14. Cha GABRIEL NGUYỄN THANH LONG

Tiểu sử

Cha Gabriel Nguyễn Thanh Long sinh năm 1870 tại Thị Nghè và chịu chức linh mục ngày 25-12-1894. Sau khi chịu chức, Ngài làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Saigòn cho đến 1918. Cha Long là một trong các linh mục già nhất khi về làm Cha Sở Họ Tân Định (64 tuổi) và đây cũng là nhiệm sở cuối cùng trong đời mục vụ của Ngài.

Trước đó, từ cuối tháng 3-1919 đến 14-10 1926, Cha Long đã giữ nhiệm vụ Giám đốc Nhà In Tân Định. Sau đó từ ngày 12-11-1919 đến 1-11-1922, Ngài kiêm thêm chủ nhiệm báo Nam Kỳ địa phận.

Khi Cha Long làm Chánh Sở Tân Định thì Cha Giacôbê Huỳnh Công Quận thay Ngài trông coi Nhà In.

Cha là một linh mục đạo đức thánh thiện. Theo chứng tích của một số anh em kỳ cựu trong Họ, Ngài còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bài thánh ca. Ngài còn mời giáo sư âm nhạc đến dạy cho các thanh niên trong Họ Đạo.

Sinh hoạt

Cha Long rất yêu thương học trò Nhà in. Ngài mua sắm nhạc cụ, lập một “Ban nhạc Nhà in”. Ngài còn mướn thầy về huấn luyện cho học trò. Ban nhạc này đã từng phục vụ cho các buổi lễ trọng tại Nhà Thờ Tân Định và nhiều nơi khác khi có những cuộc lễ như: vinh quy, lễ vàng, lễ bạc, lễ hôn phối. Năm 1928, khi Cha J.B. Tòng diễn tuồng Thương Khó tại Tân Định thì Ban nhạc này đã trợ giúp rất thành công.

Cha Long luôn đấu tranh cho sự trật tự và nghiêm túc trong nhà thờ. Khi Ngài đang giảng, nếu thấy ai đứng ngoài Nhà Thờ hoặc chơi giỡn, nói chuyện là Ngài ngưng ngay bài giảng và mời họ vào Nhà Thờ hay nghiêm trang lại. Có lẽ vì ý thức sự thánh thiện và cao cả của Chúa nên Ngài không chấp nhận sự lãnh đạm và vô lễ của những người tín hữu thờ ơ.

Cơ sở vật chất

Cha Long không xây dựng một cơ sở vật chất nào quan trọng cho Họ Đạo, nhưng những năm ở Tân Định, Ngài đã xây dựng được tinh thần đạo đức nơi nhiều giáo dân. Đó là đóng góp quý báu mà Ngài đã cống hiến cho Tân Định trong những năm tháng cuối đời của Ngài.

Các Cha Phụ tá:

  • Cha Giuse Nguyễn văn Hưng (chịu chức năm 1917)
  • Cha Phaolô Nguyễn văn Truyền (chịu chức năm 1935)

Còn một ít Cha khác trong thời kỳ này, nhưng vì sổ rửa tội của Họ Đạo bị mất từ năm 1936 đến 1940 nên không biết được.

Sau gần 7 năm coi sóc Họ Tân Định, Cha Long qua đời ngày 4.8.1941. Giáo dân thương tiếc và chôn cất Ngài tại đất thánh các linh mục Chí Hòa.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”