Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Hôm là lễ kính ai vậy chúng con?

Các thánh Tử đạo tại VN.

+ Rất đúng. Các thánh TĐ tại VN là những ai vậy chúng con?

– Là những người Việt nam, những nhà truyền giáo ngoại quốc chết vì Đạo tại VN. Các ngài là tổ tiên của chúng ta.

+ Việc các ngài chết như vậy đã lâu chưa?

– Chưa! Mới cách đây khoảng 300 năm.

+ 300 năm với cả mấy trăm ngàn người đã dám chết vì Đạo như thế. Thật là một biến cố hết sức lạ lùng! Vậy cha hỏi chúng con, khi mừng kính các thánh Tử Đạo tại VN, chúng ta phải có những tâm tình nào? Cha thấy có nhiều tâm tình lắm nhưng đối với cha cha thích hai tâm tình này.

1. Tâm tình thứ nhất đó là tự hào.

Chúng ta tự hào 3 lý do:

Trước hết vì các thánh là người đã chết trên dất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của Lamã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người kitô hữu khác”

Thứ đến là vì số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tại VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 118 vị đã được Giáo Hội phong lên hàng hiển thánh, Giáo Hội VN được xếp nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội tuyên phong.

Và cuối cùng tự hào vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm cho lòng tin vào Thiên Chúa.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài.

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà con người đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau:

  – Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  – Nặng hơn một chút thì bị voi dầy, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  – Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  – Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Chúng con yêu quí.

Nhìn lại cái chết của các thánh Tử Đạo VN, chúng ta thấy gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô”.

2. Tâm tình thứ hai: Biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm cha nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: “Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ ” (Jn 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lởi rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: “Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác”

Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì  chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta.

Vấn đề là chúng ta phải sống làm sao để tỏ lỏng biết ơn với cha ông tổ tiên của chúng ta?

Châm ngôn VN có câu rất hay: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”

Phải sống xứng đáng để những thế hệ mai sau khi nhìn vào thế hệ này, họ cũng phải cảm thấy tự hào và biết ơn.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình nhà bác học nổi danh nhất của thể kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: “Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học ở trường hôm nay là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta tạo ra chung với nhau”

Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quí giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Nhưng truyền lại bằng cách nào ?

– Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: “Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức thích ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau”

+ Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chuớc đó là phải trung thành với niềm tin.

Đức tin là ơn nhưng không TC ban cho chúng ta.

Hãy bảo vệ lấy, đùng để cho nó bị hao mòn đi.

Phaolô Mợi bị bắt……………..bị giải đến quan.

Quan dụ:

– Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

-……………………..?

– Vậy một nén vàng !

– Bẩm quan chưa đủ.

– Vậy anh muốn bao nhiêu ?

– Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua được một LH khác.

Nguuyễn văn Lựu :”Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được.”

+ Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Trong một bài diễn văn đọc cho binh lính trước khi họ lâm trạn. Hitler đã nói:”Thế giới này sẽ thuộc về những kẻ gan dạ”

Victor Hugo: “Đồi Calvario ở dầu đường và hào quang cũng  xuát hiện ở đó”

Chúa Giêsu:” Nước Trới phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy”

Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng.

Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát.

Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt.

Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

Lời cuối cùng của tôi. Tôi xin mượn lời của Thánh Phaolô: “Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” Và Ngài kết luận: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, hiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta.”(Rom 8,35-39). Amen.

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy có hai hình ảnh cực kỳ đối chọi với nhau.

Hình ảnh đầu tiên là hình ảnh về những người luật sĩ: Họ rất cao sang, vinh dự với áo thụng, với chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Cứ bề ngoài mà xét thì xem ra họ là những người rất đạo đức, rất tốt. Có lẽ có nhiều người cũng mong có được cuộc sống như vậy.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh một bà góa: Bà rất nghèo. Vì nghèo cho nên chẳng được ai để ý tới. Bà cũng chẳng có áo thụng, thứ áo dài quét đất, có tua, mặc vào để nhắc nhớ mình là tuyển dân của Thiên Chúa. Vì nghèo cho nên cũng chẳng có bao giờ bà có được một chỗ tốt nơi công cộng, chẳng được ai để ý đến mà chào hỏi. Thông thường thì có lẽ chẳng mấy ai mong muốn phải sống nghèo như thế.

– Bây giờ chúng ta xem cách nhìn của Chúa. Chúa thấy gì qua những hình ảnh đó. Rõ ràng là cái nhìn của Chúa không giống với cái nhìn thông thường của con người. Những người luật sĩ  rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất…người ta thì thấy như thế là sang, là đẹp….còn Chúa thì Chúa lại thấy đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhưng ẩn sâu dưới cái vỏ đó là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối. Có lần Chúa bảo “họ giống như mồ mả, bên ngoài thì quét vôi trắng toát rất đẹp nhưng bên trong toàn là mùi xú uế bẩn thỉu”

Ngược lại người đàn bà góa bụa nghèo khó…bên ngoài chẳng bằng ai, không có gì để lôi cuốn, để hấp dẫn. Và thông thường thì có lẽ cũng chẳng có mấy ai ưa chuộng cuộc sống như thế. Thế nhưng đối với Chúa thì lại khác. Bà góa ấy tuy nghèo tiền nhưng lại rất giàu lòng. Bà dám làm những việc mà ít ai dám làm: dâng cho Chúa cả sự sống của bà. Chúa Giêsu khen ngợi cuộc sống đó. Đối với Chúa đó là cuộc sống rất đẹp. Chính vì nó đẹp cho nên Chúa mới gọi các môn đệ lại và bảo họ phải noi gương.

BÀI HỌC

Qua câu chuyện của bà góa nghèo Chúa muốn dạy chúng ta điều gì? Có rất nhiều bài học chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện đầy ấn tượng này, nhưng ở đây tôi chỉ xin gợi lên mấy điều tôi tưởng là rất cần cho chúng ta..

Trước hết câu chuyện này nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội. Bà góa rất nghèo nhưng bà đã ý thức được bổn phận của mình đối với Chúa, với cộng đoàn. Bà đã sãn sàng hy sinh, hy sinh cả sự sống của mình để giúp Giáo Hội.

Ông Sam Jones một nhà truyền giáo rất nổi tiếng, một lần kia gặp một tín hữu lúc nào cũng than van về những khoản ông phải đóng góp.

– Thưa ngài, tôi phải đóng góp cho Hội Thánh nhiều quá.

– Bao nhiêu?

– 5 USD một năm.

– Thế ông theo Chúa bao lâu rồi?

– Đã 4 năm.

– Trước khi theo Chúa ông làm gì?

– Tôi nghiện rượu.

– Mỗi năm ông uống hết bao nhiêu tiền?

– Chừng 250USD

– Khi ấy ông có ruộng đất gì không?

– Tôi mướn đất cày bừa với một con bò

– Bây giờ ông có gì không?

– Tôi có một khu ruộng và một đôi ngựa cày.

– Trước kia ông cho ma quỉ mỗi năm 250USD để được cày trên một thửa ruộng đi thuê muớn với một con bò. Nay Đức Chúa Trời đã cứu ông, ông chỉ dâng cho Ngài 5USD một năm để được cày ruộng của mình với một đôi ngựa. Vậy mà ông còn kêu là nặng nề ư? Ông là người bội bạc từ đỉnh đầu cho đến bàn chân!

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng như vậy. Chúng ta nhận được từ Chúa và Giáo Hội quá nhiều nhưng thử hỏi có khi nào chúng ta nghĩ tới bổn phận chúng ta phải xây dựng Giáo Hội bằng những hy sinh của chúng ta không?

Cách dâng cúng đẹp lòng Chúa.

Thứ đến: Chuyện bà góa làm tôi phải giật mình. Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, có khi ít mà là nhiều. Nhiều người dâng những số tiền rất lớn. Xem ra là rất nhiều nhưng Chúa lại bảo là ít vì họ dâng những cái dư thừa. Ngược lại một bà góa, bà chỉ bỏ vào hai đồng tiền nhỏ. Đó là đồng gọi là lepton, nghĩa đen là một đồng mỏng, là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất trong các đồng tiền. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói phần đóng góp đó là nhiều hơn tất cả mọi người khác, và Chúa cắt nghĩa: vì những người khác bỏ vào đó số tiền họ đã dành dụm được khá dễ dàng và vẫn còn giữ lại khá nhiều, trong khi bà góa nghèo này đã bỏ vào tất cả những gì bà có. Nhiều đối với Chúa không phải ở số lượng bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh của người dâng hiến.

Ngày xưa, lâu lắm rồi, một ông vua ở Ấn Độ, mời Đức Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy vua cho đốt rất nhiều đèn dầu trong cung nhất là dọc theo hành lang từ cung vua đến cung Phật ở. Lúc đó có một bà góa nghèo khó cũng muốn dâng lên Đức Phật ngọn một ngọn đèn dầu, nhưng không làm sao có tiền để mua. Bí quá Bà phải đi ăn xin suốt một ngày ròng, khắp kinh đô…mãi đến tối mới được hai đồng. Bà dùng hai đồng đó…. tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên Phật. Bà khấn: “Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này được sáng suốt đêm mà không tắt”.

Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật đi tắt đèn thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt tự bao giờ, riêng dĩa đèn của bà ăn xin vẫn tỏa sáng ngời ngợi, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy sự lạ, lên thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành tu thân tích đức, về kiếp sau sẽ trở thành Phật Như Lai”.

Vua nghe chuyện, hỏi một vị quan trong triều, tại sao vua cúng đèn nhiều như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão chỉ dâng có một ngọn đèn? Quan đáp: “Bởi vì bà của ít lòng nhiều, bà dâng có một dĩa đèn, nhưng tấm lòng bà thành kính thiết tha”.

Câu truyện tình tiết xem ra có hơi khác nhưng nội dung sao mà giống với truyện của bà góa quá. Xem ra đạo nào cũng thế. Chân lý chỉ có một.

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Tin Mừng thánh Marcô vừa thuật lại cho chúng ta hai câu chuyện.

Chuyện Chúa Giêsu bảo mọi người hãy coi chừng những ông kinh sư và chuyện người đàn bà goá nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ.

Cha hỏi chúng con: Chúng con thích câu chuyện nào hơn?

– Thưa cha câu chuyện bà goá nghèo.

– Tại sao chúng con lại thích câu chuyện này?

– Thưa vì chính Chúa Giêsu thích.

– Chúng con trả lời hay quá. Đúng là Chúa Giêsu cũng thích và hơn nữa Chúa còn coi đó như một bài học Chúa muốn dạy các môn đệ của Chúa.

1. Bà goá nghèo này bên ngoài xem ra chẳng có gì đáng nói. Những người như bà ở đời này có lẽ chẳng được mấy ai quan tâm để ý. Vậy mà hôm đó bà lại được Chúa để ý.  Bà chỉ làm một công việc rất bình thường đó là bỏ vào thùng tiền dâng cúng trong đền thờ có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma” Vậy mà việc làm của bà đã lọt vào mắt Chúa. Lý do Chúa để ý tới không phải là vì bà đã làm một việc to tát. Bà chỉ làm một việc rất tầm thường nhưng qua việc đó Chúa đã thấy được tấm lòng của bà.

Bà tốt vì bà có tấm lòng. Tấm lòng của bà quảng đại hơn nhiều người khác. Chúa  bảo “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Lc 12,42). Đáng lý ra những người bỏ nhiều tiền thì phải được khen chứ. Vậy mà ở đây Chúa lại khen bà goá nghèo vì bà đã bỏ vào hòm dâng cúng có “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”.  Tại sao vậy chúng con? Đây chúng con hãy nghe chính Chúa cắt nghĩa. “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”(Lc 12,44)

Như vậy rõ ràng đối với Chúa, tốt hay không tốt không phải là do bỏ nhiều hay bỏ ít mà là do ở tấm lòng chứ không phải do những gì mình dâng cúng. 

Một du khách kia qua sa mạc và tìm thấy một nguồn nước thật trong lành, thơm mát. Sau khi đã thỏa mãn cơn khát, người khách ấy lấy nước đổ đầy vào một chiếc bọc da rồi mang về dâng cho nhà vua mà ông hết lòng yêu mến, cốt để cho cho nhà vua cũng được thưởng thức một nguồn nước trong mát chưa từng thấy trong vương quốc của ngài.

Sau nhiều ngày vượt qua chặng đường dài dưới trời nóng bức, cuối cùng người  khách cũng về đến cung điện. Khách vào chầu nhà vua, dâng cho ngài bọc nước mà ông đã lấy từ trong sa mạc. Nhà vua nếm qua và không ngớt lời khen ngợi lòng yêu mến kính trọng của thần dân đối với mình trước mặt mọi người. Người khách hân hoan ra về lòng cảm thấy mừng rỡ hân hoan vì đã một lần làm cho cho đức vua được hạnh phúc. Nhưng ngay sau khi người khách ra đi, các quan hầu cận xin đức vua cho họ được nếm thử thứ nước đặc biệt đó. Đức vua bằng lòng. Nhưng ngay sau khi nếm thử thứ nước đó, các quan cận thần của nhà vua đã hết sức ngỡ ngàng vì vị nước trong bọc không thơm ngon như lời kể của vị khách, nhất là thái độ và cử chỉ của nhà vua đối với người khách lạ. Bởi thế các quan mới hỏi:

– Thưa ngài, tại sao ngài lại có thái độ như vậy? Nước trong bọc da đã hư rồi mà ngài vẫn uống ngon lành trước mặt du khách, lại còn khen ngợi hết lời nữa.

Nhà vua trả lời:

– Ta không nhận phẩm chất nước trong bọc da, nhưng ta nhận và khen ngợi tấm lòng quí mến của người khách đối với Ta. Đó là điều quan trọng làm cho ta sung sướng.

Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay cũng có một cách hành xử như thế đối với người đàn bà nghèo  chỉ bố thí có hai đồng xu nhỏ tại đền thờ Giêrusalem.

2. Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể sống được như người đàn bà goá này không?

Câu trả lời của cha: Được, miễn là chúng ta có một tấm lòng tốt.

+ Một nhà truyền giáo tại miên Đông Phi châu Phi kể lại câu chuyện của một nhóm người bản xứ: cứ mỗi khi cần điều trị bệnh, họ đã chấp nhận đi cả một ngày đường, băng qua bệnh viện chính phủ để đến cho được một bệnh viện của hội Truyền giáo. Người ta hỏi họ tại sao họ lại phải đi cả một quãng đường dài như vậy, để được điều trị tại bệnh viện của hội Truyền giáo trong khi tại bệnh viện chính phủ, cũng có những loại thuốc như thế.

Họ trả lời:

Những loại thuốc mà con người chế tạo ra có thể giống nhau, nhưng đôi bàn tay và tấm lòng thì khác hẳn.

+ Ngày kia có một em bé người Nhật Bản đến gõ cửa một người đã về hưu với ý định bán những hình phong cảnh nhỏ với giá một đồng một tấm. Em cần tiền để làm gì? Ông lão hỏi em bé và được em cho biết: em muốn quyên đủ một triệu đồng để cứu trợ nạn nhân của nạn động đất. Ông lão không nén nổi nụ cười khi thấy em bé quá ngây thơ bé bỏng, trên tay chỉ vỏn vẹn mấy tấm thiệp mà lại mơ giấc mộng to lớn là quyên được cả triệu đồng, vì thế ông vừa mỉm cười vừa hỏi em bé:

– Một triệu đồng lận hả? Con muốn quyên góp số tiền to lớn như thế một mình con sao?

– Không, em lắc đầu, còn có những đứa khác giúp con nữa.

+ Mẹ thánh Têrêxa Calcutta, vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái, một hôm đến nhà của những người hấp hối do các chị em trong dòng của mẹ chăm sóc. Đây là căn nhà mẹ thiết lập để đón tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa.

Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này tìm được một cái chết xứng với phẩm giá của một con người.

Buổi tối hôm đó, người ta đưa tới một người đàn bà bị kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Têrêxa đã đích thân chăm sóc cho người đàn bà với tất cả sự ưu ái và dịu hiền của một người mẹ.

Sau khi đã hồi sức, người đàn bà đã mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào với Mẹ Têrêxa:

– Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế ?

Với tất cả lòng yêu thương, mẹ Têrêxa trả lời:

– Bởi tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Trên khuôn mặt mà tử thần đang chập chờn định cướp lấy mạng sống, đôi mắt của người đàn bà đau yếu kia bỗng sáng lên một niềm vui nở rộ. Bà cố gắng nói:

– Bà hãy lặp lại câu nói đó một lần nữa đi.

Mẹ Têrêxa mỉm cười nói:

– Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà ấy tiếp tục thều thào:

– Xin bà hãy lập lại một lần nữa đi.

Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay mẹ, đặt trên ngực mình như cố níu kéo một chút hơi ấm, hơi ấm của tình người, của hạnh phúc mà chỉ có một tấm lòng quảng đại mới có thể ban phát được.

Tấm lòng tốt đẹp quá phải không chúng con?

Kính thưa anh chị em,

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Những gì Chúa muốn nói với chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cũng dư biết. Ở đây tôi chỉ xin được đưa ra một vài nhận định để rồi sau đó chúng ta cố rút ra một vài bài học thực tế cho chúng ta.

1. Trước hết là vấn đề được đặt ra với Chúa hôm nay.

Đây là vấn đề vốn được bàn cãi rất nhiều trong giới Rabbit Do thái.

Vào thời của Chúa Giêsu thì Luật được coi là chính thức gồm 613 điều trong đó có 248 điều buộc phải làm và 365 điều cấm không được làm.

Vấn đề mà người luật sĩ đặt ra với Chúa hôm nay không phải là vấn đề con số nhưng là giá trị. Trong số những khoản luật đó, khoản nào là quan trọng nhất?

Để trả lời, Chúa Giêsu đã trưng ra hai điều luật tương đối được nhiều người cho là quan trọng. Điều thứ nhất như sau:

“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Giavê Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất

Đây là điều mà người Do thái coi là hết sức quan trọng. Chính vì thế mà

+ họ phải được đọc câu này lên mỗi khi khởi sự giờ thờ phượng trong nhà hội,

+ những người Do thái ngoan đạo còn ghép câu này lại trong các thẻ bài bằng da rồi đeo trên trán và trên cườm tay để đọc mỗi khi cầu nguyện

+ Rồi còn được chép lên một tấm bảng đặt vào trong một hộp nhỏ hình trụ gọi là Mezuzah để treo lên trước cửa nhà cũng như trên cửa các phòng trong nhà, để nhắc cho người ta nhớ đến Chúa lúc đi ra cũng như đi vào.

Khi Chúa Giêsu trích dẫn câu này và coi như một điều răn quan trọng, thì ai cũng thấy điều đó là quá đúng rồi, không còn phải bàn cãi chi nữa.

Tiếp đến Chúa trưng ra một câu thứ hai. Câu này được trích từ sách Lêvi 19,18.”Hãy yêu thương người lân cận như chính mình” Trong câu này, Chúa Giêsu có sửa đổi lại một chút. Sách Lêvi xác định rất rõ kẻ lân cận là người Do thái, chứ không bao giờ bao hàm cả những người ngoại bang, là kẻ mà dân Do thái được phép thù ghét. Còn Chúa khi trích dẫn câu này thì Ngài không xác định, cũng không giới hạn đối tượng của nó. Như vậy Ngài đã lấy một điều luật cũ rồi đổ vào đó một ý nghĩa mới.

Và sau đây mới là điều hoàn toàn mới: Chúa ghép chung hai điều răn này lại với nhau. Trước đó chưa hề có một rabbit nào dám làm như vậy. Với việc ghép chung lại như thế, Chúa muốn xác định một cách dứt khoát đạo của Chúa là đạo Tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Và Ngài cũng ngụ ý dạy rằng phương pháp duy nhất để người ta chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa  yêu thương người khác.

Ông kinh sư hôm nay quả là một người rất thông minh. Ông nắm bắt được ý của Chúa một cách rất nhanh. Ông cũng là người biết tôn trọng sự thật, dám công khai nhìn nhận những điều Chúa dạy là đúng là phải trước mặt mọi người.

2. Nội dung câu chuyện đơn sơ như vậy, nhưng nó cho chúng ta thấy cốt lõi đạo của Chúa nằm ở chỗ nào: Nằm trong hai tiếng yêu thương.

Thánh Gioan Tông đồ viết: Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu. (1Ga 1, 7- 8).

Albert Camus một nhà văn lớn của Pháp tuy không có cảm tình gì mấy với Chúa Giêsu nhưng ông cũng đã nói một cách rất chân thành: “Nếu tôi phải viết một cuốn sách về luân lý, thì cuốn sách ấy sẽ dài 100 trang, mà 99 trang để trống, trên trang cuối cùng, tôi sẽ viết: tôi chỉ  biết có một nghĩa vụ, và nghĩa vụ đó là yêu thương.”

Pascal cũng đã từng nói: “Tất cả những gì không dẫn đến yêu thương đều là giả tạo.”

Léon Bloy Bạn sống như thế nào đối với người bạn thân của bạn mỗi ngày: kính trọng hay khinh khi? Nào bạn không biết rằng Đức Kitô ở giữa mọi người, Ngài đảm nhiệm tất cả, gánh chịu tất cả, đau khổ vì tất cả. Bởi thế, xúc phạm đến một người là xúc phạm đến Ngài, hạ nhục một người là hạ nhục chính Ngài, nguyền rủa một người là nguyền rủa chính Ngài, giết hại một người là giết hại chính Ngài.”

Mục tiêu của toàn bộ Kinh thánh cũng chính là lòng bác ái yêu thương.

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ phi là tình mến, vì kẻ yêu người là chu toàn lề luật.”

Chúa Giêsu đã đến không phải là để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, mà là để kiện toàn. Và Ngài kiện toàn lề luật bằng cách qui mọi giới răn và lệnh truyền vào giới răn: mến Chúa yêu người. Luân lý Kitô-giáo do đó không phải là một hệ thống gồm những điều phải làm và những điều không được làm, mà thiết yếu là con đường dẫn đến sự sống và hạnh phúc thật.

3. Không có tình yêu cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nhưng sống yêu thương điều đó mới đẹp làm sao!

Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi:

– Bằng vào dấu chỉ nào người khác nhận ra các con là người Công giáo?

Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại câu hỏi và ngài lập lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời đúng. Bất chợt một ứng viên trả lời:

– Đó là “Tình yêu”.

Hãy nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”.

Tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới, có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ.

Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường tưởng ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc người công nhân già hết sức ngạc nhiên thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu. Số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công thợ của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách,

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“ Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta”.

Mẹ Têrêxa Calcutta

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Chúng ta vừa được nghe một bài Tin Mừng rất hay do Thánh Marcô thuật lại.

Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay có liên hệ đến vấn đề gì trong cuộc sống của mỗi người.

– Thưa cha đó là tình yêu.

– Chúng con giỏi. Đúng là câu chuyện hôm nay có liên hệ đến một vấn đề hết sức quan trọng trong cuộc sống. Đó là tình yêu.

Thế chúng con có biết yêu là gì không?

……………………………..

1. Tình yêu kỳ diệu lắm chúng con! Chúng ta không thể định nghĩa được tình yêu. Chúng ta không thể cân-đo-đong-đếm-được tình yêu. Nó không có màu sắc, không có trương độ, không mùi vị. Thế nhưng chẳng ai trên đời này mà không biết là có tình yêu. Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Karen là một bà mẹ đang mang thai. Như mọi bà mẹ chu đáo khác, khi biết mình sắp sinh em bé, Karen đã chuẩn bị tinh thần cho cậu con trai 3 tuổi của bà tên là Michael. Tối tối Michael cứ áp tai vào bụng mẹ và hát cho em nghe. Rồi ngày sinh nở cũng đã đến. Sau cơn vật vã, Karen cho ra đời một em bé gái, nhưng đứa bé ở trong tình trạng rất nguy kịch và được cấp tốc đưa vào khu chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của bệnh viện. Nhiều ngày trôi qua mà tình hình em gái của Michael không hề có dấu hiệu khả quan. Bác sĩ khoa nhi đã nhiều lần nói với bố mẹ cậu rằng hy vọng cứu sống em bé rất mỏng manh; rằng cả nhà hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Vợ chồng Karen đã liên hệ với nghĩa trang địa phương dành một chỗ cho việc mai táng. Trước đây họ đã háo hức sắp xếp một căn phòng đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Nhưng bây giờ thì họ thấy mình đang phải chuẩn bị cho một đám tang.

Michael năn nỉ bố mẹ cho cậu được vào thăm em gái:

– Con cần được nhìn thấy em bố mẹ ạ.

Đã qua tuần thứ hai và có lẽ đám ma sẽ diễn ra vào cuối tuần.

Michael vẫn nằng nặc đòi bố mẹ cho em được vào thăm em gái mặc dù trẻ em không được phép vào khu chăm sóc đặc biệt này. Tuy nhiên, bà Karen vẫn quyết định cho cậu vào dù người ta có đồng ý hay không. Bà mặc cho con trai chiếc áo blouse rộng quá khổ, giả vờ là người đẩy xe tã lót và dẫn cậu vào khu chăm sóc đặc biệt.

Không may là bà y tá trưởng nhận ra cậu bé ngay. Bà hét lớn lên:

– Đưa thằng bé ra khỏi đây ngay. Khu vực này cấm trẻ con!

Bản năng người mẹ trỗi dậy trong Karen. Người phụ nữ vốn thường ngày rất dịu dàng này bây giờ trừng trừng hai con mắt nhìn thẳng vào mặt bà y tá trưởng và nói dằn từng tiếng một:

– Nó sẽ chỉ ra khỏi đây khi nào nó gặp được em gái của nó!

Karen dắt Michael đến giường em gái. Cậu nhìn chằm chằm vào đứa bé sơ sinh đang dần tàn lực trước cuộc tranh đấu giành sự sống.

Sau một khoảnh khắc cậu cất tiếng hát. Giọng hát trong trẻo và tràn ngập yêu thương của một cậu bé 3 tuổi vang lên:

– Em là mặt trời của anh, là ánh mặt trời duy nhất sưởi ấm lòng anh khi bầu trời sám xịt.

Lạ lùng quá! Đứa bé có vẻ phản xạ lại. Mạch đập của bé dịu xuống và ổn định dần.

– Hãy hát tiếp đi Michael!

Karen động viên con trai mà hai hàng nước mắt cứ trào ra trên má. Cậu bé tiếp tục hát:

– Làm sao em hiểu được lòng anh thương em đến nhường nào. Xin đừng mang ánh mặt trời của anh đi mất nhé!

Khi Michael hát cho em nghe, hơi thở ngắt quãng và khó nhọc của em bé trở nên nhẹ nhàng như một chú mèo con.

– Hát nữa đi con yêu. Karen thì thầm.

– Đêm hôm trước khi anh ngủ, anh tưởng như đang được ôm em trong vòng tay.

Em gái Michael bắt đầu thư giãn. Nước mắt giàn giụa trên má bà y tá trưởng, bà động viên:

– Hát tiếp nữa đi Michael.

Karen đứng bên cạnh, vừa cười vừa khóc trong kinh ngạc.

– Em là ánh mặt trời của anh, xin đừng dập tắt tia nắng duy nhất sưởi ấm lòng anh.

Kỳ diệu thay, ngay ngày hôm sau, cô bé được trở về nhà trước sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc của tất cả mọi người.

Thế đấy! Tình yêu luôn có sức mạnh kỳ diệu đến không ngờ như thế đó chúng con. (Huyền Trang)

2. Bây giờ cha hỏi chúng con: Chúa muốn chúng ta yêu ai và yêu như thế nào?

+ Trước hết Chúa muốn chúng ta yêu Chúa.

Tại sao thế chúng con? Tại vì Chúa yêu chúng ta trước. Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn lao không thể tưởng tượng được.

Một ông vua kia có vị thủ tướng rất tài giỏi vì học rộng lắm. Ngày kia vị thủ tướng của vua trở nên tín đồ Kitô giáo và ông công khai đức tin của mình trước mặt mọi người. Ông ấy thường làm chứng rằng mình tin Đấng cứu thế đã đến thế gian để cứu kẻ có tội. Nhà vua không hiểu được sự kiện này nên đã nói:

– Trẫm là vua, nếu trẫm muốn làm điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho thần dân là xong. Lẽ nào Đức Kitô là vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống cứu thế gian như thế? Điều đó thật vô lý!

Vua muốn đuổi vị thủ tướng về vườn, vì thấy ông tin theo Đức Kitô, song vua có lòng yêu mến ông lắm nên hứa rằng nếu ông có thể giải nghĩa xuôi vấn đề này thì sẽ tha lỗi cho và không cách chức.

Vị thủ tướng xin vua cho mình suy nghĩ trong 24 giờ rồi sẽ giải đáp. Vị này liền sai một người thợ mộc rất tài khéo, làm cho ông một tượng gỗ giống hình hoàng thái tử mới hai tuổi và cũng mặc một thứ quần áo giống y hệt hoàng thái tử. Ngày hôm sau vua cỡi thuyền rồng đi chơi với thủ tướng. Thủ tướng đã dặn người thợ mộc đứng bên bờ sông bên kia, hễ xa xa thấy dấu hiệu của thủ tướng thì ném tượng gỗ xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ ấy rơi, tưởng con mình ngã xuống sông, không  kịp bảo ai, liến nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu con.

Sự việc được phơi bày. Lúc đó vị thủ tướng mới hỏi lại vua sao mà không sai một đầy tớ nhảy xuống nước để cưú hoàng thái tử, mà chính vua lại nhảy xuống nước làm gì, đến nỗi gần phải chết đuối và ướt hết cả long bào. Vua trả lời:

– Đó là do lòng thương.

Vị thủ tướng liền tâu vua rằng:

– Cũng một lẽ ấy, Đức Chúa Trời là Đấng Thượng Đế dựng nên thần, muôn người muôn vật, cũng không đành lòng sai ai cứu rỗi loài người; nhưng vì lòng yêu thương của Ngài vô hạn, nên Ngài đã sai Con của Ngài từ bỏ ngôi vinh hiển trên trời giáng thế làm người mà cưú chúng ta. Đó cũng là do nơi lòng thương chúng ta vậy!

+ Tiếp đến là yêu người?

Tại sao vậy chúng con? Thưa vì chúng ta là con của Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Ngày kia, tại một làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:
– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta  là người anh lớn của em.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau:

– Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!

Đó chúng con thấy tình yêu là như vậy đó.

Bài giảng Chúa Nhật 30 Thường Niên, năm B của Cha Gioan Baotixita Đỗ Quốc Vinh

Lễ 9h00 ngày 28/10/2018 tại nhà thờ Tân Định.

 

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho một người mù.

A. Hoàn cảnh của người mù:

Người mù trong bài Tin Mừng hôm nay có tên là Bartimê: Con của Timê. Như vậy người ta chỉ biết anh là con của Timê chứ người ta không biết tên thật của anh là gì.

Hoàn cảnh nghèo đã khiến anh phải sống bằng nghề ăn xin. Nói một cách văn chương thì ta bảo là khất thực.

Tin Mừng không cho chúng ta biết anh ta bị mù từ bao giờ nhưng xác định thật rõ chỗ anh ta chọn để hành nghề của mình. Đó là vệ đường, chỗ có nhiều người qua lại. Chọn cho mình một chỗ để ngồi khất thực bên vệ đường nơi có nhiều người qua lại là một chọn lựa có một ý đồ rõ rệt: Tỷ lệ những người mà anh ta hy vọng sẽ giúp đỡ anh sẽ cao hơn.

Tin Mừng không cho chúng ta biết làm sao mà anh đã biết Chúa thế nhưng chúng ta có thể phỏng đoán rằng anh ta đã được người ta nói cho anh về nhân vật đặc biệt này.

Hôm đó anh đang ngồi ở vệ đường để khất thực như thường lệ, một công việc được lặp đi lặp lại… nhiều khi đến nhàm chán, thì bỗng dưng như có một cái gì khác thường sắp sửa xẩy ra: những người qua lại có vẻ nhiều hơn. Có lẽ có ai đó đã báo cho anh ta biết về việc Chúa Giêsu sắp đi ngang qua cho nên ngay khi Chúa còn cách xa, anh đã kêu thật lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu con Vua Đavid, xin thương xót tôi”.

Nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu đã nghe thấy những lời đó. Đáng lý ra thì họ phải thương anh, tìm cách cho anh được tiếp cận với Chúa. Thế nhưng không hiểu lý do gì mà không những họ không giúp đỡ mà ngược lại họ còn ngăn cấm anh nữa.

Bất chấp sự ngăn cấm của mọi người anh càng la to hơn và sự việc này đã đến tai Chúa. Chúa dừng lại và cho gọi anh tới. Thái độ của Chúa khác hẳn với thái độ của nhiều người và lập tức thái độ của những người đi theo Chúa cũng thay đổi theo. Bây giờ không còn phải là những lời ngăn cấm mà là những lời đầy an ủi: “Hãy an tâm đứng dậy. Ngài cho gọi anh”.

Thật là cơ hội ngàn vàng đã tới. Quá vui sướng và tràn trề hy vọng, anh vứt bỏ chiếc áo choàng cũ kỹ anh vẫn mang trên mình để được nhẹ nhàng đến với Chúa.

Bây giờ Chúa đã đối diện với anh nhưng anh chưa nhận ra Người. Người thừa biết anh muốn gì thế nhưng để cho anh cảm thấy anh đang được gần Chúa, Chúa đã sử dụng ngôn ngữ có âm thanh để giúp anh nhận ra Ngài. Ngài hỏi anh:

“Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”

Không cần phải suy nghĩ anh thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho con được xem thấy”. Cách anh sử dụng để xưng hô với Chúa “Rabboni: Lạy Thầy” là cách biểu lộ lòng kính trọng.

Và bằng một cử chỉ và thái độ đầy tình yêu thương Chúa nói với anh:

“Được đức tin của anh đã cứu anh”.

B. Bài học

Điều mà anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay xin với Chúa cũng chính là điều mà mỗi người chúng ta cần xin: Xin cho con thấy được.

Thấy là một sinh hoạt tâm lý rất quan trọng trong sinh hoạt tri thức của con người. Chúa đã gọi “con mắt là cửa linh hồn”. Chúng ta cũng vẫn thường nói: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”.

Mù không phải là không có mắt nhưng cặp mắt không còn khả năng thị giác. Người mù xin với Chúa: Xin cho con thấy được có nghĩa là xin Chúa phục hồi lại khả năng thị giác cho anh: (Restore my sigth). Không có khả năng thị giác người ta sẽ bị thiếu xót rất nhiều trong nhận thức. Thiếu sự nhận thức, con người sẽ dễ bị rơi vào tình trạng sai lầm.

 Nói tới đây tôi nhớ tới một giai thoại có liên hệ đến một nhà bác học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 này. Đó là nhà bác học Albert Einstein.

Một hôm có một sinh viên không hiểu được thuyết “Tương đối” của ông cho nên mạnh miệng xin ông cắt nghĩa cho. Thay vì trả lời theo kiểu một bài học thì ông lại trả lời bằng một câu chuyện. Ông bảo: “Một hôm tôi đi đường, tôi gặp một người mù, tôi hỏi anh ta: Anh có muốn uống một ly sữa không?”

Người mù hỏi lại tôi:

– Sữa là gì?

Tôi cắt nghĩa:

– Sữa là một thứ nước trăng trắng.

Người mù hỏi lại:

– Nước thì tôi biết nhưng trắng là thế nào?

– Trắng là cái mầu giống như lông con ngỗng.

– Lông thì tôi biết rồi nhưng con ngỗng là con như thế nào?

– Ngỗng là một loại chim có cái cổ dài và cong được.

– Cái cổ thì tôi biết nhưng cong là gì?

Nhà bác học Einstein liền nắm cánh tay của người mù dang thẳng ra và bảo:

– Thế này gọi là ngay. Rồi ông bẻ cánh tay lại và bảo: Thế này thì gọi là cong.

Vừa nói đến đây thì người mù vui sướng như đã khám phá ra được một chân lý bí mật… Anh ta nói với nhà bác học:

– Bây giờ thì tôi hiểu rồi… Sữa là cái cánh tay cong lại giống cái cổ của con ngỗng.

Chúng ta có mắt. Mắt chúng ta sáng. Từ chỗ chúng ta thấy đến chỗ nhận biết, con đường chẳng có bao xa. Nhưng vấn đề là trong cuộc sống chúng ta có thực sự thấy được tất cả hay không?

“Lạy Chúa xin cho con thấy được”.

Lời cầu xin xem ra có vẻ rất đơn sơ, nhưng xét cho thấu tình đạt lý thì chẳng phải là một điều dễ. Tại sao? Tại vì tầm nhìn của cặp mắt chúng ta quá bị hạn chế.

Một tác giả Ấn Độ có kể câu truyện ngụ ngôn được Thu Giang Nguyễn Duy Cần ghi lại trong tác Phẩm “Cái cười của thánh nhân” như sau :

Có một người kia sinh ra đã bị mù. Sống trong một căn phòng nhưng bởi không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin vì tôi không thấy'”

Một vị lương y đem lòng thương hại đi tìm một thứ linh dược trên dẫy Hy-mã-lạp-sơn về chữa anh ta lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ bảo:

– Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.

Nhưng có kẻ nói với anh:

– Bạn ơi, bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này. Như thế thì có là bao. Ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, còn biết bao vẻ đẹp lộng lẫy và màu sắc mà bạn chưa thấy.

Nhưng anh ta không tin.

– Làm gì có được những cái đó: tôi chưa thấy những cái đó, những gì có thể thấy được tôi đã thấy tất cả rồi.

Một y sĩ khác liền leo lên tận núi cao, được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ta có được cặp mắt nhìn xa hơn những vật chung quanh căn phòng. Bấy giờ thì anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Mừng quá! Rồi lòng tự phụ dâng lên, anh thốt lên:

– Trước đây tôi không thấy, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế bây giờ chẳng còn cái gì mà tôi không thấy không biết, đâu còn ai hơn tôi được.

Nhưng có một hiền giả có cặp mắt thần nói với ánh ta:

– Cậu ơi. Cậu vừa hết mù nhưng cậu vẫn còn chưa biết gì cả. Tại sao lại quá tự phụ như thế. Cũng như khi cậu ở trong căn phòng. Tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường và thấy được nhiều vật xa hơn. Nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai, cậu làm gì biết được những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không làm sao nghe được, thấy được. Cậu có thấy được những nguyên nhân cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu không? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống, còn biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ rằng tôi đã thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng và lấy sáng làm tối.

Lạy Chúa xin cho chúng con thấy được. Mãi mãi chúng ta phải xin như thế.

Thấy những gì? Thấy những điều Chúa muốn cho chúng ta thấy để chúng ta được biết bước đi dưới sự dẫn dắt của Chúa, thấy được tình thương của Người để chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khi được làm con cái của Người. Hạnh phúc hay bất hạnh ở trong cuộc sống tùy thuộc rất nhiều vào sự việc này. Thấy được tình thương của Chúa chúng ta sẽ có hạnh phúc. Không thấy được tình thương của Chúa chúng ta sẽ bất hạnh. Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

Thánh Marcô vừa thuật lại cho chúng ta một câu chuyện rất đẹp trong Tin Mừng của Ngài. Chúng con đã biết đó là câu chuyện gì rồi.

Cha hỏi chúng con đã thấy một người mù bao giờ chưa?

– Dạ… đã thấy.

– Mù là làm sao chúng con?

– Mù là nhìn mà không thấy.

– Nếu chúng trả lời thế thì cha hỏi tiếp: Chúng con có thấy vi trùng đang lúc nhúc chung quanh chúng con không?

– Dạ không…

– Thế thì chúng con có mù không.

…………

1.Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Một tác giả Ấn Độ có kể câu truyện ngụ ngôn được Thu Giang Nguyễn Duy Cần ghi lại trong tác Phẩm “Cái cười của thánh nhân” như sau :

Có một người kia sinh ra đã bị mù. Sống trong một căn phòng nhưng bởi không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin vì tôi không thấy'”

Một vị lương y đem lòng thương hại đi tìm một thứ linh dược trên dẫy Hy-mã-lạp-sơn về chữa anh và anh được lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ bảo:

– Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.

Nhưng có kẻ nói với anh:

– Bạn ơi, bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này. Như thế thì có là bao. Ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, còn biết bao vẻ đẹp lộng lẫy và màu sắc mà bạn chưa thấy.

Nhưng anh ta không tin.

– Làm gì có những cái đó: tôi chưa thấy những cái đó, những gì có thể thấy được tôi đã thấy tất cả rồi.

Một y sĩ khác liền leo lên tận núi cao, được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ta có được cặp mắt nhìn xa hơn những vật chung quanh căn phòng. Bấy giờ thì anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Mừng quá! Rồi lòng tự phụ dâng lên, anh thốt lên:

– Trước đây tôi không thấy, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế bây giờ chẳng còn cái gì mà tôi không thấy không biết, đâu còn ai hơn tôi được.

Nhưng có một hiền giả có cặp mắt thần nói với anh ta:

– Cậu ơi. Cậu vừa hết mù nhưng cậu vẫn còn chưa biết gì cả. Tại sao lại quá tự phụ như thế. Cũng như khi cậu ở trong căn phòng. Tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường và thấy được nhiều vật xa hơn. Nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai, cậu làm gì biết được những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không thấy không nghe được. Cậu có thấy được những nguyên nhân cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu không? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống, còn biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ rằng tôi đã thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng và lấy sáng làm tối.

Bây giờ chúng con có thể trả lời cho cha mù làm sao không?

……………………………..

Rõ ràng là chúng ta có đủ hai con mắt, nhưng có rất nhiều điều chúng ta không thể thấy. Chúng ta không thể thấy những vật vô cùng nhỏ như những vi trùng chung quanh chúng ta. Chúng ta cũng không thế thấy những vật vô cùng lớn nhưng xa chúng ta.

Thêm vào đó. Chúng ta không thấy được những giá trị cao cả trong cuộc sống. Điều này phải nhờ đến một hồng ân khác của Chúa.

Ngày nay nếu người ta muốn thấy những điều đó thì người ta phải nhờ đến những máy móc hỗ trợ. Muốn nhìn thấy những vật vô cùng nhỏ thì người ta phải nhờ vào cái gì chúng con có biết không?

– Thưa cha… nhờ kính hiển vi!

– Còn những vật vô vùng lớn và ở xa?

– Thưa cha phải dùng viễn vọng kính.

– Rất đúng.

Và bây giờ thì cha có thế nói cho chúng con biết mù là gì rồi. Mù không phải là không có con mắt. Nhưng mù là con mắt không có khả năng để thấy.

Người mù trong bài Tin Mừng vẫn có mắt nhưng mắt anh ta không thấy được cho nên anh xin với Chúa. “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”(Mc 10,5). (I want to see). Xin cho con được thấy. Một số nhà chú giải bằng tiếng Anh, người ta dịch hay hơn. Người ta dịch là “Lord! Restore my sigh”. (Lạy Thầy xin phục hồi khả năng thấy cho con). Dịch như thế mới chính xác nhưng khó hiểu.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta.

Chúng ta vẫn có đủ hai con mắt. Nhưng có nhiều điều chúng ta vẫn bị mù. Cha kể cho chúng con câu chuyện này.

Marlene là một ca sĩ người Ý rất nổi tiếng, với chất giọng nữ cao, tuổi chỉ ngoài ba mươi nhưng đã nổi tiếng khắp toàn cầu, hơn nữa cô còn có một đức lang quân như ý, gia đình mỹ mãn.

Một lần nọ, cô sang nước láng giềng mở live show cho riêng mình. Vé vào cửa đã được khán giả tranh nhau mua sạch trước đó một năm, đêm diễn của cô đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người. Sau buổi biểu diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai mình đi ra từ cánh gà, trong chớp nhoáng họ đã bị bao vây bởi những fan hâm mộ của cô. Họ hết lời khen ngợi cô.

Có người tâng bốc cho rằng khi cô vừa mới tốt nghiệp đại học thì đã may mắn thi đậu vào viện ca kịch cấp quốc gia, trở thành một diễn viên suất sắc. Có nguời còn tâng bốc rằng có rất nhiều ông chủ của những công ti lớn cứ quấn lấy cô mong được làm chồng cô, còn con cô là một đứa trẻ hoạt bát rất đáng yêu, trên mặt nó lúc nào cũng tươi cười…

Khi mọi người đang bàn luận, cô ca sĩ chẳng nói chẳng rằng, đợi cho mọi người nói xong, cô mới ôn tồn nói:

– Đầu tiên, tôi xin cảm ơn lời khen tặng của quý vị dành cho tôi. Tôi hi vọng trong thời gian tới mình vẫn luôn mang đến niềm vui cho quý vị. Thế nhưng, các bạn mới chỉ thấy một mặt, còn có mặt mà các bạn vẫn chưa thấy được. Đó chính là, đứa bé trai của tôi được các bạn khen là hoạt bát vui vẻ, đáng yêu, trên mặt lúc nào cũng tươi cười này là một đứa trẻ tuyệt vời nhưng tôi nói thật với mọi người cháu là đứa bé rất bất hạnh vì nó bị câm. Hơn nữa trên nó còn có một người chị, tuy đã lớn nhưng lúc nào cũng bị nhốt trong chiếc cũi sắt vì cháu mắc chứng bệnh tâm thần”.

Sau khi ca sĩ vừa nói xong thì trên mặt mọi người ai cũng đều lộ vẻ thất kinh, nhìn nhau không nói nên lời, dường như không thể chấp nhận được sự thật mà mình vừa nghe.

Lúc này, cô ca sĩ mời bình tâm trở lại và nói với mọi người:

– Tất cả nói lên điều gì chứ? E rằng chỉ có thể nói rõ một đạo lý rằng: đó chính là “Thiên Chúa không ban cho ai quá nhiều”.

Câu chuyện cảm động quá phải không chúng con. Thiên Chúa không ban cho ai quá nhiều” Đó là một sự thật mà rất nhiều người không thấy.

Thiên Chúa rất công bằng, ban cho con người hạnh phúc bao nhiêu thì cũng ban cho họ bấy nhiêu thống khổ. Với tất cả những gì ta có được, chưa chắc người khác đã có. Mỗi người đều có được khả năng của riêng mình, cho nên chúng ta không cần phải so sánh với những gì người khác có được, mà nên bằng lòng với những gì là của mình.

Chúng con hãy cầu nguyện với Chúa như anh mù thuở xưa: Lạy Chúa xin cho chúng con được thấy. Amen.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo, một trong những ngày quan trọng trong chu kỳ phụng vụ trong năm, quan trọng vì mối tương quan giữa ngày lễ này với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với mọi Kitô hữu. Để nhận thức đúng mức tầm quan trọng của Ngày Quốc Tế Truyền Giáo, chúng ta phải đặt mình trong cái nhìn, trong tư tưởng và tâm tình của Chúa Kitô. Vì như lời Người đã nói với ông Simon Phêrô: “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16.17)

Vì thế, dưới ánh sáng của Chúa Cha, chúng ta hãy suy niệm về sứ vụ truyền giáo.

I. LÝ DO PHẢI TRUYỀN GIÁO

*  Chúa Cha đã sai Tôi (Ga 12.49)

Chúa Giêsu vẫn tự xưng mình là người được Chúa Cha sai. Hàng chục lần, Người đã sử dụng danh xưng này. Người “được sai đi để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,43), “để cứu độ trần gian” (x. Ga 3,17), “để hoàn thành những việc Chúa Cha giao phó” (x. Ga 5.36). Người là tông đồ, là thừa sai, là nhà truyền giáo của Chúa Cha. Tông đồ có nghĩa là được sai đi; và suốt đời, Người đã làm công việc này. Từ ngày nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, Người đã mang niềm vui đến thăm gia đình bà Elisabeth (x. Lc 1,44) cho đến mệnh lệnh cuối cùng của Người trước khi về trời (x. Mt 28,19), tất cả cuộc đời của Người đều hướng về việc truyền giáo. Theo các thánh sử, thì Người đã đi khắp miền Galilê (x. Mc 1,39), Jêrusalem, Samaria, Tyro và Sidon (Mt 15,21) và cả miền Thập Tỉnh (Mc 5,20). Người đã đi khắp các thành thị và làng mạc. Người đã rao giảng cho dân chúng ở miền duyên hải, trên núi đồi, trong các hội đường và cả những nơi hoang địa. Người đã nói: “Thầy ra đi cốt để rao giảng Tin Mừng” (Mc 1,39). Tông huấn loan Tin Mừng của Đức Phaolô VI đã viết: “Chính Chúa Giêsu, Tin Mừng của Thiên Chúa là nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngài đã rao giảng đến cùng: nghĩa là đến mức hoàn hảo, đến hy sinh cả cuộc sống dương thế của Ngài” (số 6). Truyền giáo là sứ vụ hàng đầu của Chúa Giêsu, đấng được Chúa Cha sai.

* Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20,21)

Được sai đi loan Tin Mừng, Chúa Giêsu đã sai lại các môn đệ. Người đã thiết lập một Giáo Hội tông truyền, tức là được xây dựng trên nền tảng những người được sai đi (tông đồ) để loan Tin Mừng (truyền giáo) cho mọi người. Mệnh lệnh truyền giáo của người đều được 4 thánh sử ghi lại

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19).

“Hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

“Hãy rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

“Như Cha đã sai Thầy đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).

Chúa Giêsu đã tuyển chọn và đào tạo các môn đệ, để họ “ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14).

Tông huấn loan Tin Mừng viết: “Rao giảng Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (số 14).

Công đồng Vaticanô II cũng đã dạy như vậy: “Tự bản tính, Giáo Hội luôn hành phải truyền giáo” (TG 2). Vì thế, chỉ có Giáo Hội truyền giáo mới là Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô.

Bởi vậy không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn.

* Mệnh lệnh truyền giáo cũng là di chúc của Chúa Giêsu trước khi về trời, là “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mt 16,15). Mệnh lệnh này liên quan đến mọi tín hữu – vì như Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Ơn gọi làm kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ số 20).

Nhưng làm rao đi được khắp tứ phương thiên hạ – hay đến tận cùng trái đất (Mt 28,19). Chúng ta không đi được, nhưng có người đi thay cho chúng ta. Là người Á châu, chúng ta không trực tiếp truyền giáo được cho Phi châu. Nhưng là chi thể trong một Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta vẫn có thể làm được: bằng lời cầu nguyện, sự hy sinh, đời sống chứng tá và sự dâng hiến cho việc truyền giáo những của lễ thiêng thiêng và vật chất.

II. PHẦN CHÚNG TA.

1. Chúng ta sẽ truyền giáo trước tiên bằng cầu nguyện.

Têrêsa Hài Đồng Giêsu nay là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng được đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.

2. Bằng những hy sinh đóng góp cho việc truyền giáo. Hằng năm các Đức Thánh Cha vẫn nhắc nhớ cho chúng ta điều đó. Ở Việt Nam chúng ta thì xem ra vấn đề đề này còn rất yếu. Các nước Tây Phương họ ý thức rất rõ về vấn đề này.

3. Ngoài những lời cầu nguyện ra ngày hôm nay người nói rất nhiều đến đời sống chứng tá.

+ Một nhóm bạn trẻ từ nhiều quốc gia đang bàn thảo về cách làm cho Tin Mừng Chúa được lan rộng. Họ nói về sự tuyên truyền, về tài liệu và những cách phổ biến Tin Mừng trong thế kỷ XX này.

Một cô gái Phi Châu nói:

– Khi muốn truyền đạo cho một làng của chúng tôi, chúng tôi không cho họ sách. Chúng tôi gửi một gia đình Kitô giáo tốt đến sống trong làng. Và họ sẽ làm cho mọi người thành Kitô hữu.

+ Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phải phủ Hoa Kỳ tập trung ở một nhà ga xe lửa tại Chicago để chào đón người được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1953 trở về.

Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông cao lớn, tóc quăn, có một chòm râu mép dài. Các máy ảnh chớp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố giang rộng tay đón chào vị thượng khách.

Người được giải Nobel hòa bình cám ơn mọi người rồi rồi đưa mắt nhìn về một một chỗ xa xa ở trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng đó. Mọi người tưởng ông để quên hành lý nào đó. Ông băng qua đám đông, trực chỉ đến một người đàn bà da đen lớn tuổi đang khệ nệ với hai va ly nặng trên tay. Ông đưa tay xách cả hai va ly, rồi đưa người đàn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe xong, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì đã bắt mọi người chờ đợi.

Người được giải thưởng hòa bình năm 1953 ấy không ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho người nghèo tại Phi Châu.

Chứng kiến cử chỉ của ông, một người thuộc ủy ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó nói với các ký giả: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy được một bài giảng biết đi”

+ Một thương gia giàu có  xin nhập đạo. Khi được hỏi lý do, ông đáp:

– Nhờ gương một công nhân của tôi. Đôi lúc tôi nổi nóng, quát mắng, nhưng anh không hề tỏ ra giận ghét tôi, dù tôi biết anh rất đau khổ. Có khi tôi đối xử thô bạo với anh, anh không bao giờ thốt lên nửa lời. Thái độ của anh làm tôi, dù là cấp trên, đem lòng cảm phục. Sự thực, anh chẳng bao giờ nói với tôi về đạo, nhưng đời sống đạo của anh đã chinh phục tôi. Giờ tôi không còn nghi ngờ gì nữa và tôi hy vọng Chúa Giêsu Kitô sẽ ban cho tôi sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu xin biến chúng con thành những người đi loan báo Tin Mừng cho Chúa. Amen.