Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm A
Chúng con thân mến,
1. Cha đố chúng con, chúng ta đã bước vào mùa gì của năm Phụng vụ ?
– Mùa vọng .
– Cha đố thêm Giáo Hội lập ra Mùa Vọng để làm gì?
– Thưa để nhắc cho mọi người về việc Chúa đến.
– Thế cha hỏi Chúa đã đến chưa?
– Chúa đã đến lần thứ nhất, trong ngày Ngài Giáng sinh. Ngài sẽ đến lần thứ hai, trong ngày Ngài Quang lâm. Ngài vẫn đang đến với mỗi người trong cuộc sống mỗi ngày.
– Để gặp được Chúa, Tin Mừng hôm nay dạy mọi người điều gì
– Thưa dạy mọi người “Hãy tỉnh thức”.
– Chúng con rât giỏi. Bây giờ cha giải thich cho chúng con.
1. Thế nào là tỉnh thức
Chúng con hãy nghe câu chuyện này:
Một hôm cũng vào tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng như ngày hôm nay, ngay đầu giờ dạy giáo lý, cha Don Bosco hỏi các em thiếu niên có mặt trong lớp: “Nếu các con đang vui chơi ngoài sân, bất thần Chúa đến và bảo rằng: 10 phút nữa, Chúa sẽ gọi các con về với Chúa, thì các con sẽ làm gì ngay lúc ấy ?” Cả lớp yên lặng suy nghĩ. Cha Bosco gọi em Antonio, em đứng lên ấp úng trả lời: “Dạ thưa cha, con sẽ chạy ngay về nhà để từ giã ba má con, rồi con sẽ quay lại kịp theo Chúa!”
Cha Bosco lại chỉ em Benado, cậu ta vội đáp: “Thưa cha, con sẽ về phân phát hết tủ quần áo của con cho những người ăn mày trong xóm, còn số đồ chơi thì con tặng hết cho lũ trẻ nghèo khổ con cái của họ. Chắc Chúa sẽ hài lòng và ban thưởng cho con nhiều hơn !”
Khi cha gọi đến Camillo, cậu này do dự một chút rồi trả lời, vẻ như vẫn còn bối rối ghê lắm: “Có lẽ con nên vào Nhà Thờ để ngồi cầu nguyện đợi Chúa, thời gian đâu có bao nhiêu, nhỡ Chúa đến sớm hơn một chút thì sao?”
Tới phiên Stephano, cậu trả lời ngắn gọn: “Con sẽ xin cha cho con xưng tội ngay, chắc chắn con sẽ được vào Nước Trời!”
Cả lớp, từng học sinh một đã dần dần trả lời, nhưng dường như Cha Bosco vẫn chưa tỏ vẻ hài lòng, các cậu bé nhìn nhau thắc mắc hết sức. Còn cha thì đi lui đi tới… Chợt như sực nhớ, cha chỉ tay gọi Dominico Savio, cậu đứng dậy khoanh tay nghe cha hỏi lại câu hỏi: “Thế còn phần con, Savio, nếu như con đang nô đùa vui vẻ với bạn bè ngoài sân chơi mà Chúa đột nhiên đến và gọi con về với Người thì con sẽ làm gì trong thời gian 10 phút?”Savio mỉm cười, đơn sơ trả lời: “Thưa cha, con sẽ vẫn tiếp tục vui chơi ạ !” Nghe vừa dứt, Cha Bosco vui mừng chạy tới ôm chầm lấy cậu bé 12 tuổi: “Ôi đúng rồi ! Đó chính là câu trả lời mà cha đã chờ suốt nãy giờ. Savio, con yêu dấu của cha, con thật là xứng đáng ra đón Chúa bất cứ lúc nào trong đời !”
Như vậy là chúng con đã hiểu tỉnh thức là gì. Là luôn ở trong tư thế hành động tích cực nhất.
2. Nhưng tại sao phải tỉnh thức
Trong Tin Mừng hôm nay chúa nói đến sự bất ngờ. Chúa đến thật bất ngờ.
Chúng con biết trước nạn hồng thủy, thiên hạ hầu như không quan tâm tới điều gì, ngay cả việc ông Nô-ê đang nỗ lực đóng một chiếc tàu khổng lồ trước mắt họ. “Thiên hạ vẫn ăn uống, cuới vợ lấy chồng. Tất cả những điều đó thật tự nhiên, bình thường. Chúa Giê-su đã không kể ra một tội nào của họ. Nhưng thiên hạ thời đó đã “không hay biết gì”.. Thiên hạ thời Nô-ê nghĩ rằng mình sẽ bất tử. cho tới khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy”. Lúc đó họ mới bừng tỉnh để thấy rằng: họ không phải là thần là thánh và nếu họ muốn sống, họ cần đến Thiên Chúa nhưng đã quá muôn mất rồi…
Chúa sẽ đến giữa nhân loại, giữa giòng đời một cách bất ngờ, không báo chí, không truyền thanh, truyền hình báo trước. Con Người đến ngay giữa những mối bận tâm khát vọng của loài người, ngay giữa những công ăn việc làm, ngay giữa nơi công sở, ngoài đồng ruộng nương rẫy, ở trong nhà, ở ngoài phố, ở những ngõ sâu hẻm tối hay nơi đô thị nhộn nhịp sa hoa.
Chúa đến. Ngài sẽ quyết định dứt khoát số phận con người. Có những số phận khác biệt nhau giữa những con người đang sống trong cùng một hoàn cảnh tưởng chừng như giống nhau: “Cùng đang làm ruộng, cùng xay bột…” Những ai đã chuẩn bị, đã sẵn sàng thì được “đem đi” có nghĩa là được cứu thoát. Những ai chỉ mải mê với công việc mà không nhìn xa trông rộng để biết thời biết buổi sẽ bị “bỏ lại”. Như người chủ hãng mải mê ngủ sẽ làm cho hãng bị phá sản. Như người trẻ không chuẩn bị tương lai, sẽ phải lãnh trách nhiệm trên đời mình. Như người chẳng bao giờ nhớ đến Chúa, sẽ lỡ hẹn khi Ngài viếng thăm
Chúa sẽ đến bất ưng như kẻ trộm. Sẽ không có đài thủy văn báo trước khi mực nước dâng cao gây nên trận hồng thủy. Sẽ không có chuông điện tử báo động khi kẻ trộm đột nhập vào nhà. Sẽ không có mạng lưới Radar tối tân báo hiệu có hỏa tiễn liên lục địa xâm phạm không phận một quốc gia. Sẽ không có các chỉ số xét nghiệm cho thấy một căn bệnh nan y… Con Người đến hoàn toàn bất ngờ.
3. Vậy phải luôn sẵn sàng.
Sẵn sàng là sống những giây phút hiện tại cho xứng đáng, đó là thái độ sẳng sàng tốt nhất. Ngày xưa có một thầy dòng viết lên trên mặt đồng hồ những dòng chữ sau đây:
“Dĩ vãng đã qua. Tương lai chưa tới, Hiện tại là lúc bạn đang làm chủ. Phút hiện tại ấy thuộc về bạn. Bạn hãy dùng cho hết. Làm điều có đức sẽ được thưởng. Làm điều ác phải chịu phạt. Đó là tất cả những cái gì làm sống lại”.(Toth, Chí khí người thanh niên)
Một ngày trong năm 1780, bóng tối lạ lùng trùm xuống lãnh thổ tiểu bang Connecticut. Mọi người đều nghĩ: Ngày Tận Thế đã đến. Trong phòng họp Quốc Hội có tiếng các đại biểu xin hoãn họp để họ có thể về nhà chờ Chúa đến cùng với người thân.
Vị chủ tọa, đại tá Davenport, phát biểu đôi lời: “Chẳng cần biết đây có phải là ngày phán xét hay không. Nếu không thì việc gì phải hoãn lại. Còn nếu đúng là ngày ấy thì Chúa sẽ thấy tôi đang làm việc bổn phận. Tôi ước mong mọi ngọn nến đều được thắp sáng.” (Drinkwater)
Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là tiểu thánh.
Ngày nọ, đang lúc ông đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói: “Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến”. Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời: “Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?” Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.
Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói: “Đây ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?”. Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.
Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài”. Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ: “Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc”. Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói: “Này vị tiểu thánh, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?”