niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp, chúng ta cũng mong muốn canh tân đời sống Hội Thánh để tất cả mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hóa. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa, mà cao điểm là Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI vào năm 2023 với chủ đề Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.

“Hiệp hành” là cùng đi với nhau. “Hội Thánh hiệp hành” là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Con đường hiệp hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Hội Thánh với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo.

Tại Việt Nam, hành trình hiệp hành cấp giáo phận sẽ khai mạc với Thánh lễ Chúa nhật I Mùa Vọng do Giám mục giáo phận chủ sự, và kéo dài đến tháng 8/2022. Trong ngày khai mạc, tại các cộng đoàn, quí cha vẫn dâng lễ theo phụng vụ Mùa Vọng, hiệp thông với Thánh lễ khai mạc do Giám mục chủ sự bằng cách giới thiệu chủ đề của Thượng Hội Đồng ở đầu lễ và đọc Lời nguyện tín hữu theo mẫu soạn sẵn.

Trong thời gian sắp tới, sẽ có những buổi gặp gỡ để tất cả và từng thành phần Dân Chúa thực hiện cuộc hiệp hành, nghĩa là cùng nhau cầu nguyện, trao đổi, lắng nghe, và phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhằm trả lời cho câu hỏi cốt yếu này: Chúng ta phải làm gì để xây dựng một Hội Thánh hiệp hành, nhờ đó Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả trong hoàn cảnh hôm nay.

Tôi bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền làm “linh hoạt viên” để qui tụ “nhóm hiệp hành” triển khai tiến trình hiệp hành cấp giáo phận. Đây là một biến cố lớn trong đời sống Hội Thánh. Vì thế, tôi ước mong tất cả các linh mục, tu sĩ, giáo xứ, dòng tu, các ban mục vụ, các đoàn thể, các giới và mọi thành phần khác, tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Anh chị em thân mến,

Kết thúc Thư Mục vụ này, chúng ta hướng nhìn lên Thánh Giuse, Đấng gìn giữ Hội Thánh. Ngài luôn âm thầm nhưng hành động hiệu quả. Ngay cả trong Năm đặc biệt về Thánh Giuse, Ngài vẫn chỉ là vị thánh âm thầm lặng lẽ, không một dấu ấn bên ngoài. Năm kính Thánh Giuse sẽ kết thúc ngày 8 tháng 12, nhưng Ngài vẫn “hiệp hành” cùng Hội Thánh với “Trái tim của người cha”. Xin Ngài dẫn dắt chúng ta trên đường kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành.

Nhân dịp Giáng sinh, tôi kính chúc gia đình Tổng giáo phận luôn bình an, đầy tràn ân sủng và niềm vui của Chúa Giêsu Cứu Thế. Xin Ngài đến cư ngụ giữa chúng ta và cùng bước đi với chúng ta trong hành trình gian nan đau khổ vì đại dịch.

Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Số: 231.4_211015_01

THÔNG BÁO
Tưởng nhớ đồng bào tử vong trong đại dịch

Kính thưa quý Cha, quý Bề trên và cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận,

Đến nay, số tử vong do dịch bệnh Covid-19 đã vượt 23.000 người trên cả nước, trong đó có hơn 17.000 người tại thành phố của chúng ta.

Trong các Thánh lễ hằng ngày, người tín hữu Công giáo luôn cầu nguyện cho “các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc” đã ly trần; bao gồm cả những người đã mất vì Covid-19.

Vào giờ kinh tối tại các gia đình hay cộng đoàn, chúng ta cũng cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người đã qua đời vì dịch bệnh.

Đặc biệt, ngày Chúa nhật 17 tháng 10 năm 2021 vừa qua, theo hướng dẫn của Hội đồng Giám mục, Giáo hội Công giáo Việt nam đã cử hành Ngày Toàn Quốc Xin Ơn Chữa Lành và Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Mất trong thời gian đại dịch.

Hòa chung tâm tình của người dân cả nước, vào lúc 20g30 tối thứ Sáu ngày 19 tháng 11 năm 2021, các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận sẽ đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19.

Trong tinh thần hiệp thông của tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Maria và Thánh Cả Giuse, chúng ta cùng phó thác người thân yêu trong gia đình hoặc cộng đoàn và tất cả mọi người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 15 tháng 11 năm 2021
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng ấn

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/10/2021

SÀI GÒN ĐÃ ĐỨNG DẬY
THƯ CÁM ƠN CỦA TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH

Kính thưa quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam,

Từ hơn 5 tháng qua, đại dịch đã bùng phát và gây ra biết bao thiệt hại cho cuộc sống người dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn lại trải qua những ngày tháng thử thách lớn lao như thế. Tính đến ngày 20/10/2021, đã có 420.946 ca nhiễm, 16.198 người chết. Cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn, đành bỏ lại thành phố sau lưng để về quê bất chấp nguy hiểm khó khăn; cả chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19. Công ty xí nghiệp đóng cửa; siêu thị cửa hàng dừng hoạt động. Suốt ba tháng người dân không được ra đường. Người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên. Nhiều người đã nằm xuống vĩnh viễn.

Sài Gòn chưa khỏe, nhưng hôm nay Sài Gòn đã đứng dậy. Đại dịch tạm lắng xuống, mặc dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Người Sài Gòn lại ra đường, thành phố lại nhộn nhịp. Các công ty, cửa hàng, siêu thị, rồi cũng sẽ hoạt động lại như trước. Sài Gòn không thể như hôm nay nếu không được cả nước chung tay hỗ trợ. Các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, các bác sĩ và nhân viên y tế, các thiện nguyện viên…, đã tận tụy phục vụ và dành cho Sài Gòn mọi ưu tiên với những phương tiện tốt nhất. Sài Gòn sẽ khỏe và sẽ lại vang lên “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”.

Trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo, khởi từ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong thư “Thương quá, Sài Gòn ơi” đề ngày 9/7/2021, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, Ban Caritas, Giới Doanh nhân Công giáo, các tổ chức và cá nhân, trong nước cũng như hải ngoại, đã hết lòng giúp đỡ người dân Sài Gòn, từ đồng tiền nhỏ bé của bà góa đến những khoản tiền tỷ; từ những bó rau, cây gừng cây sả, quả dừa, quả trứng, đến thịt cá hay những bao gạo hoặc thùng mì tôm; từ những chuyến xe miền Bắc, miền Trung, hay những con đò miền Tây… Tất cả đều chất chứa đầy ắp tình thương hội tụ về Sài Gòn, nhờ đó chúng con vừa được hưởng dùng vừa có thể chia sẻ cho những người dân chung quanh để cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn. Hôm nay chúng con đã đứng dậy.

Thay lời cho mọi thành phần Dân Chúa, con hết lòng cám ơn Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục, quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha, quí cha, quí tu sĩ và toàn thể anh chị em, đã cầu nguyện, khích lệ và quảng đại giúp đỡ chúng con trong thời gian đại dịch vừa qua. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên quí Đức Cha và toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, nguyện xin Thiên Chúa chữa lành và ban bình an cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 4 tháng 10 năm 2021

THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội và tạm ngưng các cử hành phụng vụ cộng đồng, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới; các sinh hoạt tôn giáo cũng dần dần được phục hồi. Tiếp theo “Thông báo tái khởi động một phần sinh hoạt cộng đoàn”, nay tôi nêu lên một ít hướng dẫn mục vụ trong bối cảnh hậu giãn cách.

  1. Đời sống đức tin

Đối với người Công giáo, thánh lễ là một sinh hoạt thiết yếu, vì đức tin Công giáo vừa là niềm tin trong nội tâm, mang chiều kích cá nhân, vừa là sự gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh được qui tụ chung quanh mục tử. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp, mà chỉ giúp nuôi dưỡng đức tin, dành cho người không thể đến nhà thờ, cách riêng là bệnh nhân, người già yếu và trẻ em trong thời điểm hiện tại.

Sau thời gian đói khát Thánh Thể, nay anh chị em đã có thể tham dự thánh lễ. Hiện tại chúng ta phải chấp nhận giới hạn số lượng tập trung trong nhà thờ, vì mặc dù đa số đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Sau này, khi các sinh hoạt trở lại bình thường, anh chị em hãy đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể là sự sống thần linh; đừng để vì giãn cách lâu quá mà tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh. Ngắm nhìn một bữa tiệc ngon, làm sao bằng chính mình được ăn tiệc!

Bước vào tháng 10, đáp lại lời Đức Mẹ Fatima mời gọi, chúng ta hãy ăn năn sám hối, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ để hoán cải và sống theo Tin Mừng. Nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta xin Chúa ban bình an và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là xin ơn chữa lành trong thời gian đại dịch đau thương này.

  1. Ngày toàn quốc cầu nguyện

Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục đã quyết định cử hành Ngày Toàn quốc Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Mùa đại dịch. Cụ thể như sau:

  • Thánh lễ ngày Chúa nhật, 17/10/2021: tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ theo ý chỉ chung: cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh.

Ngoài thánh lễ, các cộng đoàn cũng cử hành giờ Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi hoặc lần hạt Lòng Chúa Thương Xót.

Những ai không thể tham dự trực tiếp, xin hiệp thông trực tuyến qua mạng internet.

  • Giữ Chay trong ngày Thứ Sáu, 22/10/2021: cùng với lời cầu nguyện, mỗi người sẽ giữ chay và làm những việc hy sinh để đền bù tội lỗi của mình cũng như của nhân loại, và làm một việc bác ái giúp đỡ người nghèo khổ.
  1. Mục vụ chăm sóc

Đại dịch như cơn lũ càn quét thành phố suốt 5 tháng. Mặc dù lũ chưa qua hẳn, nhưng những mất mát thiệt hại đang lộ ra trước mắt: biết bao người nhiễm bệnh, người chết vì bệnh, người chết vì tự tử, người nghèo đói, người rời thành phố về quê… Bên cạnh đó, nhiều người đang chịu hậu quả trầm trọng về tâm lý và tinh thần: nhiều bệnh nhân dù thân xác đã khỏi bệnh nhưng tâm lý sẽ còn bị tổn thương lâu dài; nhiều người mất hết thân nhân nay còn lại một mình cô đơn.

Đây là lúc “các mục tử chăm sóc và thân hành kiểm điểm lại đoàn chiên” (x. Ed 34, 11-12). Người mục tử tốt biết chiên của mình (x. Ga 10, 14). Tôi đề nghị quí cha, các hội đồng mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, hãy kiểm điểm lại đoàn chiên, bằng cách thăm viếng (luôn giữ 5K) hay gọi điện thoại, để biết rõ hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình: ai bệnh, ai chết, người nào nghèo đói, người nào cô đơn, em nào mồ côi, người nào đã rời bỏ giáo xứ.

Anh chị em hãy an ủi, động viên và giúp đỡ những anh chị em đang đau khổ. Một lời chia sẻ cảm thông, những lần thăm viếng thường xuyên, sẽ đem lại sức mạnh và nghị lực tinh thần để họ đứng dậy tiếp tục bước đi. Nếu gặp một người bị tổn thương tâm lý trầm trọng, anh chị em hãy giúp họ gặp các chuyên viên tâm lý để chữa trị.

Trong thời gian qua, các giáo xứ và dòng tu đã rất quảng đại phân phát lương thực và hỗ trợ tài chánh cho người nghèo trong các khu xóm, đồng thời phối hợp với Văn phòng Hội đồng Giám mục, với Ban Caritas và Giới Doanh nhân Công giáo để thực hiện chương trình “Thương quá, Sài Gòn ơi”. Xin cám ơn anh chị em. Hãy tiếp tục nâng đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Một vấn đề cần quan tâm lúc này, là các em mồ côi. Theo vnexpress ngày 14/9/2021, hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì cha mẹ và anh chị đã mất vì Covid. Con số thực tế cao hơn rất nhiều.

Ngoài sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, tôi mời gọi quí cha, các dòng tu, các hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi”. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.

Về vật chất, Giới Doanh nhân Công giáo đang thực hiện chương trình “Lan tỏa Yêu thương” đợt IV, để hỗ trợ tài chánh cho những gia đình neo đơn, cách riêng là các học sinh mồ côi, trước mắt là trong 10 tháng và sẽ tiếp tục lâu dài.

Còn về tinh thần, đề nghị các giáo xứ lập danh sách các em mồ côi trong địa bàn, không phân biệt tôn giáo; sau đó các em vẫn ở lại với họ hàng, nhưng mỗi em sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội.

Gia đình nào có thể bảo lãnh nuôi dưỡng một em mồ côi lâu dài, đó là điều rất quí.

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày chúng ta đều bước đi với những vấn đề mới. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Nhưng chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Cha Trên Trời và đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục sinh.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Giuse, xin Chúa chúc lành và ban bình an cho gia đình Tổng giáo phận và cho toàn thể nhân loại.

 

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục