Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A
Hôm nay, ngày CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu đến cho anh em lương dân, để cho họ cũng được trở nên môn đệ của Chúa như chúng ta.
Theo Công đồng Vaticanô II thì chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho anh chị em lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử xem việc truyền giáo đã được thực hiện như thế nào để rồi qua đó chúng ta sẽ thấy được bổn phận chúng ta phải làm gì.
1. Trước hết là thời các Tông đồ,
Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đã cất bước lên đường đi rao giảng TM khắp nơi như lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi” (Mt 28,19-20). Sách Tông Đồ Công Vụ đã cho chúng ta thấy các tông đồ ngay lập tức đã lên đường đi rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường. (Cv 9,20)
Lý do các tông đồ nêu ra là: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho muôn dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.(Cv 10,42)
Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô nói:”Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng.(1Cr 1,17)
Vì ý thức việc rao giảng Tin Mừng quan trọng như vậy nên các tông đồ đã hăng hái đi rao giảng khắp mọi nơi.
Đầu tiên là cho những người Do thái: “Từ đó ông Saolô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Các ngài mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.(Cv 9,28)
Sau đó các ngài đã đi khắp nơi.
Phêrô Phaolô đã sang đến tận Roma.
Tục truyền Toma đã sang tới tận Ấn Độ.
“Ông Philipphê xuống một thành miền Samaria và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó.(Cv 8,5) Các ngài “Rao giảng lời Chúa tại Pécghê, rồi xuống Áttalia.(Cv 14,25) Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, rao giảng lời Chúa ở Axia.(Cv 16,6)
Các ngài rao giảng rất mạnh dạn.(Cv 28,31) và sẵn sàng chịu mọi khổ nhục vì Chúa Kitô;
Sau thời các tông đồ Giáo Hội còn được chứng kiến thêm nhiều sứ giả khác tiếp tục công việc của các Ngài nhất là vào thời Trung Cổ. Từng đoàn, từng đoàn các nhà truyền giáo đã đi về phía Châu Mỹ. Một số đi về phía trời Đông. Một trong số những người này chúng ta phải đặc biệt nói đến một nhân vật mà Hội Thánh đã đặt làm bổn mạng các xứ Truyền Giáo. Người đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê.
Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaysia và từ đó đến Indonesia
Rồi trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
Chúng ta cũng không thể không nói tới những nhà truyền giáo đã đi về hướng Châu Phi. Một nhân vật mà chúng ta không thể quên đó là BÁC SĨ ALBERT SCHWEITZER
“Tôi đã bỏ địa vị Giáo sư tại Đại Học Strasbourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn phong cầm để ra đi hành nghề bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Châu Phi.
Vào năm 1952, nhà truyền giáo và là bác sĩ Albert Schweitzer đã nhận được giải thưởng Nobel về hòa bình.
Phải nói rằng những cuộc truyền giáo đã đem lại những kết quả hết sức tốt đẹp.
2. Sau đó Giáo Hội được bổ sung bằng một hình thức truyền giáo khác âm thầm hơn, lặng lẽ hơn nhưng cũng hiệu quả không kém: Đó là truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh. Đại diện cho hình thức truyền giáo này là thánh Têrêsa HDGS.
Dù chỉ là một nữ tu dòng kín, chị đã khát khao trở thành một vị truyền giáo đi tới hang cùng ngõ hẻm của trái đất bao la này! Nguyện ước này đã được bề trên chấp thuận với chương trình gửi chị qua dòng kín Sài Gòn, Việt Nam nhưng ý Chúa nhiệm mầu! Chị đã ngã bệnh lao phổi trầm trọng…. và giã từ cuộc sống này lúc vừa tròn 24 xuân xanh.
Trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: “Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên;” A! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa: “Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Tại Paris nhân ngày Đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 12 (21-24.8) năm 1997, ngày bế mạc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã loan báo: Giáo Hội sẽ tôn phong thánh Têrêsa lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa nhật Truyền giáo 19.10.1997.
Như vậy qua việc đặt Têrêsa HDGS làm bổn mạng và phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh GH đã công khai thừa nhận việc hy sinh và đời sống cầu nguyện cũng có một giá trị truyền giáo không kèm gì việc ra đi truyền giáo như các tông đồ thuở xưa.
3. Việc truyền giáo hôm nay.
Ngày nay việc truyền giáo còn được làm phong phú hơn bằng một phương pháp mới: Truyền Giáo bằng chứng tá của cuộc sống.
Khi các nhà truyền giáo Công giáo hỏi ý kiến ông Gandhi về việc họ phải làm gì để các người theo đạo Hinđu chấp nhận bài giảng trên núi của Đức Giêsu. Ông Ganđhi trả lời: “Các ông hãy nghĩ về bí quyết của những bông hoa hồng. Mọi người đều yêu thích chúng, vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như diệu kỳ của nó. Vậy các ông hãy “tỏa hương thơm!”
Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã thật chí lý khi nói rằng: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì chính vì những vị thầy này là chứng nhân”
Người đại diện nổi bật nhất và cũng là mẫu mực nhất của việc truyền giáo bằng phương pháp này chính là mẹ thánh Têrêsa Calcutta.
Ngày nay, công việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo thì nhiều loại và được chia ra như sau:
Việc Tông Ðồ qua những lớp Giáo Lý, học hỏi Kinh Thánh, nhóm hoạt động Công Giáo, và thăm viếng bệnh nhân, người già và tù nhân.
Chăm Sóc Y Tế qua các nhà thương, bệnh viện người cùi, những em bị tật nguyền tâm lý và thể lý, những người hấp hối và tuyệt vọng, người bị bệnh AIDS và ho lao, những trung tâm suy dinh dưỡng và những bệnh xá lưu động.
Việc Giáo Dục qua các trường tiểu học trong các khu nhà nghèo, lớp dạy may cắt, lớp thương mại, lớp cho người tàn tật, lớp mẫu giáo ở làng, và những chương trình giữ trẻ.
Dịch Vụ Xã Hội qua chương trình an sinh và giáo dục trẻ em; giữ trẻ; nhà cho người vô gia cư, người nghiện rượu và thuốc sái; nhà cho những người mẹ không chồng; nơi tạm cư ban đêm; và trung tâm dạy điều hoà sinh sản.
Dịch Vụ Cứu Tế qua những trung tâm thực phẩm và quần áo…
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:
– Thưa Ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.
Nhà truyền giáo trả lời:
– Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.
Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:
– Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.