13. Cha GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN BÁ TÒNG
Tiểu sử
Cha sinh tại Gò Công ngày 07-8-1868, chịu chức Linh Mục ngày 19-8-1896, Ngài được Đức Cha Để (Dépierre) bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Giám Mục Sài Gòn cho đến năm 1917. Ngày 02-4-1917, Ngài được cử làm Cha Sở Bà Rịa. Đến tháng 9-1926 Ngài được đăng Đức Cha Đượm cử làm Chánh Xứ Tân Định. Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng là Cha Sở thứ 13 của Họ Đạo chúng ta. Ngài đã cai quản Họ Đạo từ tháng 9-1926 đến ngày 3-11-1933.
Khi nói về Cha J.B. Nguyên Bá Tòng người ta thường nhắc đến: tài hùng biện, công trình kiến trúc và vở tuồng “Thương Khó” của Ngài.
Lòng Tuồng Thương Khó là một vở kịch hát đạo đầu tiên tại miền nam phỏng theo kịch Opera của Pháp, diễn lại đoạn Đức Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dùng bữa tiệc ly, đoạn đường Thập giá, chết và lên trời. Các vai diễn đều do Ban Quới chức và nam hội viên Hội Bác Ái Vinh Sơn đóng (Vai Chúa Giêsu: ông Biện Chức, vai Phila tô: ông Đoàn Công Chính, vai Đức Mẹ: ông Võ Văn Viên…), các vai giả gái đóng rất đạt. Tuồng được công diễn nhiều lần: lần đầu tại Nhà Hát Tây (Nhà Hát Thành phố) nhân dịp 50 năm thành lập Chủng Viện Sài Gòn, lần 2 vào Mùa Chay năm 1923, tại Rạp Tân Định (Phát Hành Sách Tân Định hiện nay).
Ngoài vở kịch đặc biệt nói trên, Cha Tòng còn nổi tiếng về tài hùng biện. Các Họ Đạo, Tu Viện thường mời Ngài đến giảng và khi Ngài đi đến đâu, giáo dân thường đua nhau đến đó để nghe giảng.
Năm 1928, Cha Tòng được mời giảng phòng cho các Cha địa phận Qui Nhơn và cuối năm 1930 Ngài ra Bắc giảng hai đợt cấm phòng cho các Cha địa phận Phát Diệm, Báo chí ở hai địa phận đó không ngớt lời ca ngợi tài giảng dạy của Ngài.
Nhận thấy Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng là một Linh Mục thánh thiện và có khả năng, ngày 10-01-1933 Tòa Thánh gởi công văn chọn Ngài làm Giám Mục Phó địa phận Phát Diệm với quyền kế vị Đức Cha Alexameno Marcou. Tin này làm cho toàn thể giáo dân Tân Định vui mừng.
Ngày 01-5-1933, Cha J.B. Tòng lên tàu Athos II rời cảng Sài Gòn đi Rôma. Cùng tháp tùng với Ngài có Cha Phaolô Nguyễn Văn Vàng, Thư ký Tòa Giám Mục và là người sau này sẽ tiếp nối chức vụ cai quản Họ Tân Định.
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi 11-6-1933, Đức Thánh Cha Piô XI làm lễ tấn phong cho vị Giám Mục tiên khởi Việt Nam.
Sau mấy tháng thăm viếng Âu Châu, Đức Cha Tòng trở về Tân Định ngày 25-10-1933. Ngài được giáo hữu tiếp đón vô cùng long trọng. Ngày Chúa nhật 29-10-1933, Ngài dâng lễ đại trào tại Nhà Thờ Tân Định.
Ngày thứ sáu 3-11-1933, giáo dân Tân Định xúc động tiễn đưa vị Cha Sở kính yêu ra Bắc nhậm chức.
Ngày 20-10-1935, Đức Cha JB Nguyễn Ba Tòng lên thay thế Đức Cha Alexameno Marcou đã từ chức làm Giám Mục địa phận Phát Diệm.
Sinh hoạt
Trường học: Thời Cha Tòng làm Chánh Sở Tân Định, năm 1931, số học sinh trường thánh Louis de Gonzague lên đến 320 em, dưới sự hướng dẫn của Sư Huynh Pierre Quý.
Cơ sở vật chất
Cha Tòng là một trong những Cha Sở có ông lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho Họ Đạo Tân Định. Ngài đã nới rộng Thánh Đường, xây dựng tháp chuông cao 52,62 m cạnh công lộ (Paul Blanchy, Hai Bà Trưng)
Trên tháp chuông này có 6 cổ chuông quý:
- 2 Cổ chuông mang tên Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng
- 1 Cổ mang tên ông Phaolô Luận và bà Hường.
- Cổ thứ tư mang tên ông Tài và ông Long
- Cổ thứ năm mang tên là Hiệp.
- Cổ thứ sáu mang tên ông Chức và bà Ý.
Giáo dân Tân Định đã ghi lại trên một bản đá cẩm thạch trắng bên cạnh cửa cái Nhà Thờ lòng tri ân của Họ đối với Cha Tòng như sau:
THÀNH KÍNH BIẾT ƠN
Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng. Chánh Sở Tân Định
Vì
công trình nới rộng, làm đẹp và cất tháp chuông
Tháng 9-1929 – tháng 10-1930
Ngày 06-01-1929, Nhà Thờ Tân Định nhận được ba bàn thờ cẩm thạch trị giá 50.000 quan do gia đình ông Francois Haasz và bà Anna Tống Thị Mực dâng. Đây là bàn thờ quý nhất địa phận làm toàn bằng cẩm thạch Ý.
Các Cha Phụ tá:
- 1927 – 1929: Cha Phêrô Bùi Hữu Năng.
- 1924 – 1930: Cha Raphael Nguyễn Minh Linh.
- 1929 -1931: Cha Phaolô Nguyễn văn Minh.
- 1931: Cha Phaolô Đoàn Thanh Xuân
- 1931 – 1932: Cha Matthêu Trịnh Tấn Hớn
- 1931 – 1942: Cha Giuse Nguyễn Văn Hưng
- 1933 – 1935: Cha Phaolô Lê Quang Thiệt.
Ngày 10.7.1949, Đức Cha Tòng qua đời tại Bùi Chu, linh cữu Ngài được đưa về an táng tại cung thánh Nhà Thờ Chánh Tòa Phát Diệm. Ngài đã để lại cho các tín hữu một chúc thư rất thánh thiện.
Trích “Kỷ niệm 140 năm thành lập Giáo Xứ và 125 năm xây dựng Thánh Đường”