Tag Archive for: Ga

10/05 – Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.

“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.

Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời.

Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

Suy niệm: ‘Măng chua nấu với ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui.’ Cuộc sống con người buồn vui chen lẫn, cần biết thế để luôn giữ được cái tâm thanh thản đứng trước mọi nghịch cảnh. Như Chúa Giê-su báo trước, các môn đệ buồn sầu đau đớn khi chứng kiến cuộc thương khó của Ngài, nhưng họ sẽ vui mừng khi Ngài sống lại. Môn đệ Chúa cũng sống với cái buồn vui lẫn lộn. Nhưng có điều là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Và niềm vui đó là niềm vui trong Chúa Ki-tô phục sinh, niềm vui chiến thắng sự chết, niềm vui được tái tạo trong đời sống mới. Niềm vui của họ chỉ có Chúa mới ban cho và không gì cướp mất đi được.

Mời Bạn: Chúa Ki-tô đã chết, đã sống lại và còn đang sống giữa chúng ta hôm nay. Ngài đang cùng chúng ta thi hành sứ vụ cứu thế trong một xã hội toàn cầu hóa nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, sâu rộng. Chúng ta được kêu mời để sống và chia sẻ niềm vui phục sinh ngay trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, đau đớn nhất của đời sống cá nhân và xã hội. Không ki-tô hữu nào cho phép mình sống trong tâm trạng thất vọng về tương lai của mình và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn luôn tâm niệm: Bình an và niềm vui đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tôi xa tránh những gì làm tôi xa Chúa.

Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giê-su! Chúa đã ở trong mồ đá ba ngày, nhưng nay Chúa đã sống lại. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con. Xin Chúa chiếm hữu và làm cho chúng con thuộc về Chúa để chúng con luôn sống trong niềm vui của Chúa. Amen.

09/05 – Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh.

“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

Lời Chúa: Ga 16, 16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại, nhạc sĩ Đức Huy nói lên tâm sự của người muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng vì thiếu niềm tin định hướng, họ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai” và chạy theo cuộc vui chóng tàn: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi.” Và rồi, những cuộc vui như thế chẳng mấy chốc lại trở thành nỗi buồn bởi vì nó không lấp đầy được sự trống trải của tâm hồn cũng không trút bỏ được cái gánh trĩu nặng của tội lỗi. Chúa Giê-su báo trước các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt với nỗi buồn thống thiết nhưng rồi nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm hoan lạc vô bờ: buồn với Thầy trong nỗi thương đau của cuộc khổ nạn để rồi sẽ vui với Thầy trong niềm hoan lạc Phục Sinh.

Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, chúng ta cảm thấy buồn vì làm mất lòng Chúa, xa Chúa. Để “con tim vui trở lại” phải biết buồn vì tội lỗi, tức là sám hối trở về, Chúa sẽ biến nỗi buồn ấy trở thành niềm vui vì được giao hòa với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để thống hối, buồn để quay gót trở về, gặp Chúa Phục Sinh, đó là nỗi buồn thánh và mang lại niềm vui trong Chúa thật sự. Bạn có cảm nghiệm niềm vui đó sau một lần xưng tội sốt sắng không?

Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu, bắt đầu từ tật xấu lớn nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài. Lạy Chúa, lạy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui.”

(Lời bài ca “Sống trong niềm vui” của Nguyễn Duy)

08/05 – Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.

“Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.

Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.

Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

Mời Bạn: Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật toàn vẹn” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu thờ lạy Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

Sống Lời Chúa: Hãy trung thành thực hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi cách cụ thể ngay trong gia đình hay cộng đoàn mình đang sống qua việc phục vụ nhau bằng tình yêu và khả năng riêng biệt Chúa ban cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi.

07/05 – Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh.

“Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”. 

Lời Chúa: Ga 16, 5b-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu.

Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.

Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.

Suy niệm: Đức Giê-su ra đi, Người sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa, giống như “gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), Ngài có thể “thổi” cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau, trên nhiều tâm hồn khác nhau. Như vậy Ngài có thể làm cho con người và cho cả Giáo Hội trở nên sống động. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Bảo Trợ sẽ làm công việc của một người Thầy: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Chúa Thánh Thần như người thầy, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giê-su. Vai trò thầy dạy của Chúa Thánh Thần là soi sáng cho các môn đệ hiểu những gì Thầy Giê-su nói và làm mà các ông chưa hiểu hay hiểu chưa hết.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng vô hình, nhưng luôn hoạt động một cách sống động và hiệu quả trong Giáo Hội và trong mỗi người. Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thôi thúc chúng ta thực hành giáo lý Đức Giê-su muốn truyền đạt. Vì thế nếu chúng ta mở rộng đôi tai tâm hồn để đón nhận thì sẽ nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận biết quả thật việc Đức Giê-su về cùng Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần đến là có lợi cho chúng ta.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dành một giây thôi để lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn biết phải làm thế nào cho đúng ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần đến tác động và làm thầy dạy chúng con ngõ hầu chúng con đạt được điều ích lợi mà Đức Giê-su muốn cho chúng con. Amen.

06/05 – Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh.

“Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.

Lời Chúa: Ga 15, 26-16, 4

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.

Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

Suy niệm: Ngay lúc sắp chịu khổ hình Đức Giê-su giao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng về Ngài. Lời chứng chỉ đáng tin khi người làm chứng là người trực tiếp chứng kiến, và hơn nữa họ hoàn toàn xác tín nói lên điều mà chính họ đã “mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20). Nhiệm vụ làm chứng cho Đức Ki-tô được giao cho các môn đệ thật là thích đáng bởi vì các ông “ở với Chúa ngay từ đầu”. Nhưng nhiệm vụ cao cả đó có thể trở nên bất khả thi bởi vì vô vàn khó khăn thách đố: Thế gian ghét Đức Ki-tô thì họ cũng ghét các môn đệ Người. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ được sai đến để họ cùng với Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49, các tông đồ đã tuyên bố như thế: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28).

Mời Bạn: Ở với Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Thánh Thần là điều kiện thiết yếu để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Làm chứng cho Chúa không chỉ là việc truyền đạt một thông tin, mà còn là dám sống và dám chết cho niềm tin ấy. Hiệp cùng Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện, và trình bày Đức Ki-tô trước hết qua những cử chỉ, hành vi và cả sự hiện diện thể hiện tình yêu thương, đó là cách làm chứng hiệu quả mà lời nói suông không thể làm được.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng cho Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức mạnh để chúng con cùng với Chúa làm chứng rằng Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ trần gian. Amen.

05/05 – CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH năm B.

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.

Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.

Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con.

Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

Suy niệm: Chúa Giê-su từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái vì họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8): Quả thật, họ không chỉ đặt ra những giới luật nặng nề hình thức và áp đặt lên dân chúng, mà họ còn giải thích sai lệch để bãi bỏ việc tuân thủ chính đáng các giới răn. Chúa Giê-su đòi buộc các môn đệ muốn được diễm phúc “ở  lại trong tình thương của Thầy” thì phải giữ các giới răn, nhưng không phải là “giới luật của phàm nhân” mà là “giới răn của Chúa”. Đồng thời Ngài cho biết ‘bí quyết’ để nhận biết mình đang thực thi “điều răn của Chúa” đó là “yêu thương như Chúa yêu thương”, là dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Bất cứ giới răn nào không có chỗ cho tình thương thì đó không phải là điều răn của Thiên Chúa. Nói tắt, “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Bạn thân mến, bất cứ bạn làm điều gì, dù xét theo khách quan, có tốt đẹp mấy đi nữa, nếu không phát xuất từ động lực sâu xa nhất là tình yêu Thiên Chúa, thì hầu chắc là bạn đã không thực thi giới răn của Chúa rồi.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động, nói năng hay suy nghĩ gì, bạn hãy chậm lại một giây thôi để loại trừ mọi hờn giận, ghen ghét, oán thù ngõ hầu chỉ còn tình yêu Chúa làm động lực hướng dẫn đời sống bạn mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi khoảnh khắc, để đến lượt con, con cũng biết trao ban tình yêu trong mỗi việc con làm.

04/05 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh.

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Lời Chúa: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con.

Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ.

Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy”.

Suy niệm: Trước khi chịu khổ hình, Chúa Giê-su đã cảnh báo: số phận người môn đệ của Ngài là sẽ bị thế gian ghét. Lý do thật rõ ràng và lô-gích: Họ ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà lại thuộc về Ngài; cho nên nếu thế gian “ghét Chúa Ki-tô” thì cũng ghét luôn các môn đệ của Ngài. Đây quả là thách đố tất yếu cho những ai “mang danh Chúa Ki-tô”. Dù ở thời đại nào, người Ki-tô hữu vẫn luôn “bị ghét”: từ việc bị chế diễu, nhạo báng, đến chỗ bị đối xử bất công, bị chế tài trong đời sống xã hội, thậm chí bị bắt bớ, đánh đập giết chết cách tàn nhẫn. Họ chấp nhận những thách đố đó vì trung thành với danh nghĩa Ki-tô hữu, và kiên định làm chứng cho những giá trị Tin Mừng.

Mời Bạn: Ngày nay, các ki-tô hữu hiếm khi phải chịu cảnh đầu rơi máu đổ; nhưng những bách hại đời thường vẫn không thiếu. Đó là khi chúng ta dám chịu chế nhạo, thiệt thòi những quyền lợi xã hội, hoặc bị tù tội vì trung thành sống trung thực, thượng tôn công lý, bảo vệ sự sống cũng như sự chung thuỷ trong hôn nhân. Thánh Phê-rô căn dặn đừng có ai để “bị ghét” vì làm điều gian ác, nhưng nếu “phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu thì đừng xấu hổ” nhưng hãy “hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Ki-tô” (1Pr 4,15-16; Cv 5,41).

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chọn thực thi một điều trong 8 mối phúc thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Chúa vì con được mang danh Ki-tô hữu. Xin cho con luôn ý thức mình thuộc về Chúa chứ không thuộc về thế gian để con luôn trung thành làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Amen.

03/05 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.

Lời Chúa: Ga 14, 6-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

Suy niệm: Con đường nào cũng thường mang một cái tên, và đưa ta đến một đích điểm. Nhà thơ Razul Gamzatov (+2003) nói đến một con đường đặc biệt:

Trên trái đất đường đi không kể xiết
Đường dài lâu, gian khó cũng rất nhiều.
Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết,
Là con đường ta vẫn gọi: tình yêu

Con đường khó và dài, con đường tình yêu ấy chính là đường đưa ta về quê trời; con đường ấy phải có một cái tên: đường Giê-su. Đường Giê-su không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con người: “Ta là Con Đường”. Đường Giê-su thật độc đáo, bởi vì Đức Giê-su không đưa ra một số giáo lý phức tạp phải tin, một mớ điều răn phải giữ để đi đường, Ngài chỉ ban cho ta một điều răn: yêu nhau như Ngài đã yêu ta. Hơn nữa, Ngài còn cầm tay ta và cùng bước đi với ta trên con đường mang tên Giê-su ấy.

Bạn nhớ rằng trên đường Giê-su, bạn chỉ có một hướng dẫn viên lữ hành: chính Đức Giê-su; bạn chỉ có một bản đồ: đó là tình yêu. Nếu muốn về quê trời, bạn hãy bước đi trên đường Giê-su, theo hướng dẫn viên Giê-su và với tấm bản đồ tình yêu.

Sống Lời Chúa: Đứng trước một hoàn cảnh trái ý, tôi sẽ phản ứng theo cung cách yêu thương mà Đức Giê-su đã dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin rằng chỉ có Chúa là Con Đường đưa chúng con đến sự sống vĩnh cửu, đến quê trời ước mong. Chúng con nguyện sẽ cầm chắc tay Chúa, để Chúa dắt đi trên con đường mang tên Chúa: con đường Giê-su. Amen.

02/05 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Suy niệm: “Ở lại trong tình yêu của Chúa” thực ra có nghĩa là gì? Các nhà thần học nói đó là một ‘kinh nghiệm thần bí’ mà đại đa số chúng ta chỉ hiểu một cách lờ mờ. Câu trả lời của Đức Giê-su thật đơn giản để những tâm hồn đơn sơ nhất cũng có thể lĩnh hội: nó giống như tình trạng cành nho gắn liền với thân nho, nhận lấy nhựa sống từ thân nho để sống, nhờ đó cành nho có thể trổ sinh hoa trái. Nhất là, chỉ vì yêu thương – chỉ vì “Chúa Cha yêu mến Thầy, và Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”, – mà Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta được hưởng điều đó. Đồng thời, Ngài còn dạy chúng ta phương thế để có thể ở lại trong tình yêu của Ngài, đó là: “Hãy tuân giữ các điều răn của Chúa”. Thánh Gio-an cho biết: ai mến Chúa thì giữ các điều răn của Chúa, “mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu?” (1Ga 5,3).

Mời Bạn: ‘Yêu mến Chúa-thực thi lời Ngài-ở lại trong tình yêu của Ngài’ đó là một chuỗi liên hoàn duy nhất làm nên đời sống người Ki-tô hữu. Bạn có thể thực hành chuỗi liên hoàn ấy như sau: ngay khi thức giấc, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài thánh hoá ngày mới của mình; dành ít phút để suy niệm một câu Lời Chúa để mọi việc trong ngày, bạn thuận theo ý Chúa; thường xuyên tham dự thánh lễ và rước Chúa để bạn luôn có Chúa ở với bạn; và v.v… Bạn sẽ bắt đầu chuỗi liên hoàn đời sống Ki-tô hữu của bạn bằng việc gì?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút viếng Thánh Thể hoặc thinh lặng suy niệm 1 câu Lời Chúa và xin được ở lại trong tình yêu Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin tỏ tình thương của Chúa cho chúng con và xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.