THÔNG BÁO CHÚA NHẬT 22/10/2023

  1. Thứ bảy ngày 21/10/2023, kỷ niệm 20 năm ngày Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn nhận mũ và nhẫn Hồng y, xin anh chị em cầu nguyện đặc biệt cho ngài.
  2. Hôm nay xin anh chị em quảng đại chia sẻ cho quỹ truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đức Thánh Cha nói rằng tất cả chúng ta “có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những đóng góp vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”.
  3. Ngày 01/11 /2023 bắt đầu giải quyết việc gởi và di dời tro cốt. Xin liên hệ trực tiếp với cha Sở.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023

Ngày 25/1/2023 Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023, trong đó ngài mời gọi các tín hữu tham gia vào việc mang Tin Mừng cho thế giới đang bị thương tổn bằng chính chứng tá cá nhân của mình, theo gương của các môn đệ trên đường Emmaus.

Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay tập trung vào chủ đề “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35).

Sứ điệp của Đức Thánh Cha tập trung vào ba hình ảnh trong câu chuyện Tin Mừng, những nét chính của cuộc hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo.

Chúa Phục Sinh luôn ở bên các môn đệ

Trước hết là sự hoang mang của các môn đệ sau khi Chúa chịu đóng đinh đã biến thành “trái tim bừng cháy” sau khi họ gặp Người lữ hành bí ẩn giải thích cho họ những gì được nói trong Kinh Thánh liên quan đến Người. Đức Thánh Cha nói rằng câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người, đặc biệt khi họ cảm thấy “mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm của sự gian ác bao quanh họ”, và rằng với Lời của Người, Chúa biến đổi chúng ta, để chúng ta có thể loan truyền mầu nhiệm Cứu Độ của Người. Do đó, theo Đức Thánh Cha, việc biết Kinh thánh đối với đời sống Kitô hữu “thậm chí còn quan trọng hơn việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người”.

Kết hiệp với Chúa Kitô qua Thánh Thể

Hình ảnh thứ hai được nhắc lại trong Sứ điệp là hình ảnh “mắt các môn đệ mở ra” khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Đức Thánh Cha nói rằng các tín hữu chia sẻ bánh với người đói khát nhân danh Chúa Kitô đã là một việc truyền giáo. Nhưng còn quan trọng hơn, đó là chia sẻ bánh Thánh Thể là chính Chúa Kitô, vì Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Và Đức Thánh Cha nhắc nhở, để việc truyền giáo có kết quả chúng ta cần kết hiệp với Chúa Kitô qua kinh nguyện hàng ngày, đặc biệt là bằng việc thờ lạy Thánh Thể.

Niềm vui kể về Chúa Phục Sinh

Hình ảnh cuối cùng là các môn đệ trở về “vui mừng thuật lại với người khác về Chúa Phục Sinh.” Sự vội vã của họ cho thấy niềm vui của Tin Mừng tràn đầy tâm hồn và cuộc sống của người gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh mà lòng không bừng cháy lòng nhiệt thành thuật lại điều này về Người cho mọi người. Do đó nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu, ngày nay hơn bao giờ hết, là loan báo Tin Mừng cho một thế giới bị thương tổn, không loại trừ ai, như là người chia sẻ niềm vui.

Kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha nói rằng tất cả chúng ta “có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những đóng góp vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”. (CSR_332_2023)