20/11 – Thứ Hai tuần 33 thường niên.

“Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.

LỜI CHÚA: Lc 18, 35-43

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua.

Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”

Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Suy niệm: Có một số người tàn tật lợi dụng sự khuyết tật của mình để lang thang xin ăn. Tệ hơn nữa, lại có một số người “hoá trang” làm người khuyết tật nhằm đánh động lòng thương xót của người khác, đi ăn xin như một phương thế kiếm tiền béo bở. Người mù thành Giê-ri-cô này ý thức mãnh liệt phẩm giá cao quí của mình: anh ta kêu gào bất chấp sự cản trở của đám đông; anh không có ý xin Chúa chén cơm manh áo qua ngày; anh xin Ngài phục hồi cho anh một chức năng quan trọng: cho anh được sáng mắt, nhờ đó anh có thể sống xứng với nhân phẩm của mình. Lời kêu gào đó không phải là một lời van xin làm hạ phẩm giá con người của anh. Đó là một yêu cầu được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Đứng trước những yêu cầu như thế, Đức Giê-su không bao giờ từ chối. Và Ngài còn làm nhiều hơn điều anh xin: Ngài cho anh được sáng và anh đi theo Ngài mà tôn vinh Thiên Chúa.

Mời Bạn: Đã qua rồi cái thời coi người khuyết tật là đối tượng của việc bố thí, cứu trợ. Cách thể hiện tình bác ái đích thực đối với anh em khuyết tật đó là giúp họ phát huy trọn vẹn phẩm giá của họ, và nhất là để họ cũng trở thành những tông đồ rao giảng một Đức Ki-tô chịu đóng đinh qua những tật bệnh nơi chính thân xác mình.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy mời một người khuyết tật mà bạn quen biết, cùng với bạn tham gia vào một công tác tông đồ thích hợp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đau khổ, xin cho con được phục vụ Chúa nơi những người anh em bệnh hoạn tật nguyền. Và cho con biết rao giảng Chúa chịu đóng đinh nơi những tật bệnh trong thân xác con. Amen.

19/11 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm A. Kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Lời Chúa: Mt 10, 17-22

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ.

Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì.

Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.

Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Suy niệm: Những lời Chúa trên đây vẫn vang vọng và hiện thực qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thực thi lời ấy? Ngày ấy ai đã dám bước lên pháp trường trong ánh mắt và linh hồn hướng về trời; ngày ấy ai đã dám ‘bất khẳng quá khoá’ (không chịu chối đạo bằng cách bước qua thập giá), để rồi phải chịu chết rũ tù, chịu phanh thây, trảm quyết, bá đao và biết bao khổ hình khủng khiếp khác? Đó là hàng trăm ngàn tín hữu đã chấp nhận vong thân để làm chứng cho niềm tin bất khuất, mà trong số đó, 118 vị được nêu danh và tuyên hiển thánh và chân phước. Lời Chúa trên đây đã thành hiện thực: “Ai dám liều mất mạng sống mình vì Chúa thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Mời Bạn: Chúng ta không chết vì đạo như các vị thuở xưa nhưng có thể chết vì đạo từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta hy sinh, đón nhận những điều trái ý, những bất công, khinh miệt, thù ghét chỉ vì chúng ta dám trung thành sống theo Lời Chúa truyền dạy. Bạn đã có kinh nghiệm tử vì đạo trong những tình huống tương tự như vậy chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một điều trong Tám Mối Phúc Thật để trung thành thực hiện trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời Chúa là sức mạnh để các thánh tử đạo trung kiên trong niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù gặp bất cứ khó khăn, thiệt thòi nào. Amen.

  1. Hôm nay lễ các thánh tử đạo Việt Nam là bổn mạng của Giáo khu Thánh Lạc ( GK9) và của ca đoàn Hương Chiều. Xin chúc mừng và hiệp thông cầu nguyện.
  2. Thứ tư tuần này ca đoàn Cêcilia xin mừng lễ bổn mạng lúc 17g30. Mời cộng đoàn cùng hiệp thông tham dự Thánh lễ .
  3. Cùng hiệp thông với lời mời gọi và những ưu tư trong sứ điệp của ĐTC Phanxicô gởi cho toàn thể dân Chúa, nhân ngày cử hành Quốc Tế Người Nghèo lần thứ 7, vào Chúa Nhật 19/11/2023 ” Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” ( Tb 4,7). Kính xin anh chị cùng quảng đại chia sẻ.
  4. Kết quả bầu cử Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ vào lúc 19g00 thứ bảy 18/11/2023 nhiệm kỳ 2024-2028. Xin cám ơn Ban Thường vụ và xin chúc mừng Ban thường vụ tái đắc cử nhiệm kỳ lần 2.
    • GIOAN PHÊRÔ NGUYỄN HOÀI LỘC – Chủ tịch HĐMV
    • MARTINÔ NGUYỄN MẠNH LÂM – Phó Chủ Tịch Nội Vụ
    • PHANXICÔXAVIE MAI TẤN PHÚC – Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ
    • VINCENTÊ VŨ ĐÌNH LỘC – Thư ký HĐMV
    • GIOAN BAOTIXITA LÊ ĐỨC THÁI – Thủ quỹ HĐMV

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

17/11 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Thánh nữ Êlisabét Hunggari. Lễ nhớ.

“Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện”.

Lời Chúa: Lc 17, 26-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

“Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

“Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

“Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại”.

Các môn đệ thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?” Người phán bảo các ông: “Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó”.

Suy niệm: Việc thiên hạ vẫn “ăn uống, cưới vợ, lấy chồng” trong câu chuyện “thời ông Nô-ê” hay việc dân thành Xơ-đôm thời ông Lót “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” là những việc bình thường, vốn không xấu. Họ bị tiêu diệt trong cơn hồng thuỷ hoặc trong cơn ‘mưa lửa từ trời’ không phải vì họ làm gì nên tội, mà vì họ quá ‘gắn bó đến những sự đời này’ nên khi Ngày Chúa cách bất ngờ, họ đã không kịp trở tay. Sự tiếc nuối ‘của cải đời này’ được khắc hoạ nơi hình ảnh bà Lót không nghe lời dặn dò của thiên sứ đã quay ngoái lại đằng sau và hóa thành cột muối” (St 19,26). Với những ví dụ ‘minh hoạ’ ấy, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng phải dám “liều thân” vì Chúa và vì Tin Mừng, thì mới “bảo tồn được mạng sống mình” và được Chúa đón nhận trong ngày Ngài đến.

Mời Bạn: Con người ở mọi thời vẫn luôn bị vấn đề cơm áo gạo tiền chi phối. Nhưng với người Ki-tô hữu, vấn đề không dừng lại ở cõi trần này. Hướng về cuộc sống mai sau, để được chọn hay bị loại bỏ, được cứu độ hay hư mất, tất cả tuỳ thuộc vào cách sống hiện tại: “Người tín hữu hiện tại không biết và sẽ không biết ngày giờ phán xét chung, cho nên người Ki-tô hữu phải trung thành mỗi ngày; họ luôn kính sợ bởi vì luôn hy vọng” (Tertullianô).

Sống Lời Chúa: Từ bỏ chi tiêu một việc không thiết yếu, gác lại việc giải trí riêng tư, dành tiền bạc, thời giờ phục vụ những người đang lâm cảnh khó khăn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn sống theo lời Chúa, biết chọn thực tại Nước Trời thay vì những đam mê trần thế mau qua. Amen.

16/11 – Thứ Năm tuần 32 thường niên.

“Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Lời Chúa: Lc 17, 20-25

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu “Khi nào nước Thiên Chúa đến”, thì Người đáp lại rằng: “Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: “Này nước trời ở đây hay ở kia”. Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: “Này Người ở đây và này Người ở kia”, các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”.

Suy niệm: Người Do Thái vẫn đau đáu mong chờ ‘Triều Đại của Thiên Chúa’. Các kinh sư, các thầy ráp-bi của họ miệt mài tra cứu những dấu hiệu, chỉ dẫn để xác định ngày giờ triều đại ấy đến. Không ít người nghĩ rằng Đấng Ki-tô mà các ngôn sứ tiên báo sẽ đến, dẫn đầu một cuộc nổi dậy đánh tan mọi thế lực để thiết lập triều đại của Ngài trên trần thế này. Chúa Giê-su cho biết những suy nghĩ như thế dẫn người ta đi lạc hướng, bởi vì: “Triều đại của Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.” Quả thật, Nước Thiên Chúa đang đến rồi “ở giữa các ông”, ngay ở đây và trong lúc này. Nước Thiên Chúa đến nơi Đức Giê-su đang hiện diện và nơi những người tin vào Ngài và được qui tụ thành một dân là Ít-ra-en mới, là Hội Thánh.

Mời Bạn: Nhiều người trong chúng ta cũng thường thắc mắc: Nước Chúa đến khi nào, ở đâu, như thế nào? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta niềm vui và hy vọng: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta: trong cộng đoàn Giáo hội, trong giáo xứ, gia đình, và cách riêng ngay trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Vấn đề là chúng có nhận thức Triều đại Chúa đã đến và đón nhận để cho Triều Đại này ngự trị tâm hồn ta hay không. Để đón nhận Triều Đại Thiên Chúa, chúng ta cùng chiến đấu để loại trừ cái tôi ích kỷ tham lam chạy theo tiền tài, quyền lực, lạc thú, để sống tinh thần bác ái, chia sẻ giữa những người anh chị em là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha trên trời.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một nết xấu và tích cực phục vụ Chúa nơi anh em để góp phần cho Nước Chúa mau hiển trị.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

15/11 – Thứ Tư tuần 32 thường niên.

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Lời Chúa: Lc 17, 11-19

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.

Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Suy niệm: Chúa Giê-su chữa lành cho 10 người phong cùi mà không phân biệt họ là người Do Thái hay ngoại giáo. Ngài ban ơn cho họ không phải vì họ tốt hay xấu, mà chỉ vì Ngài chạnh lòng xót thương. Ngài ngạc nhiên bởi vì chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa, mà đó lại là một người xứ Sa-ma-ri, một người ngoại giáo! Chúa không đòi họ phải tạ ơn Chúa, nhưng Ngài lấy làm tiếc cho những kẻ vô ơn vì họ không nhận ra Đấng cứu chữa họ là ai, để rồi ‘bắt hụt’ Ngài. Không tiếc sao được, khi mà nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (x. Mt 13,17).

Mời Bạn: Hằng ngày, bạn lãnh nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa, nhưng được bao nhiêu lần bạn dừng lại để tạ ơn Ngài? Liệu rằng bạn có đang nghĩ về Ngài như một vị thần để đáp ứng những nhu cầu đời sống của bạn? Nếu chỉ có thế, thì thật tiếc vì bạn ‘bắt hụt’ Ngài là Đấng yêu thương bạn, muốn ban cho bạn nhiều hơn nữa, đó là cho bạn được kết hiệp với Ngài, được cả Nước Trời làm gia nghiệp.

Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ vì đó là lễ tạ ơn đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, biết rằng lời tạ ơn của chúng con chẳng làm tăng thêm vinh quang cho Chúa, nhưng nhờ tạ ơn mà chúng con thêm gần gũi và gắn bó mật thiết với Chúa. Xin cho con biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, vì ý thức rằng: Tất cả là hồng ân. A-men.

14/11 – Thứ Ba tuần 32 thường niên.

“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Lời Chúa: Lc 17, 7-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Suy niệm: “Chủ vắng nhà, gà vọc niêu tôm”. Bình thường gà kiếm ăn ngoài sân vườn. Nhưng khi chủ vắng nhà, những con gà táo tợn có thể vào tận trong bếp, cạy vung nồi kiếm mồi. Kiếm ăn là việc phải làm để sống. Nhưng kiếm ăn không đúng chỗ trở thành hành vi quậy phá, không chấp nhận được. Câu tục ngữ trên ám chỉ xáo trộn khi lạm dụng chức quyền, người ta không hành xử đúng với địa vị, chức phận của mình. Đành rằng, các môn đệ thật đáng khen khi hoàn thành sứ mạng phục vụ, tuy nhiên họ không được coi đó như ‘công trạng’ để rồi lên mặt kiêu căng. Trái lại, Chúa dạy họ phải khiêm tốn, coi mình như đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận theo lệnh truyền của chủ mà thôi.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô tâm sự: Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Biếng nhác, thiếu tinh thần trách nhiệm, cộng tác là một thiếu sót. Tuy nhiên, tham gia việc chung để rồi cậy công, kiêu căng tự phụ lại là một tệ nạn nguy hiểm không kém. Lạc giáo, ly giáo thường không đến từ bên ngoài nhưng từ những cá nhân, tổ chức bên trong Giáo hội, bất chấp quyền bính, đề xuất và áp đặt những điều sai trái với giáo huấn Hội thánh.

Sống Lời Chúa: Tôi phục vụ cộng đoàn trong tinh thần khiêm tốn, biết lắng nghe và vâng phục.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết quên mình phục vụ, theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để góp phần xây dựng sự bình an và hiệp nhất trong cộng đoàn Hội Thánh. Amen.

13/11 – Thứ Hai tuần 32 thường niên.

“Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó”.

Lời Chúa: Lc 17, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.

“Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: “Tôi hối hận”, thì con hãy tha thứ cho nó”.

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: “Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển”, nó liền vâng lời các con”.

Suy niệm: Theo thánh sử Lu-ca, những năm tháng rao giảng của Đức Giê-su nằm trong cuộc hành trình dù không mang tính địa lý nhưng có chung điểm đến là Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài hoàn tất công trình cứu độ: “Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 19,28; x. Lc 9,51tt). Đoạn Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh ấy. Chúa Giê-su dạy các môn đệ những thái độ cần có để trung thành theo Chúa đến cùng trong hành trình này: một mặt các môn đệ không gây gương mù gương xấu, làm cớ vấp phạm cho người khác nhất là cho “những kẻ bé mọn”, mặt khác phải luôn luôn bao dung đối với những ai xúc phạm tới mình. Và nhất là phải vững lòng tin cậy vào Chúa vì Ngài quả quyết đức tin có sức mạnh vô song có thể ‘chuyển núi dời non’ dù đó là một đức tin chỉ “lớn bằng hạt cải”.

Mời Bạn: Trở thành Ki-tô hữu cũng có nghĩa là bạn trở thành môn đệ của Ngài, bạn có một cuộc sống mới theo Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô. Mời bạn thường xuyên suy gẫm Lời Chúa để nhờ đó, bạn được Thần Khi Chúa hướng dẫn, bạn có thể thay đổi cách sống cách nghĩ thường tình và mặc lấy tâm tình, ý hướng của Đức Ki-tô. Lúc đó, bạn trở nên một với Đức Ki-tô, bạn sống nhưng là Chúa Ki-tô sống nơi bạn (x. Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Trung thành đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban cho chúng con đức tin để con luôn được tin yêu trung thành với Chúa, luôn biết sống trọn tình con thảo và chan hòa yêu thương tha nhân. Amen.

  1. Ban Caritas TGP thông báo: Cùng hiệp thông với lời mời gọi và những ưu tư trong sứ điệp của ĐTC Phanxicô gởi cho toàn thế dân Chúa, nhân ngày cử hành Quốc Tế Người Nghèo lần thứ 7, vào Chúa Nhật 18/11/2023 ” Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7). Kính xin Quý Cha vui lòng thông báo cho anh chị em giáo dân biết trước một tuần lễ (CN 32TN, 12/11/2023) để họ chuẩn bị và hiệp thông với chúng con trong Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19/11/2023).
  2. Giáo xứ sẽ tiến hành bầu cử Hội đồng mục vụ giáo xứ vào lúc 19:00 thứ bảy 18/11/2023 cho nhiệm kỳ 2024-2028. Xin anh chị em hiệp thông cầu nguyện.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng