24/03 – Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay.

“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Lời Chúa: Lc 4, 24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Suy niệm: Sau khi tắm bảy lần ở sông Gio-đan, tướng Na-a-man được khỏi bệnh phong hủi, một trong các chứng nan y thời ấy. Thế nhưng, trước đó vị tướng này đã chê dòng sông Gio-đan nước không sạch, sông không lớn bằng các con sông ở Sy-ri, quê ông. Cái gì đã khiến dòng sông tầm thường kia đã trở thành dòng sông đem lại sự sống nếu không phải là lời của vị ngôn sứ, đại diện cho Chúa. Trong thời xuất hành chỉ nhờ vâng lệnh Chúa, cây gậy bình thường của ông Mô-sê gõ vào tảng đá lại có phép làm cho mạch nước vọt ra, giúp dân Ít-ra-en khỏi chết khát trong sa mạc. Cây gậy thô thiển kia, dòng sông Gio-đan tầm thường nọ lại chứa đựng sự sống, bởi vì có sự can thiệp của quyền năng Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngày nay cũng có bao điều nấp dưới dáng vẻ bình thường, không có gì hấp dẫn, nhưng lại chứa đựng cả một kho tàng quý giá, đó là Lời Chúa, bí tích, và nhất là Thánh Thể. Phải có cặp mắt đức tin, bạn mới thấy và nhận được sự sống đời đời từ những dòng chữ bình thường của Lời Chúa và từ những dấu chỉ bên ngoài quen thuộc của các bí tích.

Chia sẻ: Tôi cần có thái độ nào để nhận ra quyền năng Chúa và sự hiện diện của Ngài đằng sau các dấu chỉ tầm thường của các bí tích?

Sống Lời Chúa: Chuyên cần đọc và sống Lời Chúa, và siêng năng lãnh nhận bí tích bởi vì biết rằng đó thật sự là nguồn mạch đem lại sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt đức tin để con nhận ra Chúa nơi các dấu chỉ của bí tích, và nhận ra Chúa hiện diện nơi anh em con. Amen.

I. Người lớn tĩnh tâm Mùa Chay:

  • Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu ngày 26, 27 và 28/03/2025
  • Lúc 19g00
  • Cha giảng phòng: Cha Anrê Phạm Hòa Lạc, S.J.
    Vẫn có thánh lễ 17g30 như thường lệ

II. Lịch giải tội:

Giải tội các ngày trong tuần:

  • Sáng: 05g30
  • Chiều: 17g00 đến 17g30

Giải tội thiếu nhi:

  • Thời gian: 08g30 đến 09g45
    Sáng Chúa Nhật V Mùa Chay 06/04/2025

Giải tội người lớn:

  • Thứ Ba, 08/04/2025: Từ 18g00 đến 19g45 (có 20 cha giải tội)
  • Chúa Nhật Lễ Lá 13/04/2025: Từ 17g30 đến 19g30

(*) Các cha không ngồi tòa thứ Năm, Sáu, Bảy Tuần Thánh

III. Chúa Nhật Lễ Lá:

Có làm phép lá tại tiền đường và kiệu vào Nhà Thờ

  • Trước lễ 17g30 – Thứ bảy, 12/04/2035
  • Trước lễ thiếu nhi, Chúa nhật, 13/04/2025

IV. Thứ Hai, Ba, Tư Tuần Thánh

Cầu nguyện Taizé, suy gẫm Lời Chúa

  • Từ 18g00 đến 19g00 – Ngày 14, 15, 16/04/2025

V. Thứ Năm Tuần Thánh – Ngày 17/04/2025

  • Sáng: 05g00 – Đọc Kinh Phụng vụ – Suy niệm
  • Chiều: Lễ Tiệc Ly tại Nhà thờ Giáo xứ
    • 17g30: Thánh lễ cho thiếu nhi (Sau lthiếu nhi viếng Chúa 15 phút)
    • 19g30: Thánh lễ cho người lớn (Người được Rửa Chân được chọn ngẫu nhiên trong Thánh Lễ)
  • Phiên Chầu Mình Thánh Chúa:
    • 21g00 – 21g45: Các đoàn thể: Bà mẹ Công giáo hướng dẫn.
    • 21g45 – 22g30: Các Liên Giáo Khu: Thánh Hạnh (Khu 7), Thánh Lựu (Khu 8), Thánh Lạc (Khu 9) hướng dẫn.
    • 22g30 – 23g15: Giới trẻ Gx hướng dẫn.

VI. Thứ Sáu Tuần Thánh – Ngày 18/04/2025

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Ăn chay – kiêng thịt: Đóng góp cho quỹ dự phòng thiên tai của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

  • Sáng: 05g00 – Đọc Kinh Phụng vụ – Suy niệm
  • Chiều: Tưởng niệm cuộc Thương Khó
    • 16g30: Chặng đàng Thánh Giá ngoài Nhà thờ
    • 17g30: Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa Giêsu dành cho thiếu nhi
    • 20g00: Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa dành cho người lớn
  • Hôn chân Chúa trong nhà thờ sau nghi thức.
    Việc hôn chân Chúa kết thúc lúc 15g00 thứ bảy Tuần Thánh.

VII. Thứ Bảy Tuần Thánh – Ngày 19/04/2025

Thánh lễ Vọng Phục Sinh

  • Sáng: 05g00 – Đọc Kinh Phụng vụ – Suy niệm
  • Tối: Thánh lễ Vọng Phục Sinh
    • 18g00: Thánh lễ Vọng Phục Sinh dành cho thiếu nhi
    • 20g30: Thánh lễ Vọng Phục Sinh dành cho người lớn

VIII. Chúa Nhật Phục Sinh – Ngày 20/04/2025

Mừng Chúa sống lại

  • Sáng: 06g15, 07g30, 09g00
  • Chiều: 16g00, 17g30, 19g00

IX. Giáo xứ Tân Định – Quyên góp trùng tu Nhà thờ Đức Bà

  • Chúa Nhật V Mùa Chay 06/04/2025
  • Chúa Nhật V Phục Sinh 25/05/2025

Thông tin chuyển khoản:

  • Tên tài khoản: Nguyễn Quốc Hưng
  • Số tài khoản: 0914717574
  • Ngân hàng: Vietinbank
  1. Tĩnh tâm Mùa Chay 2025 của giáo xứ Tân Định: thứ tư, năm, sáu 26,27,28 tháng 03 năm 2025 lúc 19:00 do cha Anrê Phạm Hòa Lạc, SJ. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự. Trong những ngày tĩnh tâm vẫn có Thánh lễ 17:30 như thường lệ.
  2. Thứ ba tuần này 25/03/2025 lễ Truyền tin, lễ trọng. Mời cộng đoàn cùng tham dự đông đảo sốt sắng
  3. Trong thư Mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh, Đức Tổng Giám mục Giuse có mời gọi cộng đoàn quyên góp cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. GIÁO XỨ TÂN ĐỊNH QUYÊN GÓP TRÙNG TU NHÀ THỜ ĐỨC BÀ VÀO
    – CHÚA NHẬT V MÙA CHAY 06/04/2025
    – CHÚA NHẬT V Phục Sinh 25/05/2025
    Anh chị em có thể chuyển vào số tài khoản của cha sở và cha sở sẽ tổng kết nộp cho TGM.
    Chủ tài khoản: NGUYỄN QUỐC HƯNG
    SỐ TK: 0914717574 – Ngân hàng Vietinbank

Lm. Chánh xứ,
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

23/03 – CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY Năm C.

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh.

Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.

Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!”

Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Suy niệm: Trên núi Khô-rếp, Thiên Chúa mời gọi Mô-sê tiến đến gần Người qua bụi gai bốc cháy. Nhưng để đến gần, ông phải “cởi dép ra” và “lấy khăn che mặt,” nghĩa là khi bước vào tương quan với Chúa, ông chấp nhận lột trần đôi chân, bỏ đi sự bao bọc, che dấu con người thật của mình. Thánh Phao-lô nhắc nhớ tín hữu Cô-rin-tô về của ăn, thức uống thiêng liêng phát xuất từ Đức Ki-tô, cảnh tỉnh họ về các chước cám dỗ luôn được lặp đi lặp lại trong thân phận con người, mà sống đẹp lòng Chúa hơn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su khẳng định: không phải những người bị chết bất ngờ bởi tai nạn hay bị người khác sát hại là bởi họ ‘đáng’ phải bị như vậy, do họ tội lỗi hơn. Trong tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sám hối. Mỗi người đều được trao cơ hội để “bắt đầu lại và lại bắt đầu.” Đức Giê-su vẫn đến để thăm nom vườn cây đức tin Ngài đã trồng trong tâm hồn mỗi người, tìm kiếm hoa thơm trái ngọt từ khu vườn này.

Mời bạn: Nhờ niềm hy vọng được cứu độ, khi nhìn thời gian trôi qua, chúng ta tin chắc rằng lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Đức Chúa hiển vinh” (Sắc chỉ Năm Thánh, số 19). Chúng ta sẽ phải làm gì nếu hôm nay Chúa Giê-su đến tìm hoa trái trong cuộc đời mình?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm từ bỏ một tật xấu, và có cái nhìn tích cực về người khác để thấy được điều tốt nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn với con. Xin cho con đáp lại lòng thương xót của Chúa với tất cả tình yêu và lòng sám hối. Amen.

22/03 – Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay.

“Em con đã chết nay sống lại”.

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho.

Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Suy niệm: Cha nào không thương con. Nhưng người cha trong dụ ngôn, hình ảnh của Thiên Chúa, thể hiện một tình thương khiến ta bực tức. Khi cậu đi hoang trở về, thay vì cho thằng con hư hỏng một trận đòn nên thân, ông lại xỏ nhẫn, mang giày, mặc quần áo mới, giết bê ăn mừng. Ông có mềm yếu, nuông chiều con cái quá không? – Không hẳn, nếu ta hiểu rằng ông thể hiện tấm lòng phụ tử của rất nhiều người cha trong cuộc đời này. Họ là hình ảnh của Thiên Chúa, Người Cha luôn yêu thương con cái, yêu thương đến độ phung phí tình yêu thương ấy với con cái mình, kể cả khi con cái lầm lỗi. Ngài cũng sẽ rất vui mừng và cả thiên quốc cùng hoan hỉ với Ngài khi một tội nhân hối lỗi trở về.

Mời Bạn: Là người cha, bạn đã xử sự với con cái mình thế nào? Và nếu chẳng may có một người con hư hỏng, bạn làm gì để tìm lại con mình? – Cầu nguyện, chờ đợi, tìm kiếm mọi phương thế, giải pháp… hay bất lực, bỏ mặc con mình ra sao thì ra?

Sống Lời Chúa: Dù bạn là ai, phản ứng thế nào trước đứa con hư hỏng, bạn vẫn nhận ra cái kỳ quặc của người cha trong dụ ngôn. Chính cái kỳ quặc này sẽ giúp bạn hiểu được tấm lòng Thiên Chúa đối với tội nhân, và tội nhân ấy không ai khác là bạn và tôi.

Cầu nguyện: Con hết lòng ngưỡng mộ tấm lòng phụ tử của Chúa đối với con người tội lỗi, lạy Chúa. Con cũng kêu xin lòng nhân từ Chúa tha thứ, đón nhận con, một tội nhân. Xin giúp con xác tín tình yêu thương của Ngài. Amen.

21/03 – Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay.

“Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó”.

Lời Chúa: Mt 21, 33-43. 45-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa.

Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?

Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:

“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?” Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.

Suy niệm: Tính tham lam và ganh ghét làm cho con người hành xử cách độc ác, đến nỗi sẵn sàng giết nhau để chiếm đoạt tài sản vốn không là của mình. Ta nhận ra điều đó nơi đám tá điền vườn nho trong dụ ngôn. Họ tự biến mình thành ông chủ vườn nho, quên rằng mình chỉ là người làm thuê, có bổn phận nộp hoa lợi vụ mùa cho ông chủ. Giới lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa đã hành xử như thế khi coi Dân Chúa, qua hình ảnh vườn nho, như của riêng mình, tự tung tự tác bách hại các ngôn sứ được sai đến, cuối cùng, giết chết chính Con Một Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô. Thủ đoạn ấy có thể tái diễn nơi cuộc đời mỗi người, khi ta quên thân phận quản lý của mình, cứ tự biến mình thành chủ nhân những gì mình có trong đời: sự sống, gia sản, con cái, tài năng, chức vụ… và khi ấy, nhiều điều tồi tệ xảy ra do ta đảo ngược vị trí, mối tương quan thật sự giữa mình với Chúa.

Mời Bạn: “Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ.” Còn bạn hôm nay, bạn hiểu Người nói về ai? Suy gẫm dụ ngôn này, bạn nhận ra lòng vô ơn “không nhận ra mọi sự là ân huệ Chúa ban tặng” là nguồn gốc mọi sự dữ đời bạn.

Sống Lời Chúa: Tinh thần của Năm Thánh và mùa Chay thánh thúc đẩy tôi sống đức tin cách tích cực, nhiệt thành hơn, vì hiểu rằng Chúa là Ân nhân lớn nhất đời tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì khi suy ngắm Chúa bị đối xử cách bất công, con quyết loại trừ mọi lời nói, việc làm gây chia rẽ, nhưng biết sống hiền hoà, nhẫn nại, hầu mang lại hoà hợp, yêu thương cho mọi người chung quanh. Amen.

20/03 – Thứ Năm tuần 2 Mùa Chay.

“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.

Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

Suy niệm: Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay đồng tiền được tôn vinh: Để có một nền kinh tế ‘khoẻ mạnh’, người ta áp dụng những biện pháp nào là ‘kích cầu’, nào là ‘khuyến mãi’, cốt sao cho hàng hóa được sản xuất thật nhiều và được tiêu thụ cũng nhiều như thế. Thế nhưng đồng tiền là máu huyết để tạo sự lưu thông hàng hoá đó lại có xu hướng ‘tụ máu’ nơi một thiểu số. Vì thế khoảng cách phân hóa giàu nghèo mỗi ngày một rộng hơn… Trong xã hội vẫn tồn tại những ông phú hộ, đồng thời cũng xuất hiện nhiều anh La-da-rô hơn. Cứ cho là đồng tiền của những ông phú hộ – xưa cũng như nay – là do chính công sức lao động của họ; họ đâu có trấn lột ai để ăn xài xa xỉ! Điều đáng trách nơi họ chính là thái độ vô tình: vô tình trước nỗi đau, trước những hoàn cảnh khó khăn của anh chị em mình đang cần được chia sẻ trợ giúp.

Mời Bạn: Vấn đề ở đây chính là thái độ quan tâm của chúng ta trong cách sống với đồng loại của mình. Có lần nào bạn nhận ra chính mình đang là ông phú hộ trong cách xử sự với đồng loại? Hãy học cùng Chúa Giê-su để có một trái tim biết thương cảm, và có một đôi mắt biết chạnh lòng thương đối với anh chị em đồng loại của mình.

Sống Lời Chúa: Bình tâm xét xem mình đang vô tình, vô cảm trước nỗi đau, nhu cầu nào của tha nhân. Và bạn tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách chia sẻ những phương tiện để phát triển (kiến thức, tiền bạc, thời giờ…) bạn đang sở hữu.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

19/03 – Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay. – THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Lời Chúa: Mt 1, 16. 18-21. 24a

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây:

Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Suy niệm: Thiên Chúa Cha đã chọn thánh Giu-se để trao gửi Mẹ đồng trinh và Giê-su, Con Chí Ái của Người. Thánh Giu-se đã chu toàn sứ mạng được giao phó cách âm thầm, kín đáo tế nhị, trong sự mau mắn vâng phục tuyệt đối, mặc dù Giu-se không hiểu ý định chương trình của Thiên Chúa. Giu-se đã đau khổ nhiều khi thấy Ma-ri-a mang thai, Thật khó hiểu, khó chấp nhận. Giu-se toan tính âm thầm ra đi, để bảo vệ danh dự và sinh mạng cho Ma-ri-a. nhưng Thiên Chúa đã can thiệp đúng lúc: “Hỡi Giu-se, con vua Đa-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Ma-ri-a mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần.”

Bạn thân mến, Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Người trong những vai trò khác nhau. Nếu bạn ở trong trường hợp của Giu-se, chưa hiểu được ý Chúa nơi người anh em mình, bạn sẽ hành động thế nào? Mời bạn hãy nhìn lên thánh Giu-se như gương mẫu chu toàn tốt trách nhiệm Chúa trao phó.

Sống Lời Chúa: Trong mọi biến cố, bạn hãy âm thầm và kiên nhẫn cầu nguyện để tìm kiếm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa đã cho chúng con một người cha đầy tình phụ tử, một Đấng bảo vệ thần thế trước mặt Chúa, và một gương mẫu sống động về mọi nhân đức. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Cả chu toàn việc bổn phận trong tinh thần khiêm tốn và vâng phục.

18/03 – Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay.

“Họ nói mà không làm”.

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau.

Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô.

Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy niệm: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu thông thạo Kinh Thánh và Lề luật, họ lại có quyền hạn và trách nhiệm giảng dạy dân chúng. Những điều đó thật tuyệt vời. Nhưng Đức Giê-su lên án họ vì họ ‘ngôn hành bất nhất’, nói mà không làm. Họ tự đặt ra những luật lệ tỉ mỉ và khắt khe, nặng nề rồi “chất lên vai người ta”, còn chính họ thì “một ngón tay cũng không động vào”. Đã thế, họ còn chuộng hư danh, thích được người ta kính trọng. Chúa dạy đừng bắt chước lối sống của họ, nhưng những điều họ dùng thẩm quyền “ngồi trên toà Mô-sê mà giảng dạy”, đó là lời Kinh Thánh và Lề Luật, thì cứ tuân giữ. Giá như, đời sống của họ cũng tương hợp với lời giảng dạy thì tốt đẹp biết bao!

Mời Bạn: Thánh giáo hoàng Phao-lô VI đã từng nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Thầy dạy với lời rao giảng, tất nhiên phải có, vì đức tin có là nhờ nghe, và nghe là nhờ lời rao giảng Tin Mừng Chúa Ki-tô (x. Rm 10,17). Nhưng lời rao giảng chỉ có sức thuyết phục khi được chứng thực bằng đời sống chứng tá. Bạn hãy bắt đầu việc loan báo bằng cuộc sống làm chứng cho những giá trị Tin Mừng, rồi khi được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bạn mới sẵn sàng nói về Chúa cho anh em.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy niệm, bạn quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng một hành động cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để nên những chứng nhân tình yêu của Chúa giữa trần gian. Amen.