1. Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha Sứ điệp có tựa đề “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng”, trong đó Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu “ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi trong hy vọng và khám phá lời kêu gọi hoán cải mà lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, với tư cách là cá nhân và cộng đoàn”.
  2. Xin anh chị em cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang đau nặng.
  3. Thứ sáu hàng tuần trong Mùa chay thánh có Đi đàng thánh Giá trong Nhà Thờ lúc 16:30. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
  4. Hôm nay giáo xứ chúng ta giúp cho việc xây dựng Nhà thờ Bà Điểm thuộc Giáo hạt Hóc Môn. Xin anh chị em quảng đại chia sẻ.

Lm. Chánh xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

09/03 – CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY năm C.

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Lời Chúa: Lc 4, 1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ.

Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”

Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Suy niệm: Cám dỗ đầu tiên ma quỷ tấn công Chúa Giê-su là một điều hết sức bình thường của cuộc sống: có một tấm bánh để ăn trong lúc đói lòng. So với hai cám dỗ tiếp theo về quyền lực và danh vọng thì có vẻ nó là chuyện ‘lẻ tẻ’, thế nhưng nó lại là cơn cám dỗ ghê gớm nhất. Những ai đã từng chịu đói, đã từng phải chạy đôn chạy đáo kiếm bữa cháo qua ngày sẽ thấy sự kinh khủng của cơn cám dỗ này. Vì miếng ăn, người ta có thể bán rẻ lương tâm, lường gạt bạn bè, cướp giật và thậm chí chém giết nhau. Chúa Giê-su đã chịu đựng cơn cám dỗ này sau một chuỗi dài 40 ngày nhịn đói và Ngài đã anh hùng chiến thắng nó với lời khẳng định: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Lương thực của Ngài là “thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Mời Bạn: Người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ lo cho phần ‘có thực’, nghĩa là chỉ lo cho việc ăn uống nuôi thân xác, mà quên mất việc ‘được đạo’, nghĩa là nuôi sống phần hồn bằng Lời Chúa, bằng đời sống đạo sốt sắng và sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Sống Lời Chúa: Lấy câu Lời Chúa: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh” làm châm ngôn sống đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những cơn cám dỗ thỏa mãn thân xác vẫn đến và muốn đánh ngã con mỗi ngày. Xin giúp con sức mạnh để vượt thắng chúng bằng việc bớt chăm sóc thân xác nhưng quan tâm lo lắng đến phần hồn nhiều hơn. Amen.

Kính gởi quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa trong Tổng giáo phận

  1. Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay để hướng đến niềm hy vọng Phục sinh. Mùa Chay là thời gian chuẩn bị tâm hồn, Mùa Phục sinh mới là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Năm Thánh Hy vọng nhắc nhở chúng ta về niềm hy vọng lớn lao mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại: đó là sự phục sinh, là cuộc sống vĩnh cửu trong Chúa Ba Ngôi. Chúng ta mong đợi “sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời” (Tông sắc Spes non confundit, số 25).

Vì thế, anh chị em “hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18). Những ai đang chìm ngập trong bóng tối của khổ đau, hãy giữ vững niềm hy vọng, vì “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18). Những ai đang mải mê tìm kiếm sung túc vật chất hoặc thỏa mãn thân xác, hãy nhớ rằng chúng ta được tạo dựng cho một niềm hy vọng lớn lao là cuộc sống vĩnh cửu trong tình yêu của Chúa, và chỉ có cuộc sống đó mới xứng đáng với phẩm giá con người. Những người trẻ đừng ngủ mê và an phận với những niềm vui hời hợt mau qua, trái lại, hãy vươn lên tầm cao để sống với lý tưởng cao đẹp, hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu và bước theo Người để hiến thân xây dựng thế giới mới trong tình thương, sự thật và công lý.

  1. Để đạt tới niềm hy vọng lớn lao này, chúng ta “hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, đôi mắt đăm đăm nhìn lên Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12, 1-2). Chỉ nhìn lên Chúa chưa đủ, cần gắn chặt đôi mắt vào Chúa, nhìn Chúa không rời. Trong các giờ tĩnh tâm Mùa Chay cũng như trong các buổi cử hành phụng vụ, chúng ta không dừng lại ở một vài việc đạo đức, nhưng lòng chúng ta sẽ mở ra để thực sự gặp Chúa, đôi mắt chúng ta sẽ gặp được đôi mắt nhân từ của Chúa, trái tim chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa chạm đến trái tim mình. Một người có tâm hồn cầu nguyện sâu xa, chuyên chăm nghiền ngẫm Lời Chúa và chầu Thánh Thể, mới có đủ nghị lực và niềm vui chạy đến cuối đường.
  2. Muốn tiến đến niềm hy vọng Phục sinh, “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình (Dt 12, 1). Tội lỗi, các dục vọng và đam mê lệch lạc, quả thật là những xiềng xích trói buộc chúng ta, là những gánh nặng làm cho cuộc đời trì trệ không còn khả năng vươn cao. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thanh luyện và giải phóng chúng ta khỏi mọi ách nô lệ để được thực sự tự do. Khi lãnh nhận bí tích giao hòa, chúng ta được nghe Chúa nói: “Con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ quyết tâm chỗi dậy để sống cuộc đời mới trong tình thương của Chúa. Mỗi lần xưng tội, chúng ta hãy xin cho mình được ơn ghét tội, không còn quyến luyến tội lỗi và quyết tâm giũ bỏ mọi xiềng xích để hân hoan sống cuộc đời mới, lòng tràn đầy niềm hy vọng.
  3. Con đường tiến đến niềm hy vọng là con đường hẹp. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14). Lối sống trong thời đại hôm nay cổ võ cho sự hưởng thụ, dễ dãi, nuông chiều thân xác, nhiều lúc dẫn đến buông thả, vô độ. Con đường thênh thang này sẽ dẫn đến diệt vong, và quả thực nhiều cuộc đời đã gục ngã vì đi trên con đường ấy. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta tập sống tiết độ, chừng mực, làm chủ những ước muốn do thúc đẩy của bản năng và thực hành một kỷ luật cho bản thân. Chúng ta hãy đi trên con đường hẹp và vào qua cửa hẹp. Hãy tiết độ trong ăn uống, tiêu xài, nhất là tiết độ và thận trọng trong việc sử dụng mạng xã hội. Đừng để mình bị cuốn vào sự thúc đẩy của bản năng mù quáng.
  4. Mùa Chay không giam hãm chúng ta trong cuộc sống khắc kỷ, u sầu và an phận, trái lại, nhờ được giải phóng khỏi mọi ích kỷ, chúng ta thực thi đức ái và trở thành chứng nhân của Tin mừng hy vọng. Hội Thánh phải là Hội Thánh “đi ra” đến với mọi người, nhất là những anh chị em ở “ngoại vi”. Nếu không biết vươn tầm nhìn tới các nhu cầu của anh chị em đau khổ, nghèo đói, bệnh tật; nếu không ưu tư khắc khoải về những người còn xa Chúa, chúng ta sẽ luẩn quẩn và bế tắc với những tổ chức, lễ hội, hoặc những tranh chấp cãi vã vô nghĩa, và rốt cuộc Hội Thánh không còn đáng tin. Một khi không còn là dấu chỉ khả tín, Hội Thánh sẽ ngày càng yếu vì đã đánh mất sức hấp dẫn của Tin Mừng. Tôi mời gọi anh chị em đừng an phận, đừng sống co cụm khép kín. Tại mỗi cộng đoàn, các mục tử hãy là những người tiên phong mở đường dẫn đầu đoàn dân Chúa đi ra đem niềm hy vọng đến với mọi người.
  5. Sau hết, cũng như thông lệ từ những năm qua, trong Mùa Chay này, xin anh chị em tiếp tục đóng góp cho công cuộc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Như anh chị em đã biết, việc trùng tu này đòi nhiều thời gian, công sức, kỹ thuật và tài chánh. Chắc hẳn ai cũng mong đợi ngày hoàn tất, nhưng chúng ta không thể đốt giai đoạn được. Cùng với niềm hy vọng, chúng ta kiên nhẫn và quảng đại góp phần của mình. Càng về cuối, chúng ta càng dễ mất niềm hứng khởi ban đầu nên việc đóng góp càng ít đi. Tôi tha thiết xin anh chị em cộng tác quảng đại hơn để công trình trùng tu sớm hoàn tất. Xin cám ơn anh chị em, và nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành cho anh chị em.

Anh chị em thân mến,

Lòng cậy trông không làm thất vọng”. Sự sống lại của Chúa Giêsu chính là câu trả lời cho tất cả chúng ta là những người đang hành hương tiến về cùng đích cuộc đời. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh ngay từ hôm nay. Cầu chúc anh chị em luôn đầy tràn ánh sáng, ân sủng và bình an của Chúa. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Ngày 8 tháng 3 năm 2025
 Đã ấn ký
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng giám mục

File hình:

 

Giáo xứ Tân Định – Quyên góp trùng tu Nhà thờ Đức Bà

  • Chúa Nhật V Mùa Chay 06/04/2025
  • Chúa Nhật V Phục Sinh 25/05/2025

Thông tin chuyển khoản:

  • Tên tài khoản: Nguyễn Quốc Hưng
  • Số tài khoản: 0914717574
  • Ngân hàng: Vietinbank

08/03 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Suy niệm: Có một người dự tòng thắc mắc: mình vốn sống lương thiện, nay tin Chúa, muốn theo đạo, có làm gì sai mà phải “sám hối”, phải “rửa tội”? Thắc mắc đó đi vào đúng trọng tâm của Ki-tô giáo. Thánh Gio-an Tẩy giả đúc kết lời rao giảng bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Và Chúa Giê-su khi khởi đầu rao giảng cũng lặp lại chính những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thế mục tiêu của Chúa trong chương trình cứu độ là tìm kiếm những người tội lỗi, hay nói đúng hơn, là những người nhận biết mình tội lỗi và kêu gọi họ sám hối để được cứu độ. Và không chỉ rao giảng bằng lời, Chúa còn nêu gương bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi muôn người làm tội của mình để mà đền thay.

Mời Bạn: Việc đầu tiên người tông đồ phải làm để loan báo Tin Mừng là chính mình phải sám hối vì nhận thức được rằng mình là người có tội với Chúa và với tha nhân: có tội vì đã không tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ, đã không yêu thương tha nhân như tha nhân đáng được yêu thương; hơn nữa, phải cảm nhận được trong tội lỗi của tha nhân cũng có phần trách nhiệm của tôi: nếu tôi thánh thiện hơn thì những tội lỗi như thế có thể đã không xảy ra.

Chia sẻ : Cảm thức về tội lỗi như thế có phải là mặc cảm tội lỗi và làm suy giảm phẩm giá con người không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

 

07/03 – Thứ Sáu đầu tháng, sau lễ Tro.

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

Suy niệm: Đối với người Do Thái, ăn chay là giảm bớt thức ăn, hoặc hơn thế, là nhịn ăn vào một số ngày qui định, có thể gọi đây là ‘chay miệng’. Môn đệ Gio-an Tẩy giả và những người Pha-ri-sêu quan tâm đến việc giữ ‘chay miệng’, và dựa vào đó để chất vấn tại sao các môn đệ Đức Giê-su không giữ chay giống như họ. Đáp lại, Chúa ví Ngài là chàng rể trong tiệc cưới và mọi người vì chàng mà vui mừng, không ai lại ăn chay lúc đó. Ngài nhắc nhở ‘chay miệng’ cần phải có ‘chay lòng’ nữa, nghĩa là thái độ khiêm tốn phó thác nơi Chúa và khao khát kết hợp với Đấng Ki-tô trong công trình cứu độ của Ngài. Nếu không có việc ‘chay lòng’ này, thì ‘chay miệng’ sẽ chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị gì.

Mời Bạn: Việc ăn chay đối với người môn đệ Đức Ki-tô là đồng cảm với Ngài trong “ngày chàng rể bị đem đi”. Chính vì thế, việc ‘chay lòng’ là việc cần làm trong mọi thời điểm của cuộc sống Ki-tô hữu, cách riêng trong mùa Chay để ăn năn sám hối, nối lại tình thân với Chúa và tham gia vào cuộc khổ nạn và phục sinh với Ngài. “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức…”, và làm việc bác ái giúp kẻ khốn cùng… đó là những việc tích cực mà ngôn sứ I-sai-a kêu gọi thực hiện cùng với việc ăn chay (Is 58,6-7).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn ý thức làm những việc lành tích cực để thực hiện việc ‘chay lòng’ trong mùa Chay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con cơ hội trở về với Chúa qua việc giữ ‘chay miệng’ cũng như giữ ‘chay lòng’. Xin cho chúng con biết dừng lại sau những ngày bận tâm bận trí với cuộc sống để nhìn ra mùa Chay quả là mùa hồng phúc.

06/03 – Thứ Năm đầu tháng, sau lễ Tro.

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Lời Chúa: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Suy niệm: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, câu thơ của Tào Tùng thời Đường (Trung Quốc) diễn tả tâm trạng ngậm ngùi của vị tướng chiến thắng khải hoàn trong vinh quang nhưng với cái giá phải trả là hằng vạn binh sĩ của ông đã phải phơi xương tại trận tiền. Quả thật, Chúa không hứa hẹn cho những kẻ theo Ngài một cuộc sống dễ dàng, được giàu sang phú quý nơi trần thế, mà trái lại phải chấp nhận hy sinh, gian khổ, và kể cả cái chết. Mặt khác, Ngài không phải là vị tướng ‘sát quân, thí tốt’ khi kêu gọi “ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Nhưng, trước khi yêu cầu điều đó, Ngài báo trước chính Ngài “sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chính Ngài đã đi trước chúng ta trên con đường khổ giá đó, và mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, cùng chết với Ngài và sẽ được cùng Ngài sống lại.

Bạn thân mến, đi theo Đức Ki-tô là đi vào con đường từ bỏ và hy sinh. Đó là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là từ bỏ lòng tự mãn, ý riêng, từ bỏ những đam mê bất chính đối nghịch với Tin Mừng. Đồng thời, đó cũng là “vác thập giá mình hằng ngày”, là hy sinh, đón nhận những lao nhọc vất vả, bệnh tật… trong cuộc sống, với những thách đố của đức tin. Bạn có sẵn sàng từ bỏ và hy sinh để bước theo Ngài không?

Sống Lời Chúa: Thực hành hy sinh qua thái độ vui tươi nhẫn nhịn trước sự khó chịu, xúc phạm người khác gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ tính ích kỷ, để chúng ccon quảng đại đón nhận tha nhân dù họ vẫn còn những khuyết điểm khó thương.

05/03 – THỨ TƯ LỄ TRO. – Giữ chay và kiêng thịt.

“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc căn bản về đời sống thiêng liêng: Mọi việc dù là đạo đức nhất đi nữa cũng chỉ có giá trị khi người ta làm vì Thiên Chúa: 1/ Bố thí không phải để quảng cáo chính mình. Một nghĩa cử chia sẻ chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi được làm với một tình yêu cho không. 2/ Cầu nguyện, càng không phải việc làm cốt để cho người khác nhìn thấy, dù là cầu nguyện chung với người khác, nhưng là chuyện gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm can con người. 3/ Cũng thế, ăn chay đích thực là thống hối, lột trần mình trước mặt Chúa, thấy mình là hư không trước mặt Người.

Mời Bạn: Mở đầu mùa Chay, tìm lại ý nghĩa đích thực của việc sống đạo: Cầu nguyện mà không gặp Chúa, ăn chay mà không sửa mình, bố thí mà không có lòng bác ái thì chỉ là thỏa mãn với mặt nạ thánh thiện mà thôi. Bạn đã có dự kiến gì để sống thật thân thiết với Chúa 40 ngày mùa chay này chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện riêng một mình bạn với Chúa, và làm một việc bác ái với một người mà bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian thuận tiện là mùa chay này để đổi mới đời sống đạo của chúng con bằng cách luôn sống dưới ánh mắt âu yếm của Chúa. Amen.

04/03 – Thứ Ba tuần 8 thường niên.

“Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu”.

Lời Chúa: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

Suy niệm: Phê-rô băn khoăn vì đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa trấn an ông rằng sự từ bỏ đó không có nghĩa là mất tất cả. Ngài cho biết những ai từ bỏ của cải, gia đình “vì Đức Ki-tô và vì Tin Mừng” sẽ được Chúa ban lại gấp trăm ngay ở đời này. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Họ sẽ nhận được “sự ngược đãi”. Trong thực tế, họ thậm chí còn bị giết chết. Nhưng Chúa còn quảng đại gấp trăm ngàn lần. Ngài sẽ thưởng ban “sự sống vĩnh cửu đời sau” cho những ai từ bỏ mọi sự theo Ngài.

Mời Bạn: Có những lúc chúng ta bị giằng co khi chọn tin và đi theo Chúa thì phải từ bỏ lợi lộc, sự nghiệp ở đời này, thậm chí phải từ bỏ những gì thân yêu nhất, có khi cả mạng sống nữa. Tuy nhiên, Chúa chẳng để ta thiệt thòi trên đường theo Chúa. Ngài hứa ban cho ta gấp trăm ở đời này và gấp bội phần ở đời sống vĩnh cửu mai sau. Thánh Phao-lô đã truyền đạt cho chúng ta niềm xác tín đó: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Sống Lời Chúa: Làm những hy sinh nhỏ thường ngày để sẵn sàng hy sinh từ bỏ lớn hơn “vì Chúa và vì Tin Mừng”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con vẫn còn hẹp hòi khi phải từ bỏ để theo Chúa. Xin cho con quảng đại dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc sống con. Amen.

03/03 – Thứ Hai tuần 8 thường niên.

“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Lời Chúa: Mc 10, 17-27

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó.

Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Suy niệm: Người thanh niên này chẳng những giàu có, lại đạo đức, “tuân giữ các giới răn từ thưở nhỏ”; anh lại có thiện chí đến xin Đức Giê-su chỉ vẽ phải “làm thế nào để có sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Điều đó khiến Chúa “đem lòng yêu mến” anh. Nhưng Chúa lại bảo anh vẫn còn thiếu một điều. Chỉ còn một bước nữa là tới “kho tàng trên trời” ấy thế mà anh lại vuột mất kho báu vô giá ấy chỉ vì anh không thể đáp ứng được đòi hỏi thiết yếu của Chúa: “bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo”. Hoá ra, chỉ tuân giữ các giới răn mà thôi thì chưa đủ, còn phải biết chia sẻ “những gì mình có” cho những người túng nghèo đang cần đến.

Mời Bạn: Anh em dân tộc đánh bẫy khỉ phá hại nương rẫy bằng cách lấy trái bầu khô có khoét lỗ vừa bằng nắm tay, bên trong bỏ một ít hạt bắp hạt đậu. Con khỉ nào nắm đầy những đậu bắp không chịu buông bỏ sẽ bị kẹt tay trong trái bầu và đành bị bắt. Người ‘giàu’ không thể vào Nước Trời không phải vì nhiều của cải mà là vì không biết chia sẻ cho anh em túng nghèo; họ sẽ bị kẹt không thể lách qua “cánh cửa hẹp” dẫn vào Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Mời bạn xét mình: Bạn có đang bo bo không chia sẻ một ít của cải cho người đang cần chút của ăn để sống qua ngày? Bạn có biết nói đôi lời an ủi cho người đang sầu muộn? Bạn có sẵn sàng làm điều gì đó để giúp người anh em được sống tốt hơn lên không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, để con được vào Nước Chúa ngay ở cõi đời này. Amen.