09. Cha JEAN FRANÇOIS MARIE GÉNIBREL (THƯỢNG)

Tiểu sử

Cha sinh ngày 21-4-1851 tại Castres (Pháp), sang Việt Nam truyền giáo ngày 30-7-1875.

Từ năm 1882, Cha Thượng đã đến Tân Định làm phụ tá Nhà in. Khi Cha Eveillard qua đời, Ngài quản trị cơ sở ấn loát, nhưng vẫn giúp Cha Moreau ngồi tòa giải tội cho đến khi Cha Khánh về làm phụ tá. Sau khi Cha Moreau đổi đi, Cha Thượng được cử làm Cha Sở Họ Tân Định (1902 ).

Sinh hoạt

+ Hội Đoàn:

Ngày 29/1/1905, Cha Thượng lập “Hội Môi Khôi”, cổ vũ lần chuỗi trong gia đình, mỗi chiều Chúa Nhật đầu tháng có kiệu Đức Mẹ theo quy lệ của Hội. Cha còn lập “Hội Thánh Giuse”, nhưng không bao lâu thì tan rã. Sau đó ngày lập “Hội Thiên Thần Hộ Thủ” cho các em trai trong ca đoàn và ban giúp lễ. Ngày 1.1.1911 có khoảng 50 em gia nhập và được Cha Huillou hướng dẫn. Đến tháng 2/1911, số người gia nhập Hội Môi Khôi trong Họ và những nơi khác lên đến 873 người.

+ Trường học:

Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô đảm nhận việc giáo dục thiếu niên nam nữ gần 30 năm. Số học sinh lúc này lên đến 400. Riêng các nam sinh, học với các Sơ cho tới khi rước lễ bao đồng thì chuyển sang trường Taberd hoặc trường Nhà nước.

Các Sơ cũng nhận những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, hàng năm có đến 60 em. Khi đem các em về nuôi thì các em đều đã đau ốm nhiều nên phần lớn các trẻ này đều qua đời. Các Sơ còn phụ trách một Nhà nữ công dạy các thiếu nữ biết thêu may và tạo công ăn việc làm .

Giáo dân

Đến ngày 1-9-1910, số giáo dân đã vượt quá 3.000, trong đó có khoảng 300 người Âu Châu. Người giáo dân trong thời kỳ này rất tốt, luôn luôn kính trọng những vị chủ chăn của mình. Đức tin của họ khá vững mạnh, đôi khi họ có vấp ngã lầm lạc, nhưng luôn kính trọng các linh mục. Những tệ nạn xã hội như rượu chè, đàng điểm, hút xách, cờ bạc cũng ảnh hưởng đến một số giáo dân đang sống trong thành phố, một số có nếp sống khá buông thả. Nhưng phần lớn sau một thời gian lầm đường, lạc lối, họ đã ăn năn trở lại với Chúa.

Đa số giáo dân rất siêng năng xưng tội, rước lễ. Có nhiều người rước lễ hàng ngày. Có thể nói 1/3 số giáo dân rất tốt, 1/3 tốt và 1/3 còn lại hơi kém.

Số lượt người rước lễ năm 1903 là 5.930 và năm 1910 lên đến 24.000

+ Linh mục:

Nhiều thiếu nhi trong họ xin đi chủng viện và có hai người chịu chức linh mục:

– Cha Andrê Nguyễn văn Hiếu, chịu chức năm 1893.

– Cha Phaolô Trần Ngọc Đằng, chịu chức năm 1913.

-Ngoài ra còn có Cha Anrê Thế làng Chí Hòa ( mất tại Tân Triều năm 1903 )

+ Tu sĩ:

– Một thanh niên tu dòng sư huynh Lasan.

– Một thiếu nữ tu Nhà kín Sài Gòn, hai người vào Nhà kín Huế và vài chị vào Nhà Trắng Phaolô.

Cơ sở vật chất

+ Đất Thánh:

Trong thời kỳ này, Họ Đạo được sát nhập vào thành phố Sài Gòn. Đất Thánh Tân Định phải đóng cửa từ tháng 3-1903 và phải lấy cốt trong vòng 5 năm. Nhà Nước bồi thường một hecta đất ở nghĩa trang những người Á Châu để chôn người Công Giáo. Thấy bất tiện nên Họ Đạo vận động mua một Đất Thánh mới, tọa lạc trong làng Thanh Hòa (nay thuộc Quận Tân Bình), diện tích 2 mẫu 50 do Hội Thừa Sai để lại cho Họ đạo. Đất Thánh này được sử dụng đến năm 1963.

+ Các Cha Phụ tá:

Năm 1910, Cha J.B. Huỳnh Tịnh Hướng về làm phụ tá đồng thời làm chủ nhiệm tờ Nam Kỳ Địa Phận This id

Cha Mathêu Hồ Tấn Đức phụ trách in báo và sửa bài vở.

Cha Simon Nguyễn Thanh Chiêu coi học trò Nhà In và dịch bài báo ra tiếng Pháp để Nhà Nước kiểm duyệt.

Sau 12 năm phục vụ Giáo Xứ, Cha Thượng ngã bệnh và qua đời ngày 15-5-1914, giáo dân thương khóc Ngài và chôn cất Ngài tại Lăng Cha Cả .

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”