Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 4 Thường Niên, Năm C

Anh chị em thân mến.

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như bài Tin Mừng tuần trước: trong Hội đường của người Do thái ở Nazatreh, quê hương của Chúa Giêsu. Khán giả nghe Chúa nói hôm nay cũng là những người quen thuộc với Chúa. Điều khác biệt mà bài Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta thấy không phải là những lời do Chúa dậy mà là thái độ của những  người nghe Chúa hôm đó. Thái độ đó như thế nào? Lúc đầu thiện cảm và thán phục. Sau đó là bất mãn và căm phẫn và cuối cùng là muốn thủ tiêu Chúa. Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây là tại sao thái độ ấy lại có thể thay đổi mau chóng và quyết liệt đến như thế? Chúng ta sẽ tìm hiểu lý do.

I. Như Tin Mừng Mathêô, Marco và Luca thuật lại thì trước khi về Nazareth Chúa đã làm hai Phép lạ tại Carphanaum: Một là phép lạ Chúa chữa người đàn bà loạn huyết; hai là Chúa phục sinh đứa con gái của ông hội trưởng hội đưởng ở đó. Chắc chắn những điều ấy đã đến tai những người ở Nazareth vì Nazareth và Carphanaum cách nhau không bao xa.
+ Một Chúa Giêsu được đã nổi tiếng như thế bây giờ trở về quê hương của mình thì làm sao mà những người đồng hương cùng sống với Chúa bao nhiêu năm trời …lại không cảm thấy tự hào? Chắc chắn là phải có.

Tin Mừng cho chúng ta thấy tất cả những người có mặt trong hội đường hôm đó đều cảm thấy tràn ngập sự thán phục trước những lời đầy vẻ duyên dáng của Chúa. Họ ngỡ ngàng trước con người mà họ đã từng quen biết từ bao nhiêu năm nay….ngỡ ngàng đến nỗi họ phải thốt lên: “Người này không phải là con của ông Giuse đó sao? (Mc 6,2-4). Bởi đâu ông ấy được như thế? – Tại sao mà ông ta được khôn ngoan như vậy? – Ông ấy không phải là con bác thợ mộc, mẹ của ông ta không phải là bà Maria và anh em của ông ta không phải là Giacôbê, Giuđa và Simon đó sao vv và vv.

+ Nhưng rồi đàng sau sự tự hào đó là một cái gì khác hơn. Luca không nói thắng ra những gì họ mong ước nơi Chúa nhưng Luca cho chúng ta thấy chính Chúa đã thấy rõ ý đồ của họ nên Chúa đã vạch mặt chỉ tên những gì mà họ mới chỉ mong ước ở trong lòng: “Hẳn các ngươi sắp nói cho ta nghe câu ngạn ngữ này: Hỡi thầy thuốc hãy tự cứu lấy chính mình. Những gì chúng tôi nghe đã xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông đi” Không biết anh chị em nghĩ sao chứ riêng tôi tôi tưởng những người ở Nazareth mong ước như thế cũng là lẽ rất thường tình. Thế nhưng ở đây Chúa lại từ chối. Không những Chúa không đáp ứng những gì người đồng hương của Ngài mong mỏi mà ngược lại thái độ của Chúa xem ra có vẻ khiêu khích và thách thức đối với họ cho nên từ thái độ cảm phục tự hào lúc ban đầu, những người Nazareth đã chuyển qua thái độ bất mãn và thậm chí còn muốn giết cả Chúa.

+ Những mong ước của họ quá ích kỷ.

Họ tưởng họ là người đồng hương với Chúa và họ có quyền đòi hỏi Chúa phải ưu tiên làm cho họ những gì họ mong muốn.

Còn Chúa thì rõ rệt là Ngài không muốn như thế. Ngài là Thiên Chúa của mọi người. Con người không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì từ Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn tự do.
Những người ở Nazareth cay cú không phải là vì Chúa vung vãi những phép lạ trong những thành khác và từ chối không làm ở quê hương, nhưng họ cay cú vì Chúa đã dùng hai thí dụ thời ngôn sứ Êlia và Êlisê để nói thẳng cho họ biết rằng Ngài có quyền làm Phép lạ cho cả dân ngoại, coi dân ngoại ngang hàng và nhiều khi còn có vẻ ưu tiên hơn cả dân Do thái. Điều đó đối với họ thật là quá đáng và chính vì thế mà họ tỏ ra phẫn nộ mặc dầu họ rất cảm phục trước những lời từ môi miệng Ngài nói ra.
+ Lý do thứ hai theo Charde R. Erdman: Tại họ chưa đủ niềm tin nơi Chúa. Sở dĩ như thế là vì họ quá quen với Chúa. Ông nói:”Những kẻ quá quen thuộc với những bậc vĩ nhân thường lại không thể nhận ra hết sự vĩ đại của họ và nhiều khi người ta không hiểu được những kẻ mà họ tưởng là quen biết hơn hết
Xin được minh họa bằng một chứng từ có thật:
Một hôm cậu bé Tagore làm thơ và đưa lên cho cha cậu xem. Ông thân sinh chê:
– Dở lắm!
Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bỉu môi:
– Thơ này là thơ thẩn!
Tagore mới nghĩ ra một kế. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích sao trong một tập thơ cổ. Cậu lại đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận. Lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen:
– Tuyệt !tuyệt! – rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học:
– Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này!
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên tờ báo của ông. . . Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề ghi xuất xứ khi đăng.
Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình trước đó.
Ngạn ngữ của chúng ta có câu: Quen quá hóa nhàm.
Hay câu khác: Gần chùa gọi Bụt bằng anh.

Con người thường hay phán đoán người khác theo những tiêu chuẩn nhiều khi rất giả dối, có khi chỉ theo những giáng vẻ bên ngoài thậm chí nhiều khi còn chụp lên họ những hình ảnh hoàn toàn méo mó theo cách nhìn và cách phán đoán rất chủ quan của mình.

Nhưng người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Họ tưởng được gần gũi với Chúa bao nhiêu năm trời là họ đã hiểu được Chúa. Thật là sai lầm. Đối với họ Chúa dù có thế nào đi nữa thì cũng chỉ là con bác thợ mộc………Trong trường hợp như thế nếu Chúa có làm được phép lạ thì phép lạ của Chúa cũng chẳng có được một giá trị nào ngoài việc thỏa mãn sự tò mò của họ. Và chính vì thế mà Chúa đã không làm được phép lạ nào. Ngược lại Chúa còn phải buồn mà nói cho họ biết một sự thực này: “Không một tiên tri nài mà được nổi tiếng tại quê hương mình

Thế là những người đồng hương với Chúa đã để mật một cơ hội bằng vàng để được hưởng những hồng ân Chúa ban cho.
Còn chúng ta thì sao? Trên đời có những cơ may chỉ đến có một lần. Hãy biết quí trọng những hồng ân Chúa ban cho chúng ta hằng ngày.

Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.