Đức Giêsu Kitô – Đường khiêm hạ
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 10 năm 2020
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng Chín vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thinh Lặng. Tháng Mười này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Khiêm Hạ. Theo nội dung đức tin Ki-tô giáo, với quyền năng của Người, Đức Giê-su có thể đến với gia đình nhân loại theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, Người đã đến bằng Đường Khiêm Hạ để phục hồi phẩm giá con người và cho con người được tham dự vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa.
Từ ‘khiêm hạ’ trong tiếng Việt tương đương với ‘humility’ trong tiếng Anh, phát xuất từ tiếng La Tinh ‘humilis’ (thấp, gần mặt đất; humus: đất). Khiêm hạ là đặc tính căn bản diễn tả thân phận con người trước mặt Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, khiêm hạ ngược lại với khoe khoang, kiêu ngạo. Người khiêm hạ không tự cao tự đại, nhưng cậy dựa vào Thiên Chúa (Cn 3,7; Tv 131,1; Rm 12,3.16). Khiêm hạ là thái độ của con người, thụ tạo tội lỗi trước Đấng toàn năng, chí thánh, và nhìn nhận rằng mọi sự mình có đều do Người ban tặng (1 Cr 4,7). Người khiêm hạ biết mình là tội nhân, là đầy tớ vô dụng (Lc 5,8; Lc 17,10; Gl 6,3). Họ mở lòng đón nhận ơn Thiên Chúa, vì Thiên Chúa hằng đoái thương họ (Gc 4,6; 1 Sm 2,7; Cn 15,33). Nói chung, khiêm hạ diễn tả thái độ con người ‘biết mình’, ‘biết tha nhân’, ‘biết Thiên Chúa’ và ‘biết luôn qui hướng về Người’.
Trong Cựu Ước, đặc tính khiêm hạ gắn liền với những người mọn hèn trong xã hội. Họ là ‘những người nghèo của Gia-vê (Đức Chúa)’ và phó thác hoàn toàn cuộc sống mình cho Người. Họ luôn là ‘những đối tượng đặc biệt’ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn lắng nghe và ra tay giải thoát họ khỏi cảnh áp bức, bất công như Lời Thiên Chúa phán trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Kẻ được Ta đoái nhìn: Đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Is 66,2). Hơn nữa, Thiên Chúa còn đưa ra những huấn lệnh cho dân Do-thái là phải tôn trọng, quan tâm và chăm sóc họ. Lịch sử Cựu Ước cũng là lịch sử của việc Thiên Chúa đề cao người khiêm hạ, chống lại phường kiêu căng. Đặc biệt, những người khiêm hạ được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.
Áp-ra-ham, Mô-sê và Đa-vít là những người khiêm hạ điển hình trong Cựu Ước, chẳng hạn, Áp-ra-ham nói với Thiên Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18,27); Mô-sê được mô tả là “người hiền lành nhất đời” (Ds 12,3); Đa-vít thân thưa cùng Thiên Chúa: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,1-2). Các ngôn sứ của Thiên Chúa là những người khiêm hạ, chẳng hạn, ngôn sứ I-sai-a thốt lên: “Tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6,5), còn Giê-rê-mi-a thì thành khẩn: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6). Tiếp tục với truyền thống Cựu Ước, trong thời Tân Ước, Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se, thánh Gio-an Tẩy Giả là những người khiêm hạ. Thiên Chúa mời gọi các ngài cách đặc biệt để tham dự vào chương trình cứu độ của Người được thực hiện nhờ Đức Giê-su, Đường Khiêm Hạ.
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su được sinh ra và lớn lên trong ‘môi trường khiêm hạ’. Trước khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, Người đã diễn tả sự khiêm hạ của mình bằng cách xuống sông Gio-đan để chịu Phép Rửa bởi Gio-an Tẩy Giả. Sau đó, Người vào hoang địa ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và chịu ba cơn cám dỗ: Cám dỗ về sự thỏa mãn (biến đá thành bánh để ăn), cám dỗ thể hiện quyền năng (nhảy từ trên cao xuống đất) và cám dỗ về vật chất (các vương quốc và sự giàu sang trần thế). Đức Giê-su đã từ chối thực thi những điều ngoại thường do ma quỷ đặt ra. Người đã không thể hiện quyền năng của mình theo mưu mô thâm độc của ma quỷ, nhưng thể hiện sự khiêm hạ, tùng phục Thiên Chúa để chiến thắng ma quỷ (Mt 4,1-11).
Trong hành trình rao giảng, Đức Giê-su từng loan báo rằng Tin Mừng của Người dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người khiêm hạ. Để minh chứng điều đó, Người đã diễn tả sự khiêm hạ của mình bằng cách cúi xuống với tất cả mọi người: Người cúi xuống với những người bị quỷ ám, cúi xuống với những người bệnh tật, cúi xuống với những người bị bỏ rơi, cúi xuống với những người bị loại trừ trong đời sống tôn giáo hay xã hội. Tâm tình, lời nói và hành động của Đức Giê-su đều mang âm hưởng của sự khiêm hạ. Là Thiên Chúa, Đức Giê-su không bao giờ diễn tả mình như một vị vua, một tướng quân, một anh hùng hào kiệt, một nhà lãnh đạo tài ba. Căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người không giống với bất cứ vĩ nhân nào trong dòng lịch sử nhân loại.
Những lời nói và việc làm của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su vừa là Con Thiên Chúa vừa là con loài người. Tuy nhiên, Đức Giê-su thường diễn tả mình như là con loài người hơn là Con Thiên Chúa, bởi vì, trong mọi hoàn cảnh, Người thể hiện mình là người khiêm hạ, luôn đứng về phía những nạn nhân của muôn hình thức bất công, đau khổ. Những gì Đức Giê-su thực hiện giúp họ hướng tới sự giải thoát và vinh thắng chung cuộc của Thiên Chúa trên tội lỗi, đau khổ và sự chết. Đức Giê-su không diễn tả chính mình như ‘Thiên Chúa là’ (vinh quang, danh dự, uy quyền), nhưng diễn tả chính mình như ‘con người là’ (đau khổ, cùng cực bởi sức nặng của tội lỗi và hậu quả khôn lường của tội lỗi là sự chết).
Đức Giê-su khiêm hạ khi tiếp cận người tốt hay kẻ xấu, Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do. Người khiêm hạ khi cho phép người tội lỗi, người thánh thiện, người giàu, người nghèo, người nữ, người nam trở thành những người loan báo và phục vụ Tin Mừng (Mt 8,5-13; Lc 8,1-3; Ga 4,1-42). Người khiêm hạ khi nhìn nhận con người với cả những điểm tích cực và tiêu cực. Dụ ngôn cỏ lùng cho chúng ta biết điều đó (Mt 13,24-30.36-43). Người khiêm hạ khi để cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt tự do bán Người cho quân dữ. Người khiêm hạ khi để cho các môn đệ tự do lìa bỏ Người. Người khiêm hạ khi để cho tên trộm cướp sát nhân nhục mạ Người trên thập giá (Lc 23,39).
Đức Giê-su đề cao những người sống đời khiêm hạ. Chẳng hạn, quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho Đền Thờ, có lắm người bỏ nhiều tiền và cũng có một bà góa chỉ bỏ vào hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma, Người nói với các môn đệ: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43). Đức Giê-su biết rằng bà không bỏ bằng đồng tiền dư thừa nhưng bằng ‘chính sự sống của mình’. Số tiền này quá ít ỏi nhưng đây là gia sản bà có được. Bà đã bỏ tiền vào Đền Thờ với tất cả tâm tư, tình cảm và lòng đạo đức của mình. Với Đức Giê-su, điều chính yếu không phải là số tiền bà dâng cúng mà là trái tim của bà đối với việc đóng góp cho Đền Thờ. Với Đức Giê-su, chất lượng thì hơn số lượng, ‘nồng độ khiêm hạ’ hay ‘nồng độ tình yêu’ trong công việc thì quan trọng hơn ‘trương độ’ hay ‘số lượng’ công việc. Với Đức Giê-su, con người có trái tim nhân hậu, trái tim biết rung cảm trước những đau thương hay thiếu thốn của người khác thì quan trọng hơn những gì mang tính hình thức bên ngoài.
Một trong những điều Đức Giê-su thường khuyên dạy các môn đệ là tránh thói giả hình. Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện diễn tả điều đó. Trong Đền Thờ, người Pha-ri-sêu đứng thẳng (dấu chỉ của kiêu ngạo) kể lể những gì ông ta làm được, còn người thu thuế thì “đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Đức Giê-su kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Đức Giê-su cho mọi người biết rằng người đạo đức đích thực là người khiêm hạ, chứ không phải là người khoe khoang những thành tích mình đạt được.
Thánh Mát-thêu trình thuật rằng khi các môn đệ hỏi Đức Giê-su “ai là người lớn nhất trong Nước Trời?“, Người đã gọi một em nhỏ lại và bảo “nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-2)). Ngay trong sự kiện này, chúng ta thấy được sự khiêm hạ của Đức Giê-su. Người không chỉ vào mình và nói rằng ‘Thầy khiêm hạ từ nhỏ đến lớn, anh em hãy học từ Thầy’, nhưng Người chỉ vào em nhỏ. Chúng ta biết rằng trẻ nhỏ luôn có tâm hồn nhạy cảm. Trẻ nhỏ biết ngạc nhiên trước một bông hoa đẹp, trước một hòn đá nhỏ, trước một món quà đơn sơ. Trẻ nhỏ biết ngạc nhiên trước cảnh hùng vĩ của hừng đông hay chiều tà. Trẻ nhỏ dễ lắng nghe, dễ tiếp nhận, dễ vâng phục. Trẻ nhỏ biết ‘phó thác bản thân’ cho người khác chăm sóc hướng dẫn. Trẻ nhỏ thích tìm tòi, khám phá. Trẻ nhỏ luôn sẵn sàng mở lòng trí cho những kiến thức hay thực tại mới mẻ. Trẻ nhỏ có thể không giải thích các sự kiện hay biến cố xảy đến, nhưng lại đón nhận các sự kiện hay biến cố với tinh thần ngạc nhiên, quảng đại, bao dung. Trẻ nhỏ có thể không hiểu từ ‘khiêm hạ’ là gì, nhưng khiêm hạ lại là ‘bản tính tự nhiên’ của chúng. Do đó, để đến với Đức Giê-su, để lĩnh hội và thực thi giáo huấn của Người, tất cả mọi người phải có ‘tâm hồn trẻ nhỏ’.
Đức Giê-su thể hiện sự khiêm hạ của mình cách đặc biệt trong Biến Cố Vượt Qua. Người vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Con Vua Đa-vít, là Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, Người không thể hiện mình là Con Vua Đa-vít hay Đấng Mê-si-a theo nhãn quan trần tục, nhãn quan đậm màu chính trị, xã hội của dân Do-thái (Mt 21,1-11). Đức Giê-su đã không ‘đánh Đông dẹp Bắc’ để đem lại sự hưng thịnh và vinh quang trần thế cho dân Do-thái, nhưng Người đã tẩy trừ tội lỗi và sự chết để đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại bằng Đường Khiêm Hạ. Đức Giê-su là vua, nhưng Người không cưỡi trên lưng ngựa như các vị vua đương thời. Người cũng không cưỡi trên lưng con lừa trưởng thành, mà lại cưỡi trên lưng lừa con. Sự kiện này ứng nghiệm lời ngôn sứ trong Cựu Ước: “Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9; Mt 21,5).
Sự khiêm hạ của Đức Giê-su được diễn tả qua việc Người hạ mình xuống với con người, sống thân phận con người, chết vì con người. Chính Đức Giê-su đã ‘tự làm cho mình’ trở nên phàm nhân và nạn nhân của các hình thức đau khổ trong gia đình nhân loại. Người đã làm cho mình trở nên ‘trống rỗng’ (κένωσις, kénōsis), vì Người đã trút bỏ tất cả những gì thuộc về Người và nhận vào mình tất cả tội lỗi và sự chết của mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế mà đưa lên cây thập giá (1 Pr 2,18-24). Chúng ta biết rằng quyền năng, danh dự và vinh quang của Đức Giê-su là quyền năng, danh dự và vinh quang của Thiên Chúa. Do đó, khi Đức Giê-su trút bỏ tất cả cũng là khi Người mang lấy tất cả những hậu quả do tội lỗi gây nên và trả lại cho con người phẩm giá là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ danh Người.
Hình ảnh Đức Giê-su gục đầu xuống trên thập giá đáng chúng ta quan tâm nhất (Ga 19,30). Hình ảnh này gợi lên trong chúng ta hình ảnh đối lập nơi A-đam kiêu ngạo, sa chước cám dỗ, ngước đầu lên trong buổi đầu sáng tạo. Hình ảnh Đức Giê-su gục đầu xuống nhắc nhở chúng ta về sức nặng của tội lỗi nhân loại mà Người phải gánh chịu. Hình ảnh này cũng nhắc nhở chúng ta về việc cần thiết phải gục đầu sám hối ăn năn vì những tội lỗi và bất xứng của bản thân trong hành trình dương thế. Hơn nữa, hình ảnh này cũng nhắc nhở chúng ta sự cần thiết phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tắt một lời, hình ảnh Đức Giê-su gục đầu xuống nhắc nhở chúng ta phải sống khiêm hạ theo khuôn mẫu Người.
Dưới nhãn quan của một số người, Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Biến Cố thất bại. Thiên Chúa không thể đến với nhân loại và hành xử theo cách đó. Sự khiêm hạ của Đức Giê-su là quá mức và không cần thiết. Tuy nhiên, trong chương trình của Thiên Chúa, sự khiêm hạ của Đức Giê-su đem lại ơn cứu độ và giải phóng tận căn cho tất cả mọi người. Sự khiêm hạ của Người không hợp lý theo ý con người, đó là lý do giải thích tại sao “người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23). Tuy nhiên, sự khiêm hạ của Người lại hợp lý theo ý Thiên Chúa, bởi vì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa không phải là đường lối và tư tưởng của con người. Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a minh chứng điều đó: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9).
Nhờ Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa được diễn tả trong gia đình nhân loại. Nhờ Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, sự sống đã chiến thắng sự chết. Nhờ Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, trật tự các giá trị theo nhãn quan của con người bị đảo lộn. Theo ngôn ngữ của thánh Phao-lô, nhờ Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1 Cr 1,27-28). Nhờ Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, sự kiêu ngạo của Nguyên Tổ và những dẫn xuất của sự kiêu ngạo này bị tiêu diệt.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng A-đam là con người nhưng lại muốn trở thành ‘vị thần biết điều thiện điều ác’ (St 3,5), Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trở thành con người, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. A-đam đi lên, còn Đức Giê-su đi xuống. A-đam khẳng định chính mình, còn Đức Giê-su trút bỏ chính mình. A-đam đi đường thênh thang, còn Đức Giê-su đi đường nhỏ hẹp. A-đam đi đường bất tuân Thiên Chúa, còn Đức Giê-su đi đường tuân phục Thiên Chúa. A-đam đi đường giàu sang, còn Đức Giê-su đi đường nghèo khó. Vì đường A-đam, sự chết đến trần gian, nhờ Đường Đức Giê-su, Sự Sống đến với trần gian để khôi phục sự sống cho tất cả mọi người. Thánh Phao-lô viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Suy niệm về sự khiêm hạ theo mặc khải Ki-tô giáo, thánh Au-gút-ti-nô viết: “Kiêu ngạo làm cho các thiên thần trở thành ác quỷ, khiêm hạ làm cho con người trở thành những thiên thần.”
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng bóng tối không thể đẩy lui bóng tối, chỉ có ánh sáng mới đẩy lui được bóng tối mà thôi. Đức Giê-su đã minh chứng điều đó trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chẳng hạn, khi Người trừ quỷ thì một số người bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15). Đức Giê-su nói: “Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” (Lc 11,18). Người nói tiếp: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Do đó, cây trái cấm trong Vườn Địa Đàng chỉ có thể thay thế bằng cây thập giá Đức Giê-su. ‘Vi-rút kiêu ngạo’ của A-đam chỉ có thể bị đánh bại bằng ‘Vắc-xin Khiêm Hạ’ của Đức Giê-su. Bệnh kiêu ngạo của A-đam chỉ có thể cứu chữa bằng Thuốc Khiêm Hạ của Đức Giê-su. Trái tim kiêu ngạo của A-đam chỉ có thể biến đổi bằng Trái Tim Khiêm Hạ của Đức Giê-su. Sự chết của A-đam chỉ có thể chữa trị bằng sự sống của Đức Giê-su. Đường kiêu ngạo của A-đam chỉ có thể triệt tiêu bằng Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su.
Suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, chúng ta nhận thức rằng tình yêu của Người đạt đỉnh điểm không phải qua những kỳ công vĩ đại Người thực hiện trên trần gian, nhưng qua sự khiêm hạ của Con Yêu Dấu Người là Đức Giê-su. Chính sự khiêm hạ của Đức Giê-su làm cho tình yêu của Thiên Chúa khác biệt so với tất cả các dạng thức tình yêu mà con người có thể cảm nhận trong lịch sử nhân loại. Sự khiêm hạ của Đức Giê-su cũng chính là tình yêu của Người đối với tất cả mọi người. Nói cách khác, tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu trong khiêm hạ hay khiêm hạ của Đức Giê-su là khiêm hạ trong tình yêu. Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người am hiểu và diễn tả rất mạch lạc về điều này (Rm 8,31-39).
Đối với thánh Phao-lô, tình yêu hay đức mến và sự khiêm hạ định nghĩa lẫn nhau và giải thích cho nhau. Người sống đời khiêm hạ cũng là người sống đời yêu thương và ngược lại: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Như thế, những gì thánh nhân diễn tả về đức mến chính là những gì phát xuất từ sự khiêm hạ. Thánh Gio-an tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Theo nhãn quan của thánh Phao-lô, chúng ta cũng có thể khẳng định: Thiên Chúa là khiêm hạ. Người diễn tả sự khiêm hạ tột cùng trong Biến Cố Đức Giê-su giữa lòng nhân thế.
Sự khiêm hạ của Đức Giê-su có tính lan tỏa, thẩm thấu và biến đổi tâm hồn những ai tiếp cận Người. Chẳng hạn, ngay trong buổi đầu, khi diện kiến Đức Giê-su cũng như sứ mệnh của Người và trước mẻ cá lạ, thánh Phê-rô đã thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Khi Phê-rô khiêm hạ nhận ra thân phận của mình, Đức Giê-su đã chọn ngài trở thành môn đệ Người (Lc 5,10-11). Thấm nhuần giáo lý Thầy mình, trong hành trình loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô viết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Tương tự như vậy, khi gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh trên đường Đa-mát và được Người biến đổi, thánh Phao-lô khiêm hạ nhìn nhận: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1,15). Kinh nghiệm về Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, ngài không chỉ trung tín với Đường Khiêm Hạ mà còn hướng dẫn người khác sống Đường Khiêm Hạ. Ngài viết: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức” (Rm 12,3) hay “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2).
Mặc khải Ki-tô giáo cho chúng ta nhận thức rằng kiêu ngạo là ‘tội đầu của các tội’ và khiêm hạ là ‘nhân đức đầu của các nhân đức’. Hơn nữa, người sống và thực thi nhân đức khiêm hạ cũng là người sống và thực thi các nhân đức khác trong nội dung đức tin Ki-tô giáo. Tuy nhiên, nhân đức khiêm hạ không phải là nhân đức mà con người có thể đạt được, sống và diễn tả luôn mãi. Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội Nguyên Tổ vẫn còn ‘lay động trái tim mọi người’. Nếu không có sự kết hợp liên lỉ với Đức Giê-su, người khiêm hạ có thể trở thành người kiêu ngạo trong giây lát. Nói cách khác, biên giới giữa khiêm hạ và kiêu ngạo thật mong manh và dễ đổ vỡ. Nhân đức khiêm hạ là lộ trình dang dở cho tất cả mọi người trong hành trình trần thế. Do đó, nhân đức này cần được quan tâm, gìn giữ và vun đắp mỗi ngày.
Sự kiêu ngạo và sự khiêm hạ tỷ lệ nghịch với nhau: Sự kiêu ngạo càng lớn thì sự khiêm hạ càng nhỏ và ngược lại. Để sự khiêm hạ ngày càng được lớn lên, con người không có chọn lựa nào khác là đi Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, Đường Duy Nhất cho tất cả mọi người. Đây là Đường đòi hỏi tất cả mọi người phải biết cúi đầu, biết trút bỏ, biết nhận ra thân phận yếu đuối của mình trước mặt Thiên Chúa, đồng thời, biết nhìn nhận người khác như là anh chị em của mình, đồng thời, quan tâm đến muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Người đi Đường Khiêm Hạ biết luôn trở về với chính mình để nhận ra những thiếu sót, bất xứng của bản thân và biết qui hướng về giáo huấn của Đức Giê-su nhằm biến đổi tâm hồn mình luôn mãi.
Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su mà chúng ta thường quen gọi là Tám Mối Phúc hay Hiến Chương Nước Trời là bài giảng về sự khiêm hạ. Chẳng hạn, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4); “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8); “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Hơn ai hết, chính Đức Giê-su đã sống và thực thi Tám Mối Phúc này. Do đó, ai theo Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su, người đó cần phải noi gương, bắt chước Người.
Ai trong chúng ta cũng muốn làm điều tốt nhưng trong thực tế nhiều khi chúng ta lại làm điều xấu. Thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm như thế và đã chia sẻ cho mọi người (Rm 7,19). Chúng ta lắng nghe, hiểu biết, thậm chí giảng dạy cho người khác về Tám Mối Phúc, tuy nhiên, điều đó chưa đủ, thực hành Tám Mối Phúc mới là quan trọng. Để thực hành Tám Mối Phúc, mỗi người chúng ta phải thực sự thấm nhuần Tám Mối Phúc, yêu mến Tám Mối Phúc và ‘cho phép’ Tám Mối Phúc trở thành trung tâm của đời sống mình. Hơn nữa, để thực hành Tám Mối Phúc, nhiều lúc chúng ta phải bơi ngược dòng, phải biết ‘nói không’ với những gì phản lại giáo huấn Đức Giê-su trong đời sống cũng như trong các tương quan của bản thân mình giữa những gian trá và vàng thau lẫn lộn của thế sự.
Suy niệm về Tám Mối Phúc, chúng ta nhận ra rằng người khiêm hạ là người nhận ra sự bất toàn, bất xứng, bất hòa hợp của bản thân và sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Người khiêm hạ biết thinh lặng, biết lắng nghe và biết quan tâm đến người khác. Người khiêm hạ luôn biết vâng phục Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt, trong những lúc phải đương đầu với muôn hình thức đau khổ về thể xác và tâm hồn. Người khiêm hạ biết kiên tâm chịu đựng trước những nghịch cảnh của cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như kiên nhẫn trước sự vu oan hay hiểu lầm từ người khác; kiên nhẫn khi sự tốt, sự lành, sự thiện chưa được biểu lộ; kiên nhẫn theo lời giảng dạy của Đức Giê-su khi để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt (Mt 13,30). Đặc biệt, người khiêm hạ biết kiên nhẫn làm chứng cho Đức Giê-su theo gương các thánh tử đạo trong dòng lịch sử Giáo Hội.
Trên thế giới, con cháu A-đam có thể phân biệt về sắc tộc, màu da, tôn giáo, văn hóa cũng như nhiều đặc điểm khác, tuy nhiên, não trạng ‘tôn mình lên và hạ người khác xuống’ là não trạng chung của nhiều người. Não trạng này đã gây biết bao tang tóc đối với gia đình nhân loại. Ghen tương, giận hờn, thù ghét, chiến tranh, nghèo đói và tất cả các hình thức đau khổ do con người gây nên, xét cho cùng, đều xuất phát từ não trạng ‘tôn mình lên và hạ người khác xuống’. Châm ngôn của Đức Giê-su rất ngắn gọn: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Châm ngôn này dễ học, dễ nhớ, dễ dạy bảo nhưng không dễ thực hiện, bởi vì Tội Nguyên Tổ và ‘dư chấn của Tội này’ vẫn rền vang trong môi trường thế giới thụ tạo, đặc biệt, trong tâm hồn của tất cả mọi người.
Đức Giê-su khiêm hạ ngay cả khi Người không bắt buộc chúng ta phải theo Đường Khiêm Hạ mà Người đã thực thi trong hành trình trần thế. Người mời gọi chúng ta và kiên nhẫn chờ đợi sự tự do đáp trả của chúng ta đối với Đường Khiêm Hạ cũng là Đường Cứu Độ của Người. Trong bài giảng 169, thánh Au-gút-ti-nô viết: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta mà không cần chúng ta [cộng tác]; nhưng Người sẽ không cứu độ chúng ta mà không cần chúng ta [cộng tác]”. Quả thực, Thiên Chúa đã thực thi chương trình cứu độ của Người bằng Đường Khiêm Hạ của Con Yêu Dấu Người là Đức Giê-su. Do đó, ai tự do theo Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su và thực hành Đường Khiêm Hạ ấy trong đời sống mình thì sẽ được chung hưởng hoa trái tốt lành mà Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su mang lại, đó là sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa.
Những quan sát, đánh giá và khai triển trên đây cho phép chúng ta có được nhận định khái quát rằng Đức Giê-su đã đi Đường Khiêm Hạ đến với gia đình nhân loại, hầu trả lại phẩm giá và đem ơn cứu độ cho con người. Như thế, Đường Khiêm Hạ không chỉ là Đường các Ki-tô hữu, mà còn là Đường của tất cả mọi người. Đức Giê-su cho chúng ta bài học thâm thúy rằng ai không biết cúi xuống thì cũng không được nâng lên. Ai không đi Đường Khiêm Hạ của Người thì cũng không thể chung phần vinh phúc với Người. Chúng ta được mời gọi suy niệm, học hỏi và thực thi Đường Khiêm Hạ của Đức Giê-su trong hành trình trần thế này. Đường Khiêm Hạ của Người chính là Đường Cứu Độ của Thiên Chúa, Đường cho phép con người không ngừng được biến đổi, tái tạo và ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa, Đấng là Nguyên Thủy và Cùng Đích của con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Ủy ban Giới Trẻ và Thiếu Nhi / HĐGM VN
Các chủ đề học hỏi và suy niệm năm 2020:
- Tháng 01/2020: Đức Giêsu – Hoàng Tử Bình An
- Tháng 02/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường xuống với con người
- Tháng 03/2020: Đức Giêsu Kitô – ĐƯỜNG THẬP GIÁ
- Tháng 04/2020: Đức Giêsu Kitô – ĐƯỜNG TÌNH YÊU
- Tháng 05/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường Chữa Lành
- Tháng 06/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường Trái Tim
- Tháng 07/2020: Đức Giêsu Kitô – ĐƯỜNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH
- Tháng 08/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường thánh thiện
- Tháng 09/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường thinh lặng
- Tháng 10/2020: Đức Giêsu Kitô – Đường khiêm hạ