Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm C
Thiều nhi chúng con yêu quí,
Thánh Luca vừa kể cho chúng ta một câu chuyện thật đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô.
Trong câu chuyện này cha thấy ông Phêrô là người thật tốt với Chúa. Chúng con có biết tại sao cha dám nói với chúng con như thế không? Đây chúng con hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy ông Phêrô là con người như thế nào.
1. Trước hết ông cho Chúa mượn thuyền.
Tin Mừng kể “Hôm đó, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”(Lc 5,1-3)
Cha hỏi chúng con nếu Phêrô không tốt thì Chúa có dám tự nhiên xuống thuyền của ông rồi lại còn như truyền lệnh cho ông đưa thuyền của mình ra xa một chút để Chúa tiện giảng dạy dân chúng không? Ở đây cha thấy ông Phêrô đã coi Chúa như người nhà của mình vậy. Mọi việc diễn ra hết sức tự nhiên. Phải có lòng kính trọng và yêu thương Chúa lắm thì mới có được cách ứng xử như vậy.
Tiếp đến Tin Mừng nói gì nữa? Tin Mừng ghi “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.(Lc 5,4-5)
Chúng con thấy ông Phêrô có ngoan không? Cha thấy ông Phêrô quá ngoan đi chứ. Chúa Giêsu là người ông chỉ mới quen biết. Kinh nghiệm chài lưới của Chúa thì đâu bằng ông. Sau một đêm trời vất vả cực nhọc mà ông cũng như bạn bè không bắt được một con cá nào. Vậy mà khi Chúa bảo ông chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá, Tin Mừng ghi: “Giảng xong, Người bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Phêrô đã phản ứng như thế nào? Lúc đầu chúng con thấy ông cũng hơi e ngại. “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”(Lc 5,5). Ông đã trình bày với Chúa một cách rất chân thành. Suốt cả một đêm với kinh nghiệm của những người làm nghề chài lưới chúng tôi – cả một tập thể vất vả đã hoàn toàn thất bại. Cha hỏi chúng con sau khi nghe ông trình bày như vậy, Chúa có rút lại lệnh truyền của Chúa không? Tin Mừng không nói gì nhưng cha chắc qua thái độ của Chúa lúc đó Phêrô hiểu được đó là một lệnh truyền nghiêm tức. Phêrô hiểu được ý Chúa và ông lễ phép thưa lại: “Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và ngay sau đó, ông đưa con thuyền của ông có Chúa Giêsu ở trên đó ra khơi và làm những gì Chúa bảo làm. Kết quả như thế nào chúng con? “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (Lc 5,6-7)
Đúng là một mẻ cá lạ. Có thể nói đây là phần thưởng cho những người tốt với Chúa.
Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen đối xứ tốt với nhau để cuộc sống này có nhiềm niềm vui như ý Chúa muốn. F. W. Faber viết rất hay: “Lòng tốt hoán cải được nhiều người hơn giáo huấn, kiến thức và tranh luận. Những thứ ấy chẳng giúp được gì nếu không có sự tử tế đi kèm.
Một trong các vị đại thánh thời Giáo hội sơ khai là thánh Augustine. Ngài là một triết gia rất thông thái. Chúng ta thử nhớ lại, hồi đức thánh giám mục Ambrose cải hóa Augustine về với Kitô giáo, ngài có dùng lý lẽ triết học vững chãi nào để minh chứng các luận điểm của mình chăng. Không một chút lý sự nào. Chính thánh Augustine thừa nhận rằng lòng tốt của thánh Ambrose đã làm thay đổi cuộc sống ngài chứ không phải kiến thức hay lý lẽ .
Các bạn có nhớ không, kẻ trộm “lành ” đã “ăn trộm” được Nước Trời vì anh có lòng tốt với Chúa Giêsu trên thánh giá.
2. Sau câu chuyện mẻ cá lạ, cha hỏi chúng con còn chuyện nào lạ hơn nữa không?
Chuyện Chúa thưởng cho Phêrô là chuyện lạ, nhưng chuyện sau đó còn lạ hơn: Chúa chọn Phêrô làm môn đệ của Chúa.
Sau khi được chứng kiến phép lạ Chúa làm, chúng con thấy Phêrô nhận ra mình quá nhỏ bé bất xứng trước mặt Chúa. Lúc này ông mới cảm thấy ông đang đứng trước một Đấng mà ông không biết gọi tên là gì. Ông cảm thấy ông bất xứng. Tin Mừng cho biết: “Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”(Lc 5,8)
Và đây mới là giây phúc thật cảm động: “Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.”(Lc 5,10).
Đẹp quá chúng con.
Phêrô không còn phải là người làm nghề chài lưới nữa mà Chúa Giêsu đã biến Phêrô thành một con người khác. Phêrô sẽ là một lãnh tụ trong chương trình cứu chuộc của Chúa. Rồi đây ông sẽ được Chúa huấn luyện, không phải để thành một người chài lưới để bắt cá ở giữa biển khơi mà ông sẽ thành một lãnh tụ đi chinh phục loài người cho Chúa.
Chúng ta hãy kính cẩn nghe lại những lời thật cảm động này để thấy được lòng tin tưởng Chúa đặt nơi con người của Phêrô lớn như thế nào.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”(Mt 16,18-19)
Tới đây cha nhớ lại một câu chuyện xảy ra hồi đệ nhị thế chiến. Hồi ấy ông thủ tướng Bismark, là một nhà độc tài đã thao túng chính đường Đức quốc cuối thế kỷ vừa rồi. Ông đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội Đức vì Giáo Hội phản đối đường lối độc tài phát- xít của ông.
Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Đức đã có sáng kiến rất hay. Họ in ra một bức hí họa để nhà nào cũng treo. Các tiệm vàng thì dán trước cửa kính. Bức hí họa ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để cố xô một tảng đá xuống biển. Bên cạnh đó, một thằng qủy Satan ngồi nhe răng cười nham nhở và bảo tên khổng lồ kia:
– Tao đã mệt nhọc suối 20 mươi thế kỷ nay mà vẫn chưa làm được. Còn mày, mày là ai mà dám cả gan làm?
Bismark biết được ý nghiã của bức họa thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao! Cuối cùng, cuộc “Đấu tranh văn hoá, Kulrurkampf” nhằm chống tôn giáo của ông thất bại và ông cũng nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume. Hai người thù hằn nhau đến nỗi trước khi chết, Bismark đã trối với gia đình phải liệm xác ông ấy gấp, kẻo phải giáp mặt Hoàng đế Guillaume đến phúng điếu!
Hãy tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài. Chúa đã biến Phêrô thành đá tảng và trên tảng đá đó Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài để cho chúng ta luôn được sống trong bình an mặc cho những sóng gió phũ phàng nhiều lúc làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng con thuyền Giáo Hội như có vẻ sắp chìm. Hãy nhớ Chúa Giêsu luôn ở với Giáo Hội của Người. Amen.