Tag Archive for: Lịch sử giáo xứ

Tiểu sử

Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Thăm sinh năm 1921 tại họ Bến Gỗ và chịu chức linh mục năm 1949. Trước khi về Tân Định, Ngài từng làm phó xứ Nhà Thờ Đức Bà và chánh xứ Nhà Thờ Thị Nghè. Khi Cha Sở Nicolas Huỳnh Văn Nghi được phong chức giám mục, Tòa Giám Mục đã chọn Cha Thăm, Chánh Sở Họ Thị Nghè về làm chánh xứ Tân Định.

Ngày 3-11-1974, giáo dân Tân Định vui mừng đón rước Cha Sở mới. Công việc của họ đạo và của cơ quan Caritas được tách ra. Đức Cha Nghi vẫn tiếp tục giữ nhiệm vụ Giám Đốc Caritas.

Ngày 1-7-1995, một biến cố lớn đã xảy đến với Giáo phận TP Hồ Chí Minh: Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình qua đời. Sau tang lễ trọng thể, Ngài được chôn cất trong Nhà Thờ Chủng viện Thánh Giuse. Năm 1995, sau 21 năm phục vụ Họ Đạo, Cha Thăm lâm bệnh, Ngài về nghỉ tại Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.

Mùa Phục sinh năm 1996, Cha Sở Phanxicô Xavie Thăm trở về Tân Định và Ngài đã chỉ định Cha Phêrô Nguyễn Văn Hưởng thay Ngài cùng với các anh em linh mục điều hành công việc của Giáo Xứ Tân Định. Ngài cũng xin Linh mục Hạt Trưởng Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc thường xuyên đến giúp đỡ anh em.

Sinh hoạt

Cha Thăm rất yêu thích âm nhạc, nhất là thánh nhạc. Khi mới về Tân Định, Ngài thường khen ca đoàn Thị Nghè hát hay và tìm cách củng cố các ca đoàn tại Tân Định. Cha đã cấp học phí cho một số ca trưởng theo học các khóa đào tạo ca trưởng chính qui của các bậc thầy như Hải Linh, Hùng Lân, Kim Long… Ngoài ca đoàn Gloria do Cha thành lập mới, các ca đoàn khác cũng lần lượt được hồi sinh như : Tân Định (Ông Ba Thu), Têrêxa, Bác ái, Hương chiều, Thiếu nhi, Lộ Đức (Cầu Mới), Phụng ca, Bê Linh, Thiên Phước, Vào Đời. Mọi ca đoàn đều cố gắng tập hát, rèn luyện kỹ năng, để phục vụ Thiên Chúa và giáo dân bằng lời ca tiếng hát của mình. Cha Ph.X Thăm hay tổ chức Đại Hội Thánh Ca vào dịp trước lễ Giáng Sinh. Những đêm thánh ca này, ngoài các ca đoàn của Họ Đạo còn có sự tham gia của các ca đoàn bạn ở các Giáo Xứ lân cận, đã làm cho bầu khí Họ Đạo thêm vui tươi, sốt sắng chuẩn bị tâm hồn mừng đón Chúa. Cha cũng là ủy viên trong Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc, Ngài dự định xây dựng trường Thánh Nhạc tại Tân Định.

  • Ủy Ban Thánh Nhạc:

Hoạt động của Ủy Ban Thánh Nhạc có một nội dung rất phong phú, đều dặn, (lời ca thánh lễ, đối ca thánh vịnh, chức năng Ca Đoàn, nhiệm vụ ca trưởng, hội nhập văn hóa thánh ca, sáng tác thánh ca, âm nhạc trong thánh ca, đệm dàn thánh ca, cho đến Tuyển Tập Thánh Ca, Câu Lạc Bộ ca sĩ Thánh Ca, Qui chế Ủy Ban Thánh Nhạc VN và nhân sự tham gia đông đảo, (2 giám mục, 8 linh mục, 1 tu sĩ, 1 giáo dân và một số nghệ sĩ). Giáo Xứ Tân Định được chọn là trụ sở hoạt động thường xuyên của các thành viên tham gia sinh hoạt của Ủy Ban Thánh Nhạc.Những sáng kiến của Ủy Ban Thánh Nhạc hy vọng sẽ sớm thực thi được chương trình hội nhập văn hóa trên bình diện thánh ca không chỉ trong sinh hoạt thuần túy phụng vụ mà trong sinh hoạt đời thường của một cá nhân hay tập thể nào bất kỳ ngoài môi trường nhà thờ, để đem đạo vào đời dưới tinh thần Tin Mừng. Vấn đề là các sáng tạo của Ủy Ban Thán Nhạc cần mở rộng sang các lãnh vực nghiên cứu khác có họ hàng với âm nhạc, như thể điệu trường ca DTTS quyện với tiết tấu chiêng trống cồng và ca múa tập thể, tiến tới phúc âm hóa để thăng hoa, cách điệu hóa, chuyển đổi ý tử cả những lễ nghi chẳng hạn chung quanh một cuộc đâm trâu, uống rượu cần tế thần của người Tây Nguyên, như trong lịch sử phụng vụ các sứ đồ ban đầu đã làm phép rửa cho rất nhiều tập quán ngoài Kitô giáo.

Ngày 30-4-1975, thành phố Sàigon được giải phóng, đánh dấu một biến chuyển mới đối với miền nam nói chung và giáo hội công giáo nói riêng. Dù có nhiều người xao xuyến vì những nỗi niềm riêng tư gắn liền với các sự kiện trên đất nước đã bị chia cắt không phải chỉ về mặt lãnh thổ, mà còn về quyền lợi, thân xác, tâm hồn, và ý thức, thì sự kiện thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975 là một hồng ân cho giáo hội Việt Nam xét về nhiều khía cạnh. Người ta chỉ có thể nhận ra điều này trong một tâm trạng thanh thản, khiêm tốn, cầu nguyện, và sám hối.

Năm 1976, giáo phận Sàigòn được đổi là Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh; ranh giới gồm nội và ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh.Theo chủ trương chung, hai trường Đức Minh và Thiên Phước với số học sinh trên 6.000, được hiến cho Nhà Nước như mọi trường tư thục khác trong Thành phố. Hai hội đoàn ngưng hoạt động đầu tiên là Thiếu nhi Thánh Thể và Thanh niên công giáo. Tiếp theo, các đoàn thể như Đoàn phụ huynh Hiệp hội Thánh Mẫu, Nữ đoàn bác ái, các bà mẹ công giáo, Gia đình Phạt Tạ, Vinh Sơn, Hội Con Đức Mẹ, Legio Mariae cũng lần lượt ngưng hoạt động.

Cuộc sống đã làm thay đổi những sinh hoạt bề mặt của Họ Đạo, nhưng đã giúp giáo dân sống bề sâu của Đức tin nhiều hơn.

Giáo dân

Do hoàn cảnh từng gia đình, lớp thì di tản, lớp thì đi kinh tế mới, người trở về quê nên số giáo dân từ 17.000 đã giảm xuống còn 14.000 người. Số giáo dân tích cực cũ, giảm phân nửa, nhưng số người mới, có thiện chí cũng không thiếu, các anh chị em tham gia vào công tác phụng vụ (đọc sách Thánh, đọc lời nguyện giáo dân, xin thau, hát lễ ) và giữ xe rất đông. Những anh chị em khác trở thành giáo lý viên hăng say học hỏi giáo lý để truyền đạt lại cho các em Hàng trăm giáo lý viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội như bác sĩ giáo viên, công nhân trong các Xí Nghiệp tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng giáo lý viên. Theo chỉ thị và lời kêu gọi của Tòa Tổng Giám Mục về việc canh tân giáo lý, từ năm 1981, các em được dạy giáo lý theo chương trình 12 năm từ 6 tuổi đến 18 tuổi để giúp các em hiểu đạo sâu xa và sống đạo một cách tích cực trong hoàn cảnh xã hội mới.

Năm 1983, số các em tham dự học giáo lý ở các cấp: rước lễ, thêm sức và bao đồng là 1.200 em tại Họ Đạo chính. Ngoài ra trong mỗi Chi Họ như Fatima, Cầu Mới, Xóm Chùa. Xóm Lách, Công Lý cũng có những lớp giáo lý tại chỗ. Họ Đạo ý thức được việc sống đạo không phải chỉ có phần nghi lễ bên ngoài mà cần một cuộc sống đạo nội tâm đi sâu vào Tin Mừng. Các Linh Mục cố gắng đào tạo những Kitô hữu có khả năng sống đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào trong tương lai, cho dù không có Linh Mục và nghi lễ bên ngoài. Một số gia đình hoặc cá nhân không còn đi lễ hoặc lãnh nhận các bí tích nữa. Có người ngại việc giữ đạo có thể gây ảnh hưởng không tốt cho công ăn việc làm hay cho địa vị của mình trong xã hội hay cho những hướng đi lên trong tương lai . Có người vì muốn làm đẹp lòng những người thân trong gia đình có một quan niệm khác về đời sống tôn giáo nên ngại đi lễ đọc kinh. Nhưng số này tương đối ít thôi. Ngược lại số thanh niên thiếu nữ đến Nhà Thờ lại đông hơn, nhiều người đi dự các Thánh lễ hơn. Tại Nhà Thờ Tân Định, ngày chủ nhật có 6 Thánh lễ: sáng: 5 giờ, 6 giờ, 7 giờ 30 và 9 giờ, chiều: 4 giờ 30 và 6 giờ. Lễ nào cũng đông người tham dự. Ngoài ra còn có một Thánh lễ dành riêng cho giới trẻ tại lầu 2 nhà xứ vào lúc 7 giờ sáng, thường có khoảng 300 thanh niên nam nữ trong và ngoài Giáo Xứ đến dự lễ.

Như thế ngoài 6 lễ tại nhà thờ chính, còn có 9 lễ ở các chi họ do các Cha Tân Định thay nhau dâng lễ. Ngoài ra còn có Cha Phanxicô Hỳnh Hữu Đặng giúp cho Thánh lễ 6 giờ sáng tại Công Lý và Cha Micae Trần Thế Luân cũng giúp dâng lễ trong các họ: Xóm Lách. Xóm Chùa và Cầu Mới

Một hiện tượng khác cũng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Có nhiều người không dám khai thật mình là người công giáo trong lý lịch, vì sợ mất quyền lợi. Trong khi đó, số người xin tòng giáo lại gia tăng. Mổi khóa dự tòng 3 tháng có từ 50 – 60 người xin theo học để được rửa tội. Trong số đó có 2/3 xin học giáo lý để lập gia đình với người công giáo, số 1/3 còn lại xin học vì muốn tìm hiểu về Thiên Chúa khi cuộc sống vật chất đã không còn ý nghĩa gì nữa. Cha Thăm đã chọn ngày 1-1 hàng năm làm ngày truyền thống cho các tân tòng.

Ngày 9.7.1985, Hội Đồng Giáo Xứ Tân Định được hình thành. Sau đó, năm 1986, Hội Đồng Giáo Xứ ngưng hoạt động, Cha Sở đã thành lập Ban Phụng Vụ để giúp Cha trong việc điều hành Giáo Xứ.

Ngoài Ban Phụng vụ, còn có các Trưởng Khu, Trưởng các Chi Họ, Trưởng các Đoàn Thể gọi chung là các Trưởng Nhóm.

Bổn mạng của Ban phụng vụ là ngày lễ Chúa Kitô Vua, hàng năm đều có dâng thánh lễ tạ ơn và họp Đại Hội kiểm điểm sinh hoạt trong năm qua và đề ra công tác cho năm tới.

Cơ sở vật chất

Tháng 12-1976, Nhà Thờ Tân Định được sơn lại để kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng. Trong dịp này các Cha phụ tá cũ được mời về dâng thánh lễ đồng tế với hai Đức Cha trong giáo phận và với cộng đoàn Linh Mục hiện đang giúp cho Họ Đạo Tân Định. Nhân dịp này, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục địa phận TP. Hồ Chí Minh và cũng là một người con trong Họ Đạo đã nhắc nhở anh em phải biết ơn những người đi trước, biết sống đoàn kết và ý thức sứ mạng quan trọng của người giáo dân đối với tương lai của Họ Đạo.

Sau đó, công việc sửa chữa Nhà Thờ vẫn được tiếp tục, Cha Sở cho gỡ bỏ các hàng rào sắt ngăn cách giữa chủ tế và giáo dân và cho đổ cao cung thánh, tráng lại bằng đá mài màu xanh cho hợp với các cột chung quanh. Một công trình lớn được thực hiện là sửa và sơn lại tháp chuông cao gần 60 mét. Công việc thứ ba là tô lại trần Nhà Thờ đã loang lổ vì bị nước mưa dột xuống. Một số hồ quá cũ đã rơi xuống đất rất nguy hiểm cho người dự Thánh lễ .

Công tác trùng tu có thể tóm lại như sau:

  • – Sửa nóc Nhà Thờ từ 10-1987
  • – Làm trần, quét vôi từ 7-3-1990
  • – Quét vôi bên ngoài từ 25-7-1990

Đầu năm 1984, Nhà Nước ra lệnh ngưng chôn xác trong các nghĩa trang tại vùng Tân Bình. Do đó, Đất Thánh Tân Định tại đường Thoại Ngọc Hầu cũng được chỉ thị ngưng hoạt động. Để giải quyết sự việc này, Cha sở đã cho xây cất một phòng để đựng hũ cốt. Các kệ để hũ cốt được xây trong nhà in Tân Định, phía sau nhà bán ảnh và sách của các dì phước Chợ Quán. Các kệ này có thể chứa trên 4.000 hủ cốt. Trong tương lai các hài cốt chôn ở đất Thánh Tân Định sẽ được đem về gởi tại đây nếu thân nhân muốn.

Sau này, cha Hội cho tráng xi măng thông con đường vòng phía sau Nhà Thờ và dựng tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu và tượng Đức Mẹ sầu bi gần Nhà Hài cốt.

Các linh mục phụ tá:

Phần lớn các Cha phụ tá thời Đức Cha Nicolas làm Cha Sở vẫn tiếp tục ở lại giúp Cha Fx. Phan Văn Thăm và Họ Đạo.

  • Cha Giuse Đoàn Huy Hùng (1963 – 1968 và 1973 – 1993). Ngày 03-12-1993, Cha Phụ tá Giuse Đoàn Huy Hùng, sau 30 năm phục vụ tại Tân Định, đã qua đời sau cơn bệnh nặng. Ngài được an táng tại nghĩa trang Lazarô.
  • Cha Phêrô Nguyễn Văn Hưởng (1968 – 1970 và 1975 – 19-12-1998)
  • Cha Antôn Nguyễn Văn Hoa (1970 – 1986)
  • Cha J.B. Huỳnh Văn Huệ (1971 – 1977 và từ 24-12-1981 – 1999).
  • Cha Augustinô Nguyễn văn Trinh (1974 1984).
  • Cha Henri Nguyễn Sơn Xuyên (24-6-1981..)
  • Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền (từ 10-1987)
  • Cha Tôma Trần văn Hội (từ 12-1989)

Ngày 29-7-1997, Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Thăm, sau 23 năm làm Chánh Sở Họ Tân Định trong một thời kỳ nhiều khó khăn, đã từ trần. Giáo dân Tân Định rất thương tiếc Ngài và các cha phụ tá, hàng ngày đều có người xin lễ cầu cho linh hồn các Ngài. Cha được an táng tại Nghĩa Trang Tân Định, Đất Thánh của Họ Đạo.

Khi Cha Thăm qua đời, lúc đó, Tòa Tổng Giám Mục TP.HCM vẫn còn đang trống ngôi, Đức Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi giữ chức Giám Quản Địa phận vẫn chưa được Nhà Nước công nhận, nên chức vụ Chánh sở Giáo Xứ Tân Định vẫn còn trống.

Vì vậy, mỗi sáng thứ hai, cha Hạt Trưởng đều đến với các anh em linh mục tại Tân Định để bàn bạc việc điều hành Giáo Xứ. Các linh mục lúc đó còn: Cha Phêrô Hưởng, cha Phêrô Hiền, cha Tôma Hội, cha G.B. Huệ. Như vậy có thể nói, Cha Phêrô Hưởng, với sự giúp đỡ của cha Hạt Trưởng và các anh em linh mục, đã điều hành Giáo Xứ Tân Định gần một năm: từ tháng 7-1997 đến tháng 6-1998.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha sinh ngày 1-5 1927 tại Vĩnh Hội Sài Gòn. Ngài được cử đi du học tại Paris từ 1950 đến 1953 và chịu chức linh mục ngày 29-6 1953 tại Vương Cung Thánh Đường Notre Dame de Paris.

Sau khi làm giáo sư ở Tiểu chủng viện Sài Gòn (1953 – 1957) và làm quản lý cho Đại và Tiểu chủng viện (1957 – 1961), năm 1961, Ngài về làm Chánh Sở Gò Vấp.

Trong thời gian ở đây (từ 1961–1965), Ngài cho cất trường trung học Sao Mai, xây ba nhà ngủ cho các cô nhi và sau này thêm những chi nhánh khác như Cây Dương I và II, Xuân Trường I và II, Dốc 47 nơi huấn nghệ cho các thiếu nhi. Do đó địa phận đã chọn Ngài làm Giám đốc Liên hội các cô nhi viện.

Ngày 1-8-1965, Họ Tân Định hân hạnh đón Ngài về làm chánh xứ. Lúc đó Ngài được 38 tuổi.

Năm 1967, Ngài được chọn làm Giám đốc Caritas Sài Gòn. Ngài còn được mời làm Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Giáo lý toàn quốc, cho in cuốn Giáo lý Công giáo còn gọi là “Giáo Lý Tân Định”. Năm 1969, Đức Tổng Giám Mục cử Ngài làm Giám đốc phong trào Cursillos.

Nhận thấy Cha Nicolas Nghi là người có khả năng phục vụ, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cất nhắc Ngài lên chức Giám Mục phụ tá giáo phận Sài Gòn ngày 29-7-1974, Và sau đó, ngày 11-8 1974 nghi lễ tấn phong được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn do Đức Hồng Y Angelo Rossi, Tổng trưởng Bộ Phúc Âm hóa chủ sự. Vào lúc 16g cùng ngày, Đức tân Giám Mục đã về dâng thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Tân Định.

Ngày 27-10-1974, Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi về Tòa Giám Mục Sài Gòn, Họ Đạo Tân Định chuẩn bị đón Cha Sở mới. Ngày 06-12-1979, Ngài được chọn làm Giám Mục tiên khởi Phan Thiết và ngày 10-08-1993, Giám Quản Địa phận TP.HCM cho đến năm 1998.

Sinh hoạt

Để việc thông tin liên lạc và hướng dẫn mục vụ được hữu hiệu hơn, năm 1966 Cha Nghi cho ra tờ báo “Tuần san Tân Định”. Mỗi gia đình công giáo trong Họ Đạo đều được một tờ để đọc, do các Khóm trưởng đem tới. Tờ tuần báo này liên tục phục vụ Họ Đạo cho tới ngày 27-4-1975, tức năm thứ 10 và ra được 477 số. Nội dung gồm có Tiếng nói của Gia trưởng, những sinh hoạt trong Họ đạo, phần tin tức giải thích bài Tin mừng ngày Chúa Nhật và một số bài có tính cách giáo dục giúp cho thanh niên và thiếu nhi.

Hội các Bà Mẹ Công giáo được tái lập, số Hội viên gia tăng. Chi Họ Công Lý và Cầu Mới cũng có Hội các Bà Mẹ. Ngoài ra, Ngài còn lập các đoàn thể mới: Đoàn thể Gia đình phạt tạ, Đoàn Thanh niên công giáo, Đoàn Phụ Huynh và Nữ đoàn Bác ái, Hiệp hội Thánh Mẫu, phát triển thêm đạo binh Đức Mẹ, thành lập liên Prae sidia.Các đoàn thể khác vẫn được duy trì, củng cố và tăng cường: Hội Vinh Sơn, Hội con Đức Mẹ, Hội Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Thanh Niên và nhất là Hội Legio Mariae từ 3 tiểu đội lên 17 tiểu đội.

Các Hội Đoàn này mang sứ mạng giáo dục và đào tạo những tâm hồn tông đồ như:

  • Hội Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Thanh niên, Hội con đức Mẹ giúp thanh thiếu niên thánh hóa bàn thân và làm sáng danh Chúa qua cuộc sống.
  • Đoàn phụ huynh còn đảm nhiệm những công tác xã hội: giữ xe cho người đi dự lễ, tham gia vào tổ chức phụng vụ
  • Các bà mẹ công giáo và nữ đoàn bác ái tổ chức những lớp huấn luyện nghề gia chánh cho các thiếu nữ nghèo
  • Hội Vinh Sơn đến thăm viếng và giúp đỡ người nghèo về mặt vật chất.
  • Các nhóm đạo binh Đức Mẹ thăm viếng và tiếp xúc với những người xung quanh đã giúp anh em sống đạo và đem Chúa đến cho những ai chưa biết.

Cha Nicolas còn cho mở các lớp: Anh văn, Âu dược, Y tế xã hội, cắt may, thêu đan và các lớp huấn nghệ khác.

Ngoài những sinh hoạt của Họ Đạo, Cha Nicolas còn có những sinh hoạt khác rộng rãi hơn khiến họ Tân Định trở thành một trung tâm sinh hoạt của giáo phận. Một số Hội đoàn đã xuất hiện như: Hội cựu sinh viên công giáo, Phong trào Cursillos, Phong trào trí thức Công giáo (Pax Romana, trụ sở: lầu 3 Nhà xứ), Hội Y tá Công giáo, Hội văn nghệ sĩ công giáo, Hội cựu chủng sinh, Liên hội các cô nhi viện.

Tóm lại, dưới thời Cha Nicolas các hội đoàn hoạt động rất mạnh, công tác tông đồ đa dạng của các Hội đoàn làm cho sinh hoạt tôn giáo thêm phong phú

Giáo dân

Về đến Tân Định, công việc đầu tiên của Ngài là tổ chức công việc hành chánh và mục vụ của Họ đạo. Ngài thiết lập Hội đồng Giáo Xứ gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký, Thủ quỹ, các ông Trưởng khu và Trưởng Khóm. Họ Đạo được chia ra 14 Khu và mỗi khu có từ 6 – 12 khóm.

Năm 1967, Cha Nicolas cho lập sổ gia đình công giáo. Số giáo dân ghi nhận được là 14.986 người. Trong 9 năm làm Chánh xứ Tân Định, Cha Nicolas đã làm cho cơ cấu tổ chức trong Họ Đạo vững chắc : Ban Hành Giáo, các khu khóm đều có khu trưởng, khóm trưởng, các hội đoàn phát triển giúp cho công việc truyền giáo được dễ dàng và mạnh mẽ hơn.

Cơ sở vật chất

Cha Nicolas rất chú tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất cho Họ đạo. Ngài tân trang Ngôi Thánh Đường: cho sơn phết, lót gạch cho bằng phẳng, sửa tháp chuông nhiều nơi đã dột, cho bọc nệm các ghế quỳ. Công tác này tốn hết 492.547đ.

Công việc thứ hai của Cha Nicolas là xây dựng lại Nhà xứ Tân Định vì nhà xứ cũ quá chật hẹp và cũ kỹ. Nhà xứ mới được xây trong 3 đợt và được dâng kính Đức Mẹ Chúa Trời:

  • Đợt I : Ngày 1-9-1968 phần phía ngoài đường Hai Bà Trưng, tầng trệt cho ngân hàng Đại Nam mượn làm chi nhánh tại Tân Định.
  • Đợt II : Ngày 31-8-1969 phần phía trong.
  • Đợt III : Ngày 6-12-1972 thêm lầu 4Số tiền dùng để xây cất là 13.633.442 đ.

Ngoài ra còn các trụ sở khác như:

  • Nhà In Caritas bên cạnh Nhà In Tân Định (từ lâu đời) để giúp huấn nghệ.
  • Nhà sách Caritas (283 Iai Bà Trưng bên cạnh nhà sách Cha Vàng)
  • Chẩn y viện (phía trước Nhà Thờ).

Nhận thấy công việc phục vụ và mục vụ cần phải đi vào các khu xóm, nhất là các xóm nghèo và đông dân trong họ đạo, Cha Nghi lần lượt cho sửa chữa hoặc xây dựng mới các Nhà Thờ, Trung Tâm xã hội và thành lập ba Chi Họ mới.

+ Những Nhà Thờ đó là:

  • Nhà Thờ Xóm Lách (1951)
  • Nhà Thờ Xóm Chùa (1963) Nhà Thờ Fatima (1966)
  • Nhà Thờ Công Lý (1970)

+ Ba chi Họ mới là:

  • Chi họ Fatima: thành lập ngày 14-8-1966
  • Chi họ Cầu Mới : thành lập năm 1968
  • Chi họ Công Lý: thành lập năm 1970.

Như thế mỗi ngày, ngoài 3 lễ tại Nhà Thờ Tân Định, còn có 5 lễ trong các Nhà Thờ ở các khu xóm để người già cả và trẻ em có thể dự Thánh lễ mà không phải đi xa.

Ngoài ra trong địa bàn Họ Tân Định, Cha Nicolas đã mua căn nhà số 54/30/70 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm làm trụ sở xã hội trị giá 397.000 đ. Nhà xã hội Yên Đổ được dùng làm trường học, nhà phát thuốc và Nhà Thờ vào những ngày Chúa nhật.

Với tư cách là Giám đốc Caritas, Cha Nicolas còn cất thêm 10 Nhà Thờ và 16 cơ sở xã hội mới ở những nơi khác trong địa phận Sài Gòn.

Việc xây cất những cơ sở mới, tạo thêm những môi trường hoạt động đi vào vùng dân nghèo: chẩn y viện, chương trình bất túc và bảo trợ thiếu nhi giúp đỡ cho những người thiếu thốn về mặt tinh thần và vật chất. Trẻ em có trường để học, những người đau ốm có nơi khám bệnh, người già hay các gia đình đông con được giúp đỡ, các thanh niên thiếu nữ nghèo được hướng dẫn nghề nghiệp (nhà in, các lớp cắt may, nữ công, y tá… và những chương trình huấn nghệ khác).

Tóm lại dưới thời Cha Nghi, Họ Đạo Tân Định trở thành một trung tâm cho những sinh hoạt đa dạng : chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội và có một ảnh hưởng tầm vóc địa phận. Họ Đạo Tân Định có được những thay đổi và những tiến bộ đó có thể là do những nguyên nhân sau:

  • Sự giúp đỡ tài chính của Hội Bác ái
  • Đội ngũ nhân lực có khả năng và nhiệt tình
  • Tài biết qui tụ và sử dụng người đúng chỗ của Cha Nghi.

Các linh mục phụ tá:

Dưới thời Cha Nghi làm Cha Sở Tân Định, ngoài Cha Giuse Thành và Cha Giuse Hùng là những Cha Phụ tá đã đến trước, lần lượt các Cha sau đây về giúp Họ Đạo:

  • Ngày 7-9-1969, Cha Matthêu Lê Minh Châu, sau khi đi du học ở Louvain (Bỉ) về giúp họ đạo. Ngày 18-4-1971, Cha tạm nghỉ bệnh và ngày 6/6/1971 Cha về làm phụ tá ở Họ đạo Cầu Kho.
  • Tháng 6-1966, Đức Cha cử Cha J.B. Lê đăng Niêm vừa chịu chức linh mục về giúp Tân Định. Đến năm 1969 Cha được đổi về làm Cha Sở Chợ Quán.
  • Năm 1968 Cha Tôma Nguyễn văn Khiêm từ Cầu Kho đổi về làm cha phụ tá. Đến ngày 14-11-1971 Cha về làm Cha Sở ở Chợ Cầu.
  • Tháng 8-1968, Cha Phêrô Nguyễn văn Hưởng vừa chịu chức được gọi về giúp họ đạo.
  • Tháng 10-1968, Cha An Tôn Bùi Vĩnh Phước thuộc dòng Nazarít về tạm trú ở nhà xứ Tân Định và giúp cho Chi Họ Xóm Lách.
  • Cuối tháng 12-1968, Cha Hùng lên đường du học tại Canada.
  • Ngày 21-12-1969, Cha Giuse Thành đổi về Bắc Hà.
  • Đầu năm 1970, Cha Phêrô Nguyễn văn Hưởng bị bệnh phải đi nghỉ, Đức TGM Phaolô Bình gởi Cha An Tôn Nguyễn văn Hoa vừa học xong tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X về giúp Họ Đạo ngày 13-6-1970. Cuối tháng 11/1970 Cha Nicolas Nghi cùng Cha An Tôn Hoa dẫn phái đoàn công giáo Việt Nam đi Manila đón Đức giáo hoàng Phaolô VI. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến thăm Á Châu.
  • Vào tháng 12-1970 Cha Rôbertô Nguyễn Thiện Tâm vừa mới du học tại Rôma về, được cử làm Phó xứ Tân Định. Ngày 2-2-1974 Cha về làm Cha Sở họ Thánh Phaolô vừa tách ra khỏi xứ đạo Vườn Xoài.
  • Cha Nicolas vốn yêu thương anh em linh mục, nhất là anh em đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Vì thế ngày 14-4-1971, Cha J.B Huỳnh văn Huệ trước làm Phụ tá ở Cầu Kho, sau tạm trú ở Chủng viện, đã được mời về giúp Tân Định. Năm 1999, Cha về làm Cha Sở Họ Fatima Q.1
  • Cuối tháng 8-1971 Cha J.B Huỳnh Công Minh phụ trách phong trào Thanh lao Công cũng về Tân Định. Sau này, Cha là Tổng Đại diện Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày 20-6-71, Cha Albertô Trần Phúc Nhân, phụ trách “Văn phòng liên lạc với anh em Ly khai” cũng đến đặt văn phòng tại họ Tân Định.
  • Ngày 3-9-1971 Cha Micae Nguyễn văn Lộc từ Gò Vấp về làm phụ tá Tân Định, đến tháng 2/1974 Cha được mời về làm giáo sư Tiểu chủng viện Sài Gòn. Như thế năm 1971, Nhà xứ Tân Định có một cộng đoàn 8 linh mục, một con số rất cao đối với một họ đạo, cho dù là một xứ đạo có 17.000 giáo dân như xứ đạo Tân Định.
  • Ngày 5-1-1974 Cha Augustinô Nguyễn văn Trinh một người con trong Họ Đạo vừa đậu bằng Tiến sĩ Thần học tại đại học Innsbruck (Áo) được gọi về làm giáo sư thần học tại Đại chủng viện Sài Gòn, đồng thời làm Cha Phụ tá Họ Tân Định. Ngày 30-12-1984, Cha đổi đi làm Cha Sở Họ Phaolô 3 và ngày 26-05-1991, Cha Sở Họ Vĩnh Hội Q.4
  • Cũng trong thời gian này Cha Alexan Lại chư Khanh về tạm trú ở Tân Định trước khi đi Tuyến úy.
  • Ngày 11-9-1974 Đức Tổng Giám Mục ban cho Họ Đạo Tân định thêm một Cha Phụ tá mới: Cha Giuse Trần văn Huân. Đây là Cha Phụ tá cuối cùng thời Đức Cha Nghi làm Cha Sở họ Tân Định.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha sinh năm 1887 tại Cầu Kho và chịu chức linh mục năm 1914. Cha Phaolô về nhậm chức Chánh Sở Tân Định kiêm Giám đốc Nhà In ngày 23-4-1946. Lúc đó đã có sẵn hai Cha phụ tá là Phêrô Nguyễn văn Long và Gioankim Nguyễn văn Nghị.

Ngày 12-5-1965, sau 19 năm giữ nhiệm vụ Cha Sở Tân Định, Cha Phaolô Vàng, lúc đó đã 78 tuổi, đã đệ đơn từ chức lên Đức Tổng Giám Mục. Để tỏ lòng yêu mến vị Cha Sở già, giáo dân Tân Định đã tổ chức một bữa tiệc từ giã có Đức Khâm sứ Tòa Thánh, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình, nhiều linh mục và trên 200 giáo dân đến tham dự. Sau đó Ngài rút lui vào trong Nhà In để hưu dưỡng tại chỗ. Ngài để lại cho Cha Sở mới số tiền quỹ là 1.069.402 đ 97.

Ngày 19-9-1974, họ Tân Định mừng lễ Ngọc của Cha Phaolô Vàng, cựu Cha Sở của họ đạo. Ngài chịu chức linh mục được 60 năm và đã hưu dưỡng tại chỗ trong Nhà In Tân Định được 9 năm.

Thứ bảy 12-3-1977, Cha Phaolô Vàng mừng lễ Cửu tuần 90 tuổi Ngài dâng lễ tạ ơn lúc 5 giờ chiều. Đây là thánh lễ cuối cùng Ngài dâng trong Nhà Thờ trước mắt đông đủ giáo dân. Năm 1979, cha Phaolô Nguyễn Văn Vàng qua đời và được chôn cất tại Đất thánh các linh mục ở Chí Hòa.

Sinh hoạt

Trong thời Cha Phaolô Vàng, trường Thánh Luy vẫn do các Sư Huynh Lasan trông coi, Hiệu trưởng là sư huynh Urbain Lựu (1946-1947). Trường Sainte Enfance (Thiên Phước) vẫn do các Sơ Dòng Thánh Phaolô hướng dẫn và Bà Nhứt là So Marie Rose.

Trong Họ lúc bấy giờ có những Hội đoàn sau:

  • Hội Con Đức Mẹ,
  • Dòng ba Phanxicô,
  • Hội Bác ái Vinh Sơn và Thiếu nhi Thánh thể.

Phú Nhuận lúc này chỉ là một Họ nhánh của Tân Định.

Liền sau khi nhậm chức, Cha Vàng mở Tuần Đại Phúc từ ngày 2/6 đến ngày 16-6-1946. Ngài mời các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng Giáo dân tham gia rất sốt sắng và phấn khởi.

Ngày 22-8-1947, Họ Phú Nhuận tách ra khỏi Họ Tân Định và giao cho Cha Andrê Nguyễn văn Đại.

Năm 1951, Ngài mở hai kỳ Đại phúc từ 18-2 đến 21-3 và từ 18-11 đến 2-12 do các Cha Dòng Chúa Cứu thế giảng phòng. Thói quen này được thực hiện hàng năm, giáo dân sốt sắng tham gia và rất thích nghe các Cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng dạy.

Ngày 29-6-1958, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ rất trọng thể đã diễn ra, đi từ Nhà Thờ Tân Định đến Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, lúc bấy giờ còn trực thuộc Họ Tân Định.

Năm 1959, ngày 14-6, Hội Các Bà Mẹ Công giáo được thành lập. Qua tháng 7-1959, Cha Vàng giao Hội Dòng Ba Phanxicô cho các Cha Dòng Phanxicô lúc này đã đến lập trụ sở Dòng ở số 3 đường Phạm Đăng Hưng thuộc địa sở Tân Định. Từ đó Dòng Ba sinh hoạt độc lập với Họ Đạo.

Ngày 24-9-1961, Hiệp hội Thánh Mẫu được thành lập với Đoàn Phụ huynh gồm 25 người và Nữ Đoàn Bác ái với 120 đoàn viên.

Ngày 22-6-1963, Họ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tách ra khỏi Tân Định. Ranh giới gồm có phần đất giữa những đường Phan Đình Phùng(Nguyễn Đình Chiểu), Đoàn Thị Điểm (Trương định), Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Trương Minh Giảng (Trần Quốc Thảo) và Rạch Thị Nghè.

Giáo dân

Cha Phaolô Vàng cũng chú tâm đến đời sống đạo đức của các thiếu nhi. Ngòi tổ chức những buổi tĩnh tâm và dành riêng lệ ba, ngày Chúa nhật, cho các em học sinh và thiếu nhi. Ngoài các ngày Chúa nhật các em còn được dự lễ ngày thứ sáu đầu tháng và ngày 25 cuối tháng.

Năm 1917, một tin vui di đến với Họ Tân Định. Học sinh của 2 trường thánh Lu-y (Đức Minh) và trường Sainte Enfunce (Thiên Phước) đã thi đậu bằng Tiểu Học Pháp với tỷ lệ cao: Trường thánh Lu-y chiếm tỷ lệ 188/197 và trường Sainte Enfance: 35/43, nên được chính phủ ban khen.

Năm 1948, Trường Thánh Lu-y kỷ niệm 25 năm thành lập. Số Học sinh nam lên tới 700 em. Số các em thêm sức và rước lễ trọng thể là 300 em.

Ngày 20-3-1950, Cha Sở Vàng đã tổ chức mừng lễ vàng của Sơ Elisée 10 năm phục vụ tại Tân Định. Ngày 9-5-1950, Sư huynh Pierre Quý qua đời. Sau khi liệm xong, quan tài của sư huynh được đưa vào đặt trong Nhà Thờ để phụ huynh và học sinh thay nhau canh xác và cầu lễ. Hai sự kiện này cho thấy Cha Sở Vàng nêu cao lòng biết ơn của giáo dân đối với những người có công xây dựng Họ đạo.

Năm 1952, trường Louis de Gonzague được đổi tên là Trường Đức Minh với ý muốn cho học sinh noi theo gương nhân ĐỨC của thánh Philíphê Phan Văn MINH.

Ngày 3-4-1952, Cha Andrễ Nguyễn Văn Nam, một người con của Họ Tân Định (nhà ở SỐ 81/24 Nguyễn Hữu Cầu Q.1) về dâng lễ vinh quy. Sau này, năm 1975, Ngài được phong Giám Mục phụ tá Mỹ Tho.

Ngày 30-11-1955, Họ Đạo hân hoan chào mừng người con đầu tiên của Họ, Cha Phaolô Nguyễn văn Bình được thụ phong Giám mục. Đức Cha Bình sinh ngày 1/9/1910 tại Tân Định con ông Nguyễn Văn Trượng (nhà ở số 78/4A Võ Thị Sáu Q.1). Ngài chịu chức linh mục ngày 27/3/1937.

Ngày 22.1.1956, Đức khám sứ Josephe Caprio (1956 –1959 ) đến dâng lễ tại Họ Đạo Tân Định. Ngày 24-6-1956, Đức Cha Lemaire Bề trên Hội truyền giáo Ba Lê đến thăm viếng Họ Đạo Tân Định, nơi mà nhiều vị linh mục thừa sai đã có công xây dựng buổi ban đầu.

Ngày 6/1/1958, Trường Sainte Enfance Tân Định được đổi tên là trường Thiên Phước, học sinh toàn trường đều mặc đồng phục hồng, đồng bào địa phương thường gọi là “Vườn Hồng Tân Định”

Năm 1960, Họ đạo vui mừng đón Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình về nhậm chức Tổng Giám Mục địa phận Sài Gòn (20-11-1960).

Năm 1964, có kiệu rước Đức Mẹ từ Nhà Thờ Dòng Phanxicô về Thánh đường Tân Định và Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc do Đức khâm sức khai mạc và Đức Tổng Giám Mục bế mạc.

Cơ sở vật chất

Trường thánh Lu-y cũng được xây cất lại thêm 2 lớp . Kinh phí là 50.000 đ. Số tiền này do Tòa Giám Mục cho Họ Tân Định mượn. Ngoài ra Cha còn kêu gọi giáo dân đóng góp sửa chữa ngôi nhà Chúa. Số tiền dâng cúng lên đến 54.500 đ. Theo lời Cha Vàng thuật lại thì giáo dân Tân Định rất rộng rãi, họ sẵn sàng dâng cúng nếu Cha Sở biết sử dụng tiền đó một cách đúng đắn.

Năm 1947, Cha cho đến 17 cây sao và cây dầu trong sân Nhà Thờ để sân được rộng rãi và sạch sẽ hơn. Dụng cụ phục vụ trong Nhà Thờ do Cha mua sắm đều chắc chắn. Áo lễ, chén thánh được mua tận bên Tây.

Năm 1949, Cha cho sửa lại sườn nhà thờ, thay đổi kèo và đòn tay bằng sắt. Ngài đã nhờ hãng thầu “Société Hokayem et Bourget” phụ trách việc kiến thiết. Kinh phí lên đến 440.043đ45. Cha còn cho sơn phết lại trần Nhà Thờ để mừng đón năm thánh 1950.

Năm 1957, sân Nhà Thờ được trải đá và tráng nhựa. Công trình này được giao cho hãng thầu Dossa khởi công ngày 13-2-1957 và hoàn thành ngày 2-9-57 với kinh phí là 179.000 đ.

Cuối năm 1958, Cha Vàng cho xây tường xung quanh Đất thánh Tân Định để ngăn chặn nạn xâm lấn đất đai do những người di cư đến lập nghiệp vùng Chí Hòa. Tổng số chỉ là 182.789450.

Năm 1960, Cha Vàng xây nhà bếp cho các cha, Hội Quán (dành cho những buổi hội họp, tiếp tân, văn nghệ). Ngài còn cất mấy lớp giáo lý bên cạnh Hội quán (từ 1966 đến 1975) dùng làm nhà in Caritas. Việc xây cất hoàn thành ngày 24.8.1960, kinh phí hết 511.000 đ.

Các Cha Phụ tá:

Dưới thời Cha Vàng, có sự thay đổi về các Cha Phụ tá như sau:

  • Ngày 20-10-1949 : Cha Phêrô Long đổi đi Phước Lý và Cha Clément Nguyễn Kim Thạch đến thay.
  • Đầu tháng 12-1950, Cha Phêrô Nguyễn Thành Thông đổi đi Bà Rịa và Cha Phêrô Trần văn Thông đến thay. Trong những năm 1950 1951 còn có Cha Lu-y Phạm văn Nẫm, giáo sư chủng viện đến giúp Họ Đạo.
  • Ngày 20-4-1952, Cha Martinô Lê Phước Khánh về làm phụ tá.
  • Ngày 29-1-1953, Cha Phêrô Đặng Thành Tiền đổi đi và Cha Ernest Nguyễn văn Nhường về làm phụ tá.
  • Ngày 10-3-1953, Cha Clêmentê Nguyễn Kim Thạch đổi đi và ngày 5-7-1953 Cha Vincentê Trần Minh Khang về.
  • Ngày 29-4-1954, Cha Pierre Trần văn Thông và Cha Nguyễn văn Nhường đổi đi.
  • Cuối tháng 9.1954, Cha Tôma Lê văn Hiếu và Cha J.B Đinh Đức Hậu về.
  • Năm 1955, Cha Phêrô Lê văn Phát về (từ 1957 – 1959 Ngài đổi đi làm tuyên úy, sau đó trở về Tân Định làm Cha Phụ tá và đến năm 1963 Ngài đổi đi Trảng Bàng).
  • Từ 1956 – 1959, có các Cha Đa Minh Đinh Xuân Hải và Cha J.M Nguyễn văn Vĩnh về làm phụ tá.
  • Từ 1957 – 1963, có Cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh.
  • Từ tháng 11-1959 – 1961, có Cha Matthêu Lê Minh Châu.
  • Từ tháng 7-1961 – 1966, có Cha Giuse Nguyễn Hiến Thành.
  • Từ 1963 – 1965, có Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Dương.
  • Tháng 6-1963, dịp là Thánh Tâm, Cha Giuse Đoàn Huy Hùng về làm phụ tá (đến tháng 12-1968 Ngài đi du học Canada).

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

 

Tiểu sử

Cha sinh năm 1887 tại Thị Nghè, chịu chức linh mục năm 1917. Trước khi đến coi Họ Đạo Tân Định, Ngài đã làm giáo sư ở Tiểu chủng viện trên 20 năm. Cha Trị là một linh mục thẳng thắn, tốt bụng và hiếu học. Cha thường khuyên học trò nên bắt chước Cha chịu khó học giỏi để tiến bộ. Những đức tính đó, Cha vẫn giữ được cho đến già.

Ngày 28-4-1946, Đức Cha Jean Cassaigne bổ nhiệm Cha Trị về họ Chí Hòa. Khi Cha ra đi đã để lại cho Nhà Thờ số tiền là 4.549d.

Sinh hoạt

Khi vừa đến nhậm chức chánh xứ Tân Định, Cha cho sắp xếp lại chỗ ngồi trong nhà thờ, Ngài cho thiếu nhi lên gần Cung Thánh, loại bỏ bớt những ghế ưu tiên.

Về tổ chức đời sống Nhà xứ, Ngài rất nghiêm chỉnh đối với các Cha phụ tá (đa số là học trò của Ngài). Trẻ em và phụ nữ muốn thăm các Cha phải được phép của Ngài. Sở dĩ Ngài làm như vậy vì Ngài đã quen cuộc sống tu đức trong chủng viện.

Giáo dân

Cha Trị đã chăn dắt Họ Đạo trong những năm sôi động nhất: Nhật chiếm Đông Dương Cách mạng tháng 8-1945. Trong thời gian này, cha đã giữ vững được tinh thần giáo dân.

Năm 1945, trường Louis de Gonzague tạm đóng cửa vì hoàn cảnh chiến tranh và vì tình hình đất nước căng thẳng. Tân Định hồi đó là ngoại ô Sài Gòn nên yên tĩnh và an ninh, các sự huynh Trường Taberd được Cha Trị cho phép dời xuống trường Lu-y tránh bom đạn.

Ngày 25-8-1945, nhân dân thành phố Sài Gòn tổ chức một cuộc biểu tình lớn giành độc lập. Các Xứ đạo: Chợ Đủi, Cầu Kho, Gia Định và Tân Định có nhiều giáo dân sôi nổi tham gia. Tại Họ Đạo Tân Định Cha Trị đã khuyến khích cho nhiều thanh niên gia nhập Đoàn thanh niên Nam Bộ kháng chiến.

Các Cha Phụ tá:

  • Năm 1941 – 1942, Cha Phêrô Phan Thanh Thời.
  • Năm 1942 – 1943 , Cha Antôn Lê Quang Thạnh.
  • Năm 1942 – 1745 , Cha Phaolô Hồ Phước Lành.
  • Năm 1943 – 1949, Cha Phêrô Nguyễn Văn Long.
  • Năm 1945 – 1950, Cha Gioan kim Nguyễn văn Nghị.

Ngày 15/7/1955 Cha Andrê Trị qua đời và được chôn cất trong Đất Thánh dành riêng cho các Linh Mục cạnh Nhà Thờ Chí Hòa.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha Gabriel Nguyễn Thanh Long sinh năm 1870 tại Thị Nghè và chịu chức linh mục ngày 25-12-1894. Sau khi chịu chức, Ngài làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Saigòn cho đến 1918. Cha Long là một trong các linh mục già nhất khi về làm Cha Sở Họ Tân Định (64 tuổi) và đây cũng là nhiệm sở cuối cùng trong đời mục vụ của Ngài.

Trước đó, từ cuối tháng 3-1919 đến 14-10 1926, Cha Long đã giữ nhiệm vụ Giám đốc Nhà In Tân Định. Sau đó từ ngày 12-11-1919 đến 1-11-1922, Ngài kiêm thêm chủ nhiệm báo Nam Kỳ địa phận.

Khi Cha Long làm Chánh Sở Tân Định thì Cha Giacôbê Huỳnh Công Quận thay Ngài trông coi Nhà In.

Cha là một linh mục đạo đức thánh thiện. Theo chứng tích của một số anh em kỳ cựu trong Họ, Ngài còn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bài thánh ca. Ngài còn mời giáo sư âm nhạc đến dạy cho các thanh niên trong Họ Đạo.

Sinh hoạt

Cha Long rất yêu thương học trò Nhà in. Ngài mua sắm nhạc cụ, lập một “Ban nhạc Nhà in”. Ngài còn mướn thầy về huấn luyện cho học trò. Ban nhạc này đã từng phục vụ cho các buổi lễ trọng tại Nhà Thờ Tân Định và nhiều nơi khác khi có những cuộc lễ như: vinh quy, lễ vàng, lễ bạc, lễ hôn phối. Năm 1928, khi Cha J.B. Tòng diễn tuồng Thương Khó tại Tân Định thì Ban nhạc này đã trợ giúp rất thành công.

Cha Long luôn đấu tranh cho sự trật tự và nghiêm túc trong nhà thờ. Khi Ngài đang giảng, nếu thấy ai đứng ngoài Nhà Thờ hoặc chơi giỡn, nói chuyện là Ngài ngưng ngay bài giảng và mời họ vào Nhà Thờ hay nghiêm trang lại. Có lẽ vì ý thức sự thánh thiện và cao cả của Chúa nên Ngài không chấp nhận sự lãnh đạm và vô lễ của những người tín hữu thờ ơ.

Cơ sở vật chất

Cha Long không xây dựng một cơ sở vật chất nào quan trọng cho Họ Đạo, nhưng những năm ở Tân Định, Ngài đã xây dựng được tinh thần đạo đức nơi nhiều giáo dân. Đó là đóng góp quý báu mà Ngài đã cống hiến cho Tân Định trong những năm tháng cuối đời của Ngài.

Các Cha Phụ tá:

  • Cha Giuse Nguyễn văn Hưng (chịu chức năm 1917)
  • Cha Phaolô Nguyễn văn Truyền (chịu chức năm 1935)

Còn một ít Cha khác trong thời kỳ này, nhưng vì sổ rửa tội của Họ Đạo bị mất từ năm 1936 đến 1940 nên không biết được.

Sau gần 7 năm coi sóc Họ Tân Định, Cha Long qua đời ngày 4.8.1941. Giáo dân thương tiếc và chôn cất Ngài tại đất thánh các linh mục Chí Hòa.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

 

 

Tiểu sử

Cha sinh tại Gò Công ngày 07-8-1868, chịu chức Linh Mục ngày 19-8-1896, Ngài được Đức Cha Để (Dépierre) bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Giám Mục Sài Gòn cho đến năm 1917. Ngày 02-4-1917, Ngài được cử làm Cha Sở Bà Rịa. Đến tháng 9-1926 Ngài được đăng Đức Cha Đượm cử làm Chánh Xứ Tân Định. Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng là Cha Sở thứ 13 của Họ Đạo chúng ta. Ngài đã cai quản Họ Đạo từ tháng 9-1926 đến ngày 3-11-1933.

Khi nói về Cha J.B. Nguyên Bá Tòng người ta thường nhắc đến: tài hùng biện, công trình kiến trúc và vở tuồng “Thương Khó” của Ngài.

Lòng Tuồng Thương Khó là một vở kịch hát đạo đầu tiên tại miền nam phỏng theo kịch Opera của Pháp, diễn lại đoạn Đức Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dùng bữa tiệc ly, đoạn đường Thập giá, chết và lên trời. Các vai diễn đều do Ban Quới chức và nam hội viên Hội Bác Ái Vinh Sơn đóng (Vai Chúa Giêsu: ông Biện Chức, vai Phila tô: ông Đoàn Công Chính, vai Đức Mẹ: ông Võ Văn Viên…), các vai giả gái đóng rất đạt. Tuồng được công diễn nhiều lần: lần đầu tại Nhà Hát Tây (Nhà Hát Thành phố) nhân dịp 50 năm thành lập Chủng Viện Sài Gòn, lần 2 vào Mùa Chay năm 1923, tại Rạp Tân Định (Phát Hành Sách Tân Định hiện nay).

Ngoài vở kịch đặc biệt nói trên, Cha Tòng còn nổi tiếng về tài hùng biện. Các Họ Đạo, Tu Viện thường mời Ngài đến giảng và khi Ngài đi đến đâu, giáo dân thường đua nhau đến đó để nghe giảng.

Năm 1928, Cha Tòng được mời giảng phòng cho các Cha địa phận Qui Nhơn và cuối năm 1930 Ngài ra Bắc giảng hai đợt cấm phòng cho các Cha địa phận Phát Diệm, Báo chí ở hai địa phận đó không ngớt lời ca ngợi tài giảng dạy của Ngài.

Nhận thấy Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng là một Linh Mục thánh thiện và có khả năng, ngày 10-01-1933 Tòa Thánh gởi công văn chọn Ngài làm Giám Mục Phó địa phận Phát Diệm với quyền kế vị Đức Cha Alexameno Marcou. Tin này làm cho toàn thể giáo dân Tân Định vui mừng.

Ngày 01-5-1933, Cha J.B. Tòng lên tàu Athos II rời cảng Sài Gòn đi Rôma. Cùng tháp tùng với Ngài có Cha Phaolô Nguyễn Văn Vàng, Thư ký Tòa Giám Mục và là người sau này sẽ tiếp nối chức vụ cai quản Họ Tân Định.

Ngày lễ Chúa Ba Ngôi 11-6-1933, Đức Thánh Cha Piô XI làm lễ tấn phong cho vị Giám Mục tiên khởi Việt Nam.

Sau mấy tháng thăm viếng Âu Châu, Đức Cha Tòng trở về Tân Định ngày 25-10-1933. Ngài được giáo hữu tiếp đón vô cùng long trọng. Ngày Chúa nhật 29-10-1933, Ngài dâng lễ đại trào tại Nhà Thờ Tân Định.

Ngày thứ sáu 3-11-1933, giáo dân Tân Định xúc động tiễn đưa vị Cha Sở kính yêu ra Bắc nhậm chức.

Ngày 20-10-1935, Đức Cha JB Nguyễn Ba Tòng lên thay thế Đức Cha Alexameno Marcou đã từ chức làm Giám Mục địa phận Phát Diệm.

Sinh hoạt

Trường học: Thời Cha Tòng làm Chánh Sở Tân Định, năm 1931, số học sinh trường thánh Louis de Gonzague lên đến 320 em, dưới sự hướng dẫn của Sư Huynh Pierre Quý.

Cơ sở vật chất

Cha Tòng là một trong những Cha Sở có ông lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho Họ Đạo Tân Định. Ngài đã nới rộng Thánh Đường, xây dựng tháp chuông cao 52,62 m cạnh công lộ (Paul Blanchy, Hai Bà Trưng)

Trên tháp chuông này có 6 cổ chuông quý:

  • 2 Cổ chuông mang tên Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng
  • 1 Cổ mang tên ông Phaolô Luận và bà Hường.
  • Cổ thứ tư mang tên ông Tài và ông Long
  • Cổ thứ năm mang tên là Hiệp.
  • Cổ thứ sáu mang tên ông Chức và bà Ý.

Giáo dân Tân Định đã ghi lại trên một bản đá cẩm thạch trắng bên cạnh cửa cái Nhà Thờ lòng tri ân của Họ đối với Cha Tòng như sau:

THÀNH KÍNH BIẾT ƠN

Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng. Chánh Sở Tân Định

công trình nới rộng, làm đẹp và cất tháp chuông
Tháng 9-1929 – tháng 10-1930

Ngày 06-01-1929, Nhà Thờ Tân Định nhận được ba bàn thờ cẩm thạch trị giá 50.000 quan do gia đình ông Francois Haasz và bà Anna Tống Thị Mực dâng. Đây là bàn thờ quý nhất địa phận làm toàn bằng cẩm thạch Ý.

Các Cha Phụ tá:

  • 1927 – 1929: Cha Phêrô Bùi Hữu Năng.
  • 1924 – 1930: Cha Raphael Nguyễn Minh Linh.
  • 1929 -1931: Cha Phaolô Nguyễn văn Minh.
  • 1931: Cha Phaolô Đoàn Thanh Xuân
  • 1931 – 1932: Cha Matthêu Trịnh Tấn Hớn
  • 1931 – 1942: Cha Giuse Nguyễn Văn Hưng
  • 1933 – 1935: Cha Phaolô Lê Quang Thiệt.

Ngày 10.7.1949, Đức Cha Tòng qua đời tại Bùi Chu, linh cữu Ngài được đưa về an táng tại cung thánh Nhà Thờ Chánh Tòa Phát Diệm. Ngài đã để lại cho các tín hữu một chúc thư rất thánh thiện.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha sinh ngày 17-9-1867 tại Liguières (Pháp) sang Việt Nam Truyền giáo ngày 02-01 1906.

Cha Louis Emile Poitier là vị Linh Mục người Pháp cuối cùng làm Cha Sở Tân Định. Ngài chỉ coi Họ trong một năm rưỡi và chuẩn bị giao lại cho Cha Sở Việt Nam

Lúc trước, Ngài là một sĩ quan trong quân đội Pháp, sau về làm Linh Mục và trở qua Việt Nam.

Sinh hoạt

Ngài chuyên lo an ủi, gở rối cho các gia đình giáo dân.

Các Cha Phụ tá:

  • Năm 1925 – 1927, Cha Phanxicô Trần Công Hưu.
  • Năm 1926 – 1928, Cha Andre Lê văn Quyền.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha sinh ngày 21-4-1865 tại Saint Urbain (Pháp) sang Việt Nam truyền giáo ngày 15-11-1890.

Khi về làm Chánh Xứ Tân Định, Cha Cao còn giữ chức Bề Trên địa phận.

Từ cuối tháng 5-1924 đến tháng 12-1925, vì Đức Cha Victoire Quinton phải về Pháp trị bệnh, Cha Bề Trên Cao nhận quyền cai trị Địa phận. Ngày 12-11-1925, vị Khâm sứ đầu tiên của Tòa Thánh là Đức Cha Aiuti đến Đông Dương. Dịp này Cha Cao đã tiếp đón Ngài và mời Ngài đến ban Bí tích Thêm sức tại Họ Tân Qui.

Khi Cha Sở Họ Móng Cái là Cha Isodore Dumortier được chọn làm Giám Mục địa phận Sài Gòn, thì Cha Cao được cử đến Móng Cái để thay thế.

Sinh hoạt

Cha Đầu năm 1923, Cha Cao muốn mở một trường học nam sinh và mời các Sư Huynh La San trường Taberd về điều khiển. Ngài kêu gọi sự ủng hộ của giáo dân và lời kêu gọi của Ngài được đáp ứng cách nhanh chóng. Ngày 18/11/1923, Đức Giám Mục Quinton Địa phận Sài Gòn đã khánh thành ngôi trường mới và đặt tên là Trường Thánh Louis de Gonzague (Đức Minh). Hiệu Trưởng đầu tiên là Sư Huynh Ildephonse ( 1923 -1928 ). Các Sơ Dòng Thánh Phaolô từ đó chỉ phụ trách trường Nữ .

Các Cha Phụ tá:

  • Năm 1920 – 1925, Cha Phaolô Đoàn Quang Đạt.
  • Năm 1923 – 1924, Cha J.B. Lê Quang Triều.
  • Năm 1924 – 1925, Chu J.B. Trịnh Công Đoàn.

Cha Bề Trên Cao qua đời ngày 06/01/1933 tại Sài Gòn. Cả địa phận đều mến yêu, thương tiếc Ngài.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”

Tiểu sử

Cha sinh ngày 18-6-1875 tại Kersaint (Pháp), sang Việt Nam truyền giáo ngày 28-9 1900.

Từ năm 1911, Cha Guillou làm Cha Phụ tá Tân Định. Năm 1914, sau khi Cha Thượng qua đời, Đức Cha Lucien Emile Mossard cử Cha Du làm Chánh Xứ Tân Định.

Cha Du đã làm Cha Sở trong thời gian từ 1914 – 1918, đây cũng là thời gian thế chiến thứ I đang trong thời kỳ sôi động.

Đến tháng 3-1918, khi Cha Bề Trên Cao vừa đi nghỉ bên Pháp về thì được Đức Cha cử làm Chánh Xứ Tân Định. Cha Du lúc này chỉ còn phụ trách Nhà In.

Cha Guillou qua đời ngày 07-3-1919.

Sinh hoạt

Trong giai đoạn này, mọi sinh hoạt đều bình thường.

Giáo dân

Số giáo dân lúc này cũng lên đến 4.000 người, tuy nhiên số người Âu giảm đi vì chiến tranh Pháp Đức.

Cơ sở vật chất

Không có gì thay đổi đáng kể

Các Cha Phụ tá:

Từ năm 1914 – 1915, Cha Jules Victor Masseron.

Từ năm 1917 – 1920, Cha Antôn Nguyễn Đắc Huề.

Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”