21/01 – Thứ Năm tuần 2 thường niên. – Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
“Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.

LỜI CHÚA: Mc 3, 7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm.

Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

20/01 – Thứ Tư tuần 2 thường niên.
“Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?”

LỜI CHÚA: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng.

Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

19/01 – Thứ Ba tuần 2 thường niên.
“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.

LỜI CHÚA: Mc 2, 23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?”

Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?”

Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

18/01 – Thứ Hai tuần 2 thường niên. Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
“Tân lang còn ở với họ”.

LỜI CHÚA: Mc 2, 18-22

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.

Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

17/01 – Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên năm B.
“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

Lời Chúa: Ga 1, 35-42

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Ga 1,35-42
Hãy đến mà xem!

1. Một ngày kia có một vị ẩn sĩ đọc xong đoạn Tin mừng này thì hỏi các đệ tử của mình như thế này:

– Nếu phải chọn một câu trong bài Tin mừng hôm nay để suy niệm thì các con sẽ chọn câu nào ?

Người thì chọn câu;

– Các ngươi tìm gì ?

Người thì chọn câu

– Hãy đến mà xem.

Người khác nữa thi lại chọn:

– Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia nghĩa là Đấng Kitô.

Sau đó các đệ tử hỏi ngược lại:

– Còn Thầy, thầy sẽ chọn câu nào ?

Ông đáp ngay:

– Hãy đến mà xem.

Phải là người có tầm cỡ như Chúa Giêsu hay ít nữa dám sống tinh thần của Chúa Giêsu thì mới có đủ can đảm để nói lên một lời như thế.

Có thể nói câu này đáng trở thành khẩu hiệu cho các nhà quảng cáo cũng như cho các nhà lãnh đạo chân chính muốn thành công trong sự nghiệp của mình

Câu chuyện xảy ra đơn giản như thế này:

Hai môn đệ Gioan Tẩy Giả đến với Chúa và hỏi Chúa rằng:

– Thầy ở đâu ?.

Đức Kitô trả lời:

– Hãy đến mà xem.

Hai môn đệ đã đến nơi Đức Kitô ở. Họ đã chứng kiến tận mắt nơi chốn Ngài ở,

chỗ Ngài cầu nguyện,

chỗ Ngài làm việc, chỗ Ngài tiếp khách,

chỗ Ngài ăn uống,

chỗ Ngài nghỉ ngơi.

Họ đã chứng kiến tận mắt cung cách sống của Đức Kitô:

cách Ngài tiếp xúc,

cách Ngài nói năng,

cách Ngài ăn uống,

cách Ngài phản ứng.

Họ cũng thấy tận mắt thấy những cái gì thuộc về tính người tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô và qua đó thấy được phương hướng đời Đức Kitô

qua những thao thức,

qua những vui buồn,

qua những tính toán,

qua những lo toan của Đức Kitô.

Chỉ sau một ngày một đêm, hai môn đệ ấy đã đi hết từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, từ mến phục này đến mến phục khác. Họ khám phá thấy nơi Đức Kitô những giá trị tuyệt vời, làm cho Đức Kitô có

một bản lãnh cao,

một nhân cách đáng phục,

một phẩm cách đáng kính.

Nghèo nhưng giàu tư cách,

khiêm nhường nhưng đầy tính văn hóa,

đơn sơ nhưng làm cho người ta kính trọng.

Chỉ một ngày một đêm, được nhìn tận mắt thấy cách sống của Đức Kitô, hai môn đệ đã bị thuyết phục, đã bỏ hết mọi sự và tình nguyện đi theo Đức Kitô.

Kết quả thật tuyệt vời

Chúa đã không khuất phục họ bằng tiền bạc, bằng chức tước bổng lộc, bằng đền vàng điện ngọc

Nhưng bằng nhân cách, bằng bản lãnh đạo đức, bằng cuộc sống cao thượng và bằng tình yêu của Ngài.

Đó là đối với Chúa Giêsu.

2. Còn sau Chúa Giêsu thì thế nào. Khẩu hiệu “Hãy đến mà xem có còn một giá trị nào nữa không ?

Nó vẫn được tiếp tục hiện diện, hiện diện nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Những người ngoài công giáo đã được mời gọi đến để xem các cộng đoàn Đức tin lúc đó.

Họ đã đến và họ đã thấy

Họ thấy cách cầu nguyện của những cộng đoàn sơ khai là rất sốt sắng, sốt sắng ở chỗ nó tập trung vào sự ca tụng Thiên Chúa. Không xin cho khỏi bị bắt bớ, không xin của cải. Cầu nguyện chủ yếu là ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa.

Rồi người ta cũng đã nhận thấy cái bầu khí của cộng đoàn. Các thành phần đối với nhau tình nghĩa chan hòa, chia sẻ của cải, phục vụ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Rồi họ cũng thấy được đức tính nhân bản của cộng đoàn, mọi người cần cù làm ăn, chuyên chăm trau dồi văn hóa.

Họ đã đến và đã thấy những giá trị ấy của những cộng đoàn đức tin. Và họ đã phải mến phục. Nhiều người đã trở lại đạo công giáo.

3. Bây giờ thì khẩu hiệu đó có còn giá trị gì không ?

Hiện nay khẩu hiệu “Hãy đến mà xem”, vẫn còn là một khẩu hiệu đang được thực hiện và gây được nhiều kết quả tốt.

Đức Cha Bùi Tuần Giám Mục Giáo phận Long xuyên sau một chuyến đi nước ngoài về Ngài có kể lại một câu chuyện như sau:

“Tháng trước đây trong dịp ghé lai Paris, tôi có hỏi thăm về một tư đoàn mới, thì người ta trả lời: “Xin Đức cha cứ đến mà xem”. Tôi đã đến với một nhóm của tu đoàn đó. Người ta dẫn tôi đến một căn nhà giữa một khu phố rộng lớn của Paris nổi tiếng là khu phố ăn chơi. Tôi lên gác thì thấy một căn phòng nhỏ để Mình Thánh Chúa, và luôn luôn có người quỳ chầu Mình Thánh đêm ngày thay phiên nhau.

Tôi hỏi: Đây là những người nào ? thì họ nói: Đây là những người thuộc về tu đoàn, nhưng một phần khá lớn là những người tình nguyện. Vì thấy ảnh hưởng của tu đoàn nên họ tình nguyện đến chầu Mình Thánh. Tôi bước xuống tầng trệt, thì đây là một quán ăn không sang không nghèo nhưng rất lịch sự. Một nét đặc biệt trong quán ăn này là những người hầu bàn lại là những linh mục trẻ của tu đoàn, quần đen, sơ-mi xanh, đeo thánh giá.

Trước khi xuống phục vụ bàn ăn cho các khách, các linh mục đó đã viếng Mình Thánh, đã suy gẫm. Họ rất ít nói, cần lắm mới nói nhẹ nhàng nhưng rất lịch sự. Ai cũng cho các linh mục trẻ đó là những người của văn hóa, những người của Thiên Chúa. Rất nhiều người đã đến ăn ở quán này. Chính tôi cũng đã thử. Tôi đã thấy một bầu khí cầu nguyện trong chính quán ăn của các linh mục trẻ đó. Và cho đến bây giờ, một trong những hình ảnh đẹp nhất còn ghi lại trong tôi từ chuyến đi vừa qua là hình ảnh những linh mục trẻ ở quán ăn đó. Sở di họ gây được ảnh hưởng lớn như vậy là vì họ có văn hóa, có đời sống nội tâm rất sâu. Cứ đến mà xem rồi thấy mình bị thuyết phục bởi những chứng từ sống động của Phúc Âm.

Giờ đây, nhìn vào cộng đoàn chúng ta, chúng ta có thể gửi đến những người xa gần lời kêu gọi như Chúa Giêsu thuở xưa: “Hãy đến mà xem” không ?

Hãy đến mà xem nhà thờ chúng tôi với những người đang dự lễ và sinh hoạt trong nhà thờ này như thế nào ? Đáng tự hào hay đáng phê phán ?.

Hãy đến mà xem cộng đoàn giáo xứ chúng tôi xem chúng tôi sống hiệp nhất, công bình, bác ái, lương thiện, văn hóa ra sao.

Hãy đến mà xem cách chúng tôi tham dự thánh lễ, cách chung tôi làm việc tông đồ, cách con em của chúng tôi học hỏi Lời của Chúa. Cách mọi người trong giáo xứ chúng tôi sống đùm bọc thương yêu nhau.

Rồi hãy đến mà xem gia đình của chúng tôi

xem chúng tôi sống yêu thương nhau

xem chúng tôi cầu nguyện

xem cung cách sống của chúng tôi:

cách chúng tôi tiếp xúc,

cách chúng tôi nói năng,

cách chúng tôi sử dụng đồng tiền Chúa ban cho

cách chúng tôi ăn mặc

cách chúng tôi phản ứng trước những biến cố vui buồn trong cuộc sống vv và vv

Hỏi chúng ta có đủ can đảm và sẵn sàng để gửi đi lời kêu gọi như Đức Kitô ngày xưa “Hãy đến mà xem” không ?

Và cuối cùng thử hỏi mỗi người chúng ta tự đáy lòng của mình, chúng ta có thể nói với chính Đức Kitô: Lạy Chúa, hãy đến mà xem.

Xem lòng dạ của chúng con,

xem chính nội tâm của chúng con.

Xem những thao thức, những ước muốn của chúng con

Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ được Chúa Giêsu khen sau khi Chúa đến và xem. Chúa sẽ nói: “Phúc cho các con, những đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.

Nhưng tôi cũng e ngại biết đâu sau khi Chúa đến và xem chúng ta, nhất là kiểm tra tâm hồn của chúng ta. Chúa lại nói như trong Phúc Âm: “Ta không biết các ngươi là ai”.

Nếu kết quả mà như thế thì quả là một đại họa.

Xin Chúa giúp chúng ta biết điều chỉnh lại cuộc sống của mình để khi Chúa nhìn vào, để khi mọi người nhìn vào đều có thể nhận ra hình ảnh của Chúa thật rõ nét trong cuộc đời của chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Ga 1, 35-42

“Chúng tôi đã gặp Ðấng Mêsia”. (Ga 1,42)

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Chúng ta vừa nghe một câu chuyện hết sức đẹp trong Tin Mừng của thánh Gioan.

Qua câu chuyện hôm nay, Chúa cho chúng ta thấy đâu là mục đích của cuộc sống của chúng ta trên cõi đời này là gì.

A- Bối cảnh

1. Chúng con hãy nhớ lại một chút hoàn cảnh lúc ấy

Hôm ấy Gioan Tẩy Giả đang rao giảng và làm Phép Rửa cho dân chúng. Bất ngờ Chúa Giêsu xuất hiện trước mắt ông cũng như mọi người.

Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua ông vội chỉ vào Ngài và giới thiệu Chúa với mọi người. Ông mạnh dạn đưa tay chỉ về phía Chúa đang đi và nói: “Đây là chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

Được Thầy của mình giới thiệu như thế, hai môn đệ của ông đã bỏ đám đông mà đi theo. Chúa đi trước và họ theo sau. Xem chừng như Chúa cốt ý đi chậm lại để họ có thể bắt kịp Ngài. Và khi thấy họ đã ở gần bên, Chúa quay lại và mở lời trước: “Các ngươi tìm gì ?” (Ga 1,38).

Họ ngỡ ngàng trước câu hỏi của Chúa. Thay vì trả lời bằng một câu khẳng định thì họ lại trả lời bằng một câu nghi vấn: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” (Ga 1,38).

Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì ?”.

Họ trả lời: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?”.

Rõ ràng là câu trả lời còn bị treo. Bị treo nhưng không có nghĩa đã bế tắc. Một lần nữa Chúa lại đi bước trước để khai thông vấn đề. Chúa bảo họ: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39).

2. Kết quả câu chuyện

Không biết Chúa đã nói với họ những gì. Chỉ biết sau khi sống với Chúa một ngày, vâng chỉ có một ngày, họ ra về và tuyên bố: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia nghĩa là Đấng Cứu Thế” (Ga 1,41).

Một khám phá bất ngờ nhưng tuyệt diệu!

+ Lúc đầu Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì ?”, khởi đầu cuộc hành trình họ chưa thấy được mục tiêu.

+ Vào cuối cuộc hành trình thì đích điểm đã rõ ràng: Chính họ cũng không thể ngờ tới. Họ đã tìm thấy Chúa và sau đó một thời gian họ đã trở thành môn đệ của Ngài.

B- Bây giờ đến lượt chúng ta

Giả như Chúa hỏi mỗi người chúng ta: “Bạn, bạn tìm gì” Chúng ta sẽ trả lời với Chúa thế nào ?

1. Tìm danh

Có người đã để cả cuộc đời của mình đi tìm danh vọng. Họ sẵn sàng trả mọi giá để có được nó.

Hêrôđê là một thí dụ. Ông đã trả một giá khá cao để có được ngai vàng và để bảo vệ ngai vàng đó ngay từ lúc vừa mới lên ngôi ông đã cho thủ tiêu các thành viên trong Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Sau đó ông đã không ngần ngại tàn sát các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Chưa hết vì sợ cả những người trong gia đình có thể làm nguy hại đến ngai vàng của mình ông đã giết luôn người vợ là bà Mariamne và người mẹ nàng là bà Alexandra. Giết như vậy cũng chưa đủ, ông giết luôn người con trưởng là Antipater, và sau đó là hai người con trai thứ: đó là Alexander và Aristobolus. Giết như vậy ông cũng chưa an tâm, ngay khi còn trị vì ông đã lên kế hoạch để tàn sát hết các nhân sĩ tại thành Giêrusalem khi ông lâm chung.

Và chắc hẳn chúng con đã không thể nào quên việc ông đã cho lệnh giết hết các trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống tại thành Bêlem và các vùng phụ cận chỉ vì sợ sau này một trong những đứa trẻ ấy sẽ chiếm mất ngai vàng của ông!

Vâng đó là một thí dụ trong muôn ngàn thí dụ cho chúng ta thấy cái giá phải trả cho một cho một cuộc săn tìm danh vọng. Thế nhưng rồi cuộc đời của ông sẽ đi về đâu ? Có sống mãi để ngự trên cái ngai vàng mà ông đã phải trả một giá quá đắt để bảo vệ nó không ? Lịch sử cho chúng ta thấy kết cục cuộc đời của ông cũng là chốn lao tù và ông đã phải nhận một cái chết không toàn thây!

2. Tìm tiền

Có người dành suốt đời để tìm tiền bạc. Để biện minh cho việc tìm kiếm tiền bạc là một điều chính đáng nhiều người đã mặc cho tiền bạc một giá trị hầu như thần thánh, có một sức mạnh vô song như:

Tiền là Tiên là Phật.

Là sức bật của lò xo.

là thước đo của lòng người.

Là nụ cười của tuổi trẻ.

Là sức khỏe của người già.

Tiền là hy vọng.

Là cái lọng che thân.

Là cái cân công lý.

Tiền là hết ý.

Tiền bạc cần thật. Rất cần là đàng khác nhưng nó không phải là thần, là thánh như nhiều người tưởng.

Vua Louis XV thăm thống chế De Saxe trong cơn hấp hối.

  • Nhà ngươi muốn xin gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho.
  • Tâu hoàng thượng xin hoàng thượng cho hạ thần được sống thêm một giờ nữa để thanh toán các việc cho xong.

Vua Louis quyền thế nhưng cũng phải ngậm ngùi rút lui.

Ngày kia, một nhà tỷ phú trên giường chết đã phải tuyên bố:

  • Trong 40 năm trời, tôi đã làm việc như người nô lệ để chất đống của cải lên; sau đó tôi lại phải coi giữ như một thám tử và tất cả những của cải đó đã cho tôi cái gì ? Thức ăn, nhà ở và quần áo…, chỉ có thế chứ không còn gì hơn nữa.

Tiền bạc cần nhưng chỉ cần như một giá trị trao đổi chứ không cần như là mục đích.

3. Tìm lạc thú

Có người cả đời đi săn tìm lạc thú

Cha Michel Quoist bảo: “Lạc thú là một cơn đói không bao giờ biết no, một cơn khát không bao giờ thỏa”.

Augustinô lúc còn trai trẻ đã nếm đủ hết mọi thứ lạc thứ ở trên đời. Nhưng rồi cũng chính chàng thanh niên đó sau khi đã chán ngán với những thứ mình đã hưởng thụ phải thốt lên: “Hỡi Augustinô! Khi săn đuổi lạc thú ngươi đã tìm thấy cái gì ?”.

– Thomas Merton: Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi. Ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, lạc thú. Một đêm kia khi đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ trước tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa của đời tôi hiện tại”. Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.

Vâng! Danh vọng, tiền bạc và lạc thú… là điều mà các nhà tu đức học thường gọi là danh lợi thú.

Nếu chúng con theo dõi những biến chuyển xảy ra ở một số nơi trên thế giới, chúng con sẽ thấy rằng những con người luôn tìm kiếm danh lợi thú cho mình, thì kết thúc cuộc đời của họ cũng không được bình an và hạnh phúc thực sự như họ mong muốn.

Còn hai môn đệ của Gioan thì sao ?

Hai môn đệ của Gioan đã gặp được Chúa.

Chúa không dẫn họ đến giàu sang

Nhưng cho họ thấy thế nào là một cuộc đời có ý nghĩa để họ tự chọn.

Charles Fox: “Những người tư cách như thế sẽ lưu danh muôn thuở trong khi bọn vua chúa và mũ miện của họ đội trên đầu đều đã trở thành cát bụi”.

Họ không tìm của cải nhưng hỏi có gia tài nào sánh được với gia tài Nước Trời của họ hay không ?

Họ đã không đi tìm danh vọng nhưng thử hỏi còn có chỗ nào cao trọng hơn địa vị mà họ có hôm nay trên thiên quốc hay không ?

Họ không đi tìm lạc thú nhưng thử hỏi có niềm vui hạnh phúc nào so sánh được với niềm vui và hoan lạc mà họ đang có hôm nay không ?

Xin được kết thúc bằng lời khuyên của Mẹ Têrêsa: “Hãy tìm Chúa Giêsu, bạn sẽ tìm thấy sự an bình. Ngài là niềm vui và sức mạnh của bạn. Hãy đến với Ngài để được yêu thương, được thông cảm và có được lòng can đảm đáp lại tiếng gọi của Ngài bằng một từ giản dị: “xin vâng”.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

16/01 – Thứ Bảy tuần 1 thường niên.
“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ.

Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?”

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tông huấn Amoris Laetitia Niềm vui của Tình yêu (trích) Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

227. Các mục tử chúng ta phải khuyến khích các gia đình lớn mạnh trong đức tin. Điều này có nghĩa khích lệ họ năng xưng tội, linh hướng và tĩnh tâm khi có dịp. Nó cũng có nghĩa khích lệ việc gia đình cầu nguyện trong tuần, vì gia đình cầu nguyện với nhau sẽ ở lại với nhau”. Khi thăm viếng các tổ ấm của giáo dân, ta nên tụ tập mọi thành viên của gia đình và dành ít phút cầu nguyện cho nhau, phó gia đình trong bàn tay của Chúa. Điều cũng hữu ích là khuyến khích mỗi người phối ngẫu tìm giờ để cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người đều có thánh giá bí mật để vác. Tại sao ta lại không nên nói với Thiên Chúa các rối rắm của ta và xin Người ban cho ta sự hàn gắn và sự trợ giúp ta cần để mãi trung thành với nhau? Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận điều này “lời Thiên Chúa là nguồn sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình đều phải giúp người ta đuợc lên khuôn và đào tạo thành các thành viên của Giáo Hội tại gia qua việc đọc sách thánh theo lối cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Thiên Chúa không phải chỉ là tin vui trong đời sống tư riêng của một người mà còn là tiêu chuẩn phán đoán và ánh sáng trong việc biện phân các thách đổ đa dạng mà các cặp vợ chồng và các gia đình đang gặp phải” (252).

5 phút Lời Chúa Mỗi Ngày: Đức Giê-su hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1,38-39)

Suy niệm: Cuộc sống vẫn cứ thế. Nhà nông mong mùa thu hoạch kiếm hoa màu. Công nhân viên chức mong cuối tháng kiếm đồng lương. Người bán mong có người mua để kiếm đồng lời. Học trò mong đỗ đạt kiếm tìm một cuộc sống sung sướng hơn. Thế mà những người môn đệ mới lần đầu tiếp xúc với Chúa, đã nhanh nhấu đáp: “Ráp-bi, Thầy ở đâu?” Vâng, họ chỉ muốn tìm chính Thầy, và muốn đến chính nơi Thầy ở, và lưu lại đó với Thầy. Cuối cùng, các ông đã chia sẻ sứ mệnh của Thầy và cùng chết với Thầy. Người môn đệ Chúa hôm nay tìm gì? Tiền bạc, việc làm, tiện nghi… Nhưng không đủ nếu chúng ta dừng lại ở đó và coi đó là cùng đích của cuộc đời. Hãy tạ ơn Chúa đi bạn, vì được Giáo Hội hướng dẫn giới thiệu, được Chúa soi sáng thúc đẩy, bạn còn biết tìm chính Chúa. Tìm Chúa nơi tha nhân, nơi cuộc sống cộng đoàn, nơi bổn phận mỗi ngày. Tìm Chúa rồi, hãy ở lại với Ngài, hãy để Ngài ở lại với ta.

Mời Bạn: Khi bạn rong ruổi tìm kiếm lợi lộc cuộc đời mà không bao giờ thấy thỏa mãn, đó là dấu hiệu bạn chưa tìm và chưa gặp Chúa. Hãy bắt đầu tìm Chúa ngay đi bạn. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá trễ.

Sống Lời Chúa: “Hãy đến và sẽ thấy”. Hôm nay, bạn thử quyết tâm sống một ngày Chúa Nhật thật trọn vẹn, đỉnh cao là việc tham dự Thánh Lễ.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin đồng hành với con trong mọi bước đường cuộc sống, để trong mọi việc, con luôn nhận ra sự hiện diện của chính Chúa, cùng làm với Chúa và luôn theo ý Chúa. Amen.

THÔNG TIN GIÁO XỨ:

Các linh mục phụ trách: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Lm. G.B Đỗ Quốc Vinh – Lm. G.B Nguyễn Trọng Tín.

Thánh lễ:

  • Ngày thường: 5g00; 6g15; 17g30; 19g00
  • Chúa nhật: 5g00; 6g15; 7g30; 9g00; 16g00; 17g30; 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

LỊCH TUẦN 17/01 – 23/01/2021

  • Chúa nhật, 17/01: CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN.
  • Thứ hai, 18/01: Bắt đầu tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất
  • Thứ ba, 19/01:
  • Thứ tư, 20/01: Thánh Fabianô, giáo hoàng, tử đạo. Thánh Sêbastianô, tử đạo.
  • Thứ năm, 21/01: Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
  • Thứ sáu, 22/01: Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo.
  • Thứ bảy, 23/01:

THÔNG BÁO: TUẦN 17/01 – 23/01/2021

  1. Mời Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ họp Quý I/ 2021 lúc 19 giờ 00 ngày Chúa nhật 17/01/2021.
  2. Thứ hai tuần này bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Xin cộng đoàn cùng hiệp thông cầu nguyện.
  3. Số tiền anh chị em giúp cho việc bác ái tuần qua được 38 triệu 200 ngàn đồng. Xin cảm ơn anh chị em. Hôm nay xin cộng đoàn giúp cho việc xây dựng giáo điểm Cây Dương.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

KINH CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HỢP NHẤT

Lạy Chúa Giêsu,
trước ngày chịu chết vì chúng con,
Chúa đã nguyện cầu
cho các Tông đồ và tất cả mọi người
được liên kết với nhau nên một,
như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

*

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn
về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

*

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận,
và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,
lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.

*

Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa
hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con
luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

*

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo,
xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục,
đến Yêu Thương và Sự Thật.