Anh chị em thân mến,

Bài Thương khó hôm nay tương đối khá dài và tự nó đã nói lên rất nhiều ý nghĩa cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên tôi cũng xin được chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ của tôi. Đọc bài Thương khó hôm nay, tôi thấy có một vài điểm rất đáng cho chúng ta suy nghĩ

1. Điểm thứ nhất là lòng dạ của con ngưòi. Lòng dạ con người sao mà dễ thay đổi quá. Chỉ trong một thời gian không đầy một tuần lễ mà chúng ta được chứng kiến bao nhiêu cảnh thay lòng đổi dạ của con người dối với Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.

  a/ Trước hết là đám đông quần chúng

Lúc Chúa vào Thành thánh Giêrusalem, chúng ta không thể tưởng tượng được thái độ của họ vui mừng đến như thế nào. Họ sẵng sàng cởi áo trải xuống lót đường cho Chúa đi qua. Họ bẻ cành cây đầy lá giơ cao để đón mùng Chúa. Miệng của họ hò la đến vang trời dậy đất khiến nhà cầm quyền lúc đó cũng cảm thấy rúng động. “Hoan hô con Vua Đavid…Hoan hô….Hoan hô…Vạn tuế….Vạn tuế …Vạn tuế con Vua Đavid ….Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chuá đến cùng chúng tôi”

Nhưng rồi cũng lại hầu hết những con người này, chỉ mấy ngày hôm sau lại gân cổ lên mà la thật to rằng “Hãy đóng đinh nó vào Thập giá, hãy đóng đinh nó vào Thập giá”- Và cả sau khi Chúa chịu đóng đinh rồi họ cũng vẫn chưa chịu buông tha cho Chúa: “Hãy xuống khỏi Thập giá đi để chúng ta tin nào…Kẻ đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình…..Xuống khỏi Thập giá đi…Xuống khỏi Thập giá đi..”

Ôi lòng dạ của con người sao mà chóng đổi thay đến như thế.

 b/ Thứ đến là lòng dạ của một người môn đệ đã được Chúa dành cho nhiều tình thương. Người đó là ai thì tất cả chúng ta đều đã biết: Giuđa. Vâng Giuđa đã phản bội. Tin Mừng đã ghi thật rõ “Giuđa tên phản bội”. Lòng dạ của Giuđa thật ích kỷ và hẹp hòi. Anh ta đã được Chúa thương, thương hơn nhiều môn đệ khác. Anh đã được Chúa tín nhiệm, tín nhiệm hơn những anh em khác, Chúa trao cho anh quản lý tất cả những gì Chúa có. Chúng ta có thể nói như thế. Anh đâu dó thiếu gì vậy mà anh đã phản bội. Chúa rất buồn với anh, buồn tới mức độ Chúa phải thốt lên một lời, một lời mà trong suốt cả cuộc đời của Chúa, Chúa không hề nói với bất cứ một ai: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” Thật là xót xa cho Chúa, cho Người Thầy chí Thánh của anh, anh Giuđa ạ

c/ Một số các nhân vật khác mà Bài thương khó hôm nay cũng nhắc tới. Đó là nhóm những người được Chúa ưu ái tuyển chọn trong đó có một người mà Chúa yêu thương rất đặc biệt. Người ấy không là ai xa lạ với chúng ta. Đó là Ông  Phêrô. Phêrô theo nội dung  tiếng Do Thái là đá tảng. Trước đó không bao lâu đá tảng Phêrô đã thề sống thề chết: “Dù tất cả có bỏ Thấy, con cũng không bao giờ….không bao giờ”- và Tin Mừng  còn ghi “Các tông đồ khác cũng nói như vậy”. Vậy mà sau đó không bao lâu chỉ có vài lời vu vơ của một vài đứa đầy tớ gái, tảng đá Phêrô đã vỡ tan tành. Ông Phêrô ơi! Ông không biết Chúa thật sao?. Thật là đau đớn cho Chúa….Con người mà Chúa đã tin tưởng đặt làm thủ lãnh một xã hội mới lại thề thốt trước mặt mọi người rằng không biết Chúa là ai. Thật là đau xót. Thật là tủi buồn.

2, Nhưng may mắn thay chúng ta còn có Chúa. Lòng Chúa không bao giờ đổi thay. Chúa luôn một lòng một dạ…một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương của Ngài. Vâng Chúa luôn một lòng một dạ. Lòng trung thành của Chúa không bao giờ thay đổi.

a/ Chúng ta có thể nói sự sống của Chúa là Thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” Cả cuộc đời trần thế của Chúa cũng chỉ là như vậy: “Lạy Cha này con xin đến để làm theo ý Cha”. Ý Cha như thế nào con cũng một lòng một vâng theo. Trước chén đắng đầy tràn, Ngài cảm thấy run sợ nhưng lúc nào Thánh ý Thiên Chúa Cha cũng phải được đặt lên trên hết: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý của Cha”

b/ Bên cạnh đó Chúa có một lý tưởng để đi theo: Lý tưởng yêu thương. “Thầy đã đem lửa xuống trần gian và Thầy mong uớc biết bao cho lửa đó được bùng cháy lên”. Chúa một lòng một dạ với lý tưởng đó. Không có cái gì trên trần gian này có thể làm cho Chúa xa rời lý tưởng đó.

Từ trên Thập giá Chúa nhìn xuống cả một đám đông vẫn còn say máu căm thù vậy mà Chúa vẫn có thể bình thản cầu nguyện “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Cả cuộc  đời của Chúa là cuộc đời phục vụ. Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa phục vụ đến quên mình. Chúa sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả cái chết trên Thập giá vì Lý tưởng yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn hơn Tình yêu của người dám hiến mạng sống của mình cho người mình yêu”

Lạy Chúa, Chúa đã một lòng một dạ với Thiên Chúa Cha, một lòng một dạ với lý tưởng yêu thương. Xin Chúa giúp cho chúng con được luôn gắn bó vớ Chúa. Xin cho chúng con được biết yêu thương như Chúa. Để khi sống như Chúa

chúng con biết cho đi mà không tính toán

biết chiến đấu mà không sợ thương tích

biết làm việc mà không tìm an nghỉ

biết xả thân mà không tìm một phần thưởng nào khác

ngoài việc biết rằng chúng con đang thi hành Thánh ý Chúa. Amen

Thiếu nhi chúng con thân mến,

Chúng con vừa nghe thánh Luca thuật lại cho chúng ta một câu chuyện rất cảm động xảy ra vào những ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên trần thế.

Cha hỏi chúng con: Qua câu chuyện hôm nay chúng con thấy được cái gì nổi bật nhất?

Chúng con cho cha ý kiến nào.

– Chúng con thấy lòng dạ của người ta thay đổi nhanh quá.

– Đúng! Cha cũng thấy vậy. Nhanh quá! Không thể tưởng tượng nổi.

–  Sao mà người ta ác quá!

– Đúng. Người ta ác với Chúa Giêsu quá. Chúa Giêsu đâu có thù hằn gì với ai. Nhiều người còn chịu ơn Chúa. Vậy mà sao họ nỡ tâm đối xứ ác với Chúa như thế.

– Thật là buồn lòng cho Chúa! Riêng đối với cha, điều cha cảm phục nhất là cách Chúa phản ứng và đối xử với mọi việc xảy ra một cách hết sức bình thản và đầy lòng yêu thương. Đây cha chứng minh cho chúng con.

Trước hết chúng con thấy Chúa thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con”. Đứng trước cái chết, con người ai mà chẳng run sợ, vì con người nghĩ rằng chết là hết, chẳng có gì tồn tại. Nhưng với Chúa Giêsu, chết là đi về cùng Chúa Cha. Chúa yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Chúa Cha.

Lúc quân lính hung hăng đến bắt Chúa, Chúa vẫn hiền hòa không kháng cự.

Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Chúa vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung. Chúa chẳng lo cho an toàn của bản thân: nên giữa lúc khó khăn khốn đốn Chúa vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế.

Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa, Chúa vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị. Đối lại tội phản nghịch tày trời, Chúa chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hi vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.

Lúc đang bị xét xử, dù phải chịu nhục nhã đắng cay, Chúa vẫn quan tâm đưa mắt nhìn  Phêrô. Vị đại diện các tông đồ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt kín đáo của Thầy. Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ. Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều. Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.

Rồi trên con đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây thánh giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Chúa vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Chúa.

Trên thập giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn kiệt, vậy mà Chúa vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành. Ôi sao mà lạ lúng quá. Thật là tuyệt vời!

Và còn hơn thế nữa, Chúa đã tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính hành hạ Chúa. Chúa không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu đến việc xử án Chúa.

Cha hỏi chúng con Chúa làm tất cả những điều ấy để với mọi người điều gì?

Câu trả lời không khó. Chúa muốn cho mọi người thấy tình yêu của Chúa.

Tình yêu ấy là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi vào lòng của cả những người ghét ghen. Cha nhớ Đức Cha Fulton Sheen một tông đồ của Tin Mừng đã nói một câu rất hay: Tình yêu thương của Chúa giống như loài gỗ quí nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó.

Giữa những hung hãn tàn bạo, Chúa vẫn hiền lành khiêm nhường.

Giữa những hận thù, Chúa vẫn yêu thương.

Giữa những phản bội, Chúa vẫn tha thứ.

Tình yêu của Chúa đã thắng.

Có một nhà tư tưởng lớn Karl Menninger nói: “Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu chữa trị mọi vết thương của cả người cho lẫn người nhận”

Nhà văn lớn người Nga tên là Lev Tolstoy còn nói mạnh hơn “Tình yêu kỳ diệu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống”.

Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện này thật đẹp. Câu chuyện như thế này: Một hiệp sỹ dũng cảm kia tên là Hidebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hidebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi đễ ra tay. Ông thức dậy sớm giữa đêm, một mình võ trong đầy đủ, đi đến một nơi thanh vằng mà ông biết Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ còn mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi ông giải trí bằng cách đi quan sát các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức tranh thứ nhất vẽ Chúa Giêsu mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi câu này bằng tiếng Latinh: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại bằng lăng nhục”.

Bức thứ hai, nhắc lại cảnh đau buồn khi Chúa bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”.

Và cuối cùng, bức thứ ba vẽ Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hidebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ để tha thứ tận tình và để làm hoà với bạn. (Góp nhặt)

Cha chúc chúng con biết yêu thương như Chúa để cuộc đời chúng con giống Chúa nhiều hơn. Amen.

1. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe chẳng khác gì một phiên toà. Bị cáo là một người phụ nữ. Nguyên cáo là các kinh sư và những người Pharisiêu. Tội phạm là tội ngoại tình. Bản án là tử hình bằng cách bị ném đá. Thực ra các kinh sư và những người Pharisiêu không cần đến Đức Giêsu làm quan toà. Họ có thể căn cứ vào luật Môise để thi hành án. Họ đến hỏi ý kiến Đức Giêsu không phải với thiện ý nhưng nhằm gài bẫy Đức Giêsu. Nếu Chúa tha cho người phụ nữ họ có cớ để tố cáo Chúa chống lại luật Môisê. Nếu Chúa kết án người phụ nữ họ sẽ rêu rao với mọi người rằng Chúa là Người mâu thuẫn với chính mình vì Chúa vẫn giảng dậy về lòng nhân từ thương xót. Cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án dành cho người phụ nữ họ hy vọng sẽ có một bản án khác dành cho Đức Giêsu.

Đứng trước sự việc đó Chúa đã phản ứng thế nào?

Chúa đã im lặng, và Người cúi xuống viết trên đất. Người im lặng vì không đồng tình với thái độ của họ. Người im lặng để mọi người có thời gian trở về với cõi lòng của mình và thấy được những gì đang lắng đọng ở trong đó. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không trả lời câu hỏi của họ để rồi sau đó Người đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn.

Vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên. Họ chờ đợi Người lên tiếng thì Người lên tiếng. Nhưng lời Người khiến họ chới với. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8,7). Họ mời Đức Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, nhưng thật không ngờ là Đức Giêsu lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Đức Giêsu kết án người phụ nữ, nhưng thật không ngờ là Đức Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, nhưng thật không ngờ là Đức Giêsu lại ném một hòn đá vào chính lương tâm họ.

Chỉ có điều, họ muốn Đức Giêsu làm quan toà để giết chết, nhưng Đức Giêsu lại là quan toà để cứu sống. Những hòn đá họ mang đến với mục đích ném vào người phụ nữ cho chị ta chết đi, thì hòn đá Đức Giêsu ném vào lương tâm đã giúp họ sống lại. Họ như được bừng tỉnh khỏi cơn mê muội, nhận biết mình tội lỗi, và ngay sau đó họ đã lần lượt rút lui không dám kết án người phụ nữ nữa.

Xét xử các kinh sư và những người Pharisiêu rồi, Đức Giêsu mới quay lại xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, với những lời lẽ hiền từ, Đức Giêsu đã đưa ra lời phán xét: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”(Ga 8,11).

Thật là một lời phán xét lạ lùng. Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng và nhân hậu.

Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng và bao dung.

Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần và vỗ về.

Lời phán xét của Chúa không làm sỉ nhục con người tội lỗi nhưng giúp họ phục hồi nhân phẩm của mình.

Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở ra cho họ một tương lai.

Ở đây chúng ta thấy Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi tội nhân. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

2. Vâng kính thưa anh chị em. Đó là nội dung câu chuyện qua bài Tin Mừng hôm nay.

Khi chú giải về sự kiện này Thánh Augustinô viết một câu rất vắn nhưng cũng rất hay: “Relicti sunt duo:miseria et misericordia”  Chỉ còn lại hai: một bên là sự khốn nạn và bên kia là lòng xót thương” Cha Nil Guillemetre còn viết thêm :”La misericorde en face de la misère. C’ est tout l Évangile “Lòng xót thương giáp mặt với sự khốn cùng đó là tất cả Tin Mừng”.

Phiên tòa bây giờ không có nguyên cáo và cũng không có ai phán xét. Và Chúa Giêsu lại một lần nữa minh chứng cho những gì mà Chúa đã từng tuyên bố :”Con người đến không phải để xét xử thế gian nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu” (Ga 3,17).

Kính thưa anh chị em.

Tới đây thì chắc anh chị em đã thấy được tấm lòng của Chúa như thế nào. Bao nhiêu lần Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chẳng ai trong chung ta trong sạch. Tất cả mọi người chúng ta đều nhận được tình thương tha thứ của Chúa. Rồi cũng lại bao nhiêu lần chúng ta đọc kinh lạy Cha. Thánh lễ nào cũng vậy  chúng ta hát hay đọc thật rõ lời của Chúa và tha cho chúng con như chúng con cũng tha.

Thế nhưng thực tế trong cuộc sống sự việc đã thường xẩy ra như thế nào. Hình như tự trong đáy lòng của chúng ta, chúng ta ít nhiều cũng đang là những biệt phái và luật sĩ như trong bài Tin Mừng hôm nay. Lời Kinh Thánh vẫn còn đó: Hãy cẩn thận khi đoán xét người khác.

Để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em câu chuyện rất cảm động và tác giả kể lại câu chuyện này không ngần ngại xếp nó vào loại những câu chuyện lạ lùng nhất của thế giới. Đây là câu chuyện có thật. Chuyện có liên hệ đến một tên tử tù. Anh tên là Demay. Anh bị bắt vì tội giết người. Anh giết tới 5 người trong đó có viên thanh tra cảnh sát tên là Pierre Bréant.

Khi bị đưa ra tòa, Demay bị lãnh án tử hình. Ai cũng cho như thế là đính đáng.

Thế nhưng tổng thống Vicent Auriol đã ân xá cho anh ta. Phải chăng tổng thống quá nhân từ. Không phải thế. Sau khi ân xá cho Demay trong một cuộc phỏng vấn tổng thống đã tâm sự như thế này: “Có những vấn đề đã làm tôi phải thức trắng đêm. Trường hợp của Demay cũng vậy. Tại sao tôi lại không chấp thuận để đưa nó lên đoạn đầu đài? Vì lẽ gì tôi đã bằng lòng ân xá cho nó. Đây là lý do. Lý do này tôi đọc được trong bản báo cáo của phiên tòa xử Demay. Đây là lời của Demay nói trước quan  tòa:

“Tôi muốn nói với quí vị một vài lời. Tôi xin thưa với quí vị rằng mẹ tôi thường không cho tôi bú sữa dầu tôi có phải khóc lên vì đói. Mẹ tôi say sưa cả ngày. Cha tôi cũng vậy. Ông thường dùng gậy để đập vào đầu tôi.

Qúi vị là những người được may mắn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, đủ ăn đủ mặc, được học hành đầy đủ. Quí vị đâu có biết cái cảnh những đứa trẻ con nghèo đói rách nát phải đi lang thang bới những thứ người ta vất đi ở thùng rác mà sống.

Quí vị đâu có thấy được cái cảnh một bà mẹ say sưa nằm chết sõng sượt trên vũng bùn nhơ, rồi đứa con thơ phải cố lôi xác mẹ vào trong một túp lều ở dưới hầm cầu, tắm rửa, thay quần áo cho mẹ, rồi đợi để đưa mẹ đi chôn. Hình ảnh đứa bé vừa lên chín ấy là tôi.

Tôi sống trong sự cơ hàn. Mãi đến năm 20 tuổi tôi vẫn chưa có được một ly rượu ngọt để uống.

Quí vị là những người tượng trưng cho cái xã hội thượng lưu. Quí vị là những người có nhiệm vụ lo cho đời sống của mọi công dân trong nước… Thế mà quí vị đã để cho tôi đói khát, không chút tình thương, không được học hành, không hiểu thế nào là đạo đức, là luân lý. Vậy mà bây giờ quí vị lại đứng ra buộc tội tôi. Tôi muốn tố cáo ngược lại quí vị, tố cáo cái xã hội đầy bất công là nguyên nhân đã gây ra tội lỗi này.”

Kính thưa anh chị em

Đọc xong câu truyện này tôi tự hỏi không biết Chúa sẽ xử trí như thế nào nếu Chúa phải đứng trước một hoàn cảnh tương tự như thế. Chẳng cần phải nói anh chị em cũng thấy những câu chuyện như thế chẳng còn xa lạ gì với chúng ta nhất là trong cái xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay.

Công bình mà nói thì chúng ta phải cám ơn Chúa. Dù sao thì chúng ta cũng còn có mái nhà để ở, có bát cơm để ăn. Chúng ta còn được giáo dục cho biết đâu là điều hay lẽ phải. Hơn nữa chúng ta còn được Chúa dạy dỗ.

Nhưng bên cạnh chúng ta, trước mắt chúng ta còn biết bao nhiêu người đang phải quằn quại trong đau khổ vì….nghiện ngập, thiếu tình thương? Tại ai thưa anh chị em? Biết đâu chúng ta chẳng có một phần trách nhiệm trong đó? Đừng đổ tội cho ai nhưng hãy thành tâm xét mình trước mặt Chúa và hãy làm một điều gì đó để sửa lại lỗi lầm của mình. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Cha đố chúng con, hôm nay là Chúa nhật thứ mấy trong Mùa Chay vậy chúng con?
– Dạ thưa cha, Chúa nhật thứ năm.
– Giỏi. Thiếu nhi của cha giỏi quá! Hôm nay đã là Chúa nhật thứ năm có nghĩa là chúng ta sắp bước vào một tuần lễ hết sức đặc biệt của năm Phụng vụ. Cha đố chúng con đó là tuần lễ gì?
– Thưa cha đó là Tuần Thánh, chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục sinh.
– Chúng con giỏi

Bây giờ chúng con nghe lại câu chuyện hôm nay.

Hôm ấy lúc trời vừa tảng sáng, Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông dân chúng nơi đền thờ Giêrusalem, thì đột nhiên những người kinh sư và Pharisêu lôi một người phụ nữ mà họ nói là đã bắt gặp chị ta đang ngoại tình đến trước mặt Chúa. Tin Mừng không nói là họ bắt gặp chị đó phạm tội ở đâu và với ai. Họ đặt chị ta đứng ở giữa mọi người và rồi nói với Chúa:
– Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Theo sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?
Đứng trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không trả lời ngay. Chúa ngồi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Tin Mừng không cho chúng ta biết Chúa viết gì. Chỉ biết việc làm của Chúa làm cho những người hỏi Chúa sốt ruột. Chịu không được, họ cứ hỏi mãi, lúc đó Chúa mới ngẩng đầu lên và bảo họ:
– Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.
Rồi Chúa lại ngồi xuống và lại viết trên đất. Thật là lạ lùng. Chúa không nói thêm gì nữa. Thế mà Tin Mừng ghi: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.”
Sau đó thì chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa. Lúc đó Chúa mới ngẩng lên và hỏi:
– Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?
Người đàn bà đáp:
– Thưa ông, không có ai cả
Và đây là những lời của Chúa:
– Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!
Và câu chuyện chấm dứt ở đây.

2. Câu chuyện là như thế, nhưng cha hỏi chúng con: Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua câu chuyện hôm nay?

a. Trước hết, đọc trong Tin Mừng cha thấy: Chúa Giêsu có những nguyên tắc sống mà Ngài luôn theo đuổi. Đây là một trong những nguyên tắc ấy: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.(Ga 12,17

Trong câu chuyện hôm nay, những người Do thái muốn Chúa phải lên án người đàn bà ngoại tình. Trong câu hỏi họ đặt ra cho Chúa, họ tưởng Chúa bắt buộc phải làm như vậy. Lên án thì không xong vì làm như thế là không thương. Bỏ qua cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu.

Vậy làm thế nào bây giờ ? Chúng con hãy nhìn Chúa Giêsu. Cha thấy Chúa Giêsu thật quá khôn ngoan. Chúa không bị mắc kẹt trong cái bẫy của những kinh sư và Pharisêu. Chúa đã chứng tỏ cho mọi người thấy. Đây chúng con hãy nghe Chúa nói với những thử thách Chúa: “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi”(Ga 8,7). Thật tuyệt vời! Sau đó thì Tin Mừng ghi: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.(Ga 8,9-10). Lúc đó Chúa mới giải quyết vấn đề. “Tôi cũng không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nói thế có nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.

3. Câu hỏi tiếp theo cha muốn hỏi chúng con: “Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi?” Chúng con hãy nhìn lại bài Tin Mừng. Chúng con thấy nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta thì lỗi luật Môsê, nếu Chúa truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của chính mình là “Các con hãy yêu thương nhau”. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.

Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Không biết Chúa viết gì, chỉ biết khi họ sốt ruột gặng hỏi Chúa mãi thì Chúa trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ: “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi” (Ga 8,7).

Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Bởi vì, không ai dám tự hào mình vô tội.

Chúa Giêsu là Đấng duy nhất vô tội mà còn không kết án thì hỏi có ai mà giám: “Tôi không lên án chị đâu? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân: “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

Nói đến đây cha nhớ tới một câu chuyện. Câu chuyện đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Chuyện thế này: Một hôm người ta bắt được một tên ăn trộm.. Họ giải anh ta đến nhà vua, và nhà vua hạ lệnh cho giết hắn. Tên trộm cắp này rất khôn ngoan, nên nói với đao phủ:
– Tôi có một bí mật này rất quý. Nếu tôi chết thì bí mật ấy cũng bị mang theo. Thật là uổng. Cho nên tôi muốn giao nó lại cho nhà vua.
Người ta dẫn hắn tới nhà vua. Hắn nói:
– Bí mật của tôi là tôi có một hạt giống kỳ diệu, đào lỗ chôn xuống đất thì nội trong một đêm nó sẽ mọc lên thành cây và trổ ra toàn những trái bằng vàng.
Nhưng hắn nói thêm:
– Nhưng có điều kiện này là chỉ người nào chưa từng lấy gì của người khác thì mới trồng hạt giống đó được,
Sau đó hắn thú nhận:
– Tôi thì là một thằng ăn cắp nên không thể trồng được rồi. Vậy trong số các quan đây, ai chưa từng lấy gì của người khác hãy trồng nó đi.
Các quan lần lượt viện cớ để từ chối, giống y những người biệt phái trong bài Tin Mừng này vậy. Cuối cùng tên trộm cắp nói với nhà vua:
– Chắc là Bệ Hạ có thể trồng được
Nhưng nhà vua đáp:
– Nói ra thì thật xấu hổ. Hồi còn nhỏ, ta cũng đã từng lấy của người khác vài lần.
Khi đó tên trộm nói:
– Bệ hạ và các quan là những người có đầy đủ mọi thứ thế mà còn lấy của người khác mà không bị hình phạt gì cả. Phần tôi thì nghèo túng thiếu thốn mọi điều, thế mà lại bị xử tử vì tội lấy của người khác.

Nhà vua đành ra lệnh tha cho hắn.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của một gia đình. Một gia đình có một người cha và hai người con. Về phương diện xã hội ta thấy đây là một gia đình thành đạt. Thế nhưng sự thành đạt đã không đủ sức để tạo nên sự tin tưởng yêu thương trong gia đình.

1. Người cha và hai người con.

Người cha trong xã hội Do Thái là người cha đầy uy quyền. Ông là người chủ sự các giờ kinh và có những quyết định mà con cái phải vâng theo. Tắt một lời đây là người thay mặt Thiên Chúa trong việc cai quản, chăm sóc và lo lắng cho gia đình.

Người cha trong câu chuyện hôm nay là một người tài giỏi. Sự thành đạt của gia đình này phải nói là do công sức của ông. Ông đã xây dựng được gia đình có thế giá trong xã hội. Thế nhưng gia đình này vẫn chưa có được sự tin tưởng và yêu thương nhau như những điều kiện cần thiết để cho gia đình có được nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Hai người con: Cả hai người con trong câu chuyện hôm nay đều là những người không có được sự hiểu biết rõ ràng về người cha của mình. Chính sự thiếu hiểu biết này đã đem đến những hệ luỵ không được tốt đẹp lắm cho gia đình. Người con thứ đã bỏ nhà ra đi. Sự ra đi của nó đã tạo nên một sự nhớ nhung mênh mông trong lòng của người cha nhưng người cha cứ sẵn lòng chịu vậy cho tới khi nó thân tàn ma dại quay đầu trở về.

Người con cả cũng chẳng hiểu biết rõ cha của mình. Trong đầu óc của nó, người cha dường như chẳng quan tâm gì tới sự có mặt của nó trong gia đình mặc dù nó đã hết lòng chu toàn mọi bổn phận như một đứa con thảo hiếu. Hơn thế, nó còn cảm thấy thua thiệt khi người cha đối xử quảng đại với em của nó. Chính vì thế mà nó đã không bằng lòng với cách đối xử của người cha khi ông hoan hỉ đón nhận người con thứ trở về.

Tóm lại, cả hai người con đều chẳng có người nào hiểu rõ về cha của mình. Chính sự thiếu hiểu biết đó đã đưa đến những cách ứng xứ không được đẹp trong tương quan cha-con, huynh-đệ trong gia đình làm cho gia đình không được hạnh phúc.

2. Bài học.

Có thể nói qua câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể rút ra được một bài học rất cần thiết cho cuộc sống làm người cũng như làm con Thiên Chúa. Bài học đó chính là sự thiếu hiểu biết về nhau và về Thiên Chúa.

a. Trong cuộc sống làm người sự thiếu hiểu biết về nhau nhiều khi đã đưa đến những chuyện đau lòng khó lường.

Quan hệ giữa một cô gái trẻ và mẹ chồng luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Cô gái cảm thấy mẹ chồng luôn muốn đối đầu với cô, luôn muốn gây khó dễ cho cô. Trong đầu cô luôn nghĩ cách đối phó với mẹ chồng.

Một hôm, cô gái đến bệnh viện hỏi một nữ bác sỹ:

– Thưa bác sỹ, có phương thuốc nào hiệu nghiệm có thể đầu độc được mẹ chồng tôi không? Tôi không thể nào chịu đựng nổi sự ngược đãi của bà ấy.

Bác sỹ nghe xong, không hề ngăn cản mà mỉm cười nói:

– Tôi sẽ kê cho cô một toa thuốc có tên gọi “bùn chua”.

Mỗi ngày trước bữa ăn cô cho mẹ chồng uống một viên. Chỉ có điều khi đưa thuốc cho mẹ chồng uống, cô phải giả vờ tỏ ra là một con dâu hiền thảo, để mẹ chồng khỏi nghi ngờ. Ba tháng sau, mẹ chồng cô sẽ thay đổi.

Ba tháng sau, cô gái trẻ ấy lại một lần nữa đến gặp bác sỹ ấy nói:

– Thưa bác sỹ, tôi không muốn đầu độc mẹ chồng tôi nữa.

– Tại sao cô lại thay đổi ý định vậy?

– Từ khi tôi nghe theo lời bác sỹ, mỗi ngày trước bữa ăn, tôi lễ phép đưa thuốc cho mẹ chồng uống. Sau một thời gian, thái độ của mẹ chồng đối với tôi bỗng thay đổi. Bà ấy trở nên rất thân thiện với tôi. Hơn nữa còn giành việc để làm, để cho tôi nghỉ ngơi nhiều hơn, quan tâm chăm sóc tôi giống như mẹ đẻ. Vì thế, tôi muốn cứu mẹ chồng tôi.

Cô gái vừa khóc lóc vừa nói:

– Bác sỹ kê cho tôi một toa thuốc giải độc. Xin bác sỹ hãy cứu mẹ chồng tôi?

Nghe cô gái nói xong, bác sỹ mỉm cười nói:

– “Bùn chua” thực ra là một loại thuốc giúp người ta ăn ngon miệng. Vì cô đưa thuốc cho mẹ chồng với thái độ vui vẻ lễ phép nên mẹ chồng cô cảm kích trước hành động hiếu thuận này của cô, đồng thời bắt đầu đối xử tốt với cô. Cô nên nhớ rằng, muốn người khác đối xử với mình như thế nào, thì trước tiên phải đối xử với người khác như thế ấy.

b. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Sự thiếu hiểu biết về Thiên Chúa đã làm cho bao người mất đi nhiều niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Một vị tướng lãnh người Mỹ, khi nói về tôn giáo thì tỏ vẻ nhạo báng, khinh bỉ. Ngược lại, bà vợ của ông ta thì khá đạo đức. Ngay từ đầu bà đã thành công  trong việc in vào trí óc đứa con gái duy nhất – mà cả hai đều yêu thương đậm đà – tình yêu đối với Thiên Chúa và tôn giáo, mặc dù nó bị ảnh hưởng không tốt từ người cha. Rồi một hôm em bé bỗng đau nặng. Tình trạng của em ngày càng nặng làm cả nhà thất vọng.

– Ba, Ba yêu quý của con – em nói- trong vài giờ nữa con sẽ chết. Con xin ba nói cho con biết con phải tin cái gì, tin vào ai, hay là tin vào những gì má nói cho con biết về Thiên Chúa và về Nước Trời?

Vị tướng bị giao động mạnh, nước mắt chảy quanh tròng, ông trả lời:

– Con của Ba, con hãy tin vào những gì má con luôn nói!.

– Như vậy Ba cũng phải tin vào Thiên Chúa chứ?

Đây là câu hỏi Lôgích của em. Và người cha đã không bao giờ quên lời cầu xin cuối cùng này của đứa con gái. Ông trở về lại với Giáo hội mà ông đã từ bỏ từ lâu và ông thực cảm thấy hạnh phúc trăm lần hơn trước.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.
Amen.  (Thánh Âu-Tinh)

Chúng con yêu quí,

Câu chuyện chúng con vừa nghe chúng con có thấy hay không?

– Hay quá đi mất!

Đây là câu chuyện về một gia đình. Gia đình này có một người cha và hai người con. Theo ý của Chúa trong bài dụ ngôn thì rõ ràng là cả hai người con này đều là những người đáng trách.

Câu chuyện xảy ra xem ra có vẻ rất bất ngờ.

Hai anh em cùng chung một cha. Người em bỏ nhà ra đi vì anh ta quyết định sống cuộc sống riêng của anh ta.

Sau thời gian một mình một cõi, sống buông thả say sưa tiêu hết tiền bạc mình có, thì cuộc sống anh ta rơi vào tình trạng hết sức bi đát. Hết tiền hết bạc thì hết bạn bè, hết mọi thứ mà anh ta mơ tưởng như trước khi bỏ nhà ra đi. Lần đầu tiên trong đời anh ta phải giáp mặt với những cảnh phũ phàng và nhiều đau khổ như thế. Anh ta phải đi làm nghề chăn heo, muốn được ăn những thứ heo ăn cho đỡ đói nhưng cũng không được. Thật là một thảm hoạ.

Rất may là anh ta đã biết nghĩ lại. Anh ta đã hiểu được lỗi lầm của mình. Anh ta hiểu thật rõ những gì anh ta đã làm mất. Và anh ta quyết định trở về nhà. Thái độ lúc này của anh ta thật khiêm tốn và xem chừng có cả một chút sợ hãi. Anh ta xưng thú tội trước mặt người đang giơ tay đón nhận anh. Người ấy chính là cha anh. Người cha đã tha thứ và ban lại cho anh danh nghĩa là con, và ôm chặt anh trong vòng tay yêu thương của mình.

Chúng con thấy người cha đó là một người cha thế nào? Thật là tuyệt vời. Không một lời trách móc. Không một cử chỉ buồn lòng. Trái lại còn hoan hỉ vui vẻ tổ chức tiệc tùng mừng anh trở về.

Câu chuyện được tiếp tục như sau: Người anh cả đi làm về và khi nghe biết những gì đang xảy ra trong nhà. Anh nổi giận. Anh trả lời với người cha đến yêu cầu anh tham gia vào cuộc vui: “Con làm việc như một kẻ làm thuê, con vâng lệnh cha thế mà cha chẳng cho con cái gì đặc biệt cả. Nhưng đứa con của cha kia đã bỏ cha mà ra đi nay trở về, thì cha mở tiệc ăn mừng để đón tiếp anh ta “.

Anh con cả này là một kẻ không tự xem mình như con cái mà chỉ là một kẻ làm thuê. Người cha kia không phải là cha của anh ta nhưng là một ông chủ. Một ông chủ khắt khe, đòi hỏi, chỉ biết ra lệnh.

Và khi người cha trả lời: “Con ơi, con luôn luôn ở với cha và bao giờ cha cũng cho con dư đầy mọi sự. Đối với con, lúc nào cũng là tiệc ăn mừng cả. Nhưng em con đã mất đi và nay tìm lại được. Chẳng phải là chuyện bình thường khi chúng ta vui mừng và mở tiệc vì chúng ta lại được đoàn tụ ư?”.

2. Cha hỏi chúng con, Chúa Giêsu kể câu chuyện này để làm gì?

Để nhắc nhở chúng ta nhớ lại địa vị làm con của mình. Phải, chúng ta là con của Thiên Chúa nhờ ân sủng Ngài ban cho ta chứ không phải nhờ tuân giữ luật lệ. Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết nhìn ra những gì chúng ta có, những gì chúng ta nhận được.

Như hai người con đều làm phiền lòng người cha. Xét cho cùng, chúng ta cũng thường làm phiền lòng Thiên Chúa như thế.

Là những người con đáng lý ra chúng phải hiểu rõ về cha của mình. Thế nhưng cả hai đã không làm được điều đó. Chính vì thế mà cách cư xử của cả hai người con đối với Cha mình có nhiều điều tắc trách.

Như vậy câu chuyện cho chúng ta thấy: Mọi tội lỗi chúng ta phạm ít nhiều đều bắt nguồn từ chỗ chúng ta còn thiếu sự hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.

Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông còn hứa với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.

Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi, chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng, mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, rồi sau đó bỏ mặc nó.

Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên khi phát hiện ra nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những các cây mà anh chị em cậu trồng, dường như nó còn tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống hơn. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.

Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.

Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cây cậu trồng.

Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.

Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy, mặc dù đã không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay và hai Chúa nhật kế tiếp, nói cho chúng ta về con đường dẫn chúng ta đến hưởng vinh quang của Chúa. Con đường này có thể phân ra làm ba chặng:

Trước hết là sám hối 

Thứ đến là quay trở về với Chúa.

Và sau cùng là lãnh nhận ơn tha thứ.

Hôm nay chúng ta nói với nhau về chặng đường thứ nhất.

Tuần sau chúng ta nói về sự trở về

Và tuần cuối cùng của Mùa Chay chúng ta nói với nhau về ơn tha thứ

Như vậy là chúng ta đã đi hết Mùa Chay để chúng ta được dón nhận niềm vui Phục Sinh.

Bây gờ chúng ta bước vào vấn đề hôm nay. Vấn đề sám hối.

Thế nào là sám hối?

Một cách thật đơn sơ chúng ta có thể trả lời như sau: Sám hối là hối hận về tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa .
Như vậy muốn có được lòng sám hối thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người tội lỗi.

a. Làm sao để biết được mình là người có tội?

* Ngày trước người Do thái cho rằng muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài thì dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt vvv

Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự kiện: Một là việc Philatô giết một số người Gallilê – những người Galilê nói ở đây là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế, chắc họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh La mã ở trong đồn Antonia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nuơng tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó.

Phải chăng những người này có tội nên bị giết và bị chết như thế?

Đối với người Do thái thì quả là như vậy.

Nhưng với Chúa thì sao?

Chúa không khẳng định cũng như không phủ định nhưng Chúa  muốn coi đó như một cơ hội để cho người ta cảnh tỉnh mà rà lại cuộc sống của mình. Đây ta hãy nghe lời của Chúa: “Không phải đâu nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy” (Lc 13,5)

* Đối với chúng ta hôm nay mỗi khi chúng ta thực hành sự sám hối, để lãnh nhận ơn hòa giải, thì chúng ta thường “xét” theo 10 điều răn của Chúa và sáu điều răn của Hội Thánh. Có nhiều người khi căn cứ vào những giới răn đó để xét mình thì thấy mình chẳng có sai phạm nào nghiêm trọng nên họ cảm thấy rất an tâm không cần phải sám hối.

Một ngày kia có hai người phụ nữ tìm đến một vị ẩn sĩ già để xin ông chỉ đạo cho mình.

Một người thấy mình là người có rất nhiều tội nặng nề…Bà tỏ ra rất đau buồn về những lỗi làm của bà.

Còn bà thứ hai thì vẫn thấy mình sống theo luật Chúa, không phạm tội, chẳng thấy mình có điều gì đáng trách nên rất hài lòng về những gì mình đang sống.

Sau khi nghe hai người bảy tỏ tâm hồn của mình, vị ẩn sĩ nói với người phụ nữ thứ nhất:
– Hỡi nữ tỳ của Thiên Chúa, con hãy đi ra ngoài hàng rào kia tìm một tảng đá thật to rồi cố mang về đây cho ta.
Sau đó Ngài quay sang phía người đàn bà thứ hai và bảo:
– Phần con, con không phạm tội gì nặng, nhưng con cũng hãy đi ra ngoài và kiếm cho ta một bao đầy đá sỏi nhỏ …. rồi cũng mang về đây cho ta.

Hai người vâng lời ra đi. Được một lúc sau thì họ trở về. Một bà vác một tảng đá rất to – một bà mang một bao đầy những hòn sỏi nhỏ.

Sau đó vị ẩn sĩ lại bảo người đàn bà tội lỗi:
– Con hãy đem tảng đá này đặt lại vào đúng vị trí của nó lúc nãy …..rồi hãy trở lại đây báo tin lại cho ta.

Ngài cũng bảo người đàn bà thứ hai y như vậy.

Rồi cả hai người lại quay ra. Người đàn bà có tội nặng rất dễ dàng đặt lại tảng đá lại vào đúng vị trí cũ của nó, còn người đàn bà thánh thiện thì không có cách nào làm được việc đó bởi vì bà không thể nhớ hết được những vị trí những viên sỏi nhỏ mà bà đã lượm lên khi nãy. Bà đành quay trở lại với bao sỏi trên vai. Bấy giờ vị ẩn sĩ mới cắt nghia cho họ nghe.
– Con thấy không, con đã đặt đúng tảng đá vào đúng vị trí của nó vì con biết rõ nó nằm ở chỗ nào.
Rồi ngài quay sang phía người phụ nữ thứ hai và nói:
– Phần con, con không thể đặt những viên sỏi này vào vị trí cũ trước đây của chúng vì con không biết đã nhặt chúng ở đâu.

Đối với một người tội lỗi thì cũng như thế. Người phạm tội nặng vì dễ nhận ra tội của mình, thấy mình bị người khác khiển trách đồng thời thấy được cả lương tâm của mình lên án, cho nên họ dễ có thái độ khiêm tốn và dễ sửa lại lỗi lầm của mình.

Còn những người phạm tội nhẹ thường thì khó thấy được tội lỗi của mình nên nhiều khi họ rất tự đắc, cảm thấy mình chẳng có gì cần phải hối cải sám hối…và từ đó họ dễ dàng đi đến thái độ tự mãn…Bởi vậy tội của họ vẫn còn…còn mãi.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khiêm nhường trước mặt Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của Thánh Phaolô: “Những ai đang đứng vững hãy coi chừng kẻo té”(01Cor 10,12)

b. Rổi trong Tin Mừng hôm nay chúng ta còn được nghe về dụ ngôn cây vả không sinh trái. Cây vả này được rất nhiều đặc ân hơn, nhưng nó lại tỏ ra không xứng đáng với đặc ân đó.

Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua dụ ngôn này? Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh đều cho rằng Chúa muốn nói với chúng ta về lòng yêu thương của Ngài nhưng đồng thời Người cũng cảnh cáo mọi người rằng sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa là sự kiên nhẫn chờ đợi có giới hạn.

Chúa yêu thương con người, đành cho con người thật nhiều ơn huệ như ông chủ vuờn nho dành cho cây vả.

Thế nhưng thương yêu của Chúa không phải là tình yêu mù quáng. Như ông chủ có quyền đòi hỏi cây vả phải sinh trái, Thiên Chúa cũng có quyền đòi hỏi con người sống làm sao cho xứng với tình thương của Người như vậy. Chúa đỏi hỏi con người phải có quả. “Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham”. Thánh Phaolô phụ họa thêm: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,(Gat 5,22)

Xin được kết thúc bằng một câu chuyện. Câu chuyện này được cha Antony de Mello có kể lại trong tập sách có tựa đề “Tiếng hót của loài chim” của ngài. Câu truyện nói về tâm sự của một nhà hiền triết khi nhìn về cuộc sống đã qua của mình.

Ông tâm sự như sau: “Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng say của tuổi trẻ, tôi thường nguyện xin Thiên Chúa ban cho được sức mạnh biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn. Đến lúc tôi được nửa đời làm người, tôi ý thức là mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi đổi lại lời cầu nguyện cho được thiết thực hơn:
– Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con được sức mạnh để đổi thay cuộc sống của những người con được dịp tiếp xúc hàng ngày, những người thân trong gia đình, những bạn bè quen thuộc. Nếu được như vậy thì con cũng thỏa mãn bằng lòng rồi.

Nhưng rồi giờ đây, khi tuổi đời sắp chấm dứt, tôi sắp từ giã trần gian để về với Đấng đã ban cho tôi sự sống, tôi ý thức sự ngông cuồng điên rồ của mình, tôi thay đổi lời cầu nguyện lại:
– Lạy Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con.

Nếu ngay từ thời thanh xuân tôi đã cầu nguyện như vậy, thì có lẽ, tôi sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích.

Vâng! – Lạy Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con. Nếu ngay từ hôm nay con biết sống như thế thì có lẽ sau này, con sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích.

Chúng con yêu quí,
Chúng con vừa nghe một đoạn Tin Mừng do thánh sử Luca thuật lại.

Trong đoạn Tin Mừng này Thánh Luca nói với chúng ta về sự sám hối.

1. Chúng con vẫn nghe nói về sự sám hối, nhưng cha hỏi chúng con sám hối là gì? Ai trả lời cho cha nào?
– Thưa cha sám hối là ăn năn hối lỗi về tội lỗi của mình.
– Tốt! Rất tốt! Sám hối là ăn năn hối hận về tội lỗi của mình.

Nhưng muốn có được lòng sám hối thật sự thì điều kiện đầu tiên không thể thiếu đó là phải thấy được tội lỗi, thấy lỗi lầm của mình. Nói một cách đơn giản hơn là thấy được mình là người tội lỗi. Phải thấy được mình là người có tội thì mới sám hối được.

Có nhiều người khi vào toà cáo giải mà không biết mình có tội hay không. Chính vì thế mà họ nói: Con xét mình mà chẳng thấy con có tội gì.

Một người Dothái nọ muốn sống thánh thiện nên đến tham khảo ý kiến với một vị Rabbi. Vị Rabbi này hỏi :
– Từ trước tới nay anh sống thế nào ?
– Rất tốt, thưa ngài.
– Anh nói “rất tốt” nghĩa là làm sao?
– Nghĩa là tôi không vi phạm giới luật nào cả. Con không kêu tên Chúa vô cớ. Con không tục hóa ngày Sabát. Con không bất kính với cha mẹ. Con không giết người. Con không bất trung với vợ tôi. Con không trộm cắp. Con không làm chứng dối. Con không thèm muốn của cải và vợ người khác…

Vị Rabbi nói :
– Tôi hiểu. Anh đã không vi phạm giới luật nào cả.
– Đúng vậy, thưa ngài.

Nhưng vị Rabbi hỏi tiếp :
– Nhưng anh có tuân giữ các giới luật không?
– Ngài hỏi vậy nghĩa là làm sao ạ?
– Nghĩa là anh có tôn kính tên Chúa không? Anh có thánh hóa ngày Sabát không? Anh có hiếu kính cha mẹ không? Anh có tôn trọng và bảo vệ mạng sống của người khác không? Lần gần đây nhất anh nói với vợ rằng anh yêu nàng là khi nào? Anh có chia sẻ của cải cho người nghèo không? Anh có bảo vệ danh dự và tiếng tốt cho ai chưa? Anh có thường giúp đỡ người khác không? v.v… Nếu anh chưa làm được những điều này thì anh hãy sám hối và canh tân lối sống của anh.

Người Dothái ra đi và suy nghĩ miên man. Từ trước tới giờ anh nghĩ rằng anh đâu phạm điều luật nào, nên anh không cần sám hối. Nhưng nay vị Rabbi vừa chỉ cho anh một cách nhìn mới hẳn: không làm những việc tốt mà luật chỉ dạy cũng cần phải sám hối ăn năn.

Hãy nhìn lại mình, nhìn lại cây vả đời mình: có phải là cây vả sinh nhiều hoa nhân đức, trái việc lành không? Hay chỉ là cây vả vô sinh chỉ ăn hại, và làm chật đất? Nếu là cây vả vô tích sự, thì hãy mau mắn sửa đổi và canh tân, nếu không muốn bị chủ vườn chặt bỏ.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được khiêm nhường trước mặt Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của Thánh Phaolô: “Những ai đang đứng vững hãy coi chừng kẻo té”(1Cor 13,12).

2. Nhưng làm sao để thấy được tội lỗi của mình hay làm sao biết được mình là người có tội?

* Ngày trước người Do thái cho rằng muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài thí dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt vvv

Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự kiện: Một là việc Philatô giết một số người Gallilê – những người Galilê nói ở đây là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế, có lẽ họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh Lamã ở trong đồn Antonia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nương tay và  sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó.

Có phải những người đó có tội nên bị giết và bị đè chết như thế không?

Theo người Do thái thì quả là như vậy.

Nhưng thử hỏi Chúa có nghĩ như vậy không?

Theo như tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay thì Chúa đã không nghĩ như vậy mà Chúa lại coi đó như một cơ hội để gúp người ta cảnh tỉnh mà rà lại cuộc sống của mình. Đây chúng con hãy nghe lời của Chúa: “Không phải đâu nhưng nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy” (Lc 13,5)

Trước mặt Chúa, mọi người chúng ta đều có tội. Chẳng có ai hoàn toàn trong trắng vô tội trước mặt Chúa.

Một mục sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông ấy cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.
– Sao, con mơ thấy gì?
– Con mơ thấy một chiếc thang bác lên tới tận tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn và mỗi  người phải lấy phấn viết hết các tội mình đã phạm lên các bậc của chiếc thang đó thì mới lên được.
– Hay thật! Rồi con thấy gì nữa? .
– Con thấy con leo lên, nhứng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.
– Ai vậy? .
– Ba chứ ai.
– Ba?
– Thế ba leo xuống để làm gì?
– Ba lấy thêm phấn!

3. Như vậy vấn đề còn lại là mỗi người phải thấy được tội lỗi của mình và can đảm sửa lại. Chúa rất ghét tội, nhưng luôn yêu thương tội nhân và sẵn lòng đổ tràn ơn tha thứ trên họ.

Có hai hành khách ngồi chung trong một chuyến xe lửa từ Tôrinô bên nước Ý tới thủ đô Paris của nước Pháp.

Vào một ngày mùa đông, bầu trời xanh xám không một tia sáng mặt trời, xe lửa chạy tới biên giới nước Pháp thì tuyết bắt đầu rơi. Bên ngoài thì trời giá lạnh, nhưng trong xe thì hơi ấm của lò sưởi rất dễ chịu. Thêm vào đó là tiếng máy đều đặn như tiếng nhạc ru ngủ cho cuộc hành trình thêm thoải mái. Một trong hai người khách tỏ vẻ băn khoăn lo lắng lạ thường, mỗi lần tới một nhà ga thì người ấy lại giựt mình đứng phắt lên, đến gần cửa nhìn nhà ga đọc lớn tên ga rồi ông trở về chiếc ghế ngồi và thở dài một cách thảm não. Sau nhiều trạm như thế, người bạn bên cạnh lên tiếng hỏi với tất cả sự quan tâm và tế nhị.
– Có điều gì làm ông khó chịu hoặc ông bị đau chăng? Ông ta thở dài một cách thảm não và nói:
– Tôi không đau ốm gì cả, chỉ có điều là tôi đã lấy chuyến xe đang chạy ngược chiều với hướng tôi định đi. Lẽ ra tôi phải xuống xe từ những trạm trước kia rồi để đổi sang chuyến xe khác, nhưng tôi không có can đảm bước xuống giữa làn mưa tuyết trắng, ngồi trong xe với hơi ấm thế  này dễ chịu hơn.

Biết mình đang là người tiến trên con đường tội lỗi, thì phải quay về con đường thiện. Nếu không đủ can đảm cởi bỏ những thói quen cũ và những tiện nghi vui sướng tạm bợ của đời sống đang sống thì chắc chắc đích điểm mà mình muốn nhắm tới sẽ càng ngày càng bỏ xa mình. Than vãn thở dài nào có ích lợi gì đâu.

Thống hối cải tà quy chính là phải can đảm, đôi khi phải trả giá rất cao. Qua miệng các ngôn sứ, chúng ta biết Thiên Chúa rất nhân từ và đầy lòng thương xót luôn chờ đợi các tội nhân ăn năn thống hối trở về với Ngài.

Lạy chúa, xin ban cho con cánh cửa tình thương để con biết can đảm trở về với Chúa.

Xin ban cho con lòng khiêm nhượng để con biết nhìn nhận tội lỗi của con.

Xin ban cho sức mạnh để con biết mau mắn chỗi dậy sau khi sa ngã.

Xin hãy thay đổi sự cứng cỏi lòng chai dạ đá, để con chỉ biết ước muốn và thi hành những gì Chúa yêu thích nơi con mà thôi.

Amen./

Chúa Giêsu biến hình để cho các môn đệ thấy tất cả sự thật về Ngài. Sự thật ấy đang bị bao trùm bởi một lớp vỏ trần thế, nhưng rồi một ngày không xa nó sẽ được hiển lộ ra.

Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta đều gì qua Biến cố biến hình hôm nay?

1. Trước hết Chúa muốn củng cố niềm tin của các môn đệ và qua các môn đệ. Ngài muốn cho mọi người thấy trước một phần vinh quang Ngài sẽ hưởng sau phục sinh. Như vậy cũng có nghĩa là Ngài muốn dạy cho mọi người hiểu rằng, khổ nạn mà Ngài sắp chịu không phải là tận cùng, không phải là ngõ cụt, không phải là bế tắc Ngài phải bất đắc dĩ chấp nhận, nhưng chính là bước đường dẫn tới vinh quang. Thánh Tôma Tiến sĩ chú giải rất hay về sự việc này như sau: “Vậy là, để tiến thẳng trên đường, cần phải biết rõ mục đích, tương tự như người bắn cung, không khi nào có thể bắn mũi tên vào đúng mục tiêu nếu không nhắm đúng hướng. Điều này lại càng cần thiết hơn nữa, khi đường đi khó khăn trắc trở; hành trình mệt nhọc, nhưng đích tới mãn nguyện.”

Chúa biến hình để cho mọi người thấy thân xác thực sự vinh hiển của Chúa. Chính Chúa Giêsu tuyên bố rõ rệt điều đó trong Matthêô: “Các người công chính sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước Cha mình” (Mt 13,43). Để các môn đệ khỏi nghi ngờ về điểm này, Ngài đã cho các ông thấy việc Ngài Hiển dung. Để diễn tả sự kiện đặc biệt này, thánh Phaolô dùng từ ngữ “vinh hiển” “Chúa Giêsu có quyền năng khắc phục muôn loài, và Ngài sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,21). Và nơi khác “gieo xuống thì hèn hạ mà chỗi dậy thì vinh quang” (1Cr 15,43). Con dân Do Thái xưa kia trong sa mạc đã nhìn thấy hình ảnh và vinh quang ấy trên trán Môisen, khi nhà lãnh tụ trở lại với dân sau cuộc gặp gỡ Chúa diện đối diện, mặt ông sáng chói đến nỗi mắt họ không thể nhìn thẳng vào ông.

Vẻ rạng rỡ này là hạnh phúc của các thánh trên Thiên Đàng, nhưng đừng nghĩ rằng, vẻ rạng rỡ này hoàn toàn bằng nhau. Vinh quang rạng rỡ có những mức độ khác nhau. Thánh Phaolô nói: “Ánh sáng mặt trời thì khác, ánh sáng mặt trăng thì khác, ánh sáng tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy.” (1Cr 15,41-42). Muốn được thế “phải nghe Ngài.”

2. Vâng! Phải nghe Lời Ngài (Lc 9,35).

Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai tin nghe Lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô thì đã đón nhận chính nước Người; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt (LG 5).

 Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với loài người, Ngài đã nói qua Chúa Giêsu vào thời gian viên mãn (Dt 1,1) Thế nên ngày nay ai muốn hỏi, muốn xin một thị kiến hay một mạc khải, thì không chỉ là điên khùng, mà còn nhục mạ Thiên Chúa, vì không tập chú vào Chúa Giêsu, mà còn cứ đi tìm một điều gì khác, một điều mới lạ. Thiên Chúa có thể trả lời hạng người đó như thế này: Ta đã nói với ngươi tất cả nơi “Lời Ta” là Con Ta. Giờ đây, ngoài Chúa Giêsu, Ta không còn gì để mạc khải hay nói cho ngươi nữa. Hãy tập chú vào Ngài, vì nơi Ngài Ta đặt tất cả vào rồi, lời cũng như mạc khải; nơi Ngài ngươi sẽ thấy nhiều hơn là ngươi kiếm, ngươi tìm. Hãy nghe Ngài, vì Ta không còn niềm tin nào mạc khải cho ngươi, không còn chân lý nào tỏ bày cho ngươi. (Gioan Thánh Giá, Monttee’ du Carmel).

Chuyện xảy ra ở một thôn người dân tộc. Có gia đình kia nghèo nhưng đạo đức. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên mùa màng gặt về cũng đủ ăn. Xong bà con chung quanh thường hay thiếu. Họ chạy đến chị K’Bông vay mượn, hẹn đến mùa sau sẽ trả. Có nhiều người mượn đã mấy mùa mà vẫn chưa đem lại trả. Gia đình tỏ vẻ không bằng lòng. Một hôm bà mẹ của chị gọi chị lại nói:
– Sao mày ngu vậy? Bạ ai cũng cho mượn hết, người ta không trả cho mày thì lấy gì mà ăn?

Chị mỉm cười trả lời:
– Mẹ này, không sao đâu! Mình nghe Lời Chúa dạy: cho mượn là việc mình phải làm, còn trả lại là việc của người ta!

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe Lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.